Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

115. Thuỳ tựu bình bồng linh dược huệ
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 18th, 2019
  1. Thuỳ tựu bình bồng linh dược huệ, mộng toàn tang tử thự chung thôi[1]
    (Ai ban thuốc linh cho kẻ nổi trôi bèo bọt, mộng về ruộng dâu nghe chuông sớm)

 

Sáng hôm sau, trong lúc y còn đang ôm đầu lo lắng trước mấy mảnh vụn hổ phách vỡ, không biết phải giải thích với Miên Liêu như thế nào, ngoài cửa chợt có người đi vào. Dù bọn họ mặc trang phục áo vải như thường dân, qua cung cách và vũ khí đeo bên người, y nhận ra ngay lập tức đây hẳn là tùy tùng của một quý nhân nào đó trong kinh thành.

“Theo chúng ta!” Vừa bước qua ngưỡng cửa, y còn chưa kịp đứng lên, người đàn ông đi đầu đã lên tiếng, trầm giọng nói trước vẻ mặt y. “Hoàng Cả cho gọi.”

Quả nhiên là Tả Tôn chính Tôn Nhân phủ, y vừa im lặng đi theo mấy người này vừa thầm nghĩ. Tôn Nhân phủ kiểm soát toàn bộ người trong tông thất, không để một ai rời khỏi mắt. Hẳn Trường Khánh công Miên Tông đã thấy y ở cạnh Miên Liêu, biết việc cậu ta mời y về đây. Dù đã có luật hoàng thân không được đi lại với bọn thuật sĩ giang hồ, vì hoàn cảnh đặc biệt của Miên Liêu, Trường Khánh công vẫn mắt nhắm mắt mở với y. Nhưng hôm trước toàn bộ Tôn Nhân phủ bị phạt vì đám diễn trò trong phủ Tùng Quốc công, anh ta không thể làm ngơ cho Miên Liêu thêm nữa. Huống hồ có thể anh ta còn biết cả chuyện Miên Liêu đến Bạch Liên thôn mượn viên hổ phách rồi dẫn y tới phủ Kiến An công, y còn qua lại phủ đệ ấy mấy lần.

Nhưng người không dẫn y đến nơi làm việc của Tôn Nhân phủ là nhà Đoan Bản, mà đưa y tới một khoảng đất nằm sau Quốc tử giám. Trong tường rào cao có mấy tòa nhà xây kiểu chùa chiền, dựng tượng Phật, binh lính vẫn còn đang trồng nốt mấy thứ cây trong vườn, lát đá cho giếng nước. Trường Khánh công ngồi trong nhà tả vu gần đó, thấy y được dắt vào liền gật đầu.

“Đạo sĩ ngồi đi.” Sau khi y lạy chào, Trường Khánh công ra hiệu cho tùy tùng lui xuống, chỉ cho y cái ghế thấp hơn phía đối diện, rồi cười. “Nơi này vẫn đang xây dựng chưa xong, không có gì thiết đãi đạo sĩ, mong người đừng phiền lòng.”

“Dạ, tôi không dám.” Y cúi đầu nói, cảm thấy ánh mắt của Trường Khánh công lướt qua mình. Ánh nắng phản chiếu trên cái nhẫn kim cương chợt chói qua mắt y.

“Ta nghe nói Miên Liêu mời đạo sĩ từ ngàn dặm đến đây, nên cũng muốn gặp người một phen. Nếu tùy tùng của ta làm đạo sĩ kinh sợ thì xin thứ lỗi.” Trường Khánh công vẫn hòa nhã nói. “Ta ở nơi xa, chưa bao giờ nghe danh đạo sĩ, chỉ biết qua xứ Thất Sơn nổi tiếng linh ứng, nhiều kỳ nhân dị sĩ. Không biết đạo sĩ tu tập theo môn phái gì, bái pháp đạo ra sao, thường hành đạo cứu người như thế nào?”

“Bẩm, công việc chính của tôi là trừ tà.” Không muốn vòng vo, y nói thẳng. Ánh sáng trên cái nhẫn lại lay động khi bàn tay Trường Khánh công nắm lại trên bàn. Nhưng anh ta im lặng, khuôn mặt chẳng hề tỏ lộ một vẻ gì, vẫn chỉ là nụ cười nhàn nhạt.

“Vậy sao? Ta nghe nói người hành pháp trừ tà đạo hạnh cao thâm nhất mới nhìn được yêu ma trong cõi nhân gian, nghe được tiếng linh hồn ở nơi trống rỗng, từ đó mà thấy được vị lai, hiểu thấu cõi trần.” Quan sát y thêm một lúc, Trường Khánh công cười. “Đạo sĩ có biết xem tướng không, xem cho ta một lời.”

Y chầm chậm ngẩng đầu, nhìn lên vị hoàng trưởng tử. Lần trước gặp vào buổi sáng cạnh bờ sông, y đã không nhận thấy vẻ mệt mỏi của anh ta, hoặc anh ta đã thường trực mang dáng vẻ thoáng chừng yếu ớt như vậy.

“Bẩm, hung trung bất hung, mỹ trung bất mỹ.” Y nói khẽ, hồi lâu không thấy Trường Khánh công phản ứng liền nói tiếp. “Ngài hiểu rõ, muôn sự chẳng phải như kẻ bên ngoài thấy.”

“À…” Trường Khánh công lại mỉm cười. Đưa mắt nhìn quanh, anh ta chợt đổi giọng. “Đây là chùa Giác Hoàng, được xây trên nền nhà cũ của phụ hoàng ta khi còn là hoàng tử. Sau khi thành Thái tử, ngài đã chuyển đến điện Thanh Hòa, để nơi này cho Thiệu Hóa quận vương. Vương không may mất sớm, đầu năm nay phụ hoàng ta lấy lại khu nhà, xây thành chùa.

“Đạo sĩ hiểu chữ Giác Hoàng không? Đó là một cách gọi khác của Phật.” Gật đầu, không để y lên tiếng, Trường Khánh công nhẹ nhàng nói tiếp. “Truyện kể rằng đức Phật vốn là Thái tử được hoàng hậu sinh ra, người mang số phận trở thành hoàng đế ngay từ lúc mới chào đời. Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa, nghĩa là muốn gì thì sẽ đạt được, tôn quý vô hạn. Nhưng có thuật sĩ nói rằng Thái tử sau này sẽ trở thành nhà tu hành, đức vua mới hoảng sợ mà nuôi dưỡng Thái tử bằng cách lạ lùng nhất. Đức vua xây cho Thái tử một khu điện đài rực rỡ, sen hồng ở góc này vừa tàn thì sen xanh góc kia nở hoa, hoan ca yến tiệc không lúc nào ngớt, cung tần mỹ nữ bao quanh như hoa như gấm. Thái tử chỉ biết đến hoan lạc, chẳng hề nhận thức được nỗi buồn đau, cứ thế mà lớn lên đến năm mười sáu tuổi thì lấy vợ, rồi sinh con. Cho đến một ngày nọ, Thái tử vì công việc mà rời khỏi cung điện, trên đường đi thấy được bao nỗi khổ sinh lão bệnh tử của đời người, trở nên đau buồn tột độ. Người liền rời bỏ vợ con, trốn khỏi hoàng cung, trở thành nhà tu hành đi khắp nơi.

“Giác Hoàng, ông hoàng tỉnh thức. Còn những người như thầy ta thì sẽ nói, kẻ tu hành rời bỏ lục thân, trốn tránh thế tục, đến một trách nhiệm cơ bản như nối dõi tông đường cũng không làm, cơ nghiệp tổ tiên không gánh vác, nói chuyện thoát khổ thì đất nước sụp đổ, gia đình ly tán, không khổ cũng thành khổ, đó là ném nỗi khổ cho toàn bộ người khác. Sinh lão bệnh tử của người đời vốn đi liền với vật chất thế gian, người nghèo cần vua để phát chẩn chia phần, người bệnh cần vua để lo toan cho thân nhân, đỡ gánh lo dương thế, thế thì người mới bớt khổ, chứ không có gì vào bụng thì ngồi tụng kinh giúp ích được sao? Người chết khắp nơi vì đói vì cướp, thì giảng đạo có thể khiến họ tự lừa mình bằng thuyết nhân quả, tự gật gù với mệnh số, rồi cho rằng mình không đau không buồn được sao? Cái gọi là thông hiểu nhân gian, lại là cực cùng hư văn vô ích, nghĩ đến thế nào cũng không thông được.” Vẫn bằng thái độ chẳng rõ buồn vui, Trường Khánh công hơi nghiêng sang bên, chậm rãi quan sát y, ngón tay cử động nhè nhẹ. “Mỹ trung bất mỹ, đạo sĩ làm ta nhớ tới câu chuyện ấy.”

Anh ta lại không nói thêm, đến lúc y buộc phải mở miệng.

“Trọng hư văn, làm những điều luật vô ích, bày ra muôn việc vốn là chuyện của người, đạo là thứ vốn vô ngôn vô ngữ, huống gì đến những thứ như thế. Trang Tử nói, đức bại hoại là do hiếu danh, mưu trí sinh ra do thích tranh đua. Thứ gọi là tài năng thực chất là thứ bất tường, không để cho con người được tận thiện. Đức cao, lòng thành không thắng được tính người, danh tốt, lòng hòa hiếu không cảm được lòng người.[2] Rồi người tự cho rằng mình là có lòng tốt đem lại cái lợi cho nhân gian cũng mắc đúng vào cái vòng hiếu thắng tranh giành, lợi danh vị kỷ như thế. Oan oan tương báo không bao giờ dứt, lại thành thứ mà con người gọi là mệnh trời.” Y chầm chậm nói trong lúc thận trọng quan sát người trước mặt. Theo lệ thường, những người gọi y đến để làm phép hay xem bói toán vẫn tự kể lể mọi thứ trong cuộc đời họ, nhưng vị hoàng tử này vẫn cảnh giác với y. Nghe câu nói của y, anh ta lại khe khẽ cười.

“Đạo sĩ làm ta nhớ trong sách nói, chỉ những thứ hữu dụng mới khốn khổ cả đời, bị đục khoét tàn phá đến không còn hình dạng. Nam Hoa kinh kể về một cái cây chẳng có tích sự gì, nhưng nó mang danh tượng trưng cho thổ thần nên sống đến trăm ngàn năm, người gọi là đại phúc đại thọ.” Trường Khánh công lắc đầu cười, có vẻ như toan muốn nói thêm nhưng rồi nhíu mày im lặng. Anh ta nhìn ra ngoài khoảng sân. Từ bên cổng chợt có viên Thị vệ bước tới, cúi người chào.

“Bẩm hoàng Cả, hoàng thượng cho gọi ngài tới hỏi chuyện xây lầu hoa của Tôn Nhân phủ.” Ông ta nói, Trường Khánh công gật đầu đứng lên, quay nhìn y dường cân nhắc.

“Đạo sĩ đi theo ta. À mà người tên gì nhỉ?” Sau khi nghe cái tên y bịa ra, anh ta không nói thêm mà gọi tùy tùng tới. Y biết thân biết phận đi theo bọn họ. Hôm nay y mặc bộ thường phục mà Miên Liêu đưa cho, theo đúng lối của người ở đây. Chưa hỏi chuyện xong, lại không muốn cho y về, Trường Khánh công hẳn phải đưa y theo tới cổng cung thành.

Nhưng anh ta không đến nội cung. Theo viên Thị vệ, đoàn người của Trường Khánh công đi dọc kinh thành, tới khu hồ phía Bắc. Cung Tĩnh Tâm được xây tường thấp bao ngoài, xung quanh trồng tre trúc xanh rì, chim kêu ríu rít. Lại nhìn y một lượt nữa, Trường Khánh công gọi y cùng hai người khác theo anh ta vào trong. Qua cầu cắt ngang hồ, bọn y đứng lại ngoài một căn nhà lớn, để một mình Trường Khánh công đi vào. Hé mắt nhìn, y thấy loáng thoáng bóng người sau mành trúc, cùng mùi khói ngòn ngọt như hương hoa thoảng ra.

“Ta vừa nghe nói về việc dựng lầu rạp, mua sản vật chúc thọ của Tôn Nhân phủ.” Sau câu chào của Trường Khánh công, giọng nói mà y nghe thấy trong mơ vọng tới. “Các ngươi là kẻ chí thân thì nên biết thể theo ý trẫm chứ không phải đi đua chen với kẻ bên ngoài, làm những việc xa hoa phung phí như thế. Vì tiết Đại khánh này mà mọi kẻ bày biết bao nhiêu là việc rồi, đến Tôn Nhân phủ còn bày đặt ra đòi ganh đua với những kẻ ấy thì còn loạn đến mức nào?”

“Vâng ạ…” Trường Khánh công ngập ngừng nói, nghe như có tiếng thở dài.

“Ta biết các con có điều khó xử, muốn mộc mạc đơn giản cũng không yên với miệng đời, lầu hoa của Tôn Nhân phủ quá đơn sơ so với các nha bộ, tỉnh thành khác thì coi sao được. Gặp việc như thế, con nên trình cho ta hỏi ý, quy định lệ bộ cách thức để kẻ khác không thể nói ra nói vào.” Im lặng một thoáng, người kia hạ giọng. “Từ sau này trở đi, con phải nhất nhất cẩn thận. Làm việc thì không tránh khỏi sai lầm, Tôn Nhân phủ càng là nơi phức tạp, con phải đích thân trông nom từng việc, coi quản từng người, không thể cứ nhất khái cảm tính tùy tiện như lúc là hoàng tử nhàn tản. Tả Tôn chính là chức quan nhất phẩm trong quan chế triều đình, cũng là danh phận trách nhiệm của con, việc ta phải giáng phạt con sau này sẽ chẳng tránh được.”

“Vâng, con hiểu. Sau này nếu có việc gì, con sẽ hỏi kỹ các đường quan trước khi đệ trình lên phụ hoàng. Con mới trông coi công việc, còn phải cẩn thận học hỏi từng chút, bỏ đi tính khí bao che tùy tiện với anh em, thân tín. Việc của Miên Thẩm vừa rồi, con là người làm ra luật mà lại không kiểm soát được luật, quả là muôn phần xấu hổ.” Trường Khánh công vẫn nhũn nhặn đáp. Nghe tiếng loạt soạt của giấy trước khi tiếng nói kia lại vọng.

“Ta cũng vừa xem qua tập sao lục thơ văn thường ngày của ta mà lại thuộc phủ đệ con đưa đến Nội các. Toàn bộ những chữ Hoa đều bị bớt nét đi, nhưng có những chữ chỉ cùng âm, không phải là chính húy, sao lại phải câu nệ đến thế. Từ nay những chữ ấy nên kiêng âm chứ không cần bớt nét.”

“Vâng, con sẽ bảo với các nhân viên trong phủ.” Trường Khánh công đáp. Bỗng giọng anh ta đột nhiên đổi khác. “Phụ hoàng đã xem qua bản vẽ lầu hoa của Tôn Nhân phủ chưa ạ? Bên trong có một cỗ máy mà Đào Trí Phú vừa đem từ ngoài biển về.”

“Hoàng Cả giống hoàng thượng, thích mấy món đồ chơi ấy.” Khi người trong nhà bắt đầu say sưa nói về cỗ máy điều khiển hình nhân nào đó, bọn y ngồi dưới thềm nhà, chống tay nhìn ra mặt nước mùa này chỉ còn ít cọng sen khô, sương mù lại bốc lên mơ màng dưới nắng. Một tùy tùng chợt nói như than thở với cả bọn, rồi chỉ tay về phía một chiếc thuyền dưới cầu. “Thuyền Yển Nguyệt đóng xong rồi kìa.”

Nhìn theo, y thấy một chiếc thuyền dát hoa văn bạc nổi bật giữa mấy con thuyền trong hồ. Hai tùy tùng này có vẻ như thường xuyên đến đây, nói mấy câu vô vị rồi ngả người thiu thiu mơ màng, để mặc y nhìn ngó khắp xung quanh. Không có vẻ lộng lẫy muôn hoa khoe sắc của vườn ngự uyển, ngay cả sen trong hồ cũng đã tàn hết, khu cung điện trên nước mùa đông tràn đầy vẻ cô tịch trong sắc xám xanh của trời và đất. Hoa đỏ rơi từ trên cây cao xuống thảm cỏ, cùng với mấy cây tường vi Tây dương mọc leo lên vách rào điểm xuyết chút sắc thắm, càng trở nên u hoài.

Một lúc, y lại thấy cổng cung mở. Hoàng Quýnh đi qua cầu, thấy bọn y thì sai nhờ đến Công bộ lấy một bản vẽ nào đó. Có vẻ thân quen đã lâu, hai tùy tùng nọ cười chào rồi dẫn y rời khỏi cung. Đến đầu cầu, y vẫn còn nghe loáng thoáng Trường Khánh công cười nói với Hoàng Quýnh.

Ông ta vẫn còn sống sao, trên đường đi, y kinh ngạc mà nghĩ thầm đến giấc mơ đêm trước. Giấc mơ có cảm giác thật như hồi ức mà y thấy được trong viên hổ phách lẫn chuỗi hạt xương, có lẽ khi viên hổ phách vỡ đã truyền vào tâm trí y. Nhưng tại sao y lại nghe được câu nói cuối cùng ấy? Đó là giọng của Trường Khánh công, và qua thái độ vừa nãy, anh ta khá thân thiết với Hoàng Quýnh.

Vẫn mang đầy thắc mắc, y cùng các tùy tùng tới cổng Công bộ. Trong lúc họ hỏi han lính canh cửa, y nhác thấy bóng Lê Văn Đức đứng trước chính điện. Lính canh hỏi ông ta rồi vào trong đem ra một cuộn giấy vẽ. Lê Văn Đức nhìn ra, gật đầu chào hai tùy tùng. Bọn y đưa bản vẽ về cung Tĩnh Tâm thì trời đã trưa, Trường Khánh công hầu nhà vua dùng bữa trong điện Dưỡng Tính, bọn y ngồi ăn ngoài cổng cung với lính gác. Xế chiều, Hoàng Quýnh rời khỏi cung, bỗng dưng y lại được gọi vào.

“Đây là người con kể với phụ hoàng.” Khi được cung giám dẫn vào, y sụp lạy trước cổng điện, nghe Trường Khánh công nói. “Đạo sĩ này sống ở vùng Thất Sơn, con hỏi chuyện thì nghe cũng có đôi chút kiến thức, không phải bọn buôn thần bán thánh nói năng càn rỡ.”

“Hôm qua Kiến An công cũng đến gặp ta, nói rằng Miên Liêu vô tình làm vỡ viên đá ở Bạch Liên thôn.” Y nghe giọng nói kia chầm chậm vang phía trước, nhưng không ngẩng đầu lên. “Đạo sĩ này cần viên đá ấy làm gì thế?”

Không có ai trả lời, nên y hiểu rằng ngài ta đang hỏi mình. Y vội lấy cái túi đeo bên hông ra dâng trước mặt.

“Bẩm bệ hạ, thần… tôi được mời đến để làm phúc cầu an cho người thân của hoàng tử, rồi được chỉ dẫn đến nơi có viên đá ấy, không ngờ tôi chỉ chạm vào thì nó đã vỡ.” Y biến báo kể lại hoàn cảnh mấy ngày trước, biết rõ không thể giấu được. Kiến An công quả nhiên vừa rẫy y ra tránh việc cho mình, vừa nhanh chân chạy đến báo tin. May mà Trường Khánh công gọi y tới đây sớm, bằng không chẳng biết chuyện đã trở thành như thế nào.

Trường Khánh công nhận lấy cái túi, mở ra, thở một hơi kinh ngạc khi thấy viên hổ phách đã nát vụn. Y không nghe động tĩnh từ nhà vua, một lúc sau mới thấy đôi hài vàng đặt xuống đất khi ngài ta ngồi lên trên sập.

“Chuyện cầu phúc cho họ ngoại Miên Liêu thì liên quan gì đến hòn đá này?” Ngài ta trầm giọng hỏi. Y cảm thấy như một cơn bão âm u đang ùa đến bủa vây.

“Bẩm, thần chỉ có thể dùng cảm giác của mình mà nói… Đá cũng là kết tinh của đất trời, hấp thụ khí của người, mỗi một vật mang linh tính linh khí đều có thể thông với nhau. Đá cũng như người, ‘ám hề thảm tụy, phong bi nhật huân’[3].” Y vội nói, chợt nghe trong phòng yên lặng. Hồi lâu sau, lại có tiếng cười nhạt.

“Đạo sĩ này quả nhiên thông minh đấy.” Nhà vua chỉ cười mà nói. Ngài ta đưa tay lấy cái túi đựng mảnh đá trong tay Trường Khánh công. “Con tìm người gọi Miên Liêu đến, hỏi chuyện nó đi.”

“Vâng.” Trường Khánh công tuân lệnh rời đi cùng viên cung giám, để y một mình ở lại. Nhà vua vẫn chẳng cho y quỳ lên, như thể quên bẵng y vẫn đang cúi sụp trước cửa. Khi cánh cổng cung đã đóng, y nghe tiếng gõ khe khẽ khi nhà vua nhịp ngón tay xuống sập, trầm mặc quan sát y.

Y biết mình đã nói trúng một điểm chính xác – hoàng hôn. Ngài ta sinh vào lúc hoàng hôn[4], mùa hạ, chính là Hạ Huân. Khi nghe ngài ta nói về tên húy chữ Hoa, rồi nhìn thấy chiếc thuyền Yển Nguyệt trong hồ, y đã ngờ ngợ. Hai cổng Đông - Tây tên Xuân Quang, Thu Nguyệt nọ, vốn nên là ‘xuân hoa thu nguyệt’. Nhưng ngài ta không dùng chữ Hoa, và Nguyệt chính là chữ trong tên khi sinh của ngài ta[5]. Ngài ta sinh mùa hạ, người kia sinh mùa đông. Và y thì qua bao năm đã có kinh nghiệm của một tên lừa đảo nhất hạng dọa người chỉ bằng mấy câu vu vơ mờ mịt.

Có lẽ nhà vua đang nghĩ đến điều đó thay vì thấy y là một đạo sĩ thần thông quảng đại. Ngài ta ngẩn người ngồi nhìn ra cửa sổ, y chợt nghe tiếng động nhỏ khi những mảnh đá rơi xuống sàn nhà.

“Đến nhặt lên cho ta.” Nhà vua cũng có vẻ giật mình, dường như ngài ta đã lơ đãng làm rơi cái túi. Vẫn giữ tư thế quỳ, y đi bằng hai đầu gối vào phòng, cúi người nhặt mảnh đá rơi, cùng với cả mấy tờ giấy vẽ tòa lầu nào đó bị gió thổi quanh phòng.

Bỗng dưng, chẳng biết có phải do cúi đầu quá lâu, cảnh sắc trước mặt y chợt chao đảo. Mắt tối sầm, y nắm mảnh đá trong tay mà gục xuống sàn nhà thở dồn. Bên tai y ong ong như có ngàn âm thanh hỗn loạn.

“Ân Quang tử, Ân Quang tử!” Y nghe tiếng gọi xa xa gần gần, như có người đang khóc. Y những muốn ngẩng đầu cất mình dậy nhưng toàn bộ sức lực đã cạn kiệt. Trước mắt y là những bóng hình nhòe nhoẹt không còn rõ được ai với ai. Họ vẫn đang gọi y.

“Ta không xong rồi.” Y nghe mình thì thào, lấy hết sức lực mà thì thào. “Tôn Thất Bật và Lâm Duy Thiếp hẳn đã đến Nam Kỳ.

“Còn vài tháng nữa đến lễ đại tường của Thánh Tổ, ta thật không đợi được.” Y cười nói trong cơn đau đớn. “Cũng tốt, Trấn Tây đã yên ắng tạm thời rồi, coi như ta không làm nhục mệnh. Nhưng ngươi về nói với hoàng thượng, lúc nào cũng phải cẩn thận, không thể lơi lỏng một khắc. Việc ở Trấn Tây khó mà ổn được.

“Từ khi tên Nặc Yêm trốn từ Xiêm về, ta đã biết Trấn Tây thế nào cũng có loạn. Năm đó ta còn nói với Doãn Uẩn, Ngọc Biện chịu ơn triều đình, lẽ nào lại muốn làm phản. Vốn là ta đã thấy việc của Ngọc Biện thật không đáng tin, nhưng ta lại im lặng. Ta im lặng để mặc cho Thánh Tổ bị đám người ấy lừa dối, cũng như bỏ mặc Trương Minh Giảng sai lầm. Nhiều khi ta nghĩ, có phải chỉ cần ta nhắc nhở một lời, mọi việc đã có thể khác đi không? Có lẽ là không, tên Nặc Yêm trốn về mang theo cùng hắn là bao nhiêu rắc rối, xung đột khác. Bọn quan ở Chân Lạp dựa vào thế lực Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong mà hoành hành, làm bao nhiêu chuyện, rồi lại bị tố ngược. Mọi chuyện đâu phải chỉ do mình tên Dương Quan Thảo. Cũng như lúc này, há chỉ một mình Ngọc Vân có thể ổn định được Trấn Tây? Ta lúc ấy im lặng, vốn là cũng không biết phải làm gì. Thánh Tổ vẫn thường bảo, trong những lúc quan trọng lại chẳng có một ai bảo ngài, bọn chúng ta chỉ có mặt để cản những việc không đâu, nói cho sướng miệng.” Y cười, nặng nề lắc đầu, nặng nề thở. “Chúng ta cứ nghĩ rằng có ngài. Không ngờ, chỉ cần ngài không ở, tất cả đã tan vỡ hết. Đám lính ở Nam Kỳ đánh giết cả dân cả giặc mà cướp bóc, tướng lĩnh không ai nghe ai, chẳng ai quản nổi, ta đích thân đến làm Tổng thống quân vụ phải chém đầu người làm gương, hoàng thượng ra lệnh ai trái lệnh giết không tha. Ta một đời tự cho mình thông minh khôn khéo, hóa ra vẫn là không hiểu.

“Cả đời này ta vào Nam ra Bắc, đánh Vân Trung, dẹp Trấn Tây, hy sinh bao nhiêu đứa con, lập công trên mạng bao người, vẫn chẳng bảo toàn được cho nhà nghĩa phụ, chẳng giữ được chúa công. Thôi, ta đi nhận tội với ngài.” Giọng y càng lúc càng nhỏ, càng lúc càng chìm vào cơn mê sâu hút.

Tất cả chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc, y thấy mình vẫn gục đầu trên sàn thở dốc, nhìn rõ cả thứ đang nắm trong tay. Mảnh đá đã rơi trên tờ giấy đồ bản mà Lê Văn Đức đưa cho y ở Công bộ.

Ân Quang tử, y đã thấy cái chết của ông ta. Trong một khoảng thời không nào đó đã mở ra, trong viên đá vỡ.

 

Chú thích:

[1] Khai Phong phủ hành quán lập thu bệnh trung ngâm của Trịnh Hoài Đức

[2] Trích Nam Hoa kinh.

[3] Điếu cổ chiến tràng văn của Lý Hoa, nghĩa “Ảm đạm thê thảm, gió đau thương mặt trời sắp lặn”.

[4] Theo Thực lục, Minh Mạng sinh vào giờ Dậu.

[5] Tên khai sinh của Minh Mạng là Đảm, bên trái là chữ Nguyệt, bên phải là chữ Chiêm (hoặc chữ Đạm).




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.