Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

104. Phi thị bạch tần đầu Sở khách
Trường An in "Minh nguyệt 3" October 29th, 2019
  1. Phi thị bạch tần đầu Sở khách, hà đương thanh thảo oán vương tôn[1]
    (Chẳng phải khách Sở ẩn trong bãi bạch tần, sao lại vì cỏ xanh mà oán vương tôn)

 

Ngày cuối tháng tư năm Bính Thân, Hồ Thị Hoa được tấn phong Thần phi.

Hôm ấy cũng là lễ sắc phong lớn của nội cung, chỉ Hiền phi được làm lễ tại nơi ở, cung nhân từ Tần trở xuống tập trung ở cung Khôn Đức để nhận sách phong, trước khi tất cả cùng đến bái tạ Thái hậu và nhà vua. Ở góc Tây cung, cô vẫn nghe được văng vẳng tiếng người tuyên lễ vọng đến từ viện Thuận Huy. Hầu hết cung nữ, nội giám đều được sai phái theo hầu lễ. Sau đó có lẽ họ đều mở yến ở cung Từ Thọ hoặc Trường Ninh, tiếng ồn xung quanh cô chỉ nửa ngày đã lặng xuống.

Tới xế chiều, cô bỗng nghe tiếng cửa ngoài điện lạch cạch. Ngọc Xuyến đưa hai cô cung nữ vào, đem theo một quả thức ăn lớn.

“Đồ yến thưởng cho ta đấy, mới đến Lý thiện phòng lấy, nhưng đem về nhà chẳng biết ăn với ai.” Ngọc Xuyến cười nói, ra hiệu cho cung nữ đem món ăn bày lên bàn, gọi cả bọn họ ngồi xuống cùng. Cũng không khách khí, cô vào trong lấy đũa và ly tách.

“Các chị không đến Duyệt Thị đường xem hát à?” Cô vừa ngồi xuống vừa hỏi. Ngọc Xuyến lắc đầu.

“Đến các đền miếu còn bỏ bớt hát hò, trong làng còn bị hạn chế lượng con hát, dịp này là gì mà nghe hát? Hoàng thượng làm như có thù với con hát, đến các hoàng tử cũng bị cấm đoán đủ điều.” Vừa rót rượu, Ngọc Xuyến vừa nói. “Vả lại mai là lễ thường triều ở điện Cần Chính, lâu rồi mới làm lễ nên các quan tuyên phong cũng vội về lo công chuyện. Vừa qua tiết Vạn thọ, ăn no uống say rồi, ai còn ham hố nữa?”

“Sao lại ‘lâu rồi không làm lễ’?” Cô hỏi. Ngọc Xuyến hơi ngừng tay, rồi thở ra.

“Chẳng phải từ khi có loạn lạc thì hoàng thượng đã viện cớ ‘cần tu tỉnh’ nên dùng Đông Các, điện Văn Minh làm nơi bàn việc đó sao? Chỉ khi thắng trận thì ngài mới đến đại điện nhận mừng. Rồi từ đầu năm đến giờ ngài bảo lúc nào không có việc cần thiết thì miễn làm lễ thường triều, đại triều đi cho phiền, chỉ cần dự chầu đầy đủ là được. Hai kỳ đại triều, bốn lần thường triều mỗi tháng đều bỏ hết. Đến giờ mới đổi lễ đại triều thành thường triều vào mùng một, ngày rằm mỗi tháng, coi như là cũng có lên điện Cần Chính cho trăm quan chiêm bái.” Ngọc Xuyến vừa nói xong, Đông đã cười khúc khích bên cạnh.

“Nhưng với chuyện ngài ngự cứ bỏ đi thế này thì đến hai lần lễ thường triều cũng hiếm.” Cô cung nữ bĩu môi. “Tháng này ngài làm lễ sắc phong cung nội, báo tin cho mọi người chuẩn bị, nhưng chẳng ai thấy mặt ngài đâu. Đầu tháng thì ngài đi tế hạ hưởng, mấy hôm sau ăn mừng hoa nở, rồi ngài ra cửa Tư Dung chơi qua hôm rằm, đến khi về thì tiếp thổ mục tới Kinh mừng tiết Vạn thọ. Nghe đâu ngài còn đang bận xây chùa trên núi Thúy Hoa. Chùa ấy cùng hành cung xây xong thì ngài còn đi nhiều nữa.”

“Đầu tháng này, lúc quyết định sắc phong, cho làm sách văn, hoàng thượng dẫn các quan tới gác Hải Tĩnh khoe hoa tịnh đế trong hồ.” Trước ánh mắt dò hỏi của cô với câu ‘mừng hoa nở’, Ngọc Xuyến đáp, bỗng cười. “Ngài hoãn tuần du Quảng Nam rồi, bảo trời nóng quá đi lại cực nhọc. Bây giờ ngài đang ngồi mơ núi Thúy Hoa, đến mấy cái văn bia bỏ hoang ngàn năm trước ở nơi đó cũng muốn đọc, bảo Bình Thuận tìm người Thổ biết chữ ấy đưa về.

“Ngài ấy chịu ra làm lễ thường triều rồi, nhưng tháng sau chẳng biết còn muốn đi đâu. Người trong triều bây giờ thậm chí còn mong có việc xảy ra đấy.” Ngọc Xuyến nói khẽ. Cô không đáp, chỉ chia gắp đồ ăn cho người trong bàn. Bọn họ vừa ăn vừa nói mấy câu chuyện phiếm, xong bữa thì đã chiều tối, nghe vẳng tiếng cung nhân quay trở về các điện. Đông và Hạ phải về hầu, để lại Ngọc Xuyến có vẻ say rượu ngà ngà. Cô đi thắp một ngọn đèn nhỏ, quay lại đã thấy cô công chúa đang lật mở một cuốn sách nằm trên sập. Thấy đèn được đưa tới, Ngọc Xuyến bèn nghiêng người đưa trang sách đến bên.

“Chị tìm gì thế?” Cô nhìn qua nét chữ chép tay mỏng mảnh trong sách, nhận ra đây là cuốn ghi chép của cung nội. Trước cô phụ trách biên việc trong cung, có đem về vài cuốn sách của người trước.

“Sách phong Vương hậu của Cao Hoàng hậu viết ‘cư hoàng mỹ nghiệp’, sách phong Hoàng hậu viết ‘hành vũ chi ý’. ‘Càn Khôn tái tạo, ký đồng tế vu gian nan. Nhật nguyệt tịnh minh, nghi cộng hưởng kì phú quý’.” Không ngẩng lên, Ngọc Xuyến lẩm nhẩm. “Em này, sách văn của chị Hoa viết ‘Bội khuê châm vu tiềm để, hành vũ dương huy’.

“Sách văn ấy do chính hoàng thượng viết đấy[2]. Ngài ấy đổi cả nghi lễ sắc phong của Phi, trước chỉ cho hai quan văn cầm cờ tiết đến tuyên phong, nay cho hai viên văn võ cao cấp tới. Tâm Phúc nam Phạm Hữu Tâm mới được thăng Đô thống đầu tháng này thôi, hưởng cấp nhất phẩm cốt để cầm cờ tiết chung với Thượng thư Lễ bộ.” Ngọc Xuyến chống cằm lên tay, mơ màng nhìn chiếc đèn. “Quả nhiên cư hoàng chỉ là kẻ dưới phục tùng, hành vũ mới là chủ[3].”

“Em biết không, hôm nay thật ra chẳng có ai vui. Không ai vui cả.” Khi cô không lên tiếng, Ngọc Xuyến cười nói. “Ngày xưa ta vốn ghét đám con gái trong cung đến thế, vậy mà hôm nay ta lại buồn. Ta buồn đến chết đi được.

“Phải làm sao, làm sao đây?” Gục đầu xuống bàn, Ngọc Xuyến gần như òa khóc trong cơn say.

Cô ngẩn người nhìn Ngọc Xuyến nức nở trong mơ màng mộng mị, nắm tay đập xuống bàn, thì thào những câu từ vô nghĩa như không thể thốt thành ý ra lời. Không muốn cuốn ghi chép của cung đình bị hỏng, cô nhẹ rút nó ra dưới cánh tay Ngọc Xuyến. Trong sổ đã có kẹp thêm một mảnh giấy được gấp nhỏ, cô liền mở ra đọc.

Tiếng khóc của Ngọc Xuyến vẫn vọng trong bóng tối. Cô gấp tờ giấy lại, tựa lưng vào cột chống mà nhìn ra mảng trời bé tẹo trên mái điện. Đêm cuối tháng không trăng, chỉ có ánh đèn từ bốn phía hắt lại mờ như sương. Hẳn đêm nay ngài ta cũng cho thắp đèn, cô thầm nghĩ trong trí óc mông lung. Gió đang thổi, đem theo mùi hoa mùa hạ thoảng khắp cung thành. Mùa hạ, hẳn khu vườn Đông lẫn Thiệu Phương viên đang nồng hương hoa. Ngự Viên bên ngoài đền thờ Nhị tần lúc này ắt cũng thơm ngát hoa và hương, xôn xao tiếng người không dứt.

Cô nghe tiếng khóc của Ngọc Xuyến lặng dần, cô công chúa ngả người nằm trên sàn. Ngước lên thấy cô cầm mảnh giấy, Ngọc Xuyến liền nắm tay áo cô. Nhưng không lấy lại tờ giấy, Ngọc Xuyến chỉ phủ tay áo cô lên mặt.

“Em thấy gì không?” Ngọc Xuyến thì thầm rất khẽ. Cô vẫn nhìn khoảng vườn tối ngoài cửa, nghe gió ào ào trên trời cao.

“Hầu như câu nào cũng có hương.” Cô ngừng một thoáng, nghe hơi thở mỏng manh của Ngọc Xuyến phả trên tay, nói khẽ. “Như thể… vẫn còn ở đây.”

Thiệu Phương, Thiệu Phương. Người là hoa, là hương, là ánh sáng trải khắp muôn phương. Đã ba mươi năm rồi…

Quyến duy nguyên tặng Chiêu nghi Hồ thị, hiên khể danh môn, quỳnh dao tú chất. Bội khuê châm vu tiềm để, hành vũ dương huy. Chung mậu ấm vu phương chi, lân chung diễn khánh. Cửu bí kim điền chi thải, thượng lưu đồng quản chi hương. Phủ niên tiền ân, khác hữu gia tặng, điển vĩnh phu vu bật tự. Tứ kim nhật cung giai sơ định, vinh danh dong bí vu tiềm hinh, tái cử di chương, dụng quân ác trạch. Tư đặc tấn nhĩ vi Thần phi, nhưng thụy Thuận Đức. Thượng kì khác khâm sủng mệnh, kì thụ huy xưng, nhất tự cổn hoa, tăng bí trọng tuyền chi sảng. Thiên thu hật hưởng, trường lưu dịch diệp chi quang.”[4]

Phải làm sao, làm sao đây? Câu hỏi đã lặng yên của Ngọc Xuyến vang trong bóng tối. Hương thơm, ánh sáng vẫn trải khắp muôn phương, nhưng đã ba mươi năm người xa khuất. Chỉ còn họ nơi đây, trong một cung thành, một thế gian đã trở thành xa lạ, đã tan vỡ đến không còn lấy một mảnh vụn cuối cùng. Tất cả những gì bọn họ có thể làm chỉ là nhớ thương. Nhớ thương trong hương thơm và ánh sáng, nỗi vô vọng trống trải đến tột cùng.

Những ngọn đèn vẫn đang thắp, những cành hoa mùa hạ vẫn đang tỏa ngát hương. Cung thành này rực rỡ đèn hoa, hoang lương đến tột cùng. Như cuộc đời của họ.

Ký ngụ liễu vô hình, dữ quân cách bình sinh.[5]” Vuốt sợi tóc mai ướt đẫm bên má Ngọc Xuyến, cô thì thầm. Cúi người ôm lấy cô công chúa, cô cũng bỗng dưng rơi nước mắt. “Đãn giao tâm tự kim điền kiên, Thiên thượng nhân gian tái tương kiến.[6]

Những ngón tay Ngọc Xuyến run rẩy bấu chặt tay áo cô. Mùi rượu cùng hương mằn mặn của nước mắt quanh quẩn vào bóng tối. Bóng tối chập chờn những mộng mị lẫn lộn giữa thời không.

Ngày xưa, lúc ngài ấy bị phạt giam trong phủ, ta dẫn chị Hoa trốn vào đấy. Ngọc Xuyến mơ màng cười. Tất cả chị em ta đều giúp một tay, người giả cách đánh lạc hướng lính canh, người mượn cớ đem thuốc đến, có lúc chúng ta còn cho chị ấy giả làm nội giám theo hầu. Rồi bị hoàng khảo bắt được, trừng phạt cả loạt người. Nhưng sau hoàng khảo bảo, muốn đến thì cứ đến, sao phải lén lút thế người ta lại cười cho, nghĩ chuyện không hay.

“Có phải… lúc nào hoàng huynh của chị cũng nghĩ đó là sai không?” Nghe chuyện, cô im lặng hồi lâu, bỗng nhiên hỏi. “Thật ra là ngài ấy nghĩ, việc năm đó đã sai rồi.”

Nên mới im lặng chấp nhận, tuân phục theo định mệnh người vạch sẵn. Im lặng với điều mình không bao giờ muốn bao nhiêu năm. Nguyễn Phúc Kiểu vốn lớn lên với lễ giáo cùng đạo lý, dưới bóng của những bức tường thành trùng trùng điệp điệp, khoác giáp vàng và mão ngọc, trong thân phận của một hoàng tử kế thừa. Tình yêu ấy, sự bất chấp ấy, trong mắt người đời đều là sai, hoàn toàn sai, cô ấy là người sai, sai không thể bào chữa. Nên khi Dung được đón về cung như một sự tha thứ rộng lượng, khi không thể coi rằng cô ấy có lỗi, toàn bộ cảm giác sai lầm nọ đổ lên ngài ta. Ngài ta trở về, với địa vị của một hoàng tử, với cái cuộc đời đáng ra nên có, để rồi chút ảo vọng cuối cùng cũng bị đạp nát mà không thể oán trách, không thể thốt ra lời. Từ đầu đến cuối, hóa ra ngài ta đều là kẻ sai.

Tình yêu, ước vọng, hương hoa, ánh sáng, niềm tự do hân hoan ấy của cả cuộc đời, hóa ra đều là lầm lỗi. Một vị vua có thể say sưa trong dục vọng, trong những trò chơi đổi chác của quyền lực và công trạng, gọi sự bẩn thỉu là ân sủng, ban phát trác táng là công bằng. Và tình yêu thơ dại, người con gái trong khiết của ngài ta, là một sai lầm, một tội lỗi không thể chấp nhận, một trò cười trong mắt thế nhân.

Bao nhiêu năm, ngài ta làm mọi cách xóa tất cả vết dấu, phủ lên quanh cô ấy sự hào nhoáng vẻ vang, và đợi thời gian trôi qua, để tiếp tục dùng những thứ phù phiếm giả dối này tô vẽ cho hiện tại. Cho vết thương nhức nhối của chính mình.

Nhưng ngài ta lại không nhận ra, thế gian này vẫn là như thế. Tình yêu của ngài ta, vốn đã sai ngay từ lúc khởi đầu.

Trong giấc mộng chìm trôi giữa thời gian, trong ngôi điện kín bưng cho nắng mưa rót xuống, rốt cục cô cũng lẫn lộn giữa thực và mộng. Tháng năm ấy, trời chuyển gió bão. Tháng bảy, đèn đuốc rực cung thành ngày Thất tịch, cô ngẩng đầu có thể thấy lầu Minh Viễn sáng xuyên mây. Thu qua đông đến trong tiếng người văng vẳng. Rồi đêm nọ, cô lại có một giấc mơ.

Trong ký ức, cô như thể đã ngủ thiếp đi trong phòng chính. Nửa đêm, cô bỗng nhiên thấy bóng người trước mặt. Bóng trăng suông rọi vào khung cửa mở, cùng chút ánh sáng từ lò than sưởi, khiến cô loáng thoáng nhận được cô gái trẻ Nguyễn Thị Viên.

“Em chỉ đi qua đây, tiện muốn vào gặp chị.” Không đợi cô giật mình, Nguyễn Thị Viên nói, giọng lại khàn khàn mệt mỏi. Trong bóng tối, cô nhận ra cô gái trông có vẻ tiều tụy lạ lùng, mắt trũng sâu. Nguyễn Thị Viên ngồi xuống ghế đối diện sập cô đang nằm, ánh mắt vẫn không rời khỏi cô. “Trước đến nay, em chưa bao giờ nói chuyện riêng tư thân mật với chị.

“Phải thôi, em chỉ biết chị là con gái Lê Chất, ngài ngự ghét chị. Ngài ấy yêu thích em.” Nụ cười loáng thoáng trên gương mặt cô gái trẻ lại có vẻ khó coi kỳ lạ. “Phải thôi, cha em là Đô Thống chế Thị trung, là cựu chỉ huy gần như tất cả tướng lĩnh thân tín của ngài ấy, tạo nên quyền lực cho ngài ấy. Anh trai em là Phò mã, em được đưa vào cung. Nhưng vừa rồi, ngài ấy chỉ phong em đến Tiệp du lục giai, ngang bằng với một cung nhân con quan cấp thấp hầu ngài ấy từ tiềm để.”

Nguyễn Thị Viên chợt im lặng, cúi đầu nhìn xuống mấy ngón tay. Cô ngồi lên, vẫn mơ hồ không hiểu tại sao cô gái này lại xuất hiện ở đây, có điều gì muốn nói với cô.

“Vừa rồi đại phong, ngài ấy chia ra trong con cháu các quan, ai đã vào hầu từ tiềm để thì ở trên, còn thì tất cả đều xếp dưới, em đã là cao nhất rồi đấy. Trong khi đó phong hiệu cũ của chị vẫn để trống. Và hào Đức phi trước khi đổi thành Gia phi, vốn là để dành cho Đức tần.” Nguyễn Thị Viên lại mỉm cười mà không nhìn cô. “Chị có thể bảo, vị Đức tần ấy vốn để sẵn cho em đúng không? Như khi mới ban phân chia cung giai, em cũng vọng tưởng vị trí Thần phi ấy vốn dành cho mình.

“Em ngốc sao, khi mà ngay trước đó ngài ấy lại gọi tới em? Để rồi chỉ cho em một vị trí Tiệp dư dưới bao nhiêu người, mãi mãi chẳng thể bằng họ? Hóa ra, lúc đó em chỉ là thứ che mắt của ngài ấy, đúng không? Như người ta bảo rằng, em vào đây chỉ để cân bằng quyền lực với chị, khi chị đã rơi xuống rồi thì em chẳng còn tác dụng gì nữa?” Nguyễn Thị Viên chậm chạp ngẩng đầu, ánh mắt lại khiến cô khẽ giật mình. “Em đúng chẳng còn tác dụng gì nữa, chỉ là một Tiệp dư lục giai đâu đó trong cung thành này, đợi đến lúc ngài ấy vứt bỏ, như những người khác.

“Em đi hỏi những người khác, họ bảo rằng em trông đợi cái gì ở đây? Được ân sủng thì có phần thưởng, có tiền lương, đẻ con thì càng vững vàng, càng giàu có, lại có thể lo cho người nhà, ban ơn cho thân thuộc. Nhưng rồi ngay cả những điều đó, có khi cũng không còn nữa.” Tiếng cười khô khốc vang trong khi gương mặt cô gái trẻ vẫn băng giá. “Cả năm rồi, ngài ấy chỉ gọi người một lần vào ngày Trùng cửu, hôm đó ngài say lắm, say đến khóc được. Người ta còn bảo, ngài ấy chỉ muốn ném bỏ hết cả chúng em đi. Ngài ấy đi khắp nơi, khi rảnh thì đến cung Khánh Ninh mà dựng lên một cái vườn khác tên là Thư Quang, biển đề trước cửa nào là ‘Nhật nguyệt quang minh’, nào là Kim Hà, Ngọc Lộ. Ngài ấy xây chùa, đọc kinh, làm đàn tế, nói về đạo Phật, ngài ấy sắp thành Lương Vũ đế rồi.

“Chị nói xem, em còn hy vọng gì ở đây? Lần nào ảo tưởng ngốc nghếch, em cũng đều thất vọng cả. Hóa ra, em chẳng biết gì, từ đầu đến cuối. Cha em ngày xưa thân cận với ngài ấy đến thế nhưng vẫn không đưa con gái vào phủ hoàng Tư, vốn là đã biết rõ ngài ấy. Chỉ có anh trai em bảo em hãy vào đây, để anh ấy được một chức quan nho nhỏ. Cha của Hiền tần lẫn chị đều có vấn đề, em là người danh giá nhất, đủ khả năng thành Hoàng hậu. Nhưng mọi thứ ở đây đều do ngài ấy thiết lập, và ngài ấy lừa dối tất cả mọi người, từ đầu đến cuối.” Vẫn nhìn cô chằm chằm, Nguyễn Thị Viên chậm chạp đứng lên. Dáng hình cô gái yếu ớt đến mức như chực ngã. Trăng soi vào giọt nước mắt mỏng manh lăn xuống gò má tái xanh. “Em phải làm sao đây?”

Câu hỏi khẽ khàng như vọng lại trùng điệp trong căn phòng, vọng quanh cô lạnh buốt. Không biết phải nói gì, cô ngẩn ngơ nhìn Nguyễn Thị Viên gạt nước mắt, quay người rời khỏi phòng. Gió đập cánh cửa đóng lại, tiếng khóa cổng đã im lìm. Vẫn gần như choáng váng, cô khẽ lắc đầu, tưởng chừng mới gặp một giấc mộng.

Trong những ngày ấy, các giấc mộng hư thực đan xen khiến cô không còn rõ thời gian. Mở mắt thức dậy vào sáng hôm sau, cô vẫn nghĩ hẳn lại là một cơn mộng lạ kỳ, cho đến khi nghe tiếng ồn ngoài cửa. Tiếng chân chạy qua cổng Gia Tường gần đó, nghe tiếng gọi nhau như muốn tìm nhà vua. Cô liền đi ra mở cổng nhìn. Nội giám canh cửa Gia Tường kiêm gác điện thấy vậy liền đi tới.

“Có chuyện gì thế?” Cô đưa mắt nhìn về phía lục viện rõ ràng đang ồn ào. Nhiều người từ các viện khác đang chạy dồn lại một phía.

“Bẩm, Tiệp dư Nguyễn Thường mất rồi.” Nội giám nhỏ vẫn giữ thói quen kính cẩn mà nhẹ giọng đáp, nhưng với cô nghe như sấm động bên tai. Không để ý đến anh ta, cô chạy về phía viện đông đúc nọ. Người đứng chen trong con ngõ hẹp không cho cô tiến tới.

“Đức hoàng bảo gọi Trang tần, đừng phiền đến Hiền phi.” Quay lưng về phía cô, đám cung nhân phía trước vẫn đang nói. “Mấy tháng trước chúa Ba vừa mất, Hiền phi thấy tang sự lại đau buồn.”

“Ba đứa con liền nối nhau, Hiền phi còn sức lực đâu nữa…” Người khác thở dài. Cô bỗng thấy tay áo mình bị giật nhẹ. Nguyễn Thị Bảo dường cũng vừa tới, cau mày ra hiệu, nắm tay cô kéo về điện.

“Chị ra đấy để người ta ngứa mắt thêm à?” Đứng ở cổng điện, Nguyễn Thị Bảo đẩy cô vào trong, gắt khẽ.

“Sao cô Viên lại mất?” Cô hỏi, vẫn chưa hết cảm giác hoảng hốt. Nguyễn Thị Bảo đưa mắt liếc qua phía Đông, mím môi.

“Sau khi sinh thì cô ấy đã trầm uất rồi.” Tiếng thở nghe như âm thanh khô khốc vang qua hàm răng hơi nghiến lại trước vẻ mặt mờ mịt của cô. “Cả năm rồi ngài ta đi tuần, đi chơi, đi mở tiệc, thắp đèn, xây chùa, làm vườn, lo đủ việc linh tinh. Chúa Ba bệnh nặng thì ngài ta mừng Thất tịch đốt đèn trong ngoài thành sáng như ban ngày, rồi bỏ đi Quảng Trị, lần này may mà không tiếp tục đi Quảng Nam giữa tang lễ con gái nữa vì nước lụt đấy. Em Viên sinh thì ngài ta còn đang bận xây cái vườn ở cung Khánh Ninh, chuẩn bị cả nửa năm trời, hễ rảnh thì ngài ta chạy ra Ngự Hà. Không bệnh chết thì cũng tức mà chết!”

Thấy có người đến, Nguyễn Thị Bảo vội rời đi. Cô đứng ở cửa, tay đặt lên ổ khóa lành lạnh, bỗng nhớ tới tiếng cửa lạch cạch đêm trước. Giọt nước mắt chầm chậm lăn trên má cô gái trẻ chỉ vừa qua đôi mươi. Vị nước mắt nồng trong căn điện đêm ấy, dằng dặc tháng năm quay quắt.

Phải làm sao đây, Ngọc Xuyến nức nở trong giấc say, thổn thức nơi đáy mộng. Tất cả những gì bọn họ có thể làm chỉ là nhớ thương. Chẳng làm sao được, dù có thương nhớ trăm ngàn, có quắt quay bao mùa hoa nở, có ngẩn ngơ bao buổi nắng trời, có xót xa bao bận thu về. Dữ quân cách bình sinh, cuộc đời này, họ đưa tay chỉ đón được khoảng trống vô cùng vô tận.

Trong khi đó, bọn Quách Tất Công lại đem một người nhà Lê khác là Lê Duy Hiển nổi loạn ở Ninh Bình. Nguyễn Quảng Khải lại trốn đi họp cùng bọn Nông Văn Sĩ quấy phá Tuyên Quang. Xiêm La lại đem Nặc Giun, Nặc Yêm về kêu gọi nơi biên giới. Trong khi đó, dòng nước lũ lên bất thường vào mùa hạ ở Bắc Kỳ cao đến mười bốn thước. Trong khi đó, những cơn bão cùng dịch bệnh lại quét khắp đất nước này. Những câu chuyện rời rạc vẫn trôi suốt tháng năm.

Đứng ở cổng điện, cô đưa mắt nhìn dòng người vội vàng chạy lại qua, như thể mới chợt nhận ra đã bao lâu mình không nhìn thấy họ, thấy lại cảnh tượng cung thành này. Đông qua xuân đến, đêm tan mộng tỉnh, nắng lại sáng rực bầu trời. Trời xanh vẫn như xưa, vẫn như xưa.

Dẫu ngàn ngọn đèn sáng rực lầu cao, dẫu ngàn chén say ngày thu muộn, vẫn chỉ là một giấc mộng tàn.

 

Chú thích:

[1] Hoài nội của Trịnh Hoài Đức

[2] Theo Khâm định Đại Nam điển sự lệ, trong lễ sắc phong năm 1836, sách văn của cấp Tần trở xuống đều do quan bộ Lễ viết sẵn theo mẫu, cấp Phi trở lên do vua chuẩn bị.

[3] Hành, vũ, cư, hoàng là ngọc kết trong tạp bội (dây ngọc đeo bên hông), trong đó hành là viên ngọc ngang trên đầu, dưới cột ba sợi dây. Trên sợi dây ở giữa kết một viên ngọc vũ, cuối sợi ấy treo ngọc xung nha. Hai sợi dây ở hai bên xâu ngọc cư và ngọc hoàng, cư trên hoàng dưới. Sợi dây này được kết để khi di chuyển, ngọc xung nha sẽ va chạm với ngọc hoàng kêu thành tiếng. 

[4] Nhớ nguyên tặng Chiêu nghi Hồ thị, cửa tướng danh môn, tư chất tú lệ như ngọc quỳnh, ngọc dao. Giữ nếp khuê môn nơi tiềm để, đức tốt cao truyền như ngọc hành, ngọc vũ. Cành thơm che bóng tốt tươi, vang phúc mừng con cháu đông đàn. Bấy lâu nay che giấu đi ánh sắc của kim điền, vẫn còn lưu hương ở trên đồng quản. Năm trước ban ân an ủi, đã kính cẩn tặng thêm để thành tín lệ thờ cúng thơm tho mãi mãi. Ngày nay cung giai mới định, vinh danh để càng rực rỡ thêm hương thầm, nên lại thêm chương cho ân trạch đều nhuần thấm. Nay đặc biệt tấn phong nàng là Thần phi, vẫn thụy Thuận Đức. Được mệnh vua yêu thương kính cẩn, nhận danh hiệu đẹp đẽ. Một chữ thêm tôn quý, càng xán lạn sự thanh sảng dưới suối vàng. Thiên thu hưng thịnh, ánh sáng nối đời lưu mãi. 

[5] Bài thơ Nghĩ thanh thanh hà biên thảo của Lương Vũ đế. Nghĩa: Ký ngụ ở vô hình, cách chàng cả cuộc đời.

[6] Trường hận ca của Bạch Cư Dị. Dịch nghĩa: Nếu như tâm cứng rắn như kim điền, người trên trời dưới đất có thể gặp lại nhau. Chữ ‘kim điền’ này được dùng lại trong sách phong ‘cửu bí kim điền chi thái’.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.