Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

128. Mạc từ tôn tửu hoa tiền khuyến
Trường An in "Minh nguyệt 3" February 1st, 2020
  1. Mạc từ tôn tửu hoa tiền khuyến, chỉ khủng oanh đề hựu nhất niên[1]
    (Đừng từ chối lời mời rượu trước hoa, vì sợ tiếng oanh kêu lại thêm một năm nữa)

 

Y mở mắt giữa màn đêm lù mù, trong một lúc vẫn chỉ thấy ánh sáng nhòe nhoẹt trước mặt. Chớp mắt vài lần, y mới thấy bóng người ngồi bên bàn trước giường y nằm. Đã cởi mũ chỉ vấn tóc trần, khoác áo bông thô, Trường Khánh công Miên Tông nghiêng người cắm cúi làm gì đó trên bàn, nghe tiếng lạch cạch như những mảnh gỗ nhỏ va vào nhau.

Căn phòng tuy đơn sơ nhưng không mộc mạc, gỗ ánh lên màu nước sơn nâu, những nét chạm khắc cầu kỳ nổi bật trong ánh nến. Đồ đạc trong nhà cũng khảm trai mạ vàng, khiến y nhận ra đây không phải là nhà trạm dành để tiếp khách bình thường. Nghe tiếng chân đi bên ngoài, một người hầu mang khay thuốc vào cửa, đặt trước mặt Trường Khánh công.

“Bẩm hoàng Cả, thuốc của ngài hôm nay đây ạ.” Trong sự ngạc nhiên thoáng qua của y, anh ta nói. Trường Khánh công gật đầu, vẫn chăm chú vào việc đang làm. Người hầu đứng chắp tay bên cạnh chợt đưa mắt về phía y, nhận ra y đã tỉnh. “Ồ, người kia tỉnh rồi à?”

Nghe thế, Trường Khánh công mới quay đầu nhìn y.

“Chuẩn bị bát thuốc khác.” Anh ta nói với người hầu. Khi phòng chỉ còn hai người, Trường Khánh công cầm bát thuốc đứng lên, đi đến chỗ y. “Đạo sĩ uống thuốc cho nhanh khỏe.”

Anh ta chỉ nói thế rồi đặt bát thuốc xuống cái đôn cạnh giường. Y gượng ngồi lên, cảm thấy đầu hơi nhức, cơ thể mệt mỏi vì phải nằm cả một ngày không ăn uống.

“Đây là… thuốc của ông hoàng.” Y thận trọng hỏi, thấy giọng mình cũng hơi khàn đi. Trường Khánh công mỉm cười.

“Không sao, ta uống thuốc hàng ngày[2]. Thuốc này chỉ có tác dụng bồi bổ khang kiện sức khỏe. Ta xin phụ hoàng đưa đạo sĩ về đây vì nhà ta lúc nào thuốc cũng sẵn, không cần làm rộn đến Thái y viện.” Trường Khánh công bỗng chợt thở dài. “Nhà ta nhiều người yếu, nên lúc nào thuốc cũng sẵn.”

Bụng đã cồn cào, y với tay cầm bát thuốc lên định uống, lại chợt ngửi thấy mùi là lạ.

“Đây là… nhân sâm?” Y buột miệng hỏi. Trường Khánh công nghe thế liền cười.

“Không sao, đã bảo nhà ta chỉ có thuốc bao giờ cũng sẵn. Ta uống nhiều thuốc tới độ có thể phân biệt được vị thuốc này trồng ở vùng nào. Cho người khác một bát thuốc cũng không đáng kể gì đâu.” Anh ta gật đầu, y liền nâng bát thuốc chậm chạp uống. Trường Khánh công liền quay trở về bàn của anh ta. Giờ thì y thấy hai quả cầu gỗ được đẽo cầu kỳ trên bàn, mấy mảnh gỗ nhỏ vung vãi xung quanh. Trường Khánh công cầm một quả cầu xoay trong bàn tay, có ý chờ đợi y, lại như vui miệng mà nói. “Ta từ bé đã uống đủ loại thuốc, bây giờ các phủ thiếp cũng yếu, người thì mất rồi, người đau ốm luôn, con gái sinh ra không mấy đứa trưởng thành được. Phụ hoàng thường phiền trách bảo năm xưa người xông pha bão gió mà đến tuổi này cũng không còn mạnh, chúng ta quá yếu ớt, đến bốn, năm mươi tuổi thì sao?

“Biết làm sao được, tiên thiên ta vốn đã thế.” Trường Khánh công nhìn quả cầu sơn đỏ, cười nói. Y đặt bát thuốc cạn xuống đôn, không đáp. Nhân sâm là vị thuốc quý hiếm, năm xưa y nghe nói sứ bộ sang Trung Quốc được lệnh xin Lễ bộ Thanh triều cấp nhân sâm thay cho toàn bộ vật hạng thưởng, quan đi sứ còn tỏ vẻ phật lòng cho rằng mất mặt[3], mà ngay cả trong triều, nhà vua cũng chỉ ban cho đại thần bị bệnh nguy kịch, coi như vị thuốc cải tử hoàn sinh. Vậy mà vị hoàng tử này uống mãi thành quen, như thể sức khỏe anh ta luôn ở tình trạng nguy hiểm.

“Đó là vật gì?” Thay vì thế, y hỏi, ra dấu về quả cầu kỳ lạ mà Trường Khánh công vẫn nắm trong tay. Y có rất nhiều chuyện muốn hỏi, muốn nói mà không biết phải mở lời ra sao.

“Đây là quả thiên cầu, dùng làm phép xem bói.” Trường Khánh công cười đáp. “Người thường dùng phép xóc ống quẻ, nhưng đã là sức người thì chẳng phải tự nhiên. Quả thiên cầu này có thể tự quay, đặt trong một cái hộp, trên khắc chữ mười can, năm thường, năm phương[4]. Đến khi bói thì cầu đảo rồi mở hộp ra, xem chữ trên mỗi quả tiên thiên, hậu thiên lập thành quẻ bói, suy can chi thành quẻ biến, tra quẻ lại trong sách xem ứng chương nào.

“Phụ hoàng ta đang làm cuốn thơ lý Dịch, hai trăm bài thơ ứng với hai trăm quẻ lập từ mười can, ta cũng muốn thử một thể.” Thấy vẻ mặt của y, Trường Khánh công cười khẽ. “Ngài khi se mình muốn tìm thứ gì đó để làm, hay sao thơ đề lý Dịch càng tự nhiên càng tốt, nghĩ ngợi, gọt giũa thì lại càng không ứng, tất cả phải từ lòng thành trong sáng nhất mà ra. Ngài nghĩ ngợi cơ nghi lý học, làm thơ tùy tâm sở ý, lại làm đầu óc thảnh thơi, nhẹ nhõm sáng suốt hơn.”

“Có thể tiên đoán được tương lai sao?” Y lặng lẽ hỏi. Trường Khánh công có vẻ thoáng bối rối.

“Dịch lý nói, đất trời có quy luật, từ quẻ Thái đến quẻ Bĩ cũng là theo quy luật đó thôi. Nếu như có thể dùng sức của trời mà nghe được lời của trời, thuận theo đạo của trời, cũng coi như là nhìn thấy cái vỏ. Nhưng người thường chỉ nhìn được thứ bên ngoài, không giải nổi lời trời. Mưa nắng gió bão, vốn là thứ biểu hiện mà trời ban xuống, cũng nằm trong lý. Nhìn thấy hiện tượng suy ra được lý là lẽ thường xưa nay. Cái khó nhất lại là dùng lý để đọc điều không thể thấy.” Trường Khánh công thận trọng nói, trong khi y đăm đăm nhìn anh ta.

“Người làm thứ này, vốn là muốn nhìn thấy điều không thể thấy đó sao?” Y nghe mình lên tiếng. Người hầu kia đưa thuốc đến, căn phòng lại rơi vào im lặng. Trường Khánh công chầm chậm uống thuốc, ra vẻ không để ý đến câu hỏi của y.

Chẳng trách cả nhà vua lẫn vị hoàng tử này đều có vẻ hứng thú với y, mặc cho lệnh cấm họ đặt ra với mọi kẻ xung quanh. Để giải trí, anh ta nói, nhưng cũng đồng thời để tìm ra một câu trả lời nào đó mà ngài ta không tìm được ở thế gian. Trong những năm tháng đóng đủ loại vai giả thần giả quỷ, y biết con người thường tìm đến các hình thức bói toán này trong trạng thái hoang mang mờ mịt nhất. Vừa như tự trấn an bản thân, vừa như tìm ra một lý do cho cuộc sống của chính họ, thứ hy vọng nào đó mà họ không tìm được trong cuộc đời hiện tại.

Lúc này, ngài ta đã có mọi thứ mình muốn. Trong căn phòng êm ả bóng lửa, văng vẳng tiếng côn trùng trong cơn mưa rỉ rích ngoài song, mùi hoa xen lẫn hương trầm ngan ngát, màu bạc vàng lấp lánh, y thầm nghĩ. Thế gian bên ngoài cũng đang thật yên bình. Trận đại dịch vừa quét qua Bắc Kỳ đã dịu xuống khi đến mùa đông, và cũng chẳng đủ sức làm lung lay, gây rối loạn đến cái thế cục ngài ta đã tạo lập được. Tây dương đánh Trung Quốc, nhưng như ngài ta nói, mọi kẻ vẫn đang phải dè chừng với đất nước này. Nắng mưa gió bão đến rồi cũng qua, như muôn vàn năm vẫn thế. Tuy nhiên, y nhớ đến bài thơ mà ngài ta đề trong mơ, như thể ngài ta đã không chút hứng thú nào với cuộc sống đang tiếp diễn.

Trong nắng mưa gió bão, trong muôn vàn tai dịch, chiến tranh, đổi thay, muôn vàn cuộc đời vẫn tiếp diễn, và ngài ta nhìn chúng, nhìn họ, nhìn cả cuộc đời của chính mình, bằng tấm lòng hư không trống rỗng. Cả thế gian trong mắt ngài ta là một cõi trống không chẳng còn chút ý nghĩa nào.

Uống cạn chén thuốc, Trường Khánh công bảo người hầu đem bữa tối đến cho y. Bóng ông ta đi khuất, vị hoàng tử mới đưa mắt về phía y, nửa như trầm mặc đánh giá, nửa như tò mò.

“Phụ hoàng ta bảo, mấy năm nay khí trời thế gió tựa như hơn chục năm trước, chỉ e mấy năm sau sẽ có nạn bão lớn, do khí vận xui nên thế.” Lúc sau, Trường Khánh công nói, giọng bỗng hạ thấp hơn hẳn. “Mỗi năm đến tháng mười một, ngài đều đến đài quan sát thiên văn khí tượng, xem dự báo cho năm sau. Nhưng mọi người vẫn bảo ngài chẳng bao giờ dự đoán đúng cả, chỉ nói những chuyện tốt đẹp chẳng mấy khi thành sự thật, và cấm người khác nói điều xấu. Đến những tai dị rõ ràng như sét đánh thì Khâm thiên giám phải dâng tờ tâu kín.

“Dự báo nọ ngài chỉ lo phiền mà bảo với ta, còn vẫn nói những lời đẹp đẽ dịu lòng người với kẻ khác. Ngài nói chẳng bao giờ đúng cả, hoặc trời chẳng bao giờ tốt với ngài cả.” Trường Khánh công cười khẽ. “Hoặc ngài cảm thấy bất an nhưng vẫn nhủ lòng là thế, rồi sẽ tốt, tất cả rồi sẽ tốt. Dù có bao nhiêu chuyện xảy ra, rồi cũng sẽ đổi thay. Thế gian này không thể cứ như thế được.”

“Bọn họ lại nói, chẳng phải tất cả đều do ngài ấy mà ra.” Y cũng nhẹ mỉm cười, nói khi Trường Khánh công im lặng. Không chỉ niềm tin xa xưa rằng đức độ của vua đem lại khí hòa cho cả nước, thật sự bao nhiêu chuyện xảy đến cũng do chính hành động của nhà vua tạo thành. Ngài ta thay đổi cơ cấu của cả đất nước, đụng chạm đến những thế lực tồn tại hàng ngàn năm, mâu thuẫn với người này kẻ nọ, và ước vọng còn cao hơn của ngài ta. Tất cả diễn ra vào một thời đại chìm ngập trong thiên tai dịch họa, trong tranh chấp xảy đến trên toàn thế giới, đã gõ cửa Đại Nam.

“Họ bảo, ngài muốn làm quá nhiều. Dân chúng quanh năm phải đi dựng thành, đắp đê, đào sông, làm việc lấy vật phẩm bán, không thì cũng là thay đổi cái này, bỏ cái nọ, thêm cái kia, ngài thật chẳng biết khoan sức dân. Nhân từ của ngài không đủ để người ngưỡng mộ, cái nghĩa của ngài không rõ để người cảm động, cho nên chúng dân gian dối, bất phục, trị hóa không được là vì thành tín không đủ. Lại ưa thích những thứ kỳ lạ, người lẫn việc đều không theo lẽ thường, khiến kẻ dưới bắt chước, vừa rối loạn phong hóa vừa làm bại việc chính sự.” Trường Khánh công cười tiếp lời y, giọng vẫn nghe như hòa lẫn với mưa ngoài vườn. “Chắp ghép vài điều trong sách vở, dẫn ra vài ông Nghiêu ông Thuấn mà chẳng ai biết thật giả thực hư, đã có thể coi như mình lý giải được cả thiên hạ, đúng sai thành bại. Trong những lời ấy, ông vua nên ngoan ngoãn tuân thủ theo phép tắc ngàn xưa, nhất cử nhất động đều dựa vào quy củ, không ham thích thứ gì ngoài lễ, không ao ước thứ gì ngoài đạo, không làm thứ chi ngoài những gì quần thần và dân chúng ông ta muốn. Như thế, cả đất nước có thể yên ổn sống trong thứ điều luật đã sẵn có, tin vào sự anh minh không hề sai lầm của đức vua, chẳng cầu mong bất cứ thứ gì nên cũng chẳng gây nên việc khó xử, chẳng làm gì nên chỉ cần các làng mạc đóng cửa tự sinh tự diệt và nộp thuế, và hy vọng trong tuyệt vọng rằng toàn bộ con người cũng nhờ đó mà trở nên thuần lương trong sạch. Nếu bọn họ xấu xa sai lầm, đều là lỗi của nhà vua cả đấy.”

Tiếng cười trầm trầm vang trong bóng lửa lung lay. Y lặng lẽ nhìn Trường Khánh công cúi đầu, khuôn mặt khuất trong bóng tối, ngón tay lại chạm đến lõi quả thiên cầu làm dở trên bàn. Giọng nói cùng dáng điệu của anh ta chợt trở nên giống nhà vua kỳ lạ. Vì ngài muốn, câu chuyện trong giấc mơ lại âm âm lạnh toát bên tai y.

“Điều đó không đúng ư?” Y buột miệng hỏi. Nhìn ngón tay Trường Khánh công nhặt lên một mảnh gỗ sơn chữ đỏ, trong lúc anh ta trầm mặc quan sát y.

“Đúng chứ. Trên một sân khấu, nếu có kẻ nào đó bỗng dưng xé mũ áo muốn diễn riêng một phách, đạo sĩ sẽ làm gì?” Khóe miệng Trường Khánh công cong lên. Y im lặng một thoáng rồi đáp.

“Bảo những diễn viên xung quanh đánh ngất hắn lôi về sau hậu đài, ‘giết chết’ vai diễn ấy.” Y nói khẽ. Người hầu mang một mâm cơm nhỏ vào phòng, Trường Khánh công lại quay về chăm chú vào quả thiên cầu đang chế tạo. Theo thói quen trong nhà họ, có lẽ không ai lên tiếng trò chuyện lúc ăn cơm. Có đứa trẻ nhỏ đến ghé tai Trường Khánh công thì thầm, anh ta liền cáo từ đứng dậy đi ra ngoài cùng người hầu, để y một mình trong phòng.

Vừa ăn, y vừa nhìn quanh. Phòng này có vẻ là nơi làm việc của phủ Trường Khánh công. Ngoài quả thiên cầu dở dang trên bàn, trên kệ có bày đôi ba món đồ chơi tự động nho nhỏ vô cùng tinh xảo. Con chim gỗ màu xanh chợt cúi đầu kêu lách tách khe khẽ, rồi đung đưa liên tục.

“Ngươi đấy phải không?” Y cau mày. Con chim gỗ quay đầu về phía y, giọng nói kỳ lạ vọng qua làn không.

“Tại sao ngươi không nói với anh ta chuyện ta vừa cho ngươi thấy?” Con chim gỗ vẫn vừa ngả nghiêng vừa liếp chiếp cái mỏ trong bộ dáng rất buồn cười. Đến nỗi y chỉ muốn đưa tay vặt đầu nó xuống.

“Nói rằng có một con ma muốn ta thông báo cho vua rằng vị đại quan thân tín được giao cả cõi Trấn Tây của ngài và Tổng đốc An Hà câu kết với nhau giở trò ma quỷ, trong một sự kiện còn chưa xảy ra? Ngay cả việc Trương Minh Giảng thu tiền ở An Giang ta cũng bóng gió rồi, ngài ấy còn bảo gác lại. Nói thêm một câu, có khi ta sẽ bị lôi đến Đại lý tự điều tra xem là gian tế kẻ nào cài cắm vào để hại Trương Minh Giảng. Lúc ấy ta thật có mười cái miệng cũng không cãi được.” Tố cáo một tội lỗi chưa xảy ra, và với thân phận gián điệp của y, Trương Minh Giảng cũng sẽ không giúp một kẻ muốn hại ông ta, ngược lại còn cho rằng y là kẻ hai mang.

“Ngươi vẫn có thể cảnh báo ngài ta. Theo ta tính toán thời gian, lúc này Nặc Yêm hẳn chuẩn bị vượt biên giới Hải Tây rồi đấy.” Con chim kia nghe như đang cười.

“Thế thì bảo ngài ta giết Nặc Yêm đi, đừng để hắn về làm loạn tình hình à?” Y buông đũa, nheo mắt nhìn con chim. “Ngươi có biết Ngọc Vân thân quen với mẹ Nặc Giun không[5]? Còn nhà mẹ của Ngọc Biện thì liên hệ chặt chẽ với nhóm phản quân ở Xiêm của Nặc Yêm. Ta còn đang nghĩ, khi Trương Minh Giảng lựa chọn con gái của Nặc Chăn để trao chức quyền, ông ta đã có ý ngay từ đầu rồi. Mặc cho bọn Trà Long, Nhâm Vu, Thi Kê ấy là những kẻ trung thành nhất với Nặc Chăn, là nhóm quân đầu tiên đánh lui Xiêm ở Ba Cầu Nam năm đó[6], mẹ Ngọc Biện là hoàng hậu của Nặc Chăn. Tính về địa vị, thế lực lẫn mọi điều kiện khác, Ngọc Biện nên được lập Quận chúa mới phải. Trương Minh Giảng hay triều đình không lựa chọn Ngọc Biện đã là không hề có ý muốn nhóm thổ mục này chiếm thế thượng phong, cũng không hề muốn lôi kéo Nặc Yêm – hắn là anh của Nặc Giun, được Xiêm phao tin là muốn lập làm Quốc vương Chân Lạp.

“Trước có người là Lê Văn Khoa đến gặp Nặc Giun, hắn nói muốn quay về Chân Lạp. Ta nghe nói ba thuộc hạ mà Nặc Giun phái đi làm tin với Trương Minh Giảng để chuẩn bị đầu hàng cũng bị Trương Minh Giảng bắt giam, còn xin vua nhất quyết không thể để Nặc Giun trở về. Bọn thuộc hạ bị đưa đi mất tích, Nặc Giun bị Nặc Yêm tố cáo bắt đến Vọng Các.[7]” Y nghiền ngẫm nói, nhìn bóng con chim đong đưa trên bức tường. “Như vậy Trương Minh Giảng hoàn toàn không muốn cả Nặc Yêm lẫn Nặc Giun quay trở về, trong khi nhà vua lại có ý khác. Thậm chí có kẻ đã bày trò chặn đường về của Nặc Giun. Xét về tình thế, để hai kẻ Yêm, Giun ở Xiêm chẳng hề có lợi, chúng sẽ liên tục bị Xiêm đưa ra làm cớ để quấy rối Chân Lạp. Cho hai kẻ này quay về, lựa cách giam giữ lại, cho thuộc hạ sống lẫn với dân cư, vừa được tiếng tốt vừa dập tắt hoàn toàn âm mưu của Xiêm, thu tóm được dòng chính của Phiên vương, muốn gì cũng dễ dàng hơn. Điều này chẳng lẽ Trương Minh Giảng chưa từng nghĩ tới?”

Y bỗng ngừng lời, ngẩn người nhìn bóng lửa. Con chim gỗ kia xoay cái đầu một vòng tròn, nghe như khúc khích cười.

“Nói Nặc Yêm về sẽ ảnh hưởng đến địa vị của Ngọc Vân trong cả đất nước cũng như dòng tộc, nhưng Nặc Giun về cũng bị ông ta chặn đường. Trương Minh Giảng vốn là không hề muốn dòng chính Phiên vương trở lại. Không phải vì Ngọc Vân, cũng chẳng phải vì Trấn Tây, chẳng lẽ vì ông ta là người cố chấp đến độ khăng khăng một mực rằng hai tên Giun, Yêm có tội thì không chấp nhận?” Nó nhẩn nha vừa cười vừa nói. “Hay đúng theo lời dân Thổ, Trương Minh Giảng muốn lấy Ngọc Vân, có được chức Phò mã Chân Lạp, trở thành một Chiêu Chùy Biện trấn giữ lấy đất nước không vua?”

Câu hỏi của nó rơi vào lặng yên, chỉ còn vang âm thanh kẽo kẹt của cỗ máy nhỏ. Y toan nói, rồi nhớ đến vị tướng quân kiên quyết anh dũng năm nào, rồi lại nhớ đến muôn vàn khuôn mặt đã đi qua, bao nhiêu toan tính, tranh chấp ở vùng biên giới hỗn độn của bốn nước. Nơi mà con người mặc sức tỏ bày sự bạo tàn, dã man, tham lam, độc ác như lẽ đương nhiên.

Y nhớ tới cả những vị quan Phiên năm đó đã cùng đoàn quân đến Hải Đông, Hải Tây càn quét quân Xiêm. Trong tình thế nhà vua Nặc Chăn lên thuyền trốn chạy, đại quân Xiêm hàng ngàn vạn kéo đến, quân Gia Định nằm yên ở biên giới chờ thời, họ là những người đầu tiên dẫn quân đến chặn đường kẻ địch, phá vỡ thế hùng hổ của người Xiêm. Do đó, toàn bộ Trấn Tây nổi loạn – khi những con người trung thành nhất lại bị khép tội oan ức, không ai còn có thể tin. Triều đình muốn giết tất cả chúng ta, họ nói.

Nhóm người Trà Long, Nhâm Vu là thuộc hạ của Ngọc Biện, con gái hoàng hậu vua Nặc Chăn, đáng lẽ là kẻ kế thừa Chân Lạp. Ngọc Vân có họ với Nặc Giun, kẻ tranh chấp ngầm với Nặc Yêm được Xiêm tôn làm Quốc vương Chân Lạp. Kẻ phía trên muốn lợi dụng tình thế phân tranh mâu thuẫn của Chân Lạp để cai trị, cuối cùng đã mắc vào chính bàn cờ của mình. Bởi những toan tính thập thò ở Trấn Tây thành.

“Dương Quan Thảo chính là người của Dương Văn Phong đấy[8], kẻ này từng có thời gian làm ở Binh tào Gia Định, rồi lại được phái đến xem xét tình hình loạn Lê Văn Khôi. Hẳn lúc ấy Dương Văn Phong đưa Dương Quan Thảo đến giúp việc cho Trương Minh Giảng.” Một lúc, y bỗng nói. Lời còn chưa hết, con chim gỗ kia đã cười nhạt.

“Dương Quan Thảo chỉ là một tên Cai đội, có lừa trên dối dưới được cũng do thượng cấp không xét kỹ, hoặc không muốn xét đó thôi. Tên Quan Thảo thường ngày cáo mượn oai hùm đi làm việc cho Trấn Tây Tướng quân, mới chiêu thù chuốc oán, ngươi lại coi đó là cách đổ trách nhiệm à?” Nó cười lách cách nghe sởn cả gai ốc. “Bình Thành bá, Trấn Tây Tướng quân, muôn kẻ kính phục, người người thương yêu, sao lại có thể trở thành kẻ âm mưu chiếm quyền cát cứ không được thì quay ra hại cả nước, hại chết cả nhà vua?”

“Hại chết nhà vua? Đó là ý muốn của ngươi phải không?” Y đưa mắt nhìn về phía con chim xanh, vì bóng tối mà đến giờ y mới để ý đến cái đuôi dài của nó. “Ngươi cho ta thấy giấc mộng kia, lại liên tục giục ta đi kể cho nhà vua, vốn chẳng có ý tốt gì. Ngươi chỉ muốn cho ngài ta thấy những gì ngươi vừa nói.

“Ngươi biết chuyện thanh loan vũ kính không?” Y hỏi, mà như không phải là hỏi. Đương nhiên là nó biết, cậu ta cũng biết.

Chim thanh loan đã chết ngay khi nhìn vào gương, nhận ra chỉ có một mình giữa lồng son. Thanh loan đã chết, ngay khi thấy chính mình.

 

Chú thích:

[1] Thuyết tình ái kỳ 2 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Thực lục, năm 1846: “Tức như vị thuốc gọi là sâm, sinh sản ở chỗ ấy thì tốt, đem trồng ở chỗ khác thì vị đổi khác. Trẫm dùng thuốc hằng ngày, về thổ ngơi hơi thấy có khác, huống chi là phẩm chất chè.”

[3] Thực lục, năm 1830: Vua dụ rằng: “Ngày đến Yên Kinh nên nói với Lễ bộ nước Thanh rằng nước ta vốn ít nhân sâm, xin cứ chiếu lệ các vật hạng thưởng cấp thì chiết giá mà cấp thay cho bằng nhân sâm Quan Đông”… Bọn Vũ đến Yên Kinh, nói với bộ Lễ lại nói là: vì sự hiếu dưỡng cần phải dùng nhân sâm, làm hại quốc thể.

[4] Thực lục, năm 1847: Đời gần đây, có người làm các bài thơ để xem bói rút thẻ, thường ở trước chỗ thờ thần, xóc ống thẻ, thấy đầu thẻ thò lên thì rút ra. Vua trông thấy, mỉm cười rằng: “Bói toán có thần, là vì không nghĩ ngợi gì, không làm gì. Xóc ống thẻ mà thẻ vọt ra, là có sức người ở đó rồi. Đã có sức người thì không thiêng liêng, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được?”. Bèn chế ra 2 quả thiên cầu, chữ đỏ, chữ trắng đều một quả, trên quả cầu khắc 10 can 5 thường và 5 phương, cộng 20 chữ, để yên trong cái hộp.

Không rõ thiên cầu do Thiệu Trị chế ra có hình dạng nào, nhưng chữ “thiên cầu” vốn chỉ dụng cụ mô phỏng dùng trong thiên văn học phương Tây từ thời cổ đại. Từ thời Tây Hán của Trung Quốc cũng có thiên cầu mang hình dạng, chức năng tương tự, dùng bánh răng và đồng hồ nước làm quả cầu xoay liên tục. Hình dạng quả thiên cầu này còn được in trên tờ tiền 10.000 won của Hàn Quốc.  

[5] Thực lục, năm 1845: Ngọc Vân và mẹ tên Giun và người nhà.

[6] Thực lục, năm 1834: “Bọn quan nước Phiên, ốc Nha Trà Tri tên là Long, ốc Ma Nhâm Lịch tên là Tu, ốc Nha Ma Ha Thi Na tên là Kê đánh phá quân Xiêm ở đường bộ.” Sau đặt tên lại cho quan Trấn Tây mới ghép thành Trà Long, Nhâm Vu, Thi Kê.

[7] Thực lục, năm 1837: Quan thành Trấn Tây tâu nói: Đã phái Đội trưởng thông ngôn là Lê Văn Khoa giả dạng đi thám 2 phủ Bắc Tầm Bôn, Lò Gò Vật, nói dối tên là Mường Giao, nhờ người Thổ dẫn đến chỗ ở của Nặc Ong Giun là súc Tà Nặc. Ong Gian tin thực, tỏ bày vì nước Xiêm quẫn bách muốn về đất cũ, theo đem theo thuộc hạ là lũ tên Che 3 người về thành, kêu xin nhận cho, nếu được báo tin cho biết, đến tháng 7 tháng 8 mùa nước lên, đem gia quyến trốn về. Xét ra tên Giun phản anh theo giặc là người có tội lớn, quyết không có lý trở về, nếu nhân quẫn bách xin về, rất không thể cho nói đến việc ấy.

Vua mật dụ rằng: “… nên nghiên cứu 2, 3 lần, xem xét kỹ lưỡng, đem tình hình tâu vào rõ ràng… Vả lại tên Giun phản anh theo giặc, triều đình cố nhiên không thèm dỗ đến mà bắt tội, nếu chúng tự về, do thành phải giải về Kinh, xét về sự lý cũng không có gì là không nên, chuẩn cho lũ ngươi gia tâm trù tính cho kỹ.”

[8] Thực lục, năm 1841 đời Thiệu Trị: Vua bảo Doãn Uẩn rằng: “Ta nghe chuyện thổ mục và thổ dân giết chết tên Dương Quan Thảo, tại sao họ lại oán quá lắm thế?”. Doãn Uẩn tâu nói: “Quan Thảo là người tin cậy của Dương Văn Phong, lại ở luôn bên cạnh Trương Minh Giảng. Người Man vì thế oán giận”. Vua phán rằng: “Con ong, con bọ cũng có nọc độc, lẽ cố nhiên như thế. Oán Thảo tức là oán Phong.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.