Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

129. Dục hộ hoa tâm lãnh
Trường An in "Minh nguyệt 3" February 5th, 2020
  1. Dục hộ hoa tâm lãnh, hoàn lân diệp sí lương[1]
    (Muốn che chở lòng hoa lạnh, vẫn thương cánh bướm rét)

 

Chuyện kể rằng, thanh loan sinh ra ở chốn Dao đài, lớn lên trên một ngọn núi hùng vĩ đẹp đẽ ẩn trong mây, uống nước suối trong, đậu cây ngô đồng, múa hát cùng chúng bạn. Bên cạnh thanh loan có một người bạn sinh đôi giống nhau y hệt. Bỗng ngày nọ, một vị vua tên Kế Tân vương nghe đến ngọn núi thiêng liền cho quân vây kín, bố trí cạm bẫy trùng trùng. Thanh loan bị bắt, người bạn bên cạnh bị giết khi cố trốn trên ngọn núi cháy rụi.

Kế Tân vương bắt được chim thần thanh loan trong truyền thuyết thì yêu quý vô vàn. Thấy thanh loan buồn bã ủ rũ, nhà vua dựng lồng đúc bằng vàng khối, đem các kỳ trân dị bảo quý lạ nhất thiên hạ đến cho. Trong chiếc lồng vàng lớn, thanh loan sống với bạn bè khác cùng bị bắt trên núi. Không có nước suối trong, không có ngô đồng, vài người bạn của thanh loan héo hon mà chết dần mòn. Nhưng số còn lại vẫn sống, một số kết đôi với nhau, một số lại thân thiết với những con chim khác trên trần được nhà vua thả vào cùng. Trong số họ, thanh loan được nhà vua yêu thương nhất, cử rất nhiều người đến chăm nom, làm mọi cách để thanh loan vui vẻ.

Ngày tháng qua đi, thanh loan cũng dần nguôi ngoai nỗi đau buồn. Ngô đồng được đem đến trồng trong lồng vàng, nước suối được nhà vua cho người đến tận núi thiêng lấy về, lồng chim trong cung ngày càng đông đúc vui vẻ với muôn sắc màu quý lạ. Tuy nhiên, nhà vua chỉ phiền muộn một điều: thanh loan không còn hót nữa. Tiếng hót của chim loan là thanh âm của trời, không một khúc nhạc nào sánh bằng, nhà vua vì thế mà chờ đợi ngày này qua ngày khác. Nhưng thanh loan chỉ đậu trên cây ngô đồng, uống nước suối trong, hưởng mọi kỳ trân dị bảo được dâng hiến, và im lặng.

Phu nhân của Kế Tân vương thấy thế liền bảo: ‘Thường nghe nói rằng chim loan chim phượng chỉ hót trước mặt đồng loại. Nay chỉ bắt được một con thanh loan, con kia đã chết rồi, thì ta có thể đặt một chiếc gương. Nhìn thấy hình ảnh trong gương, chim loan nghĩ người bạn kia trở về, hẳn sẽ vui mừng mà hót.’

Nhà vua nghe theo, đặt một chiếc gương lớn trước lồng. Thanh loan nhìn vào gương, thấy cái lồng vàng rực rỡ, mấy ngọn ngô đồng loe ngoe rời rạc, đàn chim hỗn tạp xao xác, và chính nó. Lông xanh đã bạc nhưng vẫn bóng bẩy dầu xức hương xông, thân hình tròn trịa, chân cánh lại què quặt yếu ớt, đôi mắt mất đi ánh sáng tinh nhanh. Thanh loan đậu trên cây ngô đồng nhưng không thấy sắc trời, chẳng có núi xanh. Thanh loan nhận ra hình ảnh trong gương là chính nó, chẳng phải người bạn năm xưa. Hoàn toàn không phải là thanh loan của năm xưa.

Hóa ra, nó là thanh loan – một con chim loan ở trong lồng, đã quen với âm thanh inh ỏi chói tai, đã quen màu vàng ngọc thô lậu, quen với cô đơn, và đã quên cả cô đơn. 

Rồi thanh loan nhận ra mình đã quên mất tiếng hót. Xung quanh thanh loan chỉ có lũ chim nơi trần thế, ngay cả bạn bè cũ cũng đã hòa lẫn vào chúng, cùng quên đi thanh âm của ngọn núi, gió trời, dòng nước. Thanh loan nhìn chúng, nhìn mình, nhìn cái lồng vàng rực rỡ, chầm chậm cất tiếng. Tiếng hót của thanh loan lạc loài vang trong lồng, càng lúc càng rầu rĩ bi thương. Đây cũng không phải là tiếng hót năm xưa, nó đau đớn nghĩ. Năm xưa cùng bạn bè múa hát, hòa giọng ngân nga, cùng bay lượn trên trời xanh gió ấm, tiếng hót thanh loan đã từng nghe vốn là của người bạn cũ. Thanh âm vang trong núi rừng năm nọ, là cả ngọn núi cùng nhau hát ca. Ngọn núi ấy đã thành tàn tro, mùi tro vẫn lẫn trong vị nước sau tháng năm đằng đẵng.

Tất cả đã quên rồi. Thanh loan cất cao tiếng hót như muốn vỡ tung lồng ngực, như muốn thế bù cho cả người bạn đã mất, cho những bạn bè năm xưa trong núi. Tiếng hót thống thiết chói tai, khiến xung quanh hoảng sợ. Nó càng hót, xung quanh càng im bặt. Lũ chim hoảng hốt nép vào cái lồng vàng, nhà vua cùng cung điện vội vã bịt tai. Thanh loan nhìn mãi chiếc gương, nhìn bóng hình khốn khổ của chính mình, giương cánh muốn bay.

Nhưng đôi cánh vừa giương, thanh loan đã rơi xuống, chết trên mặt đất, dưới bóng trăng soi ngọn ngô đồng.[2]

 

“Ngươi biết không, ta còn đang nghĩ nhiều thứ lắm.” Vừa lấy khăn lau miệng, y vừa ngả người ra sau, dựa vào bức tường mà nhìn con chim gỗ, chầm chậm nói. “Chỉ riêng về việc Trương Minh Giảng nhận tiền đút lót của thương buôn ở An Giang, nói rằng ông ta cùng Cao Hữu Dực tự dâng sớ nhận tội vì Lê Văn Đức sắp được cử đến kinh lý Trấn Tây, nhưng chẳng phải chuyện ấy vào lúc Trương Minh Giảng làm Tổng đốc An Hà? Sau đó Trương Đăng Quế đã từng được cử đến kinh lý toàn Nam Kỳ, thậm chí Hoàng Quýnh cũng từng đi kinh lý Trấn Tây sau khi có một viên tướng ở Quang Hóa hạch sách lính. Hai vị quan thân tín nhất với nhà vua đi kinh lý mà lại không hề phát hiện ra sai phạm ở Trấn Tây?

“Rồi ta còn đang nghĩ, tại sao Hoàng Quýnh lại bị Hộ bộ tố chuyện ở Gia Định ngay sau khi trở về Kinh? Ngay sau khi ông ta đi kinh lý Trấn Tây, nhà vua đã lập tức ra lệnh cho ông ta đi ngựa về Kinh bẩm báo, không cần quay lại Gia Định. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, Hoàng Quýnh bệnh chết. Khi ông ta đi kinh lý, loạn lạc đã xảy ra ở Trấn Tây do các thổ mục Quảng Biên, Khai Biên làm phản, các quan ở nơi ấy cũng đã có bao nhiêu tình tệ, ngầm gây mối họa cho sau này. Trương Minh Giảng cũng đã nắm được quyền lực, mâu thuẫn ngấm ngầm với các thổ quan Trấn Tây. Nhưng những chuyện ấy lại không hề nghe nói, là Hoàng Quýnh không phát hiện ra, không nói, hay là việc không thể để lộ cho người?”

“Hoàng thượng nói với ta, Bắc Kỳ đang có dịch lớn, người người đều lo sợ sẽ lại như hai mươi năm trước. Dịch ấy phát từ cuối mùa xuân năm nay, đến mùa thu mới hơi ngừng – là khoảng thời gian Hoàng Quýnh đi kinh lý trở về. Năm sau, nhà vua vừa xong lễ Đại khánh, thấy dịch còn phát nhưng đã ít hơn, đã ngay lập tức ra lệnh tra soát toàn quan lại, tra khảo bọn Trà Long, cho người đi kinh lý Trấn Tây. Trước đó, ngài ấy còn vì một chuyện nhỏ mà bắt tội cả các quan thân tín trong triều. Ta còn nhớ ngài ấy nhiếc móc Phan Thanh Giản vì cùng quê Nam Kỳ với Vương Hữu Quang nên bè phái che chở cho nhau. Việc ấy thực chất là giết gà dọa khỉ, nhắc nhở rằng ngài ghét nhất chuyện bè phái. Bọn Trà Long bị tội khai gian số hộ trước, rồi kẻ ở Trấn Tây do đó mới khép tội Ngọc Biện. Nhà vua ra lệnh tra xét quan lại toàn quốc trước, rồi sau đó Trương Minh Giảng mới dâng tờ tự nhận tội. Có thể, ngay từ khi Hoàng Quýnh từ Trấn Tây trở về, trong triều này đã không yên tĩnh rồi.” Y chợt ngừng lời một thoáng, rồi thở dài. “Việc của Ngọc Biện vốn là an nguy của quốc gia, có lẽ ngài ấy không nghĩ một trung thần như Trương Minh Giảng lại bịa chuyện khép tội cô ta. Hoặc cũng có lẽ, ngài ấy cho rằng thấy bọn Trà Long bị khép tội, Ngọc Biện liền mưu phản, thuận nước đẩy thuyền mà chiếm lấy toàn bộ quyền hành ở Trấn Tây.”

“Còn một việc có lẽ cần phải nói với ngươi. Nhà vua ngay từ đầu năm ấy đã mâu thuẫn với Vương Hữu Quang rồi. Vì tờ thỉnh an của Nguyễn Đăng Giai nói chuyện giảm bớt lại dịch ở các nha huyện từ cuối năm trước đó, chuyện ấy cũng được một số quan khoa đạo tâu xin cùng. Nhưng Vương Hữu Quang thấy số lại dịch bị giảm thì chỉ tay mắng Nguyễn Đăng Giai là thượng ty thì lo liệu mà giữ mình thanh liêm chứ không ra gì còn cấm thuộc hạ làm bậy sao được, lại còn đi đổ lỗi bắt cắt giảm. Nhà vua mắng Vương Hữu Quang rằng chỉ cốt muốn giữ bọn thân tín bên mình, xin để năm mươi người chia làm hai ban thì mỗi ban còn ít hơn số đã định, lại còn số thừa giữ ngạch phòng khi gọi ra nhưng không cho lương thì nhịn đói làm việc hay cướp của dân mà ăn, giáng ông ta xuống hai cấp. Ha ha, tên Nguyễn Đăng Giai này chỉ một việc đã đủ gây thù chuốc oán khắp cả nước, không chỉ mình Vương Hữu Quang ngu ngốc kia mắng hắn thôi đâu. Mà đúng như ngươi nói, ngay khi đại dịch Bắc Kỳ vừa yên, vừa mới gượng dậy được sau gần cả năm bệnh tật, ngài ta đã muốn thanh lọc mọi nơi rồi đấy.” Con chim cười, rồi lại hạ giọng. “Sau khi kiềm chế quyền lực của các tổng lý, thổ mục, địa phương, bây giờ ngài ta muốn kiềm chế cả quan lại. Năm xưa chính Hoàng Quýnh suýt bị tử hình vì ngài ta xử làm gương tội kéo bè kết phái đấy, Vương Hữu Quang cũng như thế thôi. Và việc của bọn Trà Long cũng như thế thôi. Ngài ta vốn sớm biết việc cai trị Trấn Tây có vấn đề, thổ quan mâu thuẫn với lưu quan, có thể biết cả điều tiếng về Trương Minh Giảng. Nên ngài ta trước thì giết gà dọa khỉ, sau thì tìm cách triệt giảm thế lực của thổ quan, rồi cử đại thần thân tín nhất của mình đến kinh lý. Trương Minh Giảng dù sao cũng vẫn là đại quan trấn giữ một cõi biên thùy, ngài ta chọn cách cảnh cáo Trương Minh Giảng để xem động tĩnh.

“Ai ngờ, như Vương Hữu Quang nói, lại dịch là cánh tay đôi chân của quan lại, thiếu chúng thì không làm việc được – dưới mỗi kẻ gọi đại quan vốn là hàng hàng bọn tai mắt tay chân bám víu, quan hệ với nhau dưới đủ mọi hình thức. Lê Văn Duyệt đã vậy mà Trương Minh Giảng cũng thế, đều chết thân bại danh liệt vì chúng cả. Đến việc của Ngọc Biện là chuyện an nguy của biên cương, chúng còn làm tới mức vẽ ra cả vụ án nhằm triệt hạ hoàn toàn tất cả kẻ bất mãn. Đến khi Lê Văn Đức tới chỉ còn thấy các hình nhân ngậm miệng im thin thít, biết việc Ngọc Biện có nghi ngờ mà cũng chỉ dám nói ‘lẽ nào lại thế’.”

“Một người khôn ngoan giàu kinh lịch như Lê Văn Đức lẽ nào lại chỉ thấy có thế thôi sao? Ngay cả chuyện phái viên đi đo ruộng, mua vàng gây chuyện với dân thổ, chẳng lẽ ông ta không biết gì sao? Nhưng đúng là vị thế của Trương Minh Giảng đã quá cao rồi. Trong hàng ngũ văn quan, ông ta mang tước bá cao nhất, là Đông các Đại học sĩ nhất phẩm, vị thế vốn đã không ai sánh bằng, huống hồ Lê Văn Đức mới bị giáng xuống Tham tri, đến Trấn Tây phải vái chào ông ta. Nên hai vị Khâm sai đến mà cả Trấn Tây không coi ra gì, Trương Minh Giảng có mặt ở đâu thì nơi đó im thít. Có khi Lê Văn Đức nhìn thấy tấm gương Hoàng Quýnh rồi thì không dám tùy tiện vọng động ở Trấn Tây đấy thôi.” Y mỉm cười, lặng lẽ nói. “Lê Văn Đức khôn ngoan khéo léo, nhưng không tính lại được với trời. Ai ngờ chỉ chưa đầy hai tháng, việc thanh tra vừa xong thì Trấn Tây đổ vỡ hoàn toàn. Sự im lặng ẩn nhẫn chờ thời của ông ta lại gây kết quả như vậy.”

“Ngươi biết không, sau khi biết tin nhà vua qua đời, Lê Văn Đức lập tức đổ bệnh ở Trấn Tây, qua đời năm sau vì căn bệnh đó đấy. Ông ta chỉ gượng nổi tới khi đánh lui được quân Xiêm, ổn định được Nam Kỳ.[3]” Con chim gỗ ngẩng nhìn bóng tối dưới xà nhà, không biết là cười hay thở dài. “Năm đó, Lê Văn Đức bệnh, Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong cùng nhau chết không rõ vì tay ai, cả Trấn Tây như rắn mất đầu. Nhà vua mới lên ngôi thì nhận ngay thư điều trần của Ngự sử khuyên nên thận trọng với điều ham chuộng, cẩn thận dùng người, khoan dung với dân đừng nên làm gì quá mức, đừng quá mê tiền bạc, thứ lạ lùng, phải công bằng, làm gương mẫu giáo hóa. ‘Bắt đầu từ lòng nghĩ nho nhỏ, rồi lộ ra việc làm rõ rệt, chính sự hay dở đều quan hệ vào đấy’[4], quả nhiên ngai vàng như ghế đinh nhọn, cung điện như rừng gươm đao bày sẵn ra đấy rồi.

“Cái gọi là quan hệ quân thần, ngoài miệng thì nói như cha với con, những kẻ khờ khạo nhìn cái vỏ thì tưởng vua chiếm thế thượng phong muốn gì được nấy, thực chất là gió đông không thổi bạt gió tây thì gió tây đánh tan gió đông. Lê Văn Duyệt xử đám quan ở Gia Định không cần chứng cứ, Lê Chất một mực đòi tử hình Lê Duy Thanh, cho đến đám Ngự sử sau này không được khéo léo cho lắm, mỗi một kẻ đều muốn triệt hạ đến cùng lòng tự tôn của nhà vua, đẩy ngài ta vào nỗi sợ hãi cùng cực, để mọi kẻ mặc lòng thao túng. Cái gọi chia bè kéo phái, chính là bèo theo nước mà nổi, mốc theo gỗ mà bám.” Con chim gỗ có vẻ tư lự nói một mình, y đã ngắt lời nó.

“Vẫn còn một người khác: Trương Đăng Quế. Năm đó ông ta đi kinh lý Nam Kỳ, lôi ra được cả việc ẩn lậu ở Quang Hóa, chém đầu thuộc hạ phủ Kiến An công, chưa tâu đã xử cả Lãnh binh Hà Tiên vì tội cướp con gái, tiền bạc của người, nhưng lại không thấy điều gì đáng nói ở Trấn Tây à?” Y nghiền ngẫm nói khẽ. Chuyến kinh lý của Trương Đăng Quế cũng chỉ cách Lê Văn Đức có ba năm, Trương Minh Giảng đã ở Trấn Tây năm năm, chẳng lẽ bao chuyện bất thường của toàn Trấn Tây lẫn cả Hà Tiên chỉ xảy ra ở đôi ba năm đổ lại? Sau khi Trương Đăng Quế trở về, nhà vua có lẽ vẫn chưa hề biết có vấn đề gì ở Trấn Tây, ba tháng sau đó Trương Minh Giảng được triệu về Kinh làm lễ bão tất, phong tước Đông các Đại học sĩ – và ngay lúc ấy, loạn lạc đầu tiên nổ ra ở vùng Quảng, Khai bên cạnh Hà Tiên. Trương Minh Giảng được triệu về Kinh, Dương Văn Phong được cử đến Vĩnh Long tạm quyền một thời gian, rồi nhân loạn lạc mà thay chức Tổng đốc An Hà của Lê Đại Cương. Và cũng trong năm đó, mâu thuẫn của nhà vua cùng quan lại trong triều lên đến đỉnh điểm khi Lễ khoa Chưởng ấn Cấp sự trung Hà Thúc Trương mượn việc mỉa mai nhà vua, bị cách chức bỏ tù thẳng thừng.

“À, Trương Đăng Quế năm ấy chẳng phải đã hiệp đồng cùng Trương Minh Giảng kinh lý toàn bộ vùng An Giang, Hà Tiên ư?” Trong lúc y còn đang suy nghĩ, con chim kia thủng thẳng nói, rồi đột ngột chuyển giọng. “Ngươi biết việc ở Trấn Tây kết thúc ra sao không? Sau mấy năm dằng dai ở biên giới, Nặc Giun cùng Phi Nhã Chất Tri lại đem đại quân tới đánh đến Vĩnh Long, bị quân Nam đánh lui, còn bắt được cả mẹ, vợ con của Nặc Giun. Nặc Giun liền lên tiếng cầu hòa. Thế là triều đình lại tiếp tục chia phe phái tranh cãi. Nhưng năm năm rồi, ai cũng đều mệt mỏi, Chân Lạp chiếm dễ giữ khó, nên đại đa số đều muốn hòa. Quan tướng ở Trấn Tây như Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Cao Hữu Dực dường chỉ đợi lời ấy, hết lần này đến lần khác nhượng bộ Nặc Giun. Phi Nhã Chất Tri kéo dài việc hòa đàm đến cả năm, bên Nam thì thả hết cả mẹ lẫn vợ con của Nặc Giun về. Cuối cùng, họ thỏa thuận cho cả Nặc Giun và Ngọc Vân cùng cai trị Chân Lạp. Nhưng ngay lúc ấy, đại cố khác lại xảy ra. Bản cam kết ở Vọng Các năm sau đó chỉ ghi một mình Nặc Giun làm Quốc vương cai quản toàn bộ Chân Lạp. Từ ấy, tuy hắn vẫn cống nộp theo lệ, nhưng quyền hành ở Chân Lạp xem như đã mất rồi.

“Miên Tông lên ngôi, tang phục còn chưa may xong đã nhận được tờ điều trần của khoa đạo, đã thấy toàn bộ Trấn Tây vỡ nát, thậm chí có người lập tức lôi việc dở dang ở sông Cửu An ra nói. Ngoài biển thì Trung Quốc đã đầu hàng hoàn toàn Anh Cát Lợi, thiên tai liên tục xảy ra ở miền Nam, cướp biển hoành hành, bọn giặc cũ của Nông Văn Vân đã trốn sang Quảng Tây lại trở về quấy phá. May mà cậu ta có Lê Văn Đức, Đoàn Văn Sách đẩy lùi được quân Xiêm ở Nam Kỳ, tạm thời giữ được Trấn Tây, có Nguyễn Đăng Giai ở Bắc Kỳ bình định từ Sơn Tây đến Tuyên Quang. Nhưng quả nhiên cả cuộc đời cậu ta vốn đi trên gai, có khi thì đình thần trốn gần hết không đến đình nghị, ngay cả các đại quan cũng chỉ có bốn người bọn Trương Đăng Quế, Hà Duy Phiên đến họp[5], khi thì Nội các không cần đợi chỉ vua đã phê chuẩn, khi thì quan đi sứ đem sách về không buồn đổi chữ húy[6]. Vào lúc tưởng chừng đâu đã an ổn, ai ngờ Tây dương lại gây sự.” Con chim kia quay tròn, hạ giọng ra vẻ thần bí. “Rồi sau đó, ngươi biết chuyện gì xảy ra không? Tân đế lên ngôi, bọn Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai, Lâm Duy Thiếp đều dâng sớ tâu xin đình bỏ hoàn toàn việc giao thương với Tây dương. Việc mà Miên Tông ngay cả sau khi bị Tây dương tấn công cũng đã không làm.

“Trong khi đó, Trương Đăng Quế tưởng đâu chính là cận thần gần gũi nhất của nhà vua. Nhưng việc nghị hòa ở Trấn Tây cũng vậy, giao thương với Tây dương cũng thế, ông ta chẳng những không giúp được mà thậm chí bày tỏ hẳn ý đối nghịch. Miên Tông vẫn cho tập thủy chiến, làm tàu hơi nước, mua tàu Tây dương, từng việc từng việc vẫn muốn nối chí cha mình. Như vậy bao nhiêu năm Trương Đăng Quế phục vụ hai cha con họ, không bao giờ tỏ ý chống đối, vốn là gì thế? Vốn là từng việc từng việc, ông ta đều im lặng, đều không ai biết ông ta nghĩ điều gì.” Tiếng cười lạnh buốt phát ra từ con chim ma quái. “Thực chất, ông ta chỉ muốn loại bỏ tất cả những thứ ‘điên khùng’ này, thuận theo ý của bọn nói suông mà làm phép ‘vô vi’. Miền Nam Trung Quốc loạn lạc, không những chẳng có giao thương mà giặc cướp tràn khắp trên núi dưới biển, Trấn Tây đã mất, đất nước đóng cửa, cũng chẳng có công trình nào được làm, kế hoạch nào được lập, tất cả cùng khoanh tay bất động, thậm chí đói kém, loạn lạc thì chỉ có mình Nguyễn Đăng Giai chạy ngược chạy xuôi. Một đất nước thật an tĩnh, chúng dân thật nhàn nhã vui vẻ sống như thời Nghiêu Thuấn trong sách cổ. Đó mới là ý muốn của ông ta. Người như Trương Đăng Quế thì có tùy tiện động chạm đến quan nhất phẩm Trương Minh Giảng sao?”

Tiếng cười khùng khục vang từ con chim khiến y thấy lạnh cả người.

“Ta nhớ năm ấy phong Thần phi, nhà vua đã đẩy Trương Đăng Quế đến Nam Kỳ.” Lúc sau, y lại chầm chậm nói. Một người như Trương Đăng Quế, có lẽ cũng không thể đồng tình với hành vi quá nguy hiểm như vậy – ‘chính sự hay dở thành bại đều phụ thuộc vào sự ham chuộng của nhà vua’, họ nói, và mọi việc đã diễn ra là thế.

“Ngươi xem, từ khi biết căn nguyên việc ở Trấn Tây, ngài ta đã nghĩ cái gì?” Con chim quay đầu nhìn y chòng chọc, cái mỏ ngoác ra trong bóng tối như một nụ cười quái gở. “Chẳng phải là tất cả những gì ngươi vừa mới nghĩ đó sao?”

“Trương Minh Giảng, Đông các Đại học sĩ, Trấn Tây Tướng quân, đệ nhất danh thần hóa ra lại là như thế. Lê Văn Đức, người đã cùng với ngài ta đi qua cả tuổi thơ, cả cuộc đời, lại im lặng để cho ngài ta sai lầm. Trương Đăng Quế, hóa ra từ đầu đến cuối, không ai hiểu nổi ông ta. Những kẻ thân thiết nhất bên cạnh ngài ta như Hà Tông Quyền, Hoàng Quýnh thì dần dần bị triệt hạ từng người một. Quan lại của ngài ta, trước thì Dương Văn Phong gian xảo trí trá, sau là Nguyễn Tri Phương chọn cách vứt bỏ Trấn Tây cầu an, và rốt cuộc, không một ai trong bọn họ đồng tình với ngài ta, ước mơ như ngài ta.” Con chim ngả nghiêng trong tràng cười khàn đục. “Bọn họ cũng giống bọn tổng lý thổ hào, khi biết không làm gì chống đối được thì im lặng, rồi ngấm ngầm phá nát mọi thứ. Bao nhiêu nỗ lực của ngài ta trong mắt chúng chỉ là tham lam tiền bạc, gây chuyện nhiễu sự, ham thích quái gở làm hại đất nước, kéo theo một bọn bày việc kiếm công. Bao nhiêu nỗ lực của ngài ta, chính là ngu ngốc.”

Ngươi không thể làm gì được đâu, không thể làm được gì. Y nghe như âm vọng vang quanh tiếng cười, thanh âm va đập vào nhau như ở giữa những tấm gương.

Mưa, đổ xuống như những mảnh gương vỡ.

 

Chú thích:

[1] Thính vũ của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Phỏng theo truyện kể trong “Loan điểu thi từ” của Phạm Thái đời Nam Tống.

[3] Thực lục, tháng 3 năm 1841: Lê Văn Đức bị ốm, cho về Gia Định để điều dưỡng. Vua lại ban cho sâm quế ở kho Thượng phương và dụ rằng: “Ta vốn biết khanh trước là người chăm chỉ, cẩn thận, nhưng muốn yêu vua, phải bảo dưỡng lấy mình, chớ nên lo nghĩ quá, ngày thờ vua còn dài, việc báo đáp ơn vua còn nhiều…”

[4] Thư điều trần của các Ngự sử này dâng cho Thiệu Trị vào đầu tháng 2 năm 1841.

[5] Thực lục, năm 1845: Bộ Lại tâu: "Gần đây, đình thần hội bàn, nhiều người bỏ thiếu"… Tức như cái án Trương Văn Tùng, mấy lần đã cho triển hạn, làm việc qua năm qua tháng, mà hội nghị bấy giờ chỉ có bọn đại thần Trương Đăng Quế, Hà Duy Phiên 4 người, còn ngoài ra đều mượn cớ không đến.

[6] Thực lục, tháng 2 năm 1846: Phái viên thuyền Linh phượng là bọn Đỗ Tuấn Đại sang Trung Quốc công cán về, dâng tập “Nhật trình nhà Thanh”, kính gặp chữ huý, đều không dán hay thay chữ khác. Vua quở rằng: “Đỗ Tuấn Đại cho đến các người theo làm việc, nhiều người văn học xuất thân, há không có chút hiểu biết, sao lại để im thế. Theo nghĩa tôi con thờ vua, trong lòng có yên không? Các chánh biện, phó biện đều phạt lương một năm; các người theo làm việc, đều phạt lương 9 tháng”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.