Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

113. Tửu hàm tụ thủ thiên giang lãnh
Trường An in "Minh nguyệt 3" December 18th, 2019
  1. Tửu hàm tụ thủ thiên giang lãnh, nhạn táo sương man lậu ngũ canh[1]
    (Rượu thu vào tay áo ngàn sông lạnh, nhạn ồn sương rỏ giọt năm canh)

 

Nghe nói, con xích lân sừng và vẩy đều có lửa sáng, đi đến đâu gió mưa theo đến đấy, nước biển dâng lên, cuốn trôi vạn vật, gây tai họa khủng khiếp cho nhân gian.

 

Cuối tháng bảy, cơn bão lớn quét qua Ninh Bình, Thanh Hoa khiến tám trăm người thiệt mạng, đoàn thuyền đi tuần của triều đình cũng đắm mất mười chiếc, hơn ba trăm biền binh chết đuối.

Ngày đầu tháng tám, nhà vua ngự điện Cần Chính, cho Nội các tuyên đọc dụ phê về thăng chuyển các quan. Hai vị Thượng thư bộ Lại, Hộ phải giáng chức cho về hưu trí. Các quan trong ngoài nha bộ lẫn tỉnh thành đều đổi bổ sang những vị trí khác. Tháng chín, Thượng thư Hình bộ Nguyễn Công Hoán được bổ làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Tả Phó đô Ngự sử coi quản Đô sát viện Lê Đăng Doanh được quyền kiêm Hình bộ, rồi thăng Thự Thượng thư Hình bộ.

Khi ấy, có lẽ bản hội thẩm hình án đã được đình thần dâng lên cung khuyết. Nhưng nhà vua không vội vàng phê xét. Tiết Trùng dương, ngài ta đưa các quan lên núi Ngự Bình ăn lễ uống rượu. Tháng chín cũng là lúc các tập thỉnh an từ khắp đất nước được chuyển về, lại thêm việc Tổng đốc Hải An Nguyễn Công Trứ đang đuổi bắt hải tặc ở Chàng Sơn, đốt phá căn cứ giặc biển, vẽ bản đồ để lập đồn mộ dân canh giữ vùng biên giới. Ở Nam Kỳ, ngài ta không bằng lòng kết quả duyệt tuyển tại Định Tường, bắt quan phải đi xét lại cho tăng hơn mười thành trở lên. ‘Pháp luật có hạn, thói gian vô cùng, một phen làm việc lại thêm phiền bận’, các quan khoa đạo tiếp tục dâng sớ can ngăn, bị nhà vua giao xuống bộ Hình xử tội vi chế cản trở việc nước.

Đền thờ Thần phi được cho khởi công ở bờ Tây rồi, cung nữ đến thăm cô khe khẽ kể. Trường Khánh công cũng vừa định lại tất cả điều lệ hoạt động của Tôn Nhân phủ, Miên Liêu nói. Mọi con người trong tông thất đều phải nằm trong tầm kiểm soát ngay từ lúc mới sinh thành, phải tuân thủ theo luật lệ khắt khe từ việc nuôi dạy cho đến khi cưới gả, mọi hoạt động, tư trang, của cải, lương bổng đều nhất nhất có chuẩn mực định sẵn. Trường Khánh công tiếp tục tự dâng lên hai khẩu súng cũ, tạo lý do cho nhà vua bắt Binh bộ đặt điển lệ kiểm soát vũ khí của các hoàng tử, hoàng thân cho đến quan lại, thuộc viên. Toàn kinh thành và các tỉnh phải giao nộp súng ống sở hữu ngoài quy định.

Công việc trong kinh thành lẫn đất nước này vẫn chảy trôi, cùng với quyền lực của vị hoàng trưởng tử. Cậu ta còn thành thạo hơn cả cha mình về việc dùng điều luật để thao túng con người, gây dựng thế cuộc, cô thầm nghĩ. Cùng với những điển lễ của Tôn Nhân phủ, cậu ta hoàn toàn có thể kiểm soát cả kinh thành này, chặt đứt mọi mối liên hệ không mong muốn, chặn đứng các hiểm họa mới manh nha.

Nhà Bố chính Nghệ An Nguyễn Đình Tân hủy hôn với nhà Diên Khánh công rồi, tiếng thì thầm lại nói. Họ định hôn trước khi điều luật cấm được ban hành, nhưng Nguyễn Đình Huy khi được rút về Kinh năm trước cố sức từ hôn với người vợ tông thất. Hôn lễ đã được chuẩn y, cả gia đình ấy tiếp tục nhờ một viên đại quan lấy cớ gia phong không tốt, ‘rất đáng lo ngại’, ‘e sợ phạm cấm’ tâu lên vua để quyết từ hôn bằng được, như thể Diên Khánh công ép gả con gái cho bọn họ. Diên Khánh công phải uất ức tâu bày trong giận dữ khi đám cưới của con gái bỗng nhiên trở thành trò cười của cả kinh kỳ.

Nguyễn Đình Huy đang được hậu bổ ở Biên Hòa thì bị rút về, đứng trước quyền lợi, danh thế và tương lai, hôn sự lẫn thứ tình nghĩa của họ bấy lâu nay bỗng chốc trở thành một trò cười. Cả gia đình mang danh sĩ hoạn Bắc Kỳ sống chết chối cãi, dùng muôn lời xảo biện kêu van, thậm chí không ngần ngại tự bôi tro trét trấu vào khắp nhà mình hòng tránh thoát cô công nữ cành vàng lá ngọc bỗng chốc trở nên đáng sợ như bệnh dịch. Chỉ một luật cấm đã khiến trùng trùng mối dây rơi xuống, những cái mặt nạ vỡ nát trong sự trơ trẽn thản nhiên cực độ của con người.

Thuộc binh không được bổ dụng, không được sở hữu vũ khí, voi chiến quá số cho phép, không được dùng hôn nhân để kết liên, thậm chí từng cái tên người đều phải đặt theo bộ chữ cho trước, nằm trong thế thứ đã định, đến cả con hát, thuật sĩ cũng không được lưu lại, toàn bộ con người trong hoàng thành này rồi sẽ phải nằm yên trong thứ trật tự không để một khe hở. Những năm tháng ấy nằm trong cơn bão âm thầm của sự đổ vỡ thứ luật lệ cũ đã quen hình, của những bộ mặt, sự bội phản, thay lòng được phơi trần, những oán trách thất vọng ngấm ngầm, những đau đớn, giận dữ khôn bề kiềm chế.

Cơn bão ấy ngày càng xoáy lốc tại tâm điểm cung thành này, cô im lặng trong những câu chuyện lần lượt trôi qua. Toàn bộ sự giận dữ, mâu thuẫn, tranh chấp ấy dồn đổ về nơi đây, dưới hình hài của muôn việc có hay không liên quan khác. Lễ khoa Chưởng ấn Cấp sự trung Hà Thúc Trương quản quan khoa đạo về Lễ mượn việc mỉa mai nhà vua, lập tức bị cách toàn bộ chức tước. Tả Phó đô Ngự sử Lê Đăng Doanh không thể kiềm chế được các quan trong Đô sát viện liên tục dâng tấu sớ can thiệp mọi việc nhà vua làm. Các quan trong triều ngoài quận lẳng lặng nghe ngóng, âm thầm phán xét, giấu giếm hành động. Nắng mưa cũng trở thành cái cớ cho bọn họ tấn công lẫn nhau, những cái án cũ treo trên đầu các thân nhân vô tội của kẻ phiến loạn bị lôi lên tra xét, như thể là sự thật.

Nhà vua vẫn chẳng hề suy chuyển hay nhân nhượng. Chuyện trước kia đã dạy ngài ta rằng chỉ cần thối lui nửa bước, thậm chí chỉ là đứng lại, toàn bộ cái khối người này sẽ dồn tới đè ép vị hoàng đế trong cung thành đến chết. Ngài ta liên tục lấy cớ, bao phủ hành động của mình bằng đủ mọi lý do, và vẫn cứ tiếp tục thực hiện điều mình muốn. Ngôi đền bên bờ Tây được cho xây dựng, cùng lúc với lệnh triệt bỏ vũ khí trên toàn đất nước, hai cơn bão trong ngoài cung thành va đập vào nhau, rốt cuộc tàn phá tất cả mọi thứ nằm ở đường đi của nó.

Những ngày ấy, trong sự yên lặng vô biên, cô lắng nghe tiếng xôn xao của con người đi qua cổng nối hoàng thành, tiếng động vô thanh của dòng xoáy cuồn cuộn không hồi kết. Tiếng động chênh chao chuyển theo luồng gió đổi chiều, theo mưa rơi ngày thu muộn, trùng điệp vọng vào đêm thâu. Một ngày, cô bỗng nghe cung giám bên cửa khẽ gọi, Đô sát viện mời cô tới.

Thoáng ngạc nhiên, nhưng cô vẫn đi theo cung giám đến căn nhà nằm cạnh nhà Thị vệ phía sau cung thành. Căn nhà này nằm quay lưng ra hướng đường cô đi tới, nhìn qua cửa sổ, cô thấy viên quan Tả Phó đô Ngự sử Lê Đăng Doanh bên trong, đang trò chuyện với Lê Văn Đức hẳn vừa từ Nam Định trở về Kinh. Cô liền khẽ bảo cung giám đứng lại bên ngoài, tự mình tới cửa phía bên kia dẫn vào gian nhà cạnh đó đã được kéo rèm che. Hai người ngồi quay lưng lại không nhận ra cô đã vào.

“Hoàng thượng đợi anh mãi đấy.” Lê Đăng Doanh vẫn đang nói, chợt cười. “Ta nghe Nguyễn Công Hoán kể, ngay từ lúc Hình bộ nhận được tập án, ngài đã hỏi năm nay án tử so với năm trước có nhiều hơn không? Ông ta bảo chỉ hơn có ba, năm vụ, ngài vẫn than thở mỗi năm có đến năm trăm cái án phải xét, phải đọc ngày đọc đêm vô cùng vất vả. Thanh triều xét án thu thẩm đến cả vạn, hẳn phải chia cho các nha bộ xét hộ chứ vua làm thế nào mà đọc hết, rồi cân nhắc từng ly từng tí, không dám bỏ sót cho người.”

“Thật ra tôi cũng không biết có nên về chăng.” Lê Văn Đức trả lời, giọng trầm xuống nặng nề. “Vào tháng bảy ngài gửi thơ cho tôi họa lại, tựa Hà du bất tưởng yểm, Trọc thủy cầu châu[2], tôi đã biết ý của ngài rồi. Tôi cũng là không thể không về, nhưng lại tự thấy mình có khi đang làm mọi việc xấu hơn.

“Ngài gửi thơ cho tôi và Đặng Văn Thiêm, anh ta cũng hỏi tôi có nên về không, tôi bảo thôi đừng làm loạn thêm. Tôi là con nuôi của Trung quân chẳng ai không biết, cũng là ân nghĩa cả đời. Đặng Văn Thiêm nhận ân một lời tiến cử của Lê Chất, có mặt lúc này chỉ đổ dầu vào lửa. Lê Đại Cương đã bị xử đến giảo giam hậu rồi đấy, cũng xét án vào kỳ thu thẩm này.” Lê Văn Đức thở dài, ngả lưng ra thành ghế mà lắc đầu. “Việc biết rõ không có kết quả, cũng không nên làm, mà lại chẳng thể không làm. Ngài gọi tôi về, có khi tôi lại trở thành giống như Lê Đại Cương.”

“Việc này không chỉ những kẻ bất mãn mà cả quần thần của ngài cũng chẳng định hòa hoãn đâu.” Lê Đăng Doanh gật đầu nhẹ. “Ta quản Đô sát viện nhưng làm gì được, luật đã rõ ràng như thế? Có muốn châm chước cũng không tìm được lý do để châm chước. Năm xưa Trần Văn Tha đã gần như ngay lập tức trốn về đầu hàng mà vẫn còn bị phanh thây, may mắn là anh em được tha đi sung quân. Bao nhiêu người đã bị xử tử ngay trước thành Phiên An, ta lại chẳng biết giấu họ vào đâu được.”

“Ông nên thấy may mắn hai đứa trẻ năm xưa ông cứu là gái, bằng không chúng bị bắt lôi về lại rồi.” Lê Văn Đức tư lự gõ ngón tay xuống bàn. “Phải, đến những quần thần trung thành với ngài cũng chẳng muốn dằng dai kéo dài việc này thêm đâu.”

Gió thổi khiến tấm màn lay động, Lê Văn Đức nhận ra bóng cô liền quay lại. Đứng sau rèm, cô chào anh ta và Lê Đăng Doanh. Có vẻ Lê Đăng Doanh chỉ mượn danh Đô sát viện mời cô đến. Hỏi han cô vài ba điều đã có trong lời khai, ông ta bảo cho người đi lấy bản án tới, rời khỏi gian nhà.

“Tôi vừa từ Nam Định về.” Bóng Lê Đăng Doanh vừa khuất, Lê Văn Đức liền lên tiếng. Cô khẽ gật đầu sau cửa, anh ta liền tiếp. “Tôi vừa bắt được ba kẻ đạo trưởng người Tây dương, được lệnh giết ngay rồi, sau đó đi tra xét các huyện lị, đặt tổng giáo để dạy bảo.

“Tỉnh ấy có bốn phủ, mười tám huyện, chỉ có huyện Tiền Hải mới lập, dân ít đất mặn, là không có người theo tả đạo. Còn gần ba trăm xã thôn, cần tổng giáo ba mươi chín người. Tôi nghĩ, cũng chẳng có tác dụng mấy đâu.” Nụ cười mơ hồ thoáng qua môi Lê Văn Đức. “Cũng như việc đổi trang phục làm bao nhiêu năm nay vẫn như muối bỏ biển, quan báo về quấy quá xem như khuất mắt trông coi thì ai biết đấy là đâu. Ở đất nước này, quan theo đường quan, dân theo đường dân, luật đi đường luật. Mọi thứ chẳng theo cái quy luật nào, do đó biến chuyển vô thường, loạn lạc khó định, có khi chỉ vì ý thích bất chợt của một kẻ nào đó, một hòn đá mà sụt lở cả bờ đê, trong khi những kẻ chẳng có ý thức gì vẫn mặc nhiên cho rằng mình vô tội.”

“Chẳng phải họ đúng thật vô tội sao? Lớn lên, tin tưởng, tuân lời, yêu thương một thứ gì đó mà họ nghĩ rằng thật đẹp đẽ, có tội gì đâu?” Cô mỉm cười nói. “Họ là không hiểu được thế gian hiểm nguy, không biết đạo lý, không tỏ lòng người, xét ra lại càng vô tội hơn người biết rõ mọi thứ mà vẫn làm. Tổ kiến làm sập bờ đê, nhưng phận con sâu cái kiến làm sao so được với kẻ chí tôn, nhận hết thảy vinh hoa của thiên hạ? Đến lượt mình, ai mà chẳng vô tội, ai mà chẳng có tội?”

Cô thấy Lê Văn Đức ngẩng lên, nhìn cô chăm chăm qua bức rèm.

“Bà biết bản án của mình không?” Anh ta vẫn không nói thêm, nên cuối cùng cô gật đầu.

“Dù không kết tội được tôi, vẫn có thể kết tội được người, dù sao kết quả cũng giống như nhau. Tôi chẳng qua là một cung nhân không được ai để ý tới, con gái của một phạm viên, chết sống nào có hề gì. Nhưng tội của tôi, chính là tội của người. Tôi không nhận tội, nhưng người không để tôi chết tức là người tự nhận tội, chỉ cần thế thôi.” Cô lại lẳng lặng mỉm cười. “Tội của tôi chỉ là hình phạt trong góc thành chẳng ai nhớ tới. Bản án thực sự khắc trên bia đá mới là hậu quả kéo dài cả trăm năm.”

“Bà cũng biết thế sao?” Lê Văn Đức hỏi bằng giọng chẳng rõ là gì. Thoáng khó chịu vì thái độ ấy của anh ta, cô rời mắt nhìn sang khung cửa bên cạnh. Nắng mùa thu nhàn nhạt chiếu qua tán cây xanh mờ.

“Cám ơn quan Tổng đốc đã cho tôi biết.” Thấy bóng dáng Lê Đăng Doanh quay trở lại, cô nói khẽ.

Đem bản án đến, họ hỏi lại cô vài chi tiết nhỏ, rồi cho cô về. Nhà Thị vệ vốn nằm liền trước hồ Kim Thủy nội, cô đi qua viên cung giám nhỏ tới bên hồ, chầm chậm đến gác Hải Tĩnh. Người cung giám có vẻ lo lắng nhưng không ngăn cản cô. Đứng cạnh hồ sen đã tàn hết, cô ngẩng đầu nhìn qua mái lầu gác đến bầu trời phía trên tường thành.

Bao lâu nay, bầu trời nơi này vẫn là một góc vuông thẳng đứng soi trên mặt nước cạn, chẳng thể nào khác được. Đến nhà vua cũng tìm cách rời đi, tới một nơi to rộng hơn để xây nên cõi Bồng Lai của ngài ta. Nhưng thế giới của ngài ta vẫn thế, vẫn nằm trong ba lớp tường thành quanh quanh bốn mùa luân chuyển mà đến từng ngọn cỏ cũng trở nên quen thuộc. Nhưng ngài ta lại bắt đầu nói về con rồng ẩn trong núi, con xích lân làm bão tố sấm sét rung chuyển đất trời, về một thế giới nào đó còn thật hơn cả câu chuyện về các vị thần của con người nơi đây. Hóa ra, ngài ta vẫn chưa bao giờ thực sự nhìn thấy bầu trời thẳng góc trên tường thành này.

Hóa ra, bao lâu nay, ngài ta vẫn tin vào con rồng nhả mây trong núi, con lân mang sét qua biển. Những niềm tin còn ngốc nghếch và ngớ ngẩn hơn cả các truyền thuyết phi lý nhất mà ngài ta vẫn cười. Ngài ta không tin thiên đường, nhưng lại tin vào một thế giới nào đó nằm trong tầng mây ngũ sắc ngoài biển khơi. Hoặc đó cũng chỉ là câu chuyện mà ngài ta tự kể cho mình, lặp lại mãi như sự thật.

Cho nên ngài ta làm ra vẻ như không biết, hoặc chẳng cần biết, những gì con người nơi này đang muốn làm. Cô, thân phận lẫn số mệnh của cô cùng tất cả người trong nhà, vốn chẳng là gì. Nhưng một khi không thể kết tội được cô, không thể bắt cô thừa nhận một âm mưu hay toan tính nào đó để lung lạc nhà vua, họ vẫn có thể kết tội ngài ta – bằng chính ngài ta. Bảo vệ cô là ngài ta thừa nhận những gì mình đang bị kết án, và kéo theo toàn bộ những gì ngài ta làm, bao gồm cả Miên Tông, quyền thừa kế, tương lai của đất nước. Ngay cả Lê Văn Đức cũng cảm thấy cô đang ảnh hưởng tới nhiều người khác, những người anh ta muốn bảo vệ. Đáng lẽ họ không bị kéo vào vòng xoáy khắc nghiệt này nếu người người không tìm cách o ép nhà vua. Mọi sự bỗng dưng lại xoay quanh một kẻ luôn tự cho mình đứng ngoài như cô, như thể là sự thật.

Thật lạ kỳ, thế gian quanh ngài ta cứ liên tiếp phơi bày ra những bản chất trần trụi nhất. Tình yêu, gia đình, đất nước, quyền lực, đạo đức, anh hùng, huyền thoại, chẳng một thứ gì còn có thể giữ lớp vỏ vàng ngọc quý giá để tôn thờ ngưỡng vọng, hay thậm chí chỉ để con người mê muội tự lừa mình suốt một đời. Con người thật ra chẳng cần nhìn quá rõ, cứ say sưa trong các danh vị phù phiếm, cứ mê luyến những lời lẽ đẹp đẽ để thỏa mãn ái dục cùng khao khát, cứ vui vẻ tin tưởng những phù hoa, cứ tụ họp nhau để sống, để lừa mị lẫn nhau bằng luân lý và ràng buộc, cứ thế để cho rằng mình khôn ngoan và đúng đắn, trong một thế gian gần như là sự thật đương nhiên - cho đến khi tất cả sụp đổ, tan vỡ, bị phá hủy không cách nào cứu vãn. Nhưng thậm chí, bao quanh ngài ta vẫn là tột đỉnh phù hoa, là kinh thành buổi ban trưa rực rỡ chói ngời do chính ngài ta xây dựng, tô đắp nên từng viên gạch, cái cây, là một hoàng tộc đông đúc phồn vinh, là một cung điện vàng khua ngọc chạm, nơi con người tụ họp đến để đắm chìm trong dục vọng, nơi tập hợp muôn vẻ vạn hình của thế nhân. Bao quanh ngài ta vẫn là tiếng ồn ào của buổi lễ không bao giờ tắt, dù là khánh tiết hay ai điếu. Muôn vạn bóng hình nhảy múa dưới bầu trời, trên mặt nước, trong tiếng động muốn vỡ tung lồng ngực. Giấc mộng lầu hồng của ngài ta vẫn là một sân khấu không hồi kết, trường hoan ca cực lạc trên xác chết và bùn lầy.

Mấy ngày sau, bỗng dưng Miên Liêu tới thăm cô vào lúc chiều muộn, thằng bé chẳng biết bằng cách nào khiến Thị vệ mở cổng cho vào. Đem cho cô vài thứ bánh trái mùa thu, Miên Liêu im lặng nhìn cô bóc vỏ quýt, chia từng múi để lên đĩa cho cả hai mẹ con. Ngoài trời nghe rả rích như thể một cơn mưa.

“Mùa đông sắp đến rồi, năm nay có vẻ lạnh đấy, con phải ăn mặc cẩn thận mới được.” Nhìn áo của Miên Liêu, cô vào trong lấy ra cái áo khoác lót lông mới được đưa tới. “Năm sau con xuất các, không còn nhận áo mùa đông trong cung nữa, cũng phải nhớ may áo sớm đi.”

“Mẹ để áo mà mặc.” Miên Liêu cúi đầu nói khẽ. Cô nhìn hàng mi của thằng bé rung rung, đưa tay xoa má nó lạnh ngắt.

“Khu vực này kín gió, ấm áp hơn bên ngoài nhiều. Con ở nhà học của hoàng tử chỉ có bọn hầu trai, không thể cẩn thận chu toàn, khoác áo ấm cho ta đỡ lo.” Cô cười, ngồi xuống cạnh thằng bé, lại cắt trái cây cho nó. Trong giỏ còn có mấy trái măng cụt, hẳn là cây từ miền Nam đưa tới trồng ở vườn Thường Thanh dành cho các hoàng tử vui chơi. Cô lẩn nhẩn hỏi Miên Liêu về những thứ cây được trồng trong vườn, các buổi tụ họp của hoàng tử, người ở chung với thằng bé. Thoáng chốc, từ lúc trống điểm thu không đã nghe đồng hồ báo đầu canh. Thị vệ tới bên kia cửa, nhẹ giọng gọi.

“Mẹ…” Miên Liêu đột ngột ngẩng đầu thốt khẽ. Cô cười, xoa tóc nó.

“Không cần lo cho ta.” Cô cúi người, thì thầm bên tai thằng bé đã cao hơn cô. “Ta còn ở đây đến ngày hôm nay là vì những người không muốn ta chết. Còn kẻ bên ngoài… cứ mặc kệ họ đi.”

Hàng mi của thằng bé lại khẽ rung động. Cô nghe hơi ấm trượt khỏi lòng tay mình, chuyển thành gió lạnh. Bóng Miên Liêu chưa ra đến cổng, cung nô đã vội vã khép cửa phòng, tiếng xích sắt loảng xoảng vang trong đêm thâu.

Trong phòng kín, cô bỗng ngửi thấy hương thơm mỏng manh dần tỏa. Những trái thị vàng trong giỏ vẫn chưa ai chạm tới, lặng thầm tỏa hương. Mùa thu, mưa giăng qua bóng tối.

Có lẽ, đã đến lúc quyết định, mùa thu đã không ở lại, những thời khắc cuối cùng đã trôi qua. Lê Văn Đức trở về chỉ như một sự phủ quyết sau chót, chứng minh cho một nỗ lực vô vọng chẳng thể làm gì. Anh ta biết rõ điều đó, nhưng cũng như nhà vua, đã trở lại, đã đứng nơi đây để chống đỡ và nhìn mọi thứ sụp đổ, để tiễn đưa và rơi nước mắt. Trong những lúc như thế này, có khi tất cả mọi điều họ cần chỉ là như thế. Khi Lê Đại Cương đã im lặng bỏ mặc như không hề liên quan, như Đặng Văn Thiêm đã không quay về, chỉ còn tiếng khóc của mẹ cô thất thanh buổi sáng ngày hôm ấy. Chỉ còn cha cô vĩnh viễn ghi dấu trong trang sách nơi này như một kẻ phản thần trời không dung, đất không tha, người không ai đoái tới.

Tấn kịch này cuối cùng cũng đã tàn. Cô đã nhìn được lời kêu van trong ánh mắt Lê Văn Đức, nhưng làm như không thấy. Cũng như nhà vua, anh ta vẫn cố chống chọi, vẫn muốn thử một cơ hội cuối cùng – cơ hội nằm ở cô. Mọi sự vốn dĩ chẳng phải như vẻ ngoài của nó, tấn tuồng này diễn ra chỉ vì những si hận mù quáng điên rồ mà cô khả dĩ có thể chấm dứt nó. Nhưng cô vẫn chần chừ không quyết, cô vẫn ở nơi đây, suốt bao nhiêu tháng năm, bao nhiêu ấm lạnh, vốn chẳng phải vì bất cứ ai trong bọn họ. Có những người không muốn buông tay, vì thế mà cô không bỏ cuộc. Cho đến khi, họ đã không còn có thể chống đỡ.

Trong bóng tối, mùi thị thơm nồng. Mùa thu, căn phòng kín ấm áp, gió mưa ngoài cửa, ký ức đẹp đẽ của suốt một đời. Ngôi thành ấy đã sụp đổ, đã vĩnh viễn mất đi trong sự điên cuồng không tưởng tượng nổi của con người. Bọn họ chẳng bao giờ biết buông tay, bọn họ nhất quyết phải hủy diệt tất cả thành bụi cát. Ngày tháng ấy, cô cũng đã đợi, đợi một hy vọng mỏng manh nhất, nhưng điều đó chẳng bao giờ tới. Tháng năm này, mọi kẻ cùng chờ đợi, đợi sự thứ tha cùng khoan dung, đợi chỉ một giọt nước mắt rơi, đợi chỉ một bước chân lùi xuống, nhưng nào có được.

Điều cuối cùng cô có thể làm cho người, lại là tự bản thân bỏ cuộc. Sẽ chẳng ai có thể quyết định được số phận của cô, không một ai. Thứ tự do duy nhất mà cô từng có.

Tiếng trống điểm canh lại vọng. Cô nhìn quanh bốn phía, dường có thể định được mọi phương hướng của kinh thành này. Cô thoáng nhớ tới những cô công chúa, những người đã thân quen bao nhiêu năm, nhưng rốt cuộc lại nghĩ, mình chẳng cần gặp họ. Họ chẳng phải những người cô muốn gặp.

Mùa thu, căn phòng kín nghe gió mưa ngoài cửa, hương thị ấm áp nồng nàn, tiếng cười khúc khích trong muôn màu gấm lụa. Chiếc đèn lớn chiếu sáng cả thương hải tang điền, cùng những chiếc bóng nhỏ bé bao quanh nó. Cô ấy, Ngọc Trân, Ngọc Anh, Ngọc Xuyến, Ngọc Châu, Ngọc Quỳnh, Ngọc Ngoạn, và cả cậu ta, tất cả bọn họ vẫn ở nơi đó.

Cô sẽ gặp lại bọn họ, tất cả bọn họ.

 

Chú thích:

[1] Phú đắc cúc thủy nguyệt tại thủ kỳ 1 của Trịnh Hoài Đức

[2] Nghĩa là Ngọc có tì vết vẫn không thể che sáng, Nơi dòng nước đục tìm lấy châu.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.