Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

123. Hận thuỳ khinh bạc hoa lưu thuỷ
Trường An in "Minh nguyệt 3" January 11th, 2020
  1. Hận thuỳ khinh bạc hoa lưu thuỷ, lân ngã thanh hàn nguyệt đáo song[1]
    (Hận người khinh bạc như hoa trôi theo nước, thương ta trong lạnh như trăng ngoài song)

 

Nguyệt xuất chiếu hề,
Giảo nhân liệu hề,
Thư yểu thiệu hề,
Lao tâm thiếu hề.

“Hoàng Tư, hoàng Tư!” Y nghe có tiếng gọi lẫn với thanh âm chiêng trống, nhạc khí rộn rã vang lừng. Bên kia màn, khuôn mặt trẻ trung của Vũ Huy Dụng ló ra, có vẻ vừa mừng lại vừa lo lắng. “Hôm nay hoàng thượng đãi yến mừng dựng xong điện Cần Chính. Hoàng hậu nghĩ ông hoàng không tới được nên ban cho một phần lễ.”

“Các người ăn hết cả đi.” Y lầm bầm, vừa cử động đã thấy đau nhói trên lưng. Hóa ra y chính là người đầu tiên bị phạt ở sân điện Cần Chính vừa mới xây xong, còn chưa kịp đãi yến. Vũ Huy Dụng thấy bộ dạng của y thì chép miệng, nghiêng về phía y mà hạ giọng thì thào.

“Nghe nói hoàng thượng cũng sắp cho xây dựng Kinh thành, là thành bao toàn bộ khu đất này, phía Nam đến sông Hương, Đông Tây giáp sông Hộ Thành. Giờ thì ai muốn vào ra cũng phải qua hai ba lượt cổng. Cậu cứ nằm đây thì thành xây xong luôn cả đấy.” Cậu bé hầu kia hấp háy mắt cười. Y quay đầu, nhổm người dậy.

“Cuối cùng cũng chuẩn bị xây thành rồi ư?” Trái với ý nghĩ của Vũ Huy Dụng, y còn có vẻ hứng khởi khi nghe cái tin này. Khi những dòng sông Hộ Thành được đào, y đã biết khu đất này được hoạch định để xây một khu thành lớn. Một cái thành lớn, như thành Gia Định. Y luôn yêu thích những khu nhà, thành trì, đường phố, công trình – những công trình nguy nga trong sách, biểu tượng của đẹp đẽ phồn vinh.

Nhưng cơn đau khiến y lại phải nằm xuống, khẽ rên rỉ. Dấu vết trận đòn hôm trước dù sớm được bôi thuốc cũng đã đến lúc tụ máu sưng phồng. Vũ Huy Dụng lại gật gật đầu.

“Hoàng thượng hôm nay cũng hỏi đến cậu đấy, nhưng Hoàng hậu bảo cậu chưa đi dự yến được đâu. Ngài còn bảo chuẩn bị cấp mũ áo cho cậu vào chầu hầu đại triều ở điện Cần Chính. Ước chừng giữa tháng hoặc cuối tháng này làm lễ đại triều đầu tiên, cậu phải nhanh khỏe lên mới được.” Có vẻ đã quen với tính khí dễ giận dễ quên của phụ hoàng y, Vũ Huy Dụng cười nói. Y nghe tiếng nhạc từ chính điện vọng tới, bỗng cảm thấy phấn chấn kỳ lạ.

Điện Cần Chính đã xây xong, rồi sẽ tới các điện đài, phủ đường khác, và Kinh thành. Tất cả sẽ tạo nên diện mạo của khu thành tráng lệ mà y hằng mơ ước. Y sẽ cùng dựng xây nó, chứng kiến nó thành hình và phát triển. Phụ hoàng không quên y, đã cho gọi y tới, cho phép y tham gia lễ đại triều ngay khi vừa đến tuổi trưởng thành. Ngài rất rộng lượng, mọi người luôn nói, và y cũng tin như thế.

Hôm ấy, trời còn mờ sương đêm, y đã trở dậy, gọi người hầu cho đội mũ mặc áo. Bọn y đi vòng qua mé Đông của Hoàng thành, đến cổng Đại cung, đi vào điện Cần Chính. Y thấy quân lính đã dàn hai hành lang bên điện, người đứng chen khu nhà Võ công thự mới xây cho các quan họp bàn trước buổi chầu. Buổi chầu có lẽ đã sắp bắt đầu, y vội vã chạy tới.

Trong điện Cần Chính, đèn đuốc thắp sáng ngay cả ban ngày, chói ngời những nếp thếp vàng rực rỡ. Phụ hoàng y đang ngồi trên ngai cao, trước mặt người là hai hàng văn võ cầm hốt cúi đầu. Trên sân điện, hàng hàng người cùng một tư thế bất động như tượng đá. Y những muốn chạy lại, nhưng bỗng nhiên ngừng chân.

Trong lòng y, nỗi sợ hãi bất chợt ngập tràn. Y đứng trân trân nhìn quang cảnh vàng son lộng lẫy trước mặt, tất cả chợt mập mờ như bị sương che. Thứ duy nhất rõ ràng là gương mặt người ngồi trên ngai vàng. Phụ hoàng, hoàng khảo, Thế Tổ của y.

“Hoàng thượng, hoàng thượng!” Tiếng gọi giục giã lại vang xuyên qua bóng tối. Ngài ta giật mình mở choàng mắt, thấy Chu Phúc Năng đứng bên giường, vẻ mặt hoảng hốt. Ngài ta trở mình, thấy mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Bên ngoài, bóng tối vẫn bao phủ dày đặc.

“Đến giờ ra chầu rồi ư?” Ngài ta hỏi, Chu Phúc Năng vội lắc đầu.

“Hôm trước bệ hạ đã bảo miễn chầu ở điện Cần Chính, rồi cũng hoãn chầu điện Quang Minh.” Nhìn vẻ bối rối phức tạp của Chu Phúc Năng, nhà vua chống tay toan ngồi lên, rồi lại ngã xuống giường. Toàn thân ngài ta nặng nề đau nhức, gợi nhắc lại cơn bệnh vẫn chưa lui.

“Đến giờ thì ngươi ra viện Tả đãi lậu gọi Trương Đăng Quế vào cho ta. Phái người đến Thái y viện gọi tất cả y phó đến đây.” Nhắm mắt một thoáng, ngài ta nói tiếp. “Cả những thuật sĩ, tăng đạo vừa đến kinh thành, ngươi cho người tiếp đãi, hỏi chuyện bọn họ đi.”

Chu Phúc Năng cúi mình, nhẹ giọng tuân lời. Ngài ta nghe tiếng trống canh năm bắt đầu vọng tới, trong khi đêm vẫn mịt mù, căn phòng kín ngàn ngạt hơi nóng. Mùa đông năm nay thời tiết vẫn còn hầm hập nóng dù đã tháng mười, trái ngược với những mùa đông rét buốt trước.

Có lẽ vì vậy mà dịch bệnh từ Bắc Kỳ lan xuống vẫn chậm chạp chưa lui đi. Sau khi hoành hành ở Hải Dương, Bắc Ninh cùng bốn tỉnh Bắc Kỳ khiến hàng vạn người chết vào năm trước, bệnh dịch lan đến vùng Bắc Trực Kỳ, khiến thêm hàng ngàn người bỏ mạng. Mùa xuân, dịch lại nổi lên ở Bắc Kỳ, nhưng quan địa phương đợi đến khi lễ Đại khánh đi qua mới bẩm báo. Dù sao, ngoài việc phát những liều thuốc chống sốt và đi chôn người chết, thống kê cho tiền tuất, họ cũng chẳng thể làm gì được. Ngay cả việc hy vọng mùa đông sớm tới để dịch bệnh tan nhanh cũng không thể được trong năm này. Tháng mười, trời vẫn nóng gay gắt, kinh kỳ không một cơn mưa.

Và ngài ta cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài lập ra đến ba bốn đàn tế cầu mưa. Tiếng cầu khấn, mùi hương nhang làm không khí càng thêm ngột ngạt. Nhưng ở Thanh Hoa lại vừa có bão, Bắc Kỳ mưa lụt dầm dề, và cơn bão ngoài khơi cuốn một chiếc thuyền chở đội Thủy sư đến tiếp viện cho Trấn Tây mất tích. Qua những năm hạn hán, lũ lụt, lại đến những năm bão tố liên miên, như một vòng xoay bất tận mà thậm chí ngài ta cho rằng mình đã đoán được quy luật của nó. Như gần bốn mươi năm trước, điện Cần Chính xây lên trong mùa đông phía Nam hạn hán, bão tố quét qua khơi xa. Sau đó, hẳn cơn hạn sẽ lại lan tràn khắp đất nước, rồi đến bão giông. Năm nối tiếp năm, cứ thế mà chảy trôi trùng lấp.

Ngay cả những cuộc bạo loạn này. Ngài ta nhìn những tờ tâu trước mặt mà thầm nghĩ, trong khi Trương Đăng Quế cúi đầu lạy chào.

“Đã phái năm vệ lính Kinh, năm vệ, cơ Nam Ngãi đến tiếp viện cho Trấn Tây, lính ở Bình Định, Bình Thuận cũng được gọi rồi, hẳn sẽ sớm yên nay mai.” Ngừng một thoáng, ngài ta nói. “Có khi quân Kinh chưa tới mà việc đã xong rồi, Dương Văn Phong vừa báo đã chiếm lại đồn Chu Nham ở Hà Tiên, Nguyễn Văn Trọng cũng dẫn quân tới Tây Ninh dẹp loạn, chỉ còn một dải Trấn Tây bất ổn. Ta phái quân Kinh đi chỉ vì lo mùa đông sắp tới, Xiêm lại nhân thế tấn công xuống Hải Đông, Hải Tây.

“Chỉ là mấy tên thổ mục làm loạn, mạnh tay dẹp yên chúng đi thì xong chuyện.” Nhìn vẻ mặt Trương Đăng Quế không rõ mang thái độ gì, ngài ta chầm chậm nói, cẩn trọng quan sát ông ta. “Bọn Trà Long, Nhâm Vu ấy trước thì che giấu số dân quản hạt, ta đích thân hỏi cũng không chịu nói thật, sau thì từ chối không chịu đánh Xiêm, thậm chí có thể chúng cũng hai lòng ngả theo Ngọc Biện. Vốn đã mang lòng phản phúc sẵn, trước là dối trá trục lợi, sau là bội phản nay mai, ta bắt chúng đi cũng là không để chúng lún sâu hơn vào họa diệt vong, tự mình gây họa cho mình. Vì mang cái lòng ấy nên bọn thuộc hạ của chúng mới làm loạn đến mức thế này, chẳng coi triều đình ra gì. Như vậy mà ngươi còn bảo đưa bọn Trà Long, Nhâm Vu về để trị an sao?”

“Trương Minh Giảng ở Trấn Tây đã lâu hẳn phải biết rõ tình hình nơi ấy, càng rõ thuộc hạ của bọn Trà Long, Nhâm Vu, La Kiên, Ngọc Biện là bao nhiêu. Nhưng Ngọc Biện bị giết, bọn Trà Long bị bắt giữ, đám thổ mục nổi loạn mà Trấn Tây lại báo rằng gọi lính khắp các tỉnh hạt chưa đến một ngàn người, coi như chưa từng có ý phòng ngừa gì, chẳng phải là rất kỳ lạ sao?” Trương Đăng Quế trầm mặc nói. “Sau đó đến cả các thổ quan như An phủ, Tri phủ, Huyện úy, Quản cơ Khai Biên, Quảng Biên cũng bội phản, lính thổ Tĩnh Biên trốn đi không còn một người nào. Sau đến bọn thổ mục từng là thân tín của Nặc Chăn như Chân Triết bỏ đi, thổ dân ở Định Tường cũng nổi lên đánh đồn, tình hình cứ như sóng lan nhưng nhìn như không phải chúng có ngầm mưu câu kết với nhau từ trước. Thần chỉ nghĩ để bọn Trà Long ở Bắc Kỳ không lợi, chẳng bằng đưa chúng về đây thăm dò xem thái độ thế nào. Nếu chúng có thể kêu gọi thuộc hạ trở về thì chẳng phải tốt hơn ru?”

“Rồi sau đó hễ chúng có điều gì bất mãn là lại quay ra đánh đồn giết quan quân, bức ta phải làm theo ý chúng thế đấy phải không?” Thái độ nhà vua đột nhiên thay đổi. Vẫn ngồi dựa tường, ngài ta quát khẽ. “Tất nhiên là chúng nổi lên như sóng, vì thấy kẻ khác làm được thì chúng làm được. Thua thì chạy vào rừng sau khi cướp phá được bao nhiêu của cải, thắng thì ta phải nhắm mắt cho qua bọn thổ quan, thổ mục ấy làm bao nhiêu trò khuất tất ở biên cương, cho qua cả bao nhiêu mạng quân dân bị chúng giết hại để lấy được thứ ‘lòng trung thành’ giẻ rách của chúng! Một kẻ kéo theo ngàn kẻ, một vùng nối tiếp trăm vùng, rồi thì cả nước này làm loạn!”

“Ngài không cảm thấy việc Trương Minh Giảng hầu như không phòng bị thành Trấn Tây là chuyện bất thường ư?” Trương Đăng Quế vẫn nhẹ nhàng hỏi lại. “Bọn Trà Long ấy là Chưởng vệ, bọn Ngọc Vân, Ngọc Biện là Quận chúa, Huyện quân, thuộc hạ vô số, nhìn tình hình này thì chúng cũng chẳng theo Tướng quân. Nhưng khi xử lý những kẻ ấy, Trương Minh Giảng lại không hề để ý tới hậu quả có thể xảy ra, để bọn thổ mục nổi loạn như chỗ không người. Rốt cuộc, Trấn Tây Tướng quân có nắm được vùng quản hạt của mình không?”

“Trương Minh Giảng trước nay tính tình nóng nảy đơn thuần, việc gì cũng không suy nghĩ sâu xa, ta đã nhiều lần phải trách anh ta hành động nông nổi rồi. Việc thất sách ở Trấn Tây này, anh ta cũng sẽ không tránh khỏi trừng phạt, nhưng trong triều hiện tại chỉ có mình Trương Minh Giảng hơi rành việc nơi ấy.” Nhà vua thở ra, hạ giọng. “Trong những người tham gia trận thắng Xiêm năm đó, Trương Phúc Đĩnh, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê đã chết rồi, Lê Đại Cương cùng hàng loạt quan lại Hà Tiên, An Giang bị tội. Chỉ còn Phạm Hữu Tâm đang làm việc ở Bắc Kỳ, nhưng ông ta là võ biền biết cầm quân mà thôi. Ta cũng muốn bồi dưỡng vài kẻ thanh niên tân tiến khác, nhưng Phạm Văn Lợi, Nguyễn Thường Hứa vừa mới đến Trấn Tây đã bị tố cáo quen thói lười biếng, không rành việc quân, Trương Phúc Cương còn lâu mới được như cha anh. Trước ta muốn cử chức Hiệp tán Trấn Tây phụ giúp cho Trương Minh Giảng mà nhìn quanh chẳng thấy ai được việc, cho Cao Hữu Dực tới thì mới được đôi ba năm đã dâng sớ nhận tội lấy tiền trà nước của dân buôn. Bây giờ Trấn Tây có biến, thực chất cũng phải nhờ cậy vào các thổ quan, thổ mục là chính, quan ta nắm việc chỉ huy điều động, cần đánh lớn thì chờ quân Kinh tới. Nhưng toàn chiến trường vẫn phải nhờ bọn Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong làm chủ. Lê Văn Đức vừa đến vài tháng, cũng đã xa Nam Kỳ mấy chục năm, đâu thể rành Trấn Tây.

“Nhưng đám thổ mục Trấn Tây không giống bọn Lê Văn Khôi có vũ khí, thành trì của Nam Kỳ hỗ trợ, chúng chỉ giỏi lẩn lút trong rừng núi, đánh lén quan quân. Các trận thua của chúng ta đều do quan tướng điều độ sai cách, tự dẫn mình vào chỗ địch quân. Cứ đại quân kéo tới là chúng lại chạy trốn cả. Mấy trận liền liên tiếp như thế rồi.” Nhà vua cười. “Chỉ cần mấy viên quan văn của ta không hoang mang rối loạn thì bọn thổ phỉ sẽ bị dẹp ngay. Bây giờ chỉ còn Trấn Tây có động do nơi ấy tiếp giáp Xiêm La, tình hình khó lường. Với bọn người phản phúc ấy mà khoan nhượng để chúng ngày càng mạnh lên, rồi đưa cả Trấn Tây cho Xiêm sao? Khoan dung với bọn phản loạn, tiếng là đỡ xương máu một lúc, nhưng để cho chúng gây dựng thanh thế, quyền lực, sẽ hại đến muôn đời. Há kẻ đã sẵn hai lòng, thậm chí ngầm mưu bội phản, lại có thể vì ta nhường nhịn mà sẽ thay đổi sao? Không, chúng chỉ thấy chưa thể lật đổ được ta thì nhịn, rồi lấy cái nhường của ta làm thanh thế cho mình, ngày càng lớn mạnh, ngang nhiên trở thành một thế lực thù địch ngay bên hông mà ta không dám làm gì. Như vậy hóa ra chính ta lại tạo ra, đưa đến sức mạnh cho cái bọn thổ phỉ hèn kém ấy chứ chẳng phải là ai khác. Với bọn chúng, chỉ có trước là ra uy mà dẹp yên, sau lấy ân mà phủ dụ, lấy luật để kềm cặp, không cho một kẻ nào dám đi ra một bước, đừng bao giờ nhường.”

Trương Đăng Quế khẽ nhíu mày, như có điều toan nói mà lại thôi. Nhà vua lật lên một tờ tâu khác, đưa cho ông ta.

“Các quan Ngự sử lại nói đến việc đưa tàu ra nước ngoài, muốn ta ngưng toàn bộ những chuyến giao thương, cấm thuyền Tây dương vào cảng. Họ bảo nếu muốn tìm hiểu tình hình ngoại quốc thì cử thương buôn người Thanh đi cũng được.” Khi Trương Đăng Quế cầm tờ tâu lên đọc, nhà vua nhìn lên mái điện, thở dài. “Thanh triều đã thua Hồng Mao rồi, nghe nói Tây dương đến tận Yên Kinh khiếu kiện Lâm Tắc Từ, vua Thanh liền gọi Lâm Tắc Từ về trị tội. Lâm Tắc Từ làm việc vốn là ý của nhà vua, bây giờ vì triều Thanh muốn cầu hòa mà đem ông ta ra gánh đỡ, thật là nhu nhơ hèn kém. Bọn Tây dương đâu phải ngốc đến nỗi không hiểu lý sự ấy, nhìn thấy vua đổ tội cho bầy tôi không ra nghĩa lý gì thì chỉ càng khinh thường hơn. Năm xưa chúng đánh Miến Điện, Miến Điện cầu hòa thì bắt bồi thường chiến phí cho bọn gây sự nhà chúng, nay hẳn lại làm y như thế với Thanh. Người Thanh chịu bồi thường thì nhục quốc thể biết là chừng nào. Đám Tây dương việc gì cũng quy ra tiền, ngang nhiên gây sự ăn cướp đòi tiền không còn chút đạo nghĩa liêm sỉ, cũng là dạng con buôn trị quốc nực cười.[2]

“Chúng đem thuốc phiện đi đầu độc toàn thế giới rồi đánh người muốn cấm chúng, từ đầu vốn đã là bọn không biết liêm sỉ. Nhưng đối phó với bọn không nói lý lẽ thì còn biết làm gì hơn? Có khi chúng vào tận trong cảng bắn phá ta rồi lại đòi tiền ta bắn chìm tàu của chúng, bọn gian dối trăm đường ấy có gì mà không dám làm.” Trương Đăng Quế chầm chậm nói. “Chúng ta tuy cấm thuốc phiện nhưng chỉ kiểm soát trong nước, không đụng đến bọn Hồng Mao, xưa nay vẫn cho là chúng không nói được gì. Tuy nhiên nhìn tiền lệ của nhà Thanh, chúng có thể cho rằng cứ đánh vào mà đòi hỏi, không có cớ chúng cũng tự tạo ra cớ. Tiếp xúc càng gần với bọn chúng, càng dễ tạo ra lý do cho chúng. Các Ngự sử lo lắng cũng là có lý.”

“Vậy có hay không có cớ thì chúng cũng cứ đánh thôi. Bọn cướp vô đạo ấy chỉ cần lý do để làm cớ cho chính trong nước, không phải cho bọn chúng. Ra vẻ như tất cả là lỗi của triều đình mà gây việc khiến trăm họ lầm than, dân chúng oán triều đình chứ đừng oán chúng. Cứ thế rồi có ngày chúng chả cần việc phải liên quan đến mình cũng chõ mũi vào, nhân danh từ con khỉ trong rừng đến loạn dân trên núi, các người lúc ấy tự đi mà phòng tránh.” Nhà vua cười nhạt. “Biết tại sao bọn Tây dương vẫn chưa đánh Đại Nam không, trong khi chúng đã thôn tính hết cả các quốc gia xung quanh ta rồi? Nghĩ rằng ta có quan hệ với Thanh triều? Nhưng ta e rằng chúng cũng chả ngại gì nhà Thanh, cũng như Thanh sẽ giúp gì cho ta. Miến Điện, Xiêm La cũng là chư hầu của Thanh đấy. Hay là vì ta mở cảng tự do cho thuyền Tây dương đến nên chúng chẳng cần gây sự? Nhưng Mã Lai, Xiêm La làm thế chỉ để chúng tìm cách tiếm quyền chiếm đất. Lý do chính để mà chúng không đánh ta cho tới lúc này, là ta không phải Miến Điện, Mã Lai, Xiêm La. Hoàng khảo ta thấy bọn Anh Cát Lợi tới thám thính Trường Sa thì lập tức cắm mốc, ta thì cử thuyền ra Hoàng Sa xây đồn dựng trại, cho dân ra Côn Lôn, Phú Quốc khai hoang. Chúng ta có đội thuyền lấy mẫu từ Phú Lang Sa, có vũ khí mua từ Ma Cao, Hạ Châu, Tiểu Tây Dương. Chúng ta có quân đội đủ sức dẹp yên bất cứ kẻ nào chống đối, không để một kẽ hở cho bọn người ngoài lợi dụng.

“Bọn Tây dương là một đám người dùng phương cách của con buôn mà hành xử. Bọn con buôn sẽ không trả giá quá cao cho một món hàng khó kiếm lợi đâu. Chúng sẽ dừng lại ngay khi thấy nguy cơ thua lỗ. Đối phó với chúng có hai cách: Một là triệt tiêu tất cả đi, hủy hoại toàn bộ những gì làm lợi cho bọn chúng, cũng có nghĩa là – toàn bộ đất nước. Cứ đánh, cắm đầu mà đánh đến người cuối cùng, chúng không chịu đựng nổi nữa thì phải lui, đừng như Miến Điện, Thanh triều kia lấy tiền cầu hòa. À, nghe nói Miến Điện cũng đã mất đến cả triệu quân rồi đấy, nhưng nếu đã định ngọc đá cùng nát thì mạng người tính làm gì? Phương cách thứ hai, là tự tạo ra giá trị với chúng. Xiêm La kia quỳ lạy Tây dương, dâng đất, mở cảng, phái lính đánh thuê cho Tây, cũng là một phương cách biến mình thành món hàng có lời rồi đấy. Nhưng Xiêm rồi sẽ phải căng sức ra mà đánh Đông đánh Tây, vừa để chiều lòng Hồng Mao, vừa để xoa dịu đám tướng lĩnh, thành chủ trong nước. Rồi đất nước ấy sẽ thành đồ chơi của Tây dương, cung cấp cả người lẫn vật cho chúng thao túng. Thật ra thì cũng ổn thôi, nếu đám phản loạn trong nước chịu ngồi yên.” Nhà vua lại cất tiếng cười. “Còn với đất nước này, ta đang nghĩ nên tạo ra giá trị gì cho nó.”

“Cả hai phương cách ngài nói đều nghe như hạ sách.” Trương Đăng Quế nói khẽ. Nhà vua đưa mắt nhìn ông ta, rồi ánh mắt trượt đến nắng chói chang sau cửa.

“Các người nên nhìn bọn con buôn mà học một chút. Ta vẫn thường bảo các quan của ta mang tiếng quản việc mà chẳng biết gì. Người coi Nội vụ phủ mà không biết thợ làm một món đồ ra sao, người coi việc xây cất cũng chẳng biết pha sơn dát bạc. Bọn con buôn vô đạo ấy đánh được Thanh triều rồi sẽ chẳng yên đâu.” Ngài ta cười nói. Chu Phúc Năng cùng các Thị vệ dâng thuốc lên cho nhà vua. Trương Đăng Quế lùi về sau, nhìn nhà vua cau mày uống một hơi hết chén thuốc. Không còn giống thái độ chê bai trước đây, ngài ta đã chăm chỉ uống thuốc, liên tục gọi Thái y tới chẩn bệnh kê đơn.

Cuộc chiến ở phương Nam vẫn đang xảy ra, nhưng nhà vua tiếp tục ngã bệnh ngay khi những tập án thu thẩm dâng lên. Các hoàng tử thân công của Tôn Nhân phủ đã phải thay mặt vua cha xét án. Chỉ những việc khẩn cấp mới được dâng tới tay nhà vua, trong khi phương Bắc lại bão lũ, Trực Kỳ hạn hán nặng nề.

Uống hết lượt thuốc, nhà vua cho những người hầu lui xuống. Trương Đăng Quế tiến tới, lại thấy ngài ta nhấc lên một tập tâu khác.

“Ngài nên nghỉ ngơi để chóng khỏe. Những việc thường, bọn thần có thể lo được.” Ông ta lo lắng nói. Ngón tay nhà vua hơi nắm lấy tập tâu, nhưng rồi ngài ta bỏ nó xuống.

“Hôm nay ta đổ mồ hôi được rồi, cảm thấy khỏe lên nhiều. Cảm xoàng ấy mà, ta sẽ nhanh chóng khỏi thôi.” Dường thuốc đã hơi ngấm, nhà vua nhắm mắt đáp. Im lặng một thoáng, chợt ngài ta thì thầm. “Ta vừa mơ thấy hoàng khảo.”

Trong một thoáng, Trương Đăng Quế nghe giọng nhà vua dường run rẩy. Dường như, cả người ngài ta run rẩy.

Đã hai lần rồi, ngài ta nghĩ trong bóng nắng gay gắt chiếu qua mi mắt. Trong năm này, ngài ta đã hai lần ngã bệnh, và hai lần nhìn thấy quang cảnh ấy. Điện Cần Chính, Thái Hòa của năm tháng cũ, những gương mặt mờ mịt lại dường quen thuộc. Và bóng người ngồi trên ngai vàng.

Ngài ta đã không tiến đến. Vì vậy mà ngài ta tỉnh dậy. Vì vậy mà ngài ta vẫn còn ở nơi đây. Trong khi ngài ta đã cho xây dựng lăng mộ của mình. Trong khi ngài ta đang âm thầm chuẩn bị tất cả cho một vương triều tiếp nối.

Ngài ta vẫn ở đây, vì sợ hãi. Nỗi sợ ập đến, đủ sức đánh lui cả cơn bệnh. Căn bệnh bắt nguồn từ luồng ‘tà khí’ ngài ta cảm nhiễm ngày xa xưa, càng ngày càng thấm sâu vào cốt tủy, chỉ chực chờ cơ hội để hoành hành, ăn mòn toàn bộ sức chống đỡ. Nhưng ngài ta không muốn chết, vì sợ hãi bóng hình kia. Bóng hoàng bào trong chính điện vàng son, giữa lớp lớp áo gấm và giáo gươm. Tất cả cùng im lặng, chờ đợi ngài ta bước tới.

‘Hoàng Tư, hoàng Tư, chúa công cho gọi!’

‘Hoàng Tư, hoàng Tư, hoàng thượng cho gọi!’

Trong bóng tối nóng rực đau đớn, tiếng gọi chập chờn vang, vọng quanh ngài ta, âm âm không dứt. Ngài ta ngước nhìn bóng hoàng bào giữa lớp lớp giáo gươm, giữa vàng son rực rỡ, giữa nỗi kính sợ ngập tràn. Và rồi, từng tiếng hô sẽ vang lên, ầm ầm choáng váng. Và rồi, toàn bộ ánh mắt ấy sẽ nhìn về phía ngài ta, phủ phục dưới chân bóng hoàng bào.

Và rồi, ngài ta sẽ chờ đợi tiếng roi quất xuống.

Dưới bóng tối, ngài ta co người nức nở trong giấc mộng, gương mặt ướt đầm không rõ là mồ hôi hay nước mắt. Ngài ta cắn môi, nghiến chặt răng nuốt nghẹn từng tiếng kêu giữa đêm thâu.[3]

 

Chú thích:

[1] Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây, hoạ Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận kỳ 3 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Vua nhân bảo thị thần là Trương Đăng Quế và Phan Huy Thực rằng: “Việc nước Thanh khu xử với nước Hồng Mao, sao mà nhu nhơ không quyết đoán đến thế. Gần đây nghe nói nước Hồng Mao thân đến Yên Kinh, tới cửa khuyết bày tỏ khiếu khống việc Tổng đốc Lâm Tắc Từ quấy nhiễu riêng thuyền buôn nước họ, để đến gây việc. Vua Thanh tin lời nói, sai người đến Quảng Đông tra xét, đem Lâm Tắc Từ về Kinh trị tội. ý hẳn muốn cùng nước ấy làm kế giảng hoà chăng? Kể ra, việc Lâm Tắc Từ cấm thuốc phiện, không phải là không có mệnh lệnh của vua. Nay lại không chịu nhận trách nhiệm lại đem việc gây biến, đổ tội cho bầy tôi, là nghĩa lý gì? Xét ra, người Tây dương vốn tham lam không chán, năm trước cùng với nước Miến Điện đánh nhau, Miến Điện cầu hoà, thì tính phí tổn về đem quân đi, bắt phải bồi thường. Nay lại đem cái thuật ấy dời sang cho nước Thanh, nếu người Thanh chịu bồi thường, phải đến vài nghìn vạn lạng bạc thì nhục quốc thể biết chừng nào. Người Tây dương kia toàn dùng cái mưu trí về lối buôn bán, dẫu đến việc quân cũng thế, thật đáng cười”.

[3] Thực lục, tháng 11 năm 1840: Ngày hôm trước, vua ngự điện Văn Minh, khóc bảo với thị thần là Trương Đăng Quế rằng: “Ta trước nhân 2 lần bị cảm mạo, nằm chiêm bao thấy tiên đế ngự triều, lòng ta khôn xiết thương cảm, muốn rảo lên trước để chầu hầu, lại có ý sợ hãi không yên, không dám tiến lên. Từ đó chứng bệnh liền khỏi.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.