- Tuỳ cơ khối lỗi cung nhân tiếu, trực ký niên hoa giới cổ hy[1]
(Con rối theo thời làm vui cho người, thấm thoắt tuổi tác đã đến cổ lai hy)
Chỉ bảy ngày sau khi Miên Hoành qua đời, lễ nhận tù được tổ chức ngoài Ngọ Môn. Ngựa xe, lỗ bộ đặt dài hai bên cầu Kim Thủy, hoàng tử, thân công, bách quan văn võ chia ban thứ theo nhà vua chờ trên cổng. Các tướng mới trở về từ Gia Định là Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm nộp thao ấn, cờ tiết, dâng năm tù binh và thủ cấp kẻ phản nghịch đã chết.
Nhạc đại lễ lại vang lừng khắp kinh thành đông chật người đổ tới xem đoàn quân tướng hồi Kinh. Nghe nói đoàn người còn rồng rắn đi theo Thống chế quân Vũ lâm và Thượng thư Hình bộ áp giải năm đầu mục nọ tới pháp trường ở Nam thành. Dù những nơi hành hình này thường hạn chế người vào trong, kẻ tụ tập bên ngoài đã nhao nhao xin thịt của phạm nhân bị lăng trì. Lễ đã kết thúc, tiếng ồn trong kinh thành vẫn chẳng lắng xuống, có kẻ táo gan đã đem ống lệnh, pháo lớn ra đốt đì đùng phía xa. Khi năm cái đầu được đem đến đóng cọc đầu chợ Đông, cả những dòng sông cũng vang dội tiếng hò la.
Trong khi đó, cung nội vẫn im lìm. Những hoàng tử, công chúa nhỏ tò mò háo hức im lặng tìm cách chạy ra ngoài cổng thành trông ngóng, không ai dám làm động Thái hậu đang buồn bã.
Hiền tần khóc đến chết đi sống lại trước linh cữu con trai, các nữ quan, mệnh phụ tới hầu cung Từ Thọ thì thầm. Rồi theo lệ thường của người nơi này, họ lại tiếp, hoàng Năm chính là hy vọng cả đời của Hiền tần, bây giờ đã mất hết. Cậu hoàng tử này không vượt trội nhưng được Hiền tần dạy dỗ nghiêm khắc, chăm chỉ học hành gấp mấy lần anh em, ngoan ngoãn hiếu đễ, xử sự trước sau không có chút sai lầm. Ngày ấy chỉ có hai cậu con trai sống cùng nhà vua ở phủ đệ hoàng tử, Miên Nghi tuy thông minh nhưng nghịch ngợm ham chơi, Miên Hoành tình cảm gần gũi với cha hơn hẳn. Cả Thế Tổ và Thái hậu cũng yêu thích người cháu này, sơn phần cậu ta được định ở xã Kim Ngọc, gần lăng Thế Tổ, nơi tập trung những người thân cận nhất với ngài.
Nhưng cũng chỉ đến thế, tiếng thì thầm lại tiếp tục, đám tang Miên Hoành to lớn về nghi lễ nhưng lại chẳng được hoàng thượng phái một ai tới viếng. Nghi lễ dành cho tông thất hạng nhất nhưng danh thế còn không bằng cả vài vị trọng tướng huân thần. Đám tang lọt thỏm trong tiếng lễ nhạc hiến phù và cả tháng hoan ca sau đó, khi triều đình tiếp tục chuẩn bị làm lễ bão tất lần thứ hai cho quan tướng Nam Kỳ, Chân Lạp. Những trường đình được cho xây dựng ở hai đầu dòng sông Nam, Bắc thành để đón đưa quan tướng. Các đoàn quân vẫn đang tiếp tục trở về. Những hoàng tử, thân công, quan lại đều bận rộn, đều ra vẻ không nhận thấy tang lễ của vị hoàng tử thân công lạnh lẽo góc hoàng thành.
Có cả những tiếng rì rầm về cái chết bất ngờ của Miên Hoành. Tình hình hoàng Cả Miên Tông cũng không được tốt đâu. Mấy năm nay, con gái trong phủ hoàng Cả thay nhau yểu mệnh. Cha người phủ thiếp mới cưới của cậu ta từ chức Đề đốc kinh thành mắc lỗi bị giáng đẩy ra Bắc Kỳ, rồi chết trong loạn Nông Văn Vân mà chỉ được phục hàm Quản cơ. Những người thân cận với Miên Tông như Giáo đạo, Tán thiện, Bạn độc của cậu ta được phái ra ngoài làm quan cũng lần lượt gặp chuyện không may: Tán thiện Bùi Tăng Huy tự sát ở Cao Bằng; Bạn độc Bùi Văn Lý được bổ làm Án sát An Giang không ngờ nửa đường thoái chí, bị kết án đến trảm giam hậu; Tán thiện Hoàng Văn Đản làm Bố chính Gia Định cũng vừa bị phát đi làm lính Cam Lộ do liên lụy vào việc tiền quyên góp của nghĩa dân Nam Kỳ phân xuống phủ huyện bị tham nhũng gần hết, thuộc hạ sách nhiễu của dân. Nhìn gương nhà vua hiện tại, các giáo đạo chính là những quần thần thân tín nhất của ngài ta khi vừa lên ngôi. Nhưng những vị giáo đạo giữ chức vị cao nhất của Miên Tông bị triệt hạ lần lượt bằng những lời tố cáo, hình phạt khắc nghiệt nhất. Ngay cả cậu hoàng Tư Miên Nghi, con trai Trần Thị Tuyến, cũng bị tố cáo liên tiếp tội cho người nhà tìm mua cá sấu, tế lễ chậm trễ, phải đổi từ Đức Thọ công sang Ninh Thuận công. Người nhà cậu ta là Trần Công Chương vừa lập được chút công tích ở Nam Kỳ lại cũng vừa bị hặc tâu làm việc sai lầm khi sang Lữ Tống. Người có thân thích họ ngoại thì bị hặc họ ngoại, người có thân tín thì bị triệt hạ dần dần. Tất cả cứ như thể cố tình nhắm vào bọn họ.
Trong khi đó, hai người con trai của Hiền tần thân cận với Kiến An công, người con yêu của Thái hậu mà đến nhà vua cũng phải giơ cao đánh khẽ, được trọng dụng trong các công việc vinh dự của triều đình. Người người lại nhắc về sự ưu ái của Thế Tổ và Thái hậu với Ngô Thị Chính từ ngày xa xưa, khi đưa con gái một viên quan bị cách chức vào phủ hoàng Tư. Bao năm nay, Hiền tần coi sóc trong ngoài, tiến cử cung nhân cho nhà vua, một lòng hiền đức, dường chỉ còn chờ phong hoàng hậu. Vậy mà người con lớn bị thổi bay trong một cái chớp mắt, ngay thời khắc tưởng như chẳng còn bất cứ chướng ngại gì trong toàn triều đình và đất nước.
Lời phỏng đoán, suy diễn vẫn cứ thế trôi miên man qua những bức tường cung cấm, qua những bóng người bận rộn im lìm. Cô ngồi nhặt kén tằm trong cung Trường Ninh, lòng lại thầm nghĩ: có lẽ, đây là đợt tằm cuối. Mùa đông đã đến, tiết trời càng lúc càng lạnh.
Ngày các tù nhân bị giải đến Thái miếu, trời cũng âm u lạnh lẽo như thế. Bầu trời xám xịt, mây cuồn cuộn như thể chực đổ sập xuống hoàng thành. Đó là hôm trước lễ hiến phù, năm nghịch phạm từ Gia Định đến nhà lao Hình bộ đã được hơn một tháng. Lễ hiến phù không đưa phạm nhân tới Thái miếu, đây có lẽ chỉ là một nghi thức của riêng nhà vua, duy có vài người trong hoàng thành đến chứng kiến. Sau khi bị bắt khấu đầu với nhà Thái miếu, đoàn tù tiếp tục sang Thế miếu. Khu vực miếu đường nằm ở cánh Tây liền với cung Từ Thọ, cách nhau một khoảng đất được dùng làm khu ruộng nhỏ trồng lúa. Nghe tiếng xôn xao, cô lặng lẽ men qua cánh cổng ngăn, vòng ra sau mà hé mắt nhìn. Lúc này lễ tế có vẻ đã xong, nội giám cùng Thị vệ thu xếp lại hương đèn lỗ bộ, đưa tù nhân ra sân sau miếu đường. Dưới mái hiên, nhà vua ngồi trên ghế dài lật xem các bản tâu có đóng dấu đỏ. Cô không nhìn được mặt các tù nhân, chỉ thấy lưng bọn họ, trong đó nổi bật nhất một đứa trẻ gầy quắt cùng một người có mái tóc hung hung của Tây dương.
Lại thêm một người mặc áo tù nhân, tay chân đeo xiềng nữa được đưa tới, cô giật mình nhận ra Thái Công Triều. Thấy anh ta, đôi tù phạm đang quỳ giữa sân có vẻ như muốn vùng lên, rồi bị ấn sụp xuống.
“Nổi giận à, Lê Bá Minh, Lưu Hằng Tín?” Nghe động, nhà vua ngẩng lên, nheo mắt. Thái Công Triều được đưa đến trước hiên miếu, gần ngay dưới chân ngài ta, đối mặt với nhóm tù. Ngài ta lại cười. “Thái Công Triều chỉ muốn lừa phỉnh các ngươi đôi chút, nào như tên Nguyễn Văn Chắm kia lừa vứt các ngươi lại đây.
“Bao nhiêu năm tháng ta đã kêu gọi các ngươi ra hàng, các ngươi nhất định không nghe, nhất định theo tên Chắm giữ thành, buộc nhau phải tử thủ chung với hắn. Ngay cả khi thành đã sụp, các ngươi vẫn cố chống trả đến cùng, khiến trận cuối ta vẫn phải thương vong hơn bốn trăm người. Các ngươi muốn chờ đợi cái gì trong thành? Hẳn chẳng phải là lòng trung thành gì với đám dối cha phản chủ như các ngươi. Ngay cả nếu các ngươi sợ chết đến thế thì vào lúc cuối cùng, các ngươi cũng có thể cùng nhau bắt tên Chắm, dâng thành. Nhưng không, tuyệt nhiên không, các ngươi cùng nhau chống trả cho đến lúc dao kề vào cổ. Hẳn các ngươi tưởng mình là bọn anh hào hiên ngang lắm, cho đến khi tên hèn nhát kia lấy xích tự xiết cổ mình trong tù. Ném bọn ngươi lại mà chịu lăng trì nhục mạ, đến mức sau đó các ngươi muốn chết cũng không chết được, vì cơ hội duy nhất đã bị hắn lấy mất rồi.
“Ta vẫn tưởng tên cầm đầu loạn Phiên An là một kẻ nghịch loạn ngông cuồng cứng rắn, một tên bướng bỉnh kiệt hiệt ra trò, hóa ra hắn chỉ là thằng hèn nhát đáng khinh đáng tởm. Sau khi đẩy hàng ngàn thuộc hạ chết cho hắn, chôn thây trong mả biền tru, hắn thậm chí còn không dám đến đây mà nhìn vào mặt ta, mà chết cho xứng danh một kẻ phiến loạn. Thay vào đó, hắn chết như một con chuột chù hôi hám trong xó ngục Quảng Ngãi. Đến lúc cuối cùng, hắn cũng chẳng vì bọn thuộc hạ anh em sống chết vì mình mà hy sinh, ngược lại đẩy chúng ra tử chiến giành sự sống cho chính hắn. Đến lúc cuối cùng, hắn chẳng dám nhận trách nhiệm, đứng đây như một tên đầu sỏ, mà chết đi để tránh chút hình phạt xác thân riêng cho hắn. Hắn sống và chết đều thanh thản nhẹ nhàng làm sao! Bọn phiến loạn Phiên An, thế là hóa thành một trò cười!” Nhà vua đặt các bản tâu sang bên, nhẹ nhàng nói. “Nhưng các ngươi cũng đừng hòng đổ lỗi cho một mình hắn. Các ngươi có hàng ngàn tên, nắm giữ các đội quân quan trọng nhất, hoàn toàn có khả năng làm mọi thứ. Nhưng các ngươi lựa chọn đi theo tên hèn mạt ích kỷ ấy, tự lừa nhau đến chỗ chết, các ngươi đều giống nhau.
“Phải, tình nghĩa gì với bọn các ngươi, những kẻ có thể nhìn cha mẹ vợ con mình bị đem chém đầu mà mắt không chớp? Tên Dự kia có biết đến ta còn không nỡ giết cha ngươi[2], còn hết lần này lần khác tha giảm hình phạt cho thân nhân các ngươi? Các ngươi đều là quan chức triều đình, tự biết tội không thể tha, nên đem tất cả đám du đãng, tội nhân, cuồng tín ra làm bia đỡ cho mình, bất chấp toàn bộ thế gian, thân thuộc, đạo nghĩa. Ta nghĩ mãi không hiểu tại sao bọn ngươi có thể điên cuồng đến như thế, rốt cuộc cũng chỉ vậy thôi. Kể cả đám môn đồ của ngươi.” Nhà vua đưa mắt nhìn sang người Tây dương tóc hung, mỉm cười. “Đạo giáo gì có thể bất chấp gia đình, tổ tiên, đất nước, tình nghĩa, luân thường, thậm chí cả chút nhân tính căn bản cuối cùng cũng không có? Chúng theo một tên Tây dương như ngươi tử thủ có phải vì ngươi dụ dỗ chúng bằng những lời ‘Tử vì đạo sẽ được lên thiên đường’, rằng chúng có bán rẻ cả thế gian đi theo đám giáo sĩ các ngươi cũng là đúng, rằng tất cả đạo lý của đất nước này đều là rác rưởi tà ma, đều là thứ chống lại các ngươi? Cho nên chúng muốn nước Trời cho chúng, cũng là một đám ích kỷ vô lương tận cùng như thế.
“À, Phú Hoài Nhân, ta muốn thông báo với ngươi rằng ta vừa lập Tứ Dịch quán, tìm con em thuộc viên, sĩ tử, dân chúng có khả năng ngôn ngữ đến học tiếng nói của toàn thế giới. Trong khi các ngươi than khóc kể lể với đám môn đồ, thân tín ngu ngốc rằng ta đưa các ngươi về đây để giam lỏng. Các ngươi không hề muốn làm cho ta, cho đất nước này thứ gì có lợi, chỉ muốn độc quyền thông ngôn, liên lạc với các nước xung quanh, một mình phù phép. Người Anh Cát Lợi, Bút Tu Kê đều than thở các ngươi chặn đứng họ. Thuyền Anh Cát Lợi năm nào bị nạn đậu ở Bình Thuận, Lê Văn Duyệt tự tiện lấy quyền đưa về Gia Định[3], là ý của ngươi đúng không? Ngươi sợ cái gì vậy? Sợ bọn phản đồ Hồng Mao ấy kể về những vị Giáo hoàng trác táng cho tập hợp nam nữ quần hoan dưới bóng nhà thờ Vatican, hay là về những cuộc chiến mà bọn giáo sĩ các ngươi cầm thánh giá đi chém giết, tàn sát, cướp bóc khắp thế giới? Những đất nước bị các ngươi tận diệt bằng chiêu trò gieo rắc mầm bệnh, dùng đạo giáo để chia bè kéo phái, bằng cái thiên đường dối trá sặc mùi máu tanh như ngươi vừa làm? Ta vẫn thường tự hỏi tại sao người Tây dương vốn thông minh đến thế trong việc chế tạo máy móc khoa học, nhưng lại hồ đồ ngốc nghếch tôn thờ các ngươi cả ngàn năm, bất chấp sự bẩn thỉu ngay trước mắt của đám giáo sĩ các ngươi? Và rồi ngươi vừa giúp ta hiểu ra, các ngươi có thể khiến con người vứt bỏ tất cả vì cái thiên đường hoan lạc nọ, vì chính bản thân chúng - vị chúa tể tột cùng của chúng. Con người, thực sự các ngươi đều giống nhau.
“Còn bọn Tây dương các người quả thật cũng giống nhau, dù là đạo lý của Chúa hay thuyết giáo về công bằng của bọn yêu nhân[4]. Các ngươi dối trá vẽ ra thiên đường cùng địa ngục ngay trên dương thế. Các người truyền đạo bằng cách đẩy đám con chiên xuống bùn lầy của tội lỗi và nhục nhã, bằng cách phá hoại mọi vương triều, đất nước, niềm tin. Các người tô vẽ xứ Tây dương ăn sống nuốt tanh trên máu toàn nhân loài ấy thành hình mẫu cho đám cừu khờ khạo đã bị tước sạch mọi tự tôn tự tri, chỉ còn biết căm ghét, chống phá ngay chính nguồn gốc của mình. Thật dễ dàng để nhìn thấy, moi ra, khuếch đại những thứ xấu xa, cũng như ta đang nói về bọn Tây dương dối trá man rợ các ngươi bây giờ. Và chỉ cần vẽ nên một thiên đường trên miệng giếng, mọi thứ, mọi kẻ đều là nguyên nhân. Thiên đường ấy là nước Trời hay là Tây dương cũng giống nhau, đều cần bọn ngươi hướng đạo cả.” Nhà vua cười khẽ, đưa mắt nhìn lên bầu trời vần vũ mây xám. “À, thật ra ta cũng không lạ với các chiêu trò ấy. Giống nhau, thế gian này thật ra rất giống nhau, đến mức nhiều khi ta phát chán lên được.”
“Ngươi xem, Thái Công Triều, cái thứ này có thú vị gì đâu.” Vẫn ngồi trên ghế, nhà vua đá đầu mũi chân vào vai Thái Công Triều, cười nói. “Ta nghe nói môn đồ của lão đã kịp đi kể lể rằng lão bị tên Chắm giam giữ trong thành suốt ba năm, bị kề dao vào cổ bắt viết thư cho Xiêm La, kêu gọi đám môn đồ liều chết, rằng lão lại bị đám quan nhà ta ép nhận tội đấy. Đến quan tướng của ta bị giặc bắt mà không tự tận thì ta còn truy tội, nói rằng không biết tự tôn liêm sỉ giữ kiếp sống thừa, có ai dám than với ta những lời ấy?”
“Chỉ cần ngài là tên ác quỷ, mọi kẻ chống lại ngài đều đúng, lúc ấy thì ai cần biết thế nào. Ngài nghĩ người sống trên đời đều cần phải biết mọi thứ à? Họ chỉ cần nghe vài kẻ họ thích, họ tôn kính nói vài lời, rồi tin thế là thật cả. Đến nghĩ cũng chẳng mấy người nghĩ nữa là.” Thái Công Triều lắc sợi xích trên tay ra chiều nhức mỏi, cười nói. “Ngay cả người của ngài cũng tin nước thánh, bánh thánh là máu thịt người nghiền ép, ngài có đi giải thích cho họ không?”
“Ta vốn có rất ít kiên nhẫn. Càng ngày ta càng không có kiên nhẫn. Chắc ngươi biết rồi, đám phiến loạn đã ra hàng ở thành Gia Định, trừ phụ nữ với hạng già yếu có đến 550 tên trai tráng, thế mà đến cuối năm trước đã trốn chỉ còn 126 tên. Ta đã tha cho chúng tội chết, còn cấp tiền gạo, nhưng đám ấy trước thì thấy loạn chạy theo nhau cướp bóc, sau thấy họa thì bỏ bạn bè anh em ra thú, rồi một mực trốn xa không thấy mình tội lỗi gì. Trước ta thấy việc như Đường Văn hoàng tha tù vốn cũng chỉ là hiếu danh, nay lại càng thấy không có ý nghĩa nào. Năm xưa ta cùng hoàng khảo trú trong nhà tạm ở sơn phần, nhà bỗng nhiên sụp đổ, vậy mà hoàng khảo không trừng phạt một ai. Rốt cuộc, có cả đám người tranh nhau giật sập nhà trên đầu vua.” Nhà vua nheo mắt cười. “Với đám người chẳng biết vua cha, không chút lương tâm, trách nhiệm ấy, giải thích làm gì? Chúng sẽ hiểu là đám Tây dương này chầu chực ngoài biển để dòm ngó ta, đám thầy tu thần thánh của chúng chính là bọn tay sai dối trá bịp bợm à? Hay giải thích cho chúng về Lữ Tống, Tân Gia Ba, Hạ Châu, Hoa Kỳ, những vùng đất với chúng cứ như nằm ở thế gian khác? Khi chúng hoàn toàn không tin lời ta? Ngươi nói đúng, thế gian này không cần ý nghĩ. Cứ để chúng đem mấy lời hoang đường ấy dọa chết nhau đi.”
“Cẩn thận, bệ hạ, sự ngu ngốc này có thể chuyển thành sự ngu ngốc khác, thành đám lửa mà ngài không thể dập được.” Thái Công Triều nói, nhưng nhà vua đã nghiêng người về phía anh ta. Dưới bóng của mái hiên và bầu trời xám ngoét, gương mặt tai tái của ngài ta trở nên tối tăm kỳ lạ.
“Ngươi bảo ngươi muốn xem thử, thì đây là kết quả, không phải sao? Đây là kết quả mà ta gọi ngươi đến để thấy rõ.” Ngài ta như nói qua kẽ răng, trong hơi thở nghe tựa gió rít vòng quanh sân đá. “Chúng chính là kết quả mà ngươi muốn thấy. Sự thật, ngươi có muốn nhìn thấy sự thật không? Hay đến bây giờ ngươi vẫn sợ?”
“Một tên quan tham ô bị nhốt trong nhà ngục, thà trừng mắt nhìn cha bị treo trước thành chứ không ra hàng. Một tên trong ty Hành nhân kêu gọi đám du đãng người Thanh giết chóc toàn vùng đất. Một tên giáo sĩ trong thì kêu gọi môn đồ liều chết, ngoài thì gọi đồng bạn ở Xiêm La, Chà Và đến hỗ trợ. Một thằng trẻ con bị đám phản loạn lôi lên làm công cụ, nhưng rồi cả đời nó cũng sẽ là loại công cụ ngu ngốc y như tên Lê Duy Lương, chẳng thể nào khác. Một tên quan triều đình vì không muốn chết nên còn sống. Và cả tên chuột chù hôi hám hèn nhát kia nữa. Nhân tiện, ta vừa mới được báo rằng tên nghịch phạm Mai Văn Văn xách động Thổ dân nổi dậy ở Thuận Thành ấy, trước đó đã ngầm báo tin cho Tuần phủ Hoàng Quốc Điều về âm mưu của đồng bọn[5]. Còn tên Cai đội Nguyễn Văn Thuận vốn đi theo quân ta liên tiếp lập công to, chiêu tập đến hơn hai mươi hai sách Man quy thuận, tướng ta còn khen là người thật thà ấy, vừa bị mưu chủ loạn Tuân Lý cung khai chính là tên đầu sỏ khơi loạn chẳng khác gì ngươi. Hắn mới chính là kẻ nhận thư của tên Khôi, chính là kẻ ở sau xếp đặt tất cả, rồi sau đó quay ngoắt về phía triều đình chiêu tập dân Man lập công[6]. Ngươi xem, cả cái loạn ở Bình Thuận hóa ra cũng chỉ là một trò hề. Như trò đùa của ngươi ở Gia Định, như Lê Duy Lương bị bọn suy tôn hắn làm minh chủ giao nộp ở Ninh Bình, như Nông Văn Vân bị chính tên thuộc hạ cũ của mình là Nông Tĩnh Hòa đốt chết. Toàn bộ loạn lạc này hóa ra là những trò hề. Và rồi chúng gọi ta là ác quỷ, được thôi.” Nhà vua bật cười thành tiếng. “Không có gì trên thế gian này đau đớn bằng sự thật đâu.”
Thái Công Triều im lặng đưa mắt nhìn từng gương mặt người quỳ trong sân, khi tiếng cười vẫn vang như xói vào óc.
“Thế là được rồi.” Cuối cùng, khi tiếng cười đã lặng, anh ta thở ra. “Người bảo trọng, hoàng thượng.”
Và rồi chỉ còn tiếng gió trong sân miếu đường. Đến khi các tù nhân bị kéo đi, cô mới nhận ra tất cả đã bị bịt miệng, không còn nhận ra ai là ai với những gương mặt đầy dấu nhục hình.
Thái Công Triều sẽ bị xử tử sau lễ hiến phù, cùng với những tù phạm không qua được đợt xét thu thẩm. Anh ta vẫn điềm tĩnh lạnh nhạt, trong ánh mắt cuối cùng của anh ta nhìn lên nhà vua, cô còn thấy thoáng vẻ buồn bã, gần như… thương hại. Cô cũng nhìn bóng nhà vua, dưới bóng tối của mái ngói lưu ly, dưới bóng mưa mù.
Anh ta bảo, muốn nhìn thử. Người đã chờ đợi, đợi cho đến khi tất cả những bức tường thành đều sụp đổ, đợi đến cả khi ngàn xác thân đã lấp dưới mả biền tru, đợi đến mãi mãi sau này. Nhưng thứ người chờ mong, không bao giờ tới.
Trong tiếng nhạc vang rền, tiếng reo hò dâng từng đợt như sóng, pháo, ống lệnh, súng cùng nổ trong buổi lễ hoa gấm dệt Ngọ Môn, cô ngồi nghe âm thanh rì rầm trong tường đá nội cung, nhìn bóng của cái chết quanh quẩn hoàng thành. Thế là được rồi, thế là được rồi, cô bỗng nghe mình lẩm nhẩm. Câu nói mà cô không hiểu tại sao.
Người bảo trọng. May mắn nhé. Anh ta vẫn thường nói thế khi chia tay, những lời vì lo lắng hơn là cầu chúc. Anh ta vẫn thường rất nhẹ nhõm, một kẻ chơi đùa nhảy nhót trên cánh rừng hoang, và có lẽ khi ra đi cũng là như thế. Anh ta cầu chúc cho bọn họ những điều không có được.
Thế là được rồi. Sự thật, đến đâu mới là tận cùng của sự thật?
Chú thích:
[1] Thất thập tự thọ của Nguyễn Công Trứ
[2] Thực lục, tháng 11 năm 1835: “Trước đây bố tên nghịch phạm Đỗ Văn Dự đã từng theo lệnh, bị treo lên, để dụ bảo con ở trong thành nhưng tên Dự cũng chẳng đoái đến. Thế thì người có đứa con ấy cũng không thể làm sao được, chỉ đành phải vươn cổ chịu giết mà thôi. Ta thường thường bận lòng, áy náy về việc đó.”
[3] Thực lục, tháng 7 năm 1826: “Thuyền buôn Anh Cát Lợi bị nạn đậu ở Bình Thuận. Vua sai trấn thần tính đầu người cấp cho tiền gạo. Dụ rằng: “Nước ấy vốn có tiếng là quỷ quyệt, gian trá trăm khoanh, đến đâu cũng hay sinh chuyện, nên khéo xử trí, chớ để cho đi lại tự do”. Bọn chúng 7 người, sau tự tiện đi Gia Định. Vua nghe tin phạt bổng trấn thần, sai đưa hết cả về Gia Định để ở đấy, đợi khi thuận tiện thì thả về.”
Tháng 11 năm 1835, bản truy luận tội Lê Văn Duyệt: “Năm Minh Mệnh thứ 7, thuyền Anh Cát Lợi bị nạn, đến đậu ở Bình Thuận, đã có chỉ sai quan sở tại hộ tống, thế mà Duyệt cố xin đưa đến Gia Định và nói: quan trấn kiềm chế chẳng bằng thần có quyền, có thể khiến cho nó sợ lệnh tướng và oai quân.”
[4] Thực lục, năm 1827: “Trẫm từng nghe việc loạn ở nước Phú Lãng Sa, bắt đầu có người yêu quái truyền nói ở trong nước rằng: “Phàm loài miệng có răng đầu có tóc đều là người cả, sao lại để cho giàu nghèo không đều”. Thế là ùa nhau nổi lên cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo để cho đều nhau, dần đến loạn to, so với kiêu binh cuối đời Lê việc cũng giống nhau.”
[5] Thực lục: “Trước khi giặc Man xuẩn động, có tên nghịch phạm là nguyên phân tri Mai Văn Văn đã từng bí mật tố cáo với Điều về việc các sách Man làm nhiều cung tên, dường có ý làm phản, nhưng Điều không bắt, tra hỏi ngay, để gây nên vụ án quan trọng. Đến khi nghịch Văn bị bắt, mới cung xưng ra việc ấy.”
[6] Thực lục: “Lầy (Tuân Lý) xưng ra Cai đội Nguyễn Văn Thuận trước kia cùng hai tên đã bị trảm quyết là Nguyễn Văn Thừa và Nguyễn Văn Nguyên, nhận nguỵ thư của nghịch Khôi dặn Thuận chiêu tập đồ đảng, âm mưu hưởng ứng theo giặc. Còn tên phạm đang trốn, nguỵ xưng “Thần Lạc Xứ ra đời” tên là Tâm, lại là con rể Nguyễn Văn Thuận. Thuận ban đầu cùng mưu với lũ nghịch Giảng, nghịch Văn gây biến, nói lừa gạt rằng tên Tâm có phép thần, bịa đặt danh hiệu ấy để cho Thổ Man mê hoặc. Liền sai bắt Nguyễn Văn Thuận, tra hỏi, Thuận đều nhận cả... Dương Văn Phong vì trước không phát giác được ra sự tình phản bội của Nguyễn Văn Thuận, lại xin tha cho hắn, nên phải giáng 2 cấp.”