Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

117. Than thư kiểm đắc cựu hoàn cân
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 22nd, 2019
  1. Than thư kiểm đắc cựu hoàn cân, tri thị tình lưu thức bệnh thân[1]
    (Kiếm sách tìm lại được khăn cũ, biết là tình lưu lại để lau kẻ bệnh)

 

Dù Trường Khánh công đã nhắc nhở như thế, hôm sau là ngày lẻ nên bọn họ phải vào chầu. Chẳng biết có phải vì lo y tìm cách trốn, từ sáng sớm đã có người đến nhà trọ dẫn y ra phía Tây thành. Do ngủ trễ, y gật gật gù gù, ngáp ngắn ngáp dài đi theo họ, dừng chân ở khu nhà ngoài sông Hộ Thành.

Khu nhà này vẫn còn đang xây dựng, bờ sông mới được lát đá một khoảng, và y nhận ra ngay lý do tại sao qua mấy ngôi đền, cái đã hoàn công, cái vẫn còn đang dựng. Hẳn đây là khu đền phía Tây mà mọi người nói tới, nhà vua sau khi hoàn thành việc cải tạo khu chợ Đông đã chuyển sự chú ý sang bờ Tây ngoài thành. Hôm trước Miên Liêu dẫn y tới Bạch Liên thôn đã cho thuyền dừng ở bến phía trước, đến giờ y mới thấy mảnh đất nằm giữa thành và khu nhà của quan lại, hoàng thân. Chỉ có vài ngôi làng nhỏ nằm lẫn trong cây cối xanh rì, khu chợ gần dòng nước nối liền với quãng đất mà quân lính đang xây cất.

“Ông đến đây sớm thế?” Một giọng nói quen quen chợt vọng bên cạnh khiến y quay đầu nhìn qua. Đám tùy tùng đang dẫn y tới mấy gian nhà tạm lợp lá dành cho quan tướng coi việc. Người mà y nhận ra là viên Thị vệ Vũ Huy Dụng đi qua, cười nói với Hoàng Quýnh ngồi trong gian bên cạnh.

“Sao anh cũng tới đây sớm thế?” Hoàng Quýnh nói thay lời chào, vẫy Vũ Huy Dụng vào trong ngồi cùng. Y nhận ra Vũ Huy Dụng đã không còn mặc trang phục áo gấm của Nhất đẳng Thị vệ, thay vào đó chỉ là áo Thị vệ bậc thấp trong thành.

“Tôi vừa ở pháp trường về.” Vũ Huy Dụng ngồi cạnh Hoàng Quýnh, đón ống điếu trong tay viên quan mà rít một hơi. “Sau kỳ thu thẩm bao giờ cũng nồng nặc tử khí, thật làm người ta ớn lạnh.”

“Ai bị xử mà anh phải đến coi chém?” Hoàng Quýnh tò mò hỏi. Vũ Huy Dụng rít xong điếu thuốc mới đáp.

“Mấy tên biền binh theo Gia-tô ở Nam Định. Chúng tên là gì ấy nhỉ? Bùi Đức Thể, Phạm Viết Huy, theo như quan hình án đọc. Vụ này từ lúc ông chưa về Kinh nên chắc không rõ đâu. Sau việc đạo trưởng Tây dương lẩn trốn trong vùng bị phát giác ra, Tổng đốc Trịnh Quang Khanh rà soát lại toàn bộ biền binh trong tỉnh, bắt kẻ theo đạo phải bước qua thánh giá. Vùng ấy người theo đạo nhiều, biền binh theo Gia-tô cũng nhiều, nhưng hầu hết đều tuân lời Tổng đốc cả. Chỉ có ba tên Bùi Đức Thể, Phạm Viết Huy, Đinh Đạt là nhất quyết không làm, Trịnh Tổng đốc tâu xin chém chúng đi. Hoàng thượng vẫn còn thương xót nên bảo ông ấy cố sức khuyên nhủ lại lần nữa, thì coi như việc cũng thành.[2] Ai ngờ, mùa hạ vừa rồi hai tên này khăn gói vào hẳn Kinh, đánh trống đăng văn kêu rằng việc năm trước là do quan tỉnh ép buộc chứ chúng không muốn làm, nay xin dù chết cũng không bỏ đạo, triều đình muốn chém cứ chém. Khi hỏi ra thì tên Đinh Đạt ở Nam Định cũng nói thế. Trịnh Tổng đốc vì vậy mà bị phạt.” Vũ Huy Dụng ngẩng đầu nhìn làn khói lờ mờ trước mặt. “Hoàng thượng sai Cẩm y vệ đem chúng ra bờ biển, chém ngang lưng ném xuống biển, tôi mới phải đi đấy.”

“Sao phải ra bờ biển, chẳng lẽ còn muốn thuyết phục chúng bước qua thập giá lần cuối à?” Hoàng Quýnh hỏi, rồi cũng đổi giọng. “Những kẻ này thật không thể hiểu nổi, một miếng gỗ mà chúng coi là thánh là thần. Chỉ là bước qua một miếng gỗ rồi chúng về muốn làm gì thì cứ lén lút mà làm, ai bắt được, chẳng lẽ Thượng đế của chúng bắt tội chỉ vì thế? Đằng này chạy đến hẳn kinh thành là muốn làm gì? Chả lẽ bắt hoàng thượng phải tiếp tục tha bổng, nương tay cho chúng, để cái đạo ấy tha hồ bùng phát khắp nơi, luật pháp thành trò cười cả à?”

“Hoàng thượng bảo chúng ngoan ngạnh, còn tôi thì nói đó là đám làm loạn. Chắc chắn chẳng phải chỉ có hai kẻ vào Kinh đâu, phía sau chúng còn cả đám người khác chực chờ xem xét. Như ông nói, nhảy qua thập giá thì cũng nhảy rồi, đạo thì chúng cứ giữ một mình ai bắt được, chúng vào Kinh kêu đòi cho ai xem? Chúa của chúng cần hoàng thượng cho phép à?” Vũ Huy Dụng lắc đầu cười. “Đầu năm nay lại có người từ Xiêm về, kể chuyện dân Gia-tô ở Nam Kỳ trốn theo quân Xiêm đến hơn hai ngàn người, được xếp ở ngoài thành Vọng Các[3]. Năm đó Tướng quân Trương Minh Giảng chẳng báo rằng bắt được tên bên đạo đi theo Xiêm, bảo rằng đạo trưởng Tây dương ở Xiêm cũng đang huy động giáo đồ toàn vùng tới đánh chiếm Nam Kỳ đó sao? Lúc ấy chúng ta còn lấy làm lạ sao quân Xiêm lại gồm toàn dân Chà Và như thế, hẳn là bọn Gia-tô đứng sau tất cả đấy. Không có bọn chúng thì Phi Nhã Chất Tri gây hấn bao nhiêu năm ở Bắc Tầm Bôn nhưng có dám thò chân sang Chân Lạp đâu, sao trong một lúc mà huy động được đến vài vạn người?

“Theo lời kể của người ấy, đạo quân của Phi Nhã Chất Tri từ Bắc Tầm Bôn xuống, bị Tướng quân Trương Minh Giảng đánh đuổi chỉ còn bốn, năm trăm tên. Còn đạo quân của Phi Nhã Phạt Lăng vốn là đội thủy binh đánh từ Hà Tiên lên, đã kịp tẩu thoát sau khi đốt phá sạch trơn Hà Tiên, An Giang. Đám người Gia-tô ở Nam Kỳ cũng ngay lập tức tập hợp được cả ngàn kẻ chạy theo chúng, con số lẩn trốn trong dân gian còn hơn thế nhiều. Mà ông nghĩ lại xem, năm ấy quân Xiêm lởn vởn ngoài khơi Hà Tiên rồi đánh vào, các tướng quân ở Nam Kỳ còn bất ngờ không phòng bị, không nghĩ là chúng dám đánh, chỉ trong có vài ngày mà cả Hà Tiên, An Giang thất thủ. Vậy mà đám dân Gia-tô này bằng cách nào chỉ trong khoảng thời gian ấy đã bồng bế dìu dắt nhau chạy theo Phạt Lăng được thế? Chúng biết, ngay từ đầu chúng đã biết. Chúng tụ họp trong thành Phiên An tử thủ theo tên nghịch Du vốn là để chờ đợi đám bên ngoài.” Vũ Huy Dụng gõ ống điếu vào cạnh bàn, giọng bất chợt cất cao. “Hoàng thượng bảo chúng vứt bỏ đất nước của cha mẹ như cái giày rách, tôi thấy còn đáng sợ hơn thế. Một đám người tụ tập với nhau, cắm đầu nghe theo mấy lời xằng bậy của bọn Tây dương, rồi bằng mọi cách phải truyền đạo, phải chiếm thế thượng phong, phải thao túng triều đình, bài bác phong tục đất nước. Bọn Bùi Đức Thể ấy là phải chống đối đến cùng, lúc này chúng còn đóng vai kẻ bị bức hiếp chứ đám người ấy mà chiếm được quyền lực thì chả ai sống nổi với chúng. Từ cái Nhà thờ bên Tây dương cho đến đám đạo trưởng tụ tập quanh vua Phú Lang Sa, xâm nhập khắp nơi này, có mà không ai sống nổi với chúng!”

“Năm xưa vua Khang Hy cho đám giáo sĩ vào triều đình, dành biết bao ưu đãi, cho phép chúng tự do truyền giáo khắp nơi. Đổi lại là Giáo hoàng của chúng ra lệnh cấm giáo đồ theo phong tục thờ tổ tiên, năm lần bảy lượt viết thư, thuyết phục Khang Hy theo chúng, đến mức vua cũng không hòa hoãn thêm được. Hẳn chúng thấy mình có vai trò trong chiến tranh Nga La Tư thì tưởng thao túng được vua, đám người ấy đúng là không ai chịu nổi.” Hoàng Quýnh cũng lắc đầu thở dài. “Thế Tổ xưa kia thân thiết với Bá Đa Lộc nhưng cũng chẳng muốn đạo giáo này phát triển bám rễ khắp nơi, không cho nó xâm nhập vào triều đình. Lê Văn Duyệt chỉ vì háo danh mà không biết kiểm soát bọn giáo sĩ, dẫn đến chẳng những bị chúng hại thân bại danh liệt mà nhà tan nước nguy, kéo theo sau hậu hoạn không biết đâu mà lường.”

“Cũng không hẳn là háo danh, ông ở Gia Định cũng biết vùng ấy phức tạp thế nào. Bọn thương lái người Thanh hẳn đánh hơi được mối lợi từ Tây dương rồi, nói cho cùng thuốc phiện chúng bán từ đâu ra, cảng buôn của chúng chẳng phải hầu hết nằm trong tay Tây dương? Chúng là bọn chỉ cần có tiền thì thứ gì mà không dám làm, huống hồ là câu kết với người Gia-tô?” Vũ Huy Dụng chợt đổi giọng. “Phái viên từ Quảng Đông vừa về kể Tổng đốc Lưỡng Quảng Lâm Tắc Từ mới thu giữ hơn ngàn thùng thuốc phiện của người Hồng Mao[4]. Đại Thanh đã ra lệnh cấm thuốc phiện từ gần mười năm trước rồi mà chẳng có kết quả gì, lần này Lâm Tắc Từ tuân lệnh vua Đạo Quang quyết liệt thanh tra toàn Quảng Đông, lại đụng độ với bọn Hồng Mao trước hết. Nghe nói bọn Anh Cát Lợi đến làm loạn ngoài cảng nhưng không có tác dụng.”

“Chẳng phải đến chính người trong cung triều Đại Thanh cũng hút thuốc phiện sao? Nước ấy thuốc phiện được bày bán nơi nơi, từ bá quan văn võ cho đến hoàng tử hoàng thân đều hút, nói cấm thì cấm cho ai? Luật đã không thi hành được với ngay cả người trong nhà, đành phải đi bắt chẹt bọn Tây dương mong hòng dứt nguồn họa. Ta xem việc này sẽ chỉ càng lúc càng lớn chứ chẳng thể yên được đâu.” Hoàng Quýnh chợt ho khan, dựa lưng vào tường mà thở ra. “Hoàng thượng lo bọn Tây dương không bán được thuốc phiện cho Trung Quốc thì dồn cả về đây, hoặc bán rẻ ở Hạ Châu cho đám thương lái người Thanh buôn, cho tra xét hết cả phố chợ Quảng Nam lẫn thuyền công cán. Nhưng chẳng biết Trương Minh Giảng có kiểm soát nổi Trấn Tây, hay lại ra một Lâm Tắc Từ. Anh ta cấm được thì lại lo thế này, không cấm được thì lại lo kiểu khác.”

“Ông bệnh à?” Vũ Huy Dụng không để ý đến lời Hoàng Quýnh, chỉ lo lắng hỏi khi viên quan gập người ho. Dứt chuỗi ho dài, Hoàng Quýnh mới mệt nhọc trả lời.

“Mấy năm ở Gia Định ấm áp, về đây mùa đông lại chợt không quen.” Ông ta cười. “Từ khi ra làm quan được bổ đi khắp nơi, không biết cẩn thận coi trọng sức khỏe, đến khi có tuổi rồi mới thấy sức xuống quá nhanh.”

“Đã vậy sao ông còn ra đây vào sáng sớm thế này? Chỉ là mấy ngôi đền cho phi tử chứ có phải công việc lớn lao gì mà phải vất vả thế?” Vũ Huy Dụng lo lắng lấy áo choàng quàng lên vai Hoàng Quýnh, cau mày nói. Lại nghe tiếng cười của Hoàng Quýnh.

“Ta về đây làm một Viên ngoại lang Công bộ thì chỉ có những việc thế này. Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ đều đang phải đi dựng lầu hoa để lấy công chuộc tội, nghĩ xem có loại công việc nào dễ dàng mà lại xóa tội nhanh nhất như thế này không?” Ngừng một thoáng, Hoàng Quýnh hạ giọng. “Vả lại cũng nên hoàn thành sớm trước kỳ Khánh tiết năm sau để hoàng thượng được an lòng.”

“Tôi cũng mong thế.” Vũ Huy Dụng trầm ngâm đáp. “Tôi theo ngài ấy hơn ba mươi năm rồi mà vẫn chưa bao giờ đoán được ngài nghĩ gì. Tưởng lúc trừ diệt Lê Văn Khôi, phong tặng Thần phi được rồi thì ngài sẽ vui vẻ, ai ngờ ngài bỏ bẵng việc gì cũng không muốn làm. Lúc đang bệnh nặng từ mùa đông năm trước thì ngài lại bày ra biết bao nhiêu chuyện. Định lệ thuyền buôn của nhà nước, đóng tàu, đi sứ Tây dương thì ngài đã muốn làm từ lâu rồi, nhưng đến chuyện chia lại đất đai ở Bình Định năm trước Tổng đốc Vũ Xuân Cẩn tâu bày mà ngài bảo quá rắc rối không thể làm được ấy, bây giờ ngài cũng quyết làm. Đến ông Nguyễn Công Trứ hăng hái quyết liệt là thế mà cũng nghĩ muốn dung cho bọn hộ đánh cá người Thanh ở Chàng Sơn, Vạn Ninh, để chúng sinh sống rồi dùng chúng chống hải tặc, năm lần bảy lượt muốn dùng người Thanh chống người Thanh. Ngài nhất định không tin, bắt bọn thuyền hộ phải thành xã để quản chế, thanh trừ cả một dải Chàng Sơn để không kẻ nào ẩn nấp được. Việc vừa nói thì nảy ra chuyện của Lâm Tắc Từ, lại nghe dân Thanh bên kia biên giới tràn sang đánh cướp châu Vạn Ninh của ta rồi. Mấy năm nay ở Thanh thiên tai liên tiếp, nạn đói khắp nơi, lại thêm thuốc phiện hoành hành, người người còn đâu nhân tính, kẻ trên bờ trộm cướp trên bờ, kẻ ở biển cướp bóc dưới biển. Tôi nghĩ không phải tự dưng có đến ba bốn tên đạo trưởng Tây dương tập trung ở Bắc Kỳ đâu. Ngài còn bảo, Bình Định vốn là nơi phát ra mối họa trước, lại là vùng mà địa chủ bá chiếm ruộng đất bao đời[5]. Dù Vũ Xuân Cẩn tâu xin hạn chế ruộng tư chỉ năm mẫu là quá ngặt, nhưng không thể để tình hình cứ thế mãi, khiến cho dân ta oán, hậu quả khó lường.”

“Bình dân ta oán có hậu quả của bình dân, nhưng hào phú ta oán có khi còn gây hại gấp bội. Anh thấy từ xưa đến nay làm loạn chỉ có bọn hào phú khởi xướng, đám thường dân vác gậy gộc đi theo, chứ ngược lại bao giờ? Nghe ngài nói việc đổi trang phục ở Bắc Kỳ, chia điền thổ ở Nam Kỳ được êm thắm không lời dị nghị, ta chỉ muốn hỏi ngài tin lời đám quan lại của ngài ấy à?” Hoàng Quýnh cười khan, bất chợt trở nên gay gắt. “Nhưng ta nói thì thành ra do mâu thuẫn riêng với Vũ Xuân Cẩn mà cản trở, trong khi bộ Hộ đầu têu cho cả lục bộ tâu xin chia ruộng đất Bình Định, đến hoàng thượng cũng phải thuận theo. Ai mà lạ cách chiếu chỉ ban xuống, quan dưới dựa thế nạt nộ cho dân phải tươi cười mà hầu quan trên, nhìn tưởng đâu toàn là thái bình thịnh thế, dân chúng vì nước quên thân cả. Tập trung cả đám người đến rồi giơ chiếu chỉ hỏi, có tên điên nào dám đứng lên mà cãi? Êm thắm không lời dị nghị - ta vẫn bảo người ở trong cung điện nói chuyện đạo lý thì biết quái thế nào bên ngoài!”

“Không phải vì ông nói như thế mà bộ Hộ tố ông đấy chứ?” Vũ Huy Dụng thận trọng hỏi nhỏ. Hoàng Quýnh ngả lưng dựa tường nhìn nắng đang lên trên dòng sông, lúc lâu mới đáp.

“Từ khi hoàng thượng lên ngôi, ta đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Trong triều này hẳn chẳng có ai đi nhiều như ta đâu. Từ khi ta làm Hành tẩu của Văn thư phòng, nơi nào có vấn đề là hoàng thượng lại phái ta đến. Ta tới Quảng Nam trông coi việc mua từng cân đường cát, đến Nghệ An coi thi, rong ruổi khắp đồng bằng núi non Bắc Kỳ xem đê điều, sông ngòi, có chiến tranh thì ta cũng đến biên giới đốc thúc từng đoàn người tải quân lương, rồi tới Nam Kỳ, kinh lý Trấn Tây, đến công cán ngoài biển ta cũng đã đi rồi. Càng đi ta càng hiểu rõ, có những việc không phải chỉ một đôi lời mà nói được, càng có chuyện không thể dùng lời mà phân rõ. Các ông quan xuất thân thư sinh, dù có từng làm Tri phủ, Tri huyện mà lên, cũng có khi chẳng biết nhiều hơn những gì mình thấy, thậm chí không hiểu được công việc của đồng liêu mình. Quan võ thường bảo quan văn là loại chẳng biết gì, chính vì võ quan mới là người phải làm việc trực tiếp với quân đội xuất thân từ mọi loại người, mọi nguồn gốc, thân phận, phải làm đủ mọi cách để dẫn dắt đám người ấy tìm đường sống chứ chưa nói đến chiến công. Anh đã bao giờ thấy Lê Văn Đức đề xuất những việc như lấy đất của hào phú thế chưa? Thậm chí bây giờ ông Nguyễn Công Trứ sau nhiều năm ở ngoài cũng đã chẳng còn muốn nhất nhất phải chém đinh chặt sắt, đã nói đến thỏa hiệp cùng chấp nhận. Đề ra đủ loại cải cách thì ai nói mồm chẳng dễ, nghĩ sao mà chẳng thấy cao quý đẹp đẽ, tưởng sao mà chẳng vẽ ra được tương lai thái bình thịnh vượng, nhưng trên đời đâu phải chỉ có trắng với đen, tốt với xấu. Huống hồ, con người rốt cuộc là cái gì trước thế gian?” Hoàng Quýnh nói rồi lại cười. “Đến anh hơn ba mươi năm đi theo hoàng thượng trung thành cẩn trọng, năm xưa tới Gia Định còn nổi máu nghĩa hiệp bắt giam tên chủ thuyền buôn lậu, bị quan lại cả Gia Định truy lùng, may mà có hoàng thượng bảo vệ cho. Nghe đến kẻ gian anh bắt kẻ gian, nghe đến hổ làm hại dân thì anh lên núi giết hổ, không biết sợ là gì. Vậy mà đến khi đi công cán buôn bán cũng nào có tránh khỏi tham lợi mờ mắt, vì mấy trăm lạng bạc mà bị tước hết chức vụ đi làm khổ sai rồi chuyển thành Thị vệ Ngũ đẳng, có hối cũng không kịp.

“Ta biết, đi lại với bọn thương nhân co kéo từng đồng, nói toàn chuyện tiền bạc thì ai mà tránh khỏi lòng tham lợi. Các chủ sự đi công cán ngoài biển của ta thường đem của bán riêng, hoặc có khi câu kéo được mối hời, bán được nhiều tiền hơn, thường lấy cả khoản chênh lệch chứ chẳng nộp cho triều đình. Các ông ấy ai chẳng giàu có tiền muôn bạc vạn, rồi việc chấm mút ấy được coi như lệ thường cả. Việc trên đời là thế đấy, ai cũng coi là lệ thường cả thì làm sao bây giờ?” Vũ Huy Dụng như toan nói, Hoàng Quýnh nhẹ nhàng tiếp. “Ông nội ta được người tôn xưng là Hoàng Quang xử sĩ, ta cả đời này cho rằng mình sống không thẹn với lòng, đến mức được cử đến Gia Định làm quan thì ta còn lo là con ta ở nhà không biết lấy cái gì mà ăn mà sống, hoàng thượng phải cho tiền để ta đi[6]. Vậy mà ta cũng cứ liên tiếp phạm lỗi chỉ vì nóng nảy tự cho mình đúng, thích gì làm nấy, kể ra cũng là một dạng chấp nhất. Thế mà ta lại hiểu được bọn người thường, nghe được chúng than oán kể khổ, biết được nguồn cơn mọi việc, thông cảm được cho những lý lẽ nhỏ mọn ấy. Người bảo ta ngáng trở con đường vì nước vì dân của họ, người lại bảo ta thiên kiến thiển cận cái gì cũng sợ, nhưng có lẽ ta giống ông nội, không làm được anh hùng, chỉ là một kẻ sĩ trong núi vì người thường mà kêu khóc, vì vua mà thương xót thôi.

“Nghĩ ra thì làm một anh hùng chẳng dễ lắm sao? Anh cũng là một anh hùng giết hổ, anh hùng trừ gian đấy thôi.” Hoàng Quýnh cười lớn. Vì thái độ nhẹ nhõm của ông ta, Vũ Huy Dụng gượng cười theo. “Có những điều quả thật chẳng nói được, chẳng biết nói làm sao được. Nếu trên đời chỉ có tốt xấu đúng sai thì lại chẳng dễ quá ư? Như bọn diễn kịch tuồng thì chỉ cần anh hùng và tội đồ, chỉ là kẻ trên độc ác bức hiếp kẻ dưới thiện lương. Như với các quan viên đầy chính nghĩa chỉ thấy kẻ phú hào vơ vét tài sản, bóc lột dân nghèo, lừa trên dối dưới, thấy chúng câu kết với nhau phạm pháp. Như dân đen thấy lại thuộc nhũng nhiễu, quan chức bức hiếp, kẻ giàu thao túng hưởng lợi. Nhưng ta nói, lịch sử từ trước đến nay chẳng hề được lập nên bởi anh hùng, không đâu. Anh hùng chỉ là những cái tên diễn trên sân khấu. Lịch sử thật sự là những kẻ không tên, những kẻ không ai để ý tới. Tất cả bọn chúng mới là kẻ nắm dây điều khiển con rối.

“Còn chúng ta, chúng ta ở nơi đây có là gì đâu, chúng ta chỉ đang cuốn theo dòng chảy, là những hình nhân vô tri bị thế gian giật dây, trong khi tự coi mình thật sáng suốt khôn ngoan. Mà chúng ta có khi coi sự vô tri ấy là khôn ngoan, sống theo đời chính là khôn ngoan. Đó chẳng phải là điều các đạo giáo vẫn dạy ư? Sao lại phải nghi ngờ, phải chống đối, phải đau khổ, đó là việc của bọn quỷ dữ, bọn khốn khổ khốn nạn bị giáng phạt đày đọa. Ngươi đau khổ vì ngươi ngu ngốc không chịu hiểu, vĩnh viễn không chịu hiểu, vì ngươi khát khao những thứ không thể có, vì ngươi không nhận ra mình chỉ là một con hình nhân tạo nên bởi máu xương kết tinh từ bùn đất, múa may theo làn gió. Vì ngươi coi mình cao hơn cả thánh thần, cả trời đất, huống hồ là cái nhân gian mê muội này. Cho nên trời đất sẽ không để cho ngươi sống an lành, phải vùi ngươi xuống mười tám tầng địa ngục. Cho nên trời đất phải đập nát ngươi, ngay cả trên dương thế này.”

Càng nói, giọng Hoàng Quýnh càng nhỏ. Y ghé mắt nhìn qua liếp tranh, thấy ông ta đã ngả người xuống bàn mà nhắm mắt, nét mệt mỏi in hằn giữa hàng mi nhưng nụ cười vẫn phảng phất nơi khóe miệng. Vũ Huy Dụng lo lắng đứng lên gọi người ngoài tìm thầy thuốc tới hỏi han. Mấy tùy tùng của Hoàng Quýnh đang trông coi công việc gần đó cũng vội trở về. Khu nhà tạm bỗng chốc hóa ồn ào chộn rộn.

Nhân lúc không ai để ý, y liền vòng ra sau đến khu đền thờ gần đó. Hai đền dành cho Thần phi và Vĩnh Tường quận vương đã xây xong, khói hương nghi ngút. Đền Gia phi, Triển thân vẫn đang xây dựng. Y thấy một ngôi đền lớn bảy gian khác bên kia cầu, liền tò mò bước lại. Ngôi nhà bên trong đã hoàn thành, thậm chí hoa văn còn có hơi cũ kỹ dù trau chuốt tinh tế rất mực, nhưng khu vườn xung quanh vẫn đang ngổn ngang xây dựng. Không có ai bên ngoài, y liền vào trong đền. Bên trong đền có sáu án thờ lớn nhỏ. Tại giữa chính điện là án thờ lớn để hai bài vị, y đọc được ngay dòng chữ Tiệp dư Nguyễn Thường thị và Cung nhân Lê thị[7].

Hẳn đây là Ý Thục từ mà Trường Khánh công nói tới, vốn là Hồ Phạm nhị tần từ chuyển sang phía Tây. Vị cung nhân được kính thờ ở gian giữa nọ chính là mẹ của Miên Liêu, người đã bị phế truất mọi danh vị nhưng vẫn được nhà vua dành cho vị trí hạng nhất nơi này.

Bỗng nhiên, y thấy ánh vàng lấp lánh ngay dưới bài vị. Mảnh hổ phách nhỏ không biết từ đâu lại xuất hiện trước mắt y, mờ mịt trong màu khói nắng.

 

Chú thích:

[1] Bệnh hậu sở ký của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, tháng 8 năm 1838: Quang Khanh tâu nói: “Biền binh các cơ thuộc tỉnh ấy phần nhiều theo đạo Gia tô, đã sức cho bước qua chữ thập, trong đó có bọn Phạm Viết Huy, Đinh Đạt, Bùi Đức Thể 2, 3 lần dụ bảo, đều xin chết theo Thiên Chúa, vẫn không chịu bước qua, xin nên xử tội chém”. Vua bảo rằng: “Bọn chúng chỉ ngu xuẩn chấp mê nhất thời, so với người cưỡng hiếp phạm tội nặng tình tội có khác, gươm búa đã chém muốn hối sao được, lòng trẫm thương xót hiếu sinh, không nỡ thế. Chuẩn cho đem đến bãi biển, sai bước qua giá chữ thập, bảo cho bọn chúng tính mệnh ở giây phút, nếu không bước qua, tức thì chém đầu quăng xuống biển, chúng nếu bước qua ngay thì là còn biết sợ, còn có một điểm lòng người cảm hối, tức cứ thực tâu lên, không thế thì chém cũng chưa muộn”. Quang Khanh bèn đem bọn Viết Huy bảo cho hoạ phúc, chúng đều bước qua hơn 10 lần, sai tha cho và thưởng cho mỗi người 10 quan tiền.

[3] Thực lục, tháng 2 năm 1839: Dân hạt Hà Tiên có Nguyễn Văn Xung ở Xiêm trên 30 năm, đến nay đem gia quyến trốn về… Ngày tháng 10, sai Chất Tri đem 7.000 bộ binh, Phạt Lăng đem 7.000 thuỷ binh, chia đường lại cứu. Năm thứ 15, nghe tin đạo binh của Chất Tri bị quân ta đánh lui chạy về chỉ còn 400, 500 người, đạo binh của Phạt Lăng cũng thua, chỉ còn 5.000 người… Phạt Lăng đem về một chiếc thuyền đi biển và người Kinh theo đạo Gia Tô trai, gái, già, trẻ hơn 2.000 người, và cướp được dân Kinh ước hơn 300 người, các người theo đạo Gia Tô cho ở xứ Điếm Xiển, gần thành Vọng Các.

[4] Thực lục: Phái viên thuyền Nam Hưng từ Quảng Đông về nói từ trước đến nay tỉnh thành ấy cho người nước Hồng Mao bày hàng, 13 hàng trữ bán thuốc phiện. Người nước Thanh nhiều người hút, Tổng đốc mới Lâm Tắc Từ cho là phạm điều cấm, thu ngay tang vật đến trên 1.000 thùng, còn phái đi tra xét chưa hết.

[5] Thực lục: Vũ Xuân Cẩn dâng tập thỉnh an nói: “Một hạt Bình Định ruộng công chỉ có trên 5 nghìn mẫu mà ruộng tư nhiều đến trên 1 vạn 7 nghìn mẫu, các ruộng tư thường bị bọn hào phú chiếm cả, người nghèo không nhờ cậy gì.”

[6] Thực lục, năm 1836: Cho Tả thị lang bộ Lại là Hoàng Quýnh đến thay. Quýnh tâu nói: “Thần làm quan ở ngoài, nhà nghèo, con nhỏ, không trông vào đâu để có ăn. Vậy xin lưu số gạo lương ở nhà để nhà lĩnh dùng”. Vua phê rằng: “Thưởng cho tiền 100 quan, gạo 100 phương, để cho con cái ăn. Trẫm vốn biết ngươi nghèo, cũng không trừ vào lương bổng của ngươi.”

[7] Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, gian giữa của Ý Thục từ trước thờ Tiệp dư Nguyễn Thường và Cung nhân họ Lê, sau đổi An tần vào vị trí của Tiệp dư Nguyễn Thường.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.