- Tiệm khan hoàng diệp lạc, chuyển giác tố phong thê[1]
(Chầm chậm xem lá vàng rơi rụng, bỗng thấy hơi gió chuyển thê lương)
Tháng năm, sau nhiều tuần trời hạn hán, các quan Ngự sử dâng sớ xin xử lý hình án ở Kinh và các tỉnh thành.
Nhà vua đã cho Hình bộ đích thân xét xử gấp các án tại kinh thành cùng tù phạm quân lưu ở các nơi khác đưa đến, Miên Liêu khe khẽ thì thầm với cô qua khe cửa hẹp. Im lặng một thoáng, Miên Liêu nói thêm, nhà vua cũng cho các Tiến sĩ đậu kỳ thi Điện vừa rồi đến dự yến ở vườn Thư Quang, để theo phép ban yến ở vườn ngự uyển thời xưa, tỏ ra long trọng hơn so với đãi ở Lễ bộ. Các sở đang làm việc cũng nghỉ hẳn.
Những hành động ấy cùng với cơn mưa đổ xuống mấy ngày sau, nhuận khắp từ Nghệ An đến Bình Định đang nằm trong hạn lớn, có vẻ vẫn không xoa dịu được lòng người. Những tập hình án vừa đưa đến Hình bộ, các quan trong Đô sát viện tiếp tục dâng sớ xin nhà vua đích thân ra sắc chỉ cho các nha bộ ‘đều theo luật nước mà xét xử, không được thêm bớt một chút nào’.
Đô sát viện ‘làm phản’ rồi, người thì thầm sau bức tường Nội vụ phủ. Tổng đốc An Hà Dương Văn Phong bị Tuần phủ Thuận Khánh Tôn Thất Lương tâu hặc việc nhận hối lộ tha cho thuyền buôn lậu. Không tìm được tang vật, nhà vua tạm thời cho Dương Văn Phong cách lưu, giao Hình bộ nghị xử, nhưng Đô sát viện nhất quyết không chấp nhận, buộc nhà vua phải cho phái viên đích thân đi tra xét. Binh khoa Cấp sự trung Nguyễn Tự tra được vợ lẽ và nô bộc Dương Văn Phong nhận hối lộ sau lưng viên quan này, thấy bị phát hiện liền đem trả lại. Đô sát viện tiếp tục phản đối án cách lưu của nhà vua, cho rằng Dương Văn Phong không xứng làm quan lớn, tham hặc cả Nguyễn Tự khi ông ta không dám đề ra hình phạt cho vị quan này.
Dương Văn Phong trước là một viên lại thuộc ở Binh bộ được cất nhắc lên, lần lượt lập công lớn đánh lui Xiêm ở Trấn Ninh, bình định Thuận Thành, hiện đang được cử đến phụ việc với Trương Minh Giảng ở Trấn Tây. Tuy bọn Đô Y đã trốn xa, Trấn Tây vẫn chưa yên ổn hẳn, nhà vua ắt không muốn rút viên quan được việc này về, nhưng Đô sát viện ba lần bốn lượt không bỏ qua, là bức ép Dương Văn Phong hay bức ép nhà vua?
‘Điều luật có hạn nhưng tình lý vô cùng, phải châm chước cho thỏa đáng. Nếu kẻ phạm trọng tội phải định ngặt hơn để làm gương, Đô sát viện thấy xử quá nặng không thỏa đáng thì tâu hặc. Chứ nhất nhất phải làm theo luật, nếu tội nặng hơn luật thì xử ra sao? Từ nay nếu thấy trọng tội cần phạt tăng nặng so với luật, phải ghi rõ trong bản án’, nhà vua ném trách nhiệm lại cho Đô sát viện, ra vẻ như không hiểu điều họ muốn nói.
Nhưng điều đó không khiến các bản án tử đã lưu hơn kém ba năm được đưa đến nha bộ thay đổi dù chỉ là đôi chút. Những cái án đã quá rõ ràng, người người nói, chỉ đọc lại những tội luật được Nội các liệt kê khi trước. Án của gia đình Lê Văn Duyệt đã chắc chắn không thể thay đổi, chỉ đợi kỳ xử chém. Trong thân nhân của loạn đảng Phiên An, phần đã được tha chuyển đi, còn lại chỉ là người nhà những tên trọng phạm hạng nhất. Ngay cả các em trai cô có lẽ cũng chẳng còn hy vọng. Cô nghĩ về điều ấy khi đi qua các khu nhà đến khu vực tòa Nội các được dành riêng một căn dành để hỏi cung cô. Căn nhà này được chia ngăn thành hai gian, cửa buông rèm mỏng, bên kia đã thấy người đứng ngồi lố nhố. Cô hơi ngạc nhiên khi nhận ra Miên Tông cùng Miên Liêu cũng tới, hẳn Tôn Nhân phủ được phái đến quan sát. Tại gian của cô, nữ quan hầu Thái hậu chờ sẵn, đỡ cô ngồi xuống ghế đối diện quan Hình bộ qua tấm rèm thưa.
Tất cả bọn họ đều tới, cô thầm nghĩ khi viên quan bên kia cất tiếng. Thượng thư Hình bộ Nguyễn Công Hoán đích thân đến cùng các bộ thần. Họ đọc lại bản án của cha cô, rồi đến mẹ cô, cuối cùng đến bản khai của cô. Phía sau cô, nữ quan cắm cúi ghi chép. Cô chắp tay trên gối, nhìn nắng chiếu qua những cánh cửa mở rộng, nghe tiếng nói vọng vòng quanh, tiếng rì rầm như gió thổi trong lá. Đến khi viên quan bên kia đã dừng lời một lúc, cô mới lên tiếng.
“Phải, mẹ tôi không biết gì đâu. Bà ấy cũng giống như bao nhiêu bà mẹ khác, thấy con sắp thành rồng phượng lại chẳng hoan hỉ sao?” Cô cười với bức màn. “Quan Thượng thư chắc cũng hiểu mà.”
Trong cung trước kia có một cung nhân tên Nguyễn Thị Tính là con gái Tham tri Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành Nguyễn Công Tiệp, bề tôi cũ của nhà vua khi ngài ta còn chưa lên ngôi. Người con gái này chẳng may qua đời sớm hơn mười năm trước, bằng không hẳn đã có địa vị không nhỏ trong cung. Trong ba năm ấy, nhà vua bỗng cho những người hiện là Hòa tần, Lệ tần vào cung cùng với Nguyễn Thị Tính, cất nhắc cha của Huệ tần. Nguyễn Thị Tính vừa sinh con đầu lòng đã mất, ngài ta liền đưa Nguyễn Thị Viên vào ngay sau đó.
Tất cả để lập nên thế cục ngày hôm nay, cô nhìn viên Thượng thư Hình bộ hơi cử động cánh tay không thoải mái lắm mà thầm nghĩ. Khi quay đầu nhìn lại, mọi việc bỗng chốc trở nên thật rõ ràng. Trong bọn họ chẳng kẻ nào là không hiểu rõ, cô lại nghĩ, và rồi bất chợt cảm thấy vừa chán nản vừa buồn bực.
“Ai ở Kinh lẫn Bắc Thành cũng biết mẹ tôi chỉ là một phụ nữ nông cạn. Năm nào dì Ba trong nhà đi làm lễ cầu tự liền chín ngày đêm ở chùa lớn Bắc Thành, mẹ tôi cũng nào có làm gì được, huống hồ là can thiệp đến chuyện bên ngoài, nghĩ sâu xa đến quan trường, việc nước?” Cô ngả lưng về phía sau, vẫn cười nói. “Cha tôi đã qua đời rồi, các ngài bảo ông ấy muốn làm phản thì là như thế, tôi có bảo cha tôi tức giận vì con gái không được sắp xếp thỏa đáng theo ý ông ấy thì cũng là tôi biết vậy. Giờ chỉ còn một đám mẹ góa con côi, các ngài muốn chém muốn giết gì thì tùy. Phận làm con, cha bị khép tội đại nghịch thì tôi cũng chẳng biết làm sao được.
“Nhưng tôi ở trong cung cấm này, thân phận từ lâu đã là người của triều đình, một bước ra ngoài cũng khó đi. Nói đến ý định lung lạc hoàng thượng, chiếm vị trung cung, hẳn càng là chuyện buồn cười nhất.” Cô thốt ra tiếng cười khẽ trong ngực, rồi lại rơi vào im lặng.
Bao nhiêu năm nhà vua hoàn toàn bỏ mặc cô trong đám cung nhân sinh bao nhiêu đứa con đông đúc, điều ấy chẳng cần nói thì ai cũng thấy rõ. Họ chẳng qua chỉ cần cô ở đây, lãnh chịu các tội danh của cha mình, như họ đã hết sức dồn ép mẹ cô. Lê Thị Sa ở cùng nhà nên biết âm mưu của Lê Chất, họ nói, thứ âm mưu hẳn phải được liên lạc từ bên ngoài vào cung nội, từ cha đến cô thông qua mẹ. Thứ âm mưu, nếu có, hẳn phải là một thất bại buồn cười.
Nhưng có khi, họ không thấy. Họ chỉ thấy cô vẫn an ổn ở địa vị ấy bao nhiêu năm, thấy cha cô không bị xét xử khi Bắc Thành loạn lạc, em trai cô được trọng dụng, tìm đường lập công trong tình thế ngặt nghèo. Họ chỉ thấy nhà vua điên cuồng cố chấp vì một người đã mất ba chục năm trước, lừa gạt cả triều đình, cả thiên hạ. Rồi họ không còn tin nhà vua, cũng như những gì đang thấy trước mắt. Họ chỉ thấy nỗi oán hận của mình – bao nhiêu kẻ đã tin ngài ta, tin vào quyền lợi và ân điển ngài ta đưa ra lừa mị, để lao vào một cuộc chiến rỗng không. Họ cần một lý do, dù là để chỉ trích, đổ lỗi hay yên lòng. Thứ con người tin, rất ít khi là sự thực.
Ai đó đang nói, nhưng cô không để tâm lắng nghe nữa. Họ cũng chẳng để ý đến cô, chỉ bàn bạc với nhau về những chứng cứ và luật lệ, lại gọi thêm vài nhân chứng nữa tới hỏi han. Mọi thứ đang tuần tự diễn ra như một vở tuồng được xếp đặt sẵn, dường như mọi kẻ cũng đã học thuộc điều mình phải nói. Cô cũng thi thoảng lặp lại những điều ấy khi có người hỏi tới, trong khi hoàn toàn không để tâm nữa.
Các buổi hỏi cung như thế lặp lại thêm chừng đôi ba lần, với các câu hỏi biến đổi khác nhau, người đến cũng khác nhau. Chỉ có Miên Liêu vẫn im lặng trong góc phòng, đăm đăm nhìn cô. Tới giữa tháng sáu, họ không đến nữa, cô liền biết bản án đã được đưa đến đình nghị, qua Đô sát viện.
Một buổi tối nọ, bỗng cung giám tới gọi cô vào cung thành. Cô lại được dẫn tới vườn Thiệu Phương, đi qua cổng treo một giàn đèn chưa được thắp. Trong vườn cũng treo đèn kết hoa giăng khắp, tuy chỉ có vài ngọn được đốt lên. Vẫn như trước, cung giám lui ra đóng cửa để cô đi vào. Nhìn quanh quất, cô thấy nhà vua trong điện Hoàng Phúc, mâm bữa tối trước mặt ngài ta đã được dọn đi, chỉ còn mấy bình rượu. Vừa bước vào điện, cô đã ngửi thấy mùi rượu nồng mà hương hoa không át đi được. Nhà vua tựa người vào đệm gấm trên sập, nửa nằm nửa ngồi mà quay đầu nhìn cô đi tới.
“Thần nghe nói ngài đang se mình?” Lạy chào ngài ta xong, cô nói, thoáng nhìn thấy bàn tay phải của nhà vua quấn vải trắng. Cung giám đưa cô đến đã nói khẽ rằng sức khỏe nhà vua không tốt, ngài ta lại đau tay đến mức không còn viết được, lễ Thu hưởng cũng phải nhờ Miên Tông tế thay[2]. Nhưng tay nhà vua vốn bị đau khớp khi trời trở lạnh, há lại trở chứng vào lúc giữa hè? Cô thầm nghĩ, nhìn ánh mắt thất lạc của ngài ta.
“Bọn khoa đạo bám theo ta khắp nơi, chạy cả vào điện Quang Minh mà dâng tấu sớ. Ta phải đuổi chúng ra mới được đấy.” Nhà vua bất chợt bật cười. “Đến Lê Văn Đức cũng vừa bị Binh bộ hặc tội ba năm chưa bắt được Nguyễn Quảng Khải, Nguyễn Công Trứ đi thăm dò căn cứ giặc biển mà bị bọn thuyền viên nhà Thanh dụ dỗ để yên cho chúng tự giải quyết với nhau. Đến họ cũng phải làm lo cho ta bằng được.”
“Không phải vì việc của ngươi đâu.” Thấy ánh mắt cô, nhà vua lắc đầu, lại cười. “Biết làm cách nào để chiếm được danh thế nhanh nhất không, là cứ phê phán ta đi. Những kẻ chẳng biết tài năng được bao nhiêu, lòng dạ như thế nào, nhưng nhanh nhảu bám vào sai lỗi, mạnh miệng chê trách kẻ đứng đầu, thế là đã thành người chính khí đường đường, anh hào nghĩa hiệp. Đám du đãng của Lê Văn Duyệt chỉ cần ngày ngày bới móc bài bác ta là đủ tạo nên một Tổng trấn huyền thoại vô song, một đám anh hùng vì dân trừ bạo. Huống hồ ta lại cho chúng bao nhiêu là lý do.”
“Không phải ngài tạo nên bọn họ sao?” Cô ngồi xuống dưới chân sập, nhướn mày hỏi. Trước kia nhà vua đã phật lòng rõ rệt vì các ngôn quan này chẳng được việc gì trong giúp đỡ quản lý, bọn họ cũng đã có vài tiến bộ khi phát hiện ra sai sót nhiều nơi, nhưng lại gây càng nhiều tranh cãi trong triều đình, giữa các quan. Dường như học theo Nguyễn Đăng Giai hay chính nhà vua, các quan dâng sớ hặc tội lẫn nhau, đào bới lên những việc tủn mủn nhỏ nhặt nhất của đối thủ để tránh tội cho mình.
“Cứ để chúng đánh nhau. Gió đông không thổi bạt gió tây thì gió tây thổi bạt gió đông, chỉ cần để yên một khắc, không biết chúng sẽ thành cái dạng nào.” Nhà vua búng ngón tay trái trên thành bình rượu. “Con người chỉ tới khi chết mới có thể tin được. Đến việc mình làm có khi chính mình còn chưa chắc, huống hồ nói đến mai sau. Đám văn thần khéo léo thì cũng gian ngoan, đám võ quan hăng hái thì cũng tham tàn. Càng khôn khéo thì càng dối trá, càng tham vọng thì càng tàn nhẫn, bọn càng giỏi giang được việc thì ta phải biết mắt nhắm mắt mở cho chúng, nhưng không thể để chúng yên tâm mà làm chuyện xấu được. Con người, nếu không ngăn chúng lại, chúng đều hóa thành bọn ăn thịt lẫn nhau.”
“Còn ngài?” Cô im lặng hồi lâu rồi hỏi khẽ. Ngài ta tạo ra hệ thống ấy, rốt cuộc trói buộc cả chính mình vào tầng tầng lớp lớp con người. ‘Không thể để chúng yên tâm’, nhưng ngài ta đang gây ra rối loạn vì thái độ của mình. Nhà vua thiên tư cho những kẻ ngài ta yêu thích, tiếng nói thì thầm lan truyền đi, khiến những quan tướng được lòng ngài ta trở nên khinh suất bừa bãi, những người khác thì tức tối giận dữ. Ngài ta có thể gọi đó là tình nghĩa hay lợi ích, có thể giải thích bằng bao nhiêu lý do, nhưng sẽ chẳng một ai tin.
“Bây giờ ta hiểu tại sao Lê Văn Duyệt tập hợp bên mình bọn du đãng ấy, chính là muốn cậy nhờ sự liều chết của chúng.” Nhà vua chầm chậm nói. “Trong cuộc chiến kia, khi bao nhiêu người cứ thế mà chết đi, bao nhiêu kẻ làm lỗi, tạo ra đủ thứ sai lầm, ta mới biết mình thiếu những thuộc hạ giỏi giang đến bậc nào. Những kẻ có thể vì ta mà chết, dù với bất cứ lý do gì, cũng chẳng dễ kiếm đâu. Rồi ta lại phải tạo nên một phe nhóm bao quanh ta, lại phải chấp nhận những tội lỗi của chúng để giữ chúng bảo vệ mình. Cuối cùng, có phải ta cũng lại trở thành như Lê Văn Duyệt? Cuối cùng, đến ngày nay, ta đã trở thành cái gì rồi thế?”
Cô lại lặng im. Nhà vua vẫn chẳng lúc nào trả lời đúng câu hỏi của cô, ngài ta cứ như đang tự nói một mình. Uống cạn bình rượu, nhà vua đặt nó sang bên, vì trái tay mà để bình rơi xuống đất, lăn lông lốc ra cửa. Cô vội nhặt nó lên, quay lại đã thấy nhà vua nhắm mắt như ngủ.
“Ngươi thắp đèn lên.” Ngài ta nói khẽ. Thấy trong phòng chỉ có một bộ đèn đã sáng, cô hiểu ngài ta sai cô đi thắp đèn trong vườn. Dưới hiên cạnh điện còn để mấy hộp đèn. Sắp đến Thất tịch, hẳn bộ đèn này vẫn chưa được giăng xong. Cô liền thắp mấy chiếc đèn gần cổng điện, đủ làm sáng bừng mặt nước chảy dưới thềm. Gió đang giật ào ào trên những cành cây nghiêng ngả.
“Nhiều năm trước, tháng bảy kinh thành có bão, ngươi nhớ không?” Khi cô đã vào lại trong điện, khoanh chân ngồi dưới sàn, nhà vua bỗng cất tiếng mà không mở mắt. “Bão lớn lắm, hoành hành suốt cả ngày đêm. Ta ở trong phòng, suốt đêm không ngủ. Đến sáng ra mới thấy ngói trên nóc nhà đã nát hết, chỉ có tấm ván trên chỗ ta ngồi vẫn chưa rơi xuống.[3]”
“Ngài… ngồi suốt đêm trong phòng?” Cô ngờ ngợ hỏi. Gió bão suốt đêm, mái ngói vỡ tan, ắt mưa dột xối xuống, cửa cũng khó mà nguyên vẹn. Hẳn ngài ta không thắp đèn nên khi đến sáng mới thấy mảnh ván trên đầu? Chẳng lẽ ngài ta cứ thế ngồi cả đêm, trong mưa bão, trong bóng tối, không gọi một ai, thậm chí không tìm cách che chắn bản thân?
Lời vừa ra đến miệng, cô thốt nhiên nhớ lại trận bão rất nhiều năm về trước. Tháng bảy, ngài ta nói, bão mùa Thất tịch. Trong những cơn mưa rỉ rả mùa thu, bão tố đột nhiên vần vũ tối tăm trời đất, nước lụt cuồn cuộn, sấm chớp giật từng hồi như bão lửa. Trận bão mạnh đến mức thuyền đã vào đậu ở cửa biển cũng bị đánh chìm hàng loạt, nhà cửa sập trôi trong nước dâng. Đó là lần đầu tiên trong đời cô thấy cơn bão lớn đến thế, ở kinh thành.
Mùa thu năm đó, cô ấy đã qua đời được ba năm, ba cô gái khác lần lượt được đưa vào phủ đệ hoàng Tư.
Và đêm đó, ngài ta đã ngồi mãi, trong bóng tối mịt mù loang loáng chớp sáng cùng sấm giật như xuyên thủng bầu trời, như lật ngược cả mặt đất. Trong gió mưa dồn đổ qua mái ngói vỡ tan, quật phá quay cuồng. Như thể… ngài ta đang chờ cơn bão nhấn chìm cả mình.
Như thể, buổi sáng hôm ấy, khi ngước nhìn lên thấy tấm ván vắt vẻo trên đầu, ngài ta đã biết, mình không chết.
Ta là người có phúc, ngài ta cười nói. Vì hôm đó ngài ta không chết. Ngài ta đã đợi, đợi cả một đêm dài như trăm đời, nhưng ông trời không giết chết ngài ta. Ông trời không để ngài ta chết. Vì thế, ngài ta vẫn sống. Sau này, thi thoảng ngài ta vẫn nói về sấm chớp mà trời giáng xuống. ‘Chỉ những kẻ vô đạo mới bị sét đánh’, người ngoài cho rằng ngài ta mắng Nguyễn Văn Thành, hóa ra là tư tâm riêng của ngài ta.
“Ừ, rồi sáng ra ta nghĩ, thế là phải sống thôi.” Người kia cười, mơ màng đáp.
Trong cuộc sống đã trở nên không thể chịu đựng nổi. Trong cuộc sống bỗng chốc trở nên xa lạ, mịt mờ, khổ sở, đau đớn đến không thể chịu đựng nổi. Ba năm, ba cô gái khác vào phủ, dạy cho ngài ta thế nào là cuộc sống trong hoàng thành này, thế nào là cuộc đời ngài ta phải sống.
Ngài ta sẽ phải sống cả cuộc đời trong nỗi đau đớn không thể chữa lành, trong những gì ngài ta trân quý tôn thờ lần lượt vỡ nát, lần lượt trở nên bẩn thỉu trụi trần, trong những mộng mơ tan tành và sự căm ghét khôn bề cứu chuộc. Ngài ta sẽ phải sống giữa cuộc đời vận hành bởi dục vọng, bị xé nát trong tham muốn của mọi kẻ xung quanh, nhấn chìm trong nỗi sợ hãi triền miên hàng đêm dằng dặc. Ngài ta sẽ phải sống như một kẻ điên đi mãi không tìm thấy chân trời, trong im lặng vô biên giữa phù hoa tột độ.
Đêm đó, hẳn ngài ta đã chờ mãi, trong từng hạt mưa lạnh buốt rơi xuống, trong từng cơn gió ầm ĩ quét qua, trong từng tia chớp xanh rung chuyển đất trời, rằng tấm ván kia sẽ rơi xuống, căn nhà ấy sẽ sập đổ, cả đất trời ấy hãy cùng tan vỡ, chôn vùi, nhấn chìm ngài ta vào bóng tối tận cùng. Nhưng ngài ta chờ không được, chỉ có cuộc đời, từng bước lại từng bước, mở ra cho ngài ta hố sâu không đáy.
Từng bước lại từng bước, không một thanh âm, bọn họ đã ở nơi đây.
Mở mắt nhìn qua đêm thâu, đã thấy cuộc đời trôi mất, lại thấy mình vẫn hiện diện như điều không thể khác. Đã bao nhiêu đêm như thế, những sự sống cùng cái chết đan cài, từng phần từng phần chết đi rồi sống dậy, chìm mất dấu trong dòng sông thời gian. Linh hồn vĩnh viễn phiêu bạt không chốn nương thân, xác thân trôi nổi trong thế gian của những quy luật tục lụy, ý thức trừng trừng nhìn mỗi cơn gió buồn vui thổi đến chợt hiện chợt mất không hồi kết. Dường cơn bão ấy vẫn chưa bao giờ ngừng thổi, vẫn âm vang mãi mỗi lần bóng tối buông.
Bên kia vườn có tiếng gõ cửa khẽ, Chu Phúc Năng nâng một khay đựng bát thuốc lớn dâng đến cho nhà vua. Vì tay nhà vua đang bị đau, cô cũng phải tới đỡ ngài ta ngồi lên. Ngài ta cau mày, nhưng vẫn chậm chạp uống. Dường thuốc làm tan bớt rượu, khi Chu Phúc Năng rời đi, ánh mắt nhà vua nhìn cô đã tỉnh táo hơn.
“Ngươi hiện thời hẳn vui vẻ lắm.” Ngài ta bỗng nói, nhếch môi cười. “Nhiều năm trước, ngươi trông lúc nào cũng như thể muốn sống chết với bất cứ ai đụng chạm đến, cả cung nội này ai cũng sợ ngươi.”
“Không đến mức như thế chứ?” Cô nhíu mày. ‘Vui vẻ’ hẳn không phải là thái độ của một tử tù chờ chết, cũng như năm xưa cô chỉ đóng cửa ở trong phòng, vẫn lễ độ lịch sự với mọi người.
“Ngươi tuyệt vọng. Khi vừa sinh Miên Liêu, ánh mắt ngươi cực kỳ tuyệt vọng.” Người kia đáp, cô cười.
“Như thể là, vẫn phải sống thôi. Thế mà cũng qua hết được một đời.” Gió thổi mạnh khiến cái đèn treo ngoài cửa quay tròn, cô nghe tiếng ào ào như một cơn mưa đang tới. “Năm sau Miên Liêu đến tuổi xuất các rồi, có thể lấy vợ, sống tự lập, không cần phải lo lắng nữa.”
“Đúng, cứ sống như thế, như họ muốn, vậy là được. Chẳng phải họ chỉ cần như thế thôi sao?” Tiếng cười khô khốc nghe như thể cành cây gãy. Nhà vua nằm xuống sập, lại nhắm mắt. “Ngươi về đi.”
Đứng thêm một lúc, không thấy nhà vua nói thêm, dường đã rơi hẳn vào giấc ngủ, cô đành đi ra cửa vườn. Chu Phúc Năng đã đợi sẵn cô bên kia cánh cửa, cầm đèn dẫn cô ra cổng Hưng Khánh.
“Bà có chào ngài không?” Đến một quãng vắng, viên cung giám chợt nói. “Ngài bảo, từ nay sẽ không gọi đến bà nữa, dù sống hay chết. Chết thì đem chôn, sống thì lưu đày, cũng chẳng liên quan đến hoàng cung nữa.”
“Phải vậy nhỉ.” Qua thoáng ngạc nhiên, cô cười nhạt. Bản án từ Hình bộ đã được chuyển đến Đô sát viện, chuẩn bị đưa lên đình nghị. Cô đã chính thức trở thành phạm nhân chờ phán quyết.
“Họ khép bà vào tội tử. Toàn bộ mọi người, giết hết.” Chu Phúc Năng chợt đứng lại dưới tán cây rậm, giọng khẽ run lên. “Ông Lê Văn Đức cũng đang được gọi về Kinh rồi.”
Cô vẫn bình tĩnh nhìn anh ta, nhận biết từ từ sáng rõ. Lê Văn Đức được gọi về Kinh hẳn để cùng tham gia đình nghị, vì cái án của gia đình Nguyễn Văn Thành, bất chấp anh ta cũng vừa bị hặc tội ba năm chưa bắt được Nguyễn Quảng Khải. Trong tình thế hầu như chẳng còn gì có thể cứu họ, nhà vua vẫn chưa chịu buông tay. Ngài ta vốn chẳng biết buông tay, chỉ là cứ thế mà nhìn mọi thứ sụp đổ, tuyệt diệt ngay trước mắt.
Trong tình thế này, vứt bỏ cô chính là cách làm tốt nhất. Họ chỉ cần như thế, một nhà vua không để tình cảm của mình bị lợi dụng, san sẻ bản thân cho muôn vạn người. Cuộc đời đã mở ra trước mắt ngài ta từ ngày xa xưa ấy, đã từng khiến ngài ta đau khổ đến cầu mong được chết. Có lẽ, là ngài ta vẫn âm thầm mong muốn điều đó, trong khi tụng ca sự sống, bám lấy miên trường. Họ chỉ cần như thế, thế là được, thế là được. Trong những lúc như thế, ngài ta lại thường tự lừa dối mình.
Cô im lặng đi qua Chu Phúc Năng, đi qua thị vệ canh cổng, tự về căn nhà giam trong Nội vụ phủ. Người kia hẳn đã chìm vào cơn mộng trong khu vườn ngát hương, như bao nhiêu tháng năm nay vẫn thế. Như mùa hạ ấy, ngài ta chờ đợi thành Gia Định sụp đổ, từng phần lại từng phần. Không thể cứu vãn, không thể phục hồi, không chốn quay đầu.
Đêm tháng bảy, mưa từ cơn bão xa kéo qua bầu trời, những tia chớp sáng lòa rạch ngang bóng tối. Năm tháng là những vòng xoay lặp lại, chỉ những giấc mộng không quay về nữa bao giờ.
Chú thích:
[1] Hà Nam lộ trung lập thu của Trịnh Hoài Đức
[2] Thực lục, tháng 7 năm 1838: Vua bảo Nội các rằng: “Hằng năm kính gặp ngày lễ hưởng, các văn khấn trẫm thân tự viết điền vào, nay sắp tới ngày làm lễ Thu hưởng, trẫm bỗng nhiên tay đau phải dán cao.”
[3] Thực lục, tháng 7 năm 1838: Vua bảo thị thần rằng: "Khoảng năm Gia Long, Kinh thành gió bão một ngày đêm, ngói trên nóc nhà đều tan nát, trẫm suốt đêm không ngủ, đến sáng nhìn thấy trên chỗ ngồi có tấm ván sắp rơi mà không rơi, đó cũng là trời thương.”
Trong thời Gia Long, kinh thành 2 lần được ghi có bão vào năm 1810, 1811. Trong đó cơn bão năm 1810 vào đầu tháng 7, trùng với khoảng thời gian cơn bão ở Ninh Bình mà Minh Mạng nhắc tới.