Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

111. Nhiễu lương ca bãi mạn ngưng thần
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 26th, 2019
  1. Nhiễu lương ca bãi mạn ngưng thần, xuân khứ xuân lai bất quản xuân[1]
    (Tiếng ca quẩn quanh xà nhà đã dứt, xuân đi xuân đến chẳng quản xuân)

 

Cô trở lại cung thành vào mấy ngày sau, theo lời gọi của Thái hậu. Đi ngang qua cung Trường Ninh, cô nghe tiếng ồn ào liền liếc mắt trông vào, thấy quân lính đang dỡ một số lầu gác.

“Họ chuyển chúng sang hồ Tĩnh Tâm.” Bà lão tì được lệnh ra dẫn cô vào cung thấy thế liền nói. “Hôm trước ngài ngự đến thấy cỏ hoang mọc đầy, lá rụng khắp nơi mà không ai quét dọn thì phạt lính canh, rồi bảo lầu các nơi này quá nhiều khó kiểm soát, dỡ một phần sang cung mới xây cho đỡ sức người.”

Cô mím môi, nhưng quyết định không hỏi. Cung Trường Ninh là nơi dạo mát của Thái hậu, cũng là nơi bà dùng để mở tiệc trong nội cung, chơi cùng con cháu. Nhà vua đến vào đầu mùa hạ lại thấy ‘lá cỏ khắp nơi’, như thể đã bỏ hoang nhiều ngày, dù cuối năm trước là kỳ Thất tuần Khánh tiết của Thái hậu, lễ mừng hẳn phải vô cùng long trọng.

Thấy cô được dẫn vào chính điện, Thái hậu liền khẽ bảo người xung quanh lui xuống. Mấy cô gái trẻ mới vào tò mò đưa mắt nhìn cô, trong khi người cũ chỉ cúi đầu tuân lệnh. Lão tì đem lên cho cô một tách trà rồi lui ra, để cô lại với Thái hậu trong căn điện mới được sửa sang cho ngày Khánh tiết.

“Ta đã đọc thư con.” Không rào trước đón sau, Thái hậu nói thẳng. “Con là người của cung, mẹ của hoàng tử, không thể bị tra xét như thường dân, nhưng chuyện cha con không phải là việc cung nội này có thể quản được. Ta đã bàn với hoàng thượng cho con đến gian nhà riêng ở Nội vụ phủ. Nơi đó gần với nội cung, chúng ta vẫn có thể chăm sóc cho con, các quan đến hỏi việc cũng có thể được kiểm soát, con không phải lẫn lộn với người ngoài.”

“Vâng, con tạ ơn Đức hoàng.” Cô chỉ cúi đầu nói, cảm thấy ánh mắt của Thái hậu vẫn chăm chăm nhìn mình, liền nói thêm. “Ơn đức của Đức hoàng và ngài ngự, con sẽ hết lòng báo đáp.”

“Từ ngày đầu gặp lúc con còn bé, ta đã biết con rất thông minh.” Thái hậu nghe như thở ra, chiếc quạt lay động trong tay bà. “Khi Thế Tổ muốn lấy con cho hoàng thượng, ta cũng thấy con rất khá, một đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và biết điều.”

“Vâng ạ.” Cô vẫn chỉ mỉm cười đáp. Hẳn nhiên, ban đầu cô chẳng phải người ngoan ngoãn, nhưng xét ra lại vô hại và ‘biết điều’ hơn nhiều người dịu dàng khéo léo khác. Sự ‘thông minh’ mà Thái hậu đang nói tới, cô cũng biết đang ám chỉ điều gì. Nói cho cùng, cô vẫn là con gái quan nhất phẩm, Tổng trấn Bắc Thành, đủ thông minh để hiểu được ý muốn của bà, trong tình thế này.

Rốt cuộc, cô đã được đưa tới Nội vụ phủ, như ý muốn ban đầu của bà. Ngay từ lúc ban đầu, bà đã nhìn ngắm và suy ngẫm nên sắp xếp cô như thế nào, và cuối cùng, mọi sự đã quyết định.

Sự cố chấp của nhà vua đưa Hồ Thị Hoa lên Thần phi đẩy triều đình vào cuộc giằng co mới, và nếu cô nghĩ đúng về sự khôn ngoan của bà, Thái hậu hẳn đã thỏa hiệp. Chẳng có ích lợi gì nếu Kiến An công tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trong triều đình, tiếp tục bị nhà vua tra xét và trừng trị hàng loạt tội danh khác. Miên Tông chính là giải pháp ổn thỏa nhất cho tất cả con cháu của bà, dòng họ hoàng gia này và cả đất nước – Với điều kiện, nhà vua không tiếp tục gây ra tranh cãi, phản đối vì thái độ mà người ta gọi là cảm tính cùng thiên vị. Và ngòi nổ cho toàn bộ sự tranh cãi ấy, có thể lại quay ngược về người con yêu của Thái hậu.

Cô nhớ lại hơn chục năm trước, sự giải hòa của nhà vua và Ngô Thị Chính vốn diễn ra ngay trước mắt Tả quân Lê Văn Duyệt – sau khi nhà vua âm thầm phong tặng cho Hồ Văn Bôi, trước khi ngài ta lặng lẽ sửa đổi giấy tờ để đưa anh em họ Hồ vào triều đình. Lê Văn Duyệt và Kiến An công, hóa ra sự thân thiết của vị thân hoàng đệ này với anh em con trai Ngô Thị Chính chẳng hề đơn giản. Từ Lê Chất cha cô, hoặc ngay từ thời Thế Tổ, bọn họ đã biết rõ cách để gây chia rẽ, oán thù trong triều đình bằng chuyện dường như chỉ là ‘việc nhà hoàng thượng’. Còn nhà vua, ngay năm ấy đã thăng chức cho Nguyễn Hựu Khôi, biết rõ cháu hắn ta là phủ thiếp trong nhà Kiến An công. Ngài ta hiểu rõ mối liên hệ giữa họ, và dường như, thúc đẩy bọn họ tiến tới.

Năm ấy, ngài ta giảng hòa với Ngô Thị Chính, Lê Văn Duyệt, mỉm cười đón nhận và làm hài lòng tất cả yêu cầu của họ. Và chỉ mấy tháng sau, ngài ta bắt giữ Trần Nhật Vĩnh, xử trị tất cả bè phái Lê Văn Duyệt ở kinh thành. Và khi Hoàng Quýnh muốn tâu kín về phủ thuộc Kiến An công mua lạm đường cát, ngài ta phạt tất cả mọi người liên can, làm cái án càng to thêm. Cũng như lúc này ngài ta liên tiếp xử trị người của Kiến An công cùng Thái hậu. Thậm chí, cũng như lúc ngài ta biết việc làm bậy của Lễ bộ nhưng vẫn đẩy Miên Hoành ra tế Thái miếu.

Thân tín của Miên Tông bị trừng trị hàng loạt, ngay sau khi ngôi đền ở bờ Đông được dựng nên. Ngay sau khi thành Gia Định sụp đổ, bản án của Lê Văn Duyệt được đưa vào Nội các, Miên Hoành chết. Sau cuộc chiến thảm khốc, trong oán thù dâng ngùn ngụt, Miên Hoành – vị hoàng tử được bè phái Kiến An công, Lê Văn Duyệt hậu thuẫn, và nhà vua mặc tình đưa cậu ta ra trước đầu sóng – dường như đã lĩnh trọn toàn bộ hậu quả. Cho đến khi nhà vua thực thi các bước tiếp theo.

Trong bao nhiêu năm, ngài ta viện hết cớ này tới lý nọ để nâng vị thế của Hồ Thị Hoa, nhưng ngay cả ngôi đền bờ Đông vẫn là nơi hợp thờ với một vị phi tần có địa vị cao hơn. Cho đến khi trừ diệt được hầu hết kẻ đối nghịch, ngài ta mới đưa Hồ Thị Hoa lên địa vị nhất giai phi, và chuyển Tôn Nhân phủ vào tay Miên Tông. Tôn Nhân phủ lần lần bày ra đủ mọi phương cách triệt tiêu quyền lực của các hoàng thân, khống chế từng hành vi, loại bỏ cả những nguồn lợi mờ ám của họ - và do đó, ảnh hưởng đến hàng loạt người trong ngoài triều. Bắt đầu có những tiếng rì rầm về cuộc chiến năm đó, rằng nguyên do của nó chỉ vì nhà vua tìm cách trừ khử những kẻ ngáng đường, vì ngài ta muốn nâng đỡ một người vợ không danh phận. Tất cả, chỉ do ngài ta là một kẻ háo sắc u mê vì tình.

Ngài ta lừa gạt tất cả mọi người, sự phẫn nộ không chỉ ở những kẻ chống đối ngài ta, viên Ngự sử đứng đầu Lễ khoa không ngần ngại nã phát súng đầu tiên.

Cùng lúc với sự hiện diện của cô và những cái án kéo dài của hai gia đình quyền thần, mọi kẻ tưởng như mình đã hiểu hết mọi sự. Mọi kẻ cùng chằm chằm vào từng hành động của ngài ta, phóng đại cùng soi xét đến mọi điều nhỏ nhất. Trương Minh Giảng khi nghe khiển trách liền đem dâng cho ngài ta một hộp ngọc và hai con chim trĩ, như thể thái độ của nhà vua chỉ là một trò đùa. Ngươi cho mình là Mạnh Tử can Tề Tuyên vương à, nhà vua hạch hỏi Phan Thanh Giản khi nghe khuyên ngăn về chuyến tuần du, ngài ta hiểu ngay lập tức thứ mà người khác nghĩ. Và những phản ứng hung hãn của nhà vua với bất kỳ lời khuyên can nào về ‘chuyện riêng’ của ngài ta chỉ càng khiến tình hình tồi tệ thêm. Và cách nhà vua sống trong hai năm nay, gần như bỏ mặc cả nội cung chỉ để mải mê xây dựng những công trình phung phí gắn liền với tình cũ, chỉ khiến hình ảnh ngài ta trở nên không thể chấp nhận nổi.

Lúc này, nhà vua cần một hành động để trấn an, lập lại luật pháp cho hoàng thành. Mọi kẻ đang nhìn chòng chọc vào những cái án tử đã bị hoãn gần ba năm, vào vị cung tần tuy đã bị phế truất nhưng chưa xử án. Và Thái hậu thì hẳn nhiên chẳng muốn sự chú ý được dời sang người con yêu quý lẫn anh em họ ngoại của mình. Lúc này lại chính là thời điểm khối mâu thuẫn bộc phát mạnh mẽ nhất, với sự lựa chọn của nhà vua. Với những câu chuyện nửa thật nửa giả được tung ra khắp trong triều ngoài nội.

Khi xưa bà kể với cô chuyện của Lương Vũ đế, lại chính để nhắc nhở cho cô về nhà vua, về những gì ngài ta có thể làm trong nỗi oán hận ngấm ngầm bao nhiêu năm. Để cô hiểu được tình thế ngày hôm nay.

“Hoàng thượng lại vừa mới cho người đi xem đất Vạn niên cát địa. Mười năm trước, ngài đã cho người đi chọn đất nhưng chưa từng đến xem qua, giờ mới bảo lính dọn đường tới.” Thấy thái độ của cô, Thái hậu chợt nói. “Ta cũng bảo ngài nhân tiện xem đất Vạn niên đại cát địa cho ta, sớm ngày nào tốt ngày ấy, năm sau xây là tốt nhất, rồi ngài muốn làm gì thì làm.

“Lẽ nào con đi xây lăng mà một bà già như ta lại cứ ngồi đây hưởng phúc? Hoàng thượng nghe thế cũng chẳng nói gì, hẳn ý đã quyết rồi đấy.” Thái hậu rời mắt khỏi cô, nhìn ra khoảng sân ngoài điện. “Cung nội này mấy năm nay hết tang to đến tang nhỏ, chẳng ai còn thiết tha gì nữa.”

Chỉ có nhà vua năm ngoái vẫn cho xây hàng loạt lầu hoa trang trí lộng lẫy, dựng những cỗ máy chạy con rối làm vui, lang thang dạo chơi ngắm diễn trò, cô thầm nghĩ. Ngài ta chỉ phát giác ra sự hoang phế của cung nội này khi thấy cỏ mọc đầy cung Trường Ninh, và chọn cách dỡ lầu các đi dựng nơi khác, chẳng muốn quay đầu nhìn lại.

Như thế không được sao, nhìn thái độ của Thái hậu, cô nuốt câu hỏi lại trong ngực. Bà rõ ràng rất không bằng lòng. Bao nhiêu năm nay, nhà vua vốn cũng chỉ quan tâm đến cung nội vào những khoảng thời gian ngài ta muốn làm một ‘vị vua tốt’, khi ngài ta chăm chỉ thiết lập ra những quy cách, chính sự mới cho đất nước lý tưởng mà ngài ta muốn dựng xây. Ngài ta vốn đánh đồng cuộc đời mình với chức phận của một vì minh quân, lấy sự nhiệt tình trong công việc để đóng vai một nhà vua trong cung thành. Bây giờ, ngài ta lảng tránh tất cả, chỉ chăm chú xây dựng những khu điện đài, nhà vườn, vui vẻ với những ký ức và tưởng tượng. Bây giờ, ngài ta lại đem cuộc đời mình cho một mục đích khác.

“Đầu năm nay, hoàng thượng mắng Tuần phủ Hà Thúc Lương về việc xin đào sông Thiên Đức, Nguyệt Đức.” Thái hậu lại nói. “Đào sông Nguyệt Đức cần đến hai mươi ba vạn nhân công, đào sông Thiên Đức cần gấp mười số ấy, ngài bảo hãy bàn việc thiết thực hơn đi. Trong khi năm trước Tổng đốc Hải An Nguyễn Công Trứ đi kinh lược về tâu rằng, kỳ lão trong vùng nói nước lũ năm rồi cũng không hơn mức thường, vậy mà lại vỡ đê hàng loạt. Cho thấy các dòng sông Bắc Kỳ đã nghẽn ứ nguy lắm rồi, chỉ dòng nước bình thường cũng đã gây họa lớn.”

Quả như Nguyễn Đăng Giai đã nói, thất bại trong việc thoát nước ở sông Cửu An, bọn họ đã lần tìm đến thượng nguồn, lại nhắc tới việc khơi đào hai đầu sông bị nghẽn tắc đã lâu. Tình hình đã không thể không làm, họ giục giã. Nhưng với một vùng đất vừa qua biến loạn, năm năm đói kém, lòng người xào xáo, chúng ta có thể làm cách nào? Những kế hoạch tiếp tục bị hủy bỏ trong đình viện, những bờ đê mới lại xây cao, cái kết cục mà cô có thể thấy rõ rành ngay trước mắt.

 

“Hoàng thượng nói việc trị quốc phải lâu dài, không thể gấp. Ngài cho người đi ra ngoại quốc, tìm đến Tây dương học hỏi, như thể mấy cái máy của Tây dương có thể giúp.” Cô vẫn im lặng, Thái hậu liền khẽ khàng nói tiếp. “Nhưng ta bảo, có máy Tây dương cũng phải có người điều khiển. Tại sao Nam Kỳ có thể đào sông Thoại Hà, sông Vĩnh Tế mà Bắc Kỳ muốn làm gì cũng không được? Muốn gì thì cũng phải ổn định đất nước, an lòng người. Muốn làm việc lớn phải có người tốt, muốn có người tốt phải dạy dỗ, muốn dạy được người thì bản thân phải làm gương, khiến người tin tưởng. Không thì bao nhiêu kế hoạch đặt ra cũng chỉ là trò vui trên giấy, bản thân hóa thành kẻ bị muôn người lừa phỉnh mà không hiểu tại sao, cũng chẳng oán trách ai được. Lấy nhân nghĩa trị quốc, muôn người đồng lòng cảm phục, lấy trí trị quốc, chỉ khiến kẻ dưới dùng trí mà đối phó.”

“Một người phải chịu trách nhiệm cho muôn người, có thể sao?” Dù nhủ lòng im lặng, cô vẫn buột miệng.

“Kẻ nào sai là việc của họ, ta vẫn phải làm đúng việc của mình.” Thái hậu cau mày nói. Cô ngẩng đầu nhìn bà, lại lặng thinh.

Cô vẫn giữ im lặng, chỉ đôi lần dạ vâng lấy lệ khi Thái hậu nói sang những việc khác. Khi được bà cho về, cô một mình thẩn thơ bên hồ Kim Thủy chờ cung tì đưa xe tới. Trong mấy năm này cũng có vài lầu tạ được xây thêm ven hồ, cô thấy một nhà tạ có biển Tứ phương bình định, một cái đình ghi Bát phong tòng luật.

Bát phong[2], bát phong, dưới nắng gay gắt giữa hạ, cô lẩm nhẩm. Bỗng dưng trong cuộc trò chuyện với Thái hậu vừa rồi, cô chẳng còn muốn nói gì thêm, như thể mọi lời nói ra đều vô nghĩa, như thể hai người đang nói về điều hoàn toàn chẳng giống nhau. Nhìn thấy biển đề Bát phong tòng luật, cô lại thầm nghĩ, hóa ra là như thế.

Hóa ra ngài ta vẫn luôn sống như thế, vui vẻ tổ chức những buổi lễ sau tang tóc đau thương, đứng dậy lại càng kiên cường hơn trước mỗi khó khăn, liên tục nói về hy vọng và tương lai để thúc đẩy mọi người tiến tới, thậm chí có thể cương quyết lẫn hung tàn hơn bất cứ ai, bởi vì cuộc đời ngài ta xoay vòng trong những ngọn gió. Bởi vì ngài ta tự cảm thấy mình chẳng gì hơn một cái đình bốn phương trống rỗng mà toàn bộ vui buồn đều chẳng nơi ở lại, một xác thân mà những sướng khổ đều chỉ là một quy luật dửng dưng. Ngài ta vẫn luôn sống như thế, lặp đi lặp lại như một thói quen, như thể là sự thật.

Không phải tại cung thành này, mà có lẽ đã ở ngay Gia Định, khoảnh khắc mà Đông cung Cảnh nhắm mắt xuôi tay, hoặc thậm chí trước nữa, trước cả khi cô nhìn thấy ngài ta dưới gốc thị. Phải sống đúng, mẹ ngài ta nói, người phụ nữ lớn lên trong tranh đoạt loạn ly, lấy người chồng hoàng đế chỉ vì được phái đi theo hầu hạ ngài ta ở nơi chẳng ai muốn đến, chấp nhận đưa đứa con đầu lòng cho người khác, sống cả cuộc đời hòa ái khôn ngoan. Có lẽ cả cuộc đời bà chỉ biết đến trách nhiệm và bổn phận, trong những lý lẽ để sinh tồn, quật cường cố chấp đi theo điều mình cho là đúng. Đứa con của bà sinh ra với đầy đủ những đặc tính ấy, cả cuộc đời bị giam hãm bởi chính những điều tạo nên máu thịt bản thân mình.

Họ đã thu xếp rất nhanh để cô trở lại hoàng thành, vào căn nhà cạnh Nội vụ phủ vốn trước là kho chứa bạc. Khu nhà này nằm cạnh Duyệt Thị đường, gần ngay cửa cung dẫn vào Dưỡng Tâm điện. Gian chứa bạc nằm trong một góc, cửa đóng then cài mấy lớp, được phái thêm vài cung tì đến canh giữ, nhưng bên trong lại có vẻ tươm tất hơn cả căn phòng của cô ở vườn Thư Quang. Ngay cả bữa ăn đưa đến, cô cũng cảm thấy như vừa được chia từ mâm bàn của Dưỡng Tâm điện hoặc cung Từ Thọ. Cung tì còn dâng cho cô một bản cung khai theo mẫu, rồi đóng cửa để cô lại trong ánh đèn leo lét của căn phòng kín cả ngày lẫn đêm. Trong phòng không có đồng hồ, cô chỉ còn phân biệt thời gian bằng cách lắng nghe tiếng trống ở Ngọ Môn, tiếng xôn xao của khu sở bận rộn.

Vì khu nhà nằm trong hoàng thành, Miên Liêu sau mỗi buổi học thi thoảng lại tới, đứng ngoài cánh cửa đóng khe khẽ trò chuyện với cô. Hai cung nữ Hạ và Đông khi được phái tới sở Lý thiện cũng ghé qua nhờ cung tì hỏi han, có lần được mở cửa vào trong gặp gỡ cô.

Vài ngày sau, nhà vua mới cho gọi cô đến gặp ngài ta. Cung giám đưa cô qua cổng cung thành, đến vườn Thiệu Phương. Trong vườn chỉ có nhà vua đang ngồi dưới Hàm Xuân hiên. Cung giám khẽ báo cô đã tới, rồi đóng cánh cửa vườn, để cô một mình đi vào.

“Ngươi tìm cái gì thế?” Thấy cô vừa bước qua hồi lang chữ Vạn vừa quay đầu nhìn quanh, nhà vua hỏi. Cô lạy chào ngài ta rồi mới đáp.

“Thần chợt nghĩ ra, nơi này rất giống vườn Thư Quang. Hiên điện, hành lang bốn bên, dòng nước, phương vị đều tương tự.” Cô cười nhẹ, nhưng thái độ của nhà vua càng trầm xuống.

“Ngươi trông có vẻ ổn nhỉ.” Ngài ta nói qua kẽ răng, ném một bản tâu xuống trước mặt cô. “Ngươi cung khai cái gì đây?”

“Bẩm, là những chuyện đã xảy ra.” Bản tâu của Kinh doãn có kèm theo tờ cung khai của cô. Ngoài những thông tin cơ bản, cô được yêu cầu kể lại tình hình trước khi nhập cung, ý định của cha mẹ cô khi đưa cô vào nội. Cô thở ra, ngồi thẳng lưng lên mà nhìn nhà vua trước mặt. “Hay ngài cho rằng thần nên nói cha mẹ thần vốn chỉ có lòng trung với triều đình, nghĩ đến góp sức cho việc kế thừa hoàng thất, rằng thần được đưa vào nơi này với một lòng yêu kính vua cha, mơ ước được hầu hạ cung phụng ngài? Những lời như thế đến cả nhà lương dân đưa con vào làm cung nữ, cung nô, thậm chí tới ca kỹ trong thự Thanh Bình nói cũng thấy ngượng miệng. Khi ngài là một hoàng tử thất thế vì cãi lời Thế Tổ, chỉ lấy được con gái mấy viên quan nhỏ, quan bị cách chức, về hưu, trong các quan lớn có ai muốn gả con cho ngài? Trong khi một tên du đãng như Vũ Vĩnh Lộc vẫn cưới được con gái nhà tông thất như không. Người nhỏ muốn lợi nhỏ, người lớn nghĩ lợi lớn, kẻ nào vờ vịt mà không hiểu? Hay cái cung thành này vờ vịt đến quen thói rồi tin là thật cả?”

“Ngươi định dạy ta đó à? Hay ngươi định đóng vai thành thực thẳng thắn cho ai xem?” Nhà vua trông càng có vẻ giận hơn. Nhưng ngài ta chưa nói hết, cô đã khẽ khàng ngắt lời.

“Thần chỉ viết bản nhận tội. Điều hối hận nhất của thần khi đã vào đây. Phải, thần không vô tội.” Cô chớp mắt nhìn qua bóng nắng chiếu vào sau hiên. “Dù cha mẹ thần có ép buộc, lẽ ra thần vẫn có thể chống chọi đến cùng, nhưng rốt cuộc thần không dám. Nhưng thần cứ lần lữa tuân theo, từng bước một thỏa hiệp. Để rồi bao nhiêu năm nay thần cứ sống với sự hối hận, nỗi hổ thẹn đó. Để rồi thần lẫn Miên Liêu thực sự trở thành con cờ của cả ngài và cha thần, bao nhiêu kẻ khác, trở thành nguyên do gây nên bao xung đột, mâu thuẫn. Ngài nói thần không có tội sao, bệ hạ?

“Không sống được thì chết đi, đừng hèn mạt sai lầm rồi tự viện lý do cho rằng mình vô tội, đó lại chẳng phải điều ngài hay nói sao? Để bản thân bị lợi dụng hay biết rõ không nên mà vẫn cứ thuận theo, thậm chí sống trong khi đáng lẽ phải chết, cũng đều là tội. Cha thần có bao nhiêu tham vọng thì cũng chẳng thể thành hiện thực khi không có thần giúp sức, chính thần đẩy cha mình đến bước đường trở thành phản thần tặc tử. Cho nên ngài hãy để thần nhận tội. Hãy để thần thành thực thẳng thắn đóng vai một con người mình muốn trong đời.” Cô hạ giọng, nghe nắng xon xót trong mắt. “Bao nhiêu năm nay, ngài có biết thần khổ sở đến mức nào không? Tự cho mình thanh cao, trong khi đến nghĩ cũng không dám nghĩ, trong khi tự khinh ghét mình đến không thể chịu nổi.”

Người trong hiên im lặng. Cô nghe tiếng một con ve nào đó kêu chói lói trong khu vườn ngát hương. Những mùi hương trộn lẫn từ trăm loài hoa rộ giữa hè càng nồng lên dưới nắng.

“Ngươi có biết hậu quả sẽ như thế nào không?” Một lúc sau, nhà vua lên tiếng. Cô cười khẽ, cúi người nhặt lên bản tâu về án của gia đình mình.

“Điều này còn phải chờ xem thái độ của mọi người. Nhưng mà… thần nghe nói ngài vừa định quy cách cho lăng mộ, nhà thờ của cung giai, quân lính đang được sai phái đến bờ Tây xem đất, phát cỏ xây vườn. Từ nay chị ấy sẽ không còn phải gắn liền danh nghĩa, chia sẻ ân điển với người khác, rồi ngài muốn việc gì cũng dễ.” Cô đặt tập tâu lên bàn cạnh cánh tay nhà vua, nhìn thoáng qua ngài ta. “Ngài vốn cũng luôn biết mình nên làm gì, phải làm gì mà.”

 

Từ đầu năm trước, ngài ta cho bộ Lễ xét định xây bia đá cho mộ tông thất, nhân tiện dựng bia cho Tiệp dư Nguyễn Thường, rồi lại bảo họ định lại toàn bộ quy thức cho lăng mộ cung giai. Quy cách dành cho tông thất chưa xét xong, ngài ta đã nhanh chóng định quy thức mộ phi tần, nhanh chóng khởi công sửa sang lại trước cuối tháng năm này. Đồng thời ngài ta bảo Hồ Phạm nhị tần từ không hợp cách thức, xây riêng cho Thần phi đền thờ mới[3], cho người đi xem đất phía Tây kinh thành, khu vực thờ phụng của hoàng thân quốc thích. Từng bước lại từng bước, ngài ta tạo lập danh thế cho Hồ Thị Hoa, đưa cô ấy vào cuộc chiến của hoàng thành.

Không còn ngôi đền sáng rực ánh đèn bên bờ Đông Hoa, nơi chứa đựng bao nhiêu lưu luyến, mộng mơ cùng thương xót. Người ấy rồi cũng chẳng còn là vết thương miên viễn cất giấu nơi tận cùng đáy lòng. Rồi người ấy sẽ là cái tên ở giữa các danh vị phù phiếm, giữa những lựa chọn cùng đánh đổi, là vũ khí, là đao gươm, là lời xưng tụng cùng chê cười, là oán giận và tranh chấp. Rồi cái tên người ấy sẽ bị xóa đi, nơi bến đò xưa, nơi ngọn núi xanh nhìn ra đại dương cùng chân trời tít tắp, chỉ còn trong những câu chuyện không rõ hư thực dửng dưng. Rồi người ấy sẽ được đặt bên ngài, hoàng đế - cái tên của hoàng đế, danh phận của hoàng đế, hình ảnh của hoàng đế - mà trong mắt ngài cũng chẳng hơn một tòa nhà rỗng để gió thổi qua. Cả hai sẽ trở thành một câu chuyện phù hoa trống rỗng trong cõi thế ảo tưởng này. Tình yêu của ngài, cuối cùng đến bước đường như thế.

Và để làm được điều đó, ngài phải đánh đổi. Cuối cùng, khi những án tử hình được phê chuẩn, ngài có thể làm được điều ngài muốn. Ngài sẽ lại trở thành vị vua liêm chính công minh mà mọi người tôn kính. Khi đã tước bỏ, mất đi mọi điều vừa là niềm lưu luyến, vừa là gánh nặng cùng trói buộc, ngài sẽ nhẹ nhàng thư sảng – chìm sâu vào đại dương mê mang của cuộc đời mình. Tiến Sảng, đó không phải là niềm vui hay hạnh phúc, chỉ là ngài ngước mắt nhìn và nhận ra chẳng có gì chờ đợi mình ở cuối chân trời.

“Từ lâu thần đã nói, thần không giống ngài, thần không biết do dự. Mẹ thần hay bảo, thần là đứa trẻ tột độ vô tình.” Cô lại lui về, quỳ xuống nền gỗ, dịu dàng nói. Nhìn giọt nắng rơi nghiêng bên vai nhà vua, lay động theo hương mỏng dưới trời.

Cho nên cô sẽ không an ủi ngài ta. Tất cả rồi sẽ qua, phải cố mà sống vui vẻ để không phụ lòng mẹ cha, vì gia đình, con cái, đất nước, thân thuộc, hẳn ngài ta đã luôn luôn nghe những câu nói ấy. Đau đớn, yêu thương, bất hạnh của riêng ngài ta đều là tội lỗi và sai lầm, phi lý và ngu ngốc trong thứ gọi là tình cảm của người đời. Ngài ta đã quen sống như thế, lặp đi lặp lại. Lặp đi lặp lại, rồi cũng sẽ qua, nỗi buồn đau này, nỗi tiếc hận không thể buông tay, rồi cũng sẽ là chẳng làm sao được. Mọi lời nói ngay khi vừa thành hình đều đã là dối trá.

Mọi thứ tình, ngay khi vừa phát ra, đã trở thành hư ảnh.

 

Chú thích:

[1] Manh kỹ của Trịnh Hoài Đức

[2] Bát phong là một khái niệm Phật giáo về tám ngọn gió lành – dữ: thịnh – suy (hưng thịnh – suy tàn), hủy – dự (phỉ báng – tiếng thơm), xưng – cơ (xưng tụng – chỉ trích), khổ - lạc (đau khổ - vui sướng). 

[3] Theo Khâm điển Đại Nam hội điển sự lệ, đền thờ Gia phi được dựng vào năm Minh Mạng thứ 21, nghĩa là sau khi đền Thần phi hoàn thành thì chuyển ngôi đền cũ thành Ý Thục từ, và dựng đền cho Gia phi. Năm thứ 17 sắc phong hậu cung không thấy ghi chép về sắc phong cho Gia phi, có thể bà được phong vào thời gian sau.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.