Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

116. Trượng di sơn tịch mịch
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 18th, 2019
  1. Trượng di sơn tịch mịch, chung đoạn nguyệt bồi hồi[1]
    (Gậy dời đi núi vắng lặng, chuông ngừng lại trăng bồi hồi)

 

“Ngươi sao thế?” Nghe tiếng nói vọng trên đầu, y vội trấn tĩnh lại mà sụp xuống sàn.

“Bẩm, mỗi khi tiếp xúc với viên đá, tôi vẫn thường có cảm giác khó chịu. Từ khi đá vỡ thì cảm giác này càng mạnh hơn, xin bệ hạ thứ lỗi cho.” Y đáp khi đầu óc vẫn còn chống chếnh, dù sao đây cũng là sự thật. Người kia lại im lặng một lúc rồi chợt cười.

“Ngươi bảo mình là đạo sĩ trong núi?” Đôi hài trước mặt y lại cử động khi ngài ta nghiêng người tựa vào chiếc gối tựa bọc gấm, dường như cúi xuống quan sát y. “Khi nãy mặt ngươi tái dại, ta tưởng ngươi ngất đi rồi, nhưng chớp mắt lại ăn nói trơn tru đến thế. Ngươi có biết ta thường cho gọi các quan được bổ nhiệm vào triều để gặp gỡ tìm hiểu, không chỉ những viên võ biền thô lậu mà đến vài kẻ xuất thân văn học cũng luống cuống sợ hãi, nói năng lắp bắp, không biết phải dùng lễ nghi gì. Trong khi ngươi còn nhớ ra ngay một câu thơ để đối đáp với ta cơ đấy.

“Một kẻ dân quê trong núi lần đầu đến kinh thành, vào gặp đức vua, có thể tỉnh táo đến thế à? Ngươi nói năng cứ như thể… ngươi biết ta.” Nhà vua chầm chậm nói, lại khẽ cười. “Miên Tông bảo rằng ngươi có chút kiến thức, lại càng lạ thường. Bọn thuật sĩ giang hồ các ngươi chỉ giỏi miệng lưỡi lừa người, cốt nói ra những thứ mà ai nghe cũng thấy đúng. Con người thật ra kẻ nào chả giống nhau, nhìn mặt gửi lời chẳng khó đến thế, nói ra những điều khiến chúng tán tụng tôn thờ càng dễ. Chỉ có điều, những chuyện ấy chẳng cần kiến thức. Bọn bói toán đồng cốt các ngươi chỉ giỏi dựa bóng thánh thần, mạo danh anh hào, vẽ vời những chuyện trên trời dưới biển nghe thì hay ho mà thật ra chẳng có gì đúng, nói những thứ ngàn vạn kẻ tin – cũng là những thứ dối trá vớ vẩn nhất hạng. Kiến thức, hay sự thật, chính là thứ chẳng lọt tai người được, nói ra chỉ khiến ngươi thành một kẻ điên. Một tên đạo sĩ điên khùng thì đến quỷ thần cũng chẳng dung được, huống là đạt được danh cao vọng trọng.”

“Có người nói với tôi rằng, càng đi đến gần sự thật thì đến quỷ thần cũng phải sợ. Quỷ thần tồn tại ở nhân gian chính là vì không phân định được những mịt mờ đó thôi.” Y vẫn nhũn nhặn nói. “Tôi lâu nay sống trong cảnh tu hành phiêu bạt, vốn là phải nhìn mặt người mà đáp lời, người thích nói điều gì thì tôi theo như thế, cũng chỉ là chút kiến thức quê mùa ít ỏi học được từ xưa.”

“Ngươi trông trẻ tuổi thế này, trước khi trở thành đạo sĩ thì ngươi ở đâu?” Thuận theo ý của y, nhà vua hỏi.

“Bẩm, tôi là người trong vùng, con của một gia đình khá giả, thời niên thiếu may được dạy dỗ học hành. Năm ấy, loạn Lê Văn Khôi nổi lên, rồi quân Xiêm tràn đến, nhà tôi bị phá nát không còn gì, người nhà ly tán, đến giờ tôi vẫn chưa thể tìm lại hết.” Y nắm lại mảnh đá trong tay, nghe cả hơi thở của người kia cũng thay đổi. “Tôi có một người anh trai trước đó vì phạm chút lỗi lầm mà bị giam trong nhà ngục Phiên An, sau loạn bị bắt giữ lại rồi chết trong ngục. Anh tôi có vị hôn thê năm đó cũng vì loạn lạc mà bị cướp bắt đi, khi tôi tìm thấy thì chị ấy đã hóa điên dại. Cha tôi cũng bị giam rồi được thả ra, nhưng bắt đi tha phương chuộc tội không có ngày về. Tôi lưu lạc khắp nơi, số phận run rủi trở thành đạo sĩ, vốn cũng chỉ là cách bảo toàn bản thân.”

Càng nói, giọng y càng đổi khác. Bao năm nay, đây là lần đầu tiên y kể lại những điều này. Những lời này thật đơn giản làm sao, so với ký ức của y. Cũng như loạn lạc ấy sẽ được báo về nơi này cho ngài ta chỉ qua chữ nghĩa và lời kể của quan tướng, những trận chiến cùng con số, bao nhiêu đau thương sẽ bị vùi lấp trong mưu đồ cùng tranh đoạt, bị cuốn trôi theo những sự kiện liên tiếp xảy ra. Phận người, bao nhiêu người xung quanh y, rất sớm đã bị lãng quên, nỗi đau nghe cũng xa xôi như từ một giấc mộng.

“Chẳng trách ngươi nói, thứ có cùng linh khí sẽ cảm nhận được nhau.” Nhà vua nói sau khắc im lặng ngắn, rồi đưa tay, y biết ý liền dâng lại mảnh đá cho ngài ta. Nhà vua xoay nó giữa những ngón tay, ánh nắng lấp lánh chiếu qua những góc cạnh trong suốt. “Ngươi đã thấy được gì trong đây rồi?”

“Bẩm, là hận.” Y quỳ thẳng lưng lên, tuy vẫn chỉ hướng ánh mắt đến bàn tay ngài ta, chậm chạp buông từng lời. “Một đứa trẻ, rất hận.”

 

“Chỉ có một đứa trẻ thôi ư?” Trái với ý nghĩ của y, nhà vua cười. Trong lúc y còn không biết nói sao, ngài ta đổi giọng. “Người ta thường thấy đúng thứ mình muốn thấy. Viên đá này được cất giữ bao nhiêu năm ở Bạch Liên thôn, nằm trong tay bao nhiêu người, ngươi lại chỉ nhận thấy ‘phong bi nhật huân’, chẳng lẽ khi đến đây ngươi vốn chỉ nghĩ về ta?”

“Là ông hoàng Miên Liêu đã hướng cho tôi.” Ngập ngừng một khắc, y liền quyết định nói. “Ông hoàng đưa cho tôi một chuỗi hạt làm từ xương mà mẹ ông ấy thường đeo.”

“À, những thứ phù thủy của dân Chiêm và dân Thổ.” Nhà vua gật đầu nói như đã hiểu ra. Nhưng rồi ngài ta im lặng.

Ngài ta vẫn im lặng cho đến khi Trường Khánh công trở lại, báo rằng Miên Liêu vẫn đang trong giờ học buổi chiều, chỉ vừa phái người đến phủ cậu ta tìm các lại thuộc và người hầu để hỏi chuyện. Nhà vua liền cho cung giám đưa y ra ngoài đợi. Đứng ở cửa, y nghe mấy lời nói lõm bõm lọt vào tai.

“Con đã xem được khoảng đất nào phía Tây sông Hộ Thành chưa?” Nhà vua hỏi. “Năm sau tiết Ngũ tuần Đại khánh của ta, con cả Hồng Hi của Miên Hoành cũng đủ mười lăm tuổi, đúng lệ được phong quận công rồi. Ta muốn phong Hồng Bảo một thể, đã thế cần cho cả mẹ Hồng Bảo ít danh nghĩa.”

“Vâng…” Giọng Trường Khánh công không hiểu sao lại thoáng ngần ngừ. “Hồng Bảo tuy là con trưởng nhưng Đinh thị xuất thân thấp…”

“Hồng Bảo cũng là cháu trưởng của ta, năm xưa khi nó sinh ra ta còn làm lễ tế thần kỳ cả vùng[2]. Vả lại ta không thể phong con Miên Hoành mà không phong cho con của con, làm như thế có hại về sau, Hồng Nhậm lại chưa đủ mười lăm tuổi.” Nhà vua hạ giọng nói. “Đinh thị ở bên con bao nhiêu năm, chẳng phải được con yêu quý sao[3]?”

Y không nghe Trường Khánh công trả lời, cung giám đã đến đưa y ra cổng cung. Hồi lâu sau, tùy tùng của Trường Khánh công báo y được lệnh về chờ đợi. Bọn họ dẫn y về nhà trọ để thu dọn đồ đạc, đưa y tới khu nhà nằm phía sau lục bộ, gần với trường tập bắn của quan viên trong đài Đông Hoa. Khu diễn trường này nghe nói được thành lập năm trước, dành cho toàn bộ quan văn từ Viên ngoại lang, võ từ Quản vệ trở lên đến tập bắn súng, thuốc đạn do bộ Binh cung cấp. Tiếng súng trong đài vọng tới tận lúc chiều muộn, trống báo canh một đóng cổng thành. Trời đã tối hẳn, bỗng Miên Liêu xuất hiện trước cửa ngôi nhà y ở. Không nói không rằng, tùy tùng của cậu ta nắm y kéo thẳng đến đài diễn tập kia.

Bên trong đài, súng lớn súng nhỏ được gác trên kệ, ánh sáng mờ nhạt từ mấy chiếc đèn soi vài hình nhân, bảng bắn phía bên kia tường. Miên Liêu nhấc một khẩu súng, nheo mắt ngắm trong bóng tối mờ mịt. Đám tùy tùng thả y đứng lại trong góc đài rồi lui ra ngoài. Một lúc sau, y lại thấy cửa mở, Trường Khánh công một mình bước vào, cánh cổng dày cẩn thận đóng phía sau anh ta.

“Em nghĩ nói chuyện ở đây là thuận tiện nhất. Đến tiếng súng cũng khó vọng ra ngoài.” Miên Liêu điềm nhiên nói, vẫn khoan buông khẩu súng xuống, chợt ‘à’ lên một tiếng khe khẽ. “Súng này vẫn còn sót đạn bên trong. Lính canh đài lại phải phạt rồi.”

“Không cần phải đến những nơi như thế này. Anh chỉ muốn hỏi em làm cách nào đưa đạo sĩ ấy từ Nam Kỳ về đây.” Trường Khánh công từ tốn đi tới gần Miên Liêu, điềm đạm nói. Nghe Miên Liêu cười khẽ.

“Em chỉ ra phố Bao Vinh hỏi chuyện các thương nhân người Tàu, lân la tìm hiểu xem trong vùng của họ có đạo sĩ nào giỏi nhất. Từ sau chuyện năm trước, em phải tự mình chạy ngược xuôi làm lễ khâm liệm, lo chuyển quan về Bình Định, tìm người nhờ vả việc của bà, vốn chẳng phải như các anh việc gì cũng phải nhờ đến Trưởng sự để cho người ta nắm thóp. Làm việc với các thương buôn rất dễ dàng, chỉ cần có tiền là được.” Cậu ta ngẩng đầu nhìn lên bóng tối trên mái đài cao. “Rất tiếc việc này làm phiền đến anh, nhưng em chỉ phạm luật đi lại với thuật sĩ, không liên quan đến việc kết giao với quan lại bên ngoài. Nếu có gì thì anh phạt mỗi mình em là được.”

“Nếu cần làm lễ cầu phúc, em có thể hỏi anh. Dù sao triều đình vẫn cho làm lễ cầu siêu, ngay cả đường đường chính chính mời đạo sĩ đến tế lễ một ngày vẫn được.” Trường Khánh công nói, nhưng Miên Liêu lập tức ngắt lời.

“Anh đừng ra vẻ như đây là việc có thể ‘đường đường chính chính’. Năm trước Hồ Hựu làm Bố chính Quảng Nam còn tâu xin dùi lỗ đeo vòng vào tai con cháu nhà Lê ở tỉnh ấy để kiểm soát cho dễ. Người người quanh đây nhìn bọn hậu nhân này như bệnh dịch, chỉ hận không thể thích chữ chặt tay để tuyệt hậu hoạn. Nhà Tả quân còn có kẻ thương tiếc, chứ làm lễ cho kẻ phản thần này bằng chọc vào mắt người ta à?” Miên Liêu gay gắt nói, đổi lại chỉ là tiếng thở dài.

“Hồ Hựu chẳng phải đã bị trách mắng nặng nề, thậm chí cách toàn bộ chức tước giáng xuống Chủ sự rồi ư? Mẹ em được thờ trong gian chính điện Ý Thục từ, hưởng tế lễ như cung tần hạng nhất, có gì mà không được?” Lại một lần nữa, Trường Khánh công lại bị ngắt lời.

“Những việc như thế…” Miên Liêu nghe như thể nghiến răng nói. “Người như anh thì làm sao mà hiểu được?”

“Thế em hiểu ‘người như anh’ à?” Trường Khánh công cười, bước đến lấy khẩu súng trên tay Miên Liêu, đưa lên ngắm vào hình nhân rơm phía trước. “Các em túm tụm với nhau, làm hết bài ‘cung từ’ này đến bài ‘cung từ’ nọ, đứa thì ra vẻ hào hứng kể chuyện phải bệnh nặng thì phụ hoàng mới tới thăm, đứa thì mạo danh Tần Hán nói việc cung oán tình lạnh. Còn ta thì vẫn phải cười ra vẻ không liên quan đến mình, trong khi chỉ cần gặp các cung tần của phụ hoàng thì ta đã phát ngại lên được[4]. Chúng ta ở bên ngoài cứ cười cười nói nói, nhưng các em cho rằng ta không biết gì à?

“Trong khi đôi lúc ta vẫn nghĩ, có phải thực sự phụ hoàng yêu thương ta chăng?” Tiếng súng bất chợt nổ, nhấn chìm lời cuối của Trường Khánh công. Con hình nhân ngã xuống đất trong bóng tối mù mịt. Trường Khánh công vẫn ôm khẩu súng ngún khói bất động. “Ngài thật sự coi trọng ta, tán thưởng ta, cho rằng ta xứng đáng làm kẻ kế thừa, hay chẳng qua chỉ nhìn thấy ta qua người khác? Từ lúc bé, tuy không sống chung nhà, ngài đã mang ta đi mọi nơi. Theo ngài, tám tuổi ta biết cưỡi ngựa bắn súng, khi ta xuất các thì ngài lấy Lang trung Công bộ làm Trưởng phủ sự, mọi nghi thức triều đình đều là ta đứng đầu. Người ngoài nhìn vào thấy vinh dự vô song, trong khi ta chỉ cần nghe ngài khen thơ ta một lời ở vườn Thường Thanh đã đem bài thơ ấy về đóng khung treo lên tường, cảm động khôn nguôi. Ngài tán thưởng tài thơ của các em, thậm chí yêu thích sự đẹp đẽ dịu dàng của mấy đứa, đều là thật từ các em ra cả. Còn ta, phúc khánh này, vốn đều từ chữ Khôn mà ra. Ta sống cả cuộc đời không dám làm sai cái gì, không dám thất thố lấy một giờ một khắc, lúc nào cũng như đi trên lưỡi dao. Ta chính là người gần gũi ngài nhất, cũng là người nhận chịu mọi hạnh tai của ngài, mọi việc làm của ngài.

“Ta không muốn giống như phụ hoàng. Hoàn toàn không.” Tiếng cạch khô khốc vang khi Trường Khánh công lại bóp cò, nhưng súng đã thực sự hết đạn. Anh ta chậm chạp hạ mũi súng, như ngẩn người mà nhìn về phía hình nhân đã ngã mất dạng trong bóng tối buông xuống cuồn cuộn từ đỉnh đài.

Miên Liêu cũng ngẩn ngơ nhìn anh trai. Lúc lâu sau, cậu ta ngồi xổm, gục đầu lên gối, phát ra những âm thanh chẳng biết là tiếng khóc hay cười. Trường Khánh công quay người để súng lên giá, chờ Miên Liêu bình tĩnh lại rồi rút trong áo ra một cuốn sách nhỏ.

“Phụ hoàng bảo đạo sĩ này làm lễ xong thì cho về, không cần phải trốn tránh lén lút. Với em thì các quan trốn còn không kịp, làm gì có ai chịu ‘câu kết’? Cho nên việc này để qua đi.” Trường Khánh công đưa cuốn sách cho Miên Liêu, hạ giọng. “Ngài bảo trong di vật của mẹ em để lại còn cuốn sách này, đưa cho em một thể.”

“À, ta cũng vừa thấy các con vật được đúc tặng cho hoàng tử nhân ngày Khánh tiết năm sau dâng vào cung, đem sang cho Tôn Nhân phủ coi giữ. Em được tặng một con hổ đấy, chỉ có ba hoàng tử được tặng con vật ấy.” Trường Khánh công nói rồi cười. “Hổ thần mạnh mẽ, trước đặc cách ban cho Trấn Tây tướng quân[5], mong làm kẻ đội trời đạp đất tung hoành giữa rừng già. Ngài không cầu em phúc lộc, chẳng cần em an tĩnh đáng yêu, mà em phải mạnh mẽ hơn bất kỳ ai mới được.”

“Ngươi chuẩn bị mai vào cung.” Trường Khánh công quay lưng ra về, đi ngang qua y, anh ta nói khẽ chỉ để mình y nghe được.

Trường Khánh công đã đi, y nhìn hình bóng nhỏ bé của Miên Liêu vẫn thu mình trên sàn gạch, giữa các tấm bảng, hình nhân, ụ rơm cùng những mũi súng bao quanh, bốn phía tường cao dày đặc quánh bóng tối, khung cảnh bỗng dưng khiến y nghĩ tới một khu lăng mộ im lìm. Y những muốn đi đến an ủi cậu ta, rốt cuộc không biết phải nói gì. Mọi con người ở đây đều mang một thế giới của riêng mình, những điều mà họ chẳng cần ai chia sẻ. Cậu hoàng tử này đã bị bỏ lại một mình nơi đây, giữa rừng già, dù có cô độc liếm trăm vết thương cũng vẫn phải tự đứng lên, kiêu hãnh và tàn khốc. Đó là dòng máu chảy trong huyết quản cậu ta, như định mệnh.

Khi đã trấn tĩnh, Miên Liêu quay đầu thấy y vẫn đứng trong góc liền gọi lại, đưa cho y cuốn sách cậu ta cầm trong tay.

“Cuốn sách này ta vẫn thấy ở chỗ mẹ luôn, ngươi thuận tiện xem thế nào.” Cậu ta nói, rồi tiếp ngay. “Nếu ngươi làm hỏng nó thì đừng trách ta.”

May mà cậu ta chưa biết y đã làm vỡ vụn chuỗi hạt xương, y vừa nhận lấy cuốn sách vừa than thầm trong bụng, sớm nghĩ cách trốn khỏi kinh thành trước khi bị phát hiện. Vì tâm trạng rối rắm ấy, đến khi về phòng trọ tạm mà lật thử sách ra đọc, y mới nhận ra đây chính là cuốn mà Nguyễn Đăng Giai đã đưa cho cô cung tần nọ năm xưa. Sách này chép những thứ anh ta thấy trên đường đi ra Bắc, những câu chuyện được nghe kể, thường là việc thần kỳ linh dị của sự vật quanh vùng, đôi lúc người viết chua thêm hiểu biết của mình vào. Văn phong sách giản dị linh hoạt, nội dung phong phú đầy màu sắc, y cũng say sưa đọc mãi. Có lẽ do không còn những vật kỳ quái như hòn đá hay chuỗi hạt kia bên người, đầu óc y nhẹ lâng lâng. Chừng tiếng đồng hồ điểm canh ba, đọc đến trang sách cuối cùng, y nằm xuống, lập tức ngủ say như chết.

Nhưng những giấc mơ không buông tha cho y. Trong giấc mộng, y dường thấy cái cây trong sách kia hiển hiện trước mắt. Tán cây rộng đến hàng trượng, thân cây hơn chục người ôm, gồ ghề thô ráp. Quanh cái cây, núi non trùng điệp, xanh ngát một màu.

“Cảnh sắc thật là đẹp phải không?” Y nghe tiếng cười nói, như thể chính mình đang thốt ra. Y vừa nói vừa gật đầu. “Nhưng nhà binh sợ nhất là phải đi lên núi vào lúc như thế này. Sơn lam chướng khí chẳng nói làm gì, có khi chỉ một hai quả độc rơi xuống, vài thứ dơ bẩn chảy theo mưa nhiễm vào, cả nguồn nước hóa độc cả. Năm xưa ta đi đánh Thanh Hóa, Thánh Tổ ra lệnh quan quân mang theo đồ đựng nước mưa trữ lại, sau khi mưa hai, ba ngày mới được lấy nước suối uống.

“Ngài ấy vẫn cẩn thận lo lắng đủ mọi việc như thế.” Y vẫn cười, nhưng nghe như thở dài. “Ngài ấy thường bảo với ta, Đăng Giai nhà ngươi mưu kế linh hoạt cái gì cũng thông, nhưng gặp việc thì loanh quanh, không thì lại thất thố, âu cũng là do không chịu nghĩ cho người khác. Ta hỏi thế nào là nghĩ cho người khác, đám tướng lĩnh trận nào cũng thắng ấy chẳng phải giỏi nhất là xua người đi trước, mặt sắt quát ra lửa khiến không kẻ nào dám thoái lui, lấy thây trăm họ làm công một người đó sao? Hay ngay cả đám đại quan nhất phẩm trong triều đình, tưởng đâu công cao vạn trượng, trị quốc an dân, vậy mà sau khi ngài ra đi thì chẳng còn bày ra được thứ gì, làm được thứ chi, việc gì cũng đến tay một kẻ như ta.

“Ai mà ngờ một kẻ như ta cuối cùng lại thành thế này.” Y cười ha ha, nghe đau tức trong ngực, hơi thở chợt hụt đi. “Thánh Tổ mất, Nam Kỳ có loạn, đám giặc cướp ở Sơn Tây nổi lên, thế là ta đang ở Bắc Ninh bị phái đi đánh dẹp Sơn Tây. Bắt được bọn cướp ở Sơn Tây rồi lại đến Thái Nguyên có loạn, ta đang có tang cha mà vẫn phải cung chức lên đường. Bao nhiêu bọn mà ông bạn Lê Văn Đức để sót, ta bắt lại sạch. Bao nhiêu điều về đê điều mà Hoàng Quýnh còn không có cơ hội nói, ta sắp xếp lại. Ngay cả việc năm xưa Thánh Tổ muốn các lễ bang giao phải thi hành ở Kinh sư, không muốn nhận phong ở Bắc Kỳ, ta cũng tâu bày để thi hành, buộc sứ Thanh phải đến Phú Xuân làm lễ. Bọn họ đều ra đi sớm, đẩy hết việc cho ta, có phải là đang đùa ta đấy không? Có ai ngờ ta đến lúc nói được câu ‘Thần còn sống giờ khắc nào cũng chỉ mong báo đáp hoàng ân’ cơ chứ.

“Thanh Nghệ dịch bệnh mất mùa, lại là ta đi kinh lược. Bọn giặc Thái Bình thiên quốc nhà Thanh làm loạn Quảng Tây, đánh sang nước ta, ta cũng phải đến biên giới, coi quản toàn bộ công việc ở Ninh Thái, Lạng Bằng. Mấy năm nay ngựa không lúc nào ngừng vó, muốn về thăm mẹ một lần cũng khó khăn. Nhưng ta xem loạn ở Thanh sẽ chẳng ngưng sớm đâu.” Y nhìn lên bầu trời cuối hạ xanh đến nhức mắt, nghe như có âm thanh ồn ĩ phía xa. “Ngươi biết không, bọn tự xưng Thái Bình thiên quốc ấy nhân lúc bệnh dịch mà truyền bá đạo Thiên Chúa của Tây dương, lấy đạo giáo ấy kêu gọi người làm phản. Xem chúng đã kêu gọi được những kẻ thế nào, là bọn dân đói họp nhau làm cướp, như đám châu chấu đi đến đâu phá sạch đến đấy, tràn sang nước ta mà đánh thành cướp phủ, mỗi lũ đến bảy, tám nghìn người. Quan Thanh đánh mạnh thì chúng lại chạy về đầu hàng bên ta, bắt nhau giao nộp chuộc tội. Ngươi xem, có theo Thượng đế hay Nông Văn Vân, theo A Mao hay A Cẩu nào đó, thì chúng vẫn cứ giống hệt nhau.

“Rồi nhà Thanh lại phải dựa vào đám người Tây dương để có vũ khí, rảnh sức lực mà đi đối phó với bọn giặc Thái Bình. Đám Tây dương bọn chúng, một mặt truyền đạo cho dân ngu làm loạn, một mặt bán vũ khí cho người trong nước đánh giết nhau, thao túng Bắc Kinh, chẳng mấy chốc sẽ xử trí Trung Quốc y hệt như cách chúng đã chiếm Ấn Độ cùng bao nhiêu quốc gia khác. Bọn Thái Bình này dẫu có chiếm đất làm vua một cõi được đi chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ là thứ vật tế ngu dại trên sân khấu kịch tuồng. Nghe nói bọn chúng diễn lại y hệt loạn lạc năm nào ở Phú Lang Sa, đám người đói ào đi giết cướp, chiếm nhà nước, nói năng những thứ điên khùng về công bằng, bắt chia phần mọi thứ. Bọn cướp nói chuyện công bằng và đạo lý, vốn chỉ để cướp được nhiều hơn.

 

“À, câu chuyện anh hùng của đám dân thường lẫn bọn văn sĩ vô dụng, nào là minh quân, nào là thánh chúa, làm như chỉ cần có một ông vua là lúa tự mọc mầm, gió tự tạnh mưa tự rơi, trong khi thậm chí có khi ông ta còn không quản nổi một tên lý trưởng góc làng. Cũng như bây giờ nghe nói bên Thanh lại nảy nòi ra bọn chí sĩ đòi học theo Tây dương, mặc sức múa bút trên giấy, nghe lỏm học đòi vài thứ linh tinh, mấy chuyện lạ lùng bề mặt về để hô hào cho sướng miệng, cầu danh tiếng. Cũng y như lúc bọn chúng nhất nhất theo ông Khổng, ông Mạnh, đào bới sách vở trích câu lấy chữ, tôn thờ tán tụng. Giờ cũng là bọn ấy với cách thức y như thế, rồi dán nhãn cho nhau tự cho mình là thánh nhân. Trong khi kẻ phải đối phó với toàn bọn A Mao A Cẩu như ta chỉ thấy chúng giống hệt nhau, muôn đời giống hệt nhau.” Y lại ha hả cười lớn, cười đến phát ho. Y gục xuống thở dồn, nhận thấy bàn tay mình đã lở loét nứt toác, những vết thâm bầm đen lại. Y nhắm mắt nghe tiếng tim đập từng hồi bưng bưng trong tai, nghe những tiếng gọi lo lắng quanh mình, lại cười. “Hoàng Quýnh đi rồi, Thánh Tổ đi rồi, Lê Văn Đức cũng đi rồi. Người năm xưa chẳng còn ai nữa. Giờ chỉ còn mình ta chống đỡ đại cục này, quả nhiên như cha ta nói, ta là người có phúc đấy.

“Vì thế mà ta còn ở đây, nơi trời không dung đất không tha, người không ai chịu nổi. Ta chỉ về trong triều có mấy năm mà người đã không chịu nổi, chỉ chực đồng loạt ném ta đi xa. Rồi trời đất này ta chẳng còn chốn dừng chân. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng không được dừng lại.” Y cười, cười mãi trong bóng tối nóng rực nắng hạ, nóng rực cơn sốt đau đớn hành hạ từng tấc da thớ thịt. Bên tai y, vọng gần gần xa xa, tiếng kêu gào không ngớt, từng đợt dâng như sóng. Y thì thầm, tựa chợt rơi nước mắt. “Ta đi đi. Chúng ta đi thôi.”

Chúng lại đến, kìa tiếng sóng vọng từ khắp bốn phương. Một dải Quảng Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên chìm trong loạn lạc, những đội quân dóc tóc tràn sang như châu chấu. Y phải đi thôi, đến giờ khắc cuối cùng.

Trên thế gian chỉ còn mình y ở lại, chống đỡ cơn sóng khủng khiếp bốn phương trời.

 

Chú thích:

[1] Đề Ngũ Hành sơn của Hoàng Quýnh

[2] Theo Thực lục, tháng 3 năm 1825, Minh Mạng “sai bộ Lễ sắm lễ tạ các thần kỳ”, sách không nói lý do tại sao nhưng khoảng thời gian này rất gần với ngày sinh Hồng Bảo.

[3] Thực lục, năm 1852 đời Tự Đức: “Dựng nhà thờ Trần Trang tần, Đinh Quý tần. Quý tần là mẹ đẻ của An Phong công Hồng Bảo, khi Hiến tổ Chương hoàng đế chưa lên ngôi vua, hầu hạ ở bên tả hữu, vẫn có tiếng là người đức tốt cẩn thận, cho nên đều đặc biệt chuẩn cho dựng nhà thờ.”

[4] Khi Thiệu Trị làm lễ lên ngôi, có lễ trong nội đình cho phi tần tiền triều, thái trưởng công chúa, trưởng công chúa, phủ thiếp, mệnh phụ làm lễ vái lạy. Thiệu Trị bảo phi tần tiền triều làm lễ không ổn, nên bỏ đi.

[5] Thực lục: Vua ngự điện Cần Chính, cho Trương Minh Giảng làm lễ ôm gối, tự tay rót rượu ban cho, lại cho một hình con hổ bằng vàng và bảo rằng : “Tướng quân dẹp yên giặc cướp, trị yên biên cương, để trẫm không phải lo ở phía tây, nên đặc cách cho con hổ vàng này, là lấy nghĩa hổ thần mạnh mẽ. Ngươi phải cố gắng để cùng nước cùng hưởng phúc”.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.