Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

101. Lăng hàn bích khắc tùng thiên xích
Trường An in "Minh nguyệt 3" October 18th, 2019
  1. Lăng hàn bích khắc tùng thiên xích, nại lãnh hoàng lưu cúc sổ hoa[1]
    (Tùng ngàn thước trên đá giá rét vẫn xanh, mấy khóm cúc giữa lạnh lẽo vẫn vàng)

 

Tháng mười một, bản truy luận tội danh Lê Văn Duyệt được chính thức đưa xuống đình thần.

Mười ngày sau lễ nhận tù, lễ bão tất dành cho quan tướng lập công ở Gia Định lại được tổ chức. Chín cái đỉnh được đúc để trước Thế miếu cùng với đền Võ thánh được dựng song song cạnh Văn thánh đầu nguồn sông Hương. Cuộc loạn lạc ở Bình Thuận cũng đã được dập tắt hoàn toàn sau khi những mưu chủ đứng đầu bị bắt, cung khai ra đầu dây mối nhợ của sự việc. Vụ lúa thu được mùa to trên toàn đất nước, khiến những tấu sớ lo lắng về đê điều trước đó cũng dịu đi. Từ sau lễ bão tất, các đạo quân từ Gia Định trở về được cho xem hát ở Duyệt Thị đường và Phu Văn lâu đến tận đầu tháng sau. Nhà vua bắt đầu làm lễ tiết đón Đông chí, trăm quan mặc áo lễ đại triều chầu mừng ở điện Cần Chính, yến lễ kéo dài tại Tả, Hữu vu. Những khoản ban thưởng, ân thưởng lại tiếp tục tràn trề.

Bầu không khí hân hoan chỉ hơi xao động khi tin của Tổng đốc Lê Văn Đức báo về rằng hai kẻ nghịch phạm còn sót lại là Nông Văn Sĩ, Nông Văn Thạc lại đến tấn công Để Định. Và có lẽ do quá vui vẻ, hoàng tử Miên Phú dẫn thuộc hạ ra cưỡi ngựa ở đường chợ ngoài thành gây tai nạn chết người. Nhà vua nổi giận tước mũ áo, chức tước của Miên Phú, bắt giam trong phủ đệ không cho ra ngoài, thuộc hạ của cậu ta kẻ bị giết, người bị bắt phát vãng tận Ai Lao. Tuy nhiên mẹ Miên Phú xuất thân thấp kém, từ lâu đã chẳng được nhà vua nhìn tới, vụ việc ấy trôi qua chỉ như một cái nhún vai của người trong kinh kỳ.

Nên khi bản tâu của các Ngự sử trong Đô sát viện là Phan Bá Đạt, Nguyễn Văn, Vũ Danh Thạc được dâng trình lên điện đình, hẳn nhiều người còn có cảm giác ngạc nhiên. Việc truy luận tội danh Lê Văn Duyệt đã tạm ngưng vào ba năm trước trong những tin chiến trận dồn dập, lại được nhắc đến. ‘Nay Duyệt đã chết, dẫu không thể xét kỹ được sự trạng, nhưng những việc như tên con nuôi Lê Văn Hán trước đây ra vào trong thành liên lạc với bọn Lê Văn Khôi, hay đảng nghịch đem Bạch Xuân Nguyên đến nhà thờ Lê Văn Duyệt toan đốt làm đuốc để tế Duyệt, việc kín đều lộ, việc nhỏ đều rõ. Thế thì tâm tích của Duyệt chẳng cần hỏi cũng biết, nếu không định rõ tội danh thì e không lấy gì để răn người sau này’.

Duyệt lòng dạ như rắn rết, thường ngày bới vạch thiếu sót của triều đình để khoe khoang tài riêng, phỉ báng vua bằng những lời lẽ khó nghe. Khi đi kinh lý Thanh Nghệ, chiêu tập về những kẻ hung dữ nhất để làm tay sai, ngấm ngầm kêu gọi cấu kết với bọn thổ hào Dương Văn Nhã, Đặng Vĩnh Ưng, cho quan chức những đồ vô lại như Lê Văn Khôi, dùng thông gia họ ngoại như Vũ Vĩnh Tiền, Vũ Vĩnh Lộc gây bè đảng. Lấy tù binh phát phối từ Bắc Kỳ thả ra làm lính trong thành, giấu riêng voi chiến, lấy toàn bộ quân khí Nam Kỳ để ở Phiên An. Nghe lời xảo trá của Trần Nhật Vĩnh tàn hại nhân dân, đắp thành cao hào sâu riêng Phiên An mà không hề xây dựng năm tỉnh. Nuôi ong tay áo, để bọn thuộc hạ ra ngoài huênh hoang ‘Duyệt đi trấn thành Gia Định là phong vương để giữ đất ấy, không như các Tổng trấn bình thường khác’, tiếm vị loạn xưng, khiến người chỉ còn biết Lê Văn Duyệt, không hề biết triều đình. Đến khi làm loạn, không chỉ đám thủ hạ như Lê Văn Khôi mà đến cháu Duyệt là Lê Văn Hán, đồng bộc cũng chạy theo giặc, cố kết nhau làm tử đảng. Lê Văn Duyệt, mỗi cái tóc là một cái tội.

Lời kết tội của nhà vua dù đanh thép, nhưng cần phải đợi Nội các truy luận chứng cứ và hình tích phạm pháp của Lê Văn Duyệt. Đến khi bản án hình thành, họ chỉ có thể kết tội viên cố Tổng trấn này những điều khoản vặt vãnh hơn hẳn: Tự tiện sai người sang Miến Điện kết giao ngầm, đòi giết Thị vệ Trần Văn Tình nhằm khóa miệng người khác, giấu riêng giấy tờ trắng đóng ấn ngự bảo, dâng sớ chống mệnh vua xin cho quan thân tín ở lại Nam Kỳ, đưa thuyền Anh Cát Lợi về Gia Định để khoe quyền lực, tiếm vị gọi mộ cha mẹ là ‘lăng’, tự xưng là ‘cô’, kết bè đảng, xin cho Lê Chất thêm tuổi thọ.

Tuy nhiên, những tội danh này đã đủ để Lê Văn Duyệt đáng tội lăng trì, truy đoạt bằng sắc, cáo sắc, bổ quan tài phanh thây. Vợ cả, vợ lẽ đều phanh thây. Lê Văn Hán xử lăng trì, toàn bộ anh em phải trảm quyết, vợ và con gái đày đi làm nô tất thảy.

Bản án lạnh lùng của Nội các được Hình bộ sao ra gửi cho khắp Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh, không một ai lên tiếng phản đối. Thậm chí, Hộ lý Tuần phủ Lạng Bình là Trần Huy Phác xin chém cả con trai của Lê Văn Yên và công chúa, Hộ lý Tuần phủ Quảng Yên là Lê Dục Đức muốn xử tội tất cả thân thuộc nhà họ Lê trên mười sáu tuổi.

Những tập tâu từ Quảng Yên, Lạng Sơn chuyển về gần cuối như nhấn mạnh thêm lời tuyên án từ khắp bốn phương. Cùng lúc ấy, Tả Thị lang Lại bộ quyền việc Nội các Lê Bá Tú dâng sớ tham hặc tội của cố Hậu quân Lê Chất, xin giao xuống đình thần nghị xử.

So với sáu cái tội của Lê Văn Duyệt, Lê Chất bị hặc đến mười sáu tội, phần lớn là làm việc chuyên quyền, dùng đủ mọi cách bắt ép nhà vua theo ý riêng, vô lễ bội nghịch, thậm chí có ý lợi dụng con gái tiếm vị. ‘Chất cùng Duyệt bàn việc như Y Doãn, Hoắc Quang. Muốn con gái chính vị trung cung mà không được nên thường xuyên nói lời oán giận. Đòi nhà vua thưởng cho hoàng tử làm con nuôi, ý định theo gót Dương Kiên’, mấy lời này của Lê Bá Tú hẳn còn thu hút dư luận trong ngoài hoàng thành hơn cả bản thân vụ án về vị quyền thần đã qua đời gần mười năm trước.

“Em đi ra ngoài còn nghe người ta nói rằng cha bà ở Bắc Thành hay bảo với người nơi đó: Trên mặt thì mắt, mũi, miệng đều có việc phải làm, thường hay oán trách lông mày là thứ vô dụng. Nhưng lông mày ở cao nhất, thiếu nó thì mặt trông ra làm sao.” Hạ thì thầm kể, giọng nửa run rẩy nửa dò hỏi. Cô ngừng tay viết, nhìn thoáng qua người cung nữ, khẽ cười.

“Bây giờ người ta nói gì chẳng được.” So với những việc như ngồi duyệt binh chính giữa lầu Ngũ Môn Bắc Thành, đòi chém hai vị quan thân tín của nhà vua là Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Hữu Thận, từ chức để ép nhà vua phải xử chém Lê Duy Thanh, đòi trả lại cả chiếu chỉ của vua, thì mấy lời đồn đại này cũng chẳng nặng hơn được. Vả lại với tính cách của cha cô, có thể lời cũng chẳng phải là đơm đặt. Nói cho cùng ngày mới lên ngôi, những việc nhà vua làm đâu chỉ khiến một đôi người phật lòng.

“Họ còn truyền tai nhau chuyện về đức bà.” Nghe phong thanh, Đông liền ghé xuống ngồi cạnh Hạ, giọng càng nhỏ hơn. “Họ kể, ngày xưa lúc ngài ngự se mình, đức bà và Hiền tần đi cầu phúc ở chùa, bà nói ‘Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã’[2]. Hiền tần về kể với ngài ngự, ngài giận lắm. Cho nên dù gia thế cao nhất, bà vẫn không trở thành chính cung được[3]. Rõ là giậu đổ bìm leo, những kẻ ngồi không nghĩ chuyện hại người!”

“Ta nói thế à?” Cô vẫn viết, lầm bầm như tự hỏi chính mình. Khi mới vào cung, ngôn hành cử chỉ của cô chẳng ra sao, không coi ai ra gì, ngay cả nhà vua cũng bị móc mỉa đâu chỉ một đôi lần, có khi nói ra những lời này thật. Bây giờ nhắc lại, quả nhiên tạo ra hình ảnh một đôi cha con quyền thần coi vua như đất bùn, chỉ chực hãm hại ngài ta để tiếm ngôi chiếm quyền. Kẻ giàu tưởng tượng nào đó còn có thể vẽ ra cả một màn kịch đấu đá tranh giành gay cấn với tình trạng sức khỏe tồi tệ của nhà vua những năm ấy và cái chết của cha cô. Nên nói là may mắn khi cha cô qua đời ở Bình Định, sau thời gian dài mang bệnh tại Bắc Thành. Còn nhà vua sau mỗi thời gian căng thẳng kéo dài thì đổ bệnh đã thành lệ, chẳng qua, có thể cha cô chính là nguyên nhân gây bệnh cho ngài ta.

Nguyễn Phúc Kiểu lên ngôi ngay trong lúc Lê Văn Duyệt vừa đem một đoàn người hung hãn mới chiêu tập từ Thanh Nghệ về kinh thành, trong lúc các viên Bảo hộ vừa rút lui khỏi Chân Lạp dẫn đến cơn loạn lạc nổ ra ở Nam Vang, vua Nặc Chăn bỏ chạy về Vĩnh Long, ném trách nhiệm lại cho quan chức Gia Định. Lê Văn Duyệt đem đoàn người của mình tới ngay thời điểm dịch bệnh từ Tây dương bùng phát, lây lan toàn đất nước, giết chết hơn hai mươi vạn dân – để rồi bắt đầu ngay lập tức cuộc thanh trừng đấu đá của quan trường. Viên quan Tả Thống chế quân Thị trung bị giết, và sự khống chế của Nguyễn Phúc Kiểu sụp đổ ngay ở kinh thành, khi bức tường thành ngài ta vừa xây lên đã vỡ đến hai ngàn trượng. Dịch bệnh giết chết cả các quan tướng lớn nhỏ, khiến toàn bộ cơ cấu đất nước phải thay đổi, và hai vị Tổng trấn ở hai đầu đất nước đã nhanh chóng nắm chắc thứ quyền lực mà trước đó chưa từng ai có được.

Nhóm người Thanh Nghệ mà Lê Văn Duyệt đưa về ngày ấy từ rất sớm đã trở thành nỗi ám ảnh của Nguyễn Phúc Kiểu. Những nhóm thổ hào, thổ mục đến chào ngài ta ngày tuần du ra Bắc Thành đã rất sớm vây bọc ngài ta trong ngàn lớp gươm đao. Lê Chất cha cô đã cho ngài ta hiểu ngay chén rượu đắng với viên quan Lê Duy Thanh vừa mới được bổ nhiệm tới Sơn Nam thượng – dù có là con cháu dòng dõi đại tộc Bắc Thành, ông ta vẫn bị tố cáo, rơi thẳng vào trò chơi chết người của quan trường khôn đường vùng vẫy. Cha cô đã săn đuổi Nguyễn Phúc Kiểu, đạp vỡ đến mức cuối cùng những tự tôn tự hào mà ngài ta có. Cười cợt thẳng vào mặt ngài ta với những điều ngài ta tin tưởng. Những kẻ bình dân kia chỉ biết kể đôi điều vặt vãnh như câu chuyện ‘lông mày’ ấy, vốn chẳng thể nào hiểu được cả Lê Chất cha cô và Nguyễn Phúc Kiểu. Thứ tâm bệnh đã đánh gục nhà vua khi còn độ tráng niên, trở đi trở lại suốt cả cuộc đời ngài ta. Thứ tâm bệnh đã đeo đuổi cha cô ngày chạy trốn suốt các hang sâu vực thẳm núi rừng Bình Định.

Mặc kệ tiếng rì rầm của hai cô cung nữ, cô chăm chú viết nốt những dòng chữ cuối cùng rồi gấp tập giấy lại. Viên nội giám đã đến cửa điện, cô liền khoác thêm áo, đi ra ngoài. Nội giám lại dẫn cô tới khu vực hồ Kim Thủy nội, con đường trúc rì rào trong gió đông lạnh buốt. Tới đầu đường, họ chợt thấy một cái khung giấy hình trụ tròn từ trời sa xuống cành cây.

“Đèn bay Yên đăng do Thị vệ Lê Nguyên chế ra đấy ạ.” Thấy cô nhấc cái khung giấy xuống, nội giám tên Trần Khoa cười nói. “Người này vốn là Phó suất vệ ở quân thứ Gia Định, nhân lúc rỗi rãi đi làm cái đèn thả bay lên trời, bị người mách lại cho ngài ngự. Ngài sai bắt về Kinh xem xét, thấy anh ta có tài chế tác nên giữ lại làm Thị vệ ngũ đẳng. Hẳn anh ta lại vừa thả đèn bay thử nghiệm ở đâu đó.”

“Nên nhìn hướng gió mà thả, để đèn bay vào hoàng cung nhỡ hỏa hoạn thì thế nào.” Cô nói, ngắm cái đèn trong tay. Thể thức cái đèn này cũng giống các loại đèn trời khác, dùng giấy mỏng dán xung quanh, duy lòng đèn được dùng dây đồng nhỏ quấn lại, bên trong còn ít vụn than giấy, thoảng mùi long não. Hẳn họ để chất đốt vào trong đây, vừa có thể thoát khói để đèn bay lên, vừa dễ dùng và an toàn hơn dầu đốt hay bấc.

“Hôm nay gió lớn, hẳn đèn đứt dây thôi ạ.” Trần Khoa nói như thanh minh hộ người Thị vệ kia. “Để tôi đem đèn ra nhắc nhở anh ta, bà đừng nói với ngài ngự. Lê Nguyên đang được chỉ thị vào Tứ Dịch quán học tiếng Tây dương, Trung Quốc để sau này ra nước ngoài học chế tạo máy móc[4], bị phạt thì không đáng.”

“Chỉ có mình anh ta đi thì học tập ở đâu, thế nào?” Cô đưa chiếc đèn cho Trần Khoa, vì tò mò mà hỏi.

“Ngài ngự cũng vừa cho mấy viên thông ngôn ở Tứ Dịch quán đến Hạ Châu, lưu lại học tập[5].” Trần Khoa đáp. “Thuyền triều đình thường tới Hạ Châu, quen thuộc với nơi ấy. Nghe nói ở đó nhiều dân Trung Quốc, lễ tục đôi chút tương đồng, người không biết tiếng có thể dùng bút ký trò chuyện qua lại được. Cảng ấy bây giờ tập hợp người ở đủ mọi nơi. Các thông ngôn này ngoài học tập có thể thu thập sách vở, nghe ngóng thông tin rành rẽ hơn người chỉ đến ghé qua. Ngài ngự lúc trước bảo, các quan của ta đi ra ngoài về chỉ biết kể những chuyện lặt vặt, vài miêu tả sơ lược làm vui, không phải lối của người tìm hiểu hình thế phong tục xứ lạ[6].”

Cô im lặng đi theo người nội giám đến gác Hải Tĩnh. Nhà vua vẫn chưa tới dù lò than trong gác đã ấm. Trần Khoa để cô vào, ôm chiếc đèn đi. Ngồi trong gác, cô ngẩng đầu nhìn quanh. Lầu gác này để mộc không sơn phết, qua nhiều năm gỗ đã bóng lên. Quanh gác có mấy món đồ hình dáng lạ lùng hẳn được đem về từ những chuyến tàu khắp nơi trên thế giới. Trước kia các thuyền đi công cán thường tìm mua ngọc cho nhà vua, nhưng từ khi xảy ra biến loạn thì ngài ta đã cất đi nhiều, đem tặng cho quan tướng. Nghe nói, trong các buổi lễ bão tất, quan tướng của ngài ta trên tay là nhẫn kim cương lấp lánh, bên hông ngọc bội sáng ngời, vai đeo cầu vàng bạc theo lối quân Tây dương mà ngài ta thấy trong sách lẫn được nghe kể[7]. Cũng nghe nói, Tàng Thư lâu trong hồ Học Hải sau thành là một căn nhà được xây theo lối nửa Tây dương nửa truyền thống ‘rất kỳ lạ’[8].

Trong góc căn gác vẫn chất đống những cuộn giấy vẽ, kể cả vài mô hình gỗ và giấy nho nhỏ. Cô ngẩn người nhìn chúng, đến mức không nghe thấy tiếng người đi vào. Đến khi bóng đôi giày bọc gấm vàng xuất hiện trước mắt, cô mới giật mình cúi đầu lạy chào.

“Ngươi muốn gặp ta có việc gì?” Nhà vua hỏi. Cô nhìn thoáng qua cái mũ lông mà ngài ta vừa chế ra phát cho khắp hoàng tử, đình thần, rồi mới dâng tập tâu trong tay.

“Đây là tập tâu nhận lỗi của thần. Xin ngài xem qua có đúng thể thức, có gì sai sót hay không để thần viết tiếp tập tâu nhận lỗi cho cả nhà.” Cô dâng tập tâu một lúc, nhà vua mới đưa tay nhận lấy. Không buồn mở ra đọc, ngài ta ném nó lên sập, ngồi xuống mà nheo mắt nhìn cô.

“Ngươi nghĩ đây là trò đùa à?” Ngài ta hỏi, trong lúc cô vẫn nhìn cái bao tay bọc gấm, mảnh tất lông thò ra đầu giày, lớp lớp vải dày bọc kín ngài ta. Nghe nói ngài ta lại bắt đầu ‘không khỏe’, và tự chế hàng loạt mũ, tất chống lạnh, hy vọng có thể chống chịu được qua lễ hợp hưởng cuối đông.

“Đây là những việc thần phải làm.” Cô nhũn nhặn đáp. “Vâng, nào có đùa, dù ngài tránh ra mặt thế nào chăng nữa.”

Trong khi luận tội Lê Văn Duyệt là Đô sát viện, là các quan viên được trọng vọng trong Nội các như Hoàng Quýnh, Nguyễn Tri Phương, Hà Tông Quyền, thì người tham hặc Lê Chất cha cô chỉ là quyền việc Nội các Lê Bá Tú. Tuy nhiên, Lê Bá Tú là thuộc lại của nhà vua suốt từ thời tiềm để. Theo những gì cô được cho biết, viên quan này tính tình quanh co khó lường, đã làm quan nhiều năm như vậy nhưng bị thăng giáng, trị tội liên tục vì trễ nải, thất thố. Năm nào mới lên ngôi, nhà vua trong cơn nóng giận còn bắt anh ta đóng gông ở cửa Nội vụ phủ suốt mười ngày do ‘lười nhác’. Kẻ này hẳn chẳng có gì hơn người, ngoài là thân tín của nhà vua. Dùng người như dùng thuốc, ngài ta nói, và sử dụng anh ta vào những việc như lúc này.

Lê Chất đã qua đời gần mười năm, là cha vị cung tần của ngài ta, ông ngoại của hoàng tử Miên Liêu. Về lý về tình, ngài ta chẳng thể đường đường chính chính cho quan lại luận tội. Do đó, tờ tham hặc của Lê Bá Tú rành rẽ, chi ly hạch từng tội danh lớn nhỏ chuyển thẳng xuống đình thần.

“Ngươi…” Nhà vua cau mày, nhưng cô nhẹ nhàng ngắt lời ngài ta.

“Đây là việc phải làm, nên làm. Đúng không, hoàng thượng? Mà đã như thế, loanh quanh để làm gì?” Cô thoáng cười. “Ngài biết không, lúc này thần lại thấy vui.”

Dù có lo lắng, đau khổ cho những người thân, cô lại bắt đầu cảm thấy sự nhẹ nhõm trào dâng sau bao nhiêu năm tháng. Sau bao nhiêu năm tháng, bỗng dưng cô lại nghĩ đến bầu trời và mặt biển ngoài xa, cuộc đời trước kia mà cô đã có. Trong nỗi đau đớn tột cùng, sự không nỡ xót xa, cả những buồn giận trước tình đời, toàn bộ gánh nặng bỗng nhiên rơi xuống. Đây không phải là cuộc đời mà cô muốn, và cô sẽ vui mừng biết bao khi thoát ra khỏi nó.

Đây là những gì mà nhà vua cùng triều đình này nhất định phải làm. Không phải hai vị quyền thần kia đã phạm phải tội lỗi gì, mà là toàn bộ tội lỗi con người trong đất nước này đã phạm. Những kẻ dám khinh nhờn, coi rẻ, bài bác quyền lực của nhà vua, dẫn đầu cho những bè phái dùng mọi chiêu trò để nắm giữ quyền lực. Đất nước này không có vua đã hơn ba trăm năm, đã chìm vào thứ đạo đức giả dối nực cười, những tham vọng đội lốt đủ mọi nguyên do, đã tung hô tội ác, gian trá và bạo lực thành lẽ sống. Thậm chí chúng còn chẳng được như bọn Tây dương cũng gian ngoan độc ác như thế, ai đó đã thì thầm, vì chúng không đủ dũng khí để bắt đầu, không có trí tuệ để chế tạo, không có lý tưởng để xây dựng, chúng chỉ loanh quanh giết chóc lẫn nhau, lừa gạt lợi dụng hãm hại chính những kẻ gần mình nhất, tranh giành kèn cựa những điều tủn mủn, những thứ danh vặt vãnh.

Có thể chính nhà vua đã nói điều đó, trong cơn mê man lạnh giá, cô thầm nghĩ khi nhìn ngài ta bây giờ, trước những súc giấy và các mô hình kỳ lạ, trong cung lầu và hoàng thành đẹp đẽ ngài ta xây dựng. Ngài ta luôn muốn làm nhiều thứ, rất nhiều thứ, có điều đúng và điều sai, có thành công và thất bại. Những thất bại của ngài ta lại luôn trở thành điều để mọi kẻ chế giễu, coi thường, phản bác, đánh đổ. Mọi thứ ngài ta muốn làm đều phải khoác lên ngàn lớp vỏ ngụy trang, muôn vàn lý do hơn thiệt. Tại sao không ngồi yên hưởng phúc, người hỏi, thậm chí tại sao không cúi đầu, không chấp nhận? Lấy sức mạnh kẻ này để giữ quyền lực, về với kẻ kia để thao túng triều đình. Ký kết với tên Tây dương này để bảo toàn triều đại, về phe với bên kia để lợi dụng đánh bại kẻ thù, cũng trở thành một thế lực như ai. Trong khi ngài hiểu rõ, con đường mà ngài đi, điều mà ngài muốn, gần như chỉ của riêng một mình ngài.

Ngay sau khi lên ngôi, ngài ta tìm mua chiếc thuyền bị nạn của Tây dương, bắt đầu chuyến đi tới Hạ Châu mà viên Chánh Tuần hải đô dinh còn từ chối vì không thuộc đường. Và lúc này, ngay sau khi những biến loạn vừa tắt, điều đầu tiên ngài ta muốn làm là lập Tứ Dịch quán, cho người đi khắp muôn phương. Giấc mơ của ngài ta, ngay từ lúc ban đầu, đã nằm ở ngoài xa phía chân trời. Luôn luôn ở phía chân trời.

Giấc mơ vực ngài ta dậy trong tuyệt vọng. Và chính nó cũng là nỗi tuyệt vọng lớn lao nhất.

Chúng ta đáng lẽ không nên sống như thế này, cô từng miên man nói, ngày hạ nọ. Những giấc mơ đã mất đi khi chưa hiện rõ được hình hài, đến bây giờ cô lại nhớ. Cô nhớ cả ánh nắng ngày hôm ấy, thế gian luôn đẹp đẽ đến thế trong đôi mắt cô bé nọ.

Cung thành này vẫn đẹp đẽ như thế, trên chết chóc và bùn lầy, trên tàn tro và thế gian vẫn đang sụp đổ.

 

Chú thích:

[1] Vịnh mùa đông của Nguyễn Công Trứ

[2] Lời trong sách Luận ngữ, nghĩa là “Phạm tội với trời thì cầu đảo làm sao được”.

[3] Đây là những chuyện được ghi trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực.

[4] Thực lục, tháng 12 năm 1837: “Lại phái Thị vệ Lê Nguyên theo đi Giang Lưu Ba học tập máy móc.”

[5] Thực lục, tháng 11 năm 1835: “Lại sai thông ngôn Nguyễn Văn Mẫn và mấy viên sung vào Tứ dịch quán là Trần Đại Trung, Nguyễn Hữu Quang cũng đáp thuyền đi Hạ Châu rồi ở lại học tập.”

[6] Vua bảo quan hầu rằng: “Ta phái binh thuyền đến các nước ngoài là muốn cho quen thuộc đường biển và biết hình thế, phong tục các nơi, không phải để cầu lợi. Nếu nói đến lợi thì cái mà nhà nước thiếu thốn không phải như của nả, vậy cần gì phải tìm ở xa.”

[7] Hồi ký Huế của Michel Đức Chaigneau: “Các quan võ mặc lễ phục thường ngày với cầu vai bằng vàng hay bạc trên cả hai vai. Những cầu vai này hình trái xoan có chữ Nho ghi cấp bậc, chung quanh trang trí viền bằng vàng, bạc hay lụa gắn vào áo khoác sao cho có phần rũ xuống ngực. Tôi tự nhủ đó là những sáng chế của vua Minh Mạng, đức vua nghĩ như thế thì có khá hơn kiểu châu Âu. Thời gian đầu mang loại cầu vai này, quan lại thường nói với nhau, vừa cười đùa vừa ra vẻ hùng hổ binh tướng rằng từ nay họ là quan Pha-lang-cha.”

[8] Hồi ký Huế của Michel Đức Chaigneau: “Tòa nhà thư viện hoàng gia là một kiến trúc hai tầng trên một tầng trệt, xây dựng theo kiểu cách khá kỳ lạ dưới thời vua Minh Mạng. Tòa nhà chẳng theo phong cách kiến trúc nào rõ rệt, pha trộn vừa kiểu kiến trúc Trung Hoa vừa theo lối xây dựng châu Âu.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.