Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

108. Đại địa quần sơn đảo, thao thiên chúng thuỷ lưu
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 14th, 2019
  1. Đại địa quần sơn đảo, thao thiên chúng thuỷ lưu[1]
    (Loạt núi trên đất đổ, muôn nước chảy ngập trời)

 

Nguyễn Đăng Giai chưa kịp rời đi, giữa tháng sáu năm ấy, nước mùa hạ ở Sơn Tây bỗng dâng lên đến mười tám thước, đê xã Vân Trai vỡ, sáu huyện bị ngập lụt, nước tràn đến tận tỉnh thành. Dòng Cửu An ở Hưng Yên báo nước dâng mười bốn thước, phá qua những con đê vệ nông làm ngập năm huyện Khoái Châu, lan sang sáu huyện ở Hải Dương. Ninh Bình cũng bị mưa lụt dầm dề, đồng ruộng chìm trong nước không đường rút.

Trong hoàng cung, chỉ hơn một tháng, hai hoàng tử nhỏ tuổi nối tiếp nhau qua đời. Nhà vua bãi lễ yến Thất tịch, lại vùi cả kinh thành vào đủ loại công việc chuyển đổi xây đắp. Nên hôm ấy cô còn thoáng ngạc nhiên khi nghe tiếng ồn ở cổng vườn, đội quân canh giữ ở lại cả bên ngoài, chỉ có nhà vua và hai Thị vệ của ngài ta vào trong. Thị vệ đem theo mấy cái hộp to vào lầu Thưởng Thắng rồi lui ra, chuyển lời nhà vua gọi cô từ sau vườn lại.

“Đem bộ ly thủy tinh của Anh Cát Lợi lên đây.” Nhà vua không ngoảnh đầu, ra lệnh cho cô. Khi đem bộ ly lên lầu theo lệnh ngài ta, cô lại nghe tiếng cổng mở, quân lính lao xao chào. Cô xuống lầu, không kịp tránh sang bên đã thoáng nhìn thấy Nguyễn Đăng Giai bước đến, liền cúi đầu đi vòng ra sau gian kín cạnh cửa hậu dưới lầu.

“Đây là rượu cúc ngự dụng cho ngày Trùng cửu, nhưng ngươi không ở đây thì uống trước với ta.” Cô nghe Nguyễn Đăng Giai lên tiếng chào, nhà vua nói, nghe như cười. “Ta uống một chén cũng phải hai lần mới hết đấy.[2]

“Quả nhiên là rượu mạnh, đến những kẻ hũ hèm trong triều cũng phải cau mày.” Sau mấy tiếng thủy tinh lanh canh, Nguyễn Đăng Giai cười nói. “Còn ngài thì đã uống bao nhiêu để thắng cả bọn hũ hèm ấy thế?”

“Nhắc đến kẻ mê rượu, thần lại nhớ tới Phan Huy Thực, quả là họa vô đơn chí. Nghe nói hoàng Cả đang điều tra án làm đồ thờ giả ấy ở Tôn Nhân phủ.” Không nghe nhà vua trả lời, Nguyễn Đăng Giai liền nói tiếp, bỗng lại chuyển giọng. “Thần đi tới nhà Đoan Bản chào hoàng Cả, nghe thự Thanh Bình đang tập hát gần đó. Hoàng Tư đang thử mấy cái máy điều khiển con rối. Ngoài bãi sông thì thấy đủ loại máy móc, gỗ chuẩn bị đóng thuyền. Không được ở Kinh mừng Khánh tiết thật đáng tiếc. Mấy năm qua Kinh thay đổi thật nhiều.”

“Đáng tiếc nhất là ngươi lười nhác quấy quá nên đâm ra kiến thức, kinh lịch cũng hẹp hòi theo, bằng không ta đã giữ ngươi ở Kinh làm việc. Nhưng trước ta nói khí độ của Lê Văn Đức không bằng Hà Tông Quyền, khí độ của ngươi lại không bằng Lê Văn Đức. Đáng lẽ có thể là ngọc quý mà lại cam tâm lẫn vào đá sỏi, làm người thế chẳng phải là tốt.” Giọng nói của nhà vua lẫn vào âm thanh vang liên tục của thủy tinh và sành sứ. “Trương Đăng Quế cũng là kẻ khôn khéo nhưng giỏi tùy biến, biết cái gì nên làm hay không nên làm, dù có không bằng lòng thì cũng thuận theo ý ta mà hành xử vừa trên đẹp dưới. Còn ngươi vừa kiêu ngạo vừa chủ quan, tưởng mình ranh mãnh khôn ngoan nhưng toàn bị mắc vào tranh chấp linh tinh tủn mủn, rốt cục việc chẳng đâu ra đâu.”

“Người mắc vào toàn những việc linh tinh đâu chỉ có thần.” Nguyễn Đăng Giai lại cười. “Chẳng qua ngài là hoàng đế, mọi kẻ đua nhau làm theo ý ngài, có muốn phản đối cũng không được, nhìn qua thì tưởng đâu vua tôi một lòng, triều đình cùng ý, nhưng chỉ là chưa gặp việc lớn đó thôi. Ngài bảo thần hẹp hòi thiển cận, nhưng ngài cũng đang đối phó tạm bợ tới đâu hay tới đấy, cái gì cũng muốn mà lại chưa biết phải làm sao. Nhiều khi thần phải tự hỏi rằng sự kiên nhẫn của ngài là vô tận, hay là ngài thực sự không quan tâm gì tới kết quả nữa?

“Đúng vậy, những việc linh tinh, từ vài kẻ trộm cướp vặt vãnh cho tới rối loạn khắp nơi, cho tới cả bọn tự xưng anh hùng với chả đại nghĩa. Và chúng ta cứ mắc vòng quanh vào những việc linh tinh ấy, chẳng thể nào thoát ra khỏi. Và ngài cần thần để giải quyết toàn việc linh tinh.” Giọng Nguyễn Đăng Giai lại thay đổi. “Cẩn thận, hoàng thượng, thứ ngài muốn có thể đem lại hậu quả rất xấu. Đất nước này không cần có thêm một thứ niềm tin, bài vị nữa để đánh nhau. Ngài hy vọng điều gì? Hy vọng rằng chúng dân nhìn thấy những cỗ máy ngài làm ra thì sẽ mê thích khoa học, tò mò kỹ thuật để bắt chước học làm theo, trong khi chỉ một món đồ mỹ nghệ cấp cao nơi này cũng phải đưa sang Quảng Đông chế tác? Hy vọng rằng họ nhìn thấy các khoản lợi từ việc buôn bán của triều đình với các quốc gia ngoài biển mà mơ ước kinh thương, trong khi hầu như toàn bộ nền thương mãi do người Thanh, người Đường nắm giữ? Thậm chí ngài hy vọng rằng thấy triều đình vững mạnh, làm loạn khó khăn, luật pháp nghiêm khắc thì dân chúng sẽ chăm chỉ làm lụng, chân chất kiếm ăn? Trong khi ngài còn nơm nớp lo sợ mấy tên học trò trong Tứ Dịch quán đi ra nước ngoài chẳng biết đã học được cái gì chưa chứ nhanh nhất là bị bọn Tây dương nhồi sọ cái thiên đường của chúng, quay trở lại bảo cha ông là ma quỷ, vác về thêm một đám phản nghịch xé đất nước này càng nát tinh tươm. Ngài càng làm nhiều việc thì càng gây ra lắm xung đột, tranh cãi vô ích.”

“Ngươi lại định nói là cứ mặc kệ chúng đi, như ta kể với ngươi ở đình Tiến Sảng về việc quan chức Giang Lưu Ba hút cạn máu mỡ dân chúng, đặt ra hàng trăm thứ thuế, nhưng chẳng phải họ vẫn sống đấy ư? Dù là sống dưới quyền bọn Tây dương, dùng súng Tây dương mà quét sạch mọi kẻ chống đối. Kể ra thì cũng đáng đời lắm, mà cũng đúng đắn lắm. Cái đám người chẳng biết làm gì ngoài đánh giết cướp bóc nhau để bọn Tây dương nhảy vào, rồi lại cung cúc tôn xưng chúng là thần là thánh. Nhưng mà… con người nào chả ngu ngốc như nhau?” Giọng nói nhà vua chầm chậm trượt đi trong tiếng cười. “Vùng đất Đại Tây dương chia các nước chư hầu đánh lẫn nhau cả ngàn năm. Trung Quốc kia hết phân lại hợp. Các nước xung quanh ta lúc lên lúc xuống. Tham lam, tàn nhẫn, gian trá, ác độc, thủ đoạn, mù quáng, ngu ngốc, con người ở đâu cũng thế mà thôi, quyền lực ở nơi đâu cũng bẩn thỉu như thế mà thôi. Nhưng cũng vì vậy mà tất cả đều có thể thay đổi chứ? Lừa mị dối trá, theo đuôi học đòi đi cũng được, còn tốt hơn.”

“Rồi ngài định đứng ở đấy làm cột mẫu đến bao giờ?” Nguyễn Đăng Giai hỏi, cô hoàn toàn không nghe thấy ý cười trong giọng anh ta.

“Nhiều người bảo rằng ta có tướng phúc thọ đấy.” Nhà vua lại cười. Cô nghe trong lầu im lặng, chỉ có tiếng thủy tinh vang lanh canh. Hồi lâu sau, lại có tiếng thở dài. “Ta lúc nào cũng tin rằng mình được che chở. Ngày trước theo hoàng khảo dựng lăng trong núi, bỗng gió lớn làm sập nhà tạm, hoàng khảo bị thương, có người chết, các hoàng tử em trai cũng đều bị thương cả, mà ta cũng ở trong nhà ấy lại chẳng hề hấn gì. Trước nữa, có ngày nọ ta lấy thuyền bỏ đi chơi một mình, thuyền chẳng may mắc cạn, rồi mui rơi, thuyền nứt. Ta vừa nghe tiếng động mà đứng lên, đúng lúc chỗ ngồi vỡ toác ra. Nhưng mà, có lẽ ta đã dùng hết vận may của đời mình rồi.

“Hoặc là ta chỉ giỏi tự huyễn hoặc mình. Từ đầu đến cuối, ta chẳng bao giờ may mắn. Nhất nhân hữu khánh, triệu dân lại chi. Ta cứ tin như thế, tin mãi như thế, tin rằng đời mình hạnh phúc.” Dường nhà vua đã say, tiếng cười trầm trầm quẩn quanh trượt vòng lầu gác. “Nhất nhân hữu khánh, vạn thọ vô cương, vĩnh ức thiên xuân. Nếu không có phúc, làm sao ta có thể vượt qua tất cả mọi thứ cho tới bây giờ? Mọi kẻ chống đối ta đều thất bại, ta đã có tất cả. Chẳng phải mọi gian khó ta trải qua đều là thử thách để đạt được kết quả cuối cùng sao?”

“À…” Nguyễn Đăng Giai như toan nói, nhưng rồi rơi vào im lặng.

Bóng tối buông xuống, thị vệ đi thắp đèn quanh vườn, cô vội rời khỏi lầu trở về căn phòng nhỏ góc sau. Mưa bắt đầu lác đác rơi, lất phất bay trong ánh chiều đang tắt. Mùa ngâu, đêm tháng bảy, trời đất vần vũ mưa mù. Ngồi trong phòng kín, cô dường nghe thấy tiếng ai đó hát trên lầu cao. ‘Nhật lệ phong đình thụy thái dung, vân du tiên trượng thự quang lung. Tường phong sảng lãng, đề khúc sùng hồng’.

Có lẽ lại là lời hát mừng thọ cho Thái hậu. Dù có bao nhiêu việc xảy ra, dù trên tàn tro tang tóc, kinh thành này vẫn hát vang bài ca phù hoa của nó. Những lầu hoa đang được dựng lên ngoài hoàng thành, tiếng nhạc của các đoàn mừng thọ lần lượt tới Kinh, khu phố bờ Đông đã gần nên hình. Năm tháng vẫn trôi theo dòng lũ cuốn đi bao nhiêu phận người. Tường phong sảng lãng, trọng tuyền chi sảng, và đình Tiến Sảng mà ngài ta cho xây cạnh chùa Thánh Duyên vào đầu năm, những dòng chữ lẫn lộn vào nhau, danh phận lẫn lộn vào nhau, và có lẽ, cả cuộc sống cùng cái chết cũng đã hòa lẫn không thể phân biệt. Lặp đi lặp lại, như tiếng vọng cầu thê thiết, trong tiếng nhạc ồn ã vang động choáng váng của phù hoa. Bạc vàng lại tuôn như suối, gấm vóc lại phủ tràn từng ngõ ngách, ánh đèn lại sáng xuyên mây. Những tiếng hô vang chúc tụng miên trường cùng vĩnh cửu quay tròn xoáy lốc dưới bầu trời, ngày ngày tháng tháng. Lặp đi lặp lại, cùng ánh dương và hoàng hôn, cùng những giấc mộng lần lượt lụi tàn như lâu đài cát của Dã Tràng. Lặp đi lặp lại, trong bóng tối mù mịt đem mưa vọng bốn phương trời.

Đến chừng đêm đã sâu, Chu Phúc Năng đem thuốc giã rượu từ trong cung tới, gọi cô đốt bếp hâm thuốc, nấu nước. Cô pha một thau nước ấm, theo lời viên nội giám mà đưa đến chân cầu thang lên lầu. Cung giám cũng đang dọn dẹp, đưa xuống một quả đựng thức ăn, để lại mấy cái ly thủy tinh cho cô. Những cung giám ấy đã đi khỏi vườn, cô mới lại nghe tiếng nói bên trên vọng xuống.

“Thần nghe nói Hoàng Quýnh vừa bắt được thương lái nhà Thanh câu kết với Đội trưởng phủ Kiến An công giả nhiêu thuyền buôn lậu ở Gia Định.” Giọng Nguyễn Đăng Giai đã có vẻ say, nhưng hẳn vì vậy mà anh ta mới quyết định nói chuyện này. “Hoàng Văn Thông trước đó theo bọn Lê Văn Khôi đánh chiếm Nam Kỳ đã bị giết rồi, nhưng bọn phủ thuộc của Kiến An công vẫn che giấu cho tên thương lái kia. Lại nghe nói, tên Hoàng Diệp ấy mười năm nay đi buôn ở Hạ Châu, Phúc Kiến, Nam Kỳ, Bắc Kỳ mà không nộp một đồng thuế nào.

“Nhưng việc được bọn phủ thuộc đỡ cho cả rồi, Kiến An công có biết gì đâu.” Nguyễn Đăng Giai cười ha ha. “Nói đi cũng phải nói lại, tên Hoàng Diệp ấy buôn lậu mười năm trời, quen mui bén mùi nên mới sơ suất để Hoàng Quýnh phát hiện ra. Kiến An công có hơn bảy chục đứa con[3], quan hệ rộng rãi nên chi tiêu trong phủ không dư dả, chứ Định Viễn công giàu có nức tiếng kinh thành, bọn môn hạ người Thanh mới mấy năm trước lấy thuyền công đi buôn, ngài cũng chỉ có thể phạt lương công sáu tháng. Bây giờ Kiến An công bị cắt lương, nhưng ngài lẫn Thái hậu há để công không có tiền ăn được à?”

“Ta đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ thuyền bè rồi.” Nhà vua nói, cô nghe sự cảnh giác trong giọng ngài ta. Nguyễn Đăng Giai liền thở ra.

“Thần không định nói chuyện bọn thương lái, chỉ tự dưng nhớ về kẻ đi cầu quân Xiêm, lại cầu được một đám Chà Và với Gia tô. Trước đó chẳng phải họ Mạc ở Hà Tiên đã bắt thuyền đưa thư của Lê Văn Khôi rồi sao, vậy là kẻ nào đã sang Xiêm? Và còn bọn đưa thư chuyển lời từ Phiên An đến Thuận Thành, trước ngài đã không định xử chúng rồi sau lại quyết rằng chúng có tội, vì sao thế? Từ Phiên An cho đến An Giang, Hà Tiên, tới chí Xiêm La, Chà Và, chẳng phải bọn thương lái người Thanh mới là đầu não liên lạc gây chuyện đó sao?” Nguyễn Đăng Giai lại ngừng lời thoáng chốc, sau mới nói khẽ. “Ngài đã từng nghĩ đến chưa, những thân công, hoàng thất ở nơi này đưa môn thuộc theo thuyền đến các quốc gia ngoài biển cầu viện Tây dương? Với bọn Tây dương ấy, chỉ cần cho chúng một cái tên, thế là đủ để chúng gây chiến.”

“Ta đã chủ trương hòa hoãn thân thiện với Tây dương, thuyền Ma li căn đến ta cũng tiếp, thuyền Anh Cát Lợi gặp nạn ở Hoàng Sa, ta cũng đón vào. Không cho chúng lý do, chúng không có danh nghĩa để gây chiến.” Nhà vua trả lời, lần này thì Nguyễn Đăng Giai bật cười.

“Trước ngài hết sức hòa hoãn với Xiêm La, kết quả là gì? Chúng vô cớ giết sứ giả, ta đòi người ba lần bốn lượt chúng không đưa ra, rồi trở mặt đánh Nam Kỳ, đem bọn Nặc Giun về đòi Chân Lạp, to tiếng không đánh bại được ta thì không rút lui. Trong khi sứ Miến Điện đến xin kết giao thì ngài từ chối, Phật vương Xiêm chết thì ngài lấy lễ láng giềng nghỉ triều để tang, còn khuyên chúng nên cẩn thận với Anh Cát Lợi. Dù sao Xiêm La cũng chỉ là một nước thất lễ hèn mọn cắn lén người, còn bọn Tây dương kia mới chính là hùm sói gian xảo không ai bằng. Ngài không cho thủy thủ của chúng lên bờ thám thính, trong khi đám giáo sĩ Gia tô lẩn lút khắp nơi. Ngài lấy lễ đãi chúng, trong khi chúng là bọn vô lương biết gì đến lễ nghĩa đạo lý? Chuyện Lê Duy Lương may là được dập tắt sớm, vậy mà thần cũng ngay lập tức tóm được ở Thanh Hoa mấy đám Gia tô nổi loạn theo. Ngài nghĩ đến lúc cái đám người Thanh, Gia tô, thổ mục này liên kết được thành một khối, gọi bọn Tây dương vào, kết quả sẽ ra sao?” Giọng Nguyễn Đăng Giai chợt nhỏ hẳn xuống, gần như thì thầm. “Người nhà Thái hậu đem sách đạo Gia tô về, môn thuộc Kiến An công câu kết với thương lái người Thanh, ngài nghĩ cái mầm trong triều này có thể thành gì?”

“Ta đã bảo, ngươi tự cho mình là thông minh, cuối cùng đến mức đa đoan hẹp hòi, cái gì cũng biết rồi cái gì cũng sợ.” Nhà vua chậm chạp nói. “Há có thể vì nghẹn mà bỏ ăn, vì sợ đủ thứ trên đời mà rốt cuộc cái gì cũng không dám làm? Tại sao Tây dương chiếm cứ, đe dọa được hầu hết quốc gia trên thế giới? Vì chúng mạnh. Muốn chống lại chúng, ta phải mạnh như chúng. Ta có thể chống lại chúng bằng mấy khẩu điểu thương cũ của thổ dân, hay chông tre, hỏa hổ? Bằng cái đám thổ mục chỉ giỏi lẩn lút trong đám cỏ, sớm đầu tối đánh? Bằng đám nông dân cả đời chỉ biết bùn đất ruộng vườn? Hay thậm chí, bằng cách đi cầu viện Thanh triều giúp sức? Bằng cái nền kinh tế lắt lay phụ thuộc hoàn toàn vào bọn thương lái người Thanh và đám thổ hào gian tham tư lợi này? Bằng cách ‘làm theo người xưa’ hàng ngàn năm trước? Trước nay ta chỉ biết về Tây dương thông qua lời đám giáo sĩ, mấy tên lính người Phú Lang Sa, mấy cuốn sách do người theo đạo ở Quảng Châu phiên dịch. Ta chỉ sợ cái mà mình không hiểu rõ, rồi đến khi phải đánh nhau với chúng cũng không biết nên làm gì.”

“Bây giờ không phải lúc, bệ hạ.” Nguyễn Đăng Giai lặng lẽ nói. “Ngài đưa thuyền ra biển, đem sản vật đi buôn bán, mọi kẻ chỉ nói ngài tham lợi. Không chỉ những người dám giận không dám nói, mà ngay cả những kẻ sai phái của ngài có khi cũng chẳng theo ý ngài đâu. Đào Trí Phú gia tài ức vạn[4], Nguyễn Tri Phương phải bồi thường hàng ngàn lạng bạc[5] mà mặt không đổi sắc, những chuyến đi công cán ngoài biển kiếm lợi không biết là bao nhiêu. Nhưng Trí Phú thì không biết phòng người, Tri Phương đi lại bao nhiêu lần vẫn ghét Tây dương vô kể, bọn họ chẳng qua coi đó là chỗ làm ăn, việc vua sai phái, chỉ là ánh mắt con buôn mua vui một chốc. Thần đã nói, ngài cẩn thận lại rước hổ vào nhà. Người trên đất nước này vốn chỉ cần có một vị thần để cung cúc tung hô thờ phụng, để dựa dẫm mà tranh giành cướp bóc nhau. Người ở quanh ngài thì nghe ngóng kiếm chác, mua danh chuộc lợi. Bọn Tây dương thì gian xảo trí trá, lòng tham khôn cùng, núp bóng thánh thần, mạo danh chính nghĩa mà gây rối. Đất nước ta vừa mới qua biến loạn, bao nhiêu kẻ còn rình rập ẩn nấp, mầm họa còn chưa hết.”

“Thế thì đến bao giờ hết?” Nhà vua chợt cười. “Nếu đúng như thế, thì ngươi có thể làm gì? Ta không giống ngươi, ta không sợ kết quả. Đến lúc này, kết quả gì ta cũng không sợ.

“Ta đợi, đợi mãi rồi. Ta mới lên ngôi thì có Lê Chất, Lê Văn Duyệt nuôi một bọn tay sai, dung dưỡng một đám giáo sĩ chắn đường. Ta đợi đến khi chúng chết hết, thậm chí còn không muốn gây chuyện với chúng cho rách việc, thì phải gánh hậu quả chúng để lại. Đến lúc này, ngay cả khi ta đã giết hết mọi kẻ, thì bọn hải tặc nhà Thanh tới quấy rối ngoài biển, đám dân đói Lưỡng Quảng rục rịch loạn lạc, bọn Xiêm La nhất quyết không buông. Ngươi nói có phải ông trời đùa với ta đấy không?” Tiếng cười trầm trầm lại đè nặng bóng tối dưới lầu kín. “Ta đã chịu đựng những thứ khốn khổ này quá lâu rồi.”

Chu Phúc Năng quay trở vào vườn, hai người trên lầu lại yên ắng. Cô lui vào bóng tối, một lúc sau thấy Nguyễn Đăng Giai đi xuống. Chu Phúc Năng sụp lạy chào, Nguyễn Đăng Giai đứng lại, quay đầu. Trong ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn treo trước cửa, cô thoáng tưởng như anh ta đưa mắt ra bóng dáng cô lấp ló sau lầu, nhưng sau lại thấy anh ta chỉ chú mục nhìn Chu Phúc Năng.

“Mai ta quay trở lại Bắc Ninh.” Nguyễn Đăng Giai nói khẽ với viên nội giám. “Ngươi khuyên ngài uống ít thôi.”

“… Vâng.” Chu Phúc Năng ngập ngừng đáp. Nguyễn Đăng Giai đưa mắt nhìn bóng tối chập chờn dưới những tán cây trong vườn, hương hoa nồng không át được hơi rượu theo gió thoảng.

“Đáng tiếc…” Anh ta nhè nhẹ thở ra, quay lưng đi. Chu Phúc Năng đóng cửa lầu, cùng cô đưa nước và thuốc lên tầng trên. Nhìn qua cửa sổ lầu, cô thấy Nguyễn Đăng Giai vẫn đứng cạnh Niên Phương đường trò chuyện với mấy viên Thị vệ. Nhà vua nằm trên sập, nhắm mắt như ngủ, hơi rượu đắng quẩn quanh phòng dù những vò rượu đã được đưa đi. Chu Phúc Năng lấy tấm vải dạ lớn đắp cho nhà vua, hầu ngài ta uống thuốc, nhỏ giọng hỏi thời gian về thành. Vẫn nhắm mắt, nhà vua cho anh ta xuống lầu đi gọi Thị vệ chuẩn bị.

“Ngoài ấy có gì thế?” Vẫn đứng nép bên cửa sổ nhìn ra ngoài, cô bỗng nghe tiếng nhà vua hỏi sau lưng. Quay lại, cô thấy ngài ta vẫn nằm nửa thức nửa ngủ trên sập.

“Bẩm, mưa.” Cô đáp khẽ. Nhà vua chậm chạp mở mắt, nhìn qua cô đến màn mưa ngoài cửa, từng giọt lất phất trong ánh đèn mờ ảo.

“Có mưa sao?” Ngài ta nói, tựa như vừa mới nhận ra. Cô bỗng thoáng tự hỏi, Thất tịch năm trước có mưa chăng? Cô đã không nhớ nữa.

Cô bèn lui vào trong lầu thu dọn ly chén còn sót lại. Chỗ ngồi của Nguyễn Đăng Giai đã chớm lạnh. Nhà vua vẫn đăm đăm nhìn màn mưa ngoài song, ánh mắt say rượu mất đi sự tinh anh ngày thường, như chìm trong bóng mù tối sẫm. Bỗng dưng, cô nhận ra ngài ta buồn. Nỗi buồn mênh mang âm vang trong màn mưa im lìm. Nghe tiếng chào lao xao của quân lính trước khi tiếng vó ngựa lộc cộc vọng, hẳn Nguyễn Đăng Giai đã đi, tới chiến trường của anh ta. Lập công chỉ để chờ đợi được gọi quay về. Làm quan nghĩa là cả đời phiêu bạt, năm xưa anh ta nói, dù tâm thế có lẽ chẳng giống như hiện tại.

Chu Phúc Năng trở lên lầu, báo rằng xe đã chuẩn bị xong. Nhà vua gật đầu đứng dậy, phải bám vào tay viên nội giám đi xuống. Cô nhìn theo, thấy ngài ta vẫn dựa vào Chu Phúc Năng ra đến cổng, bước chân trượt đi mấy lần trên nền gỗ ướt.

Mùa đông nào nhà vua cũng đổ bệnh, cô nghe tiếng rì rầm của người trong thành. Ngài ta không còn những cuộc săn dài vào trong núi, tuy đã thực hiện chuyến tuần du đến Đà Nẵng bị bỏ dở vào năm trước, tháng năm này quay trở lại cày ruộng tịch điền, và liên tục đi ra biển. Có lẽ ngài ta vẫn còn đủ vui vẻ để dựng cái đình Tiến Sảng nọ, dẫn các quan tướng mới lập công từ Thanh Hoa trở về lên núi chơi. Cho đến khi cơn lũ bất thường mùa hạ lại tiếp tục phá vỡ những con đê Bắc Kỳ. Từ năm trước, nước lũ đã dâng từ giữa mùa hạ chẳng theo bất cứ quy luật nào.

Từ năm trước, hạn hán đã đe dọa vùng Trực Kỳ, gió bắc đã tàn phá mùa màng ngay từ mùa xuân. Những cơn bão hoành hành, nhấn chìm vùng bờ biển trong tang tóc. Đất nước nửa phần mưa lụt, nửa phần nắng hạn, thời tiết biến chuyển chẳng theo bất cứ quy luật nào. Đêm nay những ngọn đèn đã tắt, chỉ còn mưa rơi.

Năm ngoái có mưa chăng, cô đã không còn nhớ nữa.

 

Chú thích:

[1] Giang nguyệt đồng Ngô Nhữ Sơn thư hoài kỳ 1 của Trịnh Hoài Đức

[2] Vua thân rót rượu cúc của vua dùng ban cho hoàng tử, thân công, đại thần văn võ, mỗi người 1 chén, và nói: rượu này rất tốt, trẫm uống 1 chén, 2 lần mới hết. Phan Huy Thực cũng chính là người biết uống rượu, đã phải cau mày chưa?

[3] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Kiến An công thọ 55 tuổi, có 81 người con.

[4] Thực lục, năm 1843: “Chánh biện là Đào Trí Phú cũng vì làm hao hụt của công, tang vật kể đến hàng nghìn, bị tội phạt trượng phát lưu, nhân việc phát đi đường biển còn để đấy, đến khi về, giáng 3 cấp lưu. Đào Trí Phú có tâm kế, thông hiểu tiếng nước ngoài, trước sau nhiều lần được phái sang Tây, làm nên gia tài có đến hàng vạn; bọn người cùng được phái đi không ai dòm thấy chỗ bờ bến.”

[5] Thực lục, năm 1834: “Bộ Hình tâu nói: “Lần trước, các viên được phái đi phía đông là Lê Văn Phú và Nguyễn Tri Phương đáng phải bồi thường đến hơn 6000 lạng bạc.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.