Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

125. Bách ưu hà xứ kết
Trường An in "Minh nguyệt 3" January 19th, 2020
  1. Bách ưu hà xứ kết, ngũ dạ bất thành miên[1]
    (Trăm mối lo buồn kết lại nơi đâu, năm canh vẫn chẳng ngủ được)

 

“Hoàng thượng, xin hãy nương tay!”

Ngẩng đầu, nhìn thấy bóng lưng hai người trước mặt. Nguyễn Hoàng Đức và Lê Văn Duyệt cũng đang cúi đầu sụp lạy cầu xin. Vì hai viên trọng thần lên tiếng, cả cung điện bỗng chốc ồn ào. Hoàng hậu đến, người xung quanh cũng rụt rè cất giọng khuyên ngăn, những ngọn roi quất xuống nhẹ bớt.

“Hoàng Tư có đau không?” Viên tướng xuất thân nội giám vén rèm che cửa phòng, cười hỏi. Ông ta vốn có thể đi lại tự do trong cung nội, chìa cho cung giám đang bôi thuốc một lọ sứ trắng. “Thuộc hạ của ta có người rành về ngoại khoa, thuốc này chữa thương nhanh lắm.”

“Sau này hoàng Tư muốn đi ra ngoài thì tìm tôi mượn thuyền là được.” Nghe tiếng cám ơn, Lê Văn Duyệt cười nói, lại thêm vào. “Chẳng lẽ hoàng thượng phạt tôi à?”

Phụ hoàng sẽ không trừng phạt ông ta. Ông ta đi lại trong khắp cung cấm, có khi nạt nộ người, có khi nóng nảy đánh chết cả con chó của phụ hoàng, nhưng trong các quan tướng, Lê Văn Duyệt lại chưa bao giờ bị phụ hoàng trách mắng trừng phạt. Ông ta có thể đối diện với cơn giận ngút trời vừa rồi vì cũng như Nguyễn Hoàng Đức, ông ta được phụ hoàng coi như ân nhân, thân nhân. Ông ta đã ở cạnh phụ hoàng từ lâu, rất lâu, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, cứu vớt che chở từng mạng người trong gia đình giữa bao khó khăn nguy hiểm, xông pha vào những trận chiến cam go nhất. Vừa rồi hai người bọn họ lên tiếng như những người chú bác trong nhà, vì lòng quan tâm lo lắng thực sự với cả người hoàng đế nổi tiếng nóng nảy đáng sợ và đứa trẻ mới lớn hành xử hoang đường.

“Hoàng thượng, ngài như thế thì chúng thần không thể làm việc được!” Vẫn là hai bóng người trước mặt, áo gấm hốt ngà, giọng nói như rít, vẻ mặt kẻ thì âm trầm, kẻ thì giận dữ. Cả hai gần như đồng thanh mà nói lớn. “Lê Duy Thanh không bị giết, chúng thần làm sao mà xử án phục người Bắc Thành lẫn cả nước?”

Hoàng thượng, ngài là kẻ vì tình riêng mà hành xử thiên vị không ra sao. Ngài luôn luôn là kẻ vì tình riêng mà ngông cuồng hoang đường. Tiếng thì thầm lan đi, lẫn với âm thanh giọng cười sắc nhọn rin rít. Tất cả sự bất lực, sai lầm của chúng thần là do ngài, do ngài cản trở chúng thần, tạo tiền lệ cho mọi kẻ bất phục, làm loạn cả đất nước.

Không ai muốn lập ngài ta, vị hoàng tử luôn bị trách phạt và gây điều tiếng khắp trong ngoài. Không chỉ nông nổi, ngài ta còn luôn bao che cho tội lỗi của người thân thiết. Hoàng Bảy dụ dỗ người nhà lương dân làm con hát, bị Thế Tổ đánh đòn, ngài ta thân là Thái tử lại đi xin cho em. Cũng vị Thái tử ấy năm nọ đến tận tàu Tây dương điều đình với thương lái Hồng Mao sau khi một đứa em ngang ngược đập vỡ hết đồ của họ rồi ném trả. Vì có người anh như thế, các hoàng tử em trai ngài ta mới hoành hành gây việc sau khi Thế Tổ qua đời. Vì có vị vua như thế, những kẻ thân thiết với ngài ta như Lê Duy Thanh, Hoàng Công Lý mới an tâm để ra tay nhũng loạn ngay lập tức.

Những câu chuyện bí mật lan truyền khắp nơi, ngài ta nhìn nụ cười lẫn từng cái cau mày của hai kẻ quyền thần, nghe sống lưng khẽ run rẩy. Bọn họ nắm được những bí mật sâu kín nhất của ngài ta, và cất tiếng cười. Tiếng cười lẩn quất khắp mọi nẻo đường hoàng thành, ẩn trong từng viên đá ngọn cây. Tiếng cười bay xa khắp mọi vùng đất nước. Bọn con hát vẽ vời về một cung phi và vị quốc trượng nào đó, người trong triều dòm ngó từng cái tên được nhà vua trọng dụng, từng quyết định, án phạt của ngài ta. Cả cuộc đời, ngài ta tìm cách xóa đi mọi dấu vết của quá khứ, cố gắng để trở thành con người mà họ muốn. Nhưng hai kẻ kia vẫn đứng đó, và sân khấu sau lưng chúng, những bóng ma cùng cất tiếng cười, nhảy nhót hát ca những câu chuyện pha lẫn dối trá và sự thật, những căm ghét hận thù, toan tính ích kỷ mạo danh chính nghĩa và vẻ đẹp. Tiếng cười biến thành bụi bẩn phủ lấp cả nhân gian.

Tất cả là do ngài, do ngài. Do tình yêu của ngài. Do sự mù quáng của ngài. Sự ngốc nghếch ngang bướng của ngài. Sự hoang đường của ngài.

 

Do ngài yêu dùng ông ta nên không ai dám nói, viên Thống chế xuất thân hàng thần Tây Sơn cười đáp. Có lẽ ông ta không cười, nhưng ngài ta nghe tiếng vang âm vọng đâu đây giữa những hàng cột vàng son, đèn soi muôn chiếc bóng ngả nghiêng phản chiếu, ánh vàng ngọc, thủy tinh lấp lánh lại làm mờ đi khuôn mặt người. Và ngài ta lại thấy nụ cười của bọn họ, hai quyền thần nọ, những cựu thần kia, các quan thần đứng dưới bậc thềm. Tất cả cùng nhân lên, nhòe nhoẹt, nghiêng ngả, méo mó, tà dị, nực cười, ác nghiệt, điêu trá, mỉa mai.

“Hoàng thượng, hoàng thượng…” Tiếng gọi khe khẽ lại xuyên qua bóng tối, đánh thức ngài ta khỏi cơn mơ màng. Đèn đã tắt tự lúc nào, để căn điện chìm trong u ám, nhưng dưới thềm nắng vẫn còn sáng. Chu Phúc Năng trong bộ trang phục cung giám hạ cấp đứng cạnh sập, khiến ngài ta trong một thoáng đâm mơ hồ về thời gian. Vẻ mặt ngài ta có lẽ cũng khiến Chu Phúc Năng phải hoảng sợ, ông ta hơi lùi về sau, hạ thấp giọng tâu khẽ. “Bẩm, hoàng Cả muốn yết kiến ngài.”

“Cho vào.” Ngài ta nói, thấy giọng mình hơi khàn đi, trong khi nỗi sợ lạnh ngắt vẫn còn quẩn quanh lồng ngực. Nhìn thấy Chu Phúc Năng, ngài ta tưởng như lại là gần hai mươi năm trước, ngày mới lên ngôi. Nhưng cả viên nội giám ấy cũng đã già, và người bước qua cửa cúi đầu chào kia đã hơn ba mươi tuổi, dáng vẻ trông chững chạc gần như cha.

“Bẩm phụ hoàng, đây là những vị trí cần người của Tôn Nhân phủ mà con nghĩ phải bổ sung.” Trường Khánh công Miên Tông trình cho ngài ta bản tâu công việc của Tôn Nhân phủ, thấy ngài ta gật đầu.

“Con thấy người nào sai phái được thì lấy đi.” Ngài ta không mở bản tâu, chỉ đặt nó sang bên. Miên Tông đưa mắt nhìn Chu Phúc Năng đi thắp lại đèn quanh điện, đích thân đến lò sưởi bên sập bỏ thêm than, đưa lồng ấp tới cho ngài ta.

“Vừa rồi có mấy tin báo lặt vặt đến Nội các, nghe nói người định đi liên lạc với Quốc trưởng Hỏa Xá, Thủy Xá, thăm dò dãy núi Tây Nam đã quay về Trấn Tây rồi. Họ vừa định theo mấy thương buôn mọi vào núi thì nghe Trấn Tây có biến, việc phải bãi bỏ.” Miên Tông như thể vui chuyện mà thuận miệng kể. Nhà vua đưa mắt nhìn ra sân, lúc sau mới gật đầu.

“Đáng tiếc…” Ngài ta nói khẽ trong khói của lò than và đèn đóm cùng bốc lên, quện cùng hơi lạnh. Sau mấy cơn mưa, mùa đông trở rét đột ngột. Và ngài ta lại lập tức se mình, buộc phải bãi bỏ lễ mừng Thánh thọ. Tuy nhiên hẳn chỉ là ngài ta bị cảm mạo vặt, dùng đôi ba thang thuốc đã khá hơn, do các quan quá lo mà thôi.

“Trương Phúc Cương cũng đã về đến Kinh.” Buông cời lửa ngồi dưới chân sập, Miên Tông ngần ngừ một chốc rồi nói. “Ông ta đang chờ lệnh vào xin tội với phụ hoàng.”

“Cho giao xuống Lại bộ bàn tội chứ định gặp ta ba hoa làm gì?” Ngài ta cau mày. “Ta vốn nghĩ tình cha hắn Trương Phúc Dĩnh là công thần, hắn lại từ khoa mục xuất thân thi đỗ hương tiến, anh hắn Trương Phúc Đĩnh năm nào góp công bình Xiêm, mất ở thành Gia Định, cũng là một đấng anh hào, nên mới bỏ tội mà lục dụng lại hắn. Không ngờ hắn đến Hà Tiên làm rối loạn cả mấy đạo quân, việc thì không xong mà chỉ càng nghe càng phiền.”

“Thấy Trương Phúc Cương bị cách chức bắt về Kinh, Dương Văn Phong bị trách mắng nặng nề, có vẻ các đạo quân đã biết sợ rồi.” Miên Tông cười nói. “Đoàn Văn Sách chỉ đem hơn ngàn quân mà đánh lui cả vạn quân giải vây cho Sa Tôn, Dương Văn Phong cũng tấn công vào Tĩnh Biên thắng lợi. Nguyễn Công Trứ đến cùng đội quân Phạm Văn Điển sẽ nhanh chóng dẹp yên giặc nay mai.”

“Trước khi Nguyễn Công Trứ đến Trấn Tây có bàn với ta, rằng thổ mục vốn dễ lừa hoặc, khó hiểu bảo, chỉ một mực nghe theo thổ ty, lại xin ta đưa bọn Trà Long về hiểu dụ. Ta thấy đưa bọn ấy về chẳng có bao nhiêu tác dụng, chỉ làm chúng gánh thêm họa sát thân. Nhưng chỉ dùng vũ lực ở Trấn Tây cũng không phải là cách hay.” Nhà vua ngả người, khép hờ mắt nói khẽ. “Bọn Trà Long bị tội, con em thuộc hạ của chúng lo lắng bị khép tội lây nên nổi loạn, làm cớ cho các đám làm loạn tiếp theo. Chúng phao tin lên là triều đình sẽ giết hết cả bọn, lại thêm quan quân đánh dẹp hung hãn cầu lấy thưởng mà chém giết bất kể chăng? Nay những địa hạt đã hơi yên thì nên hiểu dụ lại cho rõ, loạn mới dẹp nhanh được.[2]

“Bọn người ở Trấn Tây làm loạn, nhưng phụ hoàng thật lòng nào muốn giết bọn chúng. Bọn Trà Long giấu số hộ dân rồi liên quan đến Ngọc Biện mưu phản, Hình bộ đã xử chúng tội chết, phụ hoàng giảm án đưa chúng ra Bắc Kỳ. Vừa rồi không chỉ có Nguyễn Công Trứ, nhiều người cũng muốn đưa bọn Trà Long về hiểu dụ thuộc hạ, không chiêu hàng được ai thì chém đầu thị chúng. Phụ hoàng biết bọn ấy về Trấn Tây thì chỉ có chết nên mới giữ ở đây đấy thôi.” Miên Tông hạ giọng thì thầm, đưa tay chỉnh lại tấm chăn dày đắp lên vai nhà vua. “Xưa ở thành Gia Định, cha của tên Đỗ Văn Dự bị bắt giết ngoài thành để dụ hàng con trai, mấy năm rồi mà ngài còn day dứt mãi. Thân nhân của bọn phản tặc ấy, ngài xét án đến bốn năm lần để tha giảm. Đến đàn bà con gái bị phát làm nô, ngài cũng bảo phải đưa vào nhà quan nhất phẩm[3]. Ngài cẩn thận mà nghĩ ngợi quá nhiều, nên mới mệt mỏi như thế này.”

“Lê Văn Đức đã từng khuyên ta không nên nghĩ quá nhiều.” Nhà vua cười. “Đến vậy mà việc gì cũng hổng trước sai sau, kẻ nào cũng nhăm nhe lừa dối lươn lẹo được. Chỉ cần lơi lỏng một khắc, bỏ sót một chi tiết nào, ta cũng đã sợ bị lừa rồi.

“Năm trước ta phạt con vì tâu xin cho mấy kẻ mộ thuộc binh làm Đội trưởng, cũng vì muốn cho con hiểu không phải cứ bừa bãi ra ơn là được. Con từ một hoàng tử nhàn tản đến chức vị ngày nay, thoạt đầu thấy những kẻ đi theo ra sức vì mình mà cảm động, cho rằng chúng có lòng với mình, còn ngấm ngầm biết ơn bọn chúng. Nhưng kẻ đến với con sau này thực chất chỉ vì lớp áo của con, xu phụ chốn quyền môn, nhìn thì như trung thành tận tụy mà thực ra chỉ làm mọi cách vì phú quý của bản thân chúng. Con không thể khắc nghiệt vô ơn, nhưng cũng chẳng cần cảm động mà gia ân quá mức. Ngay cả với những người thân xung quanh con cũng vậy. Năm xưa ta làm Thái tử nhân nhượng các em quá mức, đến khi Thế Tổ không còn thì xảy ra bao nhiêu chuyện, thực sự cũng vì ta mà thành. Thế Tổ tính tình nóng nảy, các con làm sai thì đánh mắng không hề nương tay, xưa ta vẫn cho rằng người quá nghiêm khắc, sau mới biết là người thương yêu bọn ta lắm.” Nhà vua mở mắt, nhìn làn khói bốc qua song cửa, mưa mùa đông lại rả rích bay mù. “Thế Tổ với kẻ dưới thì gia ân không tiếc, lỗi lầm gì cũng có thể bỏ qua, ngay cả năm ấy nhà sập suýt mất mạng, các hoàng tử cũng bị thương, vậy mà người không hề trách phạt ai, chỉ lo lắng cho lính cùng thợ gặp nguy hiểm. Nhưng người làm việc quyết liệt không nể tình, có những quan lại chỉ cần bị bắt tham ô, nhũng nhiễu thì người giết ngay lập tức, có là công thần nhất phẩm thì cũng cách chức, đi đày. Cả một trọng thần thân thiết như ruột thịt tựa Nguyễn Văn Thành mà không biết tôn ti, càn bậy nắm áo người trước cửa điện để ăn vạ, người cũng bắt xử ngay. Với Thế Tổ, không ai dám khinh nhờn, cũng không ai dám oán trách.”

“Nhưng vùng Thanh Nghệ, Bắc Kỳ đâu phải vì thế mà yên lặng, Chân Lạp đâu phải vì thế mà thôi tranh chấp, các quan tướng đâu phải vì thế mà không tranh giành đấu đá.” Miên Tông mỉm cười, giọng vẫn nhỏ nhẹ ôn tồn. “Bất cứ người gì, thứ gì cũng có điểm tốt, điểm không tốt, chỗ hay, chỗ chưa hay. Con đã qua tuổi nhi lập mà còn làm việc vụng dại để phụ hoàng trách mắng, thì dành cả đời để học hỏi cũng nào phải là trễ.”

“Thế Tổ có yêu quý con không?” Nhà vua đột nhiên hỏi, ánh mắt ngài ta vẫn thất lạc ngoài song cửa như không nghe người con nói. “Ta được kể Thế Tổ thấy Miên Định ôm sách đến học ngoài điện Cần Chính thì khen ngợi, ban thưởng. Nhưng ta chưa bao giờ nghe con kể điều gì về Thế Tổ.”

“Miên Định ngày nhỏ ốm yếu bệnh tật, mẹ mất sớm phải đơn độc vào cung, lại chăm học ngoan ngoãn như thế, ai mà không thương?” Miên Tông vẫn cười. “Nhưng quả nhiên em ấy bé chịu khổ rồi có phúc lớn, bây giờ con cháu đầy nhà gần trăm đứa[4], người thì khỏe mạnh phương phi, phúc thọ khang an. Nhớ lại cậu nhỏ bé xíu ngày ấy thật không thể tin được.”

Nhà vua đưa mắt nhìn nụ cười của Miên Tông, liền im lặng.

Điều duy nhất ngài ta từng nghe là phụ hoàng bảo đứa trẻ này biết khóc thương mẹ, rồi sẽ làm tròn đạo hiếu. Đứa trẻ con của một người mẹ đã làm cả nhà họ ngoại mất toàn bộ danh vị, tương lai, một người cha chống đối ngang ngạnh. Đó không phải một lời khen, mà là nguyền rủa. Đứa trẻ ngày ấy sinh thiếu tháng, khóc ra máu, lớn lên trong vòng tay nhũ mẫu, chưa bao giờ biết hơi ấm của mẹ. Có lẽ, nó cũng chưa bao giờ biết đến tình thương. Nó lớn lên trong ác ý, đàm tiếu, thị phi, thậm chí cả hận thù của người xung quanh.

Ngài nhìn nụ cười của cậu ta bây giờ, luôn luôn mềm mại ôn hòa, luôn luôn mực thước thân thiết. Nhưng ngài biết cậu ta có thể cương quyết lạnh lùng tới mức mà chính ngài cũng không thể bằng.

“Con vừa cho xây thêm một ngôi lầu mới trong vườn Thường Mậu, đặt tên là Thừa Hoan lâu[5]. Đợi sang xuân hoa nở, phụ hoàng ngự giá đến chung vui với chúng con.” Ngài lại nghe cậu ta nói bên cạnh, liền cười.

“Anh em Hồ Văn Lưu bây giờ đều ở trong quân Vũ lâm, nếu có việc gì cần thì con cho gọi họ đến giúp, không cần phải nhờ binh lính trong Kinh làm rộn người.” Ngừng một thoáng, ngài ta bỗng nói thêm. “Ta chia đội thuộc binh cũ của Miên Hoành vào hai đội Dực bảo rồi, cho đi theo các hoàng tử nhỏ sai phái.”

Ngài ta không nói tiếp, Miên Tông cũng im lặng. Hai đội thuộc binh này vốn là lính thuộc đội Dực mỹ của Miên Hoành được đưa sang phủ Miên Quần, con trai thứ của Hiền phi. Nhưng nhà vua mới chỉ cho bảy người con lớn được mộ thuộc binh, và vừa giải tán đội thuộc binh của Miên Quần, vừa đưa các thuộc hạ cũ của Miên Hoành vào vòng kiểm soát.

Hai anh em họ Hồ đã được đưa vào Tả dực dinh Vũ lâm, có thể trở thành cánh tay đắc lực nhất của Miên Tông khi cần thiết. Người bạn thân thiết của cậu ta là Lâm Duy Thiếp cũng đã được phục chức Thị lang làm việc Nội các, và những thuộc hạ mới mà cậu ta vừa đưa vào thêm cho Tôn Nhân phủ. Quyền lực của cậu ta đã được xác định trong triều đình. Và ở phủ đệ cậu ta, sau khi mẹ được phong tặng Thần phi, những phủ thiếp mới cũng đã tới, trong vài năm đã sinh cho cậu ta nhiều con cái hơn cả những năm trước gộp lại. Con trai của ngài ta, Miên Tông của ngài ta, đã sẵn sàng trở thành một vị vua. Đi lại đúng con đường ngài ta đã đi, tuần tự từng bước.

Nhưng bây giờ, khi đưa mắt nhìn ra màn mưa buông xuống giữa những bức tường gạch, trong căn phòng yên ắng mà Miên Tông đã ra về, ngài ta lại nghĩ đến nụ cười của cậu ta, và lời nguyền năm xưa khi cậu ta vừa mở mắt chào đời. Làm tròn đạo hiếu, đó không phải là hy vọng hay khen ngợi. Toàn bộ con trai của cậu ta được đặt tên những cái tên như Bảo, Nhậm, Phó, những đứa trẻ sinh ra để gánh vác và chịu đựng cuộc đời.

Đứa con của ngài, tình yêu của ngài, có lẽ chưa bao giờ hạnh phúc.

Trở về Nội các, Trường Khánh công Miên Tông đã nhìn thấy Trương Đăng Quế. Những ngày này, ông ta thường xuyên qua lại giữa Nội các, Tả đãi lậu, điện Văn Minh và vườn Thiệu Phương lo lắng đủ loại công chuyện cho nhà vua.

“Hoàng thượng bảo ngày Nhâm Tuất tháng này cử hành lễ đại triều ở viện Cần Chính, ông nói các quan thu xếp chuẩn bị. Lễ mừng Đông chí lẫn Khánh tiết của Thái hậu đều không làm, lần đại triều này nên trọng thể một chút.” Trường Khánh công lại gần thông báo với Trương Đăng Quế, thấy vẻ mặt ông ta thì thở dài. “Ngài nói đã khỏe rồi, chỉ bị cảm thôi, lại ban thưởng cho y phó. Dù sao… chẳng phải chỉ cần ngài ra triều thì tin báo đã thay đổi sao?”

Nửa tháng nhà vua đổ bệnh cũng là nửa tháng các tướng của ngài ta vẽ vời công trạng, xung đột tranh chấp nhau ở Hà Tiên, Trấn Tây. Đồn Chi Trinh bị vây hơn hai mươi ngày trong hàng vạn quân địch tràn kín Hải Tây, Hải Đông. Chỉ cần nhà vua ra chầu, tin tức đột ngột chuyển biến, Trương Minh Giảng ở Trấn Tây cũng đã chịu cất quân đi – sau khi Vũ Viết Tuấn tử trận vì xông vào chiến trường Sa Tôn mù mịt. Nhà vua trở lại, đọc từng tấu sớ, chỉ trích và trừng phạt từng người, quả nhiên Tĩnh Biên đã báo tin thắng lợi đầu tiên, Sa Tôn cũng đã được giải vây. Quan tướng khắp cả nước được điều động bổ nhiệm lại, chuẩn bị cho những thay đổi mới trong năm tới.

“Chẳng biết là tốt hơn hay xấu hơn.” Trương Đăng Quế cúi đầu ghi ý chỉ lễ đại triều của nhà vua, lại nói khẽ. “Đầu năm nay ngài lại quyết liệt làm gắt về việc các quan tham ô nhũng lạm, rồi xảy ra việc Trấn Tây này. Bây giờ ngài mắng Dương Văn Phong lươn lẹo, dọa chém ông ta, có khi khiến đội quân ở Trấn Tây gây loạn hơn. Hồi Dương Văn Phong cầm quân ở Bình Thuận đã nghe điều tiếng về cách đối xử với người Thổ, lẫn lộn dân với địch lấy công lao, đánh lận thuế má cũ của người Thanh. Nhưng lúc ấy loạn lạc, chẳng có chứng cứ gì ngoài việc bắt được vợ lẽ ông ta nhận hối lộ, hoàng thượng chỉ cách lưu gọi là.”

“Dương Văn Phong đánh lui Xiêm ở Trấn Ninh, dẹp yên Bình Thuận, tuy gian giảo ba hoa nhưng là người sai phái đắc lực hiếm có trong triều. Chứ cả Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức hiện giờ vẫn đứng yên ngoài Hải Đông có dám tiến đi đâu, giải vây Sa Tôn cũng là công của riêng một mình Đoàn Văn Sách. Ngay Nguyễn Văn Trọng đối phó với thổ dân Tây Ninh, Quảng Hóa cũng khốn đốn, đạo quân Định Tường nay thắng mai bại.” Nghe ẩn ý của Trương Đăng Quế, Trường Khánh công liền nói ngay. Viên quan hơi ngẩng đầu lên, thoáng mỉm cười.

“Kẻ như Dương Văn Phong, có thể dùng một lúc, không thể sử dụng lâu dài. Kẻ xuất thân tiểu lại quả nhiên khó có thể làm được đại quan. Nhưng hoàng Cả có nhớ những gì hoàng thượng nói với ngài trước lễ tế Giao năm ngoái không?” Giọng Trương Đăng Quế đột nhiên thay đổi. “Ngài ấy bảo rằng không thể nào bỏ lễ được, kẻo lại như Minh Thần tông. Tại sao lúc ấy ngài lại nói như thế?

“Minh Thần tông muốn lập Thái tử nhưng bị quần thần phản đối, liền bãi bỏ lễ thiết triều, chỉ ở Dưỡng Tâm điện xử lý triều chính hàng chục năm. Cả triều Minh vì thế mà tan vỡ.” Trương Đăng Quế ngẩng đầu, đúng lúc thấy vẻ mặt của Trường Khánh công. “Mấy năm này ngài se mình nên phải bỏ lễ đại triều, nhưng trước đó chẳng phải có một thời gian dài ngài không lên điện Cần Chính, rồi lại cắt xuống chỉ còn hai lần mỗi tháng, song cũng lúc được lúc không? Thời gian ấy chẳng phải là lúc Trương Minh Giảng nhận tiền trà nước ở An Giang sao?

“Tuy rằng cũng phải nói là lúc ngài chăm chỉ siêng năng nhất thì xưởng Mộc thương vẫn làm thất thoát cả ngàn cây gỗ, bọn chuột nhắt khắp đất nước vẫn cắn xé xà xẻo trước ánh mắt đơ dại của các Ngự sử, Dương Văn Phong vẫn dung túng cho người nhà tham ô ngay trong trận chiến. Nhưng ngày ấy ngài liều mạng đi lên đàn tế Giao vốn là vì ông hoàng.” Trương Đăng Quế lẳng lặng mỉm cười, lẳng lặng nhìn ánh mắt Trường Khánh công trầm xuống như áng mây đen vần vũ bên ngoài. “Mọi kẻ đều cần lý do và mọi điều đều có thể là lý do, việc trên đời có mấy phần là thật đâu nào.”

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 7 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Thực lục, tháng 12 năm 1840: Vua dụ viện Cơ mật rằng: “Bọn thổ phỉ ở Trấn Tây quấy rối, chống cự quan quân, tội ấy cố nhiên không thể tha giết được. Nhưng ta nghĩ những kẻ đầu tiên xướng loạn, chẳng qua 1, 2 tên thổ mục, trong lòng thất vọng, tự làm sự quấy rối đó thôi. Còn các tiểu dân hèn mọn, hoặc kẻ bị oai thế hăng mãnh xua đuổi hiếp bách, mà sợ ngọn lửa hung ngược chăng? Hoặc nó phao tin hão để doạ nạt, mà sợ bị vạ lây chăng không khỏi có sự bị hiếp bách phải theo. Trước đã xuống dụ: một mặt đánh dẹp, một mặt chiêu dụ vỗ về. Mà từ trước tới nay, chưa thấy có một tên nào ra thú quay đầu về cả. Hay là dân Man, Thổ ngu xuẩn không biết gì, chẳng rõ lẽ thuận nghịch, chỉ một mực nghe theo tên đầu mục thôi. Mà tên đầu mục ấy lại bịa đặt phao lên, bảo là triều đình sẽ giết hết, làm cho náo động, để bền lòng quy phụ với mình. Hoặc là quan binh các đạo đến đâu cũng không phân biệt kẻ tốt, người xấu, hễ trong quãng đường sá rừng rậm thung lũng thấy có người Thổ trốn tránh, đều nhất khái cho là bọn giặc, liền chém đầu, cắt tai, để cầu lĩnh thưởng, khiến cho họ càng thêm ngờ sợ, không dám thò đầu ra thú là bởi cớ ấy chăng?

… Vậy truyền dụ cho bọn Nguyễn Văn Trọng, Dương Văn Phong, Trương Văn Uyển và Lê Quang Huyên, đều theo lời dụ trước, phái nhiều người am hiểu tiếng Man, rộng đi tuyên bảo, cho dân Man biết là triều đình đánh kẻ có tội, giúp yên dân lương thiện, chỉ giết kẻ đầu sỏ giặc thôi, còn người bị hiếp theo, không có trị tội.”

[3] Thực lục, năm 1832: Ra lệnh cho bộ Hình: “Từ nay phàm các tù phạm nhân là phụ nữ mà bị án xử làm nô tù, thì châm chước nghĩ cấp cho các nhà quan võ bậc cao: ở Kinh thì từ Thự Thống chế trở lên, ở các tỉnh ngoài thì từ Tổng trấn và thự Tổng đốc trở lên, chứ không cần phải phát phối”. Tháng 12 năm 1833: Còn những thân thuộc của phạm nhân đều cho làm nô ở những nhà vũ biền, cấp cao.

[4] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Thọ Xuân công Miên Định có 144 người con.

[5] Thực lục, năm 1841 đời Thiệu Trị: “Năm trước Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, sai mở một vườn ở Kinh thành làm hiên và lâu ở vườn cấm, đào hồ, đắp núi, chung quanh trồng các loài cây quý, các thứ hoa thơm, đặt tên là “Thường Mậu viên”, lấy nghĩa rằng hoa thường thơm mà cây thường xanh tốt. Ban cho ta để khi chầu hầu thăm hỏi đã rỗi việc lấy chỗ ấy làm nơi nuôi dưỡng tính tình, bàn luận kinh sử… Vì thế mới đặt tên lầu ấy là “Thừa Hoan lâu”, cốt để ghi nhớ là còn được hầu mặt vui vẻ dài lâu. Ngờ đâu, mùa đông năm ngoái mới làm xong lầu ấy, bỗng gặp đại cố, rất là thương xót, không được như lòng muốn. Nay nhân khi đi qua Thường Mậu viên, trông thấy chữ biển đề của lầu ấy, lòng đau dạ xót, xiết bao cảm thương.”

Thửa hoan nghĩa là làm theo lòng cha mẹ để cha mẹ được vui.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.