Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

114. Chẩm hàn ngọc mã không tê nguyệt
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 18th, 2019
  1. Chẩm hàn ngọc mã không tê nguyệt, trướng lãnh kim ty bất cấm phong[1]
    (Gối lạnh ngựa ngọc hí trăng suông, trướng rét tơ vàng không ngăn nổi gió)

 

Mưa thu rả rích rơi vào bóng tối. Khi định thần lại, y nhận ra trời đã ngả chiều tự khi nào. Lồm cồm bò dậy trên sàn, theo ánh hoàng hôn nhạt mờ chiếu qua cửa sổ, y nhận ra chuỗi hạt xương đã vỡ gần hết vẫn nằm trên bàn, vụn bị gió thổi tứ tán. Hai mảnh hổ phách lại tỏa ánh sáng lập lòe nhàn nhạt.

Vẫn còn chông chênh chống chếnh, y gục đầu xuống bàn thở khẽ, chợt nghe tiếng cười sau lưng.

“Câu chuyện cảm động lắm phải không?” Giọng cô bé áo tím kia vọng tới, không hiểu sao y nghe như gió tản mát khắp bốn xung quanh mình. Giọng cô ta đang vòng quanh y, tiếng cười lạnh tới rợn người. “Nhưng ngươi có nghĩ rằng còn một sự thật khác nữa không?

“Ngay từ đầu, tại sao cô ta bị truất phế rồi tống giam, chẳng phải do chính bản tâu từ Nội các thân tín của ngài ta à? Cô ta dù gì cũng là người có thân phận cao nhất cung nội, không chỉ Nguyễn Thị Viên mà chẳng ai có thể sánh bằng, cho nên cách tốt nhất để loại trừ cô ta chính là buộc chung Lê Chất vào Lê Văn Duyệt, xử tội cả hai y như nhau. Lê Văn Duyệt nuôi dưỡng đám người kia, hết lần này đến lần khác chống đối nhà vua, bị thế còn đáng tội, chứ Lê Chất thực sự ngoài quản lý bất lực ra thì có tội gì? Lê Chất cũng làm sao mà chịu trách nhiệm được cho bọn giặc biển người Thanh Hoàng Kỳ Bạch Xỉ mượn Phan Bá Vành gây loạn? Bắc Thành loạn lạc cả mấy trăm năm không ai quản nổi, há lại là lỗi của riêng một mình Lê Chất? Thế nên tội của Lê Chất, nói ra thì thật là nhiều, thật là nặng, nhưng thực sự lại chẳng đáng là tội. Tội của ông ta, nói cho cùng, chỉ là đưa con gái vào cung. Vậy nên Lê Chất bị buộc chung vào với Lê Văn Duyệt, mượn sự phẫn nộ của người người với Lê Văn Duyệt mà xử tội Lê Chất.

“Thế là cung tần họ Lê bị phế truất, nhà vua có thể đưa người mình muốn lên, phá vỡ tình trạng bao nhiêu năm. Kể ra may mắn chẳng biết do trời hay do người, Nguyễn Thị Viên cũng chết. Rồi bọn Lê Văn Sơn ở Gia Định mưu loạn, lại có lý do để xử trị tất cả. Lê Văn Duyệt, Lê Chất là công thần quan cao chức trọng bao nhiêu năm, người trong triều lẫn tại xứ sở kính trọng họ đâu có ít, nhà vua đâu thể xử nặng ngay lập tức, chỉ chờ có cớ để hành động. Các quan trong triều ầm ĩ phản đối ngài ta vì Hồ Thị Hoa hay vì Lê Thị Tường, cảm thấy nhà vua hành xử quá đáng với cô ta, ép cô ta vào chỗ chết? Nhổ cỏ tận gốc, ngài ta vừa triệt hạ gia đình hai quyền thần, vừa đưa mẹ con Hồ Thị Hoa lên ngôi vị. Từ đầu đến cuối, đây là kế hoạch mà ngài ta dàn dựng ra, mượn việc đẩy việc mà hành động.” Tiếng nói rít qua kẽ răng nghe như tiếng kim loại mài. “Cô ta chỉ là một cung nhân nửa đời bị giam giữ trong nội viện, làm sao mà thực sự hiểu được lòng người? Từ niên thiếu đã bơ vơ cô độc nên càng dễ bị mấy điều phỉnh phờ nhỏ bé làm cảm động, sao có thể thấy được thứ sau lưng? Ai ai cũng đều nói đến ân tình với cô ta như thật cả, chính là cái thói của cung thành này vốn thế đấy, để đẩy người ta đi đến chỗ chết. Giả nhân giả nghĩa khiến người tự nhắm mắt đưa chân đến chỗ chết phục vụ cho lợi ích của họ, chính là thói của bọn người cẩm y hoa phục này đấy. Vài giọt nước mắt, mấy lời thương tiếc, ra vẻ bao giờ mình cũng bị bức ép bắt buộc, vậy là những kẻ ngốc nghếch tin thật cả.”

Tiếng cười dài đâm thấu qua tai. Y ngẩng đầu, chậm chạp quay lại. Bóng cô bé áo tím kia nửa khuất trong bóng tối, y không thể thấy mặt cô ta. Trong thứ ánh sáng mập mờ kỳ dị này, cô ta trông như thể kết bằng khói, sắc tím của áo cũng hóa xám đen, chỉ có viên hồng ngọc đeo trên cổ tỏa sáng lòe lòe đỏ tựa máu. Y nghĩ, mình hẳn cũng không muốn nhìn thấy gương mặt cô ta lúc này.

“Cô… ngươi là ai?” Hồi sau, y hỏi.

Gió nổi, hất tung đám bụi xương trên bàn vào y. Y vội nghiêng mình tránh, quay lại thì cái bóng sau lưng đã biến mất.

Nghe bên ngoài có tiếng mở cổng, người hầu của Miên Liêu đem bữa tối và thuốc tới. Y vội vơ tất cả bột xương vụn cùng mảnh đá, cái hoa trên bàn vào trong túi. Người hầu đặt mâm cơm lên bàn, y gật đầu cám ơn, vừa cúi mở cặp lồng vừa như vô tình mà hỏi anh ta.

“Tôi thấy ông hoàng nhà anh cũng lớn rồi, thế đã xuất các mở phủ riêng chưa?” Y vừa sắp thức ăn vừa nói. “Anh đi lại được tương đối tự do thế này, hẳn không phải ở trong phủ các hoàng tử?”

“Mùa thu này ông hoàng xuất các rồi, nhưng còn vài việc sắp xếp chưa xong nên ông vẫn ở Quảng Học đường, chỉ có tôi cùng vài người coi phủ.” Người hầu kia đáp.

“Vậy ra anh không phải ở hầu ông hoàng? Thế thì ngồi ăn với tôi cho vui, mấy hôm nay tôi đến đây đều phải ăn một mình cả.” Y nghe thế liền cười. “Hôm trước tôi ra phố mua được bình rượu đặc sản nơi này, còn chưa biết uống với ai.”

Người hầu kia hơi ngần ngừ nhưng vẫn ngồi xuống ăn với y. Rượu vào lời ra, y loanh quanh hỏi anh ta về kinh thành, rồi bỗng như sực nhớ ra mà nói.

“Hôm trước tôi gặp ông hoàng Cả ở Bạch Liên thôn, thấy trên tay ông ấy đeo một cái nhẫn kim cương to lắm, ở Trấn Tây hay Nam Kỳ cũng ít thấy. Tôi cứ nhìn nó mãi.” Y ra vẻ xuýt xoa kể, người hầu gật đầu.

“Nhẫn ấy vốn là đồ thượng phương, hoàng thượng đeo nhiều năm rồi, ngài mới ban cho hoàng Cả đầu năm nay.[2]” Anh ta thấy ánh mắt y liền nói thêm. “Đầu năm nay vào kỳ tế Giao, hoàng thượng đổ bệnh. Đàn Nam Giao xây sâu trong núi rừng, khí lạnh buốt người, lễ lại bắt đầu từ giờ Dần nửa đêm. Hoàng Cả hết sức lo lắng khuyên ngài hoãn kỳ tế, ngài không nghe, vào ở trai cung, đêm đó bệnh phát. Hoàng Cả suốt đêm không ngủ, chạy đôn đáo hầu ngài, lo đến phát khóc. Hoàng thượng thấy thế liền tháo cái nhẫn trên tay ban cho hoàng Cả, ông ấy vẫn đeo luôn từ đó đến giờ.”

“Trước đây chẳng phải đã từng hoãn lễ tế Giao rồi sao?” Nghe thế y ngạc nhiên buột miệng, nhưng người hầu có lẽ đã say nên không để ý, gật gật đầu.

“Hẳn hoàng thượng cũng không ngờ bệnh tình chuyển biến xấu đến thế. Từ năm ngoái ngài đã bệnh suốt rồi, có mấy khi khỏe đâu. Tôi cùng ông hoàng Liêu theo ban vào hầu, thỉnh thoảng lại nghe ngài se mình, nhưng không phải bệnh nặng, chỉ là người mệt mỏi uể oải, phát sốt phát lạnh bất kỳ.” Anh ta đảo mắt vòng quanh như thói quen rồi hạ giọng. “Có người còn nói ngài viện cớ để không phải ra chầu, cứ vài tháng ngài mới làm lễ thường triều ở điện Cần Chính một lần, chứ vẫn đi ra ngoài duyệt tuyển, xem việc thường đấy thôi. Năm nay ngài lại bày ra bao nhiêu là việc, hết đóng tàu máy hơi nước đến tập thủy binh, duyệt cả binh lính Bắc Kỳ. Nhưng ông hoàng bảo ngài bệnh thật đấy, đầu năm các quan khoa đạo trong Đô sát viện còn đồng loạt dâng sớ can ngăn rằng ngài vừa mới khỏi, đừng nên ra cung Tĩnh Tâm ở, ngài không nghe nên lại phát bệnh trước kỳ tế Giao. Có lẽ vì vậy nên ngài không thể dời ngày tế Giao được, dù gì cũng do mình cả mà.

“Hôm ấy ông hoàng cũng sợ lắm, kể rằng cả đêm phát bệnh, giờ Dần hoàng thượng lên đàn mỗi bước mà cả ngàn người nín thở, may là xong lễ.” Người hầu chép miệng lắc đầu. “Cung Tĩnh Tâm ấy vừa hoàn thành đầu năm nay, nhưng là nhà xây trên nước, sương gió lạnh lẽo vô cùng. Hoàng thượng đã đổ bệnh suốt từ mùa đông, sang mùa xuân khỏe được mấy ngày, đến cung ấy ở rồi bệnh thêm nửa năm, giờ mới hơi đỡ.”

“Bệnh từ mùa đông à?” Y lẩm nhẩm. Người trước mặt lại đảo tròng mắt trông khắp bốn phía rồi mới ngả về phía y, giọng càng nhỏ hơn.

“Đạo sĩ được ông hoàng mời về đây chắc cũng biết chuyện rồi. Năm ngoái cả ba nhà công thần cũ không qua được kỳ thu thẩm, đều bị đem chém vào đầu mùa đông. Mẹ ông hoàng chết trong ngục giam, người bảo là tự sát, người thì nói rằng bị xử quyết. Ngay từ lúc ấy, hoàng thượng đã đổ bệnh, rồi cứ dằng dai mãi không khỏi. Vừa rồi Tùng quốc công lẫn Tôn Nhân phủ, kể cả hoàng Cả cũng bị phạt vì mấy tiếng thanh la đâu phải tự dưng.” Anh ta đưa tay vỗ vỗ vai y. “Vừa qua giỗ đầu của mẹ ông hoàng, lại đến ngày giỗ của các cậu, ở đệ trạch công chúa cũng cho cúng tế. Họ chết không thanh thản, lòng người sống không yên, đạo sĩ được mời đến làm phép cầu an là phải lẽ. Người cũng nên ra đi thôi, còn lưu luyến làm gì với ân oán nhân gian?”

Y nhìn anh ta, toan hỏi thêm nhưng rồi chỉ gật gật đầu ra ý hiểu. Uống thêm vài chén rượu, anh ta cáo từ về phủ. Y cũng sắp xếp đi ngủ, vẫn còn thấy cơn lạnh ẩn ẩn trong lồng ngực, không biết do khí trời hay âm khí chưa tan. Nhưng cơn buồn ngủ khiến y ngã vật xuống giường, thậm chí không hề nhớ đến cái túi vải vẫn treo dưới gầm bàn.

Trong cơn mộng mị hun hút sâu, y lại thấy mình ở trong khung cảnh khác. Cung son điện ngọc chìm vào bóng tối, chỉ còn một ngọn lửa đèn nhỏ bằng hạt đậu trên bàn, ánh sáng phản chiếu yếu ớt lên những đường nét dát vàng khảm trai. Không khí nồng mùi khói đắng đến khó thở. Khi cửa bên ngoài chợt mở, tấm màn che cửa được nâng lên, gió bên ngoài thổi vào lạnh ngắt, khiến y ho mấy tiếng khe khẽ.

“Bẩm hoàng thượng,” Người mặc áo cung giám vừa vào cúi đầu, trong bóng tối, y chỉ nhận ra giọng của Chu Phúc Năng. “Bà chúa Tám bảo rằng đã thu xếp cho Lê Thị Sa cùng cỗ quan người trong nhà ổn thỏa. Theo lệ thì quan tài tù phạm không được dùng thuyền công chở, bà chúa lấy tiền thuê riêng đưa tất cả về Bình Định. Lê Thị Sa phát làm nô, đã tư cho Tổng đốc Bình Phú Vũ Xuân Cẩn nhận. Chúa Mười cũng báo đã chôn cất người nhà xong rồi.”

Người trong phòng không lên tiếng đáp, hồi lâu mới uể oải cất lời.

“Ngươi truyền gọi Thống chế Mai Công Ngôn vào đây.” Ngừng một thoáng, y lắc đầu. “À, không cần gọi, bảo ông ta họp người tự trù tính việc di dời Nội vụ phủ đến cổng phía Bắc hoàng thành, gần Cơ Hạ đường, cần bao nhiêu lính làm thì đệ trình lên.”

“Dời Nội vụ phủ ạ?” Chu Phúc Năng ngẩng đầu, giọng đầy ngạc nhiên. Y trở mình trong lớp chăn dày.

“Quá ồn ào.” Y đáp, lại ngồi lên. “Thắp đèn lên cho ta. Đưa tập điều lệ công cán biển bên kia lại đây.”

“Bẩm, hoàng thượng vừa se mình mới khỏi, nên nghỉ ngơi ạ.” Chu Phúc Năng thận trọng nói, nhưng vẫn vào thắp sáng đèn trong phòng, đưa một tập giấy dày đặt bên cạnh y. Y đưa mắt, ông ta liền im lặng, lùi ngược lại về phía cửa.

“Năm trước ngươi đi công cán ở Lữ Tống, thấy thế nào?” Y chợt hỏi, giọng bỗng nhiên đổi khác. “Đường biển sóng gió bất kỳ, người thường bị phái đi trước nay đều coi là làm việc chuộc tội. Nay ta định lệ cho thuyền buôn hàng đi, không có kẻ oán ngầm đấy chứ?”

“Bẩm, mấy năm nay thuyền triều đình đem hàng buôn bán với các nước đã đều, các cảng và thương buôn thu mua đã quen, làm việc nhanh chóng thanh thỏa, kiếm được lợi không ít, các chủ sự của thuyền còn mong muốn có thể đi thêm được nhiều chuyến hơn ạ.” Chu Phúc Năng nhũn nhặn trả lời, chưa nói hết thì y đã bật cười.

“Ngươi biết không, năm xưa hoàng tổ ta là Hy Tông hoàng đế cũng đã từng muốn thu mua hàng hóa để buôn bán, bị Đào Duy Từ mỉa mai ‘chúa đi buôn’, nay huống lại không có kẻ nói vụng ta tham lợi lấy hàng hóa trong nước ra trao đổi với bọn quỷ Tây dương, bao nhiêu tiền lãi thì về tay triều đình hết thảy. Khi ta ở Gia Định còn nghe người trong vùng bảo nhau ‘việc buôn bán phải do bọn người Tàu làm phục vụ chúng ta’, có đi xa lắm thì cũng chỉ là mang hàng đến chợ bán cho mối lái người Thanh, khiến bao nhiêu mối lợi trong nước rơi vào tay thương lái ngoại quốc. Hoàng khảo ta vì chiến tranh mà phải chủ động buôn bán kiếm tiền, thu mua đường cát, gạo, vải muối trao đổi lấy vũ khí, hàng hóa, nhưng từ khi về đây thì chẳng còn thực hiện được. Bao năm nay ta vất vả xây dựng đường buôn bán này, từ chuyện thu mua từng cân đường cát đã gây bao nhiêu chuyện lùm xùm, bọn phái viên ăn bớt ăn xén, quan lính đi mua hàng quen thói cướp của dân vơ vét hai đầu; đến chuyện thủy thủ không muốn ra biển, ai nghe đến đi công cán là như bị tử hình, đã bao nhiêu phạm viên chết trên tàu ra biển vì không chịu nổi sóng gió rồi. Ta cứ làm mãi cho đến khi thành lệ, trong lúc kẻ bên ngoài oán ta không biết bao nhiêu mà kể.” Đặt bàn tay lên tập giấy, y nhẹ thở dài. “Phải, mọi thứ ta làm, đều khiến người oán ta không biết bao nhiêu mà kể. Đến lúc này, bọn họ chẳng qua phải im tiếng mà thôi.”

Chu Phúc Năng khoanh tay cúi đầu lặng im, y liền vẫy tay cho ông ta lui ra. Cánh cửa đóng lại, tiếng chân dần xa, trong sự yên ắng tràn đến lại nghe rõ âm thanh xôn xao gần gần xa xa vọng tới từ bên kia bức tường cung thành. Vườn Đông tĩnh mịch đến dường không có một hơi thở của con người, để tiếng động từ bốn phương theo gió vòng quanh.

Y cau mày, tâm trí chợt chao đi, hơi thở cũng chợt nghẽn lại trong lồng ngực. Quá ồn ào, y thầm nghĩ. Tiếng ồn thật không chịu đựng nổi. Tiếng của con người, thật không chịu đựng nổi.

Trong bóng tối, tiếng động lại ầm vang. Tiếng chiêng trống rộn rã vọng khắp bốn bên căn điện mở cửa cho nắng hè tràn ngập. Nhưng trong phòng vẫn lặng yên như tờ, không khí bức bối nặng nề ngạt thở.

“Bẩm, thuyền đã đưa cỗ quan Tham tri Hà Tông Quyền về quê quán ạ.” Một người mặc trang phục Thị vệ quỳ trước y, cúi đầu nói. Thoáng đưa mắt nhìn lên y, ông ta mím môi mấy lần rồi mới tiếp. “Khi đưa quan đến bến thuyền, thần lại nghe người trong phố chợ nói…

“Họ bảo ông Quyền bị người của Kiến An công làm chết.” Thấy y quay lại nhíu mày, viên Thị vệ hạ giọng. “Trước lễ Vạn thọ, ông Quyền uống rượu say, té sông sinh bệnh mà mất. Người bảo ông ấy bị đánh vào đầu, ném xuống sông, do người của Kiến An công làm. Nguyên do là vì…”

“Thôi được rồi.” Y nói qua kẽ răng, ngắt lời viên Thị vệ. “Đám người đầu đường xó chợ đến xem diễn trò, rồi tự bày trò hết cả.”

Trước thái độ của y, viên Thị vệ liền cáo việc lui ra. Y ngả người trên sập, nghe gió đem hương hoa từ bốn bên thổi vào phòng. Những bóng người áo gấm lụa vẫn đứng quanh quanh lầu gác, im lặng đến không một thanh âm. Phía trên mái ngói lưu ly, bầu trời xanh đến nhức mắt.

Rồi nắng mưa vẫn cứ lưu chuyển không ngừng, mưa thu lại rơi qua bóng chiều cô tịch. Tiếng ho khan bị cắt ngang khi y với tay ném tập tâu xuống trước mặt một viên quan.

“Đến bao giờ ngươi mới khôn ngoan lên được, Hoàng Quýnh?” Y nói như rít, cơn sốt hợp với cơn giận khiến mắt y cũng hoa lên, cơ thể chỉ chực ngã xuống sập. Hoàng Quýnh không nhìn đến tập giấy, chỉ lo lắng như muốn đến đỡ y. Y càng giận dữ hơn. “Ngươi biết tại sao đã được triệu về đây mà bộ Hộ còn hặc tâu mấy lời càn rỡ ngươi nói vài tháng trước ở Ti phiên không?”

“Thần tự biết mình ngu ngốc gây họa, nhưng gây chuyện nhiều quá nên không biết là ai.” Hoàng Quýnh quỳ thõng tay, lại nhún vai. “Gần đây nhất là bọn Nguyễn Văn Nho, thuộc hạ phủ Kiến An công đến Gia Định mạo xưng quan chức, làm giấy tờ giả cho dân lậu sổ. Hay là do thần mới đi xem xét Trấn Tây về lại làm mếch lòng ai rồi?”

“Cần đến chúng à? Là ngươi trước sau vẫn bất mãn với ta, từ chuyện bộ Hộ mua tơ mà ngươi nhắc đi nhắc lại chuyện dân không muốn bán hàng cho nhà nước. Trước đây ngươi bảo dân đến đồ bỏ đi cũng không muốn bán, nay lại bảo giá bộ Hộ thu mua thấp hơn giá dân buôn, đến khi ta hỏi lại thì ngươi không hặc tâu được ai làm trái, không dẫn ra được giá cả thế nào, lại đổ cho lời của bọn thương lái là thế. Ta cho ngươi làm quan để chỉ nghe mấy lời điêu trác của kẻ đầu đường xó chợ rồi về đây khoe giỏi khoe tài, ra vẻ thanh quan thương dân như con mà mỉa mai ta à?” Y càng nói càng giận, nhưng Hoàng Quýnh chỉ ngẩng đầu nhìn lên, thở ra.

“Sao lúc thần kể chuyện dân Thổ nguyền rủa bọn Nông Văn Vân, ngài không coi đó cũng chỉ là câu nói đầu đường xó chợ? Chuyện đầu đường xó chợ mấy khi là thật, chẳng cần là thật, nhưng bỏ qua được sao? Huống hồ dù thứ không có cũng chưa chắc là không thật. Ngài có biết thủ đoạn của bọn dân buôn nâng giá thu mua, nâng nhiều mua ít để quấy rối khắp nơi? Năm trước ngài cấm thương lái người Thanh đóng thuyền ra biển, chúng nào có chịu an phận buôn bán nhỏ trong nước, liền kết liên ngay với đám thuyền ngoại quốc thành bọn buôn lậu hoành hành khắp bờ biển. Nay thấy ngài đóng đoàn thuyền ra biển đi buôn, món hàng có lợi thì cấm thương lái Thanh đem ra ngoài, cấm cả thuốc phiện, chúng lại chẳng cho ngài cướp miếng ăn của chúng? Huống hồ buôn bán là việc cạnh tranh nhau từng đồng xu lẻ, chúng chỉ cần thu lợi ít hơn một chút là đủ chiếm thế thượng phong. Thường dân ai chẳng ham lợi, chúng đặt giá cao hơn ngài hai đồng cắc thì cũng đủ khiến kẻ có hàng bị triều đình thu mua cảm thấy mình thiệt thòi không đáng, bất mãn tăng cao. Huống hồ lúc này Hồng Mao đang đánh Trung Quốc, có những vật phẩm tăng giá gấp mười, ngài có định thu mua bằng giá ấy? Gia Định vừa mới qua biến loạn, ngài cũng hiểu rõ dân nơi đó nghĩ về ngài như thế nào. Thần ở nơi đó mấy năm, nào có thấy trung thần nghĩa sĩ mà ngài hay nói tới, chỉ ngày ngày lo lắng không yên, cảm thấy việc gì cũng không ổn.” Hoàng Quýnh lắc đầu, nói khẽ. “Ngài hẳn đã từng nghe câu, có thể bên nhau khi hoạn nạn, khó cùng nhau hưởng thái bình. Trong chiến trận có thể bỏ mạng vì nhau, lúc thường lại vì mấy đồng bạc mà coi nhau như thù. Dù ngài mắng thì thần vẫn nói, người ở trong cung điện bàn đạo lý, đã chính mắt trông thấy ngoài kia thế nào.”

“Đó lại không phải việc của ngươi?” Y nhướn mày. “Nếu thấy điểm nào bất cập, ngươi hoàn toàn có thể hặc tâu. Ngươi ở bên ta ba mươi năm, đã bao giờ ta trách cứ những lời điên khùng ngu ngốc ngươi nói? Nhưng từ đầu đến giờ, ngươi chẳng qua chỉ muốn nói rằng ta làm sai rồi.”

Hoàng Quýnh mấp máy môi như toan đáp, nhưng rồi im lặng. Y nhắm mắt trong cơn chênh chao đau đớn thấu qua đầu, phải bấu lấy rìa sập để ngồi vững.

“Ta giáng ngươi xuống Viên ngoại lang Công bộ, ngươi đi theo Lê Văn Đức mà học hỏi.” Lúc sau, y nói như thở dài. “Đám thư sinh các ngươi, hỏi tới việc thực tế thì toàn những kẻ mơ mơ màng màng, đâm ra gặp chuyện nghe hơi đã sợ.”

“Hoàng thượng…” Hoàng Quýnh thốt, nhưng y đã nằm xuống sập mà nhắm mắt. Y nghe tiếng người xôn xao. Cửa mở, trong gió thu đã thoảng hương hoa cúc. Gió thổi những tập giấy trên bàn, trên kệ lật phật bay. Những tập án thu thẩm của năm đã lại được chuyển tới.

Tháng tháng năm năm vẫn trôi đi, trong nắng cùng mưa, trong cơn đau trở đi trở lại cùng gió lạnh và hơi nóng, trong không khí ngàn ngạt ân ẩn nỗi nhức nhối khôn khuây. Trong những cái chết và sự ra đi, trong những vui buồn và muôn vạn con người. Cơn bệnh ấy vẫn không lui, chỉ chực chờ quay lại trong từng khớp xương thớ thịt, nhấn chìm tâm trí vào khoảng trôi nổi mông lung.

Rồi cũng trở nên quen thuộc với cơn bệnh không giết chết người này, như thể là một phần cuộc sống. Sống cùng nỗi đau đớn rồi cũng trở nên thành dạng thành hình, trong khi tâm trí càng trống trải xa lạ.

“Phụ hoàng, phụ hoàng, Hoàng Quýnh qua đời rồi!” Trong bóng tối, y nghe tiếng gọi nức nở. Trong một cõi mơ hồ nào đó, y nghe mình nghĩ ‘thế sao?’. Trái tim chết lặng thậm chí không lạc nhịp, thậm chí thản nhiên đến vô cùng.

Rồi cũng sẽ quen, người kia từng nói. Quen với tất cả đau đớn này, quen với sự lãng quên. Những tháng năm sau này, y không còn nhắc nhớ lại những điều đã cũ, cuộc đời đã trở nên nhẹ nhàng như một áng mây bay. Dần dần, thế gian quanh y nhẹ bỗng, mọi nỗi khổ đau không còn có thể chạm tới y được nữa.

Trong những đêm dài, thế gian đã lặng vắng tiếng con người.

Gió thổi, cái túi vải dưới bàn đung đưa nhè nhẹ, tuột rơi xuống sàn đất. Bụi xương bay tứ tán, hai mảnh hổ phách vỡ tan.

 

Chú thích:

[1] Điệu Phạm Chung Cơ của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, đời Thiệu Trị: “Năm Minh Mệnh thứ 20 [1839], trước ngày tế Giao mấy ngày, hoàng khảo ta trong người không được khoẻ, ta xin chọn ngày khác làm lễ… Ta không dám nói nữa. Tối hôm ở trai cung, ta hầu ở bên cạnh, suốt đêm không ngủ. Hoàng khảo khen ta là hiếu kính, lấy cái nhẫn mặt kim cương to của hoàng khảo vẫn đeo ở tay ban cho ta ngay trước mặt.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.