Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

122. Ngũ hồ tri ngã tâm đồng đạm
Trường An in "Minh nguyệt 3" January 7th, 2020
  1. Ngũ hồ tri ngã tâm đồng đạm, thiết địch vô thanh thuỷ tự lưu[1]
    (Bạn ngũ hồ hiểu ta tâm cùng nhạt, sáo sắt vô thanh nước tự trôi)

 

“Cái tình là cái chi chi?
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình.
Đa tình là dở, đã mắc vào đố gỡ cho ra,
Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy.”

Trong bóng tối, y nghe tiếng hát ề à như của một ông già vọng cùng tiếng người rì rầm, tiếng bước chân đi lại. Nhưng mi mắt y nặng trịch, cơ thể cứng đờ không thể nào cử động. Y chỉ nằm yên nghe tiếng hát khàn khàn tiến lại gần.

“Đã gọi người nằm thiên cổ dậy,
Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi.
Nực cười thay lúc phân kỳ,
Trông chẳng nói, biết bao nhiêu biệt lệ
Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ.
Càng tài tình càng ngốc, càng si.
Cái tình là cái chi chi?”[2]

“Ông Trứ,” Y nghe tiếng chào cùng thanh âm cửa mở, tựa có người đi vào phòng. Giọng nói nghe như của Lê Văn Đức cười. “Hôm nay ông lại bực tức chuyện gì thế?”

“Nào có.” Người vừa vào đáp lời, giờ thì y nghe ra giọng của Nguyễn Công Trứ.  “Chẳng là ta đi ngang qua khu bờ Tây, muốn bảo ai đời chuẩn bị lễ Đại khánh mà lại dốc sức xây toàn đền thờ. Nhưng rồi ta nhớ ra mười năm trước cũng y như thế, đành tức cảnh ngửa đầu hát mấy câu thôi.”

“Cũng không phải chỉ toàn xây đền đâu.” Lê Văn Đức nghe như thể không muốn nói về việc ấy, liền đổi giọng. “Tôi vừa đi xem đội thủy binh về, lại nghe ngài nói muốn mua thêm tàu hơi nước kiểu mới của Tây. Ngài bảo kỹ thuật của Tây dương tân tiến rất nhanh, kiểu tàu thay đổi liên tục, tàu ta vừa bắt chước tạo ra đã cũ rồi.”

“Ngài cho anh làm Hiệp lý Thủy sư Kinh kỳ, lại bảo học thuật thủy chiến của Tây dương thì hẳn có nhiều việc để làm rồi, chẳng bù cho ta chỉ đi làm lầu hoa với trông coi Đô sát viện như ông từ giữ đền.” Nguyễn Công Trứ cười, không có vẻ phật lòng. “Anh tuổi còn trẻ, gắng sức học hành rồi đem thuyền đuổi sạch bọn hải tặc đi. Ta nói gì thì cũng đã già, kiến thức thủy chiến không đủ, đến Chàng Sơn loay hoay mãi rồi bị gọi về phạt, ngồi nghĩ mãi không ra được kế gì để đánh nhau trên biển. Bây giờ nhìn mấy cái tàu phun ra toàn khói cũng không biết chúng chạy ra sao… À, ai đây thế?”

“Nghe nói là dân buôn nào đó từ Nam Kỳ đến, chẳng may ngất xỉu. Ngài muốn giữ lại hỏi chuyện ở Trấn Tây nên cho vào trại quân chăm sóc.” Dường Nguyễn Công Trứ đã chỉ vào y mà hỏi, Lê Văn Đức trả lời. Y lại nghe tiếng viên quan già hừ khẽ.

“Chẳng có chuyện gì mới mà hỏi đâu. Anh lên Bảo Lạc rồi thì Trấn Tây hẳn cũng thế đấy, lưu quan kiếm cớ dọa nạt bòn rút, lính thú ngang ngược, dân Kinh mới đến hầu hết cũng là đám bạt mạng du thử du thực nên đi áp bức ức hiếp dân Thổ. Ai còn lạ gì tính người tính đời, Trương Minh Giảng chăm chỉ làm gắt thì chúng may ra còn biết giữ phép, lén lút mà phạm pháp, bằng không thì ngang nhiên thành cả đám cướp ngày. Từ quan đến dân, mạnh kẻ nào kẻ ấy húp một miếng, bao che cho nhau kiếm lợi, hỏi đến thì nghe toàn quan lớn như thánh sống cả. Dân Thổ thì ngơ ngác ù lì, ngôn ngữ không thông, chỉ biết có mỗi thổ mục nói sao nghe vậy, oán cũng không dám tỏ.” Nguyễn Công Trứ tựa cười nhạt. Lê Văn Đức im lặng hồi lâu rồi thở dài.

“Kể cũng có nhiều việc không thể nhìn bề mặt mà nói được. Tôi quê ở Vĩnh Long, từ bé đã nhìn thấy người Kinh, người Thổ tranh chấp nhau. Cứ đến mùa gặt thì hàng làng dân Thổ kéo đến cướp ruộng người Kinh, gọi là ‘giặc mùa’. Tương tự như ác Man cứ đánh mãi xuống Quảng Ngãi giết người cướp của mà lính kéo đến thì chúng chạy vào rừng, ta có đốt nhà dọa thì cũng chẳng bớt. Khi chúng ta đánh Nông Văn Vân còn chẳng thấy chúng tấn công xuống bắt người Kinh về châu mục, thấy quan quân đến thì giết toàn bộ bất kể già trẻ đấy ư? Khi Hà Thúc Trương đi kinh lý Thái Nguyên, Tuyên Quang, tôi cũng đã tâu về lưu quan tạ sự hà hiếp dân Thổ, người có oán cũng không dám nói, nhưng hoàng thượng chẳng bảo gì. Nghĩ ra thì cũng chẳng làm sao được, thổ mục thì phản phúc khó lường, lưu quan thì nơi xa khó quản, dân thì chẳng biết gì, thấy lợi thì bao che cho nhau, bất mãn thì kéo nhau đi phá cướp. Đánh mãi rồi như ‘giặc mùa’ ở Nam Kỳ, cướp của nhau thành quen cứ như diễn kịch.

“Sau khi tôi về đây thì có lần hoàng thượng bảo, cái gì cũng phải thành lệ rồi mới nói đến việc khác được, dục tốc bất đạt. Cứ muốn nương nhờ vào các thổ mục, thổ hào để trị an nhưng chẳng thấy an đâu, ngược lại mấy trăm năm nay loạn lạc đều từ đâu mà ra? Tình hình biên giới ngày càng phức tạp, bên Tây thì Xiêm, Nam Chưởng quyến dụ, thổ mục phản phúc sớm đầu tối đánh khó lường, tuồn vũ khí từ Ai Lao vào trong nước để làm loạn. Mấy năm trước thổ mục ở Bắc Kỳ cũng chỉ vì tranh chấp quyền quản lĩnh mà chú cháu đánh nhau, chạy sang Thanh đem quân Quảng Tây vào định chiếm đất đai của ta, ông có biết chuyện ấy không? Chúng ta phải đưa lính lên ấy để đẩy quân Thanh về, gặp lam chướng chết gần hết cả đội quân. Sau có người muốn lập đồn canh gác biên giới mà lại phải thôi. Loạn Nông Văn Vân không xảy ra thì cũng phải lựa thế mà chuyển đổi người trông coi vùng biên, kiểm soát càng sát sao càng tốt. Còn đám lưu quan…” Lại ngừng một thoáng, Lê Văn Đức cười. “Quan từ dân mà ra, trong khi người người chỉ bảo nhau ‘một người làm quan cả họ được nhờ’ chứ ai dạy phải ráng sức học hành để làm ông quan đến chết mà túi không có nổi một đồng, chỉ có cái áo rét làm đồ liệm như Nguyễn Đăng Huân đâu[3]? Người như Nguyễn Đăng Huân thì hỏi khắp cả nước chỉ được một hai, cũng phải đến chết mới được khen thưởng chứ không ai dám đề cử khen cho kẻ sống[4]. Như ông nói, chỉ cần đến những nơi xa, khuất mắt trông coi thì chẳng ai còn biết sợ cái gì. Ngay ở dưới chân thiên tử mà trộm cắp như rươi, kho Tiên Thọ của Thái hậu cũng vừa phát hiện mất trộm đấy. Chém bao nhiêu kẻ, treo cả xương lên cổng kho mà cũng có biết sợ đâu? Kẻ nhỏ trộm cắp, phạm pháp chuyện nhỏ, kẻ lớn mưu toan trục lợi việc lớn, rồi kẻ nào cũng coi như mình vô can, chỉ oán trách đứa kia trộm cắp được nhiều hơn mình. Để sổng ra thì y như rằng thành hàng đoàn trộm cướp công khai cả. Không thể bứt lông hóa phép phân thân như Tôn Ngộ Không thì đành phải dùng đám người làm được việc mà quản chế lẫn nhau, trước để an định tình hình, sau là để dân Thổ quen tục Kinh, thế mới có thể sống chung lâu dài với nhau được. Quan trọng là quan tư mục phải biết kiểm soát chặt được chừng nào hay chừng ấy.”

“Kiểm soát chặt? Đến năm ngoái anh mới được gọi về Kinh, Nguyễn Công Hoán tới làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên còn bới ra được Bố chính Sơn Tây Lê Đức Tiệm tham tang ngay dưới mũi anh, do bọn lại thuộc, chủ thủ tố cáo cho Tổng đốc mới chứ anh nào có biết. Hồi ấy anh chỉ mới được chuyển sang Nam Định mấy tháng mà Sơn Tây đã hóa thành thế rồi nhỉ.” Nguyễn Công Trứ cười lớn. “Lê Đức Tiệm ấy cũng xuất thân Ngự sử đấy, góp sức ở Nam Kỳ rồi lập công lớn ở Bình Thuận, là quan văn mà xông pha đi trước trận được hoàng thượng nêu khen. Vậy mà chỉ mới có chút chức quyền, rảnh mắt ra đã thành như vậy. Nguyễn Công Hoán nọ ở Kinh cũng là Thượng thư Hình bộ đường đường, vậy mà vừa đến Sơn Tây đã bị Đức Tiệm hặc tâu chuyện khả ố với vợ lẽ Ngụy Khắc Tuần, vì hiềm khích riêng mà đi tố cáo nhau. Thế là chuyện ở Sơn Tây hóa thành trò cười cho trong triều ngoài quận cả.

“Tội Lê Đức Tiệm lẽ ra không đáng chết, nhưng vì thế mà chịu tội chết. Lại nghe nói Nguyễn Công Hoán khi mới đến nơi đã yết thị kêu gọi dân tố cáo tệ của quan lại, anh nghĩ ông ta muốn gì thế?” Giọng Nguyễn Công Trứ đột nhiên mang ẩn ý là lạ. Lê Văn Đức lại im lặng hồi lâu. Y nghe người lao xao bên ngoài yên ắng dần khi tiếng trống thu không vọng tới. Cơ thể vẫn tựa bị đá đè, y như một linh hồn trôi nổi trong bóng tối mà nghe hai viên quan bên ngoài trò chuyện. Tâm trí y lại thoáng nghĩ, năm ngoái hẳn là lúc xử vụ án nọ. Nguyễn Công Hoán là Thượng thư Hình bộ lập án chuyển cho Đô sát viện, nhưng trước kỳ thu thẩm ông ta đột ngột bị đổi đi đến Sơn Tây. Người ông ta nhắm đến hẳn chẳng phải chỉ là viên quan Lê Đức Tiệm nào đó.

“Lê Đức Tiệm bị tội chết, hoàng thượng vừa khỏi ốm đã cách chức Trần Hiển Doãn ngay lập tức, cả hai đều là người đi trận lập công cùng Dương Văn Phong năm nọ ở Bình Thuận.” Y vừa nghĩ đến đấy, giọng Lê Văn Đức chợt vọng đến, nghe tựa chừng thoáng mệt mỏi. “Dù rằng Trần Hiển Doãn là do Hoàng Quýnh tham hặc, chẳng phải có ý muốn chống đối, hoàng thượng cũng phải mắng hắn đừng cậy được yêu mà gây chuyện. Năm đó tình hình rối loạn căng thẳng, bọn họ xông pha trước trận bình định giặc nên công trạng, mới trở thành người được hoàng thượng quý trọng đến thế.”

“Cũng như ta với anh cả thôi. Chúng ta chẳng phải đang ngồi đây làm lầu hoa chuộc tội à?” Nguyễn Công Trứ lại cười. “Chúng ta ở nơi xa, bận biết bao nhiêu là việc, bỗng dưng thấy sao chổi rơi xuống đầu mà không hiểu tại sao, vì cái tiếng ‘được vua yêu’ mà chẳng có miếng nào. Năm xưa Lê Chất dùng Lê Duy Thanh ép hoàng thượng, gán cho ngài ấy tiếng thiên tư vì tình riêng, không ngờ có lúc hắn ta lại trở thành cái cớ y hệt thế.”

“Đâu phải đợi đến lúc này. Hơn mười năm trước, khi Phan Bá Vành đem bọn Hoàng Kỳ Bạch Xỉ về quấy phá Bắc Thành, chẳng phải đã có kẻ đổ cho ‘Lê Chất được vua yêu nên không ai dám nói’ rồi sao[5]?” Giọng Lê Văn Đức chợt trầm xuống, sắt lại lành lạnh. “Những năm ấy quả thật hoàng thượng tin cẩn Lê Chất, Lê Văn Duyệt vô cùng, dù bản thân không ưa thì cũng cho rằng hai người có tài năng, đủ phẩm chất giữ biên cương. Không ngờ một người chỉ có cái vỏ rỗng, đụng đến đâu vỡ bấy đến đấy, một người thì ngang nhiên phạm luật, việc nhỏ đến việc lớn đều coi vua không ra gì.”

“Năm ấy chỉ có anh đến Nghệ An trực tiếp giám sát Lê Chất mộ binh mới biết toàn là bọn tội phạm trong đấy cả. Nguyễn Đăng Giai lần mò đến Gia Định thì hoàng thượng mới rõ nơi ấy cũng là một cái ổ tội phạm không ra sao. Còn đám người gỗ trong triều ngoài quận này thì thượng đội hạ đạp, ngậm miệng im thin thít, hỏi việc gì cũng không biết, đến khi có chuyện thì đẩy cả cho ‘được vua yêu’.” Nguyễn Công Trứ cười ha hả. “Một đồn mười, mười đồn trăm, Lê Chất hẳn là vị quốc trượng được vua yêu thắm thiết, yêu đến muốn lóc xương róc thịt hắn. Có thế thì cả nước này mới phát điên vì những kẻ ‘được vua yêu’ đến thế.”

“Từ bấy đến nay chẳng phải đã thành lệ rồi ư?” Giọng Lê Văn Đức bàng bạc nửa cười nửa không. “Dù việc chẳng phải là thật, có lý do để người cho là thật. Em trai của Thái hậu, vài tên Thị vệ phạm lỗi, cho đến cả phủ thuộc của Kiến An công chẳng qua là vài thân thuộc chẳng có quyền lực nào để làm được cái gì, nhưng người cứ thế mà lấy làm cớ nói vua thiên tư vô lối. Lê Văn Duyệt, Lê Chất năm xưa do chính Thế Tổ trao cho quyền lực, có thể giết người mà chẳng cần bẩm báo trước, nhưng lại chẳng ai nói Thế Tổ thiên tư. Ngay cả xưa Bá Đa Lộc được trọng dụng trong triều, gây ra bao nhiêu là xung đột, cũng không ai bảo Thế Tổ vì tình riêng mà làm thế. Các bậc minh quân thánh chúa nào cũng có đôi chút yêu riêng, nhưng lại được tiếng tình sâu nghĩa nặng. Ai như hoàng thượng của chúng ta, trọng dụng có mấy kẻ làm được việc cũng suốt ngày phải thanh minh ‘nào phải ta yêu chúng’.”

“Như ta vậy thôi, thường ngày chơi bời không phép tắc, đến khi làm việc chẳng có ai thèm nghe. Thế mà lại được giao cho quản Đô sát viện! Hằng ngày ngồi như ông từ giữ đền, đám Ngự sử tếch đi mỗi đứa một phương coi ta như vô hình.” Nguyễn Công Trứ cười nhạt. “Nhưng hễ ta làm chuyện gì sai thì lại có kẻ bảo do ta là một tên quen thói rông rỡ chẳng coi pháp luật vào đâu cho mà xem.”

“Việc kẻ khác nói chỉ là chuyện nhỏ, chỉ sợ ai cũng tin là thế thật.” Lê Văn Đức vẫn trầm mặc nói khẽ. “Không chỉ người người bất mãn, mà cả kẻ tin rằng mình được yêu cũng càn rỡ không còn biết giới hạn là gì.”

Những lời ông ta nói sau đó, y không còn nghe rõ khi lại chìm vào bóng đêm. Bóng tối vẫn nặng ngàn cân, rì rầm tiếng người không rõ lời rõ nghĩa. Rồi tiếng nói lặng dần, chìm vào thanh âm như nước chảy mưa rơi. Giọng Lê Văn Đức lại vang lên, âm vọng kỳ lạ như đang ở trong căn phòng kín tường dày.

“Ta sắp phải đến Sa Tôn, Doãn Uẩn anh ở thành Trấn Tây lo toan mọi thứ, nhớ cẩn trọng mọi việc.” Lê Văn Đức ngừng một thoáng rồi thở dài. “Trương Phúc Cương mâu thuẫn với Lê Quang Huyên, Dương Văn Phong thì tính tình giảo hoạt khó lường, tin báo từ Hà Tiên, Quảng Biên lên phải cẩn thận mới được. Thêm các quan Ngự sử được phái từ Kinh tới dò xét, bọn họ chỉ cốt đào bới được càng nhiều việc ở nơi này càng hay, anh phải cẩn thận coi chừng rối loạn hết cả.”

“Nghe nói hàng vạn quân Xiêm, Lào đến bao vây Sa Tôn, Đoàn Văn Sách đã mất liên lạc, Vũ Viết Tuấn cũng tử trận ngay khi dẫn quân đến, ông phải cẩn thận.” Doãn Uẩn lo lắng nói, đổi lại là tiếng cười của Lê Văn Đức.

“Ta đi cùng Trấn Tây Tướng quân, làm sao mà gặp nguy hiểm được? Anh có thấy Tướng quân xuất trận cả mấy tháng nay không?” Lê Văn Đức lại ngừng lời, nhưng cuối cùng không nhịn được nữa mà hạ giọng. “Tướng quân năm xưa lấy ngàn quân chống vạn người, giờ có khi chẳng dám lại gần Sa Tôn đâu. Đám người ở dưới càng bàn ra, dẫn đi loanh quanh chờ vận may. Ta mới đến đây có vài tháng, còn chưa rõ thủy thổ thế nào, chỉ là một Tham tán thì nguy hiểm vào đâu được?”

Hai người bọn họ cùng im lặng trong bóng tối nặng nề. Hồi lâu sau, Doãn Uẩn khẽ khàng lên tiếng.

“Tại sao thái độ của Tướng quân lại kỳ lạ thế?” Giọng ông ta cũng bất chợt hạ xuống còn nhỏ hơn giọng Lê Văn Đức. “Nghe nói Lê Quang Huyên ở Hà Tiên đã bắt được mấy lá thư của người Man…”

“Anh nghĩ người Man bỗng dưng lại trở nên thờ tụng Xiêm đến mức nhất loạt đi theo thế à, từ Quảng Biên, Hải Tây đến tận Định Tường, Ba Thắc?” Lê Văn Đức bỗng nhiên mất đi sự hiền hòa nhẹ nhàng thường có, giọng nói như rít qua kẽ răng. “Đáng tiếc, ta và anh đến chậm một bước. Chúng ta vừa được lệnh cử tới kinh lý Trấn Tây, còn đang đi trên đường thì cái án của Ngọc Biện phát ra, toàn bộ bọn Trà Long trước bị giáng phạt, sau bị liên lụy. Lẽ nào có sự trùng hợp thời gian đến thế sao?

“Đến đây thì chúng ta thấy cái gì? Sông ngòi, cồn bãi toàn hạt được chia cho quận chúa, huyện quân đem đi bán cho người thầu thu thuế. Đậu khấu do thổ mục thu nhặt, quận chúa trả tiền mua. Bọn quận chúa bị dời về Gia Định đúng vào thời gian bán thầu, để lại công việc nham nhở, quan sai, biền binh nhảy vào chia chác như ong. Đúng lúc ấy thì thổ mục cũng bỏ đi làm phản. Bọn Ngọc Biện được như ngày hôm nay, đường đường làm quận chúa cả nước chứ không phải chỉ là con gái một ông vua yếu đuối hèn kém không biết sẽ bị gả bán vào tay ai, đều là ơn của triều đình cả. Lẽ nào họ lại muốn đi theo Xiêm lập Nặc Giun, Nặc Yêm rồi bị đá vào chùa tu, thậm chí sống được cũng khó sao?” Càng nói, giọng Lê Văn Đức càng lạnh lùng như ẩn giấu cơn giận cuồn cuộn. “Sau khi Nặc Yêm trốn về, người thành Trấn Tây liên tục báo bọn thổ mục muốn theo Nặc Yêm, kẻ thì định làm phản chiếm Chân Lạp, kẻ thì huyênh hoang ngang ngược, rồi đem chém tất. Đến việc Ngọc Biện cũng nối theo sau thế, ra vẻ như cả Trấn Tây xào xáo theo tên Nặc Yêm, nhưng chỉ toàn một lời Trương Minh Giảng, Dương Quan Thảo bẩm báo. Hoàng thượng bây giờ vẫn cho rằng đám thổ mục làm phản vì muốn theo Xiêm, chứ lẽ nào vô sự chẳng ai động tới mà chúng lại như thế?”

“Ông cho là có kẻ muốn hại Ngọc Biện?” Doãn Uẩn thở khẽ, dường như sợ hãi. Tiếng bước chân như Lê Văn Đức đi vòng quanh phòng, hồi lâu mới trả lời.

“Không phải chỉ Ngọc Biện, mà là tất cả. Các quan Ngự sử đã tố cáo được bao nhiêu tình tệ của lưu quan, An phủ nơi này rồi, nhưng bọn họ vẫn như trước chỉ nghe ngóng được trên bề mặt, thấy gì báo nấy thôi. Anh xem Dương Văn Phong ở Hà Tiên lánh chỗ hiểm yếu, chọn nơi dễ dàng, ba hoa báo công thắng chỗ này thành chỗ nọ, nhưng giặc chẳng bớt đi lấy một phân thì biết đấy. Hay thổ mục Chân Triết đi đánh trận nhờ quan tướng trông coi giúp gia quyến, họ lại bỏ mặc người chạy mất khi có loạn, để Chân Triết trở thành tên giặc cừ khôi nhất trong đám. Trương Minh Giảng trước giờ không rành cầm quân thổ mục, trận trước cũng chỉ toàn quân Kinh đi theo anh ta, mọi việc ở dưới đều là tai mắt của Dương Quan Thảo. Anh có nghe dân Man nổi loạn nói gì không, họ bảo triều đình muốn giết toàn bộ bọn họ, không làm phản không được.” Có âm thanh mỏng tựa tiếng cười nhạt. “Khi đến đây, nhìn thấy đám cồn bãi chưa bán xong, đậu khấu chưa thu nhặt, ruộng đất chưa chia kiểm, anh lại còn không rõ à? Đầu năm nay còn có tấu sớ tố cáo bọn thổ quan cướp đất của người Kinh, hoàng thượng mắng là bịa chuyện chứ dân Kinh lẽ nào chịu lép. Bọn Trà Long, Nhâm Vu chính là thuộc hạ của Ngọc Biện, Ngọc Vân, chủ nhân của tất cả nguồn lợi ấy đấy. Năm xưa Võ Du tố Nguyễn Văn Thoại lấy gỗ táu, đậu khấu mà không trả tiền, Nặc Chăn cũng có dám nhận đâu.”

“Ông bảo Trấn Tây Tướng quân…” Giọng Doãn Uẩn càng lúc càng kỳ lạ, dường còn thoáng kinh hãi.

“Ta không biết.” Lê Văn Đức thở ra. “Nhưng nghe nói cả các quan ở Kinh cũng đã xin hoàng thượng thả bọn Ngọc Vân, Trà Long về, hẳn họ đều cảm thấy việc này có khuất tất rồi. Nếu đám người ấy theo Xiêm, thả về chẳng bằng cho hổ thêm cánh sao? Bọn họ đều cảm thấy – không phải thế. Ngọc Biện được bao nhiêu ơn huệ, theo Xiêm để làm gì? Bọn Trà Long về Kinh dâng thọ, vốn cũng đâu có ý sợ hãi trốn tránh. Cả những thổ mục nổi loạn này chả lẽ lại yêu thương Xiêm đến thế? Chẳng lẽ tất cả nhất tề nổi loạn không chừa một người nào chỉ vì một tên Nặc Yêm, Nặc Giun, thậm chí vì riêng Ngọc Biện? Tất cả, đều không đúng.”

“Hoàng thượng chẳng lẽ không nghĩ ra sao?” Giọng Doãn Uẩn càng e sợ hơn. Trong khi giọng Lê Văn Đức âm u dày đặc như bóng tối.

“Ngài ấy bệnh suốt hai năm nay rồi, chỉ cần nghĩ nhiều là đổ bệnh, bây giờ lại tiếp tục phải đọc tấu sớ chiến trường trên giường bệnh đấy. Nghĩ? Nghĩ rằng tất cả là trò lừa đảo của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong ngay từ ngày đầu tiên à? Anh biết tại sao chúng ta được phái đi kinh lý Trấn Tây không? Ngay sau khi chúng ta được lệnh phái đi thì bọn Trương Minh Giảng dâng sớ tự nhận tội lấy tiền của dân buôn An Giang năm, sáu năm trước, bọn họ bỗng dưng biết lỗi đấy à? Nhưng mấy trò tiền bạc khuất tất ấy còn có thể cho qua, ai có thể nghĩ được là bọn họ cái gì cũng dám làm? Đang lúc Phi Nhã Chất Tri đem quân đến ngoài biên mà gán tội cho thổ mục theo Xiêm, đòi giết toàn bộ những người đã trung thành theo chúng ta từ ngày đầu tiên? Đó không những có phải là việc làm của một Tướng quân, mà thậm chí phải việc một con người có thể làm không?” Tiếng cười khô khốc của Lê Văn Đức lạnh ngắt. “Ngài ấy đang nghĩ gì à? Ta còn đang nghĩ tại sao ngài ấy cho chúng ta đến đây đấy. Có phải vì chúng ta đến đây nên tất cả những chuyện này mới xảy ra không?

“Để giấu mấy miếng gỗ táu, vài cân đậu khấu với thuế của vài sách Quang Hóa, bọn người kia có thể chiếm cả thành trì, làm loạn cả đất nước, thì đám người khác cũng thế thôi. Thậm chí, càng lúc càng tồi tệ hơn. Lê Văn Duyệt kia cũng cả đời tự cho là mình khôn ngoan đấy.” Giọng nói hun hút rơi vào bóng tối, thăm thẳm như hố đen không đáy. “Trễ rồi, mọi việc đã trễ rồi, từ cái lúc mà Trương Minh Giảng nhận lấy tiền buôn lậu ở An Giang, từ lúc Dương Văn Phong cho người nhà nhận hối lộ ở Bình Thuận. Chẳng cần biết hai người ấy có tội hay không, tội lỗi núp bóng sau lưng họ cũng chất chồng lần lần, rồi đến lúc không thể quay lại nữa. Nếu không phải Ngọc Biện bị giết để bọn thổ mục nổi loạn, thì có khi thành Trấn Tây cũng bị chiếm đem cho Xiêm mất đấy. Tất cả đã quá trễ rồi, để tạo thành cái kết quả này.

“Bây giờ cho bọn Trà Long, Ngọc Vân trở lại, dân Man sẽ càng đổ xô đi tìm giết Trương Minh Giảng, Dương Quan Thảo, Dương Văn Phong. Thậm chí họ sẽ đồng loạt đem nhau đi sang Xiêm. Trương Minh Giảng thật sự muốn giết tất cả, tất cả bọn họ đấy! Tất cả đã trễ rồi. Lúc biến loạn khởi phát, cũng đã quá trễ rồi.”

 

Chú thích:

[1] Đăng Nhạc Dương lâu vọng Động Đình hồ của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Bài thơ Vịnh chữ tình của Nguyễn Công Trứ.

[3] Thực lục: Thự Lang trung bộ Lễ là Nguyễn Đăng Huân, trước Tri phủ Điện Bàn, tại chức 4 năm, tự giữ thanh liêm kiệm ước và bình tĩnh giản dị thân với dân, nha lại và dân yêu như cha mẹ, gặp khi có tang cha, đưa biếu đều không nhận. Đến khi bổ làm chức ở Kinh, hộ giá đi tuần phía nam, dân nghe tin đến, đón đường thăm hỏi, nhiều người biếu vàng và tiền cũng không nhận, đến nay chết ở nơi làm quan, trong túi không có gì cả, chỉ có một cái áo rét được thưởng để làm đồ liệm mà thôi.

[4] Quế thưa rằng: Tiết tháo thanh liêm của 2 người ấy, thần cũng có nghe biết, nhưng người ta giữ được tiết tháo, có khi lúc đầu hơi biết cố gắng, mà về sau không trọn vẹn, cầu được người có trước có sau ít lắm, cho nên tuy hoặc có nghe biết, cũng ít khi dám khinh thường tâu lên.

[5] Thực lục, năm 1826: Vua bảo Thống chế Nguyễn Văn Trí rằng: “Lê Chất là công thần của nhà nước, trẫm giao cho giữ bờ cõi quan trọng mà binh thế không mạnh, không ai cho trẫm rõ, mãi đến lúc Chất chết rồi trẫm mới biết, là tại cớ gì?”. Trí đáp rằng: “Người bề tôi đã được vua yêu dùng ai còn dám nói? Ngu muội như tôi, nay được vua để ý, dẫu có trăm cái xấu chắc cũng không ai dám bới ra, có phải một mình Lê Chất thôi đâu”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.