Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

126. Lạp chúc lưu sầu lệ
Trường An in "Minh nguyệt 3" January 23rd, 2020
  1. Lạp chúc lưu sầu lệ, xuân tàm thổ hận ti[1]
    (Ngọn nến lưu lệ sầu, tằm xuân nhả tơ hận)

 

Tháng mười hai, ngày Nhâm Tuất, lễ đại triều lại được cử hành ở điện Cần Chính. Trăm quan lạy mừng, tiền vàng lại được ban khắp, viện Thái y lại được trọng thưởng. Phủ Kinh doãn biết ý trước của nhà vua, cho tập hợp bô lão trong vùng đến cổng thành chúc mừng. Tuy nhiên không khí có phần lặng lẽ, các quan cũng thận trọng tâu việc, nghe ngóng và quan sát lẫn nhau. Nhà vua đã đổ bệnh liên tiếp, và những lễ đại triều cách quãng trở thành lễ chúc mừng sức khỏe. Trong vòng hai tháng này, tin về căn bệnh của ngài ta càng trở nên bất thường hơn.

Nhưng có lẽ chỉ do ngài ta đau lòng vì cái chết của Vũ Viết Tuấn, vài người khe khẽ nói với nhau. Vị Phò mã con trai của Thống chế Thị trung Vũ Viết Bảo được coi như thân tín của nhà vua, và công chúa Bảy đã nối tiếp lời nguyền bất hạnh của chị em ngài ta, trở thành góa phụ đến hai lần. Cùng với tiếng kinh cầu từ đàn tế bờ sông văng vẳng, sức khỏe vừa mới tốt lên của nhà vua lại rơi xuống. Và ngài ta lại hồi phục cùng những tin báo thắng trận từ Sa Tôn. Chỉ cần tin tức từ Trấn Tây khởi sắc, tình hình ở Kinh cũng sẽ tốt, họ nói với nhau. Nhưng lẩn quất đâu đó là tiếng thở dài mỏi mệt. Suốt hai năm, tất cả đã đâm mỏi mệt với tình huống lặp đi lặp lại này.

Trong mắt họ, hẳn căn bệnh của nhà vua cũng giống như một trò đùa. Khi vừa khỏe khoắn, ngài ta cưỡi ngựa, dạo chơi, đi trông nom công việc quanh thành, cười đùa và mở yến tiệc. Rồi đột nhiên theo cơn nắng gió, ngài ta ngã xuống, những lễ thiết triều bị bãi bỏ, người ta chỉ còn thấy những chỉ dụ ban xuống từ điện Dưỡng Tâm, Văn Minh. Nhà vua vừa lại cười nói về lễ Khánh tiết lục tuần khi những lầu rạp năm nay được tháo dỡ. Nhưng lời nói của ngài ta thì đến chính ngài ta còn chẳng tin được, Trương Đăng Quế thầm nghĩ khi đi qua trường lang kéo dài hai bên chính điện dẫn tới Duyệt Thị đường.

Có lẽ cái chết của Vũ Viết Tuấn đã khiến nhà vua bớt cứng rắn, ngài ta cho ban lệnh phủ dụ chiêu hàng kẻ làm loạn ở Trấn Tây. Nhưng tin tức đến sau đó hẳn vẫn chẳng mấy tốt lành, Trương Đăng Quế nhủ khi qua Duyệt Thị đường đến vườn Thiệu Phương. Khu vườn này vẫn vắng tanh như lệ thường, chỉ có Thượng thư Công bộ kiêm Cơ mật viện đại thần Nguyễn Trung Mậu ngồi cùng nhà vua trong điện Hoàng Phúc. Khuôn mặt nhà vua đanh lại khi ngài ta lầm lì đứng nhìn ra dòng nước chảy dưới trường lang, không quay đầu khi ông ta làm lễ chào.

“Tuần phủ Lê Quang Huyên vừa gửi tập tâu, báo rằng người do thám nhặt được thư của dân Man nói về Trấn Tây Tướng quân.” Nguyễn Trung Mậu khẽ lên tiếng, nhưng tập tâu kia vẫn ở trong tay nhà vua, ngài ta không có ý đưa cho Trương Đăng Quế. Liếc nhìn rất nhanh về phía nhà vua, ông ta liền nói tiếp. “Theo như họ bảo, Trương Minh Giảng muốn lấy Quận chúa, không được thỏa lòng nên gây việc hãm hại bọn chị em Ngọc Vân. Lại ngày thường Tướng quân dùng Dương Quan Thảo làm tai mắt, đối với họ chưa từng thân tín, họ vẫn buộc phải kính thuận, sai khiến việc gì đều phải nghe việc ấy. Vì triều đình xa cách, họ bị Tướng quân ức chế đã lâu. Ngoài ra vừa rồi Tướng quân và các phái viên đo ruộng đi mua vàng, rất nhiều tình tệ.”

Nguyễn Trung Mậu đột ngột ngừng lời, Trương Đăng Quế cũng im lặng. Khoảng yên ắng rơi xuống trong căn điện đến mức họ nghe được cả tiếng nước chảy dưới thềm.

“Theo như lời lẽ này, người Thổ oán Trương Minh Giảng suốt bấy lâu nay.” Cuối cùng, Trương Đăng Quế thận trọng nói, nhìn nhà vua vẫn gần như bất động. Nghe câu nói của cận thần, ngài ta cười khan.

“Oán bấy lâu nay, sao khanh không nói là suốt bấy lâu nay việc ở Trấn Tây đều do một bàn tay Trương Minh Giảng bày ra, hắn nói có là có, nói không là không. Ngay cả những cái án, báo cáo bình thường cũng do nhóm người của Trương Minh Giảng tự quyết, bọn khác chỉ theo phụ họa, từ nhân chứng cho đến vật chứng, số liệu cho tới sự kiện, đều chỉ là lời Trương Minh Giảng.” Nhà vua quay lại, mỉm cười. “Hắn ở Trấn Tây tùy nghi sắp đặt, nghĩ tới cả việc lấy Quận chúa để trở thành kẻ thừa kế hợp pháp, giành lấy toàn quyền. Nên trước hắn không buồn hỏi ý ta đã muốn giết Nặc Yêm, sau thì trừ khử bọn Ngọc Vân, Trà Long.”

“Trương Tướng quân là người thân tín của hoàng thượng, năm nào vị quốc liều thân, công lao còn khắc trên bia đá võ công.” Trương Đăng Quế vẫn ôn tồn nói, nhận lại tiếng cười y như dự đoán.

“Ta cứ tưởng ở đây đã nhẵn mặt các vị ‘công thần’. Bia đá cứ khắc rồi lại đục.” Nhà vua vẫn cười nhạt, quay trở về thư án mà ngồi xuống, nhìn qua hai người trong phòng. “Nhưng đây mới chỉ là lời một phía của dân Thổ làm loạn, trong đó không ít ý định gây chia rẽ, vu vạ cho người của ta, phải tra xét cẩn thận mới được, đừng nên vọng động vội. Tuy nhiên dân Man thấy ta đánh gắt, nhắm không thể cầm cự lâu thì dùng thư này để giải trình, cho thấy quả thật họ oán Trương Minh Giảng lắm. Tính tình Trương Minh Giảng thì ta vẫn rõ, hắn làm việc tùy tiện có khi còn chẳng hỏi ý ta huống gì là bọn thổ quan. Việc cứ để đấy điều tra xem thế nào. Chuyện khác còn khó làm rõ vì bọn thổ quan Trấn Tây đã tạo phản cả rồi, nhưng việc đi mua vàng do phái viên của ta thì có thể tra xét ngay. Lê Quang Huyên thuộc hạt khác, không có sự gì kiêng nể, ra dụ cho ông ta lập tức tra rõ xem kẻ nào làm.

“Bọn phỉ tính vốn ngu tối, chắc không thể dùng lời nói mà chiêu dụ được, phải một phen đánh lớn thì chúng mới biết sợ.” Giọng nhà vua vẫn vừa lạnh nhạt vừa âm u. “Khai Biên như tâu báo không có việc gì thì khoan lập đồn, gọi lính vội, vận lương đến vừa phí tổn vừa khó nhọc. Chẳng bằng tập trung toàn lực dẹp yên Quảng Biên rồi chiêu tập người giữ vùng địa đầu.”

Nguyễn Trung Mậu cẩn thận ghi chép lời của nhà vua, trong khi Trương Đăng Quế vẫn trầm mặc im lặng. Đến khi được lệnh ra về chuẩn bị cho buổi chầu ngày tới của Cơ mật viện, hai viên quan vẫn giữ thái độ cẩn trọng mà lui khỏi vườn. Đi qua Duyệt Thị đường, Nguyễn Trung Mậu mới khẽ khàng lên tiếng.

“Anh nhìn thái độ của hoàng thượng thế là sao?” Ông ta nói, rồi thở dài. “Ngài gọi tôi tới cũng chỉ nói đúng mấy lời ấy.”

“Ngài ấy nổi giận rồi.” Trương Đăng Quế lặng lẽ đáp. Nguyễn Trung Mậu gật đầu rồi lắc đầu.

“Trương Minh Giảng có tội lỗi gì thì vẫn đang là Tướng quân của Trấn Tây, hiện cầm quân chủ lực ở Hải Đông, muốn tra xét cũng khó.” Ông ta vừa nói, Trương Đăng Quế đã chợt bật cười.

“Đâu phải chỉ mình Trương Minh Giảng.” Trương Đăng Quế lại im một thoáng. “Những việc loạn lạc như thế này, chẳng phải nguyên do đều giống nhau ư?”

Những tin báo về sau khi các Ngự sử, Thị vệ, quan kinh lược đến thanh tra đều giống nhau: quan lại nhũng nhiễu, mâu thuẫn với các thổ mục, thổ ty, hay sâu xa hơn là các tranh chấp về quyền lực và lợi ích. Cho nên Trương Minh Giảng có bị tố cáo ngàn tội danh, hay tội lỗi của các lưu quan, mâu thuẫn của thổ quan được Ngự sử từ Kinh đến phát hiện ra, cũng không phải điều đáng ngạc nhiên.

Điều bất thường là thành Trấn Tây lại yên lặng, và chỉ Lê Quang Huyên ở Hà Tiên, một nơi ngoài ảnh hưởng của Trương Minh Giảng, mới dâng nộp lá thư của thổ dân, những lời đồn đại đã truyền khắp Trấn Tây. Các quan làm việc bên ngoài bị thư tố cáo nặc danh, thậm chí thư phản gián, chiêu dụ, cũng vẫn dâng nộp thư từ ấy như cách chứng minh mình vô tội. Nhưng trong suốt bốn tháng trời từ khi loạn lạc bùng nổ, thành Trấn Tây chỉ đưa ra cái lý do mơ hồ: dân Thổ nổi loạn vì bọn Ngọc Biện, Trà Long. Toàn bộ đám người nổi loạn chỉ vì bọn ấy à, nhà vua hỏi. Hiện tại, hẳn ngài ta lại đang lặp đi lặp lại câu hỏi nọ, trong nỗi giận dữ lạnh buốt.

Triều đình muốn giết toàn bộ bọn họ, những kẻ nổi loạn truyền tai nhau. Hay chúng ta đưa bọn Trà Long, Ngọc Vân về chứng minh rằng không phải, người trong triều thẽ thọt bàn, khi nhà vua lắc đầu. Toàn bộ Trấn Tây nổi loạn, không một kẻ nào đầu hàng, hẳn nhiên chẳng phải vì mấy cô con gái của một ông vua khi còn sống đã chẳng được lòng người, vài thổ mục đi theo triều đình bên ngoài – trong một đất nước đầy mâu thuẫn, phân chia, tranh chấp.

Không phải vì bọn Ngọc Biện, Trà Long, càng chẳng phải chỉ vì vài nguyên do cá nhân lẻ tẻ mà các Ngự sử báo cáo về. Một sự sụp đổ nào đó còn to lớn hơn, toàn diện hơn, quét qua toàn bộ Trấn Tây. Lúc này, Trương Đăng Quế còn đang ngẩn người mà nghĩ: có khi, cũng không phải chỉ vì Trương Minh Giảng.

Đám người này hiểu dụ không được đâu, nhà vua lại nói chỉ mấy ngày sau lời trước đó ở Cơ mật viện. Sự tình đến mức này, không còn lời nào để thương lượng được.

Trong mấy ngày sau đó, tin báo từ Trấn Tây có vẻ vẫn tốt đẹp. Đại quân của Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức đã tiến đi đến Sa Tôn, thẳng tới đồn Chi Trinh. Đại pháo của Xiêm viện trợ đều bị ta thu lấy, quân cứu viện đều bị giết, đồn trại đều bị phá tan, quân Xiêm đã bị đuổi ra ngoài biên giới, nửa đêm phải bỏ chạy về, bản tâu của Trương Minh Giảng viết. Bọn họ lại lên đường tới Hải Tây, nơi có hàng vạn quân địch ngăn trở, tin tức đã mất hơn tháng. Đạo quân của Nguyễn Văn Trọng ở Tây Ninh, Nam Ninh, quân Dương Văn Phong ở Hà Dương đều báo tin thắng trận. Cho đến một ngày, Trương Đăng Quế còn thoáng ngạc nhiên khi được gọi tới vườn Thiệu Phương khi đã vào chiều tối.

Chỉ có một mình nhà vua ở trong vườn. Những bản tâu vứt vung vãi xung quanh, mùi rượu lại thoang thoảng trong không khí, quện với mùi từ cây trầm hương Tây dương. Nghe tiếng chào của Trương Đăng Quế, ngài ta vẫn hướng mắt nhìn màn sương mờ lơ lửng trên bầu trời tím sẫm. Phía xa, trăng đang lên.

“Quân của Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ đến Trấn Tây rồi.” Lúc sau, nhà vua chậm chạp nói, rồi bỗng cười. “Nguyễn Công Trứ có thư mật riêng cho ta.

“Ông ta kể rằng nghe quân Kinh tới, có dân Thổ đến đợi, hỏi rằng nữ chúa còn không. Nghe bọn Ngọc Vân đang ở Gia Định, họ bảo nếu nữ chúa trở về thì sẽ đưa nhau ra thú. Phi Nhã Chất Tri sai thuộc hạ đi phao tin khắp nơi là sẽ đưa Nặc Giun về lập làm vua. Dân Thổ vì thế mà đi theo Xiêm.” Nhà vua nhắm mắt, thở ra. “Nguyễn Công Trứ còn nói, sở dĩ loạn lạc trở nên khó khăn hơn cả cuộc nổi loạn của thổ dân ở Bắc Kỳ vì không một thổ mục nào còn đi theo triều đình. Bốn hạt lị Trấn Tây, giặc như đàn muỗi tụ. Ông ta đề nghị rằng ta lập Nặc Yêm đi, để đẩy lui quân Xiêm trước, xử lý dân Thổ sau.”

“Hiện giờ chưa biết được tình hình Hải Tây như thế nào, quyết định gì cũng đều khó.” Trương Đăng Quế thận trọng nói. Nhà vua đưa mắt nhìn ông ta, thái độ không rõ là gì.

“Ông ta còn kể bọn Doãn Uẩn nói trước có hàng vạn thổ phỉ vây đánh tỉnh thành Trấn Tây, đã bị đẩy lùi, ở đó bây giờ còn sửa thành đắp lũy. Khanh xem, chúng ta ở đây có nghe được những chuyện như thế không? Mỗi nhóm là hàng vạn người, cả Trấn Tây nổi loạn.” Nhà vua như nghiến răng mà nói. “Lê Văn Đức, Doãn Uẩn cũng ở nơi ấy, nhưng đồng lòng im thin thít.”

“Có lẽ họ biết bệ hạ se mình, chuyện có thể giải quyết thì không cần báo cho ngài.” Trương Đăng Quế vừa nói thì đã bị ngắt lời.

“Chuyện có thể tự giải quyết là đem quân triều đình, biền binh phụ cận ra đánh lui đám thổ phỉ, thắng thì lại thăng quan tiến chức trên bao nhiêu mạng người, bao nhiêu công lao thiệt hại, coi như việc cũ mình làm thần không biết quỷ không hay. Cho nên tất cả cùng im lặng! Tất cả cùng che giấu trò ma quỷ!” Giọng nhà vua khàn đi trong nỗi giận dữ. “Đã bốn tháng rồi, nhưng dân thổ An Giang còn chưa biết Ngọc Vân ở Gia Định, lệnh ta cho chúng hiểu bảo không thi hành hay không một ai ở đấy tin chúng? Đã bốn tháng rồi, mặc cho vùng này vùng kia báo giặc đã vãn, vẫn không một kẻ nào ra hàng. Trong quân không còn lấy một thổ mục thổ quan nào đi theo. Trong thì mất kiểm soát toàn phần, ngoài thì hàng vạn quân Xiêm kéo đến, ta ở đây thì chúng báo phần nào biết phần ấy. Hết chuyện Quảng Biên thì ta mới biết Tĩnh Biên, hết Chi Trinh thì ta mới biết Sa Tôn, hết Hải Đông rồi chúng mới báo cho ta Hải Tây mất liên lạc từ lâu, có khi lọt vào tay quân Xiêm rồi! Chúng xem ta là trò đùa hay không tâu báo để dễ bề giả ma giả quỷ!”

Trương Đăng Quế ngẩng đầu, nghe sự im lặng nặng nề trôi qua. Nhà vua ngồi dựa ra sau, trông như thể đã đột nhiên mất hết sức lực.

“Sở dĩ Lê Quang Huyên bị bọn Trương Phúc Cương, Dương Văn Phong tìm mọi cách đẩy khỏi Hà Tiên do chúng không muốn ông ta vào vùng dân Thổ ở Khai Biên, Quảng Biên. Lê Quang Huyên ở An Giang, hai năm trước được cử đến đánh dẹp bọn Đô Y, Sa Tháp, xét án bọn Trương Sùng Hi, Lê Văn Trung tư tình gây loạn tại Quảng Biên, Khai Biên ấy đấy. Lá thư của dân Thổ đến tay Lê Quang Huyên vốn là có chủ đích trước, cũng như bọn dân đón thuyền của Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ hỏi việc. Bọn Trương Minh Giảng ở Trấn Tây không những không được lòng người, mà từ trên xuống dưới, đều bị thù oán cả. Từ trên xuống dưới, Trấn Tây Tướng quân bị kể tội, đám lưu quan bị đuổi giết, không chừa một ai! Không còn một kẻ nào đáng tin ở Trấn Tây.” Nhà vua chầm chậm nói, giọng vẫn đều đều nhàn nhạt như thể ngài ta đã lặp đi lặp lại vô số lần. “Từ bao giờ sự việc đã như thế này? Là ngay khi vừa tới Trấn Tây, ta nghe xứ ấy có sắt tốt nên tìm mua, Trương Minh Giảng liền bắt dân thổ vào rừng khai lấy chăng[2]? Hay là lúc Án sát An Giang Đoàn Nguyên Thống bị Trương Minh Giảng hặc là kẻ quê mùa chỉ biết nhất nhất y theo thư lại[3]? Năm ấy Trương Phúc Cương là Bố chính An Giang, xử án sai lầm mà bị phát đi làm lính ở Hải Đông mấy năm rồi lại quay về An Giang, chính hắn xin đặt ra lệ thuế cho thuyền đi trên sông ở các tỉnh Nam Kỳ. À, Trương Minh Giảng khi vừa tới Trấn Tây giữ chức Tổng đốc An Hà, từng xin lập đồn canh ở sông Vĩnh Tế, đòi xây thành đào cảng ở An Giang ngay trong lúc vừa xong chiến sự, ta phải bác đi. Rồi hóa ra lúc đào cảng ấy, hắn lại ăn tiền riêng của dân buôn. Năm nào Trương Minh Giảng dùng thuyền công của nhà nước chở người đem riêng tiền bạc về nhà, ta còn cho là hắn nghe lời lũ lau nhau làm bậy[4]. Sau hắn dẹp loạn ở Trấn Tây ba tháng không xong, lại đem dâng cho ta một hộp ngọc, coi ta như loại vua gì? Hắn trông coi việc biên giới, tự tiện giết người mà không tâu báo, lại hóa thành Lê Chất, Lê Văn Duyệt thứ ba rồi.

“Trương Minh Giảng đến Trấn Tây, nghe dân Thổ bị đói mà bất động xem như không biết, phải đợi ta ra lệnh phát chẩn, đem gạo từ An Giang tới. Năm nào hắn cũng dâng voi, dâng thổ sản của Trấn Tây, đều bảo là quan thần hiến tặng ta, có khi cũng là ép buộc lấy của người, không chỉ có việc bắt dân khai mỏ sắt thôi đâu. Trông những việc ấy, Trương Minh Giảng quả với người Thổ không nghĩ tình, việc họ tố cáo hắn ép buộc họ tuân lời nhiều khả năng là sự thật.

“Về việc Ngọc Biện, tên Sốc cậu của cô ta từ Xiêm trốn về Trấn Tây sáu năm trước, Trương Minh Giảng đã muốn chém ngay, sau đó còn mấy lần tâu rằng tên Sốc bất mãn vì cháu không được lập, xin ta chém hắn. Ta bảo không có chứng cứ sao có thể chém người, cho là người ở Trấn Tây cảnh giác riêng với tên Sốc. Nhưng sau người cậu khác của Ngọc Biện là tên Mao trở về theo Nặc Yêm, gây nên án. Nghĩ kỹ lại, việc lập Ngọc Vân làm Quận chúa cũng là do lời tâu bàn của Trương Minh Giảng mà thành. Hóa ra chúng không nhắm đến tên Sốc hay tên Mao, mà là Ngọc Biện, là toàn bộ phe phái của cô ta, cả bọn Nhâm Vu, La Kiên nọ. Lời lẽ của dân Man rằng Trương Minh Giảng muốn lấy Ngọc Vân chỉ là đồn đại, nhưng hắn chăm chăm thù địch với Ngọc Biện là sự thật.” Nhà vua cất tiếng cười khẽ. “Người có thể bảo đã nghi ngờ thì nghĩ sao cũng sẽ ra thế. Nhưng có nhiều sự việc, trong bấy nhiêu năm, khi kết nối lại thì mới nghĩ ra.”

Càng nói, giọng ngài ta càng mệt mỏi. Ngài ta nhắm mắt trong bóng tối buông xuống. Không ai được phép vào vườn, chỉ có một ngọn đèn lập lòe cháy trong hậu điện, ánh sáng chiếu qua cửa lại có cảm giác như tạo thành cả khối bóng tối trượt đè lên bọn họ. Trương Đăng Quế im lặng hồi lâu rồi mới cất tiếng.

“Đó chẳng phải là ý của ngài ư?” Ông ta vẫn thận trọng dè dặt hỏi, điều mà không biết có nên nói ra. Điều mà ông ta vẫn luôn muốn biết, nhưng lại e ngại phải biết.

Bóng tối cùng ánh sáng chợt chao đi trong phòng. Tưởng như cái bóng của nhà vua trượt dài xuống sập. Lại như ngài ta ngẩng đầu, chăm chăm nhìn viên cận thần thân tín nhất.

“Vì vậy mà tất cả các người im lặng ư?” Ngài ta hỏi. Giọng nói chợt hun hút như vọng lên từ đáy vực. Trong bóng tối mùa đông, họ bỗng thấy mình ở nơi đáy sâu lạnh toát.

Đó là ý muốn của ngài. Lấy Trấn Tây vào bản đồ lệ thuộc, đặt lưu quan, triệt tiêu bất cứ kẻ phản phúc nào, loại trừ ảnh hưởng của các thế lực cũ, thay đổi chúng dân giống nhau như nhất – như tất cả mọi vùng trên đất nước này. Như tất cả mọi kẻ muốn chống đối ngài. Đến cả khi đã bình định Nông Văn Vân, ngài vẫn bắt xử những thổ mục hai lòng mà ngài từng ra lệnh chiêu dụ về đầu hàng. Nên tất cả mọi kẻ đã im lặng với những gì xảy ra ở Trấn Tây. Oan hay không oan, đúng hay không đúng, chẳng ai có thể hỏi lại trong muôn vàn điều đã xảy ra, với cái ý muốn chắc chắn không thể đổi thay của ngài. Ngay cả những gì Trương Minh Giảng làm cũng là vì sốt sắng phục vụ ngài, phản ánh đúng những gì mà ngài nghĩ. Ngay cả phản ứng của dân Thổ ở Trấn Tây cũng vì họ đã thấy trước cái tương lai khó có thể tránh cho mình, qua hành động chẳng mấy khôn khéo của viên quan trị nhậm.

Trương Minh Giảng đã không hề khôn ngoan như ngài giữ lại Nặc Yêm để làm con bài khi cần thiết, để tuyên truyền về lòng nhân của ngài với dòng dõi quốc vương Chân Lạp. Anh ta cũng quá nóng lòng nghi kị về Ngọc Biện có người mẹ đã chạy trốn sang Xiêm, vẫn còn nắm giữ trong tay nhiều thuộc hạ có tầm ảnh hưởng lớn. Nặc Yêm trở về, Ngọc Biện hóa thành một con cờ thừa thãi, và hẳn ngài đã nghĩ mình có thể nắm giữ được Trấn Tây sau khi loại bỏ các thổ quan chủ chốt, do những tin báo đầy lạc quan của Trương Minh Giảng muốn làm vui lòng ngài. Sau khi xử trị bọn Trà Long, ngài đã cho đo đạc, phân chia đất đai của toàn bộ Trấn Tây. Đó là phương cách ngài đã làm, vẫn làm. Đó cũng là cách những viên quan của ngài vẫn nói, ‘không lời dị nghị’, ‘có thể làm được’ – trước khi muôn vàn tình tệ xảy ra. Đó cũng là cách những kẻ xung quanh ngài nhìn ngắm, và im lặng. Đó là cách những kẻ bên dưới lợi dụng và chống đối.

Thế gian này vẫn cứ như thế. Dù muôn dáng vạn hình, rốt cuộc vẫn chỉ là như thế.

Nhà vua vẫn đổ tội, tức giận các quan viên, những người xung quanh vì không phát hiện ra những sai trái, không lên tiếng nhắc nhở, can ngăn ngài ta. Nhưng lúc này, ngài ta chỉ mệt mỏi. Ngài ta không còn hơi sức nào để nổi giận, thậm chí là thất vọng.

Từ sau tập tâu của Lê Quang Huyên về Trương Minh Giảng, nhà vua không hề tỏ ra tức giận, Trương Đăng Quế thầm nghĩ trong bóng tối bủa vây dày đặc. Ngài ta vẫn phê duyệt công việc thường nhật của cả nước, thậm chí vẫn ban thưởng cho bọn Trương Minh Giảng vì chiến tích lấy lại Hải Đông. Ngài ta chỉ nói về những việc cần phải làm, những mưu tính cần sắp đặt. Ngài ta cũng không hỏi ý bọn họ, chỉ ra lệnh. Ngài ta chỉ ngồi yên trong bóng tối, nghĩ về những điều đã qua, tìm kiếm sự thật giữa thế gian mù mịt.

Sự thật, đến đâu mới là tận cùng của sự thật?

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 3 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Thực lục, năm 1835: Nước Chân Lạp, ở phủ Bông Xuy, có sắt ròng và tốt. Vua sai thử rèn dao và gươm, rất sắc. Sắc sai tỉnh An Giang tìm mua. Đốc phủ lĩnh bảo hộ là Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương nhân đó thuê nhiều thổ dân vào rừng khai lấy sắt. Vua được tin, e làm nhiễu dân, bèn xuống dụ quở trách và bãi bỏ việc ấy.

[3] Thực lục, năm 1835: Tổng đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương ở An – Hà tâu hặc án sát An Giang Đoàn Nguyên Thống là người hẹp hòi quê kệch, phàm văn án do các phủ huyện đệ lên đều nhất nhất y cả, thậm chí về các việc phê đơn, khiếu nại và tra khám các vụ án, đều theo sự chỉ dẫn của thơ lại. Như vậy thật không xứng đáng giữ chức. Vua dụ sai triệt ngay về Kinh đợi chỉ, sau đó Thống chết.

[4] Thực lục, tháng 6 năm 1835: Bọn Thị vệ Phan Văn Phú, Chế Văn An và Tư vụ bộ Lễ Hoàng Tăng Chấn từ thành Trấn Tây về, (bọn Phú phụng mạng mang sắc văn của quận chúa và huyện quân cùng với phẩm vật ban lễ tế vua Phiên), nhiều phu trạm đài tải của riêng và người riêng. Hai tỉnh Định Tường và Khánh Hoà phát giác việc đó và đem tâu lên.Vua giao xuống cho bộ Hình xét hỏi, thì tiền bạc là của Tổng đốc Trương Minh Giảng đưa cho, mà người riêng thì là em Chấn, tên là Cẩm, lại là người riêng của Giảng. Vua dụ rằng: “Ngươi vốn là người công bằng, ngay thẳng, được ta vẫn thân tín, lại mới có công với triều đình, được giao trọng trách ở biên thuỳ. Ngươi há nên nhẹ dạ theo lũ lau nhau, không đáng cho mà cho, chỉ mất danh dự, có tổn hại không ích gì.”




One Response
Lan

Chúc Ast năm mới mạnh khỏe, an lành, đi nhiều, viết hay :meo6: :meo6: :meo6:

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.