Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

109. Lữ dạ thê lương mộng bất thành
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 18th, 2019
  1. Lữ dạ thê lương mộng bất thành, vũ linh tuyết lạc phá tàn canh[1]
    (Đêm đất khách thê lương mộng chẳng thành, mưa rơi tuyết lạc phá canh tàn)

 

Ngày cuối năm ấy, bỗng tin báo khẩn đến Kinh: Trấn Tây thành có loạn.

Theo lời kể chắp vá của Miên Liêu, một viên An phủ sứ ở Hải Đông tên Sa Tháp bị tố giác âm mưu đem Nặc Giun quay lại Nam Vang, bị quan cai trị là Lê Đại Cương, Đoàn Văn Phú bắt tới Trấn Tây xét hỏi. Thuộc hạ của Sa Tháp là Cai đội ở Tịch Biên tên Đô Y liền nhóm họp người tới đất Tăng Cần Lăng tàn sát hơn một trăm dân Kinh buôn bán nơi đây. Khi quan quân đến đánh, nhóm người này liền tan rã chạy trốn vào rừng.

Khi ấy, Tướng quân Trương Minh Giảng đã được gọi về Kinh dự lễ Khánh tiết, tin từ biên giới báo lại rằng anh em Nặc Yêm, Nặc Giun bất hòa tố cáo nhau, cả Phi Nhã Chất Tri lẫn Nặc Giun đã trở về Vọng Các. Tuy nhiên cuộc biến loạn có vẻ đã nhanh chóng lan rộng dù chẳng còn kẻ phát động, ngày đầu năm mới đến với tin An phủ sứ Khai Biên tên Dy làm phản. Kẻ này che giấu một người Chân Lạp từ Xiêm trốn về, bị An phủ Trương Sùng Hy tố cáo, đang lúc sợ hãi lại nghe về loạn Đô Y nên họp hơn năm trăm người đánh phủ Long Tôn.

Bọn thổ mục được cho làm quan như Sa Tháp, Đô Y, Dy này kéo hàng ngàn bè lũ làm phản mà tại sao quan trong thành như chưa từng biết tới, khiến người kinh lạ vô cùng? Nhà vua hỏi, giáng chức hàng loạt các quan tướng ở Trấn Tây, ngay cả Trương Minh Giảng mới được làm lễ bão tất long trọng như công thần hạng nhất. Các vệ binh lại được đưa đến Nam Kỳ, điều sang Trấn Tây, tuy nhiên người trong thành không quá lo lắng. Chỉ là mấy tên thổ mục người Phiên hễ quan quân đến là chạy, họ nói. Huống hồ Trấn Tây thành là nơi ngoại biên, loạn lạc chẳng có mấy liên quan đến dân chúng.

Ngay cả nhà vua cũng không có vẻ gấp gáp như ngày trước. Qua mấy ngày lễ tết Nguyên đán, ngài ta tới dạo chơi ở hồ Ký Tế, lệnh người trồng tre xung quanh hồ cho chim ở, rồi quyết định sửa hồ này thành một khu điện mới tên Tĩnh Tâm. Tám ngàn binh lính được gọi đi xây dựng. Gò đất xây kho chứa diêm tiêu trước đổi tên thành đảo Bồng Lai, gò dựng kho thuốc súng đổi thành đảo Phương Trượng, lại đắp thêm một đảo nhỏ tên gọi Doanh Châu. Việc này gây ra không ít tiếng xì xào trong thành, Miên Liêu thận trọng thì thầm với cô. Dù cung điện này ắt hẳn được hoạch định đã lâu, hiện tại vẫn đang có biến loạn ở biên giới, dời ngày khởi công cũng chẳng hề gì. Đằng này đang giữa tháng giêng, người thậm chí còn chưa tới Kinh tập hợp đủ, sao phải gấp gáp động thổ dựng điện xây lầu? Ngoài cung Tĩnh Tâm thì ngài còn xây tiếp bờ sông Tả Hộ thành, dựng cầu ở Đông Hội.

 

“Không phải đang lúc Lập xuân sao?” Nghe chuyện, cô lơ đãng nói, cắm mấy cành hoa vào bình. Trong vườn thi thoảng lúc gió mạnh thổi qua có cành hoa gãy, lá rơi, cô liền lấy mấy cái bình trống trang trí trong nhà cắm hoa, nhà vua thấy cũng không nói gì. Nghe câu nói của cô, chợt Miên Liêu nhíu mày.

“Phụ hoàng vừa cho chỉnh lại đồng hồ cầm canh ở Ngọ Môn, bảo rằng tiết Lập xuân mỗi giờ trong đêm phải có chín khắc. Ngài còn nói đêm trước giờ Dậu sang giờ Tuất chỉ có tám khắc, mùa này đêm dài ngày ngắn, đến canh năm rất dài, đồng hồ điểm mà trời còn chưa sáng. Rồi chỉnh lại giờ giấc của các tiết khí cả năm.” Giọng Miên Liêu chợt cân nhắc là lạ. “Chả lẽ ngài đếm từng giờ khắc cả đêm sao?”

“Ngài thường mất ngủ mà.” Cô nghiêng đầu ngắm cành mai, không để ý đến ánh mắt của Miên Liêu.

“Con lại đột nhiên nghĩ tới một câu thơ ứng hợp với cảnh ấy: ‘Trì trì chung cổ sơ trường dạ. Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên[2]. Đó không phải ‘mất ngủ’, mà là đếm giờ.” Nụ cười của Miên Liêu càng thoáng vẻ kỳ lạ. “Con đã xem qua bản vẽ cung Tĩnh Tâm, bốn cổng của nó tên Xuân Quang, Hạ Huân, Thu Nguyệt, Đông Hy[3], quả là đủ một vòng thời gian.”

 

“Còn lạ hơn nữa là chỉ mấy ngày sau, phụ hoàng nổi nóng khi có viên Cai đội viện Thượng tứ nâng bàn đạp chạm vào ngựa của ngài trong lễ duyệt binh. Ngài quát ngay đem dẫn ra Ngọ Môn chém, ai nấy đều mặt cắt không còn giọt máu.” Trong lúc cô vẫn im lặng không định trả lời, Miên Liêu chợt đổi giọng, thành công khiến cô ngẩng đầu lên. “Hoàng Cả hết sức tâu xin thì ngài mới tha, nhưng la rầy khắp từ Thống chế dinh Hùng nhuệ đến Thượng thư Trương Đăng Quế.”

“Ắt tin chiến trận ở Trấn Tây không tốt lắm đâu.” Cô thở ra, lại cắm một cành cỏ vào bình, quấy quá nói. Trong lòng cô thầm nghĩ, người nào đó lại làm ngài ta phật lòng, và nhà vua ‘ôn hòa thân thiết’ ấy giỏi nhất là bới việc sai của người át việc của mình. Nhưng nổi nóng đến mức chẳng cần để ý hình tượng giữa ba quân trong ngày lễ duyệt binh lớn nhất kinh thành thì tâm trạng ngài ta hẳn sa sút không nhẹ. Chỉ trong vài ngày, ngài ta từ hớn hở vác súng ra dạo chơi hồ Ký Tế, xây cung Tĩnh Tâm, rồi đùng đùng đòi giết người ngay cổng Ngọ Môn, rốt cuộc đã xảy ra việc gì?

“Trong triều đã có lệnh các hoàng tử không được hỏi đến việc chính sự, con đừng để tâm quá làm gì.” Lát sau, cô nói khẽ. “Không chỉ phụ hoàng con, mà ai muốn làm sao cũng kệ họ đi.”

Miên Liêu liền mím môi im lặng, hẳn nó hiểu ý cô. Sau cuộc chiến lớn, tâm tính nhà vua ngày càng chuyển biến khó lường, kéo theo cả công việc và con người trong kinh thành. Sau hàng loạt lệnh cấm, giới hạn đặt ra cho hoàng thân quốc thích, Tôn Nhân phủ dưới quyền Miên Tông vẫn đang bàn định các quy tắc ngày càng chặt chẽ sau vài hành động gia ân ban đầu cho tông thất. Họ có thể dùng các quy tắc tưởng chừng chỉ là lễ pháp này để khống chế mọi kẻ, can thiệp vào mọi cuộc kết liên của quyền lực và lợi ích. Một cuộc xoay chuyển lớn vẫn đang âm thầm diễn ra dưới các lớp mặt nạ hoan ca ngày khánh tiết, dưới nụ cười mà họ dành cho nhau. Để đạt được kết quả cuối cùng mà nhà vua muốn.

Ngài ta đã bộc lộ ý muốn của mình. Hồ Thị Hoa được phong Thần phi, Miên Tông trở thành Tả Tôn chính Tôn Nhân phủ. Nhưng vẫn chưa thể đủ, tất cả vẫn đang trong thế giằng co. Và hẳn có những người không hề muốn phá vỡ tình thế mập mờ này – vì nó có lợi cho bọn họ, cho những toan tính thế lực và lợi ích. Một nhà vua không đủ sức mạnh, không đủ tính chính danh tuyệt đối, sẽ trở thành con mồi của tất cả mọi kẻ, bị săn đuổi suốt cuộc đời bằng muôn vạn đao gươm. Thế Tổ đã học được điều ấy trong máu tanh của cả dòng họ, nhưng đến vị Thái tử mà ngài đích thân lập nên cũng khốn khổ xoay vòng trong âm mưu cùng hố bẫy chỉ vì là con dòng thứ. Nói cho cùng, những cái tên được gọi là hoàng đế, hoàng tử, hoàng thân trong hoàng thành này cũng chỉ là con cờ trong mắt nhiều kẻ - hầu như là tất cả. Sự tôn xưng họ dành cho vị chủ nhân mà mình muốn đi liền với lợi ích của chính họ.

‘Mạnh Thường quân’ Kiến An công lời khen nơi nơi, tiếng thơm khắp chốn, chính là chủ nhân của một đám thuộc hạ lừa lọc dối trá, buôn quan bán tước, ban phát tội lỗi để đem về lợi ích và tiền tài. Và như một lẽ tự nhiên, anh ta kết liên với bè phái Tả quân, cô còn nghi ngờ rằng người năm xưa mà Lê Chất cha cô muốn nhận làm con nuôi chính là anh ta. Dù hai quyền thần đã bị triệt hạ, Kiến An công vẫn còn đó – cùng tất cả ảnh hưởng, quan hệ, thế lực anh ta gây dựng được trong những năm này. Nhận ra ý muốn của nhà vua, nhận hàng loạt hình phạt, vị hoàng đệ này sẽ tìm cách phản kháng – trong lúc mà nhà vua liên tục hành xử quái lạ kỳ quặc làm cớ cho muôn người như thế này.

Nhưng dù sao, cô và Miên Liêu đã thoát ra khỏi vòng xoáy ấy, chỉ cần đủ khôn ngoan để không bị cuốn vào những chuyện vô nghĩa. Còn nhà vua, cũng như cung Tĩnh Tâm kia hẳn đã được hoạch định từ rất lâu, ngài ta vẫn đang sắp xếp bàn cờ của mình.

Quả nhiên chỉ mấy ngày sau, Ngọc Xuyến tới nói cho cô biết, nhà vua chuẩn bị phong cho ba Quý nhân lên làm Huệ tần, Hòa tần, Lệ tần.

“Sau khi Tiệp dư Nguyễn Thường qua đời thì bọn họ có cha giữ tước vị cao nhất rồi.” Ngọc Xuyến nói, ý vị sâu xa. Cô lại im lặng trước ngữ điệu ấy.

Nghe như thể nhà vua chỉ đợi Nguyễn Thị Viên chết đi để phong cho ba vị Quý nhân vào cung sau khi ngài ta trở thành Thái tử. Lần đại phong hai năm trước, ngài ta chỉ ban phong hào cho những con gái nhà quan vào hầu ở tiềm để, và vị trí của Nguyễn Thị Viên chính là ranh giới của toàn bộ người đến sau. Lúc ấy, ngài ta đã sử dụng danh nghĩa ‘thời gian’ để đưa Hồ Thị Hoa lên nhất giai phi. Và lúc này, ngài ta đẩy các Quý nhân con quan trên Tam phẩm vượt qua những An tần Hồ Thị Tùy, Tiệp dư Lê Thị Ái, thiết lập nên trật tự mới cho cung giai.

“Mấy năm nay nghe nói hoàng thượng cũng chỉ gọi tới ba người bọn họ, với một hai người mới vào.” Ngọc Xuyến vẫn đang nói, chợt thở ra. “Còn toàn bộ người trước đó dường như bị thổi bay hết khỏi mặt đất rồi vậy.”

Người trước đó? Cô lại thầm nghĩ, rồi nhất thời chẳng thể nhớ ra tên ai trong bọn họ. Ngài ấy có nhớ ai với ai không, Nguyễn Thị Bảo từng cười nói. Cha có địa vị cao nên tên ở đầu sổ, Ngô Thị Chính mỉa mai. Ngoài vị Hiền phi hẳn đã kiệt quệ vì đau thương, hóa ra ba người duy nhất còn trụ lại sau khi nhà vua quên lãng hoàn toàn cung nội của mình có cha giữ chức quan cao nhất. Để ngài ta tiếp tục đẩy họ lên trong cuộc cờ của hoàng thành này.

Ngài ta đã để cung nội gần như bất động trong bấy nhiêu năm, và hiện tại nhất cử nhất động đều nhắm vào các mục đích rõ ràng. Quy luật do ngài ta thiết lập, cũng do ngài ta phá vỡ.

“Có gì đáng tiếc?” Cô nhàn nhạt nói, ngẩng đầu nhìn cành hoa rung rinh trước hiên. Nguyễn Thị Viên đã chết thật đáng tiếc, hẳn vậy. Nhưng nói một cách tàn nhẫn, đó là điều có lợi cho nhà vua. Nhưng bây giờ thì cô nhớ đến những hình dáng xiêu đổ trong bóng lửa lập lòe, khói thuốc quẩn quanh giữa căn phòng sau phủ đệ nhà cô. Các cung nhân không con lãnh hai năm lương trở về quê quán, được cha cô đưa vào làm hầu thiếp, và đã bỏ đi ngay sau khi cha cô mất để tìm kiếm một người được gọi là chồng khác. Cả cuộc đời chìm đắm trong khói thuốc lờ đờ, tranh tối tranh sáng của dục vọng và mông muội, đã mất đi toàn bộ ý thức về cuộc sống, thậm chí là khát khao để sống.

Những cô gái có chút tư sắc, được nuôi dạy để trở thành công cụ tìm kiếm lợi ích cho gia đình, khép kín trong vòng vây quẩn quanh gấm lụa, trong thế gian của vật chất hư hoa, chỉ còn biết đem bản thân ra làm mồi đổi chác. Người mạnh mẽ khôn ngoan hơn biết cách thu vén để tiếp tục sống trong thứ danh vị rỗng không, kẻ yếu ớt phù phiếm tiếp tục bị quăng ném vào trường hỗn loạn. Có lẽ, tất cả những gì họ cầu mong cũng chỉ là đứa con để neo mình, để tìm kiếm được chút ít của cải cho những ngày còn lại, để không tiếp tục phải bán rao cuộc đời mình trong thứ gọi là ‘tự do’ lênh đênh vô định. Toàn bộ bọn họ, đều là những con ngài không còn khả năng cất cánh.

“Không… Nhiều khả năng là em không thể về được nữa.” Ngọc Xuyến nói sau thoáng ngập ngừng. Cô toan muốn cười, nhưng lại nghĩ ra. ‘Ngươi nghĩ mình có thể rời khỏi đây sao?’, ngài ta nói. Bình An đường là nơi chốn duy nhất đưa người rời khỏi cung thành – khi nhà vua còn sống. Cô ở đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi những cái án ở Gia Định vẫn chưa hoàn tất.

Còn hơn ba trăm người bị giam trong ngục Gia Định, nhà vua vừa giục quan tỉnh tra xét nhanh để thả họ ra, Miên Liêu đã nói với chút hy vọng âm thầm. Dù sao Lê Văn Yên vẫn là Phò mã, nếu hoãn thi án được thêm hai năm sẽ đến kỳ Ngũ tuần Đại khánh của nhà vua, chắc chắn sẽ có khoan giảm. Dù có bị phát đi Trấn Tây thành, vẫn là may mắn.

 

“Năm ngoái mưa dầm dề suốt cả mùa đông, sang xuân vẫn còn ướt lạnh. Chỉ có phù dung là hợp với mưa.” Cô cười nói, nhìn ra ngoài sân. Phù dung nơi này nở hai mùa xuân thu, đang vào lúc tươi đẹp não nùng nhất. “Thoáng chốc qua hết Lập xuân, Vũ thủy lại đến Kinh trập rồi Xuân phân. Người gọi đây là tiết chim én bay về, sao lại là Xuân phân?”

Xuân sắc tam phân, nhị phân trần thổ, nhất phân lưu thủy.[4]” Ngọc Xuyến bỗng chớp mắt đọc khẽ, rồi cười. “Ngày xưa chị đã nghe người đọc.”

Có lẽ cô biết người ấy. Vẫn đắm chìm trong hương hoa, cô nghĩ. Xây dựng cảnh Bồng Lai, nhất định phải vào lúc Lập xuân. Mười bảy năm trước, ngài ta xây cung Tĩnh Tâm ở hồ Hải Tĩnh vào ngày đầu Lập xuân, và lúc này cũng vậy. Một nghi thức chỉ riêng ngài ta hiểu. Nếu trễ tràng, mưa sẽ cuốn trôi, xuân sẽ phân đôi. Cõi mộng nằm đâu đó giữa những cánh hoa bung nở, trong gió mưa rét lạnh lây lất bùn lầy. Khoảnh khắc ấy, chính là vĩnh cửu.

Ngọc Xuyến vẫn nói, nhưng cô không để ý đến nữa. Những câu chuyện buồn cười, như năm xưa cô từng nghĩ. Cả cuộc chiến ngoài biên giới, cả những sắp xếp và giành giật trong khu thành, khắp mọi nơi. Những cơn sóng vẫn tiếp tục nổi lên trong mê cuồng cùng hỗn loạn, trong trời đất vần vũ mưa của mùa xuân năm ấy. Cô có thể rành rẽ từng ấy con người, từng ấy sự kiện cùng bao nhiêu mắc míu của nó, nhưng cô không bận tâm. Khi cô rời khỏi, cái cung thành ấy đã không còn trong cuộc sống của cô. Bây giờ cô lại hay nhớ về quá khứ đã rất cũ xưa, lại có cảm giác ngậm ngùi thương cảm cho hầu như mọi sự, mọi người. Trong khu vườn bốn mùa hoa tàn hoa nở, nơi dòng nước quanh quanh róc rách lưu chuyển ngày đêm, cô dường mất đi ý thức về thế giới bên ngoài. Hai thế giới ấy vẫn tồn tại song song, dửng dưng đứng bên nhau, đan cài vào nhau trong những bóng ảnh hư huyền.

Nhưng trong những cơn sấm động mùa xuân ấy, có những chuyển biến lớn đã xảy ra. Khi cuộc chiến ở Trấn Tây đang dần tắt, bỗng tin dữ từ Gia Định chuyển đến: Tù giam ở Gia Định mưu vượt ngục.

Cháu của Nguyễn Văn Thoại là Nguyễn Văn Quang cùng cháu Lê Văn Duyệt là Lê Văn Sơn và bốn kẻ khác mưu giữ thành làm phản, bị tù nhân cùng ngục tố cáo. Nguyễn Văn Quang cung khai rằng muốn suy tôn Lê Văn Sơn làm chủ tướng, đồng loạt kêu gọi tù nhân trong thành Gia Định đánh cướp nhà ngục, chiếm thành.

Mưu đồ này nhanh chóng bị dập tắt khi sáu kẻ chủ tính còn chưa kịp có hành động nào. Án sát, Bố chính Gia Định ngay lập tức bị giáng cấp, phạt bổng, nhà ngục càng bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Nhưng những cái tên được báo về khiến lòng người rúng động. Chỉ mấy ngày sau đó, các đình thần cùng dâng sớ tâu xin đem chém toàn bộ tám người cháu của Lê Văn Duyệt đang được giam giữ.

Nào phải tự dưng bọn Lê Văn Sơn mưu loạn ngay lúc này, người nói khắp nơi mà không cần hạ giọng. Dân Phiên ở Trấn Tây nổi loạn, Trương Minh Giảng liên tục báo về hàng ngàn quân Xiêm tập trung ở Hải Tây. Các đội quân Kinh đóng thú Gia Định được chia bổ sang Trấn Tây. Trong ngục Gia Định còn đến hơn ba trăm thân nhân của những kẻ nổi loạn Phiên An, gồm cả con cháu Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Duyệt, cả những phủ thuộc của Kiến An công vừa bị bắt, cả các quan tướng bị trừng phạt sau cuộc kinh lý của Trương Đăng Quế, mỗi cái tên có thể kêu gọi thêm hàng trăm ngàn người.

Bố chính Hoàng Quýnh cũng vừa tâu xin đưa thuyền đến giữ cửa biển Nam Kỳ - vốn đâu phải để phòng quân Xiêm có tiếng yếu ớt về hải chiến. Tháng chín năm trước, Sơn Tây bắt được giáo sĩ Gia tô người Tây dương tên Cao Lăng Ni thông đồng với bọn thổ hào trong vùng nổi loạn, tự xưng là quân sư của chúng. Họ lại nhắc đến những nhóm Gia tô mưu nổi loạn ở Thanh Nghệ vài năm trước, cùng lúc với biến loạn tại Phiên An. Nhưng lần này là một giáo sĩ Tây dương nói rằng đi du lịch mà lẩn lút xúi giục môn đồ khắp nơi. Thậm chí không còn mượn danh nghĩa giảng đạo, chúng ngang nhiên ra mặt chống đối, gây dựng lực lượng, sức hiệu triệu vượt xa vài kẻ theo đạo trong nước. Cao Lăng Ni bị bắt giết ngay ở tỉnh thành, có thể gây ra những biến động không ngờ.

Phiên An, Lê Văn Duyệt, tù phạm, giáo sĩ Tây dương, Xiêm La, Chân Lạp, từng cái tên gióng giả lên trong lòng người từng hồi căng thẳng. Chúng không hề biết sợ, người người nói. Con cháu nhà Lê đã phải chuyển vào Quảng Nam, xem như là tình nghĩa cuối cùng với vương triều trước. Bao nhiêu người đã chết, nhưng con cháu của những viên quan mầm mống gây ra mối họa này vẫn sống, và chúng lại tiếp tục khơi dậy những loạn lạc không hồi kết, nguy hại hơn cả họ Lê chỉ còn chút ít tiếng tăm để trở thành con mồi của các thổ mục Bắc Kỳ.

Luật pháp và công bằng, nhà vua nói, trong khi ngài ta tiếp tục dung dưỡng cho bọn người kia. Lê Văn Sơn ngay lập tức bị lệnh lăng trì, nhưng vẫn không thể đủ. Tiếng nói trong triều vẫn liên tục cất lên, trong lúc nhà vua lại ra lệnh sửa sang Ngự Bình mà đi lên núi, qua cả những ngày Thanh minh, kỳ thi Hội, kỳ thao diễn của binh lính về Kinh, trong những buổi bàn bạc về hải tặc nhà Thanh tập trung ở Quảng Yên, trong suốt lễ thường triều ở điện Cần Chính. Cuối cùng, có lẽ do tin báo về năm, sáu ngàn quân Xiêm tập trung ở biên giới Sâm Súc của Trấn Tây thành, hoặc vừa lúc con cháu nhà Lê được chuyển tới Trực Kỳ, lời phán xét cuối cùng của nhà vua ban xuống: Lê Văn Yên được cho tự sát, bảy người còn lại phải trảm quyết, con cái bị phát vãng đến Cao Bằng.

Mùa xuân năm ấy là một quãng thời gian kỳ lạ với kinh thành. Binh lính vẫn bận rộn làm việc ở phía Đông, dựng lên những cung điện Bồng Doanh, những bờ đê Kim Oanh cùng đài gác. Những chiếc xe ngựa, võng lọng vẫn bận rộn lại qua cổng hoàng thành, các nhóm quân binh lần lượt diễn tập, thanh tra, chuyển đổi. Sách phong cho ba vị Tần mới được chế tạo, những viên quan được sắp xếp tới tuyên lễ. Trong khi đó ở phía Tây hoàng thành, khu đệ trạch của các công chúa, tiếng khóc văng vẳng. Mọi sự vẫn chưa dừng lại, một ngày Miên Liêu lặng lẽ nói, bộ Hình bảo rằng tội của Lê Chất cũng như Lê Văn Duyệt, nên cháu chắt của Duyệt phải phát phối đến Cao Bằng, cháu của Lê Chất cũng phải bị đưa đến Tuyên Quang, Lạng Sơn. Nhà vua đã chuẩn theo.

Tội Chất cũng như Duyệt, đó chính là lời nhà vua nói, và hiện tại, nó được lặp lại, trong tiếng cười quái ác vọng xuống từ bầu trời. Tiết Thanh minh đi qua đến tiết Cốc vũ, những đoàn quân mang gông xiềng tới khu đệ trạch phía Tây, áp giải nhóm thiếu niên cùng trẻ em đến bến thuyền. Gần như cùng lúc, ngày xử tử được quyết định trong Hình bộ. Bọn họ đã không cho những người cháu Lê Văn Duyệt chờ đến kỳ thu thẩm.

 

Buổi sáng mờ sương hôm ấy, khi mặt trời còn chưa sáng tỏ, cô đã tới trước nhà ty Trấn phủ chờ đợi. Bọn trẻ được đưa đến chào cha cùng chú bác chúng lần cuối cùng, tiếng khóc vang động qua mấy lớp tường dày. Quân lính gần như phải lôi mấy đứa trẻ nhỏ đi khỏi, mẹ chúng thất thểu chạy theo, tiếng gào khóc âm vang trên khu nhà Lục bộ vắng tanh tới bờ sông, thậm chí có lẽ ra đến biển. Khi bốn phía đã yên ắng, cô nghe rõ ràng tiếng của mẹ trong khu nhà ngục. Bà gào thét, đấm đá vào tường, vào người đến gần. Những em trai cô có lẽ cũng đang vừa khóc vừa giữ lấy bà. Cô khẽ bảo Miên Liêu vào trong xem xét.

Tiếng trống điểm canh từ Ngọ Môn vang, cô ngồi xổm xuống ven đường, dưới bức tường dày. Nắng đang lên, bầu trời sáng rực đầu mùa hạ, nhưng những con đường đan xen nhau vẫn phủ lấp dưới bóng tường cao. Tiếng trống âm vang, hòa cùng tiếng vó ngựa và bánh xe đi qua cổng Kinh thành vào chầu, vọng quẩn quanh giữa những lối rẽ, chìm dưới bóng trời xanh.

Còn kỳ thu thẩm, cô bỗng nghe mình đang tự lẩm bẩm, khi cơn ớn lạnh tràn khắp châu thân, run rẩy đến từng đầu ngón tay. Nhà vua chưa đưa ra lệnh trảm quyết nhà cô như với cháu Lê Văn Duyệt, ngài ta vẫn đang chờ đợi, vẫn đang kéo dài quãng thời gian này ra, dưới trời xanh gần như là vĩnh viễn.

Cô nghe trăm ngàn tiếng người đang đổ về hoàng thành, tiếng động rập rờn như tơ lưới đang giăng. Mùa xuân, cuộc chiến khác lại tiếp diễn, mọi kẻ bắt đầu đan dệt tầng lưới cho mình, giăng kín cuộc đời nhau. Mùa xuân, đã qua rồi.

Nhìn kỹ nào phải là hoa liễu, giọt giọt đều là, lệ biệt ly.

 

Chú thích:

[1] Sứ quán dạ ngâm của Trịnh Hoài Đức

[2] Trích Trường hận ca của Bạch Cư Dị. Nghĩa: Chầm chậm trống đánh báo vào đêm dài, lấp lánh sông ngân giục trời sáng.

[3] Nghĩa là: ánh sáng mùa xuân, hoàng hôn mùa hạ, trăng mùa thu, bình minh mùa đông.

[4] Bài Thủy long ngâm, Dương hoa từ của Tô Thức: Xuân sắc tam phân, nhị phân trần thổ, nhất phân lưu thủy. Tế khán lai bất thị dương hoa, điểm điểm thị, ly nhân lệ. Nghĩa: Xuân sắc ba phần, hai phần theo bụi đất, một phần theo nước chảy. Nhìn kỹ nào phải là hoa liễu, giọt giọt đều là, lệ người chia ly.




One Response
Lan

Ast viết chap này hay ;)) :meo3:

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.