Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

110. Già sa y tập tam sinh chứng
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 22nd, 2019
  1. Già sa y tập tam sinh chứng, thế giới hôi thiêu nhất túc tàng[1]
    (Áo cà sa được ban vì chứng ngộ ba kiếp, thế giới cháy thành tro ẩn trong một hạt thóc)

 

Theo lệ định, hằng năm vào mùa hạ, các tỉnh thành làm danh sách người bị tội chết đề lên, hạn tháng sáu đến bộ. Bộ Hình tra xét rồi tháng tám sẽ làm sách đưa đến đình nghị bàn bạc. Bọn họ sẽ chia các tử tù thành ba hạng tình chân, hoãn quyết, căng nghi[2] để dâng lên cho vua phê duyệt lại vào tháng chín. Những án tử được phán quyết từ sau mùa thu được hoãn đến kỳ thu thẩm năm sau xét định.

Bản án trảm quyết với cháu Lê Văn Duyệt được định vào mùa hạ, gần như chỉ còn kéo dài sự sống cho người trong ngục được thêm nửa năm. Lệnh bắt đóng dấu Ngự tiền chi bảo của Nội các đưa xuống, tống giam tất cả cháu Lê Văn Duyệt vào gian tử tù, nhưng chỉ xử quyết của nhà vua vẫn chưa ban ra. Mùa hạ năm ấy có thêm một tháng nhuận, chỉ làm không khí trong gian nhà lao ty Trấn phủ càng thêm ngột ngạt. Nhưng án của nhà Lê Văn Duyệt đã quyết, bọn họ có vẻ đã chấp nhận số phận của mình, chỉ còn lại án trảm giam hậu của các em trai cô – và những tù nhân vốn trước được giảm án trảm quyết thành trảm giam hậu đang bị giữ ở Gia Định.

Những cái án bị kéo dài quá lâu, người trong ty Trấn phủ thì thầm sau lưng Miên Liêu. Năm ngoái có kỳ Khánh tiết của Thái hậu, năm trước nữa nhà vua viện cớ nước sông mùa thu Bắc Kỳ rút sớm nên làm lễ tạ thần sông, không sát sinh, liên tục trì hoãn xử quyết. Trong khi những án này đều đã được Hình bộ và đình thần xếp vào sách tình chân – vốn còn có gì để tra xét? Ngược lại, đám người này ở trong ngục càng lâu, đồng bọn, thuộc hạ, kẻ ủng hộ chúng vốn đã bị đánh im thin thít qua thời gian sẽ tìm cách trở mình, tìm cách giải cứu hoặc lợi dụng kẻ trong ngục. Chúng chính là danh nghĩa để khởi đầu, lý do để oán hận và tiếp tục khơi lên những biến loạn không hồi kết. Lý do? Đó chính là mâu thuẫn của nhà vua với hai vị quyền thần, chẳng còn gì khác trong lời kẻ phản nghịch. Những chiêu bài nhanh chóng bị ném vứt, những con người nhanh chóng bị bội phản và bỏ mặc, những số phận nhanh chóng bị lãng quên, chỉ còn những câu chuyện hoang đường để mọi kẻ tiếp tục tùy nghi lợi dụng, thao túng cùng biến đổi.

Lê Duy Lương bị thổ mục Ninh Bình vứt bỏ, trói lại ném vào tay quan quân ngay khi thấy tình hình bất lợi, cha con Quách Tất Công suốt hàng chục năm trời vẫn vừa đầu hàng vừa trở mặt. Nhưng tên Lê Duy Hiển kia vẫn cứ theo một tay thầy dùi Hoàng Đồng Nguyệt dẫn từ Bắc Ninh đến Sơn Âm, mưu trở thành vương thành tướng dựa vào bọn lật lọng phản phúc ấy. Lê Văn Duyệt bị bọn thuộc hạ lợi dụng cả khi sống lẫn khi chết, Lê Văn Hán đi theo nhóm Lê Văn Khôi một buổi hành hình Bạch Xuân Nguyên rồi cũng trở mặt với nhau, thành Gia Định tan vỡ trong muôn vàn sự điên cuồng ích kỷ kéo giẫm lẫn nhau đến chết, Nam Kỳ phồn vinh tan vỡ tang tóc. Nhưng Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Sơn vẫn muốn lặp lại hành động ấy, bất chấp tự gọi bản thân là con cháu công thần. Mọi sự vẫn cứ tiếp diễn, trong những mù quáng mê muội, những bất chấp tráo trở đến dường phi lý không thể hiểu nổi.

Cũng chẳng còn ai muốn kiên nhẫn, ngay cả nhà vua. Đặc biệt là nhà vua. Bản án dành cho nhà Lê Văn Duyệt dường như cũng chứa đựng bao nỗi bực dọc của ngài ta. Ngay sau đó, toàn bộ đại quan ở Trấn Tây bị giáng cách, trừng phạt chỉ vì một lời tâu của Trương Minh Giảng về việc Lê Đại Cương cử lính tìm đường tiến quân. Lê Đại Cương trước đã bị cách chức bắt đi làm lính do thất sát việc các thổ mục nổi loạn, tuy nhiên những viên quan bị cách vẫn luôn giữ địa vị chỉ huy trong quân để tìm cách lập công gỡ án, giúp đỡ cho đồng liêu. Lần này dù chỉ là một câu thoáng qua trong tập báo, nhà vua đã khiển trách Lê Đại Cương ‘không sợ phép nước, không nghĩ đến công luận’ bừa bãi sai phái người, bắt trói ông ta về Kinh trị tội. Quan tướng toàn Trấn Tây lại bị nhà vua hạch tội suốt từ trước đến nay cộng gộp với lỗi dung túng cho Lê Đại Cương chuyên quyền càn rỡ, giáng chức hàng loạt.

Chỉ vài ngày sau, ngài ta đi tới cung Trường Ninh thấy lá cỏ vương vãi bốn bên, quân lính đội Dực bảo thân thiết nhất với ngài ta tất thảy đều bị cắt hai tháng lương, tước toàn bộ ân huệ cũ mà bắt đi làm việc như lính thường. Thợ may của Nội vụ phủ bị tố giác ăn bớt vải may áo vua, lập tức bị giảo giam hậu, thợ trong sở bị cảnh cáo ‘ăn trộm thì giết không tha’.

Sắp đến tiết Vạn thọ, nhưng mỗi lần cô hỏi đến nhà vua thì lại nghe ngài ta trừng phạt một người nào đó, đang nổi nóng ở đâu đó. Trước ngày lễ Vạn thọ, Bố chính cùng Án sát Hưng Hóa đều bị cách chức vì nộp bản ghi chép trả lời sắc chỉ của nhà vua tìm truyện trong dân gian. Từ năm ngoái, ngài ta cho tìm sự tích cuối thời Lê để làm sử, nhân tiện hỏi truyện ký phong vật ở khắp các địa phương định biên sách. Đến khi Hưng Hóa nộp bản ghi được trong vùng cho bộ Lễ, chẳng rõ có chuyện gì khiến nhà vua nổi giận, sai bắt ngay hai đại quan địa phương về Kinh, cho Lang trung Lễ bộ cùng Hình khoa Chưởng ấn đến tra xét việc chính sự của toàn bộ vùng Hưng Hóa.

“Có thêm ai bị bắt không?” Nghe chuyện chưa hết, cô đã nhạt nhẽo hỏi. Giống Phan Thanh Giản mấy năm trước, hai viên Bố, Án Hưng Hóa hẳn đã chọc giận nhà vua đến mức ngài ta quyết khép tội không tha, dù chỉ vì vài lời trên giấy tờ.

“Một viên quan ở huyện Trấn An nghe chỉ hỏi truyện phong vật thì tự thác lời ông già trả lời cho quan trên. Ông ta sợ đến mức vứt bỏ cả ấn tín, nhà cửa trốn đi rồi.” Dù cô không có ý muốn hỏi, Ngọc Xuyến vẫn nói tiếp. “Ta nghe Phan Huy Thực nói rằng bản ấy ghi: ‘Rồng rắn thì chưa từng thấy, trung thần nghĩa sĩ thì có sử chép, con hiếu cháu hiền, nghĩa phu tiết phụ chỉ là đạo thường hàng ngày, biết kính thờ người trên thì có, không lấy vợ lấy chồng nữa cũng có, duy là chuyện tiết liệt cảm động thì chẳng có ai, chỉ có chuyện cười nói cả ngày không hết nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Lão này cả đời sống trong loạn ly, may gặp đời thái bình, vua ra chính giáo, trăm họ vui vẻ thì lão cũng được nhờ, chỉ sợ chết không có ai thờ cúng thì làm ma đói mà thôi’.

“Bố chính Ngô Dưỡng Hạo xuất thân từ Đô sát viện, Án sát Hà Thúc Trương cũng vốn là Lễ khoa Chưởng ấn cấp sự trung quản lý toàn bộ Ngự sử coi chuyện Lễ đấy.” Giọng Ngọc Xuyến bỗng trầm xuống. “Hà Thúc Trương vốn năng nổ, rất được coi trọng, hoàng thượng cho ông ta đi xét hỏi khắp Tuyên Quang để bàn việc trị an biên giới, lúc thuộc hạ Miên Phú cưỡi ngựa chết người thì ông ta cũng có góp lời về việc giáo dục hoàng tử. Bây giờ tra ra tỉnh có án mạng bị dìm không xét, cả hai mất hết chức tước, thân bại danh liệt.”

Chỉ vì mấy câu hỏi tìm truyện ký dân gian của Lễ bộ, cô thầm tiếp lời Ngọc Xuyến, bỗng hiểu tại sao công chúa lại kể câu chuyện này bây giờ. Tìm chuyện phong vật, ký sự dân gian vốn để bộ Lễ làm sách, nằm trong kế hoạch soạn Nam sử  thay cho Bắc sử dạy học trò, hẳn chẳng có vấn đề gì. Nhưng mấy lời ‘hiếu tử thuận tôn, nghĩa phu tiết phụ vặt vãnh bé nhỏ thì có, lớn lao khó khăn đều chẳng có ai’, ‘chuyện cười cả ngày không hết’, ‘chết không có ai thờ’ kia vốn chẳng phải dành cho bộ Lễ. Và hai viên quan xuất thân Đô sát viện điềm nhiên gửi nó cho triều đình càng chẳng phải vô tình vô ý. Thậm chí, có khi họ còn muốn nhà vua phản ứng mạnh, khiến việc càng lan ra to hơn, cho xứng với chức vị ngôn quan của họ.

 

Nhưng cả hai cô đều không nói thêm. Đối với sự việc của hai nhà, Ngọc Xuyến bỗng trở nên kín đáo thận trọng, chỉ đi đi lại lại thăm nom Ngọc Cửu, Ngọc Ngôn và cô. Có lần Ngọc Xuyến dẫn Ngọc Châu, Ngọc Quỳnh tới thăm mẹ cô trong ngục, nhưng bọn họ chẳng nói gì về chuyện đang xảy ra trong cung cấm, thái độ của Thái hậu cũng như nhà vua. Chỉ có Miên Liêu liên tục lắc đầu kể về chuyện nhà vua nổi nóng khắp kinh thành khi cô hỏi đến, bảo rằng chưa thể chuyển lời cô cho ngài ta.

Ngày lễ Vạn thọ trôi qua với tình hình càng thêm căng thẳng khi cả Bố chính lẫn Án sát Hà Tiên, Án phủ Quảng Biên là Trương Sùng Hy một loạt bị trị tội. Khi An phủ sứ tên Dy gây loạn, Bố chính Lê Văn Trung hặc tâu Trương Sùng Hy nhận hối lộ bao che cho bè phái tên Dy, không sớm tố cáo chúng nhận người từ Xiêm về, âm mưu làm phản. Khi quan quân đến Quảng Biên lùng tìm kẻ làm loạn, Trương Sùng Hy lại ngầm dặn phiên mục gặp giặc đừng bắt. Trương Sùng Hy thấy thế liền tố ngược Bố chính cùng Án sát Hà Tiên nhận tiền gạo che giấu cho một viên Tri phủ tham nhũng bị tội trốn đi, buôn lậu đậu khấu, tha cho vợ giặc. Tình hình hỗn loạn ở Hà Tiên khiến Trấn Tây phải tâu về triều, dẫn đến cả viên Binh khoa Cấp sự trung trước đó đến Trấn Tây tra xét nguyên do loạn lạc cũng bị trách mắng vì vô dụng.

Ở Quảng Yên, viên chủ thuyền buôn bị hải tặc đón cướp đem việc tâu lên triều đình, khiến quan toàn tỉnh bị giáng chức. Quảng Yên tiếp giáp với Trung Quốc, từ lâu thuyền người Thanh mượn cớ đi đánh cá mà tập trung ở biển Hoa Phong đến năm, sáu trăm chiếc, nhân lúc sơ hở đánh úp thuyền buôn. Bọn hải tặc mấy năm nay quấy rối vùng biển phía Nam chẳng phải từ bọn ấy mà ra? Quan huyện có trách nhiệm tuần phòng lại dung túng, tổng lý câu kết với thuyền nhà Thanh kiếm lợi, giúp gạo lương cho bọn hải tặc, đến khi việc không thể giấu được mới báo cáo lên, nhà vua nói.

Trong lúc tin hải tặc còn chưa yên, Nam Định, Hưng Yên tâu báo về sự xuất hiện của ba giáo sĩ Tây dương lẩn lút trong vùng, liên lạc ngầm với đạo trưởng trong nước. Bọn người Tây ấy đáp thuyền buôn đến cửa Liêu ở Nam Định hoặc Đà Nẵng để xâm nhập vào nước ta, khi có động lại theo đường Quảng Yên trốn qua Trung Quốc về Ma Cao, người nói. Thiên tai liên tục khiến cả miền Nam Trung Quốc chìm vào đói kém, các nhóm phản Thanh lại trở dậy mạnh mẽ, tạo nên đoàn hải tặc mới đánh phá xuống biển Đông, buôn lậu gạo muối, thuốc phiện, đi lại với người Tây dương ở Ma Cao, Giang Lưu Ba, Nam Dương. Tây dương thèm thuồng nhất là miền Quảng Tây đầy loạn lạc, nhà Thanh tham lợi mở cửa các cảng biển, tạo điều kiện cho thuốc phiện đầu độc toàn đất nước dưới sự tung hoành của thương lái cùng hải tặc. Anh Cát Lợi đánh Miến Điện tìm đường xâm nhập vào Quảng Tây, bọn giáo sĩ được tung đến từ Ma Cao dùng đạo giáo để kích động nổi loạn, xé nát sự quản chế của Thanh triều, lấy thuốc phiện trói buộc toàn Trung Quốc. Đến cướp biển đánh phá biển Đông suốt mấy năm mà quan viên Quảng Yên chẳng đặng đừng mới báo, lệnh cấm đạo nhà vua nhắc đi nhắc lại mà quan chức hai tỉnh Hưng Yên, Nam Định mắt nhắm mắt mở bỏ qua, thì lại đến lúc như Trấn Tây thành, con voi đi lọt qua lỗ kim, quan tướng hàng ngày ở đấy như tượng gỗ.

Thậm chí cả việc Trấn Tây, người trong ty Trấn phủ thì thầm. Tên Đô Y kia bảo rằng muốn đưa Nặc Giun về lập làm vua, trước đó Nặc Giun đã liên tục liên lạc bảo rằng người Xiêm bức bách, muốn về với triều ta. Mới cuối năm trước, Nặc Giun phái người đến tận tỉnh thành báo rằng Phi Nhã Chất Tri đã về Vọng Các, quân ở Bắc Tầm Bôn chỉ có khoảng năm trăm người, hắn sẽ làm nội ứng đánh cướp vùng này. Trong lúc triều đình còn đang nghi ngờ, Nặc Giun quả thật đã bị Nặc Yêm tố cáo, bắt về Vọng Các. Nhìn thấy ngôi vua của Chân Lạp bỏ trống, tình thế khó khăn mà triều đình ta mắc vào, Nặc Giun đã muốn lợi dụng kiếm lợi, nhưng nhà vua không tin hắn. Kẻ này ở Xiêm đã lâu, há có thể trung thành với triều ta? Dù vậy, những cơn sóng ngầm vẫn đang cồn lên ở Trấn Tây với những lời của Nặc Giun và thuộc hạ được hắn sai phái về, lôi kéo không ít người. Với những viên An phủ vừa mới bổ đã nhanh chóng lập bè phái lũng đoạn, tranh chấp, móc ngoặc. Những viên quan đến Hà Tiên hết người này tới người khác phạm tội. Tình hình vùng biên giới phía Nam hầu như không thể kiểm soát.

 

Nhưng kiểm soát để làm gì, người khác lại hỏi. Phong tục người Phiên chẳng ưa cày cấy, không biết chế tạo, xưa nay chỉ lấy buôn thuốc phiện và đánh bạc làm nguồn kiếm tiền, chi tiêu của nhà nước đều phải dựa vào đấy[3]. Đất Trấn Tây vốn chỉ để phòng Xiêm La, nhà vua lại muốn đổi phong tục, thay chuyển bọn họ theo ý ngài ta cho là hay là tốt, ngược lại chỉ gây oán trách. Như những thổ dõng canh đồn Tĩnh Man, Cam Lộ đã tứ tán bỏ đi sau khi lập đồn lính canh gác quân Xiêm, bọn thổ ty viện bao nhiêu lý do, lại lộ ra việc chúng khai man số đinh thu thuế, dân thổ cũng chẳng tha thiết phòng ngừa, khi bị Xiêm Lào đánh chỉ chờ quân triều đình tới. Nước chảy chỗ trũng, người đi tìm nơi nhàn hạ, đến Bố chính Hoàng Quýnh còn vừa phải than thở rằng dân Nam Kỳ nào có phải là trung nghĩa, lính khi đủ khi trốn, kiêu ngạo lười biếng không thể nhờ cậy được. Mọi kẻ nói cho cùng đều chỉ biết việc của mình, xem việc phạm pháp kiếm lợi như điều hiển nhiên, chẳng quấy phá phản nghịch đã là phúc lớn của thời thịnh trị. Càng đặt ra nhiều luật lệ thì càng nhiều kẻ vi phạm, càng hy vọng thúc đẩy bọn họ càng dễ gây bất mãn ở cả hai phía.

Đâu phải chỉ dân man mới thế, đến cả tông thất nơi này cũng nào có ra gì, kẻ khác cười nói lào thào. Tôn Nhân phủ vừa tra ra án làm đồ thờ giả. Ba năm trước, thợ trong tượng cục vừa thành công học được phương pháp mạ vàng, mạ bạc, làm trân châu giả, ngay năm sau họ đã phát hiện hàng trăm món đồ thờ mạ vàng giả ở các miếu. Nguồn gốc của việc này do một kẻ tông thất làm từ tế lại đi trộm cái nõ điếu vàng ở Thái miếu. Và rồi, chủ mưu làm giả đồ thờ lại là Từ tế Phó sứ, Thủ hộ, Miếu lang ngay trong tông thất. Toàn bộ bị xử tử, nhưng đã kịp trở thành một câu chuyện cười.

Suốt ba năm, vị Thượng thư Lễ bộ bị giáng truất ngay lập tức vì cái án này, nhưng Hình bộ vẫn báo không tìm được kẻ thủ phạm. Cũng như năm đó phải đích thân bốn hoàng tử tước công đi kiểm tra đồ thờ các miếu, rồi Tôn Nhân phủ tự tra án, chẳng thể nhờ cậy tin tưởng bất cứ ai.

 

Những tiếng rì rầm vẫn trôi đi theo dòng mưa muộn mùa hạ. Kinh thành sau những đợt diễn tập của quân lính, vài ngày vang động nhạc mừng của lễ Vạn thọ, lại im lìm trong tiếng ve inh ỏi. Ngay cả việc xây dựng cung Tĩnh Tâm cũng đã bị hoãn lại dưới nắng rực, trong sự bận rộn nhao nhác thầm lặng của con người.

Nhưng vào lúc không mong đợi nhất, cô lại gặp nhà vua. Hôm ấy cô ngồi tựa lưng vào cột chống ở lầu Thưởng Thắng, ngắm nhìn dòng sông Ngự Hà bên kia vườn. Có lẽ cô đã chợp mắt đi, hoặc tâm trí hoàn toàn thất lạc đến mức không hề nghe âm thanh đoàn người tới cổng vườn. Cho tới tận khi nhà vua đã lên lầu, đứng sau lưng, cô cũng không hề hay biết.

“Này!” Ngài ta lên tiếng gọi, khiến cô giật mình choàng tỉnh. Nhưng cô chỉ quay đầu nhìn.

“Tha lỗi cho thần chưa đứng lên được.” Cô thử cử động đôi chân đã tê rần, bờ vai nhưng nhức, thở dài nói. Thấy nhà vua nhíu mày, cô bèn cười. “Lúc này thần hơi không khỏe.”

“Miễn lễ.” Nhà vua nói, đến ngồi trên chiếc sập của ngài ta ở giữa lầu. “Đã không khỏe thì ngồi hứng gió làm gì?”

“Thần chỉ ngắm cảnh rồi nghĩ vớ vẩn, vậy mà qua hết bao nhiêu thời gian.” Được lệnh không phải đứng lên, cô liền lại ngồi yên, nhìn ra dòng sông trước mặt và cung điện bên kia bờ. “Dường như ngài làm việc gì cũng có mục đích. Cung Khánh Ninh ấy nằm ở bờ sông, bên cạnh có vườn nuôi hươu, có ruộng tịch điền, cứ nhìn mãi thì lại nghĩ đến một cảnh điền viên, có ruộng, có sông, có vườn. Mọi thứ cứ thế tuần tự xây lên. Chẳng lẽ đó lại là chốn an nghỉ mà ngài muốn sao? Rồi nhìn mãi, nhìn mãi, thần nhớ đến cảnh tượng Gia Định. Năm xưa ngài cũng cho xây một khu thương phố gần đây, gọi thương buôn người Đường đến nhưng họ không thích ở trong thành, giờ khu nhà ấy dành cho lính. Nếu có khu thương phố ấy, quả thật nơi đây đã trở thành cảnh Gia Định rồi.

“Vậy mà chúng ta chẳng bao giờ trở lại được nữa. Nơi ấy, cũng không còn nữa. Thứ ngài muốn chẳng bao giờ thành hiện thực.” Cô như tự cười với chính mình. “Vậy mà ngài lại xây lên một thứ-khác. Gia Định hay Đông Hoa, Tĩnh Tâm hay Hải Tĩnh, tất cả chẳng qua chỉ là sự hiện diện của một thứ gì đó trong cõi vô thường này. Tất cả không còn là của ngày xưa nữa, chẳng còn chút dấu vết nào nữa, nên ngài liền tô điểm cho chúng trở nên đẹp đẽ hơn trăm ngàn lần, khiến chúng trở thành hình ảnh mà ngài muốn. Thế gian này nói cho cùng chẳng có gì là thật, tất cả cứ việc vỡ nát, hủy hoại, biến mất, tuyệt diệt. Chỉ có thứ trong tâm ngài mới là sự thật.”

“Ngươi muốn gặp ta để nói chuyện gì?” Hồi lâu khi cô đã im lặng, nhà vua lên tiếng. Cô cử động đôi chân đã lấy lại cảm giác, nhưng vẫn chưa vội đứng lên.

“Rồi thần lại nghĩ đến chuyện xảy ra trong bao nhiêu năm nay. Sau khi cha thần qua đời, ngài đã lấy lại quyền lực trong triều đình này bằng chiến thắng ở Bắc Kỳ - à, không phải thắng Phan Bá Vành, mà là cuộc kinh lược, cải tạo toàn Bắc Kỳ. Lúc ấy thần đã nói rằng, từ giờ trở đi ngài chẳng còn ai để đổ lỗi nữa đâu, thành bại hoàn toàn là trách nhiệm của ngài. Ngày ấy, ngài nắm được triều đình, kêu gọi toàn bộ quan tướng, là nhờ điều gì? Là thứ lý tưởng ngài theo đuổi, ước vọng thay đổi tất cả, vì vậy mà các quan phạm lỗi chịu cúi đầu quy phục trước luật pháp của ngài, mọi kẻ chịu tuân theo trật tự mà ngài đặt ra. Họ tin ngài, ngài chính là luật pháp, ngài chính là đạo lý. Ngài không được sai lầm.” Cô lại cười khẽ khi nhìn theo bóng mây trôi qua dòng sông. “Đạo lý là gì? Cả đời sống vì một người, với kẻ khác là nghĩa tình tiết liệt, nhưng ngài làm thế thì là bất trung bất hiếu. Thậm chí ngài có muốn hiếu thảo với mẹ cha, thương yêu anh em, cũng có thể là kẻ chẳng biết nặng nhẹ, nhu nhược thiên vị. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần muốn cho chị ấy thứ gì đó, ngài phải đồng thời cân nhắc bao nhiêu người khác, tự tìm lấy bao nhiêu là lý do, tự làm ra bao nhiêu là việc. Nhưng ngài chẳng qua mắt ai được mãi. Nhưng những gì ngài làm trong mắt họ chỉ là việc nực cười. Ngài nhìn lại xem có đáng cười không?

“Đến lúc này, ngài bảo chính cha ngài cũng sai rồi. Thế gian này, sai hết cả rồi. Thế gian này trở nên không thể chịu đựng nổi nữa.” Cô nghe tiếng cười của mình vang trong lầu các im lìm. “Cha thần cũng hay nói, người đời có ba thứ không dám giận mà ông dám giận, là trời, vua, cha. Cho nên cả cuộc đời, ông ấy chẳng tin bất cứ ai ngoài chính mình. Chẳng tin được ai ngoài chính mình, rồi đến thế gian này cũng chẳng ai dung thứ ông ấy.”

Người trong lầu vẫn im lặng. Cô đứng lên, đi đến quỳ trước ngài ta. Trong bóng nắng chiếu nghiêng, cô nhìn gương mặt ngài ta bất động.

“Thần nghe nói tháng tới ty Trấn phủ sẽ tra xét lập án cho gia đình thần. Lúc ấy, xin ngài cho thần đến thay mẹ.” Cô chớp mắt, hạ mi nói khẽ. “Bà già rồi, mấy năm bị giam trong ngục thì thần trí lẫn lộn, tính tình quái gở, chẳng còn biết đâu là hư thực. Điều mà bọn họ muốn tra hỏi, chẳng phải nên hỏi thần sao?”

“Kinh doãn tra xét không phải chỉ là hỏi suông vài câu đâu.” Nhà vua im lặng một lúc rồi mới lên tiếng, cô lại gật đầu.

“Thần chẳng có gì phải sợ, họ có thể làm gì?” Ánh mắt cô mông lung nhìn vào tấm bình phong sau lưng ngài ta. “Bao năm nay thần chỉ biết oán trách, rồi trốn tránh, xem như không phải việc của mình. Nhưng bệ hạ… tâm trí mẹ thần quả thật không ổn lắm đâu, có thể sẽ nói ra điều bất lợi cho ngài.”

Nhà vua lại cau mày. Cô biết mình đang tìm cách ép buộc, đe dọa ngài ta. Nhưng quả thật, lúc này ngài ta sẽ không muốn có thêm một ‘câu chuyện cười’ nữa lan khắp kinh thành này. Mẹ cô trong nỗi oán giận, tuyệt vọng cực độ chẳng biết sẽ dám làm những chuyện gì, khi bà nắm những bí mật sâu xa nhất của cả nhà cô. Trong khi các quan xung quanh nhà vua đang tỏ rõ cho ngài ta thấy họ sẵn sàng tấn công ngài ta, bằng mọi cách.

“Thần đã dâng bản tâu xin cho Thái hậu, hẳn người cũng thông cảm cho lòng hiếu của thần.” Cuối cùng, cô quyết định nói. Miên Liêu mãi không đưa nhà vua tới, cô đành nhờ người chuyển thư cho Thái hậu, hẳn đã đến tay bà.

“Ngươi là đồ ngu ngốc!” Nhà vua nghiến răng thốt, đứng bật dậy rời khỏi lầu. Cô khấu đầu sau lưng ngài ta.

“Tạ ơn hoàng thượng.” Cô nói khẽ, khi bóng ngài ta đã khuất sau khúc quanh hành lang Tứ phương ninh bật. Trong nỗi buồn, cô bất giác lại muốn cười.

Trẻ con, ngu ngốc, ngài ta luôn mắng cô như thế. Có những điều, mãi vẫn chẳng đổi thay.

 

Chú thích:

[1] Thư tặng Thiên Đô am Minh Viễn lão thiền sư của Trịnh Hoài Đức

[2] Tình chân, hoãn quyết, căng nghi: đáng tội, hoãn xử, còn ngờ.

[3] Khi trước vua nghe quận chúa Ngọc Vân cho người buôn nhà Thanh, các nhà ở phố nấu bán thuốc phiện để kiếm lời, và thổ dân thuộc thành ấy có nhiều người mở sòng bạc chứa đánh bạc, giáng dụ cho Tướng quân Trương Minh Giảng, Tham tán Dương Văn Phong xét thực tâu lên. Bọn Giảng tâu nói phong tục người Phiên xưa nay lấy 2 việc ấy làm lợi, phàm chi cấp lương lính và chế tạo khí giới thuyền mành đều lấy ở đấy để chi cấp, nên noi theo thói cũ, chưa đổi.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.