- Bất quản nhân ngôn tục, ninh tòng ngã tác si[1]
(Chẳng quản lời tục khí, yên theo cái si tâm của riêng ta)
“Ngươi muốn làm gì đây?” Dứt tiếng cười, con chim gỗ bỗng hỏi. Y còn thoáng ngơ ngác không hiểu, nó liền nói tiếp. “Nghĩ đi nghĩ lại, ngươi định làm cách nào cảnh báo nhà vua, tránh được cái tương lai kia đây?
“Ta cho ngươi một cơ hội, trong đêm nay.” Con chim gỗ vẫn vừa lắc lư vừa nói. “Ngươi đã đập vỡ nơi trú ẩn của ta cũng như kết tinh ký ức ta thu thập được, hiện thời ta đã mất năng lực hóa hình. Muốn tiếp tục tồn tại, ta phải thu lấy ký ức về, nhưng hầu hết người đã chết cả rồi. Thiếp của Kiến An công ngơ ngác chẳng biết gì, nhà vua kia thì ta chẳng chạm đến được, chỉ còn có ngươi vừa tiếp nhận chúng.”
“Ngươi là con quỷ ẩn náu trong đền thờ ăn lấy oán hận thương tâm của người, gặp cơ hội mà thành hình. Hoàng đế tôn quý thì một con quỷ như ngươi không thể tiếp cận, nên ngươi định dùng ta ép chết ngài ta.” Y lẳng lặng mỉm cười, chăm chú nhìn con chim gỗ. “Hoặc là, trước khi biến mất hoàn toàn, ngươi phải ép chết bằng được ngài ta. Ngài ta chết thì ngươi mới có thể tồn tại. Thậm chí có thể ngươi chỉ muốn giết ngài ta bằng được.”
“Ngươi cứ việc phỏng đoán. Nhưng ta nhắc lại, ngươi chỉ có một cơ hội duy nhất, trong đêm nay.” Con quỷ kia cười mà uể oải trả lời. “Tuy nhiên vì ngươi là một kẻ đáng ghét, ta không thể để ngươi dễ dàng mà mách lẻo, nghĩ cách qua mặt ta được. Nếu ngươi không nói với nhà vua, ta sẽ chỉ cho ngươi nơi chôn cất Mạc Hầu Hy. Nếu ngươi nói, cả đời cũng đừng hòng tìm được mộ anh ta.”
Y vừa nhíu mày toan hỏi, đã nghe tiếng động ngoài gian nhà. Con chim gỗ liền im bặt, bất động ngay lập tức. Có tiếng ngựa đến trước cửa phủ, rồi một người mặc trang phục nội giám được Trường Khánh công dẫn vào phòng.
“Ngươi chờ một lát.” Trường Khánh công nói với viên nội giám, đi đến tủ cạnh phòng lấy ra một tập giấy, vừa đưa cho nội giám vừa nói. “Nhạc công hát mừng Đại khánh năm sau tập ở nhà Đoan Bản, Tôn Nhân phủ đang bàn định cử người coi việc. Các ông trùm có người trong thự Thanh Bình, Thanh Hòa vừa đưa danh sách tới. Tuy nửa năm nữa mới đến ngày Đại khánh, nhưng từ đầu năm đã có nhiều lễ phải làm, họ đến Kinh sớm thì hơn.”
“Bẩm vâng, tôi sẽ tâu lại với hoàng thượng.” Viên nội giám nhận tập giấy, nhẹ thở ra. “Đêm nay ngài viết được khúc nhạc, có lẽ nóng lòng nên đến Duyệt Thị đường, lại bảo tôi tới phủ này lấy danh sách ca công về cho ngài xem duyệt.”
“À…” Trường Khánh công thốt khẽ, đưa mắt qua y vẫn đang khoanh chân ngồi trên sập trong góc tối. “Nếu ngài ở Duyệt Thị đường, thì ngươi dẫn kẻ kia vào bái mạng, nói rõ hơn về việc tập nhạc cho thự Thanh Bình.”
Anh ta nói, ra dấu về phía y. Y liền biết thân biết phận đứng dậy đi theo viên nội giám, cầm lấy thẻ bài của phủ Trường Khánh. Hẳn nhà vua nọ nóng lòng sốt ruột về y chứ chẳng phải bản nhạc nào, chỉ tìm cớ đưa người tới phủ Trường Khánh công dò xét.
Ngang qua Kinh thành, y nghe tiếng trống báo vào canh hai. Các khu phủ đệ vẫn chưa ngủ, có nơi văng vẳng tiếng nhạc nho nhỏ, xôn xao tiếng người. Cổng hoàng thành mở hé cho viên nội giám đưa y vào. Duyệt Thị đường nằm ngoài rìa cung thành, trường lang dẫn đi đến đại điện thấp thoáng bóng quân Vũ lâm trực đêm, ngoài cửa nhà hát này cũng có thị vệ canh gác.
Nhưng qua lần cửa lớn, y thấy mình lọt vào khoảng tối lù mù trong nhà hát. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ đặt trên sân khấu, soi tỏ bóng người mặc áo lụa vàng. Căn nhà hai tầng cao, tường xây gạch dày, khiến viên nội giám vừa lui ra đóng cửa đã khiến y có cảm giác tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.
“Lại đây!” Nghe nội giám nói về Trường Khánh công cử y đến, nhà vua gật đầu, cho ông ta lui ra, rồi ra lệnh cho y đang quỳ sụp trên sàn. Y quỳ lần tới, ngài ta liền sốt ruột gắt. “Đi đến đây!”
Y liền đứng dậy, chầm chậm bước tới cạnh cái sân khấu cao. Bàn ghế được dọn sang hai bên, để lại khoảng nhà trống trải ở giữa. Nhà vua ngồi trên sân khấu, thả chân xuống bậc, tay cầm một cái đàn nhỏ, ngón tay vẫn búng nhẹ dây đàn khi ngài ta nheo mắt nhìn y.
“Ngươi thế nào rồi?” Khi y cúi đầu đứng dưới chân ngài ta, nhà vua hỏi. Bỗng nhiên y thấy mình phải suy nghĩ một lúc rồi mới đáp.
“Bẩm, đa tạ sự chăm sóc của Trường Khánh công, thần đã khỏe. Nhưng thần chưa kịp hỏi hoàng Cả về việc xảy ra ở Ý Thục từ…” Y thận trọng nói khẽ, nghe tiếng cười của nhà vua.
“Ta cũng muốn biết có chuyện gì khi ngươi bỗng nhiên lăn ra ngất, làm mọi cách vẫn không tỉnh. Thế rồi làm sao mà ngươi tỉnh lại được?” Nhà vua hỏi, y lại im lặng một thoáng.
“Bẩm, hẳn là do thần được đưa tới phủ Trường Khánh công. Phủ đệ công hầu dày phúc khí, yêu ma không dám xâm phạm.” Y trả lời, rồi bỗng thoáng ngẩn người. Nhà vua nghe câu nói cũng trầm mặc nhìn y.
“Ngươi thấy yêu ma nào thế?” Ngài ta đặt cây đàn sang bên, cúi mình hỏi. Y nhìn chiếc bóng ngài ta trượt trên sàn nhà, vẫn không ngẩng đầu lên.
“Những thứ còn tồn tại ở nhân gian đều do chưa siêu thoát, có lẽ không phải người mà ngài muốn gặp. Như thần đã kể trước, đều là tà khí của chuỗi hạt và viên hổ phách kia quấy nhiễu. Một thứ đã ở trong đền thờ hưởng hương khói trăm năm, thu nhận biết bao nhiêu oán tình. Một thứ được đào ra từ pháp trường xử tử, chứa bao nhiêu là thù hận. Mấy năm nay nơi này nhiều việc phải xử trị, cả nước cũng vừa qua biến loạn tang thương, lại thêm đại dịch, thiên tai, khí xấu trải khắp, những tà khí trong này mới mạnh thêm.” Y mím môi, quyết định nói. “Thứ cho thần phỏng đoán bừa bãi, ông hoàng Miên Liêu mời thần tới đây trừ tà vốn là vì ngài chứ không phải vì mẹ ông ấy.”
“Vậy sao…” Nhà vua nói khẽ sau một hồi yên lặng. Y nghe như ngài ta còn thoáng thất vọng.
Hẳn nhiên ngài ta chẳng buồn quan tâm đến ma cỏ nấp trong hòn đá bên đường. Còn Miên Liêu hẳn cũng như muôn người khác đều nhận thấy sức khỏe nhà vua đã tuột dốc sau kỳ thu thẩm năm ấy, và chuỗi hạt ngày càng sậm đen tối tăm lại. Trong nỗi lo lắng ngờ vực, cậu ta đi tìm một đạo sĩ trừ tà từ lời bàn tán của thương buôn đến phố Bao Vinh. Như những lời rì rầm của quan lại khắp Nam Bắc hiện tại, ‘yêu ma đang gây tai họa cho đất nước’ – yêu ma từ cuộc biến loạn, những cuộc xử trị kéo dài suốt hai năm. Yêu ma đang tác quái lên nhà vua, người luôn bày tỏ sự căm ghét sâu sắc với hai vị quyền thần, há lại có thể đau lòng đến ngã bệnh không gượng dậy nổi sau khi trừ diệt hoàn toàn hai gia đình ấy? Yêu tà, chỉ có sự tà quái nào đó mới giải thích được cho điều đang xảy ra. Thậm chí, một tên phản nghịch táo gan nào đó còn có thể nói, nhà vua bị anh linh của Tả quân, của những kẻ đã chết trừng phạt.
Còn thái độ của nhà vua vẫn là chẳng buồn bận tâm. Như ngài ta đã trừng trị cả vị tôn thất trị nhậm Nghệ An vì dám nhắc đến ma quỷ lẫn thánh thần. Như ngài ta thờ ơ trước những gì y vừa nói.
“Tà khí ấy… vốn rất hiểu ngài.” Y cân nhắc hồi lâu rồi nói khẽ. “Nó hiểu mọi thứ, rất nhiều thứ.”
“Ngọc là kết tinh của đất, xương cốt của người lại là Thủy, là thể trí, não tủy ẩn tàng.” Nhà vua vẫn bình thản nói, lại nhấc cây đàn lên, bất chợt cười nhẹ. “Nó có thể biết cái gì? Là trời là đất, là quá khứ vị lai? Nó mách bảo với ngươi chuyện mà nó nghĩ có thể đem trao đổi với ta được? Hay nó chỉ dẫn cho ngươi việc làm sao xé trời rạch đất thành vua thành chúa?
“Nếu là việc sau, thì quả nhiên nó là một con quỷ lừa lọc. Một loại quỷ sống nhờ vào oán linh của người, đem sự tham tàn ra dẫn dụ, tạo ra một bọn quỷ sống. Nếu là việc trước, thì chẳng qua cũng là một kẻ lưu manh tiểu xảo đáng khinh.” Ngài ta cúi xuống gần y hơn, hạ giọng. “Nó hiểu cái gì để nói cho ngươi thế?”
“Ngài không muốn biết tương lai sao?” Y mím môi hỏi lại. Nó – ngươi, hiểu cái gì, ngài ta hỏi, rồi y bỗng dưng không biết trả lời ra sao. Y chỉ biết những câu chuyện rời rạc, những mảnh cắt ngoài bề mặt, tưởng như đã rõ mà nghĩ kỹ vẫn là chẳng hiểu gì. Ngài ta, nhà vua ở trước mặt y, ẩn mình trong bóng tối của căn nhà hát đóng kín, lúc này, bây giờ, là người như thế nào, đang nghĩ gì, y cũng không thể nắm được.
“Không.” Trong sự ngạc nhiên của y, nhà vua trả lời. “Ta đang làm một cuốn bói quẻ dựa trên can chi, và càng suy ngẫm, ta càng nhận rõ mọi thứ có quy luật của nó. Thánh nhân phải xét vật lý đến cùng cực mới có thể nói đến số, không thể nói với người thường[2]. Thứ gọi là số, vốn dựa trên lý, tương lai là kết quả của cả quá khứ và hiện tại, hiện tại lại là sự vận hành không thể đổi thay của thiên cơ. Thiên cơ – đó là cỗ máy của trời. Một thứ máy móc hoạt động hoàn toàn dửng dưng bất biến, bất chấp mọi ý muốn, mọi ý chí. Kẻ càng biết rõ, hiểu rõ về vận số, lại càng không đem chúng ra rêu rao.”
“Ngài đã biết điều gì?” Y bỗng thì thào, như chỉ tự nói với chính mình. Nhà vua mỉm cười, đứng dậy đi vòng quanh sân khấu, gõ vào bộ đàn khánh được cất xung quanh.
“Ta thấy bão tố, rất nhiều bão tố[3].” Nhà vua nói trong tiếng nhạc khí vang nho nhỏ, vọng quanh quanh nhà hát kín. “Nhưng chuyện đó thì ắt hẳn chẳng cần sách lý số nào cũng có thể nói được.
“Đất nước này, thế gian này, có thể yên vui sao? Hay chỉ cần đóng tất cả cánh cửa lại, đuổi tất cả những thứ gọi là nguy cơ đi, đánh xa tất cả kẻ dám lại gần sinh sự, vậy là có thể cho rằng mình yên ổn vui hòa? Thậm chí không được nữa thì cúi đầu lạy lục xin tha, chỉ cần đội lên một ông chủ chẳng cần biết là ai thì vẫn có thể an bình xem như không có gì xảy ra? Đáng tiếc, ngay cả chuyện đó cũng chỉ là trong sách vở. Trong đất nước đóng kín mấy trăm năm mà người Tây dương phát hiện ra cuối cùng ở vùng này, một đám người nhao nhao chia bè kéo phái cắn xé nhau. Mã Lai nhượng bộ Tây dương để rồi bị nuốt chửng từng phần, Xiêm La tiếng là kết giao với Hồng Mao nhưng chẳng khác gì nô lệ, không một con người nào có thể an ổn.” Nhà vua cười. “Mỗi một kẻ chúng ta đều chỉ là cái bánh răng, cây đinh để thúc đẩy cỗ máy lớn vận hành. Sinh sinh diệt diệt, thịnh suy thành bại, cuối cùng chỉ là một trò chơi của máy trời. Đời ta chưa bao giờ biết thế nào là an ổn, nên thuyền đi vào bão thì vẫn cứ phải đi thôi. Liệu có thể tránh được sao?”
Y mở miệng toan nói, ánh mắt lại lướt qua những tờ giấy rơi vãi quanh nơi nhà vua vừa ngồi. Y bất chợt ngẩn người, tất cả những điều muốn nói, muốn hỏi rơi vào thinh lặng.
“Ngài muốn gì?” Sau cùng, y nói như một tiếng thở dài. Nhà vua ngồi xuống chiếc ghế trên sân khấu, trước tấm màn đã trở nên đen thẫm trong bóng tối. Nửa khuôn mặt ngài ta chìm trong bóng tối, nửa còn lại chập chờn lửa mờ không soi được ánh mắt sâu.
“Ta muốn gì?” Ngài ta lặp lại, y thấy từa tựa như một nụ cười thoáng qua gương mặt ngài ta, trong khi ngài ta tư lự lặp lại. “Ta muốn gì?”
“Lúc bắt đầu, ta muốn làm một ông vua tốt – một ông vua tốt theo cách mà mọi người đều bảo. Ta liên tục hỏi bọn họ, người xưa có làm như thế này không, thánh nhân có làm thế không? Ngay cả khi manh nha những ý muốn khác, ta vẫn tự biện giải cho mình rằng đây là đạo lý nên làm, phải làm.” Ngón tay nhà vua gõ lên thành ghế, khi ngài ta nghiêng đầu nhìn mái nhà tối, khu lầu che rèm kín bất động. “Nhưng một ông vua tốt theo lời bọn họ chỉ là con bù nhìn giữ ruộng, là thứ hình nhân để mỗi kẻ lợi dụng lẫn thao túng theo mỗi cách khác nhau. Kể cả thế thì cũng ổn thôi, nếu những kẻ ấy là quan thần trong sách vở, nhưng không chỉ Nghiêu Thuấn là thứ chuyện kể hão huyền của thời thượng cổ, mà đến trung thần nghĩa sĩ cũng chỉ là vở tuồng do bọn con hát vẽ ra. Ta cảm thấy không thể cứ thế này được, đất nước này không thể cứ như thế. Ta vẫn muốn làm một ông vua tốt, nên ta đem mọi thứ ta học được, đọc được áp dụng vào trị quốc. Ta vẫn cứ nghĩ rằng mọi việc ta làm là tốt thôi, chẳng lẽ mọi người lại muốn sống mãi như thế? Chẳng lẽ họ cứ muốn sống trong những quy luật mông muội, những trò hề rẻ tiền, thứ cuộc đời vô nghĩa nọ? Thậm chí là cả cái nghèo, sự khổ một cách phi lý chỉ vì sự ù lì bất động, ngu muội cố chấp, phung phí niềm tin lẫn cuộc đời mình một cách vô ích đến thế? Nếu không muốn theo đuổi những mục tiêu lớn lao, họ vẫn có thể tử tế, sung túc, chăm chỉ, vui vẻ hơn cơ mà. Ta nào có bắt họ bị đày ải như nô lệ của Tây dương, ta cấm kẻ trên cướp bóc kẻ dưới, ta mở những ruộng dâu, đay, cho khai hoang đồng lúa, mở mang đất đai, tìm từng giống lúa, giống tằm một, kêu gọi họ làm việc, ta mở những công trường, công trình, trả tiền lương cho họ. Ta cho người đi tìm đủ mọi nguồn lợi, bán lấy tiền để tiếp tục thực hiện công trình của nhà nước, tích trữ của cải. Để tạo lập thế lực, để không bị nuốt chửng, để duy trì hoạt động, đất nước này cần phải có tiền, rất nhiều tiền. Thậm chí, nó cần cả sự phù hoa giả trá, cần những kẻ có thể tạo lập được danh vị của thánh thần. Cái gọi là đất vàng biển bạc, chính là phải đổ máu ra mới lấy được vàng bạc từ đất, từ biển. Ta vẫn nói, mình ghét nhất hạng người lười biếng ăn dưng ngồi rỗi. Một ông vua tốt chẳng phải là vua của một đất nước thật giàu đẹp thịnh vượng hay sao? Điều đó chẳng lẽ lại có được nhờ vào toàn bọn sâu dân mọt nước? Vào sự lười nhác trì trệ mang tên là yêu khoan sức dân?
“Nhưng rồi ta nhận ra, thực sự chẳng ai muốn cả. Cách dễ dàng nhất để sung túc là lừa gạt cướp bóc, cách dễ nghe nhất để trở nên cao quý là kéo bè tạo phản, cách nhanh chóng nhất để giải tỏa những bất công và xung đột là đánh giết nhau, cách lâu đời nhất để sống là cấu kết với nhau, dựa vào đủ loại quan hệ mà kiếm lợi, cách dễ chịu nhất là cứ bán đi những gì trong tầm tay mình – dù có là phẩm giá hay tài nguyên. Những công trường, công việc ta đặt ra chính là cánh đồng để những điều ấy phát triển, chứ không phải của cải, sự trù phú mạnh mẽ mà ta muốn. Và những ông vua, các Hoàng đế vĩ đại trong sách vở, chính là kẻ đứng trên đầu con sóng ấy, đổ tất cả rác rưởi của họ xuống kẻ kế thừa bên dưới. Một Dương phi há có thể làm sụp đổ nhà Đường, hay thậm chí chỉ một Minh hoàng có thể đẩy tất cả vào hủy hoại? Không, thứ khởi phát cho An Lộc Sơn vốn đã được chôn giấu ở Hà Bắc, Hà Đông từ lâu rồi, chính là thứ đã tạo nên nhà Đường. Thứ viết trong sách vở, vốn chỉ là chuyện của bọn con hát phường chèo. Còn những tên mọt sách giỏi chỉ tay năm ngón chứ việc thực tế chẳng biết gì, há lại có thể biết một đất nước cần bao nhiêu thứ? Những kẻ nói về nhân nghĩa trong khi chẳng biết phải làm gì để cứu người giúp đời ngoài chuyện chỉ trích, đổ lỗi, chống phá và bòn rút của công tạo lập danh vị cho mình. Một đám tuồng chèo con hát và bọn mọt sách ngu ngốc làm hỏng cả thế gian.” Nhà vua ngừng lời, rồi lại cười. “Sau đó ta nhận ra, đã lâu rồi chẳng có ai từng hỏi ta muốn gì.
“Ta muốn gì, ngoài việc trở thành một ông vua tốt? Một ông vua tốt, mà tại sao ta chỉ càng làm càng chán ghét? Thế gian này, tại sao lại sống như thế? Tại sao trong một lúc nào đó, ta cảm thấy tất cả đạo lý đều dối trá và bẩn thỉu? Cả sự sống này, cũng trở nên bẩn thỉu không thể chịu nổi?” Ngài ta nhìn xuống những ngón tay từ từ nắm lại, mơ hồ cười. “Ta nghe nói người tu hành đến trình độ thâm sâu có thể tịch cốc, ngươi đã từng thấy chưa?
“Ta cũng muốn gặp bọn họ.” Không đợi y trả lời, nhà vua nói, rồi bất chợt rơi vào im lặng. Y vẫn nhìn chăm chú những dòng chữ ghi vội trên giấy dưới đèn.
Căn nhà hát đông đặc bóng đêm lặng yên vô tận, không nghe được cả hơi thở người. Đây là nơi đãi yến của nội đình, là những rộn rã ồn ào muôn vẻ, nhưng sau những cánh cửa dày chỉ là khoảng trống mênh mông.
“Càn ngự ứng xương thần, thư hóa nhật, sảng nam huân. Cửu thiên xương lạp ủng tường vân, vạn quốc y quan củng tử thần. Thống thiên hợp đức, thủy vật tư nhân. Nhật tân, nhật nhật tân, vĩnh ức thiên xuân.[4]” Nhìn sang y, thấy y ngơ ngác dán chặt mắt vào những tờ giấy, nhà vua khe khẽ hát. “Nhạc lễ Đại khánh năm sau đấy.”
“Thần nghe nói trong cung có một cái lầu tên Nhật nhật tân?” Y khẽ hỏi. Nhà vua gật đầu.
“Ta cho xây ở phía Đông điện Cao Minh Trung Chính, từ năm thứ năm.” Ngài ta vẫn trả lời y. “Năm ấy, Thiệu Hóa quận vương mất.”
Câu sau đó, không biết ngài ta đã nói với thái độ gì. Chỉ là y bỗng cảm thấy lạnh toát sống lưng.
Nhật tân, nhật nhật tân. Đó không chỉ là câu nói sáo của Thang Vũ[5], cũng chẳng phải là ước muốn của ngài ta mới gần đây. Mà là điều ngài ta muốn, ngay từ lúc bắt đầu. Năm ấy, Thiệu Hóa quận vương chết sau cuộc giằng co của ngài ta với hai vị quyền thần. Lầu Nhật nhật tân dựng lên, và ngài ta xông vào cơn mưa đá, bắt đầu cuộc cải cách khắp hoàng thành, cùng lúc bắt đầu cả những cung Khánh Ninh, ngọn Thúy Hoa nọ. Ngài ta đã nhẩm mãi nó, như người nhìn vào chậu rửa mặt, trong những nỗi buồn thương chết lặng, trong lúc thấy mình rơi xuống tận cùng bùn đất. Thế gian này, không thể cứ như thế.
Cuộc đời này, không thể cứ như thế. Không thể. Không thể. Tiếng kêu gào lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm dài. Tiếng kêu gào chưa bao giờ tắt.
Tiếng kêu gào cất cao trên những mái ngói lưu ly của lầu các vàng son, vang động cả kinh thành, cả đất nước – Để rồi sụp đổ. Tiếng hát vọng vang ngày Khánh tiết, mở đầu cho một trường bi kịch và cái chết vĩnh viễn không thể cản ngăn.
Thế gian này không thể cứ như thế. Thế gian này vẫn cứ là như thế. Ngài ta lại vốn biết rõ, hiểu rõ – trong những ký tự thần bí mà ngài ta nghiền ngẫm, trong thứ quy luật mà ngài ta thông hiểu, trong cả cuộc đời mà ngài ta đã sống. Trong tình yêu, nỗi đau và sự căm ghét khôn bề cứu chuộc với toàn thể thế gian.
“Thiệu Hóa quận vương cũng đã từng giữ viên hổ phách ấy.” Vẫn cúi đầu nhìn những ngón tay dài, nhà vua chợt lên tiếng. Giọng ngài ta chợt trở nên lạ lùng trong phòng kín và những âm vang. “Có lẽ ngay từ lúc ấy nó đã bắt đầu phát tác rồi.”
“Nó muốn giết chết ngài.” Y lặng lẽ đáp. Trong bóng tối chập chờn, dường ngài ta lại mỉm cười.
“Tại sao trong tất cả mọi người, chỉ có ngươi thấy nó? Đồng khí tương cầu đó sao?” Ngài ta ngẩng đầu, cười với y. “Trong lòng ngươi có bao nhiêu oán hận? Vậy tại sao ta lại chưa từng thấy nó?”
Vì nó chính là ngài. Y không đáp, nhưng đã nghe được câu trả lời trong âm giọng của nhà vua. Nó muốn giết chết ngài, vì nó chính là ngài. Nó tìm đến y, vì y sẽ là kẻ oán hận ngài ta nhất.
Nhật tân, nhật nhật tân. Cậu ta đã lẩm nhẩm mãi, trong nỗi đau cùng cực nhất lặp đi lặp lại. Và mỉm cười nhìn thế gian vẫn cứ xoay vần, rơi vào bóng đêm. Bóng tối tạo thành bởi ánh sáng. Đó chính là trò chơi của cậu ta.
Vầng trăng vốn không soi tỏ đêm đen, chỉ làm rõ mặt thứ ẩn trong bóng tối. Bóng tối nhảy múa, trong nỗi sợ hãi tột cùng. Bóng tối nhảy múa, những gì bị che lấp trong ánh sáng. Bóng tối nhảy múa, cất tiếng cười vọng vang.
Đảm, là ‘chiêm nguyệt’.
Chú thích:
[1] Thi của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Thực lục, năm 1840: Vua làm thơ “Thiên cơ dự triệu” đã xong. Vua cho là thánh nhân xét vật lý đến cùng cực, rồi sau mới có thể nói đến số, không nên nói với người thường được. Sai cất vào Bí Các (thơ ấy lấy số 10 can, làm ra nhiều lần thành 200 bài, từ Giáp đến Quý, chữ đỏ, chữ đen đều 100 bài, mỗi bài đều có lời dẫn giải, mà lời dẫn giải gốc ở mọi vật lý, bảo cho người ta biết sự tốt, xấu, hối hận, lo sợ. Đến khoảng năm Thiệu Trị, mới cho khắc in để ban hành).
[3] Thực lục, năm 1842: “Nạn bão mùa thu năm nay, Hoàng khảo ta đã biết trước khi việc xảy, lo cho con cháu đã từ lâu rồi. (Lời chua ở bài thơ trong tập Thiệu Trị thánh chế thi: “Trẫm nhớ năm ấy hầu hạ bên cạnh, thấy Hoàng khảo ta rất để ý đến lương thực của dân, chiêm nghiệm lúc mưa, lúc tạnh, biết trước sự ẩn bí xảy ra… Gần đây, xem khí trời, thế gió, thật sợ vài năm sau không khỏi bão lụt làm hại, tự hồ khí vận gây nên như thế.”
[4] Bản nhạc Hi khánh. Dịch nghĩa: Ngôi Càn ứng lúc vận thịnh, ngày hóa quốc rộng dài, gió nam thư thái. Cung điện chín tầng mây đẹp phủ, y quan vạn nước về chầu ngôi Tử Vi. Thay trời hợp đức, vạn vật nhờ ân. Ngày lại mới, ngày ngày đổi mới, dài lâu ức ngàn xuân.
[5] Vua Thang khắc vào bồn tắm câu “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”.