Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

105. Tầm mộng phù tung y lục cái
Trường An in "Minh nguyệt 3" November 2nd, 2019
  1. Tầm mộng phù tung y lục cái, vong cơ nhàn khách chẩm hương miêu[1]
    (Tìm mộng trôi nổi theo các lọng xanh, quên đời khách nhàn gối lên cỏ thơm)

 

Tháng chạp năm Ất Mùi, sau khi luận tội hai vị quyền thần, nhà vua sai Nội các đọc dụ văn của Gia Khánh kể tội Hòa Thân cho quần thần trong buổi chầu, nói rằng: “Việc làm của cha nếu hay thì giữ ngàn vạn năm cũng được, nếu không hay thì phải đổi đi mới là hiếu”.

Tháng giêng năm sau, ngài ta viện cớ không khỏe, không đến Thái miếu tế Xuân hưởng. Những buổi lễ đại triều, thường triều cũng bị bãi bỏ. Cùng với việc hoạch định lại nội cung, nhà vua cho các quan đi kinh lý Nam Kỳ, sắp xếp những buổi tuần du khắp các vùng thuộc Trực Kỳ.

Cuối tháng ba, Bố chính Quảng Nam Phan Thanh Giản bị giáng xuống lục phẩm khổ sai. Đầu tháng tư, nhà vua dẫn các quan trong Kinh ra ngắm hoa tịnh đế ở hồ Hải Tĩnh, ban thưởng quả vàng. Trong lúc những cuốn sách văn phong cung giai được hoàn thành ở Sở nội tạo, nhà vua đến cửa Tư Dung dạo chơi núi Thúy Hoa, hoạch định xây ngôi chùa tên Thánh Duyên và tháp Điều Ngự trên đỉnh núi.

Sau ngày tấn phong cung giai, trời bão lớn giữa mùa hạ tháng năm khiến gần chục chiếc thuyền công cán chìm và mất tích ở Quảng Ngãi, viên tướng Hồ Văn Khuê vừa lập công lớn ở Nam Kỳ tử nạn. Ở Bắc Kỳ, nước lũ dâng cao hơn bình thường chục thước. Đến tháng tám, khi đoàn Kinh lược sứ do Trương Đăng Quế dẫn đầu trở về kinh thành, trời lại nổi gió bão, ở Quảng Trị hơn một ngàn nhà bị sập, nước lụt tràn khắp nơi. Tháng mười, bão tiếp tục đánh vào Phú Yên, làm đổ hơn bốn ngàn nóc nhà, hơn một trăm người chết đuối.

Cuối tháng mười năm ấy, các nhóm dân Thổ lại nổi lên ở Thanh Hoa. Một người họ Lê tên Lê Duy Hiển trốn đến Sơn Âm họp cùng Quách Tất Công, Quách Tất Tại, tự xưng Đại Lê hoàng thân Hiển công. Đồng bọn ở châu Quan Hóa là Phạm Công Nho, Hà Công Kim đem quân đánh động Hồi Xuân, giết Tri châu ném xác xuống sông. Thổ ty ở Cẩm Thủy, Thụy Nguyên, Lang Chánh tập hợp hàng ngàn người đánh xuống châu huyện.

Cuối tháng chạp, Binh bộ Thượng thư Trương Đăng Quế được cử làm Thanh Hoa Kinh lược sứ, cùng hai Kinh lược phó sứ là Doãn Uẩn và Nguyễn Đăng Giai được cử đến kinh lý Thanh Hoa.

Lại một mùa xuân tràn ngập tin chiến trận. Dù những toán nổi loạn còn nhỏ yếu đã bị đẩy lui, hai nhóm Kinh lược sứ do Tạ Quang Cự và Trương Đăng Quế dẫn đầu vẫn càn quét Ninh Bình, Thanh Hoa, quyết lôi ra những kẻ đầu mục còn trốn tránh, chuyển đổi tất cả động sách thành làng xã. Tất cả tỉnh thành Bắc Kỳ giáp ranh đều cử quân ra chặn các nẻo đường. Cuộc thanh trừ cuối cùng của biến loạn dài đẩy toàn bộ người họ vua Lê vào vòng kềm tỏa, bắt họ phải di cư vào Quảng Nam.

Những sự kiện ấy, cô lần lượt được nghe kể lại. Rồi họ nói thêm, vào tháng chín, nhà vua bỗng dưng cho dựng vườn Thư Quang gần cung Khánh Ninh. Khu vườn cầu kỳ mỹ lệ mà chỉ lầu gác đã tốn kém hàng vạn quan tiền, đến mùa xuân mới xây xong, nhà vua còn ra lệnh kêu gọi các nơi dâng tiến cây lạ có hoa. Tháng mười, thành Gia Định cũng được xây sửa lại, tuy quy mô nhỏ hơn trước, huy động hơn vạn người các tỉnh Nam Kỳ.

Cuộc kinh lý của Trương Đăng Quế đã đưa từng mẫu ruộng, suất đinh vào tầm kiểm soát, lại lôi ra những chuyện còn ẩn giấu khác khiến hàng loạt quan lại Nam Kỳ bị trừng trị. Thậm chí nguyên cớ ban đầu của cuộc biến loạn Phiên An cũng tỏ rõ: Lê Văn Duyệt và nhóm người dưới của ông ta ẩn lậu hàng ngàn trại Phiên, Chàm quy phụ ở đạo Quang Hóa, chiếm thuế và lấy lợi từ sừng tê, ngà voi, gỗ quý. Quan lại đạo Quang Hóa cho tới thành Phiên An đều ngậm miệng che giấu. Hơn ngàn tấm gỗ bị phát hiện ở kho thành Gia Định vốn từ đó mà ra. Không còn là một vụ buôn lậu thông thường, án ván gỗ ấy nằm trong một hệ thống lũng đoạn lớn, bọn Lê Văn Khôi sợ Bạch Xuân Nguyên điều tra càng sâu phát hiện ra sẽ khiến toàn bộ bị liên lụy. Cho nên ngay cả các quan chức Phiên An, các nhóm thương buôn, thổ dân Quang Hóa cũng góp phần làm loạn, cá chết lưới rách.

Cũng như cuộc kinh lý năm nào ở Nam Định, khi các quan vứt ấn bỏ trốn, lại dịch bị vây bắt hàng trăm hàng ngàn. Những vị Tổng trấn danh cao vọng trọng được người người kính nể vì tài năng, khoe khoang về phẩm chất, lấy các toán người hung hãn để tạo thành sức mạnh cho bản thân, dùng các cuộc đánh dẹp, kinh lược, trao đổi tạo ra thanh thế. Và đến lúc, bị chính những kẻ ấy nuốt chửng. Và tạo thành một vùng đất, một đất nước kỳ lạ vừa hoan ca thái bình, vừa sụp đổ trong suy thoái, oán hận, tranh chấp và loạn lạc.

Nhưng không như cuộc kinh lý Nam Định, chuyến kinh lược của Trương Đăng Quế diễn ra yên ả, những kết quả báo cáo chìm vào giữa sự chộn rộn của con người trong cuộc xây dựng sau chiến trận, khi bản án của hai Tổng trấn nọ đã kết thúc. Chỉ có người kể lại với cô, như lời cảnh báo về những cái án ngày càng nặng hơn cho Lê Văn Duyệt, do gia quyến các đầu mục nổi loạn vẫn đang bị giam giữ ở Phiên An chưa lấy hết lời khai, trong đó có cả con cháu của các đại quan cũ. Kỳ thu thẩm vừa rồi, nhà vua viện cớ chưa xét xử xong toàn bộ người ở Gia Định nên chưa thi hành án với người nhà hai Tổng trấn. Nhưng ngày càng chẳng có tình tiết giảm nhẹ cho bọn họ, khi những kẻ nổi loạn quen thuộc cũ ở Bắc Kỳ lại tiếp tục quấy phá. Những mối họa đã chất chứa hàng chục năm, càng đào bới lên càng lây lan ra như bệnh dịch.

Cô vẫn nghĩ tới lời nói ấy khi đi dưới tán trúc xanh tới cái hồ góc hoàng thành. Nhưng không đưa cô vào gác Hải Tĩnh, nội giám dẫn cô đi qua xưởng thuyền, qua cả khu vườn hoa tới căn nhà nhỏ nằm sau rặng giả sơn cao. Anh ta dừng lại để cô tự bước vào trong. Cánh cửa gỗ cũ kêu kẽo kẹt dưới tay cô, căn phòng dù đang đốt hương vẫn không xua được vị cũ mốc.

Cô đứng ở cửa, nhìn quanh căn phòng tranh tối tranh sáng. Những kệ sách kê sát tường đã dày màu bụi, tuy đồ đạc trong phòng vẫn như có người đang ở. Ngọn nến đốt dở trên đèn, rèm lụa móc nửa, cả cái áo khoác treo bên cửa, tất cả cùng mờ mịt trong màu bụi nắng vẩn lên liên tục qua các khe cửa chiếu vào.

Ngay cả người đang đứng trong góc phòng dường vẫn như xưa. Không hoàng bào mão ngọc, ngài ta chỉ khoác áo gấm trắng, mũ cũng không đội, cúi đầu đọc một cuốn sách vừa lấy từ trên kệ xuống. Cô lại gần, đúng lúc một trang sách rơi xuống dưới chân khi ngài ta lật giở.

“Không cần nhặt.” Không nhìn sang, ngài ta chỉ gấp cuốn sách lại, cất lên kệ. “Dù sao nó cũng sắp nát rồi.”

“Không chỉ có nó…” Cô nói khẽ, đưa mắt nhìn những đồ vật bám bụi trong căn nhà. Dù không có ai dùng đến, qua thời gian, tất cả đã trở nên rệu rã, mỏng manh, tưởng chừng chạm tay vào sẽ rã ra từng mảnh vụn. Các xà nhà bị ngấm nước đã mục từng mảng thấy rõ, lan xuống cột chống. Đồ trang trí bằng gỗ sần lên nứt nẻ. Chỉ vài bức tranh giấy quý vẫn giữ màu mực như xưa, nhưng đôi chỗ cũng có vết nước loang. Cán bút ngọc trên bàn rơi mất đầu lông cọ, dây đỏ buộc bút cũng đã đứt.

“Người vừa bảo ta rằng nếu không sửa chữa, căn nhà này sẽ sụp mất. Mà bây giờ nếu chữa thì chẳng bằng hạ giải xây lại toàn bộ.” Nhà vua ngẩng đầu nhìn nắng chiếu qua mái nhà dột, cười nói. “Đúng ra trong bao nhiêu năm ta cũng nên sửa dần dần, lợp lại mái, thay lại cửa, may ra nó sẽ tồn tại được lâu hơn. Nhưng ta không muốn thay đổi đến một viên ngói, cho nên chúng cùng sụp đổ hết cả.”

“Cũng đến lúc phải dỡ đi thôi.” Nhà vua nói, ngồi xuống bên chiếc bàn thấp. Bụi từ bình hoa gốm trắng trên bàn bay bám lên tay áo ngài ta. Bỗng nhiên, cô nhớ đến cành hoa ngày nào đã cắm trong chiếc bình này, hẳn cũng đã thành bụi đọng lại cùng tháng năm.

Khu nhà ngày ấy đã bị dỡ đi sau khi ngài ta rời khỏi hoàng thành, chỉ để lại căn chính chứa sách. Rồi nó trở thành phủ tàng nằm lặng im trong góc thành, bị bỏ quên sau vườn hoa rực rỡ, những lầu các khu ngự uyển. Có vẻ như chính ngài ta cũng không muốn nó bị người nhìn thấy. Nhưng cô đưa mắt nhìn sàn nhà thấy ít bụi đọng hơn hẳn, có dấu vết như thể người vẫn đi lại nơi đây. Chỉ đi lại, ngồi ngẩn người nhìn ngắm, chẳng hề làm gì, không hề chạm vào một vật.

“Đây là chốn Cơ Hạ của ta đấy[2].” Thấy ánh mắt cô, ngài ta cười nói. Cô im lặng đi đến, cũng không để ý tới bụi bặm mà ngồi xuống phía đối diện ngài ta. Dù sao, nơi này chẳng có ai khác.

“Thái hậu vừa bảo thần phải chuyển chỗ ở.” Cô nói, thấy ánh mắt nhà vua bất động. “Phải làm viện cho người mới vào nhân dịp Khánh tiết.”

Cô không cười, nhưng lại nghe tiếng cười khẽ vang giữa lớp bụi mờ. Nhà vua nhấc cái tách trong bộ trà để trên bàn, làm bụi bay tứ tán. Ngón tay ngài ta miết vành ly, làm lộ ra lớp viền vàng.

Một người vừa chết, và cung thành này ngay lập tức bổ sung người mới, đó là việc cô thấy bao nhiêu năm. Thi thể kia vừa lạnh ở Bình An đường, lập tức có bao nhiêu kẻ chen nhau vào trong cổng. Những thiếu nữ đương xuân tranh nhau đến trước mặt người đàn ông đã qua tuổi trung niên, ánh mắt đọng vẻ mệt mỏi chán chường. Chỉ cần được nhìn thấy, lên giường, đẻ con, thế là đã có phần thưởng, có tiền lương cho cả mẹ lẫn con, thế là đã đủ cho cha mẹ vinh dự, họ hàng nhờ cậy, thế là đã đủ cho một cuộc đời được nuôi dưỡng trong vàng son, thế là đã đủ cho một kiếp ‘dựa mạn thuyền rồng’.

Phải ban phát, phải công bằng, phải tình nghĩa, phải yêu thương, tiếng cười của cha ngài ta ngày ấy trong nỗi chán ngán cay đắng lại cứ nghe như một trò đùa. Cha ngài ta đã cười, cười mãi trong nỗi buồn thương không ai hiểu nổi, trong vòng vây dục vọng ác nghiệt bao bọc ngài ta từ khi mới sinh thành. Tình yêu, nghĩa lý, chân thành trong hoàng cung này chỉ là trò đùa mà chẳng mấy ai dám nhìn thẳng vào. Thậm chí cả những nỗi đau, oán hận, giận dữ, thù hằn chẳng qua là thứ tình cảm phù phiếm che giấu vàn muôn điều đen tối khác có khi chính họ cũng không hiểu biết. Ngươi thì biết cái gì, ngài ta cười Thái Công Triều, Bạch Xuân Khản, cười những kẻ phiến loạn, kẻ bị kích động bởi những thứ nhỏ mọn, những cảm xúc nhất thời, cả tốt đẹp và xấu xa, cả chính nghĩa và tà ác, cao cả lẫn thấp hèn, đúng hay sai. Trong nỗi buồn thương không ai hiểu nổi.

“Có người nói nên đưa ngươi đến nhà giam của Nội vụ phủ hay Cẩm y vệ, nhưng nơi ấy để giam giữ quan tướng, lính tráng, vừa thiếu phụ nữ trông coi lại vừa chẳng ra sao. Sắp đến ngày Khánh tiết của Thái hậu, nơi ấy rất bận.” Vẫn nhìn tách trà nhỏ giữa mấy ngón tay, nhà vua nói. “Ta vừa cho dời nhà lính của ty Trấn phủ đến phường Vĩnh An gần với Hình bộ. Cho nên ngươi dời theo đến vườn Thư Quang hoặc cung Khánh Ninh giam giữ ở gần với người nhà.

“Cung Khánh Ninh vốn là hành tại của ta, thị vệ vẫn đến kiểm tra đồ dùng, chưa xây nhà sau nên không tiện làm nơi giam giữ. Ngươi ở tạm vườn Thư Quang đợi dựng xong nhà của ty Trấn phủ vậy.” Nhà vua đặt tách trà về chỗ cũ, nói trước ánh mắt cô. “Ta đang cho xây lại tường kinh thành, dự định dựng thêm vài nơi khác, người nhiều công việc nhiều, chưa rảnh để sắp xếp cho ngươi.”

“Tôi được rời khỏi đây à?” Cô hỏi lại, vẫn chưa hết cảm giác ngỡ ngàng. Nhà vua khẽ cau mày.

“Ngươi hiện thời chỉ là một cung nhân, đến nơi đó thì làm cung nô coi vườn, không dễ chịu gì đâu. Ta cũng không thả ngươi ra ngoài để ngâm vịnh ngắm hoa, chẳng qua hiện tại không biết giam ngươi vào đâu được.” Ngài ta bất chợt hạ giọng. “Ngươi nghĩ mình có thể ‘rời khỏi đây’ sao?”

“Có thể.” Cô nhẹ giọng đáp. Cô có thể rời khỏi khu thành này với cái chết, hoặc là, khi nhà vua qua đời.

“Ngươi có vẻ luôn mong cầu như thế.” Hiểu ý cô, nhà vua nói qua kẽ răng. Cô bật cười.

“Ngài sẽ sống lâu hơn tôi. Sau khi ngài bày ra cả đống việc thế này thì hẳn chỉ mong mình làm vua được tới muôn năm.” Không chỉ những việc ngài ta bày ra khắp đất nước, mà ngay ở cung thành này, ngài ta đã chính thức tuyên chiến. Từ sự yêu thích riêng tư, ngài ta đưa Hồ Thị Hoa lên nhất giai phi, và đẩy Miên Tông lên vị trí kẻ thừa kế cao nhất. Ngay sau khi sắc phong Thần phi, hàng loạt hành động khác của ngài ta đã tiếp diễn. Quan lại chính thức bị cấm đến yết kiến phủ đệ hoàng tử và thân công, nghiêm cấm hoàn toàn việc liên lạc kết giao. Lê Bá Tú thân tín của ngài ta tiếp tục đưa ra một đề nghị đầy tranh cãi khác: Cấm nhà vương công kết thông gia với các đại gia, cự tộc. Và Tôn Nhân phủ được cải cách lại hoàn toàn, đưa Miên Tông trở thành Tả Tôn chính đứng đầu khi phủ này chưa có Tôn nhân lệnh, kiểm soát toàn bộ dòng dõi tôn thất.

Ngay khi vừa ra khỏi ngôi điện giam giữ, cô đã nghe tiếng rì rầm về những việc liên tiếp xảy ra trong hoàng tộc. Sau khi các hoàng tử tước công nắm quyền ở Tôn Nhân phủ, dòng dõi Mỹ Đường bị truất làm thứ dân, chỉ trừ Lệ Chung giữ việc thờ cúng. Người họ ngoại của Thái hậu là Trần Hưng Hòa đi công cán Hạ Châu về bị tố mang theo thuốc phiện và sách đạo Gia tô. Gia Định tiếp tục phát giác một tên lại thuộc khác của phủ Kiến An công là Tống Hữu Tài sách nhiễu của dân, Trương Minh Giảng lập tức đem chém. Nhà vua tiếp tục ra luật không cho thuộc hạ của các công hầu được bổ dụng đi làm quan sau mãn hạn lính.

Kiến An công liên tiếp vướng vào rắc rối, hoặc nhà vua đã chẳng còn để cho các sự việc liên quan đến vị thân công này được êm đềm trôi qua. Hai năm trước, thuộc hạ của phủ Kiến An công đi mua đường cát ở Quảng Nam đến bốn ngàn cân bị quan làm việc bắt gặp, Hoàng Quýnh còn có ý bảo viên quan này tâu riêng với nhà vua chứ đừng nên tham hặc. Kết quả nhà vua trách phạt giáng Hoàng Quýnh xuống hai cấp, mắng Kiến An công dùng ấn tín công tìm mua đồ ăn, đánh thuộc hạ phủ Kiến An mà đày đi làm lính. Ngay cả lúc Thường Tín công phạm lỗi ngồi nhầm chỗ của vua, ngài ta cũng phải nhắc lại tội Kiến An công cố tình phạm pháp. Chỉ là một tên lại thuộc nhũng nhiễu, thân tín của ngài ta đem chém làm gương cho khắp Nam Kỳ.

Việc người họ ngoại của Thái hậu hẳn cũng như thế, nhà vua rõ ràng có thể coi việc Trần Hưng Hòa là lầm lẫn, nhưng ngài ta xử tội toàn bộ thuyền viên đi cùng. Tuy Trần Hưng Hòa trước từng bị tội tham tang, kết án ông ta liên quan đến cả hai thứ mà nhà vua cùng triều đình căm ghét nhất lúc này, chẳng khác đánh trực tiếp vào dòng họ của Thái hậu – hoặc chính là, Thái hậu.

Cũng như ngài ta đang treo cái án của hai vị Tổng trấn lên đầu mọi kẻ - những người có quan hệ với họ ngay tại kinh kỳ. Mạng lưới quan hệ của Lê Văn Khôi là những chân rết khổng lồ, và Kiến An công chính là người nổi bật nhất. Thuộc hạ của phủ Kiến An có mặt từ Cao Bằng cho đến Gia Định, theo Lê Văn Khôi đánh phá, giăng cờ phản nghịch. Nhóm người này có thể ẩn lậu hàng ngàn trại sách ở Quang Hóa để vơ vét kiếm lợi riêng, thì còn làm được bao nhiêu việc sau cái ấn thân công của thân hoàng đệ, người con yêu của Thái hậu? Nhà vua buộc chặt Lê Văn Duyệt vào Lê Văn Khôi, cũng như Kiến An công, với toàn bộ tội lỗi xảy ra ở Gia Định, vừa công khai vừa ngấm ngầm ném tiếng tăm của cả Thái hậu lẫn người em này xuống cát.

Thậm chí cô còn nhớ tới lời đồn đại trước kia về Kiến An công và hai người con trai của Hiền phi. Miên Hoành đã sớm ra phủ riêng, Miên An lại được Thái hậu yêu thích khi liên tục gọi đến dâng lễ cho bà, ban thưởng cho Kiến An công. Nhà vua vẫn chỉ làm những gì ngài ta muốn, và cô lại âm thầm nhớ về thái độ kỳ lạ của ngài ta với những người con của Hiền phi. Ngài ta có thể cho một hoàng tử nghịch ngợm thường xuyên phạm lỗi như Miên Nghi giữ ấn lưu kinh khi đi tuần du, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho anh em nọ chủ quyền làm việc. Hiền phi cho rằng ngài ta cảnh giác với mình, trong khi lúc này thì cô nghĩ, người ngài ta đề phòng lại chính là Thái hậu – và vị thân hoàng đệ.

Miên Tông được đẩy lên trước là việc không thể khác. Cậu hoàng trưởng tử này dù có mẹ chỉ là một Chiêu nghi thì cũng sẽ vẫn rơi vào cuộc tranh giành, bao âm mưu lợi dụng của kẻ xung quanh. Như dòng dõi Anh Duệ thái tử đã bị hại, như bao nhiêu rắc rối, xung đột xảy ra quanh các thân công từ sau khi nhà vua lên ngôi. Có tội hay không có tội, vô tình hay cố ý, bọn họ đều là tấm bình phong của muôn vàn kẻ phía sau. Dù là Lê Văn Duyệt, Lê Duy Lương hay Kiến An công, tất cả bọn họ đều nằm trong thứ luật vận hành của đất nước này, những thứ xung động chẳng bao giờ thực sự như bề ngoài của nó.

Miên Tông đã bắt đầu bước vào cuộc chiến của cung thành này. Và nhà vua sẽ không thể bỏ rơi cậu ta. Ngay sau khi Hồ Thị Hoa được sắc phong Thần phi, Thượng thư Lễ bộ Phan Huy Thực bị cách chức do liên lụy vào việc đồ thờ bị làm giả trong các miếu. Nhà vua vẫn giữ ông ta lại, nhưng chẳng thể làm khác với lời hặc tâu của đình thần. Ngài ta thừa cớ ấy cải tạo lại Tôn Nhân phủ, đưa các con của mình vào, tạo quyền lực cho Miên Tông. Tôn Nhân phủ với lầm lẫn kỳ lạ trong việc tế Thế miếu năm trước, Tôn Nhân phủ với những tôn thân giữ nhiệm vụ quan trọng khắp đất nước. Cùng vị hoàng tử chẳng có gì ngoài hai người cậu làm quan đến hàm tam phẩm, những quan tướng thông gia với cậu ta lần lượt chết đi, mất chức, các Thị giảng, Giáo đạo cũng chẳng thành công khi đi làm quan ở ngoài xa.

Nghe câu nói của cô, nhà vua bỗng nhiên im lặng. Cô có thể nghe được cả tiếng vòm lá rì rào xung quanh góc thành. Mùa xuân đến, mang theo hương hoa thanh mát lan khắp bốn phương, nắng ấm rực rỡ tỏa rạng từng mỏm đá. Nhưng căn phòng này vẫn lờ mờ màu bụi, ẩn giấu khoảng không ký ức nhỏ bé cũng đã mục rữa, sụp đổ bất khả vãn hồi.

“Tuy rằng điều đó với ngài hẳn cũng không khác bao nhiêu.” Cười khẽ, cô cúi đầu nhấc cái tách mà nhà vua vừa chạm vào. “Non Bồng nước Nhược lại chẳng phải là nơi của người chết đó sao? Tây du ký chẳng viết, ba mươi sáu thiên cung, cao nhất là trời Ly hận?”

Tiên cảnh của ngài ta, cõi mộng mà ngài ta mơ suốt cả cuộc đời, vẻ lộng lẫy mà ngài ta dựng xây, hóa ra là cái đẹp tột cùng của cõi chết. Hoàng thành này như thể chia thành hai nửa, nửa nằm trong khuôn tắc đoan trang, nửa ở phía mơ màng mộng mị. Nửa là ngọc ngà gấm hoa, là vàng son rực rỡ, là chính điện chín bậc cao vời, là lục viện ngõ ngách quanh quanh ồn ã tiếng người. Nửa là hoa mỏng, hương phai, mùa nối tiếp nhau lụi tàn dưới nắng. Cơ Hạ, cõi Cơ Hạ của ngài ta, những thanh nhàn ít ỏi của cả cuộc đời, hóa ra đã nằm trong mộng chết từ bao nhiêu năm trước. Chỉ ở nơi đây, ngài ta mới có thể sống, trong cõi chết.

“Lúc ở cung Từ Thọ, tôi thấy nhà tằm đóng cửa. Nghe nói ngài đã phân phát trứng tằm trắng cho các tỉnh miền Bắc nuôi rồi, lụa tế cũng giảm hết[3].” Cô vẫn nói, nghe bên tai tiếng rì rào của muôn lá ngàn hoa tiết Hoa triêu lặng lẽ. “Bây  giờ phân công việc xong, mọi thứ đã vào khuôn phép, hẳn ngài đã nhẹ nhàng nhiều rồi. Căn nhà này nếu không thể giữ được nữa thì phải dỡ đi thôi.”

“Ngươi lại định nói ‘xây mới đẹp hơn’ đấy à?” Nhà vua ngắt lời cô. Cô nhìn dấu ngón tay trên lớp bụi trông như vết nứt.

“Tôi chỉ nói, phải dỡ đi thôi.” Cô thì thầm, ánh nắng mờ trước mắt chợt nhòe đi. Bỗng dưng cô nhớ tới ánh đèn trên lầu cao đêm ấy, xa xôi như một giấc mơ. Bỗng cô nghĩ tới gió mưa vần vũ suốt năm dài trên mái điện. Ánh sáng như có thể đan vào mây. Thời khắc hân hoan buồn bã tưởng chừng chạm đến vào vĩnh cửu. Giấc mộng một năm trường, có lẽ đã quá dài.

Cơ Hạ, bốn mùa năm ấy ẩn sau lũy trúc rì rào, đã là tất cả thư nhàn của một đời. Đã là cả một đời.

 

Chú thích:

[1] Gia Định tam thập cảnh – Liên Chiểu miên âu của Trịnh Hoài Đức

[2] Minh Mạng đã nhắc đến chữ Cơ Hạ gắn với khu vực hồ này từ bài thơ năm 1835 “Thủy lâu cơ hạ thả lâm hành”. Cơ Hạ nghĩa là “thư nhàn ít ỏi”, hoặc “lúc vô sự ít ỏi”.

[3] Tháng 11 năm 1836, Minh Mạng đem trứng tằm trắng cho các tỉnh miền Bắc mướn thợ nuôi lấy tơ, trước đó vào tháng 7 đã cho cắt giảm hầu hết lụa tế ở các miếu thờ. Từ đó Minh Mạng không bao giờ nói về nhà tằm này nữa.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.