- Hồng vũ lệ uông xuân giản trướng, lục vân hoàn loan dã bồng phiêu[1]
(Lệ đọng như mưa đỏ xuân dâng, tóc cuốn tựa mây xanh bay theo cỏ bồng)
Nguyệt xuất hạo hề,
Giảo nhân lão hề,
Thư ẩu thão hề,
Lao tâm thảo hề.
“Hoàng thượng, xin ngài cân nhắc.”
Trong vườn Thiệu Phương đóng kín cửa, viên quan Trương Đăng Quế đắn đo nói. Nhà vua nửa nằm nửa ngồi trên sập chỉ cau mày rít điếu thuốc bằng thủy tinh dát vàng. Khói bay mù mịt căn điện nhỏ, như mờ cả nắng hạ bên ngoài chiếu vào.
“Dù Vương Hữu Quang lần này quả thật là tự ngu ngốc gây chuyện, không biết nặng nhẹ, không thể tránh bị trừng phạt, nhưng trong triều nào cũng vốn có hai tiếng nói. Ngài hẳn cũng chẳng muốn tận pháp trừng trị Vương Hữu Quang mà chỉ giơ cao đánh khẽ, coi như bọn Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn cho ngài một cái cớ không mất thể diện đến ai…” Trương Đăng Quế vẫn đang nói, nhà vua đã hầm hầm ngắt lời ông ta.
“Bọn Nguyễn Công Trứ cho ta một cái cớ hay cho Vương Hữu Quang cái cớ? Để hắn biết rằng vẫn có kẻ ủng hộ hắn đấy nhé, những kẻ ấy hay sao lại là thân tín của ta, nổi danh chính trực liêm khiết tài năng, để rồi ta trừng phạt hắn chỉ là đang tìm cớ bức hiếp bóp miệng người! Nếu là bọn khoa đạo bình thường nói thì ta cũng coi như một tiếng góp lời dư luận mà bỏ qua, còn đây là Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Phan Thanh Giản, Bùi Quỹ! Bỏ qua cho chúng là ta sợ chúng à?” Ngón tay nhà vua nắm ống điếu đến nổi gân xanh. “Vương Hữu Quang là đại thần trấn nhậm địa phương được đặc cách gọi về cung dự Khánh tiết, ta còn ân sủng hắn trước làm Phủ doãn Thừa Thiên nên cho đến miếu thần cầu tạnh. Ai ngờ hắn cầu tạnh mưa không được, lại đi dỏng tai nghe ngóng mấy câu đùa ta nói trong điện Văn Minh, bảo ta khinh nhờn thần linh. Đúng lúc ta đang se mình không khỏe, dịch bệnh lại manh nha phát ở Bắc Kỳ, lan xuống Quảng Trị, cuối xuân đầu hạ mà mưa dầm mãi không dứt, hắn bảo ta gây tội với trời, phải đốt sách đi mà tạ tội.
“Lại còn cái giọng ‘Hoàng thượng ta lên ngôi đã vài mươi năm nay, về việc kính trời, thương người làm ruộng, yêu dân, tế thần, chưa từng chút nào quên lãng. Cho nên liền năm mưa gió thuận thời, lúa thóc được mùa, tiểu dân không bị khổ vì khó kiếm ăn, trong nước có cảnh tượng thái bình, thiên hạ đều thấm ơn, cố nhiên không ai nói vào đâu được’, hắn coi ta mù điếc hay ta điên? Hay lại như Phan Thanh Giản chỉ hươu nói vượn móc mỉa ta là đồ bị trời phạt đấy!” Nhà vua có vẻ càng nói càng giận, to tiếng giữa khu vườn vắng lặng. “Hay sao Vương Hữu Quang cùng xuất thân Nam Kỳ, cùng đậu một kỳ với Phan Thanh Giản! Một kẻ thì làm gì cũng không xong, trả mười quan tiền cho dân đi khai mỏ rồi về báo không có kết quả[2]. Một kẻ thì gây sự với ta suốt từ đầu năm đến giờ, trong khi bản thân hắn vừa mê tín vừa tùy tiện không ra sao. Ngay cả Nguyễn Công Trứ về Kinh lãnh Tả phó Đô ngự sử Đô sát viện cũng như người gỗ chẳng biết gì[3]! Sao những kẻ ấy tụ họp với nhau nói những chuyện vô dụng xằng bậy thì lại nhanh thế?”
“Vương Hữu Quang tính tình cứng rắn gàn dở, ngài đâu phải không rõ. Ông ta lụy thần phật, tốn kém bao nhiêu tiền của xây chùa dựng đền, một lòng kính sợ thần minh, ai ai cũng biết. Vương Hữu Quang dâng sớ can ngăn ngài, dù sao cũng là lòng thành thực cả. Ông ta biết dâng tờ mật tâu chứ không làm to chuyện, sau lại nhận là nghe lầm, thật không hề muốn gây hại cho ngài.” Trương Đăng Quế vẫn ôn tồn nói khi nhà vua lại vừa toan mắng. “Dù rằng việc phải ngăn khi vừa chớm khởi đầu, không để một kẻ nói được thì muôn kẻ nói theo, những lời như ‘nhà vua bất kính với thần gây nên thiên họa’ quả là đại nghịch bất đạo không thể để lan truyền ra ngoài, Vương Hữu Quang bị trừng trị là đáng tội. Nhưng chỉ còn vài ngày nữa đến tiết Đại khánh, cả nước vui mừng, quan lại, thổ mục lẫn lân bang cả bốn phương đều tề tựu đến Kinh, ngài tự làm to chuyện này ra, trừng phạt cả loạt người e rằng không hay lắm.”
“Ta chính là muốn làm to thế đấy, để cho mọi kẻ đều phải thấy. Bất kính với thần, chẳng phải năm trước Tôn Thất Bật vừa thấy dịch lệ đã nhanh nhảu đổ cho ta tước bỏ thần từ ở Bắc Kỳ, trừng trị bọn phản tặc Ninh Bình, Tuyên Quang tạo thành ma quỷ quấy phá? Rồi trước đó là gì? Sau đó là gì? Ta vừa lên ngôi thì dịch bệnh chết hơn hai mươi vạn, mỗi năm chết thêm cả vạn, hết lụt rồi đến hạn hán, hết bão gió rồi vỡ đê, trên cái mảnh đất này mấy ngàn năm nay từng có thời nào thiên tai nhân họa to hơn à? Thay vì cãi nhau với trời, chém đầu những kẻ nói bậy loan tin vẫn nhanh hơn đấy!” Nhà vua cười gằn, nhịp điếu thuốc trên mấy ngón tay. “Tất cả tập trung về đây thì ta phải cho toàn bộ thấy, nơi này không phải chốn để đùa! Treo tên đầu bếp phủ Thường Tín công ăn chặn mua rẻ ở chợ lên đầu chợ hai ngày, phát dụ cho tất cả quan viên trong nước tự nhận lỗi, trích lỗi nhau đi! Dò xét cả những kẻ đến Kinh tặng lễ xem tiền bạc chúng quyên nộp lấy từ đâu ra. Xem lầu hoa của tỉnh thành nào xa hoa phung phí thì ghi lại mà điều tra. Ta vừa đi xem thì quả nhiên các tỉnh Bắc Kỳ lầu rạp nào cũng tốn kém cả trăm ngàn, trong khi hạt ấy vừa có thiên tai vừa có dịch lệ, bọn quan lại gom tiền lấy của làm lầu hoa là muốn chúc mừng ta hay lại muốn khiến ta tức chết? Ma quỷ, chúng mà biết sợ ma quỷ oán khí của bọn phản tặc thì đã tự bị hồn ma dân đen bóp cổ chết lâu rồi! Thần linh nào mà lại gây ra những việc ấy? Hễ thấy có chuyện thì từ ma đến thần chúng đều lạy cả, rốt cuộc là chúng thờ ma hay thờ thần thế?
“Ta nghe nói ở Gia Định đã có chuyện kể người thấy tiếng ma quỷ kêu khóc mỗi đêm trên mộ Lê Văn Duyệt rồi đấy. Để ta xem dịch bệnh này có lan xuống phía Nam không, rồi có kẻ đòi thờ tế lạy lục cả yêu ma quỷ quái luôn thể.” Tiếng cười khàn khàn của nhà vua phát ra trong cổ khi một thái độ kỳ lạ thoáng qua mặt Trương Đăng Quế. Ngài ta đúng lúc quay lại, nheo mắt nhìn viên quan thân tín. “Ở điện Văn Minh thì ta chỉ dám cười thần bếp trong vở tuồng Quần tiên hiến thọ mà Vương Hữu Quang đã thon thót giật mình. Ở Bắc Kỳ ta bắt bỏ những nơi thờ thần nhảm, thế là Tôn Thất Bật lấy cớ đổ thừa. Rốt cuộc các người sợ ta gây chuyện với thần hay với ma quỷ?”
“Hoàng thượng mấy năm nay sức khỏe không tốt, khiến trong ngoài đều lo lắng. Ngay cả trong cung thì hoàng tử, hoàng nữ, phi tần cũng qua đời nhiều hơn hẳn trước đây. Bắc Kỳ sau biến loạn liền năm bão gió, bệnh dịch chưa có ngày nào an ổn, lại đang lan xuống Trực Kỳ. Vương Hữu Quang tuy nóng nảy ngu muội nhưng là lời nói thật lòng, bọn Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn tuy không biết nặng nhẹ nhưng lòng trung với vua với nước ngài biết rõ.” Trương Đăng Quế nói, rồi lại bị ngắt lời.
“Ta hỏi lại, các ngươi sợ cái gì? Sợ ma hay sợ thần? Chỉ vì chút ít tai họa mà cái gì các ngươi cũng sẵn sàng sụp lạy tôn thờ, trắng đen đúng sai lẫn lộn. Thần các người thờ hóa ra toàn là ma quỷ cả!” Nhà vua buông ống điếu, nghiêng người về phía Trương Đăng Quế, trầm giọng. “Ngay khi vừa lên ngôi, khi dịch họa vừa dứt, ta bắt cả nước bỏ thần nhảm, tra xét lại toàn bộ thần kỳ. Ta trước nay đều kính trời chăm lễ, lập đền dựng miếu, tế lễ cho cả mồ hoang hồn lạnh chưa từng bê trễ cái gì, nhưng ta chỉ kính thứ đáng để kính, thờ thứ đáng để thờ, sợ thứ đáng để sợ.”
“Ngài có sợ thứ gì sao, bệ hạ? Khi mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngài bảo rằng mình đã sửa chính đức được lòng trời, nhưng khi thiên họa xảy ra, ngài vẫn chẳng thấy mình làm gì sai cả. Thần minh trong ý nghĩ của ngài hẳn phải suy nghĩ giống ngài, còn lại thì chẳng phải là thần của ngài. Nhưng bệ hạ, ngài có muốn đánh cuộc với thần linh không? Nếu ngài thua, đời đời kiếp kiếp ngài sẽ là kẻ bị trời phạt!” Trương Đăng Quế dường cũng đã hết kiên nhẫn, ngẩng đầu đổi giọng nói. “Thần đại nghịch nói một câu, nếu sức khỏe ngài không tốt lên, nếu ngài cứ như thế này, đời đời kiếp kiếp ngài sẽ được ghi nhớ là kẻ bị trời phạt. Toàn bộ hành động của ngài, tất cả những gì ngài yêu quý, sẽ trở thành thứ để người trời cùng phỉ nhổ! Ngài không sợ trời, nhưng ngài có sợ điều đó không, bệ hạ?
“Vương Hữu Quang là kẻ gàn dở, lời ngài nói đùa trên điện Văn Minh chỉ là về ông Táo[4], nhưng cả những viên quan thân tín cũng đứng về phía Vương Hữu Quang ngay trong Khánh tiết của ngài. Những kẻ gàn dở ấy cũng là nói những gì người khác không dám nói. Những năm này ngài đã làm gì đến mức như thế, bệ hạ?” Trương Đăng Quế nhìn thẳng nhà vua, giọng lại thoáng trầm xuống. “Năm xưa dịch lệ chết hơn hai mươi vạn, thiên tai nơi nơi, hai quyền thần áp chế, nhưng ngài vẫn lấy được lòng tin của mọi người, các viên quan từ lười nhác bỏ bê khiến ngài phải đánh mắng cũng trở nên chăm chỉ lo toan, trở thành đại thần muôn người kính trọng như Nguyễn Khoa Minh. Các quan tướng nhờ ơn tri ngộ của ngài mà lên rừng xuống bể, liều chết không từ, thậm chí ngài có quyết định sai mà bỏ rơi họ thì họ cũng chỉ lấy cái chết tạ tội, không hối không oán. Vậy mà bây giờ dù có thiên tai thì vẫn coi là lúc thái bình, ngài lại trừng trị hết người này đến người nọ, không phải đại quan thì là khoa đạo, gây nên bao nhiêu là điều tiếng, đến những kẻ thân tín nhất cũng không vừa mắt nổi. Đáng sao, bệ hạ?
“Ngài xem, đến sức khỏe ngài hóa thành như thế này, cả những quan khoa đạo cũng phải theo nhắc nhở ngài từng bước. Tại sao mùa xuân năm nay ngài đổ bệnh, chẳng phải vì ngài lại ra cung Tĩnh Tâm ở ư? Ngài đừng bảo là không phải, mấy ngày trước đó ngài còn có thể đến đài Trấn Hải, tổ chức hội đèn, chỉ vừa đến cái cung ấy thì ngài se mình. Bất chấp mọi lời can ngăn, bất chấp đầu năm ngài đã mệt suýt không làm lễ tế Cao Hoàng hậu được, bất chấp ngay cả việc bệnh dịch đã lan đến Quảng Trị chết hai trăm người? Để rồi ngài không thể đi làm lễ tế Thanh minh cho Thế Tổ cùng các chúa ngay trong năm Đại khánh. Vương Hữu Quang cũng là không thể đứng nhìn nổi đó thôi.” Trương Đăng Quế mím môi, giọng càng hạ thấp. “Hoàng thượng, thần biết bao nhiêu năm ngài không đành lòng, nhưng chẳng phải những gì ngài muốn đã gần như hoàn thành rồi ư? Chẳng phải chúng thần đã chấp nhận, trung thành với hoàng Cả như với ngài, không ai lên tiếng nữa? Chúng thần chỉ muốn ngài giữ gìn sức khỏe, giữ gìn bản thân, chúng ta còn biết bao nhiêu việc cần phải làm.”
Không còn ai lên tiếng trong ngôi điện. Nhà vua im lặng. Tiếng trống điểm giờ vang từ Ngọ Môn lại, Trương Đăng Quế liền cúi mình cáo từ ngài ta. Nhà vua ngẩng đầu nhìn qua khung cửa đến cành hoa nở rực rỡ bên ngoài. Mùa hạ, muôn hoa khoe sắc trong vườn ngự uyển, hương ngát nồng trong nắng. Hồi lâu, ngài ta đứng lên đi khỏi vườn Thiệu Phương, vòng ra hồ nhỏ trong vườn Đông. Bên hồ có một bóng người đang cho cá ăn, nghe tiếng bước chân liền quay đầu lại.
“Hoàng huynh.” Công chúa Ngọc Xuyến cúi người chào nhà vua, rồi lại cười. “Nội vụ phủ lẫn sở Lý thiện đều bị dời đi cả, nơi này thật yên ắng, chẳng bù bên ngoài nơi nơi đều ồn từ sáng đến đêm.
“Em cùng các chị vào cung nghe chuẩn bị lễ phong công chúa. Các chị bây giờ chân đau người mỏi, đi lại không tốt, nên được người đỡ về sớm cả rồi. Em về nhà không biết đi đâu nên đến đây tìm người chơi cùng, nhưng bọn trẻ đều đang học.” Ngọc Xuyến vừa nói vừa đứng thẳng người lên, mỉm cười trước ánh mắt của nhà vua. “Nghe nói việc phong tước cho công chúa khi còn sống là chưa từng có tiền lệ, em lại là người ít tuổi nhất, bao năm vẫn được hoàng huynh ưu ái nhớ tới.”
“Bao năm, bao năm rồi?” Ánh mắt nhà vua trượt qua khuôn mặt Ngọc Xuyến đến hoa nở trên hồ, hoa bao quanh khu vườn, điện đài, lầu các. Nghe tiếng Ngọc Xuyến cười khẽ kế bên.
“Chẳng phải khi phong tước, hoàng huynh nói em cũng sắp năm mươi tuổi, là một bà già vừa cô độc vừa buồn đó sao?” Giọng nói cạnh ngài ta chợt khô mỏng như nắng. “Chúng ta đã trở thành các ông già, bà già cả rồi. Vừa cô độc vừa buồn.”
Nhà vua cúi đầu, nhìn bóng soi trên mặt nước. Cá đớp động chân bèo, rung động bóng hình ngài ta và người em gái. Như thể muốn nhìn rõ hơn, nhà vua chầm chậm ngồi xổm xuống, chầm chậm nhắm mắt, gục đầu.
“Hoàng huynh…” Ngài ta nghe Ngọc Xuyến lo lắng gọi. Ngài ta nghe thanh âm gần gần xa xa từ bốn phía vọng về. Ngày lễ Đại khánh, toàn kinh thành ồn ĩ gần trăm đoàn lễ nhạc từ khắp nơi gửi tới. Lính từ mọi địa phương về dựng lầu hoa khoe vẻ tranh đua. Những lầu rạp, sân khấu được dựng từ tháng giêng, rền tiếng nhạc đêm ngày. Lễ vật từ khắp nơi nườm nượp dâng tiến, rực rỡ trong nắng. Hàng trăm chiếc đèn trời thả sáng rực lầu cao. Những khu nhà mới xây sáng màu lưu ly bên dòng nước. Ngàn vạn thanh âm cùng cất lên, ầm vang, rộn rã, quay cuồng. Ngày ngày đêm đêm, năm năm tháng tháng.
Ngài còn muốn điều gì, ngài ta dường có thể nghe Trương Đăng Quế hỏi. Tất cả đã phải nhượng bộ chấp nhận, tất cả đã được hoạch định, đi vào hệ thống sau những cuộc chiến đẫm máu. Bây giờ dù có cơn dịch khủng khiếp càn quét khắp đất nước, dù trận chiến giữa Thanh và Tây dương đang xảy ra ngoài khơi, họ vẫn đang kiểm soát được tất cả, và dồn sức tạo ra của cải, xây dựng sức mạnh, tìm kiếm tương lai mà mình muốn. Chỉ có ngài vẫn vật vã trong căn bệnh tự mình gây cho mình, chỉ có ngài vẫn tiếp tục tạo ra bất mãn và điều tiếng vì việc không đâu. Chỉ có ngài vẫn đau đớn trong một thứ bệnh không ai hiểu nổi.
Ngài già rồi, người kia nói, đã hơn chục năm trước, khi những sợi tóc đầu tiên của ngài ta đã bạc, khi chiếc răng đầu tiên đã rụng. Khi cơ thể suy kiệt đã không còn chống đỡ được những cơn đau từ trong tâm khảm. Khi ngài ta quyết định ném bỏ những ương ngạnh gàn dở cuối cùng còn sót lại, nhắm mắt đi vào con đường của quyền lực đẫm máu bẩn thỉu này. Khi ngài ta xây nên cung Khánh Ninh định sẵn để chôn cất linh hồn của chính mình. Ngài già rồi, trong cuộc đời chỉ còn những chiếc bóng trên tường.
Những chiếc bóng cũng tan vào hư không giữa bầu trời và mặt đất. Núi Thúy Hoa soi xuống biển xanh ngời trong bóng nắng. Tiếng đoàn người dưới chân núi rì rầm cười đùa. Những cánh chim bay giữa tầng không bao la vô tận, trên những con thuyền giương buồm biến mất vào khơi xa. Đình Tiến Sảng nằm sau tháp Điều Ngự nhìn ra mây trắng. Mặt trời đang xuống lưng chừng, nắng vẫn còn rỡ ràng theo chiều gió nổi.
“Phụ hoàng, sắp tối rồi, chúng ta nên chuẩn bị về thôi.” Ngài ta nghe tiếng Miên Tông gọi phía sau. Anh ta lại gần cha nhưng không tiến sát, chỉ cúi đầu đứng cách mấy bước chân, chờ đợi ngài ta lên tiếng.
“Phải rồi, nên về thôi.” Ngài ta toan nói đêm nay hãy nghỉ tại hành cung, nhưng lại thôi. Hành cung này đã mấy năm không có người ở, dù được xây bằng tường gạch chắc chắn thì cũng hoang hóa nhiều. Hơn nữa đoàn người của vua đi đến đâu, dân chúng hai bên bờ sông bị bắt ra quỳ đón, ở lại chờ đưa. Một ý thích nhất thời lại làm phiền đến bao người.
“Phụ hoàng khỏe rồi thì sẽ còn nhiều dịp đến đây chơi.” Như thể đoán được ý ngài ta, Miên Tông cười nói, ra vẻ phấn chấn. Ngài ta bật cười.
“Ta có muốn bệnh cũng không yên để bệnh.” Ngài ta nói, dường cảm thấy thái độ của Miên Tông liền thêm vào. “Ta cảm thấy tốt hơn nhiều, từ nay hẳn sẽ khỏe thôi.”
Mảnh đất Vạn niên cát địa tại Hiếu Sơn đã được chọn, cho khởi công xây dựng. Hầu như tất cả đã được sắp xếp xong trong kỳ Đại khánh vừa rồi. Các hoàng tử đã được phong tước theo thứ bậc, ân điển đặc biệt cho Miên Tông đã được ban. Từ nay, mọi thứ sẽ nằm trong đúng hệ thống của nó – cũng như đất nước này đã được sắp xếp vào một hệ thống vững mạnh. Chỉ cần ngài ta có thể đứng vững, mọi thứ sẽ ngày càng tốt.
Chỉ cần có một nơi để chôn cất mình, ngài ta sẽ yên lòng để tiếp tục sống. Như hơn mười năm trước, như khi ngài ta lần lượt xây nên Khánh Ninh cung, Nhị tần từ, rồi lần lượt quên lãng. Quên đi, chính bản thân, để nhảy múa trên sân khấu của điện Thái Hòa, Cần Chính, Dưỡng Tâm. Sống một cuộc đời như đức hoàng đế phải sống. Chỉ cần tiếp tục có một cuộc chiến để tranh giành, chỉ cần có những mục tiêu để tiến tới, lại có thể khỏe mạnh kiên cường – như trước, như trước.
Điều này hẳn không khó. Tây dương đã đánh Quảng Đông, cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm trời. Phi Nhã Chất Tri lại đem quân đến chực chờ ở Hải Đông, tin báo từ Trấn Tây liên tục chuyển về tuy chưa rõ mục đích của chúng. Những cuộc chiến mới lại tiếp tục, chờ ngài ta gánh vác. Máu tươi và cái chết, bao nhiêu năm, ngài ta đã quen với chúng. Ngài ta cũng đã nhắc đến đào sông Thiên Đức, Nguyệt Đức với các quan từ Bắc Kỳ, hẳn sẽ khởi công sớm, sớm thôi.
Ngài ta đi dạo quanh chùa khi người bận rộn sắp xếp thuyền trở về. Ngang qua bức tường trống, thấy bút mực để bên, ngài ta liền tiến tới, viết mấy câu thơ lên đó.
“Ký hữu hành cung phạm vũ,
Khởi vô lục liễu đào hồng.
Cảnh như thị, nhân như thị.
Không thị sắc, sắc thị không.”[5]
“Gọi Trương Đăng Quế đến đây.” Ngài ta quay nói với người hầu. Bài thơ trên bức tường này rồi sẽ phai, sẽ vỡ. Hãy để Trương Đăng Quế ghi lại. Trong tất cả thơ ca ngài ta từng làm, hãy ghi nó lại.
Thái giám nghe lệnh chạy đi. Ngài ta đứng trên đỉnh núi, dưới chân chùa Thánh Duyên, lắng nghe tiếng gió, tiếng biển, tiếng người. Thế gian này vẫn đang sống. Bao nhiêu năm, ngài ta đã quen với cái chết. Đến mức mà thế gian này chẳng còn một phần nào của những năm tháng ấy. Nó vẫn cứ biến động, lưu chuyển trong thứ ảo ảnh mà chính nó tạo thành, trong thứ phi lý đã thành hệ thống, luân lý, thậm chí chính cả sự tồn tại của nó. Nó vẫn cứ phi lý, hoang đường đến cực cùng, như là sự thật.
Hãy ghi nó lại, trên chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Hoa, trước cửa biển vào Phú Xuân. Cửa biển dẫn mở vào sân khấu vĩ đại của cuộc đời.
Chú thích:
[1] Linh Dương giáp vọng phu thạch của Trịnh Hoài Đức
[2] Thực lục, tháng 3 năm 1839: Sai Biện lý Hộ bộ Phan Thanh Giản đi đến phận núi nguồn Chiên Đàn tỉnh Quảng Nam thuê 1.000 người hộ làm vàng để khai lấy vàng cát. Vua bảo thị thần rằng: “Phan Thanh Giản trước ở Quảng Nam làm việc phần nhiều không được việc; đã bị giáng truất, sau lại khởi dụng đến Tam phẩm đường quan ở Kinh, thế mà từ trước đến nay làm việc chỉ là tầm thường, thậm chí đóng ấn vào bản châu phê cũng lại bỏ quên, thế có hẳn là triều đình đối đãi bạc chăng? Hay là cam chịu hèn nhát chăng? Nay phái đi lấy vàng, thử xem viên ấy cố gắng thế nào mà thôi. Vàng cát chẳng phải có thiếu, không thế phải thuê dân phu mỗi người một tháng trả 10 quan tiền, có khác gì đem tiền mua vàng không?” Sau lấy không được bao nhiêu, Thanh Giản đem việc lấy khó khăn tâu lên, chuẩn cho phải đi bộ về Kinh, mà bãi bỏ việc ấy.
[3] Thực lục, tháng 12 năm 1839: Vua hỏi Nguyễn Công Trứ: “Ngươi là Viện trưởng, việc Mẫn Đạt nói có trình cho ngươi biết không?” Trứ thưa: “Không, từ khi thần lĩnh chức viện ấy đến nay, các khoa đạo tâu nói việc gì đều dùng ấn riêng, cho chí đi việc công, khi trở về cũng đều không trình báo gì Viện trưởng, không phải một mình Mẫn Đạt như thế mà thôi”. Vua nói: “Như thế thì chức Viện trưởng đặt ra chỉ là hư vị, kể ra, triều đình đặt quan, các bộ, viện, tự, sảnh, đều có đầu mối, nay trong chốn phong hoá pháp độ còn như thế, lấy gì làm phép tắc cho mọi người trông vào ư”. Trứ dâng sớ xin lỗi. Vua tha lỗi cho.
[4] Thực lục, tháng 4 năm 1840: Tuần phủ Nam Ngãi Vương Hữu Quang làm tờ mật tâu rằng: “… Thần ngày gần đây đến hầu nghe thấy nhà vua nói đùa ở điện Văn Minh và diễn kịch mới ở nhà Duyệt thị, đấy một lời nói một việc làm ấy đủ làm luỵ đến thánh đức… Lòng trời giận chưa nguôi, chưa chắc không bởi việc ấy. Xin đốt sách ấy đi để tạ trời đất thần minh.”
Vua phê bảo rằng: “Ngày vừa rồi, trẫm ở điện Văn Minh, từng nói chuyện với bọn Trương Đăng Quế cười về thầy kiện dốt nát, thần bếp thiên tư. Và nói đến việc phường hát đời thịnh trị chế nhạo cả trời đất tiên sư, rất là nhảm bậy. Khi nào lại bắt chước mà biên thành sách truyện bao giờ… Truyện “Quần tiên hiến thọ” là thuộc viện Nội các bọn Nguyễn Bá Nghị soạn ra, dẫu trong ấy trẫm có chỉ bảo một vài câu, nhưng là lời thần bếp, thầy kiện răn bảo đó thôi, có điều gì đùa cợt thần minh đâu, huống hồ dám động đến trời đất ư?”
Đến lúc các lời bàn dâng lên, có người bàn xin xử tội chém, có người bàn xin xử tội lưu. Duy có Tham tri là Nguyễn Công Trứ, Doãn Uẩn, Thị lang là Phan Thanh Giản, Bùi Quỹ bàn khác đi là xin xử nhẹ giáng 2 cấp lưu.
[5] Dịch nghĩa: Đã có cung vua chùa phật, cũng sẽ chẳng thiếu liễu xanh đào biếc. Cảnh như thế, người như thế. Không là sắc, sắc là không.
Thực lục, tháng 6 năm 1840: Vua đi tuần chơi núi Thúy Ba. Thuyền vua đi đường sông Lợi Nông. Khi đến nơi, sai gióng xe đến chùa Thánh Duyên. Đề thơ ở chùa trên núi… Vua sai triệu thị thần là Trương Đăng Quế sai đọc thơ ấy và bảo rằng: “4 câu thơ ấy, ý vị vô cùng. Kể ra thanh tĩnh điềm đạm là tôn giáo của nhà Phật, thì người ta thờ Phật, lại cần gì phải sắc tướng rỡ ràng, chuông trống rầm rĩ ư? Nhưng theo lòng thiện vô lường, làm nên cõi vui thiên nhiên cũng là theo tục đấy thôi.”