- Lạc lạc phong trần nhật, tiêu tiêu thảo mộc thu[1]
(Mặt trời rơi trong gió bụi, xạc xào cây cỏ về thu)
Thuyền đi vào cửa Tư Dung, sóng xanh màu trời mùa hạ, gió thoảng mùi khói súng từ những đám cháy vẫn còn le lói trên các đỉnh núi. Tiếng hô vang của đoàn quân chiến thắng dậy đất trời. Tất cả cùng gầm lên vỡ tung cả lồng ngực. Phú Xuân, Kinh thành, giấc mơ bao nhiêu năm trời, cuộc đời của họ.
“Con trai, đây là giang sơn của con!” Bên cạnh, phụ hoàng cũng hân hoan hô nhịp với đoàn quân, nói khi ngẩng đầu nhìn dòng sông trải dài trước mặt, dải xanh uốn lượn giữa những dãy núi nghi ngút khói. Sóng đã kịp cuốn đi những mảnh ván gỗ, tàu chìm, cả xác người. Phụ hoàng đưa tay đáp lời muôn người, vẫy lá cờ lớn khi đi vào dòng sông, và bất chợt nói.
Lúc ấy, ngài ta còn nghĩ, phụ hoàng vui miệng mà lỡ lời đấy thôi. Nhưng cũng chẳng ai để ý tới, ngài ta cũng quên ngay sau đó khi ngước nhìn quang cảnh xung quanh. Vào cửa Tư Dung, Phú Xuân trước mặt, giấc mơ cả cuộc đời của toàn bộ người xung quanh, kể cả những người như Hồ Văn Bôi cũng đang tò mò lạ lẫm nhìn ngắm y như ngài ta. Người đàn ông ở ấp Bình An xứ Trấn Biên trôi dạt khắp Nam Kỳ, khắp vùng biển Xiêm La, rồi cả đất nước, theo từng bước chân phụ hoàng. ‘Phú Xuân đây sao?’, ngài nghe ông ta hỏi khẽ, trong muôn vạn thanh âm vỡ cả đất trời.
Phú Xuân ngày ấy, điêu tàn mục nát, những tòa phủ đệ cũ ngả nghiêng, những ngôi chùa tráng lệ bị phá hủy. Ngôi thành trên gò Dương Xuân chỉ là mấy tòa nhà chắp vá, vương vãi đồ đạc bị quân bỏ chạy ném lại. Con người xao xác, sợ hãi, đau đớn, buồn thương. Họ kể lại, chầm chậm, những tháng ngày mà nạn đói quét qua, trong chợ bán thịt người, những tháng ngày nằm giữa làn tên mũi đạn của hết kẻ này đến kẻ khác, những cuộc chiến bỗng dưng bao phủ lên họ, bắt từng tráng đinh ra trận, bắt cả lão ấu đi đào hào dựng lũy. Những cái tên mà họ chẳng hề biết tới, những trận đánh mà họ chẳng hề quan tâm, chỉ có cái chết và tang thương với họ là sự thật.
Năm ấy, đoàn chiến thuyền dừng ở Đà Nẵng. Và ngài ta lại nghe câu chuyện về thương phố một thời chỉ còn tro tàn, về nạn đói. Và ngài ta nhìn thấy những đứa bé gái được cha mẹ dắt tới gạ bán cho binh lính, đổi lấy vài đồng xu lẻ. Cũng như thịt người, có kẻ thì thầm, họ chẳng còn gì để bán, ngoài người.
Năm ấy, đoàn quân đi qua vùng Quảng Trị, Thanh Nghệ cháy đen không còn một bóng nhà dân. Những nhóm quân từ trong núi chạy đến đón tiếp, rổn rảng nói về căm thù và phục hận, về những giấc mơ và niềm tin của bọn họ. Mùa hạ, nắng mưa đổ xuống luênh loáng những vệt máu tươi, nồng nực mùi xú uế, khét đắng khói súng, ầm ào tiếng người. Những thủ cấp ròng ròng máu được đưa đến trước điện Kính Thiên dột nát. Đông Kinh cũng một màu điêu tàn hủy hoại, nham nhở loạn lạc như Phú Xuân, cũng những cái lưng cong cong cúi gục, những căm ghét hận thù, hả hê tức tối, hèn mạt đê tiện, toan tính luồn lách, cơ hội bạo tàn. Tất cả cùng xuất hiện, cùng trình diễn trên một sân khấu vừa đổ vỡ, cũng lại vừa mới bắt đầu.
Con trai, đây là giang sơn của con.
Bóng người nhỏ bé, bờ vai mảnh mai nghiêng trong bóng tối, trong tiếng khóc văng vẳng bị nén lại giữa những bức tường lá, dưới ánh lửa lập lòe trên ban thờ gỗ mộc. Người phụ nữ bên cạnh vẫn không ngừng nức nở, trong khi bóng người kia bất động.
“Hàng chục năm đi theo hoàng thượng, cha con mới được chức Cai đội. Liều chết phù trợ đánh Thị Nại, ông mới được thăng Phó Vệ úy. Năm ấy đánh lũy Trấn Ninh, quân Túc trực lăn đá xuống chặn đường Tây Sơn đánh lên núi, ông mới được phong Vệ úy. Toàn thắng ở Đông Kinh, ông mới thành Chưởng cơ. Tước vị của cha con là dùng máu cả đời đổi lấy.” Tiếng khóc kể thê thảm chìm trong lặng yên chết chóc. Những đứa trẻ đứng nép bên ban thờ cùng một vẻ bi thương, chăm chăm nhìn người chị.
Những đứa trẻ ấy bưng đồ thờ, cúi đầu rót rượu trong lặng im, rồi theo người phụ nữ xuống thuyền rời khỏi. Ngài ta ngẩng đầu, nhận ra thuyền đã trôi xa, tấp vào một bãi cạn đất bồi giữa dòng nước. Ngã ba La Khê, sóng bạc cuồn cuộn, núi xanh mênh mông. Dòng sông đến đây phân hai bờ Tả Hữu dẫn vào trong núi. Đuôi mắt ngài ta chợt bắt gặp một bóng đen giữa cồn đất. Con rái cá lớn cũng có vẻ như giật mình, vội vàng chắp hai chân trước gục đầu xuống đất như sụp lạy. Nó cứ làm như thế cả chục lần, ngài ta bất giác bật cười.
Khi mang thai con, ta mơ thấy thần cho ấn ngọc, mẹ ngài ta kể. Khi ngài ta sinh, nước sông Gia Định chợt trong. Ngài ta nhìn con rái cá ấy mà nhớ đến những câu chuyện mà người xung quanh thì thầm kể. Nó cũng nhận biết, như cả đất trời.
Ba mươi năm sau, bãi đất bồi dài thêm hàng chục trượng, cao đến năm thước, nằm ngay trước Hiếu Sơn. Ngã ba sông ấy, là nơi ngài ta chọn cho giấc ngàn. Dấu thuyền năm xưa bên bãi, đã lấp dưới cát bụi dòng sông[2].
Con trai, đây là giang sơn của con.
“Hoàng thượng…” Tiếng gọi khẽ khàng lại dứt ngài ta khỏi cơn mộng mị. Ngài ta ngồi thẳng người lên, ra vẻ như không nhận thấy ánh mắt của những người đứng trước cửa điện. Trong những ngày mùa đông u ám này, ngài ta thường mệt mỏi, chỉ cần nhắm mắt đã rơi vào trạng thái mê man ngắn ngủi.
“Bẩm, quan trong Nội các đã thảo xong tờ dụ, dâng cho bệ hạ xem lại.” Trương Đăng Quế nói, dâng lên tờ dụ. Ngài ta đọc xong, gật đầu đưa lại bảo ông ta chuyển cho lính trạm.
“Phi Nhã Chất Tri bao vây thành Hải Tây rồi bỗng dưng gọi bọn Vũ Đức Trung ra giảng hòa vốn có ý khác.” Trương Đăng Quế thấy thế bèn nói. Ông ta đích thân đưa tờ dụ đến vốn còn muốn bàn thêm. “Bọn Trương Minh Giảng mất liên lạc với Hải Tây hơn một tháng, khi vừa đến Biển Hồ đã thấy người chặn đường bảo Vũ Đức Trung giảng hòa với Phi Nhã Chất Tri rồi. Tính toán thời gian, hẳn tên tướng Xiêm kia nghe Hải Đông thất bại, đại quân ta kéo đến thì Hải Tây cũng khó giữ được, nên đánh gấp ép bọn Vũ Đức Trung ra bàn chuyện giảng hòa.”
“Mục đích của hắn là dùng bọn Vũ Đức Trung nhét chữ vào miệng ta, bảo rằng chúng ta đã chấp nhận ý của hắn ‘lập lại nước Chân Lạp, thần phục cả hai nước’. Đám người Thổ vốn chẳng biết gì, chỉ cần nghe nói đại quan trị nhậm của ta bàn xong việc giao ước, thế là coi như sự đã thành.” Nhà vua cười nhạt, tiếp lời Trương Đăng Quế, trong khi cơn ngầy ngật ở lồng ngực vẫn chưa hết. “Hắn dùng chiêu bài lập Nặc Giun, phục dựng lại Chân Lạp mà sang đây, vốn có ý sử dụng nó để kích động người Thổ. Đồng ý với hắn tức là nghĩ đến lập lại Chân Lạp, không đồng tình thì ta trong mắt dân Thổ là kẻ bội tín không ra gì. Cho nên cách khôn ngoan nhất là cứ đồng tình giảng hòa với hắn đi, nhưng việc lập lại Chân Lạp thì đừng nghĩ tới, và nhất quyết phải kể toàn bộ trách nhiệm gây chiến của hắn. Chính hắn gây chiến với ta suốt bao nhiêu năm mới dẫn đến tình trạng bây giờ, đừng hòng giả nhân giả nghĩa đóng vai mèo khóc chuột cho dân Thổ mà trục lợi.”
“E rằng… với tình trạng bây giờ, giữ Trấn Tây cũng không thể nữa.” Trương Đăng Quế nói khẽ. Nhà vua chớp mắt, nhưng không phản ứng, nên ông ta tiếp tục nói. “Đúng như ngài đã nói, năm xưa Chân Lạp bị Xiêm tấn công, toàn bộ dòng dõi Phiên vương bị đưa về Vọng Các, để Nam Vang cho quan tướng người Xiêm trấn thủ, nhờ Thế Tổ mới lập lại được ngôi vua Chân Lạp. Năm nào khi quân Xiêm tràn qua cướp phá sạch trơn, Chân Lạp không còn gì, ta mới phải đưa quân sang lập Trấn Tây. Nhưng Xiêm đã làm bao nhiêu chuyện như thế mà dân Thổ vẫn đi theo, chống đối ta đến cùng. Tạm thời chưa nói trách nhiệm là của ai, tình hình như bây giờ, không thể nghĩ đến việc chia đất lập phủ, dựng lưu quan trấn nhậm được nữa.”
“Thì chẳng lẽ lại đưa đất Chân Lạp cho tên Nặc Giun kia, xem như mất toàn bộ đất ấy à? Các người nghĩ một kẻ như Nặc Giun sẽ ngoan ngoãn ‘thần phục cả hai nước’? Trong khi Nam Chưởng đã trở thành tay sai của Xiêm, quấy rối chúng ta hằng năm, Vạn Tượng giờ trở thành đất hoang cho Xiêm vào ra như chỗ không người. Ngay cả nếu bây giờ không thể tái lập Trấn Tây, cũng không thể để bọn Phi Nhã Chất Tri, Nặc Giun dễ dàng được lợi.” Nhà vua đều đều nói. “Người Xiêm tham lam tàn ngược, dù Phi Nhã Chất Tri có khéo xảo biện đến đâu cũng không che giấu được. Dân Thổ mời chúng qua thì phải cung cấp lương tiền cho chúng, rồi cũng sẽ phải nếm mùi cực khổ với chúng, đến lúc ấy xem ra sao. Nặc Giun trước đã ngã nghiêng hai lòng, toan tính muốn lợi dụng Xiêm lấy ngôi vua Chân Lạp chứ chẳng phải trung thành gì, cứ vừa gây khó khăn cho Phi Nhã Chất Tri, vừa đưa mồi dụ Nặc Giun, có khi kết quả lại xoay chiều đấy.”
“Hiện giờ khắp Trấn Tây nổi loạn, quan quân liệu thế khó đánh dẹp được, muốn làm thế giằng co lâu dài e rằng cũng quá mức khó khăn thiệt hại.” Trương Đăng Quế lắc đầu, nhẹ giọng. “Trương Minh Giảng thu phục được Hải Đông, Hải Tây, giảng hòa được với Phi Nhã Chất Tri, rồi lại có thể làm Trấn Tây Tướng quân sao? Ta rút đi vùng nào thì giặc tràn lại đến vùng ấy, Trấn Tây lớn gấp đôi Nam Kỳ, địa thế khó khăn gấp bội, hiện đã không thể kiểm soát nổi. Phi Nhã Chất Tri nghe đại quân đến liền nhử ngay cách cầu hòa, rồi thì hắn chỉ cần ngồi rung đùi ở Bắc Tầm Bôn nhìn ta xoay xở với dân Thổ, lưỡng bại câu thương.”
Nhà vua cau mày, như toan nói nhưng lại im lặng. Trương Đăng Quế khe khẽ thở ra.
“Tuy nhiên Chân Lạp không thể mất, với dân Thổ cũng không thể nhượng bộ, bằng không chúng sẽ xách động toàn Nam Kỳ nổi loạn. Với Xiêm La càng không thể nhụt chí, bằng không chúng sẽ đưa đại quân tấn công thẳng sang. Trận này ta vẫn cứ phải đánh, có thể chiếm được bao nhiêu lợi thế thì phải chiếm lấy, mới có thể dễ dàng khu xử.” Trương Đăng Quế nói như thở dài. “Đến bây giờ chúng ta ở đây vẫn không biết Trấn Tây, Nam Kỳ xảy ra việc gì. Nhưng đại thế coi bộ đã hỏng rồi. Hết Trương Minh Giảng đến Vũ Đức Trung.”
Ông ta nói rồi lại yên. Nhà vua vẫn không lên tiếng. Không thể chia đất lập phủ, Trấn Tây thành thất bại. Có lẽ, vì sự chậm trễ tâu báo của Trấn Tây, họ đã không nắm được tình hình, và liên tục phản ứng sai cách. Cuối cùng, nhóm quân ở Hải Tây đẩy họ vào tình thế còn lúng túng hơn. Phi Nhã Chất Tri đem hàng vạn quân bao vây Hải Tây, rồi lại đánh tiếng cầu hòa. Bọn Đề đốc Vũ Đức Trung không dám tự quyết, Xiêm liền đắp núi đất, đem súng lớn bắn nát cả thành, quan quân phải đào hang để lánh đạn. Để giữ mạng hơn hai ngàn quân, Vũ Đức Trung ra thành bàn chuyện giảng hòa với Phi Nhã Chất Tri, đồng tình với viên tướng Xiêm về lập lại Chân Lạp thần phục cả hai nước. Phi Nhã Chất Tri liền cho binh thuyền hộ tống quan quân cả thành Hải Tây quay về, cùng với lá thư cầu hòa nọ.
Để làm sự thể càng thêm tồi tệ, Đề đốc Vũ Đức Trung và Tuyên phủ Hải Tây Nguyễn Song Thanh đã sụp lạy ra mắt Phi Nhã Chất Tri cầu sống. Vũ Đức Trung năm xưa từ một Chánh đội trưởng thăng tiến lên từ trận đánh Thuận Cảng, từ cuộc chiến với người Xiêm. Nguyễn Song Thanh từ một thuộc viên Nội các tự nguyện xin đi đánh Phiên An, anh dũng lập công. Thời đại này, anh hùng và tội đồ, tôn quý và ti tiện, dũng cảm và hèn mạt, có khi chỉ là cái chớp mắt.
Thời đại này, chính là cõi hỗn mang mù mịt của lòng người.
“Bọn Vũ Đức Trung hèn nhát nhơ nhớp đến như thế, làm mất quốc thể quá lắm.” Nhà vua nói, vẫn bằng giọng đều đều. “Nhưng Hải Tây trơ trọi, mất liên lạc cả tháng trời, không người cứu viện, gia ân cho chúng cách chức tìm cách lập công đi.”
Ngài ta vẫn không nổi giận. Vẫn những chỉ dụ chỉ nói về công việc, những bàn tính tức thời để tìm cách thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Ngài ta vẫn không muốn nhượng bộ, ngài ta không muốn thua, ngài ta vẫn muốn tìm cách xoay chuyển cho đến thời khắc cuối cùng. Ngài ta vốn không bao giờ thua, ngay cả khi tất cả bị hủy hoại. Ngài ta có thể trừng trừng mắt nhìn những thứ mình trân quý nhất sụp đổ tan tành, nhưng không chịu chấp nhận buông tay.
Nhưng lúc này, ngài ta chỉ nhìn lên bầu trời mùa đông với đôi mắt trống rỗng. Trương Đăng Quế đã lui ra, Chu Phúc Năng lại tới, khẽ giọng.
“Bẩm hoàng thượng, sắp tới giờ làm lễ kỵ ở điện Phụng Tiên.” Viên nội giám nói. Ngài ta gật đầu đứng dậy. Bên ngoài, Miên Tông dẫn các hoàng tử, thân công theo ban đứng đợi sẵn, cùng ngài ta đến điện Phụng Tiên. Tiếng nhạc lại tấu trong nghi ngút khói hương. Gió đông lại quần quật quanh sân điện áo gấm nón ngà chen lớp. Ngài ta thắp hương, rót rượu trước bài vị, nhìn những chữ ghi miếu hiệu, huy hiệu của bọn họ, và đĩnh vàng trên án thờ. Thế Tổ Cao hoàng đế và Thuận Nguyên Cao hoàng hậu[3], dòng chữ mập mờ trong khói mỏng, loang loáng bóng sáng như dòng nước chảy trôi.
“Phụ hoàng…” Lại tiếng gọi khác làm ngài ta khẽ giật mình. Lễ đã tan, Miên Tông đứng sau lưng ngài ta, lo lắng gọi. Những người khác đang bận rộn thu xếp buổi lễ, chỉ còn ngài ta cứ đứng nhìn mãi án thờ trong điện.
“Hôm nay trời lạnh, phụ hoàng nên về cung sớm thôi.” Miên Tông đem ra một chiếc áo lông dày, cẩn trọng khoác lên vai ngài ta. Ngài ta gật đầu, chầm chậm quay lưng ra khỏi điện. Miên Tông đi theo, đỡ nhẹ cánh tay như sợ cha trượt ngã trên nền gạch trơn ướt. Thấy ngài ta vẫn đưa mắt nhìn về án thờ, cậu ta cười. “Phụ hoàng thấy án thờ có gì lạ thế?”
“Ta bỗng nhớ ra đã hai mươi năm rồi. Thế Tổ mất cuối năm Kỷ Mão, chỉ se mình trong mười tám ngày đã ra đi, trước đó ngài vẫn tỏ ra rất khỏe mạnh.” Ngài ta thở dài, dứt khoát quay lưng xuống bậc thềm. “Năm ấy ta còn hỏi các ngự y, bọn họ đều nói là không sao cả, ta cũng tin thật như thế. Vậy mà vừa se mình, Thế Tổ đã gọi ta và các quan đến truyền di chiếu. Nghĩ lại, có lẽ ngài rõ sức khỏe mình không tốt từ lâu rồi, vừa không khỏe đã biết là nguy kịch, chỉ tỏ ra mạnh mẽ cho chúng ta thấy mà thôi.
“Ta vẫn cứ tin, tin mãi đến thời khắc cuối cùng. Đến nỗi năm ấy ta giận quá, bắt giam tất cả ngự y lại[4].” Ngài ta cúi đầu, nhìn bước chân của mình trên xác lá. “Ta vẫn thường hay bảo rằng hoàng khảo khỏe mạnh gấp mười lần ta. Nhưng nhớ lại ngài ngoài ba mươi thì răng cũng đã lung lay rụng[5], vẫn lăn lộn sa trường, muôn ngàn công việc chiến tranh gì cũng đến tay. Vậy ra chỉ là sức chịu đựng của ngài gấp trăm ngàn lần ta. Những thống khổ nhất trên thế gian ngài đều đã trải qua cả.”
“Nỗi khổ của mỗi người không giống nhau.” Miên Tông vẫn ôn tồn nhìn theo ánh mắt ngài ta, giọng nghe như gió thổi trên những ngọn cây. “Nhìn rõ hiểu rõ từ sớm, có lẽ sẽ cảm thấy không đến mức như thế.”
Ngài nghe tiếng gió trên ngọn cây, trên bầu trời. Có lẽ, cũng giống như tiếng dòng nước đã chảy dưới mạn thuyền năm ấy.
Trăng lên, đã qua rằm nhưng vẫn sáng trong. Vầng khuyết cong cong trên bầu trời mờ sương phủ. Ngài thiếp đi trong cơn giá lạnh quen thuộc len lỏi khắp châu thân. Nỗi đau đớn quen thuộc, nỗi muộn phiền quen thuộc.
Phi Nhã Chất Tri sẽ làm gì, có lẽ ngài vẫn còn đang nghĩ. Hắn chỉ cần ném bỏ Trấn Tây lại cho chúng ta quay cuồng với dân Thổ, sau kinh nghiệm bấy nhiêu năm. Hắn đứng ở biên giới, chực chờ những cơn loạn lạc để thổi bùng chúng lên, rồi lại rút lui. Lui khỏi Trấn Tây, ném rối loạn lại cho dân Thổ giải quyết, những kẻ tránh việc nói. Nhưng dân Thổ trong lời của họ vẫn rải rác khắp Nam Kỳ. Nhưng trong loạn lạc lần này có cả dân Thanh, dân Chàm, lại thêm Nam Chưởng, và có thể, cả những vùng phụ thuộc ở Bắc Trực Kỳ. Và có thể, nhượng bộ thua kém dân Thổ Trấn Tây lần này, sẽ trở thành hình mẫu cho toàn bộ các vùng khác. Từ Phiên vương Chân Lạp tới Quốc trưởng Chiêm Thành, Trấn Ninh, vua Lê, chúa Trịnh, thổ mục, thổ ty, tổng lý, hào trưởng, tất cả bóng ma cùng đòi sống dậy. Những kẻ bên ngoài chờ chực, những kẻ bên trong tham lam cùng ngu muội, tiếng động nhao nhao của muôn vàn khuôn mặt thở đẫm mùi máu tanh.
Con trai, đây là giang sơn của con.
Ngài chưa bao giờ yêu thích chiến tranh[6]. Cũng như ngài chưa bao giờ yêu thích cuộc đời đang sống.
Nhìn rõ, sẽ không đau buồn, đứa trẻ kia lại nói. Đứa trẻ chưa từng biết đến gia đình, hòa thuận, tình thương. Hóa ra, nó không giống ngài, như cha cũng không giống ngài. Năm ấy, ngài có thành Gia Định, có những ngọt ngào, có cả giấc mơ. Lòng trung nghĩa sao mà đến thế, ngài vẫn nói, suốt trong năm tháng sau này. Rồi bỗng dưng ngài nhận ra, chiến tranh là như thế, con người là như thế. Hóa ra, chỉ có ngài cho rằng cuộc chiến ấy như là tình yêu. Ký ức ấy, như là tình yêu. Thế gian này đối với ngài vẫn rất đẹp, như giọt nắng trên sương, như hoa mỏng, hương phai, cả những con người đã lụi tàn trong ánh dương rực rỡ.
Ngài nghĩ mãi về điều đó, khi chìm vào bóng tối. Bóng tối dằng dặc những nỗi đau đớn xé nát từng tấc thịt da, bóng tối nặng nề từng cơn mộng mị sâu hoắm đến tức thở, bóng tối ngàn ngạt quay cuồng như tháng năm, tháng năm.
Trong những cơn mộng mị xen lẫn tỉnh thức, ngài nhìn thấy bọn họ. Chính điện trải rộng sân đá lạnh, hoàng thành, kinh thành vừa được dựng xây, chỉ là những bức tường đắp đất. Và bọn họ cùng ở đó, cất tiếng hô vang, những khuôn mặt sáng ngời. Khi ấy, tất cả cùng hy vọng, cùng mộng ước, cùng mừng vui. Có những trọng thần thân thiết như anh em đứng ra cầu xin cho vị hoàng tử ngang ngạnh. Có những buổi luận bàn tranh chấp nói về việc dựng xây một đất nước mới hình thành. Có những thổ mục vừa mới tới kinh thành ra mắt. Có từng phần, từng phần của một quốc gia tạo lập. Có những chiếc tàu từ khơi xa vào bến, bắn súng chào mừng. Có thời niên thiếu cưỡi ngựa hát ca, gõ nhịp mạn thuyền, nỗi buồn lẳng lặng vằng vặc như trăng tỏ. Có những bất mãn cùng ước vọng, khao khát vượt lên núi cao cùng biển lớn. Tình yêu cùng vẻ đẹp như ánh dương soi sáng ngoài bờ xa.
Đôi lần ngài tỉnh lại, nghe tiếng người xôn xao trong ngôi điện sực mùi khói và thuốc. Ngôi điện mà ngài từng ở hơn hai mươi năm, cuộc đời đã giam hãm ngài biết bao ngày, nỗi đau dằng dặc suốt một đời một kiếp. Ngài nhìn thấy Tam Xuân đứng bên giường, cầm chén cháo mà nước mắt vòng quanh. Ngài nhìn thấy những khuôn mặt có vẻ quen thuộc cùng xa lạ đến bên. Những con người đã ở bên nhau suốt cả cuộc đời, vẫn chỉ là xa lạ.
Trong một khoảnh khắc hốt hoảng, ngài lại thấy cảnh tượng đám tang kéo dài trên con đường qua Tĩnh Tâm đến cung Khánh Ninh. Miên Tông đi sau áo quan, nức nở khóc trong sự bối rối hoảng hốt của quan viên xung quanh[7]. Đứa trẻ vẫn như ngày nào níu áo ngài khóc lớn mỗi lần phải chia xa, trở về với hoàng cung cô độc. Cậu ta bảo, mùa xuân ngài hãy đến ngắm hoa ở Thừa Hoan lâu.
Mọi tiếng động dần dần chìm lắng. Trong đêm mùa đông lạnh lẽo, ngài mở mắt nhìn vầng trăng đã trôi về phía hạ huyền. Tiết Tiểu hàn đang qua, Đại hàn sắp tới. Qua tiết khí cuối cùng, sẽ đến Lập xuân. Năm tháng của ngài là chờ đợi mùa xuân đến, là đợi chờ trăng lên. Tháng tháng, năm năm, cũng qua hết được một đời. Nhưng lúc này, ngài không nghĩ đến mùa xuân. Mùa xuân ngài chờ đợi, hóa ra đã nằm lại ở chân trời cũ.
Ngài lại thấy bọn họ. Sân đá chưa có tường bao, lầu các chưa chắn chân trời. Bầu trời trải rộng trên bọn họ, ngút ngàn xanh. Phía sau cha ngài là Hồ Văn Bôi trung hậu kính cẩn. Phía trước cha ngài là những vị Quận công, Tướng quân đã đi cùng suốt một đời. Hai bên tả hữu, các văn thần võ tướng cùng ngước đôi mắt trông chờ nhìn vị vua. Ở hậu điện, Hoàng hậu cùng Quốc mẫu đứng trước các công chúa, tất cả cùng trẻ trung rực rỡ. Người kia đứng đó, dáng vẻ vẫn như năm tháng cũ. Trong hàng ngũ các mệnh phụ, cô ta cũng ở đó. Cả hai đều nhỏ bé cùng cô độc, kiêu hãnh và lạc loài, nhưng ánh mắt sáng trong như gương.
Tiếng trống nổi, nhạc cử, toàn quân hô vang. Ngài bước tới.
Đêm đó, ngài được đưa đến điện Văn Minh. Ngẩng đầu nhìn qua mái ngói lưu ly, chỉ thấy một mảng trời tối sẫm. Trăng đã tàn.
Đêm đó, trăng tàn.[8]
Chú thích:
[1] Khách trung tạp cảm kỳ 6 của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Thực lục, tháng 8 năm 1840: Ngày hôm ấy, làm lễ xong, vua trở về qua bãi bên sông lớn xã Bằng Lãng, bảo thị thần rằng: chỗ này trước đây 30 năm, đất cát bồi thành bãi nhỏ dài chỉ độ vài trượng. Trẫm khi ấy còn nhỏ, đỗ thuyền ở đấy, thấy có con rái cá to tướng, hướng vào trẫm mà lạy, vốn không phải là sự lạ, cũng là ngẫu nhiêu. Nay thuyền ta đi qua đây, thì bãi này đã dài to vài mươi trượng cao hơn mặt nước 4, 5 thước rồi. Nhân nhớ việc cũ, bèn sai đặt tên bãi ấy là Thát Bái Châu [bãi rái cá lạy].
[3] Tên thụy của Thừa Thiên hoàng hậu ban đầu thời Gia Long là Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên hoàng hậu. Đến thời Minh Mạng mới thêm vào thành Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên, gọi là Thừa Thiên hoàng hậu.
Tên thụy này làm mẫu cho tên thụy của Hồ Thị Hoa sau đó là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức. Đến tên thụy của Thuận Thiên hoàng hậu lại mang cung cách khác Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công, làm mẫu cho tên thụy của Từ Dụ là Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công.
[4] Thực lục, tháng 3 năm 1820: Trước kia Thế tổ Cao hoàng đế se mình, bọn Cai bạ hầu thuốc Trần Văn Đại và y chánh Nguyễn Tiến Hậu, y phó Đoàn Quang Hoảng đều phải tội giam ở ngục, đến bấy giờ các đại thần hết sức xin, được tha cho về làng. Sau vua thường bảo thị thần rằng: “Nghề làm thuốc khó tinh. Khi Tiên đế ốm, bọn Văn Đại hầu thuốc thang, hỏi thì lúc nào cũng nói là tất khỏi, sau cùng không có hiệu nghiệm gì, khiến trẫm đến nay còn giận”.
[5] Thực lục: Trước Hoàng khảo ta khoẻ mạnh gấp 10 trẫm, tuổi ngoài 30, đã thấy rụng răng.
[6] Thực lục, tháng 1 năm 1826: Vua lại dụ bộ Lễ rằng: “Việc binh là việc dữ tợn mà năm mới lại có lệ xuất binh, không phải là việc đời thái bình nên làm. Đời trước ở lúc chiến tranh nên có việc ấy. Nay thiên hạ yên lặng, nên bàn đổi đi thì phải”.
Từ năm này đổi lễ Xuất quân đầu năm thành lễ Duyệt binh.
[7] Thực lục, năm 1841: Ngày rước quan tài Tiên đế ở cung Khánh Ninh ra, giữa buổi trưa nắng gắt, vua đi bộ, vừa theo sau, vừa khóc. Kiến An công là Đài quỳ xuống tâu xin vua nên lấy lễ mà tiết chế tình cảm. Các quan theo hầu là bọn Nguyễn Văn Trọng, Vũ Văn Giải, Vũ Xuân Cẩn, Đặng Văn Thiêm, Nguyễn Đăng Giai, Phan Thanh Giản, Bùi Quỹ, Lâm Duy Thiếp, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Trạch, Hoàng Thu, Ngô Kim Lân, Hồ Văn Thập, Phạm Khôi, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cửu Trường, Vũ Phạm Khải, Lê Văn Thu, Bùi Nhật Tiến và Lê Tập lại quỳ ở bên đường, xin vua bớt thương khóc, giữ sức khoẻ, để thiên hạ thần dân được nhờ phúc. Họ bảo thị vệ lấy nón ngự để che cho vua.
[8] Thực lục đời Thiệu Trị: “Ngày 19, tháng 12, năm ấy, còn theo ngài thân đến điện Phụng Tiên lễ kỵ, làm lễ xong, thuật nỗi bi cảm. Trong khoảng vài hôm sau, ngài se mình, ngờ đâu đến giờ Ất Hợi, ngày 28, tháng ấy, ngài từ bỏ cõi đời.”
Thực lục, tháng 12 năm 1841: Ngày Ất Hợi, vua bị ốm, ngày Giáp Thân bệnh rất kịch.
Như vậy Minh Mạng đổ bệnh ngay sau khi làm lễ giỗ cho Gia Long chứ không phải như Thiệu Trị nói là “vài hôm sau”.