Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

124. Mộng nhiễu hương phong động
Trường An in "Minh nguyệt 3" January 15th, 2020
  1. Mộng nhiễu hương phong động, ảnh tuỳ dạ nguyệt lai[1]
    (Mộng vấn vít theo gió thơm chuyển, bóng theo trăng đêm tới)

 

Ngày hạ tuần tháng mười, nhà vua cho làm lễ đại triều ở điện Cần Chính mừng sức khỏe đã hồi phục, ban thưởng khắp trong ngoài. Chỉ vài ngày sau, cơn mưa đổ xuống giải những ngày nắng hạn dài ở kinh kỳ. Tin báo từ thành Trấn Tây cũng bắt đầu khởi sắc: Phó Lãnh binh giữ bảo Sa Tôn Đoàn Văn Sách phá được hàng ngàn quân Xiêm Lào đã bao vây đồn Chi Trinh hơn hai mươi ngày. Đạo quân Định Tường đẩy lui được quân quấy rối đạo Quang Hóa, Dương Văn Phong ở Hà Tiên cũng báo tin đường từ An Biên đến Quảng Biên đã yên tĩnh.

Đạo quân Kinh lược, thuyền quân từ kinh kỳ được lệnh nghỉ lại Khánh Hòa chờ tin của Trấn Tây. Cơn mưa rào ngày cuối tháng làm không khí dịu đi trong nỗi hân hoan lẫn nhẹ nhõm của mọi người. Đầu tháng mười một, nhà vua đến điện Phụng Tiên làm lễ cáo yết, rồi về cung Từ Thọ hầu Thái hậu, đọc thơ ngự chế ở điện Văn Minh. Các trưởng công chúa, công chúa cũng được thưởng thêm một tháng bổng. Bên ngoài, cả khu thành lại hân hoan đón mùa đông tới, các quan lại vội vã chỉnh đốn công việc để dâng tấu sớ lên cho nhà vua.

Nhưng trong nội điện thì không khí vẫn thật kỳ lạ, viên quan Trương Đăng Quế nhìn mấy bóng người trước cổng cung thành mà thầm nghĩ. Ông ta nhận ra hai viên nội giám địa vị cao nhất trong cung là Phụng nghi Chu Phúc Năng, Thừa biện Nguyễn Đức, nhưng cả hai đã bị lột mũ áo, chỉ còn mặc trang phục cấp thấp nhất của nội giám khổ sai. Nguyễn Đức bị các Thị vệ đưa đi, Chu Phúc Năng vẫn cúi đầu quỳ như thể đang bị phạt.

“Bẩm, Nguyễn Đức nói xằng bậy gì đó với người ngoài, Chu Phúc Năng thấy thế không cản mà còn góp chuyện nên cả hai đều bị phạt.” Nghe Trương Đăng Quế hỏi, viên nội giám thẽ thọt tâu, nhưng cũng không dám nói thêm, chỉ đáp. “Nguyễn Đức bị đưa ra cung Tĩnh Tâm làm khổ sai, Chu Phúc Năng bị cách làm cung giám.”

Cả hai đều là những nội giám thân cận nhất của nhà vua, Trương Đăng Quế nghĩ thầm khi chầm chậm bước đến vườn Thiệu Phương. Tuy nhiên chuyện họ nói hẳn không mấy quan trọng, bằng không nhà vua đã giam thẳng họ vào ngục chứ chẳng đuổi ra ngoài. Chẳng qua tính tình ngài ta lại bắt đầu khó chịu, và chỉ một đôi chuyện nhỏ cũng có thể khiến ngài ta nổi điên mà không ai hiểu tại sao. Cũng chỉ vừa đôi hôm trước hai Viên ngoại lang Nội vụ phủ bị đem ra đánh bốn mươi roi vì dâng sớ xin áo mặc mùa đông.

Chỉ trong khoảng mười ngày, nhà vua đã dồn sức xử lý công việc cả tháng đọng lại, cả những tập thỉnh an cuối năm chưa được giải quyết. Cơn mưa cuối tháng có vẻ lại càng khiến ngài ta cảm thấy bất an hơn, khi ngay ngày hôm sau ngài ta đã tới điện Phụng Tiên cúng tế. Đầu năm, nhà vua bỗng nhiên cho tìm các thuật sĩ, tăng đạo, thầy thuốc dân gian cả nước về Kinh, cho đến vừa rồi mới rõ lý do. Tại sao ngài ta sợ hãi đến thế, Trương Đăng Quế vừa cho rằng mình biết, cũng lại vừa không hiểu. Nhà vua khẩn trương cho tìm đất xây lăng mộ, khởi công xây dựng nó ngay trong năm Đại khánh, ra lệnh hoãn khi sấm sét đánh xuống Văn Miếu, rồi lại xây khi tới tiết Trùng cửu. Ngài ta đang sợ hãi thứ gì đó, vừa tựa như cái chết, cũng vừa tựa như thứ đang ngăn không cho ngài ta với tay đến cái chết.

Hai năm nay, ngài ta đã sống trong một trạng thái thật kỳ lạ. Mọi thứ đều rực rỡ huy hoàng, đều ồn ã rộn ràng. Trong lễ đại triều vừa rồi, ngài ta còn trách các viên Phủ doãn không đưa bô lão chúng dân tới cổng điện chúc mừng để càng thêm long trọng. Nhưng đồng thời ngài ta càng khó chịu khắt khe, tâm tính càng bất ổn không biết đâu mà lường.

Đi qua khoảng vườn hồng màu cúc Dương phi trước cổng, Trương Đăng Quế đã nghe tiếng người. Người hầu của Trường Khánh công Miên Tông đi lùi ra khỏi cổng, cúi mình chào ông ta. Trường Khánh công cũng đang ở trong vườn, cầm giấy bút viết thay cho nhà vua. Vị hoàng tử này vốn vẫn được vào hầu nghe việc chính sự, mới đây lại toàn quyền xét duyệt án thu thẩm của cả nước, nên vẫn ngồi yên khi Trương Đăng Quế lạy chào.

“Lại có tin từ Tây Ninh đây.” Nhà vua nói, Trường Khánh công rút một bản tâu đưa cho Trương Đăng Quế. Cúi đầu đọc, ông ta còn nghe nhà vua nói qua kẽ răng. “Chỉ chém được một tên giặc, lấy được một cái đồn, trong khi quân binh cả hai đạo thương vong quá nhiều, rồi đưa về cho ta thư của bọn giặc khoe khoang có người Xiêm, Chàm giúp đỡ, thà đánh không hàng.”

“Chúng đòi đưa năm người chủ của mình về.” Trương Đăng Quế chầm chậm nói khi đọc xong. Lại nghe tiếng nhà vua cười nhạt.

“Làm quan quản việc binh bấy lâu mà ngươi vẫn còn tin lời của bọn phản loạn à? Chúng yêu thương gì bọn Ngọc Vân, Trà Long ấy? Trà Long, Nhâm Vu gửi thư về kêu gọi chúng, có một tên nào ra hàng không? Trong khi chúng hiểu rõ, nếu phật lòng thì ta có thể giết bọn đầu mục ấy bất cứ lúc nào. Có khi chúng còn cầu mong ta giết bọn ấy nhanh đi, để chúng thực sự có nguyên do mà làm loạn.” Nhà vua nheo mắt nhìn Trương Đăng Quế, nhẹ lắc đầu. “Ta đã phải cho Lê Đăng Doanh ra khỏi Cơ mật viện cũng vì cái thói tin người ấy. Ông ta ở thành Gia Định trước sau chỉ cứu được hai đứa trẻ con, còn thì bị bọn giặc trong thành lừa phỉnh quay như dế. Chúng giỏi nhất là nhân danh nghĩa tình, ra bộ đáng thương, trong khi ta chỉ cần chần chừ nhân nhượng một khắc là thấy chúng ào ra giết người, đến cha mẹ cũng chả màng tới.”

“Dù sao cho bọn họ về thì ta cũng có thể cắt đứt lời xuyên tạc, không để chúng tiếp tục lấy lý do làm loạn vì đầu mục nữa.” Trương Đăng Quế cân nhắc đáp, nhìn khuôn mặt nhà vua càng lạnh lùng hơn.

“Đó là bọn phạm tội, không phải là kẻ ngẫu nhiên bị ta bắt! Tại sao không chỉ bọn thổ phỉ mà đến các người cũng lẫn lộn nhu nhơ như vậy? Chỉ cần chúng hù dọa mấy lời là sợ hãi, trong khi chúng ta vẫn đang thắng cơ mà! Ta đã nói, chúng thực sự chẳng yêu thương quý trọng gì cái đám Ngọc Vân, Nặc Yêm, cho bọn ấy về chỉ để bọn phản loạn thấy ta nhụt chí sợ hãi chúng, để chúng ngày càng làm loạn to hơn! Chẳng lẽ bọn Xiêm, Lào kéo sang cũng do yêu thương Nặc Yêm, Ngọc Vân à? Một khi chúng đã có thể kéo đàn kéo lũ qua biên giới thì chỉ ta đánh cho chúng chạy lui mới yên chuyện, đừng hy vọng đám thổ mục hèn kém nhát sợ kia giúp gì được.” Đưa mắt lướt qua vẻ mặt Trương Đăng Quế lẫn Trường Khánh công, nhà vua hạ giọng. “Trấn Tây là nơi quan trọng với Nam Kỳ cũng như cả đất nước. Không giống như Bắc Kỳ có vùng thổ mục che đỡ, Trấn Tây ảnh hưởng trực tiếp tới Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Xưa Nặc Chăn tuy một lòng trung thành với ta nhưng yếu ớt hèn kém cũng đã gây ra bao chuyện, bây giờ nếu nhụt chí muốn yên thân mà để kẻ hai lòng giả trá ở Trấn Tây thì hậu hoạn khó mà nói trước được, hễ Nam Kỳ hay trong nước có chuyện thì chúng dẫn quân ngoại bang vào chiếm đất phá thành ngay. Lúc ấy thì loạn nhỏ thành loạn to, dân chúng bị chúng xua đuổi quấy phá, xóm làng điêu hao, biền binh không còn lòng dạ nào đi theo triều đình, người Thanh người Thổ ngấm ngầm gây sự thêm, việc gì cũng sẽ hỏng cả. Nhìn loạn Lê Văn Khôi mà các người còn chẳng rõ ư? Nhóm quân ở Gia Định chia ba xẻ bốn, rối loạn nháo nhào mỗi lần có tin báo Xiêm tiến đánh, để cho bọn giặc trong thành mặc sức hoành hành – trong khi chúng chỉ là ngàn tên thổ phỉ thôi đấy. Năm ấy may mà có Trương Minh Giảng đưa ngàn quân đẩy lui được giặc mới kềm giữ được tình hình, bằng không để chúng vào Định Tường thì toàn Nam Kỳ sẽ mất, đến Bình Thuận cũng khó giữ. Cũng như Quảng Bình cho đến Nghệ An, may mà ta nhanh chóng lấy đất lập phủ Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, bằng không năm ấy quân Xiêm, Lào vào tận Ninh Bình rồi. Chúng còn quấy phá hàng năm ở Nam Chưởng, Trấn Ninh chứ nào yên, nhưng ta chỉ cần đưa một đội quân tới giải quyết, đỡ được bao nhiêu máu xương cực nhọc, rồi cả lam chướng ở nơi ấy cũng tan bớt. Bắt buộc phải giữ các vùng đất ấy, bằng không loạn lan vào phía trong sẽ không ai kiểm soát nổi. Giao đất cho bọn phản phúc cầm bằng tự sát.”

“Con xem tình hình các tướng có vẻ không ổn lắm.” Khi Trương Đăng Quế cúi đầu im lặng, Trường Khánh công bỗng lên tiếng. “Vùng Quảng Biên, Khai Biên tập trung số lớn quân đội, hẳn nhiên thổ phỉ sẽ rút lui. Nhưng vùng Tĩnh Biên báo tin giặc còn nhiều mà lại không có một tướng nào đem quân tới. Tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Huyên cũng nệ vào lời dụ trước mà nhất nhất đến Quảng Biên đã yên tĩnh, có vẻ như đang tránh việc cho mình. Ngay cả Đoàn Văn Sách vừa rồi giải vây được đồn Chi Trinh nhưng lại cùng với Thủ đồn Nguyễn Công Nhàn đem toàn bộ quân tướng về bảo Sa Tôn, để Hải Đông cho bọn Xiêm, Lào hoành hành, e rằng chúng sẽ càng vây chặt Sa Tôn không buông. Con xem lời lẽ của Trương Phúc Cương và Lê Quang Huyên trái ngược nhau, có vẻ như bất hòa mà kể tội nhau hơn là muốn bàn việc quân, trong khi đó Dương Văn Phong lại im lặng giữ chặt lấy Chu Nham không lên tiếng gì. Trấn Tây Tướng quân, Tham tán cũng một mực im ắng trong khi giặc lan tràn Hải Đông, đồn Chi Trinh bị vây đến hơn hai mươi ngày mà đến khi giải vây ta mới biết, là cớ làm sao?”

“Bọn thổ phỉ giỏi nhất là lẩn lút trong rừng núi, quan quân đến chỗ này thì chúng chạy đi chỗ khác, bọn Yển nổi loạn xưa kia chúng ta cũng chưa bắt được một tên nào. Lời báo thắng trận của các quan tướng, ta không nên tin cậy quá.” Trương Đăng Quế liền nói tiếp. “Trấn Tây địa hình, con người phức tạp, cần phải cẩn trọng xem xét toàn thể mới được. Trong cuộc nổi loạn vừa rồi, các lưu quan của ta bị giết hại nhiều, càng khó cho việc kiểm soát. Trấn Tây Tướng quân thì không có một kế gì khả dĩ, ta hiện giờ chỉ có thể quan sát thêm tình hình thế nào.”

“Hẳn các nhóm Kinh binh đầu tiên đã tới rồi.” Nhà vua nói, trong giọng ngài ta chợt thoáng ẩn lo lắng bất an. Trường Khánh công đưa mắt nhìn qua ngài ta, ra hiệu cho Trương Đăng Quế. Lệnh viên quan đưa tấu sớ Trấn Tây đến Cơ mật viện để họp bàn rồi nhà vua cho ông ta lui ra, Trường Khánh công cũng thuận tiện đi theo.

“Trấn Tây vừa báo tiền thuế thu được ở nơi ấy chỉ hơn một vạn quan, trong khi số tiền gạo cần chi cho năm tới gấp ba bốn chục lần số đó.” Ra đến vườn Đông, Trường Khánh công khẽ giọng nói với Trương Đăng Quế. “Hơn hai vạn quân được phái đến Trấn Tây, nếu cứ dằng dai kéo dài thế này, thiệt hại khôn xiết kể.”

“Thần nghĩ mình biết tại sao Trương Minh Giảng cứ lần chần về Trấn Tây. Hẳn anh ta khi giết Ngọc Biện, trừng phạt bọn Trà Long thì vẫn cho rằng mình kiểm soát được tình hình, không ngờ…” Trương Đăng Quế thở dài, nhìn lên bầu trời. “Vừa rồi Đặng Văn Thiêm ở Bình Định cũng dâng tờ tâu báo tình hình chia đất ruộng quân điền sau một năm. Quả nhiên, ‘không có điều tiếng gì’, nhưng hương hào lý dịch bày ra trăm chước dối trá. Miệng thì gật gù đồng tình việc chia đất cho dân, nộp cho nhà nước, tay thì đổi sổ sách chuyển ruộng cho người khác, hay nộp ruộng xấu giữ ruộng tốt. Kẻ khác thì cướp đất của người này, mạo danh đem làm của công mà chuyển cho người khác. Động đến việc thì nhao nhao kiện cáo nhau, Đặng Văn Thiêm kêu ca tra khám không xuể kia. Đang cho người tự thú tội, sau cứ y luật thi hành, nhưng dân xứ này chỉ sợ mỗi việc không chiếm lợi được cho mình chứ đến chết cũng chả sờn. Sợ hơn cả là những kẻ cứ lẳng lặng ‘không lời dị nghị’, đến khi việc phát ra thì lại không hiểu là cớ làm sao.”

“Như vậy mà có viên quan ở Nam Kỳ tâu xin muốn bắt chước chia ruộng, nếu làm thì thật không biết tình hình chuyển biến thành thế nào bây giờ.” Trường Khánh công cũng lắc đầu. “Hoàng thượng cứ nói rằng dân Thổ làm phản yêu thương gì bọn Nặc Yêm, Ngọc Vân, nhưng rõ ràng là chúng cũng chẳng yêu quý gì Trương Minh Giảng lẫn các lưu quan của chúng ta ở nơi ấy. Thậm chí dân Kinh sang ở vẫn bị dân Thổ đuổi giết mỗi lần loạn lạc. Tuy rằng Trấn Tây quan trọng không thể mất, nhưng muốn giữ nơi ấy vừa khó khăn vừa thiệt hại lớn. Làm như Thế Tổ năm xưa, thu phục được dòng dõi quốc trưởng nơi ấy để cầm giữ, vẫn là cách tốt hơn nhiều. Nhưng tên Nặc Yêm kia tuổi đã lớn, ranh ma khó lường, bọn theo vua Nặc Chăn khi xưa không ưa hắn, dùng hắn chưa biết kết quả ra sao.”

“À…” Trương Đăng Quế trầm ngâm như có điều muốn nói lại thôi. Họ thấy Chu Phúc Năng dẫn một nhóm Thị vệ cùng y phó tới vườn Thiệu Phương. Trường Khánh công liền đưa Trương Đăng Quế đi sang con đường khác, ông ta cũng biết không nên hỏi han vị hoàng tử này. Nói cho cùng, chẳng ai có thể khỏe lại được chỉ sau một giấc mơ, và tình trạng bệnh tật dai dẳng của nhà vua đã kéo dài bấy lâu, mỗi lần ngài ta cho rằng mình đã khỏe thì lại bệnh nặng hơn. Cũng có thể do chính sự khinh suất của ngài ta, chỉ cần sức khỏe vừa hơi hồi phục, ngài ta đã lại bày ra muôn vàn công việc lẫn những chuyến đi gần xa, kể cả những yến tiệc linh đình, hội lễ long trọng ồn ã nhất.

Cứ như thể ngài ta muốn đốt nốt chút hơi sức còn lại, Trương Đăng Quế nghĩ tới điều vừa thoáng qua khi đặt chân đến cổng vườn. Nhưng đó chẳng phải là cách ngài ta sống bấy lâu nay? Lặp đi lặp lại giữa bệnh tật và năng nổ, giữa chán chường và vui vẻ, giữa tột cùng phù hoa choáng ngợp và cõi chết lặng lờ ở những cung Khánh Ninh, Tĩnh Tâm nọ, giữa cái chết và sự sống, giữa những biên giới hoang đường. Giữa những giấc mộng, ông nghĩ khi ánh mắt lướt qua những luống hoa cúc bạch hồng vẫn còn tươi tốt giữa mùa đông. Hiện tại, ông có muôn vàn điều muốn nói với nhà vua, nhưng rồi chẳng biết có phải là điều nên nói. Càng hiểu rõ ngài ta, ông lại càng không biết những gì ngài ta nghĩ hiện tại. Những gì tạo thành tình thế hiện tại.

Ông cũng như mọi người tại cung điện này chỉ rõ tâm tính nhà vua đang ở trong tình trạng bất ổn căng thẳng nhất. Vì giấc mơ của ngài ta, có lẽ. Và linh cảm kỳ lạ nào đó đã khiến ngài ta cho gọi thuật sĩ, tăng đạo cả nước tới sau kỳ lễ Đại khánh này.

Chỉ mấy ngày sau, ông đã biết được câu trả lời cho điều đó: Lãnh binh Vũ Viết Tuấn cùng Phó Vệ úy Lê Kim Trợ cùng tử trận ở Sa Tôn.

Sau khi giải vây, Đoàn Văn Sách đưa Nguyễn Công Nhàn và binh lính Hải Đông tập trung về Sa Tôn, bị quân địch vây chặt trong ngoài. Lãnh binh Quảng Ngãi Vũ Viết Tuấn cùng quản suất hương binh Gia Định Lê Kim Trợ do Kinh phái đưa gần hai ngàn quân tới hỗ trợ. Đến Hải Đông, đồn bảo đã bị vây kín, các đoạn sông liên tiếp bị cây cối chắn đường. Hai bên bờ sông Chiết Súc, súng lớn súng nhỏ từ hai đồn trại cùng chĩa xuống. Vũ Viết Tuấn cùng Lê Kim Trợ xung phong đi trước phá vây, đội quân trúng đạn thương vong hàng trăm người. Lê Kim Trợ chết ngay tại trận, Vũ Viết Tuấn qua đời ở cửa biển Hải Đông.

Theo lệnh nhà vua, đàn tế cho quân tướng trận vong được dựng ở phía Nam kinh thành, những hàng bài vị giữa nghi ngút khói hương nhìn xuống dòng sông lạnh. Lãnh binh Vũ Viết Tuấn là Phò mã của chúa Bảy, tiếng khóc tang lại vọng suốt hoàng thành mưa mù. Những cơn mưa mùa đông đã tới, nhanh chóng nhấn chìm đất trời trong sương giăng. Một đàn tế khác được lập ở cửa biển Thuận An cúng gần hai trăm binh lính trên chiếc thuyền Thanh Hải thất lạc trong bão trên đường tới Trấn Tây.

Nhưng người trong thành này chẳng có thời gian để đau buồn. Ngay sau tin báo Vũ Viết Tuấn tử trận, Tuần phủ Hà Tiên Lê Quang Huyên cáo cấp quân địch lại tràn ngập mọi nẻo đường Quảng Biên, trái ngược với những cái tin thắng trận của Dương Văn Phong trước đó.

Tan buổi họp ở Cơ mật viện, nhà vua chờ người từ viện Thượng tứ đưa ngựa tới. Thấy Trương Đăng Quế vẫn đứng gần đó, ngài ta liền cười.

“Ta đi ra xem chiếc thuyền Vân Phi đã làm đến đâu rồi.” Ngài ta nói với thái độ mà viên quan không thể đoán định được, rồi lại tiếp. “Ta đã biết Trương Phúc Cương dụng tâm không tốt, đã trách mắng cả hắn và Dương Văn Phong rồi. Nhưng Trương Minh Giảng, Lê Văn Đức đang trên đường tới Sa Tôn, Dương Văn Phong đang giải quyết Chân Triết ở Khai Biên, còn phải xem tình hình thế nào.”

“Ngài đã nói Trương Phúc Cương dụng tâm gian xảo, không phải là người có thể dùng. Đang trong lúc nguy cấp thế này mà hắn còn ba hoa tìm cách đổ tội cho Lê Quang Huyên, đòi rút đội quân của Quang Huyên về là muốn làm gì? Chẳng phải hắn sợ Quang Huyên đi vào Quảng Biên sẽ phát hiện ra chuyện dối trá của hắn và Dương Văn Phong sao?” Trương Đăng Quế hạ thấp giọng nhưng gay gắt nói. “Trước đó vì tin báo an của Dương Văn Phong mà ngài còn trách mắng Lê Quang Huyên về Quảng Biên nhằm tránh việc, nay hóa ra cả ba vùng Quảng, Khai, Tĩnh đều loạn lạc, ngay cả Hà Tiên cũng có tin thổ phỉ tiến đánh. Chúng lan ra tới Tây Ninh, Định Tường, Quang Hóa, lời của Nguyễn Văn Trọng về bọn phỉ khoe khoang thanh thế không phải chẳng có lý do. Vũ Viết Tuấn, Lê Kim Trợ tử trận ngay ngoài địa giới Hải Đông cho thấy Sa Tôn nguy ngập đến thế nào. Suốt cả ba tháng trời, bọn quan tướng Trấn Tây vẫn chẳng làm được gì, cũng không báo thật về tình hình nguy ngập đến thế.”

“Thậm chí chúng còn muốn mượn việc để xử trị nhau, nào có bận tâm đến an nguy của cả biên cương.” Nhà vua vẫn mỉm cười, tiếp lời Trương Đăng Quế. “Quan tướng của ta lòng dạ thế nào ta lại còn chẳng rõ ư? Ta đã ra lệnh đổi quan lại ở Biên Hòa, Vĩnh Long rồi, các Ngự sử được cử đến cũng sẽ không để chúng mặc sức múa may được mãi. Nhưng bây giờ ngoài ngồi đợi ra, cả ngươi lẫn ta còn làm được điều gì?

“Ba vệ quân Bình Định hẳn cũng đã đến Trấn Tây, theo Trương Minh Giảng tới Hải Đông rồi. Dương Văn Phong cũng về đến An Giang, cắt cử quân tới Tĩnh Biên. À, đất Tĩnh Biên. Khi bắt đầu có loạn, Dương Văn Phong đi qua Tĩnh Biên nhưng không đến đánh dẹp, có thể cho là vì Hà Tiên nguy cấp hơn. Nhưng sau khi chiếm lại đồn Chu Nham thì hắn cũng chỉ ngồi yên ở Hà Tiên tô điểm công trạng, bỏ mặc Tĩnh Biên không màng tới. Sau hắn đưa quân về An Giang, đi qua Vĩnh Tế cũng coi như không thấy loạn đảng gần ngay đó. Trước sau hắn cùng Trương Phúc Cương muốn đẩy Lê Quang Huyên khỏi Quảng Biên, nhét ông ta đi đánh Tĩnh Biên, không phải chỉ muốn che giấu việc sai phái bất lực của mình mà còn muốn đẩy chỗ khó cho người. Nghe nói Chân Triết ở Tĩnh Biên là tên kiệt hiệt nhất trong đám giặc, các tướng của ta tránh xa như cọp.” Tiếng nói của nhà vua như âm kim loại mài qua kẽ răng, trong khi ngài ta vẫn đang cười. “Trương Phúc Cương dâng đến mấy tờ sớ liền mách tội Lê Quang Huyên rồi, còn đòi rút quân của Lê Quang Huyên đi. Chúng dường chỉ muốn đẩy nhau bằng được vào chỗ chết mới thôi đấy. Ta cũng muốn biết tại sao chúng lại điên cuồng đến mức ấy.”

Chúng ta cứ đợi mà xem. Trương Đăng Quế nghĩ mình đoán được ý ấy trong ánh mắt nhà vua, liền im lặng. Lính viện Thượng tứ đưa ngựa tới, bóng câu chỉ một thoáng đã biến mất sau cổng lớn, chỉ nghe tiếng giáo gươm loảng xoảng của đoàn lính hộ tống. Lẫn vào thanh âm tang tóc từ phía Tây hoàng thành vẫn vọng về.

Có lẽ nhà vua sẽ đi qua đàn tế quân tướng trận vong, có thể ngài ta sẽ ngẩn người nhìn ra cửa biển vang tiếng kinh cầu theo gió. Cũng có lẽ, ngài ta chỉ đến bờ sông để ngắm nhìn chiếc tàu hơi nước kiểu mới đang được hoàn thành. Đầu năm, tàu Yên Phi được mua lại từ Tây dương, đem về tháo dỡ ra, sửa chữa từng phần han rỉ, làm mẫu để đóng hai chiếc tàu khác. Vừa rồi nhà vua lại hoạch định ngày nghỉ cho người công cán ngoại quốc, đưa lệ đi Đại Tây dương vào luật. Như thể, những chuyến đi ấy sẽ tiếp tục thành lệ định tựa các chuyến thuyền đều đặn đến Hạ Châu, Giang Lưu Ba, Quảng Đông. Bất chấp những tấu sớ can ngăn của quan lại trong ngoài. Bất chấp cả những gì đang diễn ra hiện tại.

Trong tiếng khóc vọng khắp Kinh thành, ngài ta lại tới bờ sông, ngắm nhìn chiếc tàu lớn dành để đi ra biển khơi, đi về những chân trời, vượt qua làn mây. Trong nỗi buồn thương chán chường cực độ, ngài ta lại mơ về phía biển. Lặp đi lặp lại.

Thuyền Hoa Bồng nào đến được Doanh Châu. Khi xác những chiếc tàu ngày ấy tan chìm đáy biển, ông lại nhớ đến ngày hôm đó, bóng ngựa chạy trốn khỏi tiếng khóc vang động khắp hoàng thành.

 

Chú thích:

[1] Họa của Ngô Nhân Tĩnh




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.