- Vũ bạc bán không, ngưỡng kiến minh nguyệt[1]
(Mưa trắng nửa trời, ngẩng đầu thấy trăng sáng)
Ngày mười sáu tháng bảy, thành Gia Định bị hạ. Quan quân chia tám đạo theo những mảng tường đã sụp mà tấn công vào các lớp lũy phiến quân dựng. Cuộc chống trả cuối cùng của người trong thành bị đập tan, hơn năm trăm kẻ chống cự bị giết ngay trong trận, một ngàn hai trăm người bị bắt không kịp trốn chạy.
Cờ đỏ báo tin thắng trận về đến Kinh sau bốn ngày, mười một giờ. Không như những lần trước đến vào lúc nửa đêm, lá cờ ‘Thu phục Phiên An thành’ chạy từ Hải Vân về qua những nẻo đường kinh kỳ làm tiếng ồn dâng lên như sóng. Khi ấy nhà vua đang ở lầu Vô hạn ý, nội giám chạy dọc hoàng thành báo tin có lẽ cũng khiến ngài ta đoán được điều đang tới. Cờ đỏ được đệ trình, tin thắng trận được loan báo, tiếng reo mừng càng như sấm dậy. Ngay cả người trong nội cung cũng cầm tay nhau lau nước mắt.
Mấy ngày sau, tập tâu việc đánh thành Gia Định về Kinh. Các Thị vệ lại khởi hành đi Gia Định, đem theo những hòm châu báu tặng thưởng cho quan tướng. Cùng với đó là chỉ dụ ban xuống gần như ngay lập tức: Chỉ giải sáu thủ nghịch là Nguyễn Văn Chắm, Phú Hoài Nhân, Lê Bá Minh, Lưu Tín, Nguyễn Hựu Dự, Lê Văn Viên về Kinh, còn lại tất cả đầu mục đều lăng trì, già trẻ lớn bé bị bắt thảy đều xử tử.
Những ngày sau đó, Duyệt Thị đường réo rắt tiếng nhạc, nội điện ồn ĩ yến tiệc mừng thắng trận, đàn chay được lập trên chùa Thiên Mụ ngày rằm tháng bảy cho binh lính tử trận ở Bắc Kỳ tiếp tục bày thêm bài vị làm lễ siêu độ cho hơn 2400 người chết tại Phiên An. Ngày đầu tháng tám, nhà vua ngự triều ở điện Thái Hòa, ban chiếu gia ân điển đi khắp các tỉnh thành. Trăm quan đứng chật sân chầu, tiếng nhạc triều vang lừng, đoàn hát thiết đãi văn võ diễn trong nhà Duyệt Thị suốt ba ngày. Từ thợ thuyền, chuyển trạm trở lên đều được ban thưởng. Các đội quân ở Gia Định được lệnh trở về sau khi hoàn tất kiểm kê trong thành. Không khí lễ hội ở Phú Xuân có lẽ đã kéo dài cả tháng sau đó, trên những con đường rực rỡ đèn hoa lễ Trung thu.
Thành Gia Định chỉ còn lại những đống đổ nát, khiến việc kiểm kê tiền bạc, vật dụng phải đến vài tháng mới xong, quan tướng phải đào lên những căn hầm cất giấu hàng chục vạn quan tiền dưới những căn nhà sập, tìm kiếm từng nấm mộ hoang phế lẫn những hố chôn các thi thể nát vụn. Hơn một ngàn thương bệnh binh sau cuộc chiến vẫn còn phải chữa trị trong các khu nhà dựng tạm. Quân lính xếp lại những thang, súng để tiêu hủy, thu thập đạn pháo trong thành, lấp lại những đường hào, san phẳng những đoạn thành vỡ. Sự bận rộn khiến cuộc hành hình ở đồng Tập Trận cũng chẳng còn ai để tâm tới. Ngoài một vài đầu mục bị đưa đến năm tỉnh Nam Kỳ lăng trì xử tử, toàn bộ người trong thành bị đưa ra đồng chém đầu, ném xuống mả biền tru. Không cần tra xét, không kể là bất cứ ai, đều bị ‘vứt thây xuống cái hố lớn đào sau thành, lấp đất, chất đá thành gò lớn, dựng bia khắc chữ ‘Nghịch tặc biền tru xứ’ để tỏ rõ phép nước, hả lòng người’.
Những cái chết cuối cùng ở thành Gia Định tan vào bụi cát mà không có lấy một bản ghi. Một kẻ tiểu dân ở Quảng Trị nói càn bênh vực Lê Văn Khôi cũng bị nhà vua ra lệnh chém đầu ngay lập tức. Thủ cấp của những kẻ tự xưng Hữu, Trung, Hậu quân Nguyễn Hàm, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Từ được đưa về Kinh đầu tiên, cắm trước cổng thành trước khi bị giã nát ném xuống sông. Nhà vua thậm chí còn không buồn lấy hài cốt Lê Văn Khôi khi ra lệnh quật mộ, xả thịt ném cho chó ăn, xương giã vụn bỏ hố xí. Các nấm mộ kẻ phản nghịch đã chết trước đó được chôn trong thành cũng bị đào lên ném vào hố xí, quăng xuống biển ‘chớ lưu lại trong thành để khỏi nhơ bẩn’.
Trong tiếng nhạc và khói hương nghi ngút, trong cả tiếng cười hân hoan và những tiếng thở dài nhẹ nhõm, trong bạc vàng ban thưởng và những hoa đèn rực rỡ, có lẽ chẳng ai để tâm đến những hình phạt đầy oán hận nọ. Cũng có lẽ sự oán hận đó là một thể khi Thị vệ báo lại cho nhà vua về những chúng dân xin thịt kẻ bị hành hình mà nhai nuốt vào ngày lễ dâng tù. Tiếng khóc trước đàn chay ở ngôi chùa trên núi cũng vang động như lễ nhạc khắp các con đường thành nội.
Hoàng thành lại là nơi sự chộn rộn lắng xuống nhanh nhất. Đã vào ngày trọng thu, những tập vấn an cuối năm của các quan từ khắp trong ngoài chuyển về, cuộc chiến ở Bình Thuận cũng đi vào giai đoạn cuối. Những dòng sông Bắc Kỳ lại lên, anh em vua Chân Lạp vẫn chực chờ ngoài biên giới, toàn bộ binh lính trong đất nước phải chia đặt lại, những án thu thẩm lại được đưa về điện Văn Minh. Thậm chí không chỉ Bố chính Nguyễn Đăng Giai và Án sát Trần Thế Nho ở Bắc Ninh hục hặc với viên Ngự sử, Tuần phủ và Án sát ở Ninh Bình cũng mâu thuẫn, tranh cãi đến mức đưa lính đòi chém nhau. Dù cả nước năm ấy được mùa, một tỉnh Minh Linh bị đói mà quan địa phương không tâu báo, chết đến hơn bốn trăm người. Tất cả đã mau chóng đưa cuộc sống trong thành trở về nhịp cũ. Các quan trong viện Cơ mật giải chức trở về sở bộ làm việc, những sở luyện thuốc súng khắp đất nước được bãi bỏ, ngay cả thân nhân của nghịch phạm trong thành Gia Định cũng được ân xá tha về, giảm án. Tin tức chiến cuộc rồi chỉ còn là dự định xây nhà Võ miếu cùng những đầu mục nghịch phạm được giải về đến Kinh cuối mùa thu năm ấy.
Trong cung nội, sự vui mừng còn mất đi nhanh hơn. Hoàng Năm Miên Hoành, con trai cả của Hiền tần bệnh nặng. Cậu ta đã mắc bệnh từ sau khi thay vua làm lễ tế thu hưởng ở Thái miếu ngày mưa đầu tháng bảy, ban đầu ngỡ chỉ bị cảm nhẹ nhưng bệnh dần trở nặng. Bao nhiêu nhân sâm ngự dụng, thuốc của Thái y viện đưa tới đều không công hiệu. Ngày đầu tháng mười, Miên Hoành qua đời trong tiếng than khóc của cả Thái hậu lẫn Hiền tần.
Nhà vua cho nghỉ triều năm ngày, để Hiền tần đến tế lễ con trai. Người trong cung lại im lặng làm thay thế công việc vị cung tần này để lại. Thái hậu cũng muốn ban đồ tế cho cháu, liền phái cô tới hỏi nhà vua. Ngài ta đã lại đến hồ Kim Thủy nội sau thành, cô không biết ngài ta ở lầu gác nào nên vừa đi vừa nhìn quanh. Vì vụ ầm ĩ vào mùa hè, Chu Phúc Năng bị đưa sang Hình bộ, kết án giảo giam hậu vì bất kính, nhưng chỉ sau đó mấy ngày nhà vua đã thả anh ta ra cho đi hiệu lực Lữ Tống. Hiện tại các viên nội giám thay phiên hầu ngài ta, cô không biết tìm ai để hỏi.
Đi qua lùm tre sau đình Thất doanh, cô bỗng nghe tiếng nói vọng tới. Giọng Ngô Thị Chính không còn vẻ lạnh nhạt trầm tĩnh bình thường, cất cao đến mức cô nghe rõ từ khoảng xa.
“Vẫn đang trong tuần tế Miên Hoành, ngài việc gì phải vội vàng như vậy?” Ngô Thị Chính hẳn đang nói chuyện với nhà vua. Xung quanh đình không có một bóng người, cô nghe ngài ta nhàn nhạt trả lời trong tiếng gió xào xạc.
“Đó là ngày tốt bá quan đã định. Các tướng lập công lớn trở về cần được đón tiếp trọng thể, không thể chờ được.”
“Đó không phải lễ đón tướng, mà là lễ hiến phù. Lễ này do chính ngài bảo các quan tra điển lệ để làm.” Giọng Ngô Thị Chính vẫn run rẩy. “Đang trong tuần tế Miên Hoành, ngài đem tất cả tù binh ra tắm máu ngay trước cổng thành, lễ nhạc tưng bừng, trăm quan hoan hô đó sao? Lễ ngài đặt ra, rồi lại bảo là không thể khác được?
“Phải rồi, không thể khác được. Ngài không vì nó mà thay đổi cái gì hết.” Khi nhà vua im lặng hồi lâu, Ngô Thị Chính lại nói. Cô nghe âm thanh như thể tiếng cười gãy vụn. “Đầu năm nay tuần du Quảng Trị, mưa rét gió bão đại hàn, ngài bắt nó đi hỏi chuyện các bô lão đến đón tiếp ngài. Mùa hè này trời mưa dầm, ngài cho công khanh nghỉ hết, chỉ có một mình Miên Hoành phải ra đồng cày ruộng. Mùa thu này mưa lụt, ngài không muốn đi tế Thái miếu nên lại bắt nó làm thay. Nó bệnh đến chết là do ngài!
“Thằng bé cứ lầm lũi nghe lời ngài. Trời mưa mà ngài không muốn đổi ngày khác, lại viện cớ bùn lầy không được đẹp mắt, thế là ngài bắt nó cày ruộng một mình. Ngài không muốn dầm mưa cả giờ liền cúng tế trong nước lụt, thế là ngài bảo nó đi thay. Từ xuân đến thu, ngài hành nó cho đến chết!”
“Sao lúc ấy khanh không bảo rằng Miên Hoành sức khỏe yếu không làm được đâu? Nói thế thì ta sẽ thay đứa khác.” Giọng nhà vua vẫn chẳng đổi khác, thậm chí còn lạnh lùng hơn. Lại một khoảng im lặng kéo dài trong ngôi đình.
“Nó không nói.” Giọng Ngô Thị Chính lại như vỡ vụn. “Nó nói làm sao được, khi ngài bỏ đi ngay trong đám tang em gái nó…”
“Giờ lại là lỗi của ta đấy.” Nhà vua cười khẽ, ngắt lời. “Nhưng khanh muốn gì, Hiền tần? Khi khanh nhận lương thưởng nhất giai, khi con khanh nhận ân thưởng của thân công hàng đầu, sao khanh không nói với nó? Rằng tất cả đều có cái giá của nó, rằng đây là những việc mà nhất giai phi, hoàng tử hoàng thân phải làm? Hay chỉ nghĩ rằng đây là những việc vẻ vang vinh dự, phải tranh cho bằng được, liều mạng mà làm, đến khi thân không gánh nổi thì tự cho là công lớn nghĩa dày, là hy sinh, hiếu thảo?
“Ta ở đó hay không ở đó cũng chỉ cho khanh chút ít mặt mũi. Ta có làm lễ hiến phù hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới Miên Hoành, chẳng qua cũng chỉ là chút ít thể diện loan báo cho thiên hạ rằng ta yêu thương mẹ con khanh.” Giọng nhà vua vẫn uể oải tiếp. “Khanh cứ yên tâm, ta đã cho Miên Hoành lễ tế dành cho thân công hạng nhất, phong làm Quận vương, tiền lương cho vợ con gấp đôi, hai tuần tế, đủ vẻ vang với thiên hạ. Sau này ta sẽ cho đền miếu thờ cúng đầy đủ, không kém Thiệu Hóa quận vương.”
“Không kém? Ngài ném cho một quyền biện Tôn Nhân phủ sự vụ coi việc tang lễ, còn không một thân công, hoàng tử nào đến làm lễ điện tửu, đừng nói đến ngài đích thân tới viếng. Từng một hoàng tử thân công, một quận vương nào có tang lễ thế sao?” Ngô Thị Chính vặn hỏi. Nhà vua lại cười.
“Thế khanh muốn ai đến, để ta đi bảo?” Ngừng một thoáng, ngài ta thở ra. “Nhắc đến Tôn Nhân phủ thì ta lại nhớ chuyện mùa thu năm nay, Tôn Nhân phủ tự tiện làm tập tâu đưa cho bộ Lễ xin cho thân công đến Thế miếu tế thay hoàng tử, rồi Nội các cứ thế phê chuẩn. Lễ tế Thế miếu dùng hoàng tử tước công đã bốn năm nay rồi, chưa từng dùng tới thân công, Tôn Nhân phủ nhầm là thế nào? Ta chỉ có năm đứa con được phong tước công, nhân khi ta không khỏe chẳng nhìn tới được, tính bề gạt chúng ra, rồi việc gì cũng đưa Miên Hoành vào. Quả nhiên là thể diện cao đấy.”
“Ngài…” Ngô Thị Chính như nghẹn lại trong cổ. “Miên Hoành là đứa trẻ ngoan ngoãn như thế, nhưng ngài lúc nào cũng nghi ngờ nó, nghi ngờ mẹ con thần?”
“Các khanh với ta là quân thần, đừng làm ra vẻ như khanh không hiểu thế. Với một ông vua mà lại đòi tình thân thiết bình dân, lòng tin vô hạn thì thiên hạ này không khen từ ái mà chỉ bảo là ngu ngốc.” Cô nghe tiếng nói lẫn trong lá trúc rì rào. “Miên Hoành là đứa trẻ ngoan ngoãn hiếu thảo, ta sẽ cho nó những gì nó xứng đáng. Còn khanh cứ làm hiền phi của khanh, vừa trên đẹp dưới, trung thành cẩn trọng mà quản lý cung nội, hầu hạ Đức hoàng, đừng can thiệp vào chuyện triều chính của ta. Ta cũng sẽ ban thưởng cho những gì khanh xứng đáng.”
“Xứng đáng?” Đến lượt Ngô Thị Chính bật cười. “Có kẻ chưa từng làm được gì nhưng ngài ngày nhớ đêm mong, ban ân điển đến cả nhà không hết, đứa con mỗi năm mở tiệc trong nội đình bắt cả cung đến rót rượu chúc mừng. Tại sao ngày tuần du Quảng Trị ngài không bắt cậu ta đi hỏi thăm dân chúng, không bắt cậu ta dầm mưa cày ruộng tịch điền, lễ miếu trong nước lụt? Xét về địa vị, nếu Miên Hoành không làm thì nhất định phải đến lượt cậu ta, cho nên ngài nhất nhất buộc Miên Hoành phải làm! Xứng đáng của ngài đó sao?”
“Người đó với ta không phải là quân thần.” Nhà vua hạ giọng, cô thoáng nghe vẻ lạnh lẽo âm u ẩn giấu. “Còn thần tử của đất nước này, hoàng cung này, được sống chết phục vụ ta là ân điển. Vừa muốn làm hiền hậu thục phi, vừa muốn tình cảm yêu thương chồng vợ, khi có chuyện lại gào lên đòi đặc lợi, nói đến tâm tư đau khổ, không phải ngu ngốc hoang đường lừa mình dối người thì cũng là kẻ giả trá kinh tởm.”
Đầu con đường phía gác Hải tĩnh có bóng nội giám đi tới. Cô mải nhìn, thoáng giật mình khi nghe tiếng cười của Hiền tần.
“Phải, nội cung của ngài toàn những người khôn ngoan sáng suốt.” Ngô Thị Chính bỗng nhiên vừa cười vừa nói. “Cho nên hoàng thượng bệ hạ, Miên Hoành không còn nữa, không còn ai che chắn cho đứa con yêu dấu của ngài. Nó cũng là thần tử của ngài, hoàng Cả của đất nước này. Nó phải sống chết mà gánh vác ân điển của ngài. Để xem ngài làm chết Miên Hoành rồi thì có thể bảo vệ đứa con hoang từ thứ thiếp không ai công nhận ấy được tới bao giờ! Thần tử? Thần tử trong cái đất nước này đều là bọn chỉ chực nhảy lên ăn thịt ngài!”
Nội giám kia đã tới gần. Cô vội đi nhanh ra trước, gọi tên anh ta, tìm một công việc nào đó dang dở ở cung Từ Thọ để kéo anh ta lại trò chuyện. Khi cô nhìn lại, Ngô Thị Chính đã quay người rời khỏi đình Thất doanh. Nhà vua vẫn ngồi bên cần câu không động trên bậc thang xuống hồ. Nội giám dâng cho ngài ta cái lồng ấp và hộp trà rồi lui về cung.
“Pha đi!” Thấy cô đứng bên đình, nhà vua đặt hộp trà xuống mà nói. Khẽ thở ra, cô lấy nước trong cái vại nhỏ bên hồ rót vào ấm, đặt lên lò than nhỏ gần đó. Chờ nước sôi, cô báo ý của Thái hậu với nhà vua, ngài ta lơ đãng gật đầu.
“Ngươi chạy ra làm gì?” Nước vừa động lóc bóc trong ấm, nhà vua chợt hỏi. Cô đưa mắt nhìn ngài ta.
“Thần nghe thì chẳng sao, nhưng người khác nghe thì Hiền tần phải chịu phạt, việc sẽ ầm ĩ lên.” Yên một thoáng, cô thở ra. “Nghĩ lại thì mới thấy thần đúng là đồ ngốc.”
“Có những kẻ ngốc không thể cải hóa được.” Vẫn nhìn ra hồ, nhà vua cười nói. Ngài ta thậm chí chẳng buồn an ủi cô.
Dù rằng nội giám nghe tiếng tranh cãi có thể khiến nhà vua buộc phải phạt Ngô Thị Chính để giữ lề lối trong cung, với tình hình hiện tại thì ngài ta cũng không thể đặt ra hình phạt nặng, chỉ có thể quở trách qua loa. Nhưng một khi đã biết cô nghe được chuyện, nào hay người khác sẽ nghĩ gì. Cô thật ốc chẳng lo được mình ốc, còn bao đồng việc không đâu.
Cô mở hộp lấy trà bỏ vào ấm gốm. Mùi hoa từ trà tỏa lan, không rõ là hương sen hay nhài. Chiêu thêm nước nóng, mùi hoa càng ngát hơn. Cô rót trà ra tách, dâng lên cho nhà vua. Ngài ta gật đầu, chỉ nâng lên ngửi rồi đặt tách trà xuống bên.
“Nhìn quang cảnh này lại nhớ đến câu ‘Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân’.” Ngồi sau nhà vua, cô nhìn quanh hồ nước, mỉm cười. Sen đã tàn hết từ lâu, chỉ còn vài mảnh lá dạt bên bậc đá. Nước trong hồ đang lên, man mác từng đợt sóng gợn lăn tăn. Mấy con cá lượn gần đình có thể trông rõ dưới làn nước, nhưng chúng không bơi đến gần cần câu. “Không biết đã bao nhiêu mùa đi qua rồi.”
“Ngươi lại định nói gì thế?” Nghe thế, nhà vua cũng cười. Cô cúi đầu đặt ấm trà vào khay.
“Người vốn chẳng hiểu sầu thì không biết năm tháng dài ngắn. Người sầu thì lại không hay mình buồn đến bao nhiêu. Cả hai đều không biết hoa nở hoa tàn, thật đáng tiếc.” Cô buông tay khỏi quai ấm nóng, thở khẽ trong hương hoa thơm ngát.
Dù có bao nhiêu đau buồn, thương tiếc, giận dữ hay thù hận, sớm mai thức dậy, người vẫn là đế vương, cô vẫn sống trên thế gian này. Rồi ngày ngày, tháng tháng, năm năm, chớp mắt đã trôi qua gần hết cuộc đời. Người tưởng chừng có thể đếm thời gian trôi, cũng đã mất dấu với thời gian. Những nỗi đau tưởng chừng có thể xé nát tâm can, những hận thù tưởng chừng sâu như trời biển, cuối cùng cũng chìm vào quá khứ như hoa nở hoa tàn. Tháng tháng năm năm, chớp mắt đã trôi đi, không còn cả một bóng mây qua trời. Hỉ nộ ai lạc, chớp mắt đã tan biến không vết tích, chỉ để lại một xác thân trống rỗng ngẩng đầu nhìn bóng nắng.
“Ngươi nghĩ ta buồn à?” Nhà vua hơi cau mày.
“Không, ngài vui chứ. Vui đến bay lên được.” Cô ngẩng đầu, cười khẽ. “Giống như một phần thân thể thương tích, thối rữa, đau đớn bao nhiêu năm, bỗng nhiên bị một đao chặt đứt.”
“Rồi sau đó?” Nhà vua vẫn như lơ đãng hỏi. Lần này, cô im lặng.
Và rồi người vẫn chẳng thể bay, chỉ là một kẻ què quặt nằm trên mặt đất. Ngày thành Gia Định sụp đổ, ngài ta lại gọi cung nhân đến chúc mừng – sau những tháng liên tục tuần du vòng quanh kinh thành như thể trốn chạy một điều gì. Đó là cuộc sống của ngài ta, cái cung thành của ngài ta, thần tử, con cái, phi tần, luật lệ, chúng dân, ngày ngày tháng tháng. Ngay trong khoảnh khắc ấy, hẳn ngài ta đã nhận ra mình chỉ còn hiện hữu nơi đây, tất cả quá khứ đều đã tan biến cùng chút ảo vọng, ký ức cuối cùng. Trong giờ khắc tiếng hô vang bùng vỡ toàn thành, hẳn ngài ta cũng đã thực sự vui mừng, cũng muốn nhảy nhót như có thể bay lên. Và khi những hình phạt tàn khốc khủng khiếp nhất giáng xuống kẻ thù, ngài ta đã cảm thấy như trút bỏ được toàn bộ gánh nặng. Để lại một xác thân trống rỗng.
Và rồi, năm tháng lại cứ trôi.
Cơn nóng giận, oán hận của ngài ta cũng tan biến nhanh như khi xuất hiện. Như khi ngài ta thả Chu Phúc Năng khỏi nhà ngục, khi ngài ta ra lệnh ân xá cho toàn bộ thân nhân nghịch phạm Phiên An ngay sau những kẻ đầu mục bị hành hình. Viên quan Lê Đăng Doanh can tội che giấu con gái Nguyễn Văn Quế vốn bị cách chức cũng được khôi phục làm Biên tu Hàn lâm viện. Như khi chỉ còn ngài ta ngồi lại nơi đây, ngẩng đầu nhìn bầu trời trên dòng nước mùa đông. Chẳng còn một ai của ngày tháng ấy, kể cả cha cô lẫn Lê Văn Duyệt, kể cả những ràng buộc cuối cùng của ngài ta với vị Hiền tần nọ. Chỉ còn ngài ta ở đây, với cuộc đời của một đế vương, năm tháng trải dài và những cơn sóng không hồi kết.
Miên Hoành đã chết, ngay sau khi thay thế nhà vua làm lễ Thu hưởng ở Thái miếu, trong ngày tế đầy sai sót kỳ lạ từ Tôn Nhân phủ, Lễ bộ cho đến Nội các. Ngay sau khi thành Gia Định đã bị hạ và những tên đầu mục được giải về Kinh. Không chỉ nhà vua tỏ ý nghi ngờ, cô nghĩ mình biết cả điều Ngô Thị Chính không dám nói: đã có kẻ ra tay với Miên Hoành, có thể là ngay chính nhà vua. Hoặc là, ngài ta chủ ý đẩy Miên Hoành đến chỗ chết khi liên tục sử dụng cậu ta trong thời điểm này. Cũng có thể ngài ta chẳng mang ý ấy, chỉ là dùng cậu con trai có địa vị cao nhất nhì trong nhóm hoàng tử tước công để làm những việc ngài ta không muốn dùng đến Miên Tông. Dù sao, kết quả cũng đều như nhau.
Ngay khi sức khỏe nhà vua có dấu hiệu đi xuống, ngay khi ngài ta tỏ ra lơ đãng trong những cuộc tuần du như trốn chạy khắp kinh thành, một cuộc tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra chẳng mấy âm thầm. Một tập tâu sai lầm đi xuyên suốt Tôn Nhân phủ cho đến Nội các như sự đồng thuận ngấm ngầm từ trên xuống dưới. Và ngay cả lúc này, đám tang Miên Hoành chẳng được phái một tông thất nào đến làm lễ tế như cuộc giằng co từ khắp bốn phía. Dù có đau lòng hay lạnh nhạt, dù để tâm hay vô tình, là thật hay là giả, cũng chẳng có giá trị gì. Những lời thương tâm tình nghĩa nhất, cũng có thể là tột bậc giả trá toan tính nhất.
Do đó, cô lặng im. Nhà vua cũng chẳng nói với cô về việc ngài ta vẫn cho các quan thân tín trong Nội các sửa soạn truy luận tội Lê Văn Duyệt. Lê Văn Tề đã bị triệu về Kinh cùng các em cô. Một cuộc thay đổi từ tận gốc rễ sắp diễn ra, và là ý trời hay ý người, con trai Ngô Thị Chính đã bị loại trừ đầu tiên. Cuộc thanh trừng cuối cùng đang đến, và nhà vua im lặng.
Đến lúc ấy, cô mới chợt nghĩ ra, vẫn chẳng một ai có thể đoán định được điều ngài ta muốn. Như khi ngài ta kéo buồm chạy trốn khỏi Bắc Thành, như khi ngài ta giăng bẫy Trần Nhật Vĩnh. Như ngài ta yêu thương và oán hận. Như ngài ta một mình đối mặt với cái chết âm thầm, ngay từ ngày tháng ấy.
Chú thích:
[1] Tùng phong ngâm tặng biệt của Tuy Lý vương