Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

103. Tam thiên phong nguyệt lưu ngâm thưởng
Trường An in "Minh nguyệt 3" October 25th, 2019
  1. Tam thiên phong nguyệt lưu ngâm thưởng, tiện sát khinh bồng Ấn chử chu[1]
    (Ba ngàn trăng gió ngâm thơ thưởng, sông Ấn khoan thai nhẹ cánh bồng)

 

Cuối tháng giêng năm Bính Thân, nội cung đặt lại thứ bậc cung giai. Nhà vua xuống dụ ‘Xét theo Chu lễ, từ phi tần trở xuống đều có chức vụ phải làm, có chức nữ quan đồng sử ghi lời chép việc trong nội cung mà gây thành nội chính. Đặc cách châm chước xưa nay, đặt ra chức nội quan có cửu giai, để cho ngọc cư, hoàng cùng họa đồ, sử sách có trật tự sáng sủa rạch ròi’.

Toàn bộ cung nhân, nữ quan được chia vào tám ban để làm công việc theo lục thượng. Mọi người trong cung lại lao xao bận rộn, Hạ kể khi đến thăm cô. Người biết chút chữ nghĩa thì làm Thượng nghi trông coi sách vở lễ tiết, người cẩn thận thì làm việc Thượng trân giữ châu báu, người biết nấu nướng thì vào Thượng thực lo bữa ăn, biết may mặc thì làm Thượng y, đến chẳng biết gì thì cũng vào Thượng phúc trông coi chăn đệm giường màn. Bấy lâu tuy trong cung vẫn chia việc làm nhưng lẫn lộn tùy ý, hiện tại hầu như phải kiểm kê lại từng món đồ dùng để chia đặt cho các Thượng. Những người được cử đứng đầu đang đề ra các phương cách quản lý, cung nhân trong các viện chạy quanh không để sót một cái chổi cùn khỏi mắt. Ngay cả các nữ quan cho đến cung nô, nội giám cũng bận rộn phân chia chức vị, việc làm.

Do đó, hiện tại thì họ chẳng để ý đến mấy tước phong ‘kỳ lạ’ mà Miên Liêu từng nói tới, cô thầm nghĩ. Đây quả nhiên là cách làm của nhà vua, ngài ta không cho quản lý theo giai tầng hay địa vị mà là phân công quản việc, biến lục viện thành lục thượng. Từ nay, cung nội này trở nên giống một công sở nho nhỏ mà chẳng một vật dụng, việc làm nào thoát khỏi cặp mắt kiểm soát lẫn nhau trong công việc đan xen của các viện, cũng hầu như chẳng còn ai có thể rảnh rỗi ngồi không. Người thư nhàn nhất sau này chỉ là Thái hậu, và có thể là cả nhà vua, để ngài ta tiếp tục làm chuyện kỳ quặc gì nối tiếp.

Nhà vua đã chẳng thay đổi tước phong nhiều như dự đoán, ngài ta giữ nguyên tên hiệu của Cửu tần, chỉ bỏ hẳn Tam chiêu và Tam sung, chia Cửu tần thành ba giai tam, tứ, ngũ, đẩy Tiệp dư, Quý nhân lên tiếp đó. Ngài ta thậm chí cũng chẳng đổi phong hào của Lục phi, hầu như chỉ lấy nguyên tên từ Cửu tần đưa lên. Ngoại trừ một vị trí duy nhất: Thần phi nằm cuối nhất giai.

Thần, vị trí của Bắc Cực tinh, đại diện cho hoàng đế. Thần phi, vị hiệu mà Đường Cao tông tạo ra cho Võ Mị Nương, được Tống Nhân tông dùng cho mẹ đẻ. Tuy đến thời Minh, phong hào này không còn quá cao quý, nhưng vẫn được dùng phong cho các cung tần xuất thân thấp để đưa họ sánh ngang với phi tử khác. Thanh Thái tổ dùng nó cho vị sủng phi Hải Lan Châu ở Quan Thư cung. Tại đất nước này, Trần Hiến Tông, Lê Thái Tổ phong vị Thần phi cho người chính thất của mình. Phong hào này càng trở nên đầy tranh cãi với Tuyên Từ Thái hậu, người được phong Thần phi và trở thành mẹ của Thái tử chỉ sau vài tháng nhập cung.

Phong hào lạ lùng này khi được Đường Cao tông chế ra đã bị toàn bộ quần thần phản đối, trong lịch sử hàng ngàn năm số người được phong cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay[2]. Hóa ra, sự tranh cãi âm thầm trong Đông các bao nhiêu ngày vốn chỉ xoay quanh một chữ.

“Mà cũng đâu phải chỉ bấy nhiêu ngày.” Cô nói khẽ, không để ý đến ánh mắt của Hạ. Thần phi, phong vị vốn để dành cho Võ Chiêu nghi. Trong khi ở hoàng cung này, bao nhiêu năm, ngoại trừ hai Cung tần ở trên, chẳng có ai lên được tới Tam chiêu – những tước hiệu đã bị nhà vua bãi bỏ[3]. Ngài ta vốn coi trọng danh thế, và đã bỏ trống vị trí này, không cho một ai chạm đến. Có lẽ để đợi đến ngày hôm nay.

Dù chưa có sắc phong, nhưng cô nghĩ mình đoán biết được phong hào ấy dành cho ai. Nhiều người xung quanh có lẽ cũng đã đoán định được ý nhà vua, tuy nhiên vì ngài ta chưa lên tiếng, chẳng ai có thể cất lời trước. Ngài ta ném ra cái trật tự mới cho cung nội, bắt họ sắp đặt tuân theo, âm thầm chấp nhận cả những phong hào kia, trong khi vẫn chưa tỏ một ý gì. Và tước vị Hiền phi nằm giữa nhất giai kia cũng như một lời hứa hẹn để khống chế bất cứ sự lo sợ nào. Sau hàng ngàn năm, phong hào vô song ‘xưa chưa từng có, không thể phong’[4] đã mất đi phần nào sự cao quý, chỉ thể hiện chút yêu thích đặc biệt của vài ông vua. Ngài ta cứ việc yêu thích bất cứ ai, trong cái trật tự đáng ra nên có.

“Hoàng thượng dạo này thế nào rồi?” Cô quay sang hỏi Ngọc Xuyến bên cạnh Hạ. Ở nơi này, chỉ còn Ngọc Xuyến là người bên ngoài có thể gặp gỡ cô. Ngọc Cửu vì là vợ của Lê Hậu nên cũng đã bị giữ lại ngoài cửa Tiên Thọ, vạn ánh mắt dõi theo từng bước.

“Vẫn thế.” Ngọc Xuyến miễn cưỡng trả lời, trong giọng lại mang ẩn ý khác. “Sau khi truy luận tội nhà em xong, ngài ấy đổ bệnh, lễ tế Xuân hưởng phải nhờ hoàng Cả làm thay, đến duyệt binh đầu năm gặp mưa cũng bãi bỏ. Nhưng vừa rồi lại ầm ĩ một trận, Phan Thanh Giản bị cách mất toàn bộ chức tước, bắt làm thuộc viên lục phẩm khổ sai ở Quảng Nam rồi.

“Hoàng thượng định đi tuần du Đà Nẵng vào trung tuần tháng năm này, nhưng Phan Thanh Giản đang làm Bố chính Quảng Nam nghe thế thì trong tập thỉnh an có cản, bảo năm nay mùa màng Nam Ngãi không tốt, mùa hạ đang lúc cấy gặt, xin vua đình lại để dân chúng chú tâm làm việc đã.” Trước ánh mắt thắc mắc của cô, Ngọc Xuyến giải thích. “Hoàng thượng nghe thế không hiểu sao lại nổi giận, bảo ngài đâu có đi chơi, tuần du là để xem phong tục, trị an của vùng đất, ban thưởng cho dân, đồ đạc hành cung đều tỉnh giản tối đa, trả tiền mà làm. Phan Thanh Giản can thế có phải là do lười nhác không sửa sang công việc, sợ vua đi tuần phát giác ra tội hay không? Vậy nên ngài phái quan Ngự sử đến điều tra cả vùng, bắt được mấy tay làm việc tham ô bê trễ, thế là tội quàng lên đầu Phan Thanh Giản cả.”

“Thế chẳng phải quét nhà ra rác sao?” Nghe chuyện, cô nửa như muốn cười. Ngọc Xuyến cũng làm một vẻ mặt bất đắc dĩ.

“Ngay từ đầu tháng hai, trời vừa hết lạnh, người vừa khỏe khoắn hơn, hoàng thượng đã liên tục bỏ đi tuần du rồi. Lúc thì ra Thuận An, lúc thì đi chơi sông Lợi Nông mấy ngày mới về, không thì cũng dạo quanh thành xem diễn tập voi, đi tế Nam Giao, Thanh minh, đem cả tấu sớ, tập thỉnh an của các quan theo để duyệt trên đường. Mới đầu năm mà ngài đã định tuần du Quảng Trị, Quảng Nam, Tư Dung, bảo các quan dựng hành cung khắp nơi. Nghe nói còn đang định làm cái ấn chuyên dùng lúc đi tuần du đấy. Quảng Nam cũng đâu xa nơi này, hẳn Phan Thanh Giản phong thanh nghe chuyện nên mới cản, lúa má cũng chỉ một phần thôi.” Ngọc Xuyến nhẹ thở ra. “Mà vào tháng hai, Trương Đăng Quế, Nguyễn Kim Bảng, Tôn Thất Bạch được cử đi kinh lý Nam Kỳ cả rồi. Đặng Đức Thiệm thì đi làm Bố chính Quảng Ngãi. Khắp nơi phải đo đạc cân lường lại, đến cân cũng vừa làm mới, vậy là trong Kinh này chẳng còn mấy ai. Thái hậu vừa than thở bảo, bây giờ muốn nhờ người khuyên can ngài ngự mấy câu cũng không biết tìm ai. Có Hà Tông Quyền tuy thân thiết nhưng cũng vào hùa xúi bẩy ngài nhất.”

“Tôn Thất Bạch, Đặng Đức Thiệm chẳng phải là Tả, Hữu Thị lang Lễ bộ à?” Cô lại hạ giọng lẩm bẩm. Lễ bộ chỉ còn Thượng thư là Phan Huy Thực, Tham tri Hà Tông Quyền, và Hoàng Quýnh kiêm nhiệm chức Thị lang, giờ thì cô đã hiểu tại sao lại có phong hào kỳ lạ ấy trong cung giai.

Liệu nhà vua đang tìm cách đẩy đi những vị quan có tiếng nói nhất trong triều, có ảnh hưởng mạnh nhất với cả ngài ta? Trong cuộc chiến vừa rồi, hẳn Thượng thư Binh bộ Trương Đăng Quế đã đóng góp không ít cho những quyết sách, cách làm của nhà vua, thúc đẩy ngài ta đi tới mà hạ bớt tính do dự dễ thay đổi. Trương Đăng Quế trước đây là Giáo đạo của các hoàng tử tước công, một người khôn ngoan cẩn trọng, có thể là quá cẩn trọng. Và ông ta vừa rời đi, nhà vua đã gần như ngay lập tức làm nên chuyện mà viên quan thân thiết với ngài ta ở tận Quảng Nam cũng không vừa mắt nổi.

Nhà vua trừng phạt Phan Thanh Giản hẳn chẳng phải vì điều anh ta nói, mà là cho rằng anh ta ngầm chê trách, kiếm chuyện chống đối. Đồng thời thông qua Phan Thanh Giản, khiến mọi kẻ phải im lặng trước ý muốn của ngài ta. Một phương cách mà ắt ngài ta đã nhanh nhảu học lại từ người bạn Nguyễn Đăng Giai ở xa ngàn dặm.

Cũng như cung nội hiện tại, toàn đất nước đang phải thanh tra, kiểm kê, đo đạc lại, và nhà vua vừa ném công việc cho họ, vừa lẳng lặng tìm cách bỏ trốn khỏi hoàng thành.

“Phải đấy.” Có vẻ như hiểu ý cô, Ngọc Xuyến nhợt nhạt cười. “Nhưng lúc nghe chuyện cung giai, ta còn nghĩ hoàng thượng hẳn phải hăng hái vui vẻ lắm, chẳng ngờ sau đó ngài lại…”

“Quyền lực chẳng phải để làm thứ mình muốn à?” Cô bỗng nói. Thấy trong mắt Ngọc Xuyến ánh lên, như thể phản chiếu bóng lá xanh phất phơ dưới nắng.

Lang thang khắp nơi, phiêu dạt trên những chiếc thuyền bồng bềnh giữa khoảng trời nước, nghe tiếng người xôn xao những câu chuyện lạ, leo lên những ngọn núi cao ngắm mặt trời và bóng chim lượn theo ngọn gió, đó mới là cậu ta của năm xưa. Đi theo người mình muốn, chạy theo một bóng dáng mỏng manh dưới nắng mặt trời, mặc cho bao ngọn roi quất xuống, tin tưởng ngây thơ và khờ dại vào vĩnh hằng cùng trong sạch, đó mới là cậu ta chân thực nhất.

Dẹp yên những cuộc chiến loạn đẫm máu, bình định toàn đất nước, truy luận tội của hai vị quyền thần, diệt trừ tất cả phe cánh cùng tàn dư, nắm lấy toàn bộ quyền lực. Và bỗng nhiên, ngài ta tìm cách bỏ đi. Nhà vua vẫn tỏ ra siêng năng chăm chỉ, lo lắng từng công việc nhỏ, nhưng từ nhiều tháng trước cô đã cảm thấy sự lơ đãng trong ngài ta. Vài tháng trước, khi vẫn chưa bị giam giữ, cô đã nghe tiếng rì rầm của các quan trong điện Quang Minh về những tập thỉnh an cuối năm, đặc biệt là chuyện dòng sông Cửu An ở Hưng Yên. Hai năm trước, sau khi đê điều Bắc Kỳ đồng loạt vỡ, tỉnh thần định thử nghiệm đình việc đắp đê Hưng Yên, theo dòng nước lũ phá ra biển mà đào sông Cửu An. Sông này huy động sức người ba tỉnh, đào mấy năm vẫn chưa xong, dù có thể thoát nước cho vùng thượng lưu nhưng cũng khiến các huyện trũng thấp hai bên bờ sông bị ngập, phải làm đê chặn nước vụ mùa. Các quan đi kinh lý tiếp tục đề ra nhiều phương cách, thậm chí Nguyễn Công Trứ xin tiếp tục đào thêm đến mười ba ngàn trượng sông, và nhà vua chỉ lắc đầu. Với các công trình được bàn khởi công vào mùa xuân năm tới, ngài ta bảo đình lại gần như tất cả.

Các công trình huy động hàng vạn người, hàng vạn quan tiền, nhưng vẫn như muối bỏ bể. Với hệ thống sông ngòi và những con đê chằng chịt, một dòng sông với hy vọng thoát nước cho thượng nguồn lại làm ngập hạ nguồn. Cửa sông mở ra để toàn sông Cái rót vào, cả vùng trở thành nơi chứa toàn bộ sức nước của sông ngòi Bắc Kỳ. Những lời bàn tiếp tục khơi đào sông bắt đầu dao động, trong khi đê vẫn phải tiếp tục xây đắp. Đã xây đê lên thì không thể bỏ, họ nhắc lại lời cổ văn. Cái sai của người xưa vẫn phải nhắm mắt mà làm theo, mà vật lộn với hậu quả ngày càng dữ dội, khi một con sông nhỏ vẫn chẳng thể đủ, sức người lẫn thời gian chẳng thể đủ, khi họ vẫn đang thử nghiệm trên nơi con người đang sống, trên cuộc đời của muôn vàn người.

Dân chúng Bắc Kỳ mỗi năm hộ đê đến quá nửa năm, Nguyễn Công Trứ nói, trong sự nao núng mệt mỏi của con người. Nhưng một con sông nhỏ cũng phải mất đôi ba năm mới hoàn thành, với kết quả đầy may rủi. Những kế hoạch lớn hơn bị cất lại sau cuộc chiến, ‘không thể nào làm được đâu’, chính nhà vua bảo. Cách dễ dàng nhất lại là đắp dần dần lên những đoạn đê ngày càng cao càng vững, và hy vọng với ông trời.

Không có phép lạ cho bọn họ, cho ngài ta. Thế gian này vẫn cứ chảy trôi, cứ sụp đổ và tan nát trong những loạn lạc cũ kỹ, những chuỗi bi kịch sai lầm cũ kỹ. Ngài ta vẫn cứ kêu gọi, đe dọa, sửa sang, chỉnh đốn mọi thứ, trong nỗi thất vọng âm thầm và sự lơ đãng chính bản thân không thể kiềm chế nổi. Thứ ngài ta muốn, thực sự muốn, hóa ra lại chưa bao giờ nằm ở tòa thành này.

“Em nghĩ có ổn không?” Khi Hạ đã cáo từ rời khỏi, Ngọc Xuyến vẫn lưu lại, hạ giọng hỏi. Cô nhìn lên bầu trời cuối tháng ba, nắng xanh ngập trong mắt.

“Bây giờ là lúc tốt nhất đấy.” Cô cười khẽ. Khi nhà vua đã khiến tất cả phải im lặng, không còn một ai dám chất vấn ngài ta. Cuộc truy luận tội hai vị quyền thần có thể cũng chỉ là thử nghiệm quyền lực cho ngài ta. Ngoại trừ Lê Văn Hán, những cái án trảm giam hậu vốn có thể thay đổi bất cứ lúc nào vẫn treo lơ lửng, vừa đủ cho cả những hận thù và do dự, vừa đủ cho ngài ta xác định quyền quyết định của mình. Và hiện tại, nhà họ Hồ không còn ở vị trí của chục năm trước, khi ngài ta phong Hồ Thị Hoa làm Chiêu nghi vẫn phải ghi ‘đặc mệnh’. Trong loạn lạc ở phương Bắc, Hồ Văn Lưu đã tích cực tham chiến dù bị nhà vua ngăn cản. Sau lần lên Cao Bằng, anh ta đưa vệ quân của mình từ Hà Nội tới Sơn Tây truy diệt thổ phỉ trong chiến thắng mà thậm chí quan tỉnh huyện thoạt đầu không dám báo tên anh ta về cho nhà vua[5], đủ cho Hồ Văn Lưu trở thành Vệ úy Cấm binh đường đường chính chính. Đủ để anh ta trở lại kinh thành với vị trí của tướng quân lập được công lao trong cả hai trận chiến then chốt ở Bắc Kỳ.

“Không, ta nói là em.” Ngọc Xuyến lắc đầu. Cô lại nhíu mày như không hiểu.

“Nhìn chuyện Phan Thanh Giản chị không biết sao?” Cô cười khẽ. “Chẳng mấy mà anh ta lại được phục chức thôi.”

Ngài ta bảo ‘chẳng thèm gia hình nắm xương khô trong mả’, và cũng chẳng cần mạng bất cứ ai trong bọn họ. Ngài ta chỉ cần treo cái án lên đầu những người trong ngoài hoàng thành này, để thực hiện được điều ngài ta muốn. Cuộc kinh lý Nam Kỳ đã được bắt đầu, và ngay cả sự phong tiến cung nội bây giờ cũng nằm trong thử nghiệm quyền lực của ngài ta.

“À…” Ngọc Xuyến như có điều định nói, nhưng rồi chỉ lắc đầu rời đi. Cô trở vào trong nhà, ngồi xuống bên bàn, lơ đãng lật mở cuốn sách cũ. Cuốn ghi chép của Toản Phu mà hôm nào lính đến khám xét đã lôi lên từ đáy rương hòm. Hiện tại, trong ngôi điện này chỉ còn có sách, và cô lại miên man đọc chúng qua ngày. Dòng nước dữ vẫn đang trôi ngoài cổng điện, được những người đến thăm báo lại, nhưng chỉ cần hai cánh cửa vừa đóng, cô như đã quên bẵng chúng.

‘Chất và Duyệt tội cũng như nhau’, nhà vua nói trong lời tuyên án cuối cùng, xử Chất cũng như xử Duyệt, và chỉ có nam đinh chủ chốt trong nhà bị bắt giam. Cái án của mẹ cô cũng nhanh chóng quyết định xong, khi bà nhắm mắt nhận toàn bộ tội danh của chồng, chịu kết tội như con trai. Chẳng tìm được chứng cứ nào khác ngoài vài vạn quan tiền trong nhà vốn chẳng phải là số tài sản lớn với một vị Tổng trấn, mọi kẻ đành im lặng. Ngôi điện này trở thành nơi giam giữ cô, khi người ta không thể đưa cô ra ngoài tống vào nhà ngục Hình bộ.

Trong khi cô hiểu rõ, với bọn họ, chẳng thể nào ‘tội Chất cũng như Duyệt’. Trong triều này vốn chẳng thiếu người vẫn cảm thấy oan ức thay cho Lê Văn Duyệt, vị tướng vẫn tỏ ra chính trực thẳng thắn đến mức nhiều khi thô lỗ vô tâm. Tất cả do Lê Chất, họ thì thầm. Trần Nhật Vĩnh vốn là Tri phủ Quốc Oai, hẳn do chính Lê Chất đưa đến cho Tả quân. Năm xưa Lê Chất đi kinh lược Thanh Nghệ, làm Tổng trấn Bắc Thành, vốn đã có ý lập bọn hào mục làm quân nhưng bị Thế Tổ bác bỏ. Và chính những kẻ ấy được giới thiệu lại cho Lê Văn Duyệt. Kẻ bên ngoài nhìn thấy Lê Chất làm tay chân của Lê Văn Duyệt, biết đâu là ngược lại, vị Tả quân ít học chỉ là công cụ của tên gian thần kia. Hắn ta một mặt kích động Tả quân mâu thuẫn với nhà vua, một mặt ra vẻ như giảng hòa, đưa con gái vào cung nội làm thế lực. Lê Văn Duyệt đã theo Thế Tổ từ những ngày khó khăn gian khổ nhất, chưa từng có ý rời bỏ phản bội, nhưng nhà vua sẵn sàng dùng muôn lời kết tội ông ta mưu phản. Quyền lực của nhóm người Thanh Nghệ ở Gia Định cũng chỉ là một phần của một mạng lưới bao khắp đất nước – tất cả đều liên quan đến Lê Chất. Hắn mới là đầu sỏ của mọi sự, nguyên nhân khởi đầu của mọi việc.

Những tiếng rì rầm vẫn không dứt, và có lẽ càng không nguôi đi với việc sắc phong nội cung sắp diễn ra. Phản ứng của nhà vua với bất cứ ai dám ra mặt chống đối ngài ta, toan tính đẩy tất cả trọng thần đi xa, có lẽ cũng chỉ là kết quả của muôn vàn tranh cãi ngấm ngầm khác đã xảy đến. Như nước, cơn sóng nọ nối tiếp đợt sóng kia, xô đẩy hòa trộn lẫn nhau, mọi điều đều có thể là nguyên nhân.

Cuối năm ngoái, nhà vua đã cho tông thất trong kinh thành lãnh trước lương năm sau. Ngài ta còn định mở đàn chay tế tôn thân, đình lại hầu hết công trình lớn phải làm. Cô thầm nghĩ khi lật các trang sách đã hơi ố vàng. Khi quay về với vị trí của một nhà vua trong hoàng thành, ngài ta lại đã âm thầm lên kế hoạch cho tất cả. Có lẽ ngài ta không định bỏ trốn, nhưng đã chẳng có điều gì giữ ngài ta lại được bây giờ.

Tự do, suốt cả cuộc đời, đến lúc này hẳn Nguyễn Phúc Kiểu mới manh nha cảm nhận được điều đó trong ngọn gió. Đây là điều ngài ta muốn, một đất nước điều hành bằng luật lệ, lễ giáo, đạo đức ‘kẻ sĩ giữ mình trong sạch, rèn luyện để trở thành tài kinh bang tế thế; người làm nông ra sức cấy cày để tích trữ được dồi dào; người làm thợ cố để nghề thêm tinh xảo; người đi buôn thì làm lụng cần cù để tiền của thêm phong phú; việc gì trái với nghĩa lý, nhất định không làm’. Đây là điều ngài ta muốn, cho cô ấy một danh vị mà không cần phải núp dưới bao nhiêu vai trò cùng con người khác, nói về tình yêu thuở ấy mà không chút ngại ngần. Thậm chí, thoát khỏi nơi đây, khỏi toàn bộ con người.

Cô rời mắt khỏi trang sách, quay đầu nhìn nắng rơi trong sân. Chỉ vài tháng không có người dọn, cỏ bắt đầu mọc khắp các kẽ đá. Mấy hạt giống rau cô xin của cung nữ cũng đã mọc xanh khoảng sân ngoài. Cành chè cô cắm xuống đã thành cái cây nhỏ. Cuối mùa xuân, đã nghe tiếng chim ríu rít khắp bầu trời.

Thật là yên tĩnh, cô thầm nghĩ. Những tháng này, cô không phải đi làm lễ tiết khắp các miếu đền, không phải xếp hàng theo ban ngày ngày đến lạy ở cung Từ Thọ, thậm chí không cần phải cố nhớ tên hiệu một người đi qua để mà đáp lễ. Bà cô ngày ấy nhất quyết trở về quê nhà, mỗi ngày ngồi trong sân chơi với mấy con chó con mèo, nói mấy câu chuyện phiếm với người quen biết, và nhìn mưa gió trôi qua bầu trời – có lẽ cũng như cô bây giờ. Có lẽ, trong thứ vinh quang tột cùng của cuộc đời, bà lại cảm thấy cõi lòng mình đã hoàn toàn bình lặng. Vẫn là bà kiêu ngạo chua chát, ồn ào cay nghiệt, vẫn là bà, lặng lẽ âm thầm nhìn thời gian trôi qua.

Trong tay cô, cuốn sách cũ từ tháng năm nào rung động trong gió thổi vào. Sông dài biển rộng, cánh chim bay từ thuở hồng hoang, giấc mộng cao vời trên tầng mây vạn trượng, tất cả vẫn như xưa, vẫn như xưa.

Một giấc mộng nằm giữa khoảng thời không huyễn ảo, rơi theo giọt nắng xuân năm ấy, thành những vòng sóng im lìm.

 

Chú thích:

[1] Tặng Lê Ngưng Phủ của Tuy Lý vương

[2] Trong lịch sử Trung Quốc, chỉ có 7-8 người được phong hiệu Thần phi (Võ Mị Nương không rõ có được phong Thần phi hay không do sự phản đối của quần thần).

[3] Theo Thực lục, năm 1832, khi định lương tháng cho cung tần, ngoại trừ Hiền tần thì chỉ có Tiệp dư trở xuống.

[4] Theo Cựu Đường thư, khi Đường Cao tông muốn phong Võ Chiêu nghi làm Thần phi, quần thần viết biểu can ngăn “Thần phi cổ vô thử hào, sự tương bất khả”.

[5] Tháng 6 năm 1834, nhóm Lê Văn Bột, Nguyễn Văn Nhàn tập hợp 6,7 ngàn người đánh Sơn Tây, quân triều đình tập hợp đánh lui ở Bổng Châu, nhưng quan tỉnh báo tin ban đầu không có nhóm quân của Hồ Văn Lưu. Đến tháng 8, sau khi Lê Văn Đức trở về Sơn Tây, báo tin Hồ Văn Lưu có mặt, thì tấu sớ tiếp theo mới tâu Hồ Văn Lưu tham chiến ở Bổng Châu. 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.