Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

106. Vãn tiết cộng lân tư khiển quyển
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 6th, 2019
  1. Vãn tiết cộng lân tư khiển quyển, u hương tương ái vị ôn tồn[1]
    (Cùng thương tiết muộn nên gắn bó, cùng yêu hương kín khí ôn tồn)

 

Vườn Thư Quang ở bờ Nam của Ngự Hà, nhìn qua bên kia sông là cung Khánh Ninh. Khu vườn này chu vi chừng một dặm, nằm giữa bốn phía hồ nước được đào dẫn từ Ngự Hà vào, xây cầu đi qua. Cầu trước sau vườn có mái ngói, hai cầu bên lại dùng máy ván để nâng lên cho thuyền qua lại. Biển đề phía trước cổng lớn không ghi tên vườn mà chỉ có bốn chữ ‘Nhật nguyệt quang minh’, hai cổng nhỏ bên cạnh ghi Lệ Nhật và Lương Phong. Lớp tường bao phía sau có hai cổng đề Kim Hà, Ngọc Lộ. Trong vườn lại có hồ nước nhỏ dẫn vòng quanh, nằm giữa bốn phía hành lang mái ngói, lầu các nhấp nhô. Ngay sau cổng là tòa nhà đề biển Niên Phương đường, vòng qua hành lang bên hữu là hiên Trừng Phương, đi đến phía đối diện là căn nhà tên Truy Phương đường, lại vòng ra đến hướng Bắc tới Lệnh Phương viện, hướng ra cổng của lầu các chính tên Thưởng Thắng. Dưới lầu có biển đề mấy chữ ‘Tứ thời tận xuân’.

Hai bên bờ hào quanh hồ ngoài đã trồng hoa muôn sắc, hoa theo dòng nước quanh quanh cũng bao phủ khu vườn phía trong, tỏa hương ngào ngạt. Vườn xây trên nước, ánh nắng lấp lánh phản chiếu trên những viên ngói lưu ly, những nét chạm khắc tinh tế hoa mỹ. Vẫn còn vài khoảng đất trống chờ trồng hoa đang được đưa về từ khắp nơi, nhưng cỏ đã bắt đầu mọc xanh. Khu vườn không lớn, tuy nhiên quy cách thiết kế khéo léo cầu kỳ, khiến cô hiểu ngay tại sao chỉ lầu các đã tốn kém đến hàng vạn quan, nhà vua dành cả nửa năm chuẩn bị, bốn ngàn lính xây dựng.

“Góc vườn phía sau có căn nhà chứa đồ dùng nấu nước, thắp đèn khi ngài ngự ghé qua, bà được sắp ở chỗ ấy. Nhưng thường ngày không có ai thì bà cứ đến các viện dạo chơi, ngủ lại canh cũng được.” Người phụ nữ đưa cô đến nói với vẻ áy náy. “Trong vườn chỉ cho nấu nước, không được làm bếp, thường ngày tôi sẽ đưa bữa đến, nếu bà muốn ăn thêm thì bảo tôi, đừng đưa tiền cho lính canh gác ngoài. Chừng vài ngày sẽ có người đến quét dọn vườn, họ cũng đang trồng thêm hoa, lúc ấy bà lánh tạm vào nơi ở nhé.”

“Được.” Cô lơ đãng đáp, ánh mắt vẫn dừng trên tấm biển đề ‘Tứ thời tận xuân’ nọ, miệng lại lẩm nhẩm. “Càn Khôn tái tạo, ký đồng tế vu gian nan. Nhật nguyệt tịnh minh, nghi cộng hưởng kì phú quý.”

Ngày xuân năm nọ, trong lễ sách phong Vương hậu, những lời ấy đã vang trên cung điện mới được dựng xây, vang trong lòng mỗi người vừa ra khỏi cuộc chiến tranh bi thảm. Và có lẽ, đã vang mãi trong lòng cậu ta. Mùa xuân năm ấy, có những hội ngộ hân hoan đầy nước mắt, những giấc mơ chớm thành hình như lá non đâm chồi trong nắng, tưởng như tất cả bọn họ đã chạm đến hạnh phúc cuối cùng.

Không ngờ, đó cũng là thời khắc hạnh phúc cuối cùng của ngài ta - bọn họ. Ngày ấy cũng là lúc đô thành được khởi công xây dựng. Ba vòng thành dần cao, khép kín cuộc đời bọn họ trong trùng trùng vòng vây và hố bẫy. Vương hậu ngày ấy đã bỏ thỏi vàng hẹn ước, hoàng đế ngày ấy chết đi trong nỗi buồn thương cô độc lặng câm. Chỉ giấc mộng vẫn còn vang mãi trong ngài ta. Càn Khôn tái tạo, Nhật nguyệt tịnh minh, mùa xuân hoa nở trắng những triền sông, đón thiếu nữ kia đến từ đầu dòng nước, gió vang lời ước hẹn âm thầm mãi mãi không bao giờ thành sự thật. Ngài ta đã đốt đi toàn bộ quá khứ, tiêu hủy hầu hết dấu vết của những ngày tháng cũ để trở thành vị hoàng đế cao vời đáng sợ, rồi lại xây lên những nơi này.

“Bao giờ nhà ty Trấn phủ xây xong, đưa người đến, chị làm ơn báo cho ta.” Trước ánh mắt thắc mắc của người phụ nữ, cô cười nói. Người này là vợ của viên thư lại có nhiệm vụ kiểm giữ vườn Thư Quang, nhà nằm gần khu vực. Dù khi thuận lợi thì Miên Liêu hẳn sẽ tới báo cho cô để thăm người nhà, cô vẫn cảm thấy không an tâm.

“Vâng ạ.” Người phụ nữ nói, dẫn cô tới căn nhà nằm sau lớp tường bao vốn là nơi cất giữ vật dụng. Đồ đạc của cô đã được đem tới, chẳng có bao nhiêu nhưng đã choán gần hết góc nhà nhỏ, cái giường chỉ đủ một người nằm. So với những gấm lụa trong cung, tất cả đồ dùng nơi này đều tuềnh toàng tuy không cũ nát, vải thô gỗ mộc đúng như quy cách dành cho các thường dân.

Giải thích thêm cho cô về thời gian đóng mở cổng vườn, công việc cần phải làm, người phụ nữ cáo từ rời khỏi. Cô kiểm tra lại mọi thứ trong căn phòng, xếp rương hòm vào góc, lấy các vật dụng cần thiết. Nghe tiếng cổng ngoài đóng lại, cô mới chợt nhận ra chỉ còn một mình trong khu vườn này. Không muốn ngồi trong góc nhà, cô liền quay vào vườn, lên lầu Thưởng Thắng nhìn quanh. Từ nơi này, cô có thể trông sang cung Khánh Ninh, khu ruộng tịch điền và vườn Lộc viên dành để nuôi hươu của nhà vua gần đó. Phía Đông là khu hồ ao Ký Tế xanh màu cỏ cây, cô đã trông thấy tòa Tàng Thư lâu hai tầng theo kiểu Tây dương ‘kỳ quái’ mà mọi người thường nói.

Nhìn về phía hoàng thành, cô chỉ thấy lầu Minh Viễn đỏ rực chiếm cả góc trời, như thể một nơi hoàn toàn xa lạ. Hơn mười năm, cuối cùng cô đã thoát ra khỏi nơi ấy, những ngõ ngách chen hương ngập màu gấm lụa, những gương mặt nửa lạ nửa quen, nửa thân thiết nửa chán chường. Hơn mười năm mà cô hầu như không lưu giữ lấy một ký ức về những ngày tháng ầm ào trôi như dòng nước cuồn cuộn mênh mông.

Gió đưa hương lúa cùng vị nước quện với mùi hoa, cái chuông gió treo đầu hồi kêu lanh canh khe khẽ. Cô tựa người vào khung cửa, nhắm mắt trong nắng đến từ bốn phương, nghe tiếng chim ríu ran bay qua trời xuân. Bỗng dưng cô nhớ những ngày lang thang trong khu vực này, đi qua những trại lính ồn ào, những con đường hỗn độn bao quanh ao Ký Tế. Hiện giờ Ngự Hà được đào cắt ngang kinh thành, hai bờ đắp đá, nhà cửa đường xá đều được sắp xếp lại, nhưng sự đông đúc bận rộn vẫn như xưa. Cô nghe được tiếng súng vọng đến từ trường bắn phía bên kia bờ sông, tiếng người gọi khi thuyền vào bến. Âm thanh cuộc sống ngoài hoàng thành không có tiếng hô lệnh, chẳng vang vàng khua ngọc chạm, lại thân thuộc đến độ cô muốn rơi nước mắt.

Khu vườn nằm bên bờ sông đông đúc lại tĩnh mịch đến lạ kỳ. Ngoại trừ nhà vua ghé lại khi đến bờ Ngự Hà trông nom công việc, một lần đãi yến các quan sau lễ cày ruộng tịch điền, cổng vườn luôn đóng kín. Mỗi ngày đôi ba lần cổng sau vườn mở để đưa thức ăn đến cho cô. Ty Trấn phủ xây xong, nhưng Miên Liêu vẫn lắc đầu bảo cô chưa thể đến thăm người nhà. Cùng với hoa được trồng thêm trong vườn, nhà vua cho đem sách vở tới để ở Niên Phương đường, cô lại có nhiệm vụ quét dọn giữ gìn chúng. Dường ngay cả người trong hoàng tộc cũng khó được ra vào nơi đây, Ngọc Xuyến ghé qua bảo phải hỏi xin nhà vua trước khi tới, Miên Liêu chỉ đến thăm cô qua cổng bên cạnh.

Thông qua bọn họ, cô biết được rời rạc về những sự kiện đang xảy ra. Sau nửa năm bao vây phủ dụ, cuối cùng vào tháng tư năm ấy, hai đạo Ninh Bình và Thanh Hoa đã bắt giết được hầu hết các chính yếu phạm Quách Tất Công, Quách Tất Tại, Phạm Công Nho, Lê Duy Hiển. Đến cuối tháng năm, Nguyễn Đăng Giai ở Thanh Hoa cũng báo tin thắng lợi khi bắt được Hà Công Kim, Đinh Kim Bảng. Nhóm thổ mục gây rối hàng chục năm đã bị bắt toàn bộ, các quan tướng hoàn thành việc quy tập tất cả thổ hào, thổ ty trong vùng, chia đặt làng xã, tịch thu súng ống của thổ dân.

Tuy nhiên, việc ở Bắc Kỳ vừa yên, Xiêm La lại đem Nặc Giun và năm ngàn quân đến Bắc Tầm Bôn. Phi Nhã Chất Tri lại tới, quyết thực hiện lời thề của hắn, Miên Liêu mím môi nói. Quyền kế vị của Quận chúa Chân Lạp vốn đầy chông chênh càng trở nên khó khăn hơn khi Xiêm phao tin lập Nặc Yêm làm Quốc vương, đóng đồn ở Bắc Tầm Bôn, nắm giữ trong tay cả Hoàng hậu của vua Nặc Chăn. Trong khi đó, các quan ở Hà Tiên liên tục bị trừng phạt bởi đủ mọi tội lỗi, như thói thường của quan lại nơi xa. Tù nhân phát lưu bắt đầu được đưa đến Trấn Tây lập đồn điền, trong nỗ lực ‘cải biến dân Phiên’ nơi vùng đất đầy hỗn loạn.

Ngày cuối tháng năm, khi tin chiến trận lặng xuống, nhà vua cho xây dựng toàn bộ khu phố bên bờ Đông. Gần bốn trăm căn nhà trên khu đất dài hơn ba trăm trượng được xây lại thành nhà gạch mái ngói, chia ba phố Gia Hội, Đông Hoa, Đông Hội. Binh lính trong thành hầu hết được gọi đi dựng phố, nên ngày nọ cô còn có cảm giác ngạc nhiên khi thấy cổng vườn mở, lính đội Tài hoa khiêng một cây nhài to đến vài người ôm vào trong.

“Để ta xem nên trồng chỗ nào.” Một người mặc áo vải thường mà cô nghĩ không phải là lính nói, cô không thấy mặt anh ta. Từ trên lầu Thưởng Thắng nhìn xuống, cô chỉ thấy tán hoa to che gần hết bóng người bên dưới. Lính để cây hoa cạnh cửa, lấy cuốc xẻng đào hố, người kia lại tiếp tục nói, chỉ tay về phía Lệnh Phương viện. “Nơi đó trống trải rộng rãi, trồng vào lấy bóng mát.”

“Hoàng thượng nói cây này quá to, trồng giữa vườn sẽ che hết cảnh vật xung quanh. Hơn nữa nhài trọng hương không quý sắc, chỉ ngát hương vào ban đêm, làm bóng mát phía sau là được rồi.” Người mà cô nhận ra là Nhất đẳng Thị vệ Vũ Huy Dụng vẫn luôn ở cạnh nhà vua cười nói. “Ngài bảo một cây trồng ở sau Truy Phương đường có thể che nắng chiều, một cây trồng cạnh cổng hậu, chú ý hướng nhìn vào.”

“Chỉ thơm ban đêm? Có ai ở đây ban đêm à?” Người đàn ông kia bỗng hỏi lại. Vũ Huy Dụng chỉ chỗ cho lính đào hố trồng hoa, hồi lâu sau mới đáp.

“Vườn này nằm cạnh sông, không phải nơi thuận tiện cho việc canh phòng lắm, nếu không ngài cũng đến ở đấy.” Anh ta cười nói. “Xây được cái hành cung ở núi Thúy Hoa, ngài liên tục ra chơi, nhưng đi về mỗi lần phải cả đoàn thuyền hộ tống. Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Khoa Minh có vẻ không vui lắm đâu.”

“Không vui nên ông ấy cho đưa mấy cây nhài này từ Biên Hòa đến à? Cũng phải, mỗi cây phải hơn chục người vận chuyển, dềnh dang trên đường thì người người sẽ mắng vua trước.” Người đàn ông kia bật cười. “Trong khi mắng ta đủ chuyện trời ơi đất hỡi thì đi dựng cái vườn này ở đây, suốt ngày nghĩ cách trốn khỏi thành, hỏi có giống hôn quân không?”

“Ông cũng nên cẩn thận, không đùa được đâu. Năm trước Chu Phúc Năng chỉ nói một câu mà vào nhà ngục, đầu năm nay tôi chỉ quên chút việc mà bị giáng thẳng xuống Ngũ đẳng. Giờ ai ở bên ngài ấy cũng như cạnh kho thuốc súng, không biết phát nổ lúc nào.” Vũ Huy Dụng cười khan.

“Vậy mà lúc nào ngài cũng tự bảo mình thật là ôn tồn nhỏ nhẹ, nói chuyện với các quan không to tiếng bao giờ, trong khi quay ngoắt trở mặt, đầu lại nghĩ một ngàn câu mắng người rồi đấy.” Tiếng cười vọng suốt khoảng sân. Hai người nọ đi theo lính đem cây nhài vào dưới lầu Thưởng Thắng. Họ cùng bước vào trong lầu, khiến cô nghe tiếng nói rõ ràng vọng lên. “Thôi, bao nhiêu năm rồi thì cứ để ngài làm chuyện mình thích đi, phí tổn lắm thì ngài tự chột dạ bớt phần cơm, giảm mấy miếng ngọc lại. Dù sao lúc làm Thái tử ôm cả đống tiền mà chẳng biết dùng vào đâu, giờ vẫn còn thừa nhiều đấy.”

“Cũng chẳng phải chỉ là chuyện tiền…” Vũ Huy Dụng thở dài. Hai người dưới lầu im lặng mất một lúc, trong vườn chỉ còn tiếng lính í ới gọi nhau.

“Tháng năm vừa qua là ba mươi năm rồi.” Giọng người đàn ông chợt trầm xuống. “Đúng ngày ấy ngài quay lại nơi đó xây phố sửa nhà, ngươi cho là ngài đang nghĩ gì vậy?”

“Nếu biết thì tôi đâu có bị giáng chức.” Vũ Huy Dụng cười khẽ. “Ngài cũng vừa dựng lại Cơ Hạ đường, nghe Thái hậu bảo có thể tâm trạng ngài sẽ khá hơn, không còn luẩn quẩn với chuyện xưa nữa.”

“Chứ không phải…” Người đàn ông kia đang nói bỗng ngừng lời. Ngoài cổng vườn có người đi vào, cô nhận ra Nguyễn Đăng Tuân vốn năm trước được gọi về Kinh dạy cho các hoàng tử. Ông đưa mắt nhìn quanh rồi bước đến lầu Thưởng Thắng. Vũ Huy Dụng vội lên tiếng chào.

“Con đi theo quân trồng hoa, muốn xem vườn ngự vừa xây như thế nào.” Người kia cười nói. Không hiểu tại sao, Vũ Huy Dụng bối rối nói vài câu rồi cáo đi xem binh lính làm việc. Anh ta đi khỏi lầu, Nguyễn Đăng Tuân mới cất tiếng.

“Con chỉ ở Kinh được mười ngày thì đi thăm hỏi mọi người, cớ sao lại trốn theo lính Tài hoa? Ai muốn tìm con chúc mừng được tặng quân công cũng không biết con ở đâu. Huống hồ con biết đây là vườn ngự, không phải là bạn cũ thì con muốn làm gì cũng được đâu. Bao năm nay hoàng thượng mắng con bao nhiêu lần?” Nguyễn Đăng Tuân vừa nói xong, con trai ông đã thở dài thườn thượt.

“Con chỉ ở Kinh được mười ngày mà phải tiếp đám người ấy thì còn làm gì được nữa? Đã chín năm con không về Kinh, cha lại bận rộn suốt ngày với đám trẻ con, con đi theo chờ cha đấy chứ. Còn hoàng thượng…” Anh ta đột nhiên đổi giọng. “Ngài ấy ở đây thì biết cái gì? Tỉnh Bắc Ninh thiếu thuế từ năm thứ tám đến giờ không biết làm cách nào để thu, con mới chỉ hù dọa đám tổng lý, hương hào mấy câu rằng bán hết số gia sản tịch ký mà không đủ thì bắt cả bọn nộp bù vào. Thế thì bọn vô tội xót của mới chịu đứng ra tố cáo bọn nhũng nhiễu ăn riêng, con cũng chỉ mới nói thôi chứ đã làm gì. Vậy mà Tổng đốc sợ việc lại đi báo với hoàng thượng để ngài ấy mắng con, xôi hỏng bỏng không hết cả.”

“Chúng tổng lý tố cáo nhau thì dù có nộp đủ thuế, tiếng tăm triều đình lại hóa thành làm việc vô lý ‘bắt lây cả kẻ vô tội’, hành hạ người dân thường vì mấy đồng tiền thuế, lúc ấy con có chịu trách nhiệm được không?” Nguyễn Đăng Tuân gắt khẽ, trong khi cô chợt nhận ra người đàn ông kia chính là Nguyễn Đăng Giai, hẳn anh ta mới từ Thanh Hoa về. Nghe câu hỏi của cha, Nguyễn Đăng Giai lại bật cười.

“Con cũng muốn hỏi hoàng thượng rằng ngài ấy bắt con chịu trách nhiệm kiểu gì đấy. Con đang đào sông ở Thanh Hoa thì ngài ấy bắt con đi tới Bắc Ninh, để sông lại cho Tổng đốc võ biền kia làm, chẳng biết thế nào mà tiền gạo chi ra không kiểm được, sông cũng mãi không xong. Vậy là gọi con về làm, lại bắt con cùng bồi thường tiền, thế nghĩa là sao? Quan của ngài ấy có mỗi con biết làm việc thôi à? May mà ngài còn biết đưa tiền cho cha phụ con trả, bằng không con đem cả nhà bỏ trốn sang Hạ Châu!” Nguyễn Đăng Giai nghe như nghiến răng mà nói. “Con vừa rời khỏi Thanh Hoa thì nảy ra ngay cái án Án sát ăn tiền, Tổng đốc, Bố chính ngậm miệng bao che, cho đến cả đám thổ mục Quản phủ liên hệ với nhau thành một bọn. Nguyễn Khả Bằng lúc trước nhân việc không đâu đi tố cáo con, rồi lại dùng bọn Lê Phi Ba, Hà Công Đức làm vây cánh. Thế là hay rồi, Lê Phi Ba bị chém, cả họ nhà hắn nổi loạn, kéo theo một đám đồng bọn. Trong khi ngài ta bắt con bồi thường việc con không làm! Bao giờ cũng chỉ giỏi mắng con hay nói khoác mà gặp chuyện thì rụt lại. Với đám quan của ngài ta mà không làm ông Bụt chỉ đâu đánh đấy trăm năm như một ngày thì bị đạp chết lâu rồi.”

“Con ngoài chỉ đâu đánh đấy thì đã làm được cái gì?” Nguyễn Đăng Tuân mắng. “Năm xưa Hoàng Quýnh tiến cử con, cho con là kẻ kỳ tài, hoàng thượng cũng hết lòng cất nhắc, chỉ trong mấy năm mà lên thẳng Hiệp trấn. Con thì trước không chịu học, thi mãi không đậu, làm quan thì gây phiền phức khắp nơi. Trong khi Hoàng Quýnh vào Nam ra Bắc làm bao nhiêu việc, trước thì kinh lý hết cả sông ngòi Bắc Kỳ, giờ đang là Bố chính Gia Định…”

“Con đã bảo Hoàng Quýnh là gây chuyện ít thôi.” Không đợi cha phàn nàn hết, Nguyễn Đăng Giai có vẻ bất mãn mà nói khẽ. “Chuyện đào sông do anh ta khơi ra, giờ có con sông Cửu An gây đau đầu cho cả triều đình đấy. Trong khi ngay từ đầu con đã nói với anh ta, ở Bắc Kỳ có năm sông lớn từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên hợp vào giữa tỉnh Sơn Tây thành sông Nhị Hà, qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định tới biển. Bên hữu sông Nhị Hà thì có hai sông nhỏ Hát Môn, Tô Lịch. Bên tả thì có Thiên Đức, Nguyệt Đức, Hàm Long, Nghĩa Trụ, Văn Giang nhóm họp chảy qua Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, chính là vùng ta muốn cải tạo. Từ lúc đắp đê càng ngày càng cao càng nhiều, bít hết các cổng sông nhỏ thoát nước, thì nước không thể chảy về phía Đông được nữa, chỉ do Nhị Hà và sông Hát dồn tất cả về phía Nam. Các huyện lị ở Hà Nội chính là nơi bốn bên nước chảy đến, hứng chịu toàn bộ sức nước Bắc Kỳ. Mà trong khi các nhánh sông đổ về Đông suốt chiều dài Nhị Hà không được khơi thông, đào sông Cửu An ở hạ nguồn là muốn tránh nặng tìm nhẹ, nhưng đâu ra cái lý ấy? Thượng nguồn ùn ứ đẩy toàn bộ sức nước xuống hạ nguồn, hạ nguồn tắc nghẽn dồn ngược nước lại xoáy cuốn phá sạch đê, rồi lại chỉ chăm chăm vào mấy dòng nước lên xuống ở con sông vừa đào, chả thấy nguồn gốc nó ở đâu. Xây đê cả vài trăm năm thì giờ lấy trăm năm khác ra mà gỡ. Hoàng Quýnh giống như hoàng thượng, nóng nảy cấp táo, cái gì cũng muốn làm cho chóng xong, nghĩ đủ cách tưởng là bớt việc cho mình cho người, cuối cùng mệt mình lại mệt người vì lo nghĩ không đâu.”

“Con có nói với hoàng thượng những điều ấy không?” Nguyễn Đăng Tuân hỏi. Nguyễn Đăng Giai im lặng hồi lâu rồi thở dài.

“Không, con nói để làm gì? Đề nghị khơi đào dòng Thiên Đức, Nguyệt Đức đã có người nói mãi đấy, nhưng đình thần cứ bàn rồi lại thôi. Ai cũng muốn tránh nặng tìm nhẹ, quấy quá cho xong, rồi lại tự cho là mình tìm được cách hay, làm xong thì mình được thưởng, thất bại thì đổ cả lên triều đình và hoàng thượng cùng chịu. Nên có thất bại, phí tổn thì cũng nhỏ thôi để hậu quả không to, cuối cùng là cũng không có kết quả gì. Thôi cứ để họ đánh vật với con sông Cửu An đó đi, đến chừng không giải quyết được thì biết tìm cách khác. Hoặc là xây cái đê ngang chắn dòng, cho tất cả về lại như xưa, hoặc là cũng phải lần mò lên thượng nguồn mà khơi thông. Việc dễ nhất chẳng phải là ngồi cầu trời và bày tỏ lòng thương xót à?” Nguyễn Đăng Giai chợt bật cười ha ha. “Cứ tích trữ một đống thóc mốc mà đợi đến kỳ phát chẩn, lại được tiếng thương dân. Cứ đẩy đám dân nghèo đói ra mà đắp đê cả nửa năm, nửa đời, lại được tiếng chăm chỉ lo lắng cho dân, siêng năng vệ nông. Đánh dẹp xong bọn tổng lý, thổ mục thì tập hợp một đám khác lại làm thân tín trung thành, dùng chúng mà cai trị. Chúng có hung dữ khó trị thì xua đi mà đánh phiên thuộc, mà thả cho chúng ăn thịt uống máu khắp nơi, lại có thêm tiền thuế, tiền ăn cướp được của người, lại được vinh danh chiến công vũ dũng. Nuôi thêm một đám con hát, một bọn văn nhân để ca tụng thái bình, tung hô công đức, thế là đã thành minh quân của ngàn năm. Can cớ chi mà phải lo nghĩ đến bạc cả đầu vì không biết đào sông ở đâu? Làm càng nhiều thì sai càng lắm.”

“Hóa ra đó là lý do con thi mãi không đậu.” Nguyễn Đăng Tuân lẳng lặng nói. “Con đọc sử sách thành ra như thế đó à?”

“Không, con biết họ nói đúng mà.” Nguyễn Đăng Giai vẫn nghe như đang cười. “Làm theo phép xưa là tốt nhất, vừa được tiếng tôn trọng cổ nhân, lại chẳng sai vào đâu được, có sai cũng là kẻ khác chịu. Không được thế thì ngóng theo chiều gió, kẻ khác nói gì thì ta nói đấy, thấy kẻ nào đang thắng thế thì chạy theo nghe ngóng bắt chước nói leo, thế thì ta lại càng không sai vào đâu được. Trên đời này kẻ ngu ngốc chẳng biết gì theo đàn theo đóm thì nhiều, kẻ biết lý thì ít, kẻ phải làm việc càng ít. Cho nên kẻ làm việc thì sai, kẻ biết lý thì loạn, chỉ có bọn ngu ngốc bao giờ cũng đúng. Lúc đi thi chỉ cần bôi đầy mặt giấy điều người ta muốn nghe thì con đậu ngay thôi.”

“Con…” Nguyễn Đăng Tuân vừa nói, đầu con đường dẫn về phía ao Ký Tế chợt nghe xôn xao tiếng người. Cô thấy bóng lọng vàng, lỗ bộ của nhà vua đang đến. Có vẻ nghe được tiếng báo, hai cha con Nguyễn Đăng Tuân vội rời khỏi lầu.

“Ta về trước đây!” Đến trước Niên Phương đường, Nguyễn Đăng Giai quay lại, vẫy tay gọi Vũ Huy Dụng. Tới lúc ấy, cô mới nhìn rõ mặt anh ta.

Dù đã bàng bạc nét phong trần, vẻ mệt mỏi hằn lên đầu mày khóe mắt, nét mày mi ấy vẫn như xưa. Người thanh niên tự xưng Toản Phu đột nhiên xuất hiện và biến mất trong mùa lũ vần vũ Bắc Thành năm ấy. Người mà cô từng nghĩ chắc chắn sẽ gặp lại, nhưng đã như biến mất khỏi mặt đất trong bao nhiêu năm dài.

Người thiếu niên năm nào cô hay thấy xuất hiện bên Nguyễn Phúc Kiểu, chính là ở Quốc Tử giám, Hàn lâm viện. Con trai của Thị giảng cung Chấn Hanh, thầy dạy của bao lớp hoàng thân, vị thầy giáo được tôn kính nhất kinh kỳ.

Chín năm, anh ta nói. Người như chim hồng bay vào trời thẳm, bỗng xuất hiện giữa nắng ngời tựa giấc mộng giữa dương gian.

 

Chú thích:

[1] Tịnh đầu cúc của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.