Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

107. Bàng hoàng thiên tế tường cô vụ
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 10th, 2019
  1. Bàng hoàng thiên tế tường cô vụ, lâu hạm xuy tiêu hữu khách bằng[1]
    (Bên trời cò lẻ ngẩn ngơ bay, cạnh lầu thuyền khách nhẹ thổi sáo)

 

Năm thứ sáu, Nguyễn Đăng Giai mới thi đậu hương cống trường thi Thừa Thiên, được bổ Biên tu Hàn lâm viện.

Tháng ba năm thứ chín, nhân Hộ tào Gia Định Trần Nhật Vĩnh được gọi về lĩnh Đê chính Bắc Thành, Nguyễn Khoa Minh được cử đến Gia Định thay thế, Nguyễn Đăng Giai đi theo, bổ làm Viên ngoại lang Hộ bộ. Vài tháng sau, anh ta được thăng Lang trung kiêm việc từ chương cho Hộ tào Gia Định.

Đến cuối năm thứ mười, Nguyễn Đăng Giai được đưa ra Bắc Kỳ làm Tham hiệp Nam Định. Mùa xuân năm thứ mười hai, anh ta chuyển làm Hiệp trấn Thanh Hoa, rồi Hộ lý Tuần phủ Thanh Hoa sau khi triều đình chia đặt lại tỉnh thành.

Cái tên Nguyễn Đăng Giai chỉ gây chú ý sau khi viên Hộ phủ này dâng sớ điều trần về việc đánh dẹp Lê Duy Lương, được phái đem lính và thổ binh Thanh Hoa hợp sức cùng Tạ Quang Cự chinh phạt một dải Sơn Âm, rồi bình định Thanh Hoa.

Lần thứ nhất, bọn Nguyễn Đình Bang trở giáo theo Lê Duy Lương đánh xuống tỉnh thành, Tổng đốc Nguyễn Khả Bằng cùng Lãnh binh đóng cửa thành thủ không dám ra đối chiến, Nguyễn Đăng Giai một mình dẫn hơn ngàn quân từ Sơn Âm trở lại phá vây.

Lần thứ hai, sau gần một năm các tướng lĩnh thất bại trong việc lùng bắt và ngăn chặn thổ dân Thanh Hoa quấy rối, Nguyễn Đăng Giai xin nghỉ việc ở ty Bố chính, lại tự đem quân lên núi. Chỉ trong hai tháng, anh ta lùng tìm và phủ dụ hàng chục thổ ty tự ra hàng, đưa người săn bắt bọn Nguyễn Đình Bang đem về chuộc tội. Cả một dải núi Thanh Nghệ năm ấy liền yên tĩnh.

Lần thứ ba, sau vụ việc Án sát câu kết cùng các Quản phủ bị phát hiện, người của các thổ ty này liền đi theo bọn Quách Tất Công ở Ninh Bình nổi loạn. Nguyễn Đăng Giai trở lại Thanh Hoa, làm cánh tay phải của Kinh lược sứ Trương Đăng Quế càn quét cả vùng núi, bắt giữ toàn bộ đầu mục nổi loạn sau năm tháng ra quân.

Vì chiến công ở Thanh Hoa, sau khi quân triều đình phải rút khỏi Vân Trung, khốn đốn ở Cao Bằng, Tuyên Quang do bị cắt đường vận lương, Nguyễn Đăng Giai được chuyển sang Bắc Ninh lo việc lương thảo. Anh ta liền tạo ra một hệ thống trạm trung chuyển suốt từ Bắc Ninh lên Cao Bằng, huy động cùng kiểm soát hai vạn dân công để chuyển hàng vạn cân lương lên núi.

Trong cuộc chiến năm ấy ở Bắc Kỳ, tất cả đều có dấu vết của Nguyễn Đăng Giai, Miên Liêu kể lại trong sự hào hứng không che giấu với con trai vị Giáo đạo. Tuy nhiên viên quan này cũng liên tục phạm lỗi vặt vãnh, bị các đồng liêu tham hặc, nhà vua khiển trách nhiều hơn là khen thưởng. Từ Gia Định cho đến Bắc Thành, anh ta ra ngoài làm quan hơn chín năm trời mà chỉ được phép quay về Kinh sau chiến công bình định Thanh Hoa vừa rồi, nhờ cả sự giúp sức xin cho của Thượng thư Trương Đăng Quế.

“Con bảo anh ta từng làm ở Hộ tào Gia Định, ngay sau Trần Nhật Vĩnh?” Nghe chuyện, cô bỗng hỏi. Hiểu ý cô, Miên Liêu đưa mắt nhìn quanh rồi đáp khẽ.

“Nghe nói Nguyễn Đăng Giai từng là người liên lạc giữa Lê Văn Duyệt và phụ hoàng. Khi có tin cơ mật, nhất là năm ấy lục đục với Xiêm quanh chuyện Vạn Tượng, Tả quân đều cho Nguyễn Đăng Giai về báo cáo quân tình, cả những chuyện chỉ nói miệng mà không viết ra giấy được cũng do ông ấy truyền đạt lại. Nguyễn Đăng Giai đi đi về về cả năm như thế, rồi bỗng dưng bị phụ hoàng chuyển ra Bắc Kỳ, chín năm liền không cho về Kinh.” Đôi mắt vốn đạm nhạt của Miên Liêu chợt ánh lên tia thích thú. “Như vậy chẳng phải Tả quân luôn biết ông ấy là thân tín của phụ hoàng?”

Việc kết án Trần Nhật Vĩnh vì những việc làm sai quấy ở Gia Định, lẽ nào Nguyễn Đăng Giai không nhúng tay vào? Lúc ấy anh ta chỉ là một Viên ngoại lang nho nhỏ chẳng ai để ý tới, nhưng làm việc từ chương ở nơi mà Trần Nhật Vĩnh vừa để lại, có lẽ chưa kịp xóa hết dấu vết. Thậm chí, có thể anh ta còn biết đến cả nguồn gốc số tài sản của Trần Nhật Vĩnh – nguồn gốc của hàng hóa nhóm người này buôn bán ở Gia Định. Hộ tào chính là nơi kiểm soát nhân khẩu đinh điền, là nơi ẩn giấu cả ngàn thôn sách ở Quang Hóa kia.

Hàng ngàn tấm gỗ ở Gia Định, lẽ nào quan của chúng ta không thấy? Cô nhớ đến cuộc trò chuyện của Lê Văn Đức và Trương Đăng Quế năm xưa, rồi lại cho rằng câu hỏi ấy vốn có ý nghĩa khác.

Trần Nhật Vĩnh được gọi về Kinh, chỉ bốn tháng sau đã bị bắt giam vào ngục vì đơn tố cáo ở Gia Định. Tháng ba năm sau, Trần Nhật Vĩnh bị kết tội trảm quyết, đem chém ở chợ Đông kinh thành. Tháng sáu, Bảo hộ Chân Lạp Nguyễn Văn Thoại chết. Nguyễn Đăng Giai được đưa tới Gia Định ngay sau khi Trần Nhật Vĩnh rời đi, và được chuyển khỏi vùng đất ấy ngay trước khi những tin báo rối loạn về quân Xiêm khởi phát ở Chân Lạp, Bảo hộ Nguyễn Văn Tuyên tố cáo những kho thóc lậu của người tiền nhiệm Nguyễn Văn Thoại rồi bỗng dưng qua đời. Hầu hết hàng hóa do nhóm người Trần Nhật Vĩnh, Lê Văn Khôi bán ra ở Phiên An đều đến từ Chân Lạp. Và trong năm tháng ấy, hầu như mọi viên quan do triều đình phái tới vùng biên thùy đều bị tố cáo đủ mọi tội danh. Cuộc chiến âm thầm đã nổ ra ở biên giới Chân Lạp ngày tháng ấy – và Bạch Xuân Nguyên chỉ là sự tiếp tục của nó.

Bọn họ biết, luôn luôn biết. Cũng như họ biết làm cách nào để triệt hạ Trần Nhật Vĩnh ngay trước mắt Lê Văn Duyệt và nhóm người dưới trướng ông ta. Lê Văn Duyệt cũng luôn biết Nguyễn Đăng Giai chính là bàn tay của nhà vua vói xuống Gia Định. Ở nơi như Hộ tào cất chứa toàn bộ bí mật của quan chức Phiên An, Nguyễn Đăng Giai đã tồn tại thế nào qua một năm ròng?

Cũng có thể chẳng mấy ai nghi ngờ người con trai Giáo đạo lười học, tùy tiện phóng túng ấy. Trong nhóm bạn của nhà vua, ngoại trừ Lê Văn Đức, chẳng có ai được cho là khôn khéo tâm cơ. Ngay cả Nguyễn Phúc Kiểu vốn chỉ là một nhà vua non nớt, xốc nổi trong mắt các quyền thần. Lê Văn Duyệt dùng Nguyễn Đăng Giai chuyển lời vì cho rằng anh ta dễ đối phó. Chỉ có nhà vua liên tục bảo anh ta ‘quá mức khéo léo’, khoác lác, không đáng tin, hẳn ngài ta hiểu rõ nhất người bạn mình.

Bây giờ nhớ lại, cô vẫn không thể liên hệ Toản Phu trong ký ức và Nguyễn Đăng Giai thanh danh lừng lẫy hiện tại, lý do tại sao cô chưa bao giờ nghĩ họ chính là một người. Người thanh niên ngồi dưới mái chùa vắng, mỉm cười lắng nghe cô kể chuyện, có thể cũng chỉ là một cái mặt nạ của anh ta. Như anh ta đã kể lể với cha mình một cách đầy oan ức về lỗi lầm mình đã phạm, bằng những câu chuyện dẫn loanh quanh. Và sự say mê hào hứng dù chỉ bộc lộ bàng bạc của người thanh niên ngày ấy đã biến chuyển thành những lời cợt nhạo cùng thái độ gần như bất cần. Và thế gian trải rộng trước mắt anh ta ngày ấy, từng ngọn cỏ cành cây cũng như sáng lên lấp lánh, đều mang trong mình câu chuyện thần thoại rạng ngời, hẳn đã đổi thay, chắc chắn đã đổi thay.

Nguyễn Đăng Giai luôn xuất hiện ở những địa điểm, thời gian phức tạp nhất, có lúc chỉ như một cái bóng. Đến cả lúc này khi đã thành danh, anh ta vẫn luôn không nhận lãnh trách nhiệm của kẻ đứng đầu. Để rồi càng nghĩ cô càng thấy mờ mịt về con người này, như thể một bóng ảnh cô vừa quen vừa lạ.

Miên Liêu còn định nói thêm, nhưng cánh cửa ngoài bị đẩy ra, lính đưa mẹ cô vào phòng. Sau nhiều ngày, rốt cuộc cô cũng được Miên Liêu dẫn đến ty Trấn phủ gặp người nhà. Do có Ngọc Cửu cùng tới, mẹ cô được đưa ra phòng ngoài. Ngọc Cửu đã cùng chị em dâu đến thăm anh em nhà cô, Miên Liêu cũng im lặng đứng tránh sang bên thay cho lính canh ngoài cửa.

“Mẹ…” Cô chỉ có thể thốt khẽ. Bao nhiêu năm không gặp, sau cuộc chia cách đầy giận dữ, đến lúc này cô mới nhận ra mình không còn nhớ dáng hình của mẹ. Có lẽ bà vẫn thế, chỉ mái tóc đã bạc trắng, làn da tái xanh do ở trong nhà ngục. Bà như đã trở về hình dạng của cô gái Lê Thị Sa xưa kia ôm con đứng khóc dưới hiên nhà, trong bộ quần áo tồi tàn và ánh mắt trống rỗng.

Mẹ đi đến, choàng tay ôm lấy cô, trong khi cô vẫn dường ngẩn người. Mẹ con cô chưa bao giờ thân thiết, và trong hơi nóng mùa hạ cô còn ngửi thấy mùi mồ hôi hoi nồng. Mẹ không khóc, chỉ vỗ vỗ vai cô, thốt ra những thanh âm nức nở trong cổ.

“Con gầy quá.” Bà nói, và cô chỉ mỉm cười. Ngồi xuống đối diện, mẹ đưa tay vuốt tóc cô, trong khi cô giật mình định tránh.

“Mẹ ở trong nhà ty Trấn phủ mới như thế nào? Hẳn nhà mới thì tốt hơn khu nhà cũ kia.” Cô hỏi khẽ, lại thấy trong mắt mẹ ánh lên ý gì đó.

“Phải, nhà mới tốt hơn, mọi thứ đều tốt hơn.” Mẹ cô cười, đưa cho cô cái bọc bà đem theo bên mình. “Mẹ ở với phu nhân Tả quân một thời gian, được bà ấy chỉ thêu may cho qua ngày, may được cái bao tay cho con. Nghe nói con ở ngoài điều kiện không bằng trong cung, mùa hạ không sao chứ đông đến không ổn đâu.”

“Cám ơn mẹ.” Cô nói khẽ, nhìn đôi bao tay nhồi bông vải thô kệch, đường may lệch lạc, nhưng có lẽ vừa với tay cô. “Mẹ ở đây…”

“Ta già rồi, chỉ cần một chỗ ăn chỗ ngủ là được. Chỉ có các em con là khổ.” Không đợi cô nói hết, mẹ cô đã thở dài. “Thằng Tư năm trước không qua khỏi, giờ nhà ta chỉ còn bốn đứa con trai, mấy đứa cháu nhỏ. Gia sản bị tịch biên hết, cả nhà bị đuổi ra ngoài thành sống, bọn em dâu của con không quen chịu khổ, có đứa ôm con về nhà ngoại, có đứa bỏ con mà đi rồi. Họ nhà ta không một ai đến thăm, mấy đứa con gái sợ nhà chồng cũng không tới. Có đứa còn bị nhà chồng trách mắng, muốn đuổi đi. Giờ các em con chỉ còn trông chờ vào khoản cấp cho tù phạm, ăn uống thuốc men đều kham khổ.”

“Vâng, con sẽ bảo Miên Liêu thỉnh thoảng chu cấp thêm.” Vẫn cúi đầu nhìn đôi bao tay, cô đáp nhỏ. “Năm nay là Khánh tiết của Thái hậu, hẳn sẽ có ưu đãi cho phạm nhân.”

“Chỉ sợ lôi chúng nó ra làm việc, dựng xây cái gì nữa đấy chứ.” Mẹ cô lại ngắt lời, chép miệng. “Bà già như ta đây vào ngục thì lại yên ổn, chỉ thương bọn trẻ…”

Cô lẳng lặng mỉm cười, ngồi nghe mẹ cô kể về chuyện trong nhà ngục, chuyện khi bị thẩm vấn, lúc quân lính ập vào nhà bắt người, niêm phong. Chừng hết thời gian một nén nhang, lính canh đến đưa mẹ cô đi. Bà lại ôm lấy cô, một giọt nước mắt rơi xuống bên vai cô.

“Con ở ngoài tốt nhé.” Bà nói, trong khi cô vẫn mỉm cười.

“Em hỏi thì cai ngục bảo chị không vào khu phạm nhân nam được.” Ngọc Cửu trở về nói, cô gật đầu, được Miên Liêu đưa ra cổng sau chờ xe về vườn Thư Quang. Cô im lặng suốt trên đường đi. Tới cổng vườn, Miên Liêu đưa cô vào trong, đến lúc ấy mới nói nhỏ.

“Tính bà ngoại là thế, mấy năm nay ở trong ngục kín thì càng thấy quẫn bách thêm, mẹ không cần để ý.” Đứa trẻ bỗng nhiên nói. Cô đưa mắt nhìn con trai hồi lâu, đưa tay khẽ xoa đầu nó, cười như thở dài.

“Con lại để ý quá rồi. Tính mẹ ta thì thể nào ta không biết. Bà khỏe mạnh, ta lại đang vui lắm đấy.” Miên Liêu đã chớm cao hơn cô, nó đã lớn rồi, cô thầm nghĩ. Lớn đến mức liếc mắt nhận ra những điều ẩn giấu sau bất kỳ câu nói, nụ cười nào của một người. Lớn đến mức có thể lạnh lùng xét đoán bất cứ ai, không hề bận tâm động lòng đến cái gọi là tình cảm cùng cảm xúc, thậm chí còn càng cảnh giác dè chừng với chúng hơn. Im lặng một thoáng, cô nói khẽ. “Bà chịu vui vẻ với ta là được rồi.”

Môi Miên Liêu mấp máy, nhưng đứa trẻ lại lặng im, đưa mắt nhìn quanh khu vườn rực rỡ muôn màu. Cô vẫn cười, nấu nước pha trà cho con trai. Trà này vốn do Miên Liêu đưa tới cho cô, được cô hái hoa trong vườn ướp thêm. Nhìn Miên Liêu nhấp trà, mắt cô cong cong.

“Ngon chứ, trà này trong cung cũng không có đâu.” Cô nhìn cái cười nhàn nhạt của con trai. Nó nửa như muốn chế giễu cô, lại vừa thoáng như muốn khóc.

Rốt cuộc, cô đã không khuyên bảo con mình. Ở nơi đây, tình cảm là thứ vũ khí mà mọi kẻ nắm chặt trong tay. Thật hay giả, nhiều hay ít, họ vẫn có thể lợi dụng nhau, thậm chí chưa bao giờ cho rằng mình không đúng. Mọi kẻ đều có thể nói về tình thương và trách nhiệm, trói buộc và hủy hoại lẫn nhau trong những vòng vây trùng trùng hố bẫy. Mọi kẻ đều có thể vừa thương yêu vừa hủy hoại lẫn nhau, nhân danh mọi điều trên thế gian. Con trai cô là đứa trẻ thông minh, quá thông minh, đến mức đau buồn và bất hạnh. Nhưng đó là cuộc đời của nó, không thể khác.

Miên Liêu đã rời khỏi vườn, cảm giác buồn bã trống trải vẫn không nguôi. Cất đôi bao tay vào rương, cô đi tới hiên Trừng Phương. Hiên này xây ngang trên mặt nước cái hồ nhỏ, sen mọc cao xấp xỉ lan can. Nhặt ra mấy gói trà ướp trong nhụy hoa, cô buông mành trúc che nắng, ngồi trong hiên lắng nghe tiếng cá đớp dưới sàn, ngửi mùi hoa lẫn vị trà đắng thoang thoảng. Nghĩ ngợi hồi lâu, có lẽ cô đã chợp mắt ngủ đi nên không nghe thấy tiếng cổng mở, chỉ choàng tỉnh khi có tiếng nói vọng tới từ bên ngoài.

“Ngài bảo đề tựa của sách là gì?” Tiếng nói vọng đến từ Niên Phương đường, cô giật mình nhận ra chính là Nguyễn Đăng Giai. Giọng nói trả lời còn khiến cô ngạc nhiên hơn.

“Không có tựa, quan của ta chép lại ở Yên Kinh. Sách về việc đánh dẹp Oa khấu của triều Minh, tìm đi là thấy.” Nhà vua trả lời, cô đưa mắt nhìn qua mành trúc lại chẳng thấy người hầu, chỉ thấp thoáng vài bóng áo lính ngoài cổng. Hẳn chỉ có ngài ta và Nguyễn Đăng Giai tiện ghé qua Niên Phương đường tìm cuốn sách nào đó.

“Sao sách ấy mà ngài để ở đây?” Nguyễn Đăng Giai phàn nàn, lại đổi giọng. “Nếu muốn bàn với thần về chuyện đánh giặc biển thì ngài để thần lưu lại thêm mấy ngày, sao lại bắt thần tự đọc sách tìm cách?”

“Là ngươi nói muốn mượn sách để xem cách đánh giặc biển của người xưa rồi cùng góp ý. Ở Bắc Ninh có giặc biển à?” Nhà vua hừ khẽ trong cổ. “Ngươi đi theo thủy quân mới đo đạc Hoàng Sa về, nghe được chuyện hải tặc Thanh quấy rối Quảng Ngãi, Bình Định, rồi lại viện đến hỏi xin sách. Đừng tìm cớ luẩn quẩn ở đây nữa, ta càng nhìn càng ngứa mắt.”

“Ngài ném thần đến Bắc Kỳ chín năm liền không cho về, ai cũng thấy lạ đấy. Thần còn bảo với họ, năm xưa thần chỉ tặng Thần phi của ngài mỗi một bông hoa, ngài cả đời mắng thần là đồ lẻo mép.” Nguyễn Đăng Giai cười ha hả, cô nghe tiếng động như thể sách rơi ở Niên Phương đường. Rồi Nguyễn Đăng Giai lại ‘à’ lên. “Sách đây rồi!”

 

“Ngươi đem sách về Bắc Ninh rồi lại ngẩn ngơ chơi bời suốt ba năm tiếp theo, ta còn không rõ?” Nhà vua như thể cáu kỉnh nói. “Không ép buộc, đè nén thì ngươi còn nhất định đẩy việc cho người khác, chỉ giỏi mồm miệng ba hoa vẽ ra những thứ không thể làm nổi để đỡ việc cho mình, coi như mình xong trách nhiệm. Trương Đăng Quế bảo ngươi theo Phật nên tính tình yếm thế, tiếc cho ngươi phí hoài bao nhiêu tài năng, ta chỉ thấy ngươi là một tên lười biếng cái gì cũng không muốn làm. Không phải cha ngươi là Giáo đạo của hoàng cung, Hoàng Quýnh lại đích thân tiến cử ngươi với triều đình, ngươi không thể cứ ở nhà chơi bời mãi thì ngươi cũng chẳng đi thi đâu.”

“Phật có lời dạy rất minh triết, đó là: Không nên cưỡng cầu. Chẳng phải nơi nào thần làm việc cũng rất ổn thỏa sao? Trong nạn đói năm năm trước, Thanh Hoa của thần làm việc tốt nhất, xử lý đâu ra đó cho cả vạn dân đói xiêu dạt, ngài còn nêu khen đấy. Nhưng với ngài thì chẳng có cái gì gọi là ổn cả, ngài bắt chúng thần mỗi năm hai kỳ viết tập thỉnh an đề xuất những việc muốn cải cách sửa đổi ở địa phương. Còn phải nghĩ ra những việc có thể làm, không thì ngài mắng là đồ hư hão bốc phét. Trong khi có bao nhiêu thứ vào thực tế đều hóa hư hão cả.” Nguyễn Đăng Giai cười khan. Nhìn từ Trừng Phương hiên lại, cô thấy bóng anh ta dựa lưng vào cạnh cửa sổ Niên Phương đường, cúi đầu lật cuốn sách trong tay. “Thần không phải là ngài, có thể ở trên muôn người mà tùy ý làm sai thì sửa, chỉ có vài trăm quan bồi thường tiền đào sông mà ngài vẫn phải cho cha thần vay. Thần ban đầu đã chỉ muốn là một tên thư sinh nho nhỏ, làm được vài việc góp sức cho đời, nói được vài điều có ích cho nước, chứ muốn làm quan nhất phẩm gì đâu, vậy mà cũng vẫn không yên.

“Đến ngài mà chúng dân có coi vào đâu, bọn ngỗ ngược xem là gì, ngồi trên ngai vàng như ở trên đám gai, ăn chả dám ăn, có nuôi mấy con chim cũng phải thả ra, chơi mấy miếng ngọc cũng phải cất lại. Rồi xây mấy cái vườn như thế này để trốn vào, coi như thiên hạ không tìm ra mình nữa. Ngày trước thần từ Gia Định về báo việc đều phải vào Thiệu Phương viên, như cả hoàng thành chỉ còn chỗ ấy không có tai có mắt. Bây giờ là cái vườn này, ngài cứ thế chạy trốn loanh quanh khắp nơi.” Sự cợt nhạo trong giọng Nguyễn Đăng Giai bỗng nhiên mất. “Thần đã nói, cuộc sống như thế thần không sống được.”

Trong vườn chỉ còn tiếng gió xạc xào, ve kêu vang trên những vòm lá khắp kinh thành bao quanh họ. Nguyễn Đăng Giai gấp sách, nhìn lên nhà vua đứng trong bóng tối của hiên nhà.

“Bây giờ chỉ còn ngài ở đây, Lê Văn Đức ở Sơn Tây, Hoàng Quýnh ở Gia Định, chúng ta chẳng bao giờ tụ hợp được nữa.” Nguyễn Đăng Giai như mỉm cười. “Rồi thần lại nghĩ, có khi ngài ngứa mắt với thần thật. Khó chịu vô cùng, càng nhìn càng khó chịu.”

“Đừng múa mép gợi lòng thương nữa, ngươi đem sách về sửa soạn hành lý đi. Đọc xong không bày ra được kế nào thì ta giáng ngươi xuống ba cấp.” Giọng nhà vua nhàn nhạt không chút vui buồn. Nguyễn Đăng Giai cười khẽ.

“Ngài cứ giáng, rồi cứ để thần mặc sức càn quấy ở ngoài.” Anh ta gật gật đầu, câu nói sau lại trầm hẳn xuống. “Hoàng thượng, từ lâu thần đã bảo, ngài quá mềm lòng. Không tốt, không tốt đâu. Những người như ngài và Hoàng Quýnh, chính là kiểu khiến cho người ta không an tâm nhất.”

Không trả lời, nhà vua đẩy cửa Niên Phương đường đi ra. Nguyễn Đăng Giai cũng phải đi theo. Khi cô lên lầu Thưởng Thắng nhìn theo, đoàn người của họ đã đi đến đầu con đường dẫn về hoàng thành. Nguyễn Đăng Giai cưỡi ngựa đi phía sau đoàn người, vẫn mặc áo vải thô như một viên quan ngày thư nhàn dạo chơi. Con ngựa của anh ta cũng không thắng đủ yên cương, càng chẳng có lệ bộ như các quan khác. Ngồi trên lưng ngựa, anh ta cúi đọc cuốn sách trong tay, đôi lần quay sang cười nói với lính hầu xung quanh. Trong khi đó, bóng nhà vua ở phía trước vẫn thẳng lưng dưới tán lọng vàng và cờ quạt bao vây ngài ta.

Khi bọn họ đã đi xa, khuất sau những tán cây trồng hai bên đường, cô trở xuống lầu, vào Niên Phương đường. Có mấy cuốn sách rơi nằm trên sàn, cô liền sắp chúng vào chỗ cũ. Tính nhà vua vốn tùy tiện khi có bao nhiêu kẻ hầu người hạ, có lẽ Nguyễn Đăng Giai cũng vậy, cô thầm nghĩ. Bóng dáng mờ mịt mơ hồ trong lòng cô cũng bỗng nhiên sáng tỏ. Giống nhau, hai người bọn họ quả thật rất giống nhau.

Một viên quan lang bạt khắp nơi trong vùng đất trị nhậm, lần tìm đến mọi vực sâu núi cao, thân thuộc đến từng gương mặt người. Một người đứng trong bóng tối, âm thầm dò xét đoán định mọi tình huống, lật mở những bí mật. Một con người phóng túng tùy tiện để làm sai, ước mộng lớn, nói những điều khó có thể thành hiện thực, làm nên những chiến công, thỏa sức vẫy vùng giữa đất trời. Một nho sĩ say mê đạo Phật, giữ trong lòng mình nỗi buồn thương man mác khôn bề lý giải. Một người lớn lên trong khuôn phép và giáo lý, trong thứ hình mẫu để dạy cả kinh thành, bao lớp hoàng thân, nhưng hoàn toàn chẳng giống như cái tên anh ta[2]. Anh ta vùng vẫy trốn tránh khỏi những vòng vây, và được thả vào bầu trời, nhưng vẫn chẳng thể nào bay đi.

Từ Gia Định cho đến Nam Định, Thanh Hoa, Cao Bằng. Từ Trần Nhật Vĩnh cho đến Lê Duy Lương. Nguyễn Đăng Giai đứng sau tất cả những sự kiện ấy. Và bỗng nhiên, cô nhớ tới lời anh ta “Nói để làm gì?”. Anh ta đã tồn tại trong nhóm người của Lê Văn Duyệt, trong Nam Định sau thời Lê Chất cha cô, tại Thanh Hoa với những nhóm thổ ty phức tạp nhất. Anh ta rốt cuộc nắm trong tay bao nhiêu điều không nói ra?

Nhà vua vẫn đang cho người đi kiểm soát khắp nơi. Trương Đăng Quế đã phát hiện ra hàng ngàn trại sách ẩn lậu ở Quang Hóa. Hoàng Quýnh đã được đưa đến làm Bố chính Gia Định. Cuộc chiến vẫn đang tiếp tục, ngay cả trên những xác chết.

Sự thật, đến đâu mới là tận cùng của sự thật?

 

Chú thích:

[1] Gia Định tam thập cảnh – Quy Dữ vãn hà của Trịnh Hoài Đức

[2] Chữ Giai trong tên Nguyễn Đăng Giai nghĩa là ‘khuôn phép’.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.