Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

120. Ngọc hoàn duyên đoạn viên đề oán
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 30th, 2019
  1. Ngọc hoàn duyên đoạn viên đề oán, hương tích trần xa hạc mộng trầm[1]

(Duyên vòng ngọc đứt vượn khóc oán, hương chứa bụi đọng mộng hạc trầm)

 

“Tại sao ngươi đến Ý Thục từ?” Cho Hồ Văn Lưu về thành, nhà vua quay sang y mà hỏi. Vốn đã chuẩn bị trước, y cúi đầu thưa.

“Bẩm, tôi bỗng có cảm giác phải đi đến nơi ấy, ban đầu tôi cũng không biết đó là Ý Thục từ của bệ hạ.” Ngài ta đã gọi y ra đây, mảnh hổ phách hẳn cũng do ngài ta sai đặt ở nơi ấy để thử y. Ngôi đền thờ kia vốn bên ngoài chưa xây xong, chẳng có biển, y bước vào thật sự cũng là tình cờ khó hiểu. Khi y tỉnh táo lại, hơn cả giờ đã trôi qua, hẳn càng làm người nghi ngờ hơn tại sao y ở trong ấy lâu đến thế. Y liền khẽ giọng nói. “Mẹ của ông hoàng Miên Liêu…”

“Ta đang cho xây dựng bờ Tây này, ngươi đi cùng ta xem xét một thể.” Nhà vua ngắt lời y, đứng dậy đi ra ngoài. Y liền cúi đầu theo chân ngài ta, thấy cả lính và Thị vệ đã tự động giãn hàng ngũ, không tiến lại gần mà để nhà vua một mình đi dọc bờ sông. Giữ khoảng cách ấy, cả đoàn người di chuyển theo ngài ta, qua những khu đất đang được rào, có nơi đã dựng tường bao.

“Nơi này dân cư không được như bờ Đông, ta có xây phố dựng nhà thì họ cũng chẳng tới ở, nên xây mấy khu nhà vườn để bớt lạnh lẽo. Trước ta dựng hơn ba trăm gian nhà ở cầu Vĩnh Lợi trong thành, vậy mà không ai chịu vào, đầu năm nay phải dỡ đi cho lính. Trước xây vài cái nhà làm nơi tụ họp ngâm vịnh, người sẽ dần dần tới đông đúc thêm.” Vừa đi, nhà vua vừa như ngẫu hứng mà nói với y. Ngoảnh lại thấy y vẫn cúi thấp đầu theo sau, ngài ta liền cười. “Người giữ lễ cũng không cần phải sợ hãi như vậy. Ta vốn thích người Nam Kỳ, ở đây lại chẳng mấy khi gặp được.

“Ngươi ở An Giang hẳn đã từng gặp Trấn Tây Tướng quân Trương Minh Giảng chứ, Bình Thành bá cũng là người Nam Kỳ đấy.” Nhà vua bỗng nói, y lại ngấm ngầm giật mình. “Cha của Trương Minh Giảng là Trương Minh Thành, năm nọ khi ta ở Gia Định là Huấn đạo cho người trong thành, rồi làm Thị thư cho ta năm đầu Gia Long. Ông ấy chẳng may mất sớm khi Minh Giảng còn nhỏ, nhưng bà dạy dỗ rất tốt, Minh Giảng thi đậu Hương cống trước khi ta lên ngôi. Trương Minh Thành cũng như Lê Đăng Doanh đều là thầy dạy ta từng nét chữ thuở xưa, tình nghĩa không như người thường.”

Ngài ta nói điều này có ý gì? Y thầm nghĩ trong khi đi theo nhà vua vào khu đất bao quanh Ý Thục từ, lại có cảm giác ẩn ẩn ớn lạnh nhớ đến thứ mình vừa thấy nơi đây. Tình nghĩa không như người thường – sự bao che thuộc về bản tính của nhà vua với những gì ngài ta yêu quý, đó là những gì linh hồn kia cảnh báo y.

“Trấn Tây tướng quân thường đi lại trong vùng, khi tôi được mời đến các thôn làng thi thoảng có gặp. Ông ấy đến coi cả công việc thủy lợi ở An Giang. Khi ấy mới hết chiến trận còn khó khăn, ông ấy phải thu tiền trà nước của dân trong hạt để làm[2].” Y ra vẻ tình cờ ngờ nghệch nói. Nhà vua đứng lại, y cảm thấy ngay ngài ta đang nổi giận. Nhưng không lên tiếng đáp lời y, ngài ta ngoảnh đầu nhìn khu vườn đang xây quanh đền.

Phải thôi, ngài ta cảm thấy không việc gì phải nói với y. Nhưng từ Trấn Tây về An Giang, rồi lại theo thuyền đi qua những cảng tuần của Nam Kỳ, y đã nghe phong thanh về chuyện tiền bạc của nhóm người ở thành Trấn Tây kia. Những thương buôn qua lại ở các cảng chính là nguồn tiền cho các quan mặc tình bòn rút. Thậm chí năm trước lệnh cấm thuốc phiện đưa xuống, Trương Minh Giảng còn viện cớ bọn Ngọc Vân cần tiền ấy để sắm khí giới, thuyền bè – khi mọi việc của vùng đất này đã nằm trong tay ông ta. Trước khi loạn Lê Văn Khôi xảy ra, hàng loạt quan chức ở Chân Lạp đã bị tội vì sai người làm việc riêng, nhũng nhiễu đòi tiền, và vị Tướng quân vừa đặt chân đến Trấn Tây đã phạm ngay phải các tội ấy. Tuy nhiên, bây giờ thì toàn bộ triều đình Chân Lạp, hệ thống các thổ mục, thậm chí cả quan chức ở An Giang, Hà Tiên cũng đã nằm trong vòng thân tín, sự kiểm soát của Trương Minh Giảng, đủ để che kín cả đất trời.

Cuối năm ngoái, sau sự việc chủ thuyền người Thanh được phái đem quan tài và gia quyến quan tướng qua đời ở An Giang về Kinh lại ném cỗ quan lẫn người xuống biển, cướp phụ nữ chạy về nước[3], người Thanh sống trong vùng bị cấm đóng thuyền ra biển. Các quan lại ở phủ huyện ngay lập tức vừa thu vừa cướp thuyền của thương lái người Thanh, tiếng oán nơi nơi[4]. Nhưng tất cả đã tạm thời yên lặng sau khi cuộc nổi loạn của thổ mục Hải Đông, Quảng Biên bị dập tắt. Cả Trương Sùng Hi cũng đã liên lụy mà bị chém đầu. Chỉ cần một rối loạn xảy ra, tất cả con người sẽ phơi bày toàn bộ tội lỗi mình che giấu, thứ đích thực tạo nên cơn sóng trên mặt nước. Không một ai thoát khỏi.

Người đến nơi này đều hóa thành yêu ma quỷ quái, tiếng hét tuyệt vọng nọ lại vang bên tai y. Trước Nguyễn Văn Thoại, cựu Bảo hộ Lưu Phúc Tường đã bị chém đầu vì tham nhũng ở biên giới, hàng loạt sai phạm xảy ra ở Hà Tiên mà đến ông bác Mạc Công Du cũng không tránh khỏi, khiến vua Gia Long phải cho rút Bảo hộ khỏi Chân Lạp. Nhưng như một vòng luẩn quẩn, họ phải trở lại, và ngày càng lún sâu hơn vào vũng lầy ấy. Nguyên nhân sâu xa cho toàn bộ cuộc rối loạn đẫm máu ở Gia Định thực chất lại là lợi lộc vùng biên cương, là lòng tham vô hạn độ ở nơi đất trời lẫn lộn, là tấm mạng nhện của từng ấy con người. Toàn bộ con người, hóa thành ma quỷ.

“Năm nay Bắc Kỳ có dịch lệ, chết cũng phải sáu vạn người[5].” Vẫn đứng dưới tán cây giữa sân vườn, nhà vua chợt nói mà không quay về phía y. “Trận bão năm trước chết hơn ngàn người, ta đã tưởng là khủng khiếp. Nhưng trời luôn cho ta biết, không phải.

“Tháng hai, quan Bắc Kỳ báo dịch, đến tháng ba đã chết đến sáu, bảy ngàn người, tháng tư thì con số đã trên năm vạn. Thật giống như hai mươi năm trước, nhưng bây giờ thì không ai hoảng hốt nữa. Thậm chí Tổng đốc Hà Ninh thấy bệnh dịch vừa hơi lui thì xin đình cấp thuốc công ngay. Trong khi kẻ khác ngay ở tông thất bảo ta làm phạm đến thần linh, tạo ra ma quỷ. Bọn tổng lý ở dưới thì hẳn nghĩ được trăm vạn cách bòn rút rồi, như trận bão năm ngoái có nhà chết hết, chúng cũng lấy tiền tuất của họ luôn thể. Ma quỷ, thật đúng là một đám quỷ sống!” Nhà vua cười khẽ, thậm chí còn như ngài ta rất thích thú với điều đang nói. “Hoặc vẫn cứ thế thôi. Trước là cho rằng ta phạm lỗi với thần, sau thì hẳn ta làm gì cũng sai cả. Chỉ cần ta chịu nhượng bộ một bước, nhụt đi một phân, đám người này sẽ làm được mọi thứ chúng muốn. Chỉ cần ta chịu nhận một cái lỗi ất ơ nào đó, việc nào ta làm cũng là sai cả.”

Cho nên Trường Khánh công vẫn chưa được phong Thái tử trong tiết Đại khánh năm sau, dù anh ta đã hưởng mọi ân huệ chưa từng có: con trai cả được phong hầu, vợ lẽ cùng các con đã mất được dựng đền thờ quy chế ngang với nhà vua[6], đến khu nhà vườn vua ban cho anh ta cũng nằm ngay trong thành, gần với cung Khánh Ninh ngài ta định sẵn cho mình. Dù kinh thành này đang bận rộn xây dựng nên dáng vẻ phù hoa hân hoan của nó cho kỳ khánh tiết sang năm, dưới chân nó vẫn là tranh chấp, tang tóc cùng mưu toan chằng chịt. Tiếng đồn râm ran về cái chết của Hà Tông Quyền rơi vào giữa khoảng thời gian này, sau khi chiếc nhẫn kim cương sáng chói xuất hiện trên tay hoàng Cả. Lại thêm hàng vạn người chết, nhưng người ta đã quen với điều đó, chuyển hóa nó thành vũ khí. Bệnh dịch quét qua Bắc Kỳ trong lúc dân Thanh đói ăn tràn sang biên giới, xung đột nổ ra giữa triều Thanh và người Tây dương ngay ngoài khơi biển Đông. Người ta hẳn lại nói đến những thay đổi trước kia, bất cứ điều gì mà họ cảm thấy là sai lầm, đủ để đổ lỗi cho ‘vận trời’ chuyển biến không thể lường nổi. Đất nước này ám ảnh bởi thuyết vận mệnh và những lời nguyền rủa, cứ như là sự thật.

Cho nên, nhà vua sẽ chưa vội hỏi đến những viên quan ở Trấn Tây, chừng nào họ còn tỏ ra trung thành tận tụy. Họ sẽ không làm chuyện gây hại đến vua cha, ngài ta tin điều đó. Như ngài ta đã tin vị Tướng quân đem một ngàn quân lao vào hàng vạn kẻ địch năm nọ. Như ngài ta tin vào ký ức, con người và thời gian vĩnh viễn dừng lại ở nơi ấy.

Nhà vua bất chợt quay đầu, nhíu mày nhìn y.

“Ánh mắt vừa rồi của ngươi rất giống một người.” Y còn thấy nụ cười khó mà hiểu là gì của ngài ta. “Một kẻ ngốc nghếch cái gì cũng tin là thật, chẳng bao giờ thay đổi được.”

Hai người họ im lặng nghe tiếng gió thổi qua bầu trời hưng hửng nắng. Y như thể có muôn vàn điều muốn nói, muốn hỏi ngài ta nhưng không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, rồi y lại nhớ đến điều cô cung tần kia đã kể: Ngài ta đứng trước mặt y lại dường như một bóng ảnh chập chờn, không thể nào nắm bắt, thậm chí có cảm giác chẳng liên quan đến con người y đã thấy trong hồi ức bao người. Mỗi người bọn họ nhớ về ngài ta theo một cách khác nhau, và ngài ta cứ cười mà nói: cứ như thể là sự thật cả.

“Ngài thương bà ấy lắm phải không?” Cuối cùng, y ướm hỏi, đổi lại cái cười khẽ của nhà vua.

“Thương? Cần ta phải thương sao?” Ánh mắt ngài ta lại dời đến mảng lá vàng đung đưa ngoài tường rào. “Cứ mỗi dịp thế này, cứ vài năm một lần, ta lại cho đi tìm nghĩa phu tiết phụ, hiếu tử thuận tôn trong dân gian để khen thưởng. Con hiếu cháu hiền vẫn có vài người sự lệ đáng ghi, nhưng nghĩa phu thật là mò kim đáy bể, bao năm vẫn chỉ có vài kẻ hạng bình, duy tiết phụ vẫn được ghi nhận đều đặn. Những người chỉ sống với chồng vài tháng vài năm rồi giữ tiết cả đời chẳng nói làm gì, thậm chí chưa cưới mà vẫn ở vậy cũng có. Cả đời, ngươi biết thế nào là cả đời không? Là từ lúc đôi tám cho tới sáu, bảy mươi tuổi, là bao nhiêu áp lực, điều tiếng của bên ngoài. Có người bị cha mẹ ruột, cha mẹ chồng bắt đi tái giá, đập đầu, nhảy sông tự sát, có người bị bức ép mà phải tự chọc mù mắt, hủy dung nhan, mấy chục năm sống chui sống nhủi trốn tránh. Có người không con cái, chẳng còn bất cứ thân nhân nào bên cạnh, cứ nguyện giữ ngôi mộ xưa. Có người còn chẳng kịp nghĩ, gặp phải kẻ cường bạo thì tự tận. Ta đâu có thương họ, ta còn thấy họ hẳn rất hạnh phúc.

“Ngươi nghĩ họ không giống bao nhiêu kẻ khác, được sinh ra trên đời để báo hiếu mẹ cha, để trở thành một thứ công cụ gì đó của cuộc đời này? Họ không phải nghe những lời than trách, tiếc thương của những kẻ chẳng hiểu gì về họ? Thậm chí họ không phải là con người với thất tình lục dục bình thường, để cứ thế nhân danh hạnh phúc, tự do, tình ái mà trôi từ tay kẻ này sang kẻ nọ? Tình yêu? Thứ con người gọi là tình yêu khiến ta phát bệnh.” Tiếng cười lành lạnh chợt trở nên giống hệt trong giấc mơ y. “Để thỏa mãn những bản năng cơ bản nhất, tự đặt ra thứ gọi là tình yêu, gọi đó là kiếm tìm hạnh phúc, coi đó là lẽ sống của đời người. Yêu rồi không yêu, ghen tuông thù hận, thậm chí ai oán thương sầu, tất cả cũng chỉ là tấn kịch của một đàn thú săn mồi. Nhưng con thú không biết giả dối, tham lam, hoang đường, hư vinh kinh tởm như con người, chúng chỉ là cứ sống thế thôi. Đời đời kiếp kiếp, quay cuồng trong cơn thèm đói khát của cơ thể này, sống sống chết chết trên rừng dưới biển như cỏ, như lá, như một hòn đá vô nghĩa tận cùng, để thành đám bùn lầy bẩn thỉu của mặt đất. Rồi lại gọi đó là tự do, hạnh phúc, niềm vui, vẽ vời chúng thành muôn hình vạn trạng, vẽ vời chúng thành cả thế gian, giam hãm toàn bộ tất cả trong đó. Đời đời kiếp kiếp, chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng nọ, từ những kẻ hèn nhát vị kỷ tham lam này đến kẻ ngu ngốc vô tri nọ. Ta đến phát bệnh vì thế gian này.”

Những lời sau đó, y chẳng còn biết có phải do nhà vua đã nói. Ngài ta đã đứng lại trước cổng ngôi đền, và y thấy ánh lập lòe ma quái như một con đom đóm vàng phát qua vai ngài ta, cùng tiếng nói như hòa lẫn vào giọng của ngài ta mà vọng đến tai y. Có lẽ nhà vua đã im lặng hồi lâu, hoặc ngài ta nói điều gì khác, y thấy ngài ta lại quay đầu mà nhíu mày.

“Lấy mảnh hổ phách cho ta!” Ngài ta ra lệnh tựa như y đã không nghe câu nói trước đó. Y liền cúi đầu đi vào trong đền khi nhà vua vẫn đứng ngoài cửa. Ngài ta không có ý muốn vào, hẳn chỉ đưa y đến đây để tránh tai mắt của kẻ bên ngoài.

Lại gần mảnh hổ phách và bài vị kia, cơn ớn lạnh trong y càng rõ. Nó quả thật như một thực thể sống tỏa đầy oán khí, có vẻ càng tăng mạnh hơn trong ngôi đền thờ cung nhân mất sớm này. Tay vừa chạm vào mảnh đá, y đã thấy ngay cảm giác chống chếnh quen thuộc, cảnh vật trước mắt chao đảo khi tiếng nói rì rầm vọng bên tai.

“Thưa bà, có lẽ An tần không qua khỏi.” Y thấy trong trường lang dài, cung nhân già khẽ thì thào với một phụ nữ cài trâm phượng. Vị phi tần kia gật đầu, đi đến ngôi viện lớn, người trong viện đồng loạt cúi chào bà ta. Người phụ nữ xua tay cho người tụ tập quanh một căn phòng lui bớt, đi vào gian nhà trong đóng kín cửa, chỉ có ánh nến mờ tỏ chiếu giữa lớp lớp màn gấm lụa.

“Chị đấy à?” Nghe động, người trong giường quay nhìn, giọng nói mỏng manh như khói. “Lại làm phiền chị phải đến đây.”

“Chúng ta đã sống chung với nhau mấy chục năm rồi mà.” Người phụ nữ nhẹ nhàng đáp, nhưng người trong giường có vẻ không nghe thấy, chỉ hướng ánh mắt vô hồn lên trần màn thêu hoa.

“Lại làm phiền chị phải đến đây. Từ năm ấy, mỗi năm trong cung lại có người chết.” Giọng nói bồng bềnh trôi nổi trong căn phòng kín dường mang vị khói đắng ngắt. “Mà chị nghĩ xem, bây giờ ngài ấy đang ở đâu? Hẳn đang nghĩ cho em một cái tên thụy thật đẹp đẽ, thậm chí nâng cấp cung giai cho em sau khi chết. Người chết rồi, với ngài ấy sẽ đều thật đẹp đẽ cả.

“Trong khi ngài ấy để hai người kia lên trên em[7]. Mấy chục năm, em đã được đưa vào cho ngài ấy mấy chục năm rồi, trước cả Thục tần, nhưng chỉ vì thân phận của cha thấp mà phải chịu ở dưới. Năm ấy, ngài cho em vị An tần, em còn nghĩ ít ra ngài đã biết, đã công nhận vị trí của em, nhưng hóa ra là ngài lại lừa em đấy thôi.” Tiếng cười khô khốc vang giữa im lìm, khi hai bóng hình đều bất động trong ánh lửa. “Em vào hầu ngài ấy bảy, tám năm mới được gọi tới, được nhớ tới vài năm. Năm ấy ngài xây cung Khánh Ninh, phong tước, bắt đầu gọi anh em họ Hồ vào triều. Đó cũng là lúc ngài cho Hòa tần, Lệ tần vào cung. Lúc ấy, ngài đã định tất cả. Rồi bất cứ ai muốn nói gì với ngài đều bị vứt bỏ ngay lập tức. Giống như bây giờ, ngoại trừ ba người kia, ngài chỉ gọi đến kẻ mới vào, rồi lại ném bỏ. Vì ngài ấy chẳng còn muốn nghe ai nữa, kẻ mới vào thì có gì để mà nói, mà xin, mà mong vọng ở ngài. Ngài ấy coi chúng ta là cái gì vậy? Dưới áo gấm trâm phượng này, chúng ta đích thực là thứ hèn mạt đến không chịu nổi thế sao?

“Rồi em lại nhớ, đầu năm nay con em cũng được phong tước công rồi, chỉ là tước công, không phải thân công. Ngài chỉ phong đúng năm đứa trẻ hình thành trước khi ngài trở thành Thái tử làm hoàng tử thân công. Chúng mới là kẻ thân cận của ngài. Còn tất cả, tất cả bọn trẻ sau đó, cả chúng em, cả cái hoàng thành này, thậm chí ngay cả ngài sau khi trở thành Thái tử, cũng chẳng liên quan gì đến ngài. Ngài vừa cho dựng chùa Giác Hoàng ở nơi chúng ta từng sống ngày xưa, nơi những đứa con của chị sinh ra rồi chết gần như toàn bộ. Kể cả chị hẳn cũng đã chết rồi, từ ngày ấy. Chị đã bao giờ sống chưa, từ khi được đưa vào làm cái bóng thay thế người kia, khiến ngài ta sống u u mê mê được một thời gian trước khi ‘tỉnh thức’?”  Tiếng cười lại khẽ vang, khi giọng nói càng trở nên mệt mỏi, càng lúc càng mệt mỏi. “Con của ngài, thì lại chỉ có một. Em nghe nói ngài sắp ban cho ba đứa trẻ lớn ba cái vườn, chỉ không cho Miên An cái gì. Chị xem, đến lượt chị sắp sửa giống như em rồi đấy. Con chị không còn chút quyền lợi nào của nhất giai phi, rồi sẽ đến lượt chị.”

“Em nên nghỉ ngơi, đừng nghĩ đến những việc như thế.” Người phụ nữ kia vẫn nhàn nhạt nói. Bàn tay của người trên giường chợt bấu lấy tay bà ta.

“Chị xem, chúng ta là cái thứ gì vậy? Em không thể đành lòng, không thể chịu được. Từ khi ngài ta phong Thần phi, hoàng cung này năm nào cũng có người chết. Cái chốn này trở nên không thể chịu nổi. Nhưng rồi lại có người đến, cho đủ số. Nhưng rồi trong mỗi lần lễ tiết phải họp mặt, phải nhìn đến nhau, phải chứng minh với kẻ bên ngoài, ngài ta lại phải gọi ai đó, và người đó tốt nhất là im miệng lại, là kẻ chẳng hề biết ngài ta là ai, là kẻ chẳng hề có sự tồn tại nào trên đời. Ngay cả ba người kia, cũng chỉ là hình nhân mang danh vị của cha họ, là vũ khí để ngài ta triệt hạ chị, triệt hạ cả thế gian. Cái hoàng cung này, cả ngài ta, là thứ gì vậy? Chúng ta sống cả cuộc đời này, là cái gì vậy?” Tiếng cười lại nghe như khóc, như từng mảnh đá sắc nhọn rơi xuống không gian tối tăm ngàn ngạt. “Vậy mà chúng ta không thể oán than, có gì để trách? Ngài ta phong tước cho cha em, cha Gia phi để làm cớ xây Nhị tần từ năm ấy[8], cho chúng ta vàng bạc lụa là, cho chúng ta mọi thứ, để làm con rối ở đây. Nhưng chúng ta còn muốn thêm cái gì? Chúng ta còn được muốn cái gì? Chúng ta còn có thể muốn thứ gì?”

“Làm người không nên quá rõ ràng, cũng đừng quá thông minh.” Người phụ nữ kia vẫn bất động khi những ngón tay mỏng mảnh yếu ớt nắm chặt lấy tay áo gấm, giọng nói không lên chẳng xuống, đều đều lạnh lẽo cùng cực. “Vừa gây hại cho mình, vừa khiến chẳng ai vui vẻ cả. Rồi lại hóa ra thậm ngu ngốc.”

Tiếng cười đáp lời bà ta. Tiếng cười sắc nhọn như đá cạnh, như dao đâm, xé toang bóng tối.

 

Trăng lên trong sáng rạng ngời, giai nhân đẹp đẽ thân thương. Làm sao giải được mối sầu sâu xa, để tâm này mãi nhọc nhằn buồn đau.

Trăng lên trong trắng một màu, giai nhân tốt đẹp yêu kiều. Làm sao giải được lo buồn ta mang, để tâm này mãi nhọc nhằn không yên.

Trăng lên soi sáng muôn phương, giai nhân rực rỡ cháy bừng. Làm sao giải được lòng này dần chết, để tâm mãi nỗi nhọc nhằn thê lương.   

 

Chú thích:

[1] Túc Bạch Vân sơn tự của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, năm 1840: Tướng quân Trương Minh Giảng, Hiệp tán Cao Hữu Dực thành Trấn Tây, dâng sớ tự bày lỗi của mình, nói: Giảng khi mới đến Trấn Tây trót có nhận lấy tiền chè là về việc thuỷ lợi của tỉnh An Giang, tuỳ việc chi tiêu việc công… Vua dụ rằng: thuế cửa quan, bến tuần, từ trước đã định có thành ngạch, há có lẽ lại thu thừa ra ngoài ngạch. Trương Minh Giảng là đại thần của nước, mình coi giữ trọng trấn, nếu có chi tiêu việc công, ngại gì việc tâu xin lấy của công mà chi, sao lại bị người xui giục làm thói bậy ấy. Nếu có đem chi việc công cũng chưa là phải, nữa là trong khi chi phát chưa chắc đã về việc công cả ư. Nhưng đã biết theo lời dụ bày tỏ, không giấu giếm che chở chút nào, gia ơn miễn việc xử phân. Còn những món tiền gạo chi tiêu xét ra thuộc về việc tư, thì chiểu số tư đem của nhà đền ra, lưu làm của công hạt ấy.

[3] Thực lục, tháng 9 năm 1838: Án sát An Giang Đoàn Nguyên Thống, Lãnh binh Nguyễn Đăng Huyên chết. ở tỉnh phái bắt thuyền người Thanh là Trần Tất Đồng chở quan tài và gia quyến 10 người về quê, trong khi đi đường Tất Đồng đem quăng tất cả xuống biển, cướp lấy vợ lẽ và của cải Đăng Huyên mà chạy về Quảng Đông, đến khi người nước Thanh đi cùng thuyền là bọn Hoàng Linh về phủ Ba Xuyên, Hy nguyên làm Bố chính cùng với Mai Hữu Điển biết tình hình việc ấy, nhận của lót tha cho chạy xa.

[4] Thực lục, năm 1841, đời Thiệu Trị: Trần Lâm (trước làm An phủ sứ) có hai chiếc thuyền riêng, bị Tri phủ Lê Quang Khiêm ức hiếp lấy mất. Nhân thế, Lâm mang lòng oán, đem đảng khoả hợp với bọn Sơn Tốt, quân đông đến 5, 6 nghìn người, đánh phá huyện Vĩnh Định.

[5] Thực lục, tháng 4 năm 1839: Các tỉnh ở Bắc Kỳ lần lượt tâu báo nạn dịch lệ, duy Hải Dương, Bắc Ninh rất nặng (dân 2 tỉnh ấy nhiễm bệnh chết, ở Hải Dương trên 2 vạn 3 nghìn, người ở Bắc Ninh trên 2 vạn 1 nghìn rưỡi).

[6] Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Lệ Thục từ được xây vào năm Minh Mạng thứ 21, thờ các con chết sớm của Thiệu Trị và Diễm nhân Đinh thị. Thực lục năm 1843 ghi “Tặng phong Diễm nhân họ Đinh (mẹ của Hồng Bảo) làm Quý tần”, lúc này Thiệu Trị cho biết chưa từng phong cấp bậc cung nhân, Diễm nhân cũng không nằm trong cung giai lẫn tước của các phu nhân, có vẻ là 1 tước phong đặc biệt được đặt ra trước khi Thiệu Trị lên ngôi. 

[7] Theo Khâm định Đại Nam điển sự lệ, trong tứ giai, cấp bậc của Hòa tần trên An tần. Sau khi An tần qua đời vào năm 1839, mới được đổi đưa lên trên Hòa tần.

[8] Theo Điển sự lệ, năm 1830 Minh Mạng phong cho cha của Phạm Thị Tuyết làm Quang lộc tự khanh, cha của Hồ Thị Tùy làm Viên ngoại lang, để chính thức cho xây Hồ Phạm Nhị tần từ, định nghi lễ thờ.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.