- Thi thành nhất bức thiên sơn tịch, cô hạc hoành giang lược tiểu chu[1]
(Thơ thành thì cảnh núi non đã lặng ngắt, bóng hạc lẻ loi bay ngang sông trước thuyền con)
Tháng mười hai năm ấy, khi những tập tâu của các Tuần phủ, Tổng đốc về vụ án Lê Văn Duyệt đã ngã ngũ, Thị lang Lê Bá Tú tiếp tục dâng sớ tham hặc cố Tổng trấn Bắc Thành Lê Chất. Sớ này được giao xuống cho quần thần đình nghị, Lê Chất bị xử truy đoạt bằng sắc, bổ quan tài phanh thây bêu đầu. Vợ là Lê Thị Sa xử trảm quyết. Con trai, cháu trai cùng họ phải trảm quyết. Phụ nữ trong nhà phát phối làm nô. Toàn bộ gia sản bị tịch biên.
Theo lệnh nhà vua, bản án đình nghị cũng được sao phát cho các Tuần phủ, Tổng đốc, Tướng quân Trấn Tây thành. Lần này phản ứng của mọi người lại càng sôi nổi hơn so với khi nghị án Lê Văn Duyệt. Tổng đốc Nguyễn Công Trứ xin gộp thêm tội tự tiện mộ hai vạn binh ngầm dựng phe cánh để tiếp tục nghị xử, Tuần phủ Hưng Yên là Hà Thúc Lương cho rằng Lê Thị Sa biết rõ âm mưu của chồng, phải tội lăng trì. Hộ phủ Định Tường Trần Văn Tuyên xin chém cả người cháu chú bác là Lê Cương, Hộ phủ Quảng Yên Lê Dục Đức tâu phải giam cầm cả những cháu trai còn nhỏ.
Tháng cuối năm ấy, sau đình nghị, phủ đệ nhà họ Lê đã bị tịch biên niêm phong, đàn ông bị bắt vào ngục Hình bộ. Ngay trong đêm, Thái hậu cũng gọi cô tới cung Từ Thọ.
Tới nơi, cô im lặng quỳ dâng lên cho Thái hậu hộp sách phong. Bà ra hiệu cho Hiền tần Ngô Thị Chính đứng hầu phía sau đến nhận lấy, chuyển cho cung nữ đặt ở bàn bên.
“Hiện thời vẫn chưa quyết án, con cứ ở điện cũ, chỉ rút những người hầu cận ra ngoài, các khoản lương thưởng đều hủy bỏ. Ta được biết thì những việc con đang quản cũng đã làm giấy tờ giao lại cho người khác cả rồi.” Thái hậu dùng giọng như thể bàn công việc nói với cô. “Ta đã nói chuyện với Miên Liêu, nó bảo việc bên ngoài nó có thể lo được, con ở trong điện chỉ cần đóng cửa yên ổn chờ tin.”
“Bẩm, bao giờ Thị vệ đến điện lục soát để thần cho người sang viện khác lánh tạm ạ?” Cô cũng dùng giọng tương tự mà hỏi. Thái hậu làm một cử chỉ như thể không thoải mái lắm.
“Người nhà ta đáng lẽ không làm đến cách ấy. Nhưng mà… con hẳn cũng nghe rồi, hoàng thượng trước đình nghị đã bảo là tha cho con gái đã lấy chồng, cháu trai còn nhỏ. Cuối cùng vẫn không ai nghe cả.” Thái hậu sâu kín thở dài, cô vẫn điềm đạm gật đầu.
“Vâng, vậy thần sẽ bảo người trong điện để tất cả đồ đạc lại giúp kiểm kê dễ dàng hơn.” Sau khi tịch biên gia sản nhà cô, moi móc đến từng tờ tâu, sắc cũ, nhất định họ phải tìm tới nơi ở của cô, hy vọng có thể phát hiện ra một âm mưu hay sự thông đồng nào. Thái hậu đã nhìn ra việc này trước đó, nên mới ngăn cản mẹ cô vào cung gặp cô suốt ba năm. Trong những hoàn cảnh phức tạp khó khăn, bà thường tỏ ra sáng suốt khôn khéo hơn con trai mình.
Khi đưa tờ tham hặc của Lê Bá Tú xuống đình nghị, nhà vua đã nhanh chóng rào trước đón sau ‘Chất khi còn sống manh tâm phi pháp, đến người thân thuộc còn biết là không phải, ai mà không căm giận, nhưng sợ thế lực của hắn mà không ai tố cáo. Nay không cần tra cứu dây dưa làm lây đến kẻ vô tội, đình thần chỉ theo mười sáu tội bị tham hặc mà khép tội bản thân Lê Chất, nghị xử vợ con hắn theo luật. Duy con gái đã lấy chồng và cháu trai còn nhỏ dại đều miễn tội’[2]. Ngài ta hẳn đã thấy vụ truy luận tội Lê Văn Duyệt trước đó đã lây lan ra rộng như thế nào, khi toàn bộ quan viên do Lê Văn Duyệt tiến cử, thân tín của ông ta đều bị truy đoạt bằng sắc dù còn sống hay đã chết. Nghị án của Lê Chất đưa đến cho cả Trấn Tây thành, nơi có Lê Đại Cương do cha cô tiến cử - nhưng cô nghĩ, lần này thì ông ta chẳng dám nói điều gì, ít nhất là trong tập tâu công khai với triều đình. Lần này, nhà vua lại một lần nữa thấy được lời nói của mình chẳng có sức nặng nào.
Không chỉ những cháu trai còn nhỏ, ngay cả người cháu chú bác Lê Cương vừa qua mười sáu tuổi vẫn bị xin xử trảm chỉ vì là hàng thân thuộc phải để trở một năm. Một phụ nữ như mẹ cô vẫn bị đòi lăng trì xử tử. Tất cả dường như đang bày tỏ nỗi phẫn khích của mình – đặc biệt sau khi nhà vua tuyên án Lê Văn Duyệt: Chỉ san bằng mộ Lê Văn Duyệt, tha cho toàn bộ đàn bà con gái trong nhà, riêng có Lê Văn Hán bị cực hình, anh em đều tuyên án trảm giam hậu, tha cho những đứa cháu nhỏ. Vốn đâu phải tự dưng Hộ phủ Lạng Bằng Trần Huy Phác lại có phản ứng mạnh mẽ như thế, ông ta chính là Án sát Lạng Sơn đã trừng trừng mắt nhìn thấy thành Cao Bằng hai lần bị chiếm, Bùi Tăng Huy tự sát bi thương, đồn Bắc Cạn bị thảm sát, những quan tướng, chúng dân lần lượt bỏ mình trong chiến trận. Nỗi hận của nhà vua với hai vị quyền thần có thể còn chẳng bằng bọn họ. Nỗi thù hận do chính ngài ta khơi tạo, đốt lên, đã cháy bùng trong lòng mọi người sau cuộc chiến thảm khốc.
Nhưng con trai Lê Văn Yên là cháu ngoại nhà vua, Lê Văn Duyệt vẫn là công thần Vọng Các, đại tướng Bình Tây công tích không thể xóa nhòa. Trong mắt nhiều người, các hành vi ngông nghênh vượt phép của võ tướng chẳng phải là điều lạ. Chỉ Lê Chất – một kẻ gian giảo có tiếng, bán cha phản chúa, lật lọng hai lòng, dã tâm khôn xiết – mới là gian thần âm mưu bội nghịch đáng tội và đáng sợ hơn ai hết. Khi con gái ông ta đã là vị cung tần địa vị cao thứ hai của nội cung, sinh cháu trai cho hoàng tộc, và theo lời đồn đại – đã khiến nhà vua bỏ qua những hành động ngông cuồng, khiến nhà vua đưa các em trai vào trận lập công trong tình thế hiểm nguy. Sớ tham hặc của Lê Bá Tú nhắc đi nhắc lại Hoắc Quang, Dương Kiên, chĩa thẳng mũi tên vào hậu điện.
Nhà vua hẳn đủ khôn ngoan để không lên tiếng bảo vệ cô cũng như người họ Lê, nhưng ngài ta thường tự cho mình thông minh trong những trò loanh quanh trốn tránh. Ngài ta vừa muốn truy tội hai vị quyền thần, triệt bỏ tất cả quyền lực, thế lực còn sót lại, vừa không muốn phải đại khai sát giới với ngay chính thân thuộc của mình. Hoặc ngài ta lại vừa đổi ý. Những thân nhân của đầu mục trong thành Phiên An bị án trảm quyết vừa được nhà vua chuyển thành trảm giam hậu, con trai của Nguyễn Văn Thành vẫn bị giam trong nhà ngục. Ngài ta muốn gì, nhiều lần cô phải tự hỏi, nhưng không có cảm giác ngạc nhiên.
Nên cô bình thản đem sách phong đến nộp trả cho Thái hậu ngay khi nghe gọi, bình thản nói về các buổi khám xét và truy đoạt, những cách đối xử không hề nhân nhượng hay khoan dung. Cô không hỏi về người nhà như thể chẳng hề liên quan đến họ. Cô tỏ ra chẳng hề quan tâm đến việc nhà vua đã lên tiếng bảo vệ trước cho một số người nhà cô. Cuối cùng, Thái hậu có vẻ như không dò hỏi được thêm ở cô, liền phái Ngô Thị Chính theo cô về điện lấy lại mũ áo được ban khi trước.
Ra khỏi chính điện, cô đưa mắt nhìn qua bóng tối chập chờn trong vườn, chợt quay đầu bảo Ngô Thị Chính.
“Còn sổ sách của nhà tằm vẫn để trong ấy, tôi đưa cho chị luôn thể.” Vừa nói, cô vừa bước về phía căn nhà tối sẫm. Ngô Thị Chính vào theo, cầm đèn soi cho cô tìm cuốn sổ dưới mấy cái nong.
“Sau này có ai quản nhà tằm thì đừng cho họ nuôi giống tằm trắng vội. Giống tằm này từ Trung Quốc đưa về, kén chọn thời tiết và cách chăm, người không rành chẳng nuôi được lại có lỗi.” Cô vừa lật nong tìm vừa nói. Ngô Thị Chính nhìn qua cô, chợt như mỉm cười.
“Không cần lo lắng thế, ngài ngự không để cô chết đâu.” Ánh mắt thậm chí còn thoáng vẻ mỉa mai khi nhìn ra cửa. “Có khi cô cũng chẳng bị giam ở đó lâu đâu.”
“Ngài ấy thích Lê Hậu…” Nghĩ Ngô Thị Chính nói về chuyện các em, cô ngẩng đầu đáp. Nhưng tiếng cười mỏng manh trả lời cô.
“Một người vốn ghét con gái đại quan lại đưa Nguyễn Thị Viên vào đây để làm gì, từ lúc ấy cô chẳng hiểu à? Cô và con trai cô là chướng ngại lớn nhất trong hoàng cung này, và để không phải loại bỏ cô, ngài ngự đưa con gái tướng quân nhất phẩm vào. Từ lúc đó, Lê Hậu em trai cô mới được đưa đi làm việc lập công, chẳng may cậu ta bất hạnh qua đời. Cậu ta được gửi tới cho Tạ Quang Cự, người rất có cảm tình với cha cô. Cô nhìn những Phò mã được ngài ngự sử dụng, có ai không thăng tiến, danh vọng cao ngất? Đó là cách đối xử với dòng dõi quyền thần mà ngài ấy căm ghét à? Một dòng dõi quyền thần có đứa cháu trai mầm mống gây loạn bất cứ lúc nào?” Ánh đèn lay động khi Ngô Thị Chính đi lại trong nhà tằm, ngắm nhìn mấy giàn tre, giọng nói vẫn điềm đạm nhỏ nhẹ. “Em trai ta bao nhiêu năm chỉ là Cai đội Dực bảo hầu phủ đệ hoàng tử, trong khi ta làm gì được ngài ấy? So với dòng họ cô, nhà ta lại đáng sợ, đáng dè chừng hơn à?”
“Nếu bọn người của Lê Văn Duyệt không gây họa, thì mọi việc cứ yên ổn qua đi, cô cứ ở đây, ngoài thì đã có anh em phụ giúp, trong thì có Nguyễn Thị Viên che đỡ. Dẫu con trai không phải trữ vị thì cũng là công hầu, cô không phải chính cung thì vẫn được trọng vọng tôn kính. Ngài ấy vì cô mà tốn tâm tư nhiều đấy.” Khi cô vẫn không lên tiếng, Ngô Thị Chính nhón tay nhặt một sợi tơ vương, cười nói. “Ngay cả nhà tằm này, ngài ấy làm ra không phải vì cô à?”
“Chị nghĩ nhiều quá rồi.” Cô bật cười khẽ. “Ngài ấy yêu thích em Viên như vậy…”
“Yêu thích? Con gái tướng đội Thị trung, công thần Vọng Các, công thần tiềm để, công thần Bình Định, thậm chí là con gái nhà lương dân hầu hạ trà nước, người trong cung này ai chả thế, thứ ‘yêu thích’ nào của ngài ta chả thế? Ba chị em nhà họ Đỗ, con của nhà công thần vô tự nên được đưa cả vào cung. Nguyễn Thị Khuê con công thần tiềm để mất sớm, nhà nghèo nên vừa cấp gạo cho con trai, vừa nạp con gái. Nguyễn Thị Bảo nhà cũng vô tự, bơ vơ không nơi nương tựa. Cả đám người ấy vào cung, im lặng mà hầu ngài ta, không dám nói sai một câu, không dám ho lấy một tiếng. Im lặng mà làm cái bóng xung quanh ngài ta.” Đến lượt Ngô Thị Chính cười. “Thậm chí, cái gì là ‘yêu thích’? Vì chức vị của cha cao nên được đặt tên lên đầu bảng để gọi tới thường hơn, không như những người bị vứt bỏ nhớ nhớ quên quên đấy à?
“Một người hơn chục năm chỉ bước vào lục viện một lần khi có đứa con trai mình thích bị bệnh suýt chết[3], cô xem yêu cái gì ở đây?” Tiếng cười nghe còn lạnh hơn gió mùa đông ù ù thổi bên ngoài căn phòng kín. “Mà cô thì ở đâu trong hoàng cung này?”
“Tôi cũng không biết.” Cô lạnh nhạt đáp, đưa cho Ngô Thị Chính cuốn sổ vừa tìm được. Cô ấy mở cửa đi ra, đưa sổ cho cung nữ đem vào cung Từ Thọ. Chỉ còn hai người bọn cô quay trở về lục viện, tới điện của cô. Thấy Ngô Thị Chính, hai cung nữ đang chờ đợi cô có vẻ như giật mình.
“Mai có người đến khám xét điện, hai ngươi sang viện Thuận Huy ở tạm, nhưng để tất cả đồ đạc lại đây.” Ngô Thị Chính nhìn mắt Hạ đỏ bừng, cau mày. “Chẳng biết chuẩn bị cho chủ nhân, ngồi đây khóc làm gì?”
“Các em vào soạn tất cả đồ dùng của mình, có gì không thích hợp thì đem ra đây.” Cô nói khẽ. Thái hậu phái Ngô Thị Chính đích thân tới cũng vì thế. Bất cứ ai đến điện của cô đều sẽ gây nghi ngờ, ngoài vị Hiền tần này. Hai cung nữ ngập ngừng nhìn Ngô Thị Chính, nhưng rồi đều quay vào sau nhà sửa soạn. Mũ áo triều đã được đặt sẵn trong hộp, cô đưa đến đặt trên bàn trước Ngô Thị Chính, súc ấm pha trà.
“Nên để lại thì hơn, sau này không còn ai đem trà đến cho cô đâu.” Ngô Thị Chính nhàn nhạt nói. Cô ngẩng lên, nhìn người trước mặt một lúc cho tới khi cô ấy cau mày.
“Tôi nghĩ hẳn chị có thời gian khó khăn lắm. Người ở đây ít ai để ý đến một nhúm trà.” Cô cười, vẫn rót nước pha trà. “Xưa tôi có một người quen cũng thế, nhưng chị ấy thích trà nên dù khó khăn bao nhiêu vẫn dành tiền mua. Mua về rồi cẩn trọng từng chút một, nhưng vì thế mà chị ấy pha trà giỏi lắm.”
“Cô ta phải không?” Giọng Ngô Thị Chính đột nhiên thay đổi trong khi cô thoáng giật mình. Cô im lặng, người bên bàn bèn nói khẽ. “Nghèo khó nhưng hào phóng, thành thục nhưng phong nhã. Sách văn của cô ta viết ‘uyển diễm thanh tiêu, trang nhàn nhã phụng’, ‘thiên niên cự sắc’. Ta từng nghe cô Bảo đọc ‘Kì nhân, quân tử dã. Thiên hậu chi tài nhi sắc chi niên’[4]. Bao nhiêu lời lẽ tưởng đâu cho bậc anh thư tài nữ không ai sánh bằng.”
“Uyển Diễm là tên chúa Ba mà.” Cô vẫn chỉ cười. “Ngài chẳng phải đã rất yêu quý mọi người đó sao?”
Trong khoảng yên ắng bất chợt rơi xuống, cô nghe được cả thanh âm rì rào của sương. Lục viện này vốn luôn ồn ào, góc điện cô ở lại là nơi tĩnh lặng nhất. Tiếng động vọng tới qua nhiều bức tường dày như thể xa tít tắp.
“Trong sách văn ấy còn có câu ‘nghĩ mộng sạ trình’.” Một lúc sau, Ngô Thị Chính chợt thì thầm rất khẽ. “Mộng kiến mới say, là người chết ở trong mộng hay ngoài mộng? Không hiểu sao ta cứ nghĩ mãi, rồi nằm mơ thấy có một chén rượu, uống rồi không tỉnh nữa.
“Ta có nên sống chết vật vã, rồi bị đuổi về nhà cha mẹ, một chén rượu tiễn đưa, để lại mấy đứa con yếu ớt mới sinh còn đỏ hỏn cho người người khinh rẻ?” Ngô Thị Chính nhìn vẻ mặt cô chợt biến đổi, nhướn mày. “Cô muốn cười cứ cười đi, ta mới là không thể hiểu nổi các người. Tình yêu? Năm xưa chẳng biết cha mẹ ta có yêu nhau không, nhưng bà ấy ở Đông Kinh, lấy một người chồng xuất thân Gia Định đi theo quân Tây Sơn, rồi bị đuổi giết. Suốt tuổi thơ của ta là chạy trốn, bị cười cợt, coi thường. Từ lúc ấy, ta đã tự nhủ với lòng, tuyệt đối sẽ không dại dột như mẹ ta.”
Cô cúi đầu rót trà ra ly, mãi sau mới lên tiếng.
“Sao chị biết mẹ mình dại dột? Chẳng phải lúc ấy cha chị cũng là tướng quân, là người chiến thắng đó sao? Chuyện biến chuyển do trời do người lại đổ cho tình, thương thân trách phận, cũng là tự tìm cớ cho mình.” Cô đặt tách trà xuống bên bàn, cười nói. “Lúc này muốn uống một ly trà thì cứ uống, đến lúc hết trà thì vẫn còn lá cây, hoa cỏ, lại có thể thử nghiệm thứ khác lạ hơn. Sao phải lấy lý do muốn uống trà để bám mãi vào tường? Đời người muốn có thì nhiều thứ lắm, chỉ sợ không biết mình thật sự muốn gì.”
“Thế cô muốn trà hay rượu?” Ngô Thị Chính lại chợt đổi giọng. Cô đưa mắt nhìn lên, đúng lúc hai cung nữ kia đi ra, đem theo đồ dùng của họ.
Ngô Thị Chính xem xét những thứ được đưa tới, vòng quanh điện nhìn ngắm rồi dẫn hai cung nữ đi. Hai cô gái lo lắng nắm tay cô dặn dò một lúc rồi mới theo Hiền tần rời khỏi, cẩn thận đóng các cửa quanh điện lại cho cô. Ngẩn người ngồi bên bàn hồi lâu, cô đứng lên tắt đèn trong lẫn ngoài, chỉ để lại một ngọn đèn con trên bàn.
Chẳng biết họ có còn cho cô nến và dầu, cô thầm nghĩ khi cắt hoa đèn, nhớ tới ngày nào bà cô vội vàng thổi tắt ngọn đèn mà cô ấy đã thắp lên. Cô nghĩ tới cả cử chỉ rất tự nhiên của cô ấy khi đốt đèn trong căn phòng xập xệ nghèo túng. Cô ấy thích ánh sáng, hương thơm, vẻ đẹp đẽ trong ngời. Uyển diễm thanh tiêu, trang nhàn nhã phụng. ‘Uyển diễm chi ngọc, tại ô nê chi trung, tuy liêm giả phất thích. Mỹ chi sở tại, tuy ô nhục, thế bất năng tiện’[5].
Tại sao Ngô Thị Chính bỗng dưng lại nói nhiều đến thế, cô bất chợt nghĩ. Những phỏng đoán không chứng cớ, những bất mãn ngấm ngầm, kể cả ý đe dọa âm thầm như thể đang dò xét, tìm kiếm ở cô điều gì đó. Như thể cô sẽ mở cửa phòng này để chạy thẳng sang Dưỡng Tâm điện cầu cứu nhà vua. Trong tình thế đình thần lẫn đại quan khắp các địa phương không hề muốn buông tha cho gia đình cô, thúc ép cô hành xử ngốc nghếch bằng cách gieo vào lòng cô những hy vọng và nghi hoặc mờ mịt, để làm gì?
Những nghi ngờ của cô gần như được trả lời ngay hôm sau. Chu Phúc Năng dẫn Thị vệ tới khám xét điện của cô, Miên Liêu cũng đến coi việc. Khi những Thị vệ và nội giám đang mở từng rương hòm, niêm phong từng chiếc hộp, cô kéo Miên Liêu ra ngồi ở cái đình nhỏ góc sân. Ngôi điện này không lớn, đình chỉ là một mái tranh che nghiêng trên bộ bàn ghế đá, dây leo mọc um tùm.
“Cứ kệ họ muốn lấy gì thì lấy, mấy thứ ấy ở đây cũng không dùng được.” Cô nhún vai nói với con. Một số châu báu, vật phẩm được ban thưởng trong vài dịp lễ tiết đang được niêm phong đưa về cung Từ Thọ, nhưng cô chẳng để ý đến. “Bà và các cậu vẫn ổn chứ?”
“Cậu Tư không khỏe lắm, vừa từ Cao Bằng về đã bị giam vào ngục.” Miên Liêu thở dài, có vẻ không định giấu cô. “Con đã nhờ người đưa thuốc cho họ, các dì không bị bắt giữ nên có thể vào thăm, công chúa cũng gửi cho bà áo ấm. Nghe nói tinh thần bà lúc này lại khá hơn, bà bảo có gì thì cả nhà ở bên nhau, không phải lo. Lúc bị bắt đến Hình bộ tra xét, bà cũng nói: Bao nhiêu năm nay từ đỉnh đầu đến gót chân, da tóc tôi đều là triều đình ban cho, tội của chồng tôi tức là tội của tôi, sống chết thế nào tôi cũng xin vâng.”
“Cung khai tốt đấy.” Cô bỗng cười. Không rõ mẹ cô nghĩ thế thật hay đã trở nên khôn ngoan, một câu này không những dễ làm mủi lòng người mà còn có thể xóa tan bản án bà câu kết với chồng âm mưu gây tội. Những bản án cùng lời tham hặc nhắm vào mẹ cô vốn vì vị trí của cô trong cung nội, bọn họ đều muốn moi ra từ bà những lời xúi bảo của cha cô, nhằm sử dụng cô để ‘thao túng triều cương’.
“Không phải chỉ vì ông đâu.” Miên Liêu bỗng hạ giọng, đưa mắt nhìn vào trong nhà rồi mới nghiêng về phía cô nói rất khẽ. “Trưởng công chúa nói với con, phụ hoàng bàn với quan Lễ bộ muốn theo phép xưa, nhân thắng trận mà làm một dịp đại phong cung nội. Hiện đang bàn luận các giai, tên hiệu, chức vị của toàn bộ nội cung, không chỉ cung nhân mà nội giám cũng sắp xếp lại.”
“Những việc như thế ngài có bàn với ai bao giờ?” Cô nhướn mày. Đến phiếu tâu của các quan mà ngài ta còn cầm bút sửa lại cho rõ câu đủ nghĩa, chuyện xếp đặt trong nhà hẳn ngài ta chỉ báo với quan Lễ bộ lấy lệ, có thể để ai xen vào?
“Con không rõ, nghe đâu phụ hoàng không muốn dùng tên cũ mà Thế Tổ đặt, nhưng tên hiệu mới thì có tên rất lạ. Ngoài chuyện cung nội còn liên quan đến nhiều việc khác, thứ gì ngài cũng muốn đổi cả. Thượng thư Lễ bộ Phan Huy Thực là thân tín của ngài bao nhiêu năm rồi, bàn riêng với nhau không ai rõ.” Miên Liêu thận trọng đáp. “Nhưng nghe tin phong thanh ra ngoài, ai nấy cũng đều nóng lòng. Họ bảo đưa vụ án của ông ra xử là để nhanh chóng kết trước khi phong.”
Cô toan nói, nhưng thấy có người đến gần góc sân nên thôi. Cô hiểu chữ ‘nóng lòng’ mà Miên Liêu ngầm ẩn ý. Bao năm nay, cung nội này nằm trong thế giằng co với hai vị Cung tần chẳng được thăng cấp và nhóm người dưới ngày càng đông con cháu. Nghe đến ‘thay đổi tên hiệu’, hẳn họ đều biết những vị trí có tước hiệu cao đang chờ sẵn. Dù phần lớn cung nhân có xuất thân không cao, con trai họ vẫn có những người thầy, các mối quan hệ giăng mắc ngày càng nhiều thêm lên. Tất cả đều đang quan sát, đang chọn lựa.
Con trai cả của Hiền tần đã chết, chướng ngại lớn nhất là cô đang rơi xuống. Và mọi kẻ đều có thể bước lên. Và những người bắt mẹ cô tới nha môn tra hỏi cũng giống như vị Cung tần hôm trước, muốn khơi lên một điều gì đó. Cô vốn nghĩ mình có thể rời khỏi nơi đây, nhưng lại thấy mình trong tâm bão.
Cô muốn trà hay rượu? Một chén rượu, uống rồi mãi không tỉnh. Ánh mắt người phụ nữ như tiếng nói âm thầm lan đi trong bóng tối. Cô có lựa chọn không?
Chú thích:
[1] Vịnh Hậu Xích Bích của Nguyễn Công Trứ
[2] Thực lục, tháng 12 năm 1835
[3] Trong Thương Sơn cung từ của Thọ Xuân công Miên Định có câu “Bất thị Miên Trinh kim đới bệnh, Thử gian hà xứ đắc thiên hương?” (Không phải hôm nay Miên Trinh bệnh, nơi này làm sao mà có hương trời). Kể chuyện một lần Miên Trinh bệnh, Minh Mạng sau khi bãi triều ở điện Văn Minh thì đích thân tới thăm, người trong cung đều cho là chuyện lạ.
[4] Trích Thương Độc Cô phú của Hoàng Phủ Thực, nghĩa “Người này là bậc quân tử. Trời hậu đãi về tài nhưng lại cho thiếu về tuổi thọ”. “Uyển diễm thanh tiêu” nghĩa là “chuẩn tắc trong sạch như ngọc uyển, ngọc diễm”, uyển diễm thường được dùng chỉ phẩm chất người quân tử, ví dụ “văn sử nên phong phú, lấy tâm của uyển diễm”.
[5] Trích Hoài Nam tử, nghĩa: “Ngọc uyển diễm có ở trong bùn lầy thì dẫu người liêm khiết đi qua cũng không bỏ được. Sự đẹp đẽ ở bên trong, dù có ô nhục thì thế nhân cũng không thể coi rẻ”.