Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

119. Quyển mạn hành nhân tâm khởi kính
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 26th, 2019
  1. Quyển mạn hành nhân tâm khởi kính, sanh cao chu tử khẩu thôn toan[1]
    (Người đi cuốn màn lòng kính sợ, kẻ chở thuyền chống sào nuốt chua cay)

 

“Ha ha, những lời bọn họ nói chưa hẳn là thật đâu.” Khi y còn đang ôm đầu ngồi sụp trên sàn, giọng nói quen thuộc lại vọng phía sau, lẫn với tiếng cười khe khẽ. “Loạn Ngọc Biện năm ấy xảy ra thực chất vì bọn thổ mục Trà Long, La Kiên, Nhâm Vu. Ngươi vừa từ Trấn Tây đến chắc biết bọn ấy nhỉ, năm đó những thổ mục ấy tiên phong chặn đứng quân Xiêm đánh xuống Quang Hóa, rồi Trương Minh Giảng tiến cử họ, phong đến Chưởng cơ hàm nhị, tam phẩm, làm quan ở cõi Trấn Tây chỉ đứng dưới mỗi Trấn Tây Tướng quân.

“Sau khi Nặc Yêm đem hàng vạn thổ nhân trốn về, vua muốn đánh đến Bắc Tầm Bôn nhưng quân ở Trấn Tây chẳng có động tịnh gì, để cơ hội cho Phi Nhã Chất Tri kịp trở lại đem quân xây đồn phòng ngự, khiến vua tiếc mãi. Đến ngày lễ năm nọ, Dương Văn Phong đưa bọn Trà Long, La Kiên, Nhâm Vu này về dự lễ, dâng thọ. Nhân nói đến việc lỡ thời cơ ấy, Dương Văn Phong đổ cả cho bọn Trà Long nhút nhát không tiến, khiến nhà vua vốn đã phật lòng càng thêm nghi ngờ. Ngài ta bèn giữ bọn Trà Long lại sau khi cho các thổ mục nơi khác về hết, lại tìm được cái cớ bọn họ khai gian dối số dân quản hạt mà giáng chức, phạt tội. Vừa lúc đó vụ án Ngọc Biện phát ra, do Dương Quan Thảo báo cho Trương Minh Giảng hay. Vậy là bọn Trà Long cũng liên lụy, bị phát phối ra các tỉnh phía Bắc coi giữ. Ngọc Biện chẳng qua là một đứa con gái, loạn thực sự do thuộc hạ của bọn Trà Long, Nhâm Vu này khởi xướng, dẫn đầu. Trương Minh Giảng cũng vì thế mà mất hoàn toàn uy tín với người Thổ, không thể chiêu dụ được một người nào trong loạn lạc.

“Nói về Ngọc Biện bị tội, nguyên do lại liên quan đến Nặc Yêm. Trong nhóm người mà Nặc Yêm đưa về có cậu của Ngọc Biện ở lẫn vào, đưa thư qua lại với nhau. Dương Quan Thảo bảo rằng ông cậu này xui Ngọc Biện trốn về với Xiêm, muốn nhờ Nhâm Vu giúp sức. À, Chưởng vệ Nhâm Vu vốn ở cùng nhà với Ngọc Biện, quan hệ vô cùng thân thiết. Việc này dẫn đến việc kia, Ngọc Biện bị giết, bọn Trà Long, Nhâm Vu suýt nữa cũng bị Hình bộ phán tội tử hình, Ngọc Vân, Ngọc Nguyên bị đưa về Gia Định.”

Tiếng cười trong lạnh đến rợn tóc gáy vang giữa ngôi đền tĩnh mịch. Y thấy đôi hài thêu hoa mẫu đơn đi đến trước mặt cùng hơi gió lạnh mùa đông thổi từ ngoài cửa vào. Cô bé, hay hồn ma nọ tựa như nghiêng đầu nhìn y, hạ giọng thì thầm.

“Nhưng ngươi thấy không, nguyên nhân thực sự đến từ đâu? Chẳng phải vì thấy nhà vua nghi ngờ, phật lòng với bọn Trà Long kia mà đám quan ở Trấn Tây thừa cơ phù phép. Vì trong lòng có quỷ nên ngài ta cũng ngay lập tức tin lời bọn chúng. Hoặc là, ngài ta đã quen làm như thế rồi. Thỏ khôn hết thì chó săn cũng chẳng còn. Hơn mười năm trước, Tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội trong lúc Quốc trưởng Vạn Tượng đánh nhau với Xiêm thua chạy mà dâng đất xin quy phục, triều đình nhân đó lấy cả đất lân cận lập các phủ Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Định. Việc Xiêm đánh Vạn Tượng vừa yên, trấn thần liền mách việc Chiêu Nội bắt Quốc trưởng Vạn Tượng giao cho Xiêm, rồi bỏ tuế cống. Nhà vua liền cho quân tướng đến tìm bắt Chiêu Nội. Chiêu Nội trước sai con đến đối phó, sau lẩn trốn mấy ngày mới đến trình diện, nên bị chém rồi.” Cô ta lại cất tiếng cười. “Rồi sau đó, tên Phòng ngự sứ mới ở Trấn Ninh tên Kiệu Huống, Đồng tri Khâm Khuyết chính là bọn đem quân Xiêm vào đánh giết cả đội quân Trấn Ninh năm ấy. Ngươi nói xem, là bọn thổ mục ở các vùng tân cương này quá phản phúc khó lường, hay do chúng tự quy thuận rồi lại không chịu nổi? Trấn Ninh sau khi được sát nhập trở thành nơi đày tù phạm, phải cấp gạo lương cho cả lính thú, coi sóc bọn tù. Thực chất là đưa bọn tù nhân ấy đến để mở đất khai hoang, rồi lẫn vào dân bản địa, biến đất ấy thành của mình. Trước bổ thổ mục, sau đặt lưu quan, không để tấc đất nào thoát khỏi bàn tay.

“Việc ấy cũng đang được thực hiện ở Trấn Tây. Sở dĩ ngài ta có thể tùy tiện ra lệnh giết Ngọc Biện, giam cầm bọn Trà Long vì cho rằng mình đã có thể nắm giữ Trấn Tây rồi, nhất định không chịu lùi bước khoan nhượng[2]. Trương Minh Giảng sở dĩ muốn giết ngay Nặc Yêm đi cũng vì thế đấy, để hắn ta về thì còn có thể giữ Trấn Tây bằng danh nghĩa gì, bọn Ngọc Vân, Ngọc Biện chẳng úy kị, thậm chí thay lòng ư? Cho nên lệnh vua ban xuống bắt đánh Bắc Tầm Bôn, cả vua cả tướng đều muốn đẩy bọn thổ mục Trà Long, Nhâm Vu đi trước thử lòng, nhưng đám người dưới đã thấy ngay cơ hội loại trừ bọn thổ quan rồi. Bọn quan tướng ở dưới biết ý quan trên, dò được ý vua, lại chả đặt thêm chuyện cho bọn thổ quan, quận chúa, thúc đẩy trừ diệt chúng càng nhanh càng tốt? Trừ diệt tất cả kẻ nào muốn chống đối, thế là xong.” Y ngẩng đầu, thấy cô ta đang khoanh tay dựa vào cột đền nhìn xuống y, nụ cười vẫn trên vành môi. “Ngài ta thì cứ đoan chắc rằng những kẻ kia lại muốn phản bội thay lòng, lại muốn chống đối công nghiệp mình xây dựng, chúng chết là đáng, không thể nào khoan dung. Trong khi đội quân ở phương Nam kia tha hồ đốt làng phá sách truy lùng nghịch tặc, cướp phá thỏa thuê, lập quân công lừng lẫy. Còn quê hương ngươi lại tiếp tục tan tành, mọi thứ tan tành!”

“Ngươi đùa với ta đủ chưa?” Nghiến răng chống lại cơn chuếnh choáng, y ngồi lên đối mặt với hồn ma kia, quát khẽ. “Nặc Yêm còn đang ở Bắc Tầm Bôn. Ông ta đi theo Xiêm bao nhiêu năm nay…”

“Ngươi chẳng phải quay về Hà Tiên, lần mò đến kinh thành này vì Nặc Giun đã bị Nặc Yêm tố cáo hất về Vọng Các rồi ư? Cho nên ngươi mới rảnh rỗi không cần thám thính gì nữa. Mà Nặc Giun bị tội chẳng phải do ông ta liên lạc với Trấn Tây Tướng quân định bội phản Xiêm, bị Nặc Yêm bắt được thóp sao? Những kẻ gọi là vua chúa vương giả, lý tưởng ước mơ, trung thành tình nghĩa, rốt cuộc là thế đấy.” Cô ta hơi bĩu môi khinh khỉnh cười. “Còn ngươi quay về, hẳn tưởng là từ nay có thể yên bình. Trước đến đây tìm hài cốt Mạc Hầu Hy, sau tìm lại những người nhà thất lạc, hủ hỉ chung sống với nhau. Ngươi hẳn đã vẽ ra được cả một tương lai hạnh phúc rồi đấy.

“Cho nên, ngươi nhất định không tin.” Cô ta gật gật đầu, quay nhìn bóng nắng ngoài cửa. “Nhìn thấy tất cả những gì ngươi bỏ cả đời, cả sinh mạng để làm hóa thành công cốc. Nhìn thấy tất cả những gì ngươi yêu thương bảo vệ cứ thế vỡ nát tan tành, ngươi làm sao mà tin được.”

“Ngươi đùa với ta, đúng không?” Y hỏi, bất chợt như hụt hơi, mắt y cũng nóng lên, mặt bừng bừng. Đứa trẻ đưa mắt nhìn y, nghe giọng y run rẩy đến dường bật khóc. “Trong lòng ngươi đầy thù hận, nên ngươi tạo ra câu chuyện ấy, vẽ ra tất cả mọi thứ để dọa nạt ta, hành hạ ta, đúng không? Biết trước tương lai cái gì, làm gì có chuyện ấy?”

“Sao lại không?” Hồn ma kia mỉm cười. Y thấy hình bóng ấy dần dần trở nên trong suốt trong nắng chiếu vào, biết rằng nó lại muốn biến mất – sau khi gieo đủ hoang mang vào tâm trí y.

“Vì ngươi vẫn đang sống. Nguyễn Phúc Đảm!” Y gào lên trong căn đền trống. Nhưng y biết, vẫn còn ở đó. “Ngươi không phải hồn ma! Trước nay ta chưa bao giờ gặp ma. Ở đây ta cũng chưa bao giờ thấy con ma nào ngoài ngươi!”

Chỉ có một đứa trẻ thôi ư, ngài ta hỏi. Không, không phải một đứa trẻ, mà là – mọi thứ. Chuỗi hạt nọ vốn cũng đã từng nằm trong tay ngài ta – sau khi Lê Thị Tường chết, di vật hẳn được thu giữ về cho ngài ta rồi mới đến tay Miên Liêu. Nỗi hận thù ai oán vốn đã có sẵn trong chuỗi hạt bằng xương người bị xử tử, hỏa thiêu đã nhanh chóng kết nối với di hận của cô cung tần tự sát và ngài ta, nấp dưới bóng hình cả hai đều yêu thương nhất. Hoặc là, bóng hình nỗi hận lớn lao nhất của bọn họ. Nó dẫn y đi tìm những nỗi oán hận khác, cho nên Miên Liêu ngay lập tức đưa y tới lấy hòn đá ở Bạch Liên thôn, thứ chứa đựng oán hận tích tụ muôn đời, thứ chứa đựng nỗi hận không thể giải trừ của Nguyễn Phúc Đảm. Hòn đá lấy từ Song Ma giang, hồn du nữ trong truyền thuyết người nơi ấy, chẳng rõ đã lại sống dậy từ lúc nào.

Cậu ta mời y đến đây không phải để cầu siêu, mà là trừ tà. Thứ y thấy không phải là ma quỷ, mà là một thứ gì đó vẫn còn đang sống. Như những quỷ hồn được nuôi làm ngãi, luyện bùa phép của người Thổ người Xiêm, nó là nỗi hận thù ăn lấy ký ức để thành hình. Thậm chí, có thể nó còn liên hệ chặt chẽ với ý thức của người đang sống sờ sờ kia.

Cho nên nó tìm mọi cách quấy phá y, bằng những câu chuyện hoang đường. Y lẩm nhẩm mãi khi vẫn ngồi bó gối trong ngôi đền. Hoàng Quýnh vẫn còn sống, Nặc Yêm vẫn còn ở Bắc Tầm Bôn, được Phi Nhã Chất Tri lẫn triều đình Xiêm hết mực tin cậy cho một mình giữ đồn Cần Sư, cầm quân hàng vạn. Những Quận chúa, Huyện quân cùng bọn Trà Long đang hân hoan cẩn trọng tìm kiếm lễ vật dâng cho tiết Ngũ tuần đại khánh. Sau mấy năm dòm ngó không có kết quả, những thám tử, quân thăm dò vừa mon men đến vùng biên đã bị bắt giữ, Phi Nhã Chất Tri bị gọi về Vọng Các. Những đợt nổi loạn cuối của thổ mục vùng Quảng Biên đã bị dập tắt. Tất cả sẽ yên bình. Tất cả những gì y thấy mấy ngày qua chỉ là trò trả thù của linh hồn nọ sau khi y phát hiện ra bộ mặt thật của nó. Y đã đập nát chuỗi hạt, làm vỡ hòn đá, khiến nó mất đi nơi trú ẩn, càng lúc càng trở nên yếu ớt nhạt nhòa. Tất cả sự căm hận của nó nhắm vào y, khiến y phải đau lòng đến không thể chịu nổi.

“Ông ở đây à?” Tiếng người chợt vọng ngoài cửa. Mấy tùy tùng của Trường Khánh công đứng ở cửa, nói đầy vẻ ngạc nhiên. Y vội đứng dậy, đến lúc ấy mới nhận ra mình đang rơi nước mắt.

“Tôi đang làm việc.” Nhanh chóng trấn tĩnh, y dùng vẻ thần bí mà nói úp úp mở mở. Có lẽ đã nghe qua về thân phận cùng nhiệm vụ của y ở đây, những tùy tùng kia không hỏi thêm mà dẫn y ra ngoài. Nắng đã lên cao tuy trời mùa đông vẫn mờ mây xám. Có lẽ buổi chầu sớm đã tan, trên con đường đến khu nhà quan lại tấp nập xe ngựa, võng lọng. Y nhìn lại ngôi nhà Hoàng Quýnh đã ngồi, thấy vắng tanh.

“Ông ấy không khỏe, về trước rồi.” Nghe y ướm hỏi, một tùy tùng trả lời. “Hoàng Cả vừa bảo chúng tôi đến Thái y viện[3] tìm người tới coi bệnh cho ông ấy, chứ ông ấy không tự tới đâu.”

Ông ta vẫn còn đi đứng nói cười được, hẳn chỉ cảm nhẹ thôi. Y nén lại nỗi lo sợ cồn lên trong ngực, đi theo các tùy tùng kia tới ngôi nhà tạm nằm ngay ngoài cổng Tây Nam. Lính và Thị vệ lớp lớp cho y biết nhà vua đã có mặt. Trường Khánh công đứng ngoài, vẫy tay gọi y vào chờ bên cạnh. Trong nhà tạm, nhà vua đang trò chuyện với một viên quan về việc đóng tàu hơi nước.

“Bẩm, thuyền này lớn hơn chiếc trước, tính phí tổn khoảng hơn mười một ngàn quan.” Viên quan mặc trang phục đại thần nói vẻ hơi đắn đo. Nhà vua chỉ điềm nhiên gật đầu.

“Ta đóng thuyền vừa cho công việc, vừa để thợ trong nước học tập máy móc, làm được những việc tinh xảo. Cho nên đừng tính những tổn phí này.[4]” Ngài ta nói khi mở bản vẽ xem xét. “Tính ra tự đóng lấy thuyền vẫn rẻ hơn mua lại của Tây dương. Trước Đào Trí Phú hỏi giá một chiếc tàu hơi nước ở Tân Gia Ba đến gần ba vạn quan, trong khi mua về mà không biết sửa chữa thế nào, vận hành ra sao lại chẳng dùng được.

“Trước ta nghe con ông Thắng từ Phú Lang Sa về kể thợ nước họ tập trung thành xưởng riêng, còn bảo chế độ thợ thuyền của ta không tốt. Bắt thợ ở các nơi đến Kinh phục vụ nửa năm, khiến người không làm ăn được, thợ giỏi chỉ tìm cách trốn. Nhưng những việc như đóng tàu hơi nước, học nghề mạ, chế tác thủy tinh thì phải tập trung họ lại mới dạy được, ở quê thì biết học ở đâu? Đến món đồ chơi làm từ xương bò bán ở Bao Vinh cũng phải nhập từ Thanh sang, ấn ngọc của triều đình phải đưa sang Quảng Đông khắc, đến giờ mới tự dùng kim cương khắc ngọc được. Coi như thợ đến Kinh nửa năm này cũng không uổng phí đi, có thể đem nghề về mà làm đồ dùng, nơi nơi đều có máy móc tinh xảo tân tiến cả.” Hôm nay nhà vua có vẻ phấn chấn, ngài ta nói như thuyết phục viên quan trước mặt, hoặc tự kể với mình. “Đoàn người ta gửi sang Đại Tây dương đã nhắc nhở phải đến tham quan xưởng thợ bên ấy, đặc biệt là nơi làm đồ thủ công, gốm sứ, mong đưa về được kiến thức nào hữu dụng. Trước nay ta chỉ mới có hàng thô đem bán, nhưng đồ chế tác được giá cao hơn nhiều. Khanh có nhớ lần đó mua vải từ Quảng Đông về lẫn với lụa của ta mà thương buôn Tàu gắn nhãn, đóng dấu của họ vào rồi bán như giá lụa Bắc không? Lụa ta đáng lẽ phải bán được cao gấp mấy lần thế đấy, mà lại để cho bọn người ngoài ăn chặn trục lợi.

“Ngoài đường cát ra, ta cũng nên nghĩ cách tạo hàng hóa mà bán, chứ tài nguyên trong nước chẳng còn mấy nữa. Bấy lâu nay các mỏ ở vùng biên đều để cho người Thanh khai thác cả, chúng ta đều mờ mịt không biết gì. Ta phải đọc báo Kinh sao mới nghe người Thanh bảo mỏ bạc nhà ta rất nhiều[5]. Người Thanh chịu được khổ, lại có kẻ cầm đầu đốc thúc, mới có thể làm việc ở những mỏ ấy. Còn ở ta, Phan Thanh Giản đến mỏ thuê người lấy bạc, đã trả công hậu, tặng thưởng cao mà ai cũng kêu khó khăn vất vả, người không làm được, bạc thu chẳng mấy. Có phải do ngại việc mà bỏ cả kho vàng núi bạc vào tay người khác rồi không? Người cũng thỉnh thoảng báo với ta về bãi ngọc này, đảo tổ yến nọ, nhưng kẻ tới khai thác đều bảo không có mấy, làm không được. Có khi ta nghĩ phải đói rét cùng quẫn đến như người Thanh mới chịu lăn lưng ra làm dưới quyền bọn chủ mỏ, bị chúng hành hạ đến không ra hồn người, hay như những vùng thuộc Tây dương bị đám Hồng Mao coi như súc vật, thế thì mỏ mới có bạc, biển mới có ngọc.”

“Hoàng thượng nhân từ, sao có thể để chúng dân phải đau khổ như bọn phu mỏ ấy.” Viên quan cúi mình nói. Nhà vua ngẩng đầu, trong chớp mắt, y nhận thấy vẻ mặt kỳ lạ của ngài ta. Nửa như chế giễu, lại nửa dường khinh ghét. Nhưng thái độ ấy biến mất rất nhanh, ngài ta chỉ mỉm cười, như thể rất bằng lòng với câu nói sáo rỗng nọ.

Ngài ta lại tiếp tục bàn với viên quan về các loại máy móc, thuyền bè. Trường Khánh công chăm chú nghe bọn họ. Quân lính vẫn lặng phắc đứng xung quanh trong âm thanh rì rào của gió qua cánh đồng, tiếng người làm việc ở khu đền bờ sông. Chim hót ríu rít sau tường thành. Khung cảnh vẫn yên ổn thanh bình khiến y cảm giác như không thực. Như một giấc mơ có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Cho viên quan lui, nhà vua gọi Trường Khánh công tới, đưa cho anh ta một bản vẽ khác.

“Con tới mảnh đất phía trước ruộng tịch điền xem xét đi. Năm sau ta định dựng một cái vườn ở đấy, cho con làm chỗ đọc sách.” Ngài ta lại cười trước vẻ mặt Trường Khánh công. “Ta cũng cho em Miên Định, Miên Nghi của con hai cái vườn ở khoảng đất này. Vườn của con xây trong thành, gần cung Khánh Ninh, ta định dỡ lầu Nhật nhật tân trong ngự uyển ra dựng ở nơi ấy, con thân đến xem xét đất đai, công việc cho vừa ý mình.”

“Dỡ lầu Nhật nhật tân ạ?” Trường Khánh công hỏi lại như không tin vào tai mình. Nhà vua gật đầu, anh ta quỳ ngay xuống làm lễ. “Tạ ơn phụ hoàng.”

Y vẫn còn thấy vẻ xúc động của Trường Khánh công khi anh ta rời đi. Cho cả người hầu cận bên cạnh theo con trai, lúc ấy nhà vua mới gọi y vào. Đúng lúc y vừa lạy chào, một người mặc trang phục Vệ úy quân Vũ lâm ôm cái hộp lớn vào nhà tạm.

“Bẩm hoàng thượng, các con thú vàng đúc tặng những trưởng công chúa mất sớm đã xong.” Ông ta cúi đầu tâu. Nhìn sang, y nhận ra chính là Hồ Văn Lưu, hẳn ông ta vừa được thăng chức lãnh nhiệm đội quân thân tín có địa vị cao nhất của nhà vua.

“Để ta xem.” Nhà vua nói. Buông bỏ dáng vẻ nghiêm trang, ngài ta ngả người trên cái sập tre, cầm mấy con thú bằng vàng trong hộp mà xem ngắm. Y hé mắt nhìn qua, thấy trong hộp chỉ có ba con chim vàng, hai con có đuôi dài như chim trĩ, một con chim to hơn lại có vẻ giống phượng hoàng[6].

“Ngươi biết thứ này dành cho ai không?” Cầm con chim giống phượng lên, nhà vua chợt hỏi. Y nhìn nó hồi lâu rồi đáp.

“Bẩm, hẳn là bà chúa Tư ạ. Sách viết: Thượng cổ có hai loài chim thần, màu đỏ là chim phượng, màu xanh là chim loan.” Ngài ta sẽ không thể đem hình chim phượng ban tặng cho chị em gái, người nhận con chim loan này hẳn có địa vị đặc biệt quan trọng với ngài ta. Im lặng một thoáng, y bèn nói tiếp. “Chim loan vốn chỉ hót trước mặt đồng loại. Có điển tích là ‘Thanh loan vũ kính’. Một đại vương nọ bắt được chim loan về nhốt trong lồng, nó hàng tháng hàng năm chỉ ủ rũ không hót. Có người mách đại vương hãy dựng một cái kính trước mặt chim loan để đánh lừa nó. Ai ngờ, thấy bóng mình trong kính, chim loan kêu lên một tiếng thảm thiết rồi chết.”

Nhà vua không lên tiếng, chỉ ngắm nhìn con chim loan bằng vàng trong tay, tựa như ngài ta mỉm cười. Lúc sau, ngài ta đặt tất cả vào trong hộp, sai Hồ Văn Lưu đưa vào kho của hoàng cung, rồi dặn thêm khi ông ta nhận lệnh đón lấy cái hộp.

“Ngươi đến Thái y viện tìm Tả viện phán Nguyễn Tăng Long, bảo ông ta đến xem bệnh cho Hoàng Quýnh.” Ngài ta nói rồi lại thở dài. “Vừa bị bộ Hộ hặc giáng chức thì lại dâng tập thỉnh an đòi thống nhất cân lường cho cả nước, công việc ấy lại càng phiền phức lâu dài lắm, kẻ ấy đúng là vừa mua việc vào mình, vừa tự chuốc lấy phiền não.”

“Ông Hoàng Quýnh chỉ là vừa từ Trấn Tây về, lâu ngày cực nhọc, công việc đón Khánh tiết sang năm của bộ Công lại bận rộn nên không được khỏe. Ông ấy tính tình hào mãi, không phải là người để bụng chuyện nhỏ, chỉ dốc lòng làm việc của mình, cũng hiểu tấm lòng của hoàng thượng.” Hồ Văn Lưu nhẹ nhàng nói. Nhà vua cười.

“Vì hiểu nên hắn mới ngang như cua thế đấy. Hắn không để bụng chuyện nhỏ thì người khác cũng có thể không để bụng à? Hắn ở Gia Định gây chuyện với bộ Hộ, moi móc ra bao nhiêu án của phủ thuộc Kiến An công, chưa kể mâu thuẫn từ xưa với Vũ Xuân Cẩn, bây giờ về đây khó sống yên với người. Ta cho đi theo Lê Văn Đức thì hắn lại thò chân sang bày việc cho bộ Hộ. Thật có kẻ vừa ngu ngốc vừa ngang ngược đến không thể chịu được.” Giọng nhà vua chợt hạ thấp. “Hắn cứ cho rằng mình thẳng thắn, nhưng cái gì cũng tin là thật, gây chuyện cả cho bản thân lẫn người khác.”

“Thần sẽ lựa lời an ủi ông ấy.” Hồ Văn Lưu vẫn nhẹ giọng đáp. Y nhìn thoáng qua đôi mắt ông ta, bỗng dưng cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

Cái gì cũng tin là thật cả. Ngài ta tin lời bọn quan của mình à, Hoàng Quýnh nói. Nhưng việc đổi y phục ở Bắc Kỳ đã hơn mười năm vẫn chưa hoàn thành, lẽ nào nhà vua có thể tin rằng là ‘không có vấn đề’? Ngài ta vừa thúc giục, vừa nói với mọi kẻ rằng ‘việc êm thắm không lời dị nghị’. Thứ ngài ta quan tâm chỉ là thái độ của những kẻ cầm đầu – những kẻ được gọi đến hội ý và ra lệnh. Chỉ cần họ im lặng, đó là sự thật. Mọi chuyện trên thế gian này, một khi được thừa nhận và thực hành theo thời gian, sẽ đều hóa thành sự thật hiển nhiên.

Một đất nước mà chúng dân vì tổ quốc quên thân, những đoàn người tình nguyện hăng hái ra làm việc công, liều chết cho nước, đồng nhất phong tục, cùng chung tiếng nói, cùng tôn thờ, cùng lý tưởng, mọi thứ được lặp đi lặp lại, được tuyên dương cổ động, được xưng tụng ngợi ca, rồi sẽ đều trở thành sự thật. Sự thật trong những trang sách và các bài thánh ca. Sự thật đương nhiên xác tín ngàn vạn năm nay trong thế giới của con người.

Như người Thanh và thuộc quốc Tây dương. Tiền tài cùng sức mạnh được tạo thành từ núi xương bể máu, từ hàng triệu triệu người ngã xuống dưới gốc cây thuốc phiện, từ bao nhiêu linh hồn vùi lấp trong sóng biển hang sâu, từ bao nhiêu tan nát thảm khốc của chiến cuộc và tranh đoạt, từ bao nhiêu đau đớn khổ sở không thể cất thành lời. Nhưng những điều ấy cũng sẽ bị vùi chôn dưới vinh quang, bạc vàng và chiến thắng, là niềm tự hào kiêu hãnh, là niềm vui và hạnh phúc. Là điều đúng đắn hiển nhiên. Như sự thật.

Đi về phương Tây, tìm đến Đại Tây dương. Những chuyến tàu vốn đã được hoạch định, rời bến trước khi tin tức xung đột từ Quảng Đông truyền về. Tây dương với súng ống và thuyền chiến, cướp bóc cùng giết chóc, giả dối vô lương trong lời ngài ta vẫn nói. Mùa đông năm ấy, trong cơn bệnh đến kiệt quệ cả tâm can, đó là điều ngài ta đã nghĩ. Đóng thuyền ra biển, tiến về phía thế gian.

Trong nỗi oán hận đến cháy cả lòng.

 

Chú thích:

[1] Ngũ Hiểm than của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, năm 1840: “Tức như, hiện nay thổ dân làm phản, triều đình lại cho Ngọc Vân về, tha tên Yểm để đẹp lòng họ, thì họ dò biết pháp luật triều đình có chỗ chịu kém. Nếu họ lại yêu cầu xin phục chức cho thổ quan, noi theo phong tục Thổ, không được như thế thì lại làm phản, cũng sẽ phải nghe ư? Như thế còn ra thể thống gì? Huống chi, đang lúc ngọn lửa bạo ngược của chúng bốc lên, không nghĩ đến việc sớm dẹp tắt đi, lại bàn đến cuộc xử hoà, chịu nhún theo chúng để thêm cái ác cho chúng mà chúng lại càng kiêu ngạo, thì ngày khác lấy gì mà trị nổi được chúng ư?”

[3] Theo quy chế từ năm 1837, quan văn từ Viên ngoại lang, võ từ Phó Vệ úy trở lên được tới Thái y viện xem chữa bệnh, thuốc do nhà nước cấp.

[4] Thực lục, tháng 10 năm 1839: Chế tạo thêm một chiếc thuyền lớn, máy chạy bằng hơi nước, tính tiền hết 11.000 quan có lẻ. Vua bảo bộ Hộ: “Trẫm muốn những người làm thợ nước ta đều học tập máy móc được tinh xảo, cho nên không tính đến sự tổn phí”.

[5] Trước đây vua xem bản Kinh sao của nước Thanh, thấy Tổng đốc tỉnh Trực Lệ nhà Thanh là Kỳ Thiện nói mỏ bạc Tống Tinh nước ta rất nhiều chất bạc, mà ta chỉ đánh thuế như thuế buôn bán cho phép người nước Thanh được khai, hằng năm họ lấy được 2 trăm vạn lạng bạc tốt mang ngầm về nước. Nhân thế vua phái Ngự sử Nguyễn Văn Chấn đến nơi khám nghiệm… Vua bèn sai Thanh Giản đem theo thị vệ, hộ vệ đi ngựa trạm đến sở mỏ, phát ra 4, 5 nghìn quan tiền kho tỉnh ấy, thuê lấy nhiều người trả công cao, hợp với bọn phu mỏ đào nhặt lấy bạc, rồi cứ theo việc làm khó hay dễ, số bạc lấy được nhiều hay ít, cứ 15 ngày báo về một lần.

… Hai mỏ ấy khí bạc bốc lên chưa vượng lắm, công việc khai lấy vất vả khó khăn mà không được bao nhiêu bạc. Vua nghĩ phái đi đã lâu ngày, cũng đã vất vả, bèn triệu về, sai Ngự sử là Lê Khắc Nhượng, Vũ Đức Nhu đến thay. Sau vì số bạc ngày một kém, bỏ việc khai lấy, lại giao cho người trưởng mỏ lĩnh trưng.

[6] Thực lục, năm 1840: Dụ thưởng các anh em với vua mỗi người hình con thú bằng vàng; chị em gái với vua mỗi người một hình con chim bằng vàng… trưởng công chúa thứ 4 thuỵ là Tĩnh Chất một hình con chim loan bằng vàng nặng 3 lạng 2 đồng cân; trưởng công chúa thứ 6 thuỵ là Trang Khiết, trưởng công chúa thứ 12 thuỵ là Trinh Ý mỗi người một hình con chim trĩ bằng vàng nặng 2 lạng 9 đồng cân.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.