Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

98. Cô lộ bạch đầu sinh diệc khổ
Trường An in "Minh nguyệt 3" October 7th, 2019
  1. Cô lộ bạch đầu sinh diệc khổ, nhi hy hoàng nhưỡng tử ưng cam[1]
    (Đầu bạc bơ vơ sống càng khổ, suối vàng vui vẻ hẳn cam lòng)

 

Tháng sáu năm ấy, ba đạo binh Cao Tuyên Thái về Kinh, lễ bão tất được nhà vua cho tổ chức để đón tiếp các quan tướng lập công.

Cùng lúc, đoàn thuyền chở quân dụng và những chiếc thang bay, áo giáp, giày da, súng do nhà vua vừa chế ra khởi hành đến Gia Định. Cuối tháng ấy, quan tướng trả lời cho câu hỏi của nhà vua về sự phòng bị trong thành Gia Định: Lôi mộc, mộc mã, gạch đá, chông sắt chất đống trên thành. Bốn góc và các pháo đài thì đắp đất làm lũy cao ba thước, khoét lỗ châu mai để đặt súng ngắm bắn. Trong nữ tường dựng nhà lều, đắp lũy đất bao quanh. Không còn một chỗ trống nào có thể đứng được trên mặt thành.

Bọn họ tâu xin nhân đường hầm đã xuyên qua hào mà đào vào thân thành. Từ bốn góc đào lấy hai đường thấu vào thân thành cao trên dưới bốn thước, đặt chấn địa lôi để phá vỡ thành. Tuy nhiên, lời tâu này có vẻ chỉ được báo sau khi việc đã làm. Đến giữa tháng sáu nhuận, các góc thành đã bị đào khoét sâu hoắm. Tới đầu tháng bảy, tin từ Gia Định báo về: Ba góc thành đã sụt đổ, chỉ còn lại một góc trái phía sau. Quan quân đã có thể xâm nhập thẳng vào tường lũy mà phiến quân đắp trong thành.

‘Đến khi giáp trận, thành chẳng cần đánh cũng vỡ tan’, họ nói. Sau lệnh hoãn đánh thành lần cuối cùng của nhà vua vào tháng sáu năm đó, rốt cuộc họ thậm chí đã chẳng cần đến chấn địa lôi hay phục địa lôi để ngôi thành hoàn toàn sụp đổ. Những tin báo sau cùng nói về các cuộc đụng độ gần như trực diện ở các mảng thành vỡ. Và quan tướng xin lệnh đánh thành đã chẳng báo cho nhà vua ngày giờ đã định, ngài ta chỉ biết thông qua một viên Thị vệ dò thám được.

Tháng bảy, những mảng tường cuối cùng của thành Gia Định sụp đổ sau một thời gian dài chống chọi. Kết thúc của trận chiến cũng đã tới, như thể làn nước lên chẳng thể nào khác được.

Mùa hạ năm ấy, Phú Xuân mưa dầm mặc cho phương Bắc nắng hạn. Kinh kỳ sau những ngày đón tiếp ba đạo quân khải hoàn trở về đã lại yên ắng trong những cơn mưa cùng sự đợi chờ mệt mỏi ba năm đằng đẵng. Thời gian như thể kéo dài ra mãi mãi, khiến cô khi nhận được tin nhắn của Ngọc Anh cũng đâm ra hoang mang. Cái tên dội vọng về từ quá khứ và người đã lâu không gặp làm cô có cảm giác như mình chưa từng biết tới cô công chúa ấy.

“Ta lại chuẩn bị về Đà Nẵng, muốn tới hỏi thăm em một lần.” Ngọc Anh nhẹ nhàng nói như giải thích. “Năm trước anh Ngoạn chồng chị Ngọc Châu qua đời, ta biết tin trễ quá nên về muộn, rồi còn phải thu xếp việc trong nhà. Ta cũng không biết có thể về lại Đà Nẵng hay không, nhưng các con đã lớn cả rồi, chúng bảo ta muốn đi thì cứ đi, chúng tự tới thăm được.”

“Vâng, trông chị rất… khỏe.” Cô hơi ngập ngừng nói. Ngọc Anh ăn mặc như một thiếu phụ bình dân, chẳng có lấy một món trang sức biểu lộ dòng dõi sang quý, nhưng thần thái nhẹ nhõm, khuôn mặt nhu hòa, vẻ nghiêm trang lo lắng thường trực trước kia đã mất. Ngồi trong căn gác Hải tĩnh vốn đã đơn sơ hơn rất nhiều so với cung thành, cô công chúa trông lại xa lạ như thể hoàn toàn không hề liên quan đến nơi đây.

Năm trước cô nghe Ngọc Xuyến nói rằng Ngọc Anh đã quay về Kinh, nhưng không thấy cô ấy vào cung, cũng chẳng có ai nhắc đến. Ta sắp về Đà Nẵng, bây giờ cô ấy nói, và tới tìm cô như một cơ hội gặp gỡ cuối cùng. Sau những tang thương, oán hận, xa cách, bây giờ Ngọc Anh ngồi trước mặt cô bình lặng như thể một người xa lạ, thậm chí cô không thể nghĩ tới cô bé ở thành Gia Định năm nào.

“Ta có đi ngang phủ nhà em, nghe nói các em của em vẫn còn ở Tuyên Quang, Cao Bằng?” Nghe câu nói của cô, Ngọc Anh chỉ mỉm cười hỏi sang chuyện khác. Cô gật đầu.

“Vừa rồi đi đánh thuận lợi quá, địch nghe đại quân tới đều chạy cả, nên chẳng mấy ai lập được công lao. Ngay cả xét công lần cuối cho những người năng nổ khó nhọc cũng chẳng có tên các em ấy lẫn Lê Văn Tề. Hoàng thượng mắng bảo cho đi hiệu lực mà chẳng làm được gì, bắt ở lại Tuyên Quang để đua sức ra công, chưa cho về.” Ngừng một thoáng, cô lại cảm thấy như phải giải thích cho Ngọc Anh. “Các em ấy đi cùng Lê Văn Đức, Tạ Quang Cự, hai người ấy vốn thao lược cẩn trọng, tiến lui không có khe hở, lại có đông thổ mục, thổ binh đi cùng, có chuyện cũng không nhờ đến mấy viên tập sự Hoa danh, Giáo dưỡng. Chỉ đạo quân Nguyễn Đình Phổ, Nguyễn Công Trứ gặp chút rắc rối, nhưng hoàng thượng không giao quân Giáo dưỡng cho họ.”

Nhà vua coi như đã bố trí ổn thỏa cho các em của cô, khi ngài ta biết rõ Nguyễn Công Trứ kia ghét Lê Chất cha cô đến mức nào. Tạ Quang Cự xem như có cảm tình với cha cô, Lê Văn Đức làm việc công tâm không vị tình riêng, thậm chí đã cho nhóm Lê Văn Tề về ngay khi gặp rắc rối mùa hè năm trước. Nhưng quả như cô nghĩ, các cậu ấm nhà đại quan này kẻ ở kinh thành đã lâu, người được nâng đỡ chiều chuộng, lần đầu đi trận chỉ líu ríu chạy theo nhau, thấy vực sâu núi cao biên giới thì hoảng hốt lạ lẫm, càng không biết thế nào là lấy lòng người, kết nhóm lập công. Nhà vua bắt cả nhóm ở lại Tuyên Quang, Cao Bằng, chẳng biết có cơ may nào để chúng lập công, nhưng ít nhất sẽ không phải về cùng với ba đạo quân đang ở kinh thành hiện tại.

“Nguyễn Công Trứ vừa xin đi Nam Kỳ đánh thành Gia Định đấy.” Ngọc Anh nói bằng giọng chẳng rõ thái độ nào. Cô nhìn theo làn khói mỏng từ ấm trà trên bàn, không đáp.

Viên quan năng nổ này vừa xong lễ bão tất đã ngay lập tức xin đi Gia Định, khiến cả thành râm ran. Cũng khó trách, sự biến ở Gia Định kéo dài khiến cả các sĩ dân người Nam Định, Bắc Ninh cũng đến thành đánh trống đăng văn trình bày phương cách đánh dẹp. Nhưng hẳn viên quan vừa về không biết nhà vua lại mới cho hoãn cuộc công thành. Đến bây giờ, chính cô cũng tự hỏi không biết ngài ta còn muốn chờ đợi điều gì?

Nguyễn Công Trứ, người đã đánh dẹp Phan Bá Vành, nhận lãnh trách nhiệm Hình tào Bắc Thành ngay sau khi cha cô qua đời, và chẳng bao giờ giấu sự giận dữ với cách làm việc của Bắc Thành dưới thời cha cô. Hai vạn quân binh chẳng được việc gì, mộ binh rồi mới báo cho nhà vua như thể ép ngài ta phải chấp thuận, nhưng hoàn toàn không kiểm soát, huấn luyện, phủ dụ. Một Bắc Thành chỉ có cái vỏ bề ngoài, nơi những tổng lý mặc sức tranh cường lũng đoạn, các đội quân chẳng khác đám cướp ngày, đến vật hạng dùng cho các sảnh công đường cũng nhũng lạm, các thủ đoạn ngang nhiên hoành hành đến mức hai đợt thanh tra quan lại các tào vẫn chẳng đem đến thay đổi gì. Chỉ khi nhà vua cho cải tổ lại toàn bộ cơ cấu từ ngay chính các tổng lý địa phương, kết quả thanh tra mới bắt đầu có chuyển biến. Chúng là một búi dây rối vào nhau từ trên xuống dưới, dựa vào cái bóng của vị Tổng trấn mà tạo dựng thế lực, người thì thầm. Ngay cả trước khi bọn Nông Văn Vân nổi loạn, những rắc rối cũng bắt đầu xảy ra ở những thổ mục được Lê Chất cất nhắc, sử dụng quan hệ để chiếm chức thổ Tri châu. Bọn Nông Văn Vân, thông qua Lê Văn Khôi dưới quyền Tả quân và được sự dung túng trực tiếp của Tổng trấn Bắc Thành, đã trở thành một thế lực lớn mạnh không ai ngờ tới.

Chẳng có một bằng chứng nào rõ ràng, nhưng lời suy đoán, buộc tội vẫn đang truyền đi. Không chỉ Nguyễn Công Trứ nóng lòng, mọi sự kiên nhẫn đang dần cạn kiệt với những sự kiện liên tiếp xảy ra. Thành Gia Định như cái ung nhọt truyền bệnh khắp đất nước, khơi dậy tất cả những gì tưởng đã bị chôn vùi. Khi biến loạn đang dần lắng lại, bọn họ bắt đầu hỏi: Tại sao? Và những người liên quan trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Như nhà vua nói, kẻ cho chúng cơ hội để trở thành những tên phản loạn điên cuồng tồi tệ nhất.

“Em trông có vẻ không lo nghĩ lắm nhỉ?” Quan sát cô hồi lâu, Ngọc Anh nói. Cô lại cười.

“Lo nghĩ thì có ích gì đâu. Vả lại, dạo này em thường tự hỏi: tại sao mình lại ở đây, sống như thế này?” Cô cười khẽ. “Em vào đây đã hơn mười năm rồi, sống mơ mơ màng màng. Bây giờ thậm chí đến tên người em cũng không muốn nghe, nhìn mặt người em cũng thấy mệt mỏi chán ghét. Nhắc đến tình cảm thì lại càng chán ghét. Nhìn mặt nhau để nghĩ cách đối phó, luồn lách, dựa thế theo thời, rồi tự cho mình là khôn ngoan, ranh mãnh, thành công. Nghĩ đến nhau để kèn cựa, lợi dụng, sợ hãi, ghét bỏ. Vây quanh toàn là con người mà như đứng giữa dã thú rừng hoang. Nói toàn những lời tình nghĩa mà vẫn phải tính toán hơn thiệt. Rốt cuộc chúng ta sống như thế để làm gì vậy?

“Chúng ta không nên sống như thế này, đúng không? Đáng lẽ không nên như thế này, đúng không?” Cô hạ giọng thì thầm, ánh mắt vẫn hẫng vào khoảng không trên làn khói mỏng. Ngọc Anh dợm mở miệng thì chợt nghe tiếng xôn xao bên ngoài.

“Mấy quan lớn đem con chim cốc tới.” Cô cung nữ đứng ở cửa gác nghiêng đầu nhìn, cười nói. Cô cùng Ngọc Anh đến bên cửa sổ trông ra, thấy Hoàng Quýnh và Lê Văn Đức ôm theo một con chim lớn có buộc dây ở cổ. Mấy nội giám thả một chiếc thuyền xuống hồ, hai người buộc sợi dây vào đầu thuyền, để con cốc bay là là trên mặt nước. Đột ngột, con chim đâm mổ xuống, bắt một con cá còn quẫy nước tung tóe bỏ vào tận giỏ treo trên thuyền. Những người đứng quanh hồ và cả cung nữ trong gác đều reo mừng khe khẽ.

“Mấy con chim này mới được đưa từ Cao Bằng về. Hoàng thượng hôm trước thả chúng ra sông Hương bắt cá rồi chia cho các ngư dân, bảo gây giống, huấn luyện chúng.” Ngọc Anh nhỏ giọng nói bên cạnh cô. Cô nhìn hai vị ‘đại quan’ kia, trong lòng thầm nghĩ chẳng rõ là Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ hay Tạ Quang Cự đem cả đàn chim cốc về mừng lễ Vạn thọ lẫn tiệc khải hoàn cho nhà vua? Ngài ta vốn yêu thích chim muông, ngay khi mới lên ngôi đã bãi thuế sân chim ở Hà Tiên vì ‘không nỡ để tiểu dân trục lợi hại sinh vật’, các quan biết như thế nên thường đem giống chim lạ về làm lễ. Sau khi phá lồng thả chim muông khỏi vườn thượng uyển, nhà vua đem chim được tặng chia cho các sở bộ nuôi. Nhưng với con cốc khôn ngoan này thì không chỉ nhà vua mà các quan cũng thích thú. Hiện tại cả hai vị quan lớn đều cười ha ha nhìn con chim bắt cá, trông như bọn thiếu niên trẻ tuổi chơi đùa giữa hồ.

“Chiều nay ta có món cá nướng ngự hồ, tiếc rằng Đăng Giai không ở đây.” Lê Văn Đức lắc giỏ cá, làm dấu cho con cốc đậu lại đầu thuyền. Hoàng Quýnh nghe thế liền nhún vai.

“Thôi đừng nhắc đến hắn ta! Có ai đi làm quan như hắn, vừa lập được công thăng một cấp thì bị giáng ba cấp, toàn vì tội làm việc tùy tiện không ra sao.” Hoàng Quýnh cau mày nói. “Lúc hắn đi chiêu dụ thổ phỉ Thanh Hoa thì bị tố cấp gạo, may áo cho thổ binh mà không thèm biên vào sổ. Hắn nghe Tuần phủ hặc tâu thì bỏ chiến trường chạy về xin xỏ, còn bị người ta tố thêm. Đến Bắc Ninh thì hắn với Án sát tranh luôn cả việc của Lãnh binh, ai đời thấy có giặc cướp thì quan võ ở lại giữ thành cho quan văn đi đánh, rồi quay lại bảo quan võ của tỉnh toàn đồ vô dụng? Ngứa mắt người khác đến độ Ngự sử thuộc tỉnh hặc tâu Án sát sai lính làm việc riêng, lôi luôn cả hắn vào, hắn lại đi tố ngược Ngự sử mười cái tội khác, ầm ĩ tới cả Tuần phủ cũng liên lụy. Tôi lúc mới ra ngoài làm quan tưởng đã vụng dại gây chuyện nhiều lắm rồi, nhưng đi đến đâu rắc rối đến đấy, lập được một cái công đi kèm ba cái tội như tên ấy thì địa phương nào cũng hãi! Bây giờ tôi tự hỏi hắn còn cấp nào không để giáng đấy chứ mà đòi về Kinh?”

“Nhưng chẳng phải việc nào anh ta cũng làm được sao?” Lê Văn Đức nghe thế thì bật cười. “Đăng Giai là bạn học lớn lên với hoàng thượng trong cung đình, thích gì làm nấy, có chuyện thì chạy về nhờ cậy vua quen rồi. Người cái gì cũng tính toán nhìn trước nghĩ sau thì không dám làm, gặp việc thì đun đẩy qua lại. Làm việc lâu rồi tự khắc sẽ khôn ngoan cẩn trọng hơn.”

“Còn ai khôn hơn hắn được? Vừa bị tên Ngự sử quàng tội vào thì hắn chẳng biết bằng cách nào lôi ra cả đống tội của kẻ kia tố ngược. Kết quả hắn chỉ bị giáng ba cấp chứ tên Ngự sử bị đày đi Cam Lộ làm lính. Nhưng chính vì hắn khôn ranh quá mức nên mới gây đủ chuyện thị phi thế đấy.” Hoàng Quýnh bất chợt thở dài, đổi giọng. “Khi gặp hắn ở Bắc Ninh thì tôi cũng đã bảo, nước nhà nhiều chuyện, hoàng thượng còn bao nhiêu việc phải lo, là bạn bè hay thần tử cũng phải nghĩ giúp đỡ cho ngài. Hoàng thượng bao dung bảo vệ là phúc của hắn, đừng được nước lấn tới mãi. Vừa rồi tôi nghe Trương Đăng Quế nói đích thân anh ta phải đi xem xét từng đơn thuốc của hoàng thượng từ đầu năm đến giờ vì ngài dùng nhiều thuốc quá, sợ chúng xung khắc với nhau[2]. Ngài không dám tùy tiện dầm mưa dãi nắng như trước nữa, đến lễ cày ruộng tịch điền gặp mưa cũng phải lấy hoàng Năm đi thay. Đã vậy ngài còn phải lo chuyện không đâu thì có ngày Đăng Giai gặp phải cơn lôi đình như Chu Phúc Năng mới biết đời.”

“Đăng Giai chẳng phải muốn gây chuyện, chỉ vì không nghĩ được tới quá nhiều thôi. Cha Đăng Giai hay bảo anh ta là người có phúc, có khi lại gánh vác được cho tất cả chúng ta đấy.” Lê Văn Đức vừa đưa tay gại ức con cốc vừa cười nói. “Dù sao anh ta là làm việc tùy tiện thất thố để bị người nắm được chứ không ngốc, ném vào chốn quan trường cũng chẳng phải lo. So với Đăng Giai thì tôi thấy còn nhiều người đáng ngại hơn, như Trương Minh Giảng mới ở thành Trấn Tây mấy tháng mà đã để bọn dưới dựa dẫm dỗ tiền Huyện quân, bắt người trái phép. Cũng là tùy tiện nhưng nhẹ dạ dễ xuôi theo ý người rồi tự cho là mình thanh bạch, lại chẳng biết mình đã gây nên chuyện gì.”

“Anh lại đang mỉa tôi đấy?” Hoàng Quýnh nhướn mày, nhưng đột nhiên im lặng. Thuyền của hai người vẫn trôi trong hồ, Hoàng Quýnh ngả người nằm trên sàn thuyền khi Lê Văn Đức vẫn chơi với con cốc, cho nó vài con cá nhỏ. Một lúc, Hoàng Quýnh hạ giọng. “Anh sắp về lại Sơn Tây rồi à?”

“Hoàng thượng bảo nước lũ mùa thu sắp lên, chúng tôi phải nhanh chóng về địa phương chuẩn bị.” Lê Văn Đức đưa mắt qua Hoàng Quýnh. “Mấy năm nay việc trị thủy của Hưng Yên vẫn rắc rối chưa xong, mỗi lần đến mùa thu là cả Bắc Kỳ nơm nớp lo sợ.”

“Bây giờ Hưng Yên là khu vực thoát nước cho cả Bắc Kỳ. Sau vụ lụt khủng khiếp ấy, nhờ cấy giặm nhanh chóng, rồi phù sa bồi đắp mà đến năm sau cả Bắc Kỳ được mùa to, chỉ duy năm huyện ở Hưng Yên bị nước lụt mất mùa. Dân chúng mùa đông trước khăn gói đến tận kinh xin đắp đê. Dòng sông mới khai còn phải chỉnh lại, đào sâu thêm, nhưng chưa đủ sức thoát nước cho cả vùng thượng lưu. Vừa rồi có người dân ở Nam Định tự đắp con đê ngăn nước sông Lạc Ngang, qua một năm mà bùn đất bồi đắp, cửa Liêu sâu thêm được gần hai trượng. Cho thấy trị thủy ở Bắc Kỳ vừa phải thoát nước, vừa phải điều chỉnh dòng chảy của nước ngăn cửa sông bị bồi lấp cao thêm, lại phải xem xét dùng đê ngăn lụt làm lúa vụ mùa. Đào sông đến đâu phải làm đê vụ mùa tạm đến đấy, rồi từ từ mà điều chỉnh.” Hoàng Quýnh ngồi dậy, chống cằm lên tay thở ra. “Nhưng năm nay lại hạn hán, Bắc Kỳ mất mùa từ đầu năm đến giờ. Anh xem có phải ông trời đang đùa với chúng ta không?”

“Đâu phải mỗi chuyện này…” Lê Văn Đức nói khẽ. Chiếc thuyền của bọn họ đã trôi về phía lầu Vô hạn ý, hai người đem cả con cốc lên lầu. Con chim đậu ở lan can đập cánh bồn chồn nghiêng ngó xung quanh.

Tựa tay lên bậc cửa, cô vẫn trông mãi về hướng ấy, không rõ là nhìn con chim hay chiếc thuyền, hoặc hai người nọ. Ngọc Anh ngồi trên ghế bên cạnh, im lặng nhìn cô.

“Chẳng phải họ cũng sống tính toán tranh giành đấy sao, thậm chí còn rất nguy hiểm gian lao, khó khăn trùng trùng?” Lúc sau, Ngọc Anh chợt cười nói. “Có thể họ chẳng làm được điều chi, có kết quả tốt đẹp gì, thậm chí có khi còn không thể giữ được mạng mình, trả giá bao nhiêu cũng là vô ích. Quan tướng trong thời đại này chẳng qua cũng chỉ là cái danh hão, vất vả cả một đời mà có khi chỉ vì chút sai lầm nho nhỏ phải mất sạch tất cả, gánh tội nặng nề, có gì vui đâu.”

“Có người nói với em rằng, đừng bao giờ cúi đầu. Chỉ một lần khuất phục, cả đời sẽ lấy làm lý do.” Cô đáp nhỏ, nhìn bóng chiều xế qua lầu Tứ phương. “Nhìn bọn họ, em tự dưng nghĩ tới người nói câu ấy.”

“Còn chị lại nhớ chuyện lâu rồi, có người bảo, chúng ta chẳng thể làm gì khác cả.” Ngọc Anh ngoảnh đầu theo hướng ánh mắt cô, thì thầm như thể lời nói không vọng ra được đến khung cửa sổ. “Sau khi Hoa chết, chị hạ giá cùng với chúa Cả, chúa Hai. Mãi đến mười năm sau, Ngọc Trân, Ngọc Xuyến, Ngọc Ngoạn mới hạ giá, lúc ấy Ngọc Trân đã hai chín tuổi, Ngọc Xuyến hai mươi bảy, Ngọc Ngoạn hai mươi lăm. Rồi tháng tư năm đó, các Phò mã chết. Trước khi hạ táng Phò mã chồng Ngọc Xuyến, hoàng thượng lúc ấy là Thái tử tới. Ngọc Xuyến không ở trong phòng, chỉ có chị và hoàng thượng. Ngài ấy bảo, đến lúc này mới nhận ra hoàng khảo thật sự là muốn tốt cho ngài.

“Các chị đã chờ đợi điều gì ở nơi này? Từ chị Cả trở đi, ai nấy cũng đều lấy chồng trễ, ai nấy cũng đều muốn chờ đợi. Kể cả chị, từ thuở ấu thơ, đã luôn chờ đợi. Chúng ta chẳng đợi được cái gì ở đây cả. Chúng ta đã sống thật là ngốc nghếch.” Ngọc Anh cười khan trong cổ. “Khi hoàng thượng mới lên ngôi đã từng ra chỉ dụ kêu gọi phụ nữ từ mười sáu đến bốn mươi mau chóng lấy chồng, nhìn chị em ngài có phải hơi buồn cười không? Vậy mà chẳng một ai trong chúng ta cảm thấy điều đó lạ lùng cả. Cho tới khi chúng ta ở nơi đây lúc này, tan tác mỗi người một phương, bị đày đọa cho đến chết, hoàn toàn trắng tay. Chúng ta bị những giấc mơ đày đọa cho đến chết.

“Người trong phủ Thái tử lúc ấy có một số do chính Thế Tổ đưa vào, vốn là để tạo lập quan hệ cho hoàng thượng với các bề tôi. Nhưng phải đến sau đêm đó, ngài mới thực sự tiếp nhận bọn họ. Bọn họ cũng giống chúng ta, chẳng thể làm gì. Cứ tuân phục giả trá, cứ vờ vĩnh khôn ngoan, cứ làm theo những gì mà cuộc đời này cần. Chúng ta có thể làm gì được đâu.” Ngọc Anh khép mi mắt, thở dài. “Ngài cứ nói mãi như thế. Lúc ấy chị không hiểu. Không hiểu cảm giác đẩy chính người mình yêu đến chỗ chết. Không hiểu cả cảm giác khi thấy mình biến thành một con cờ, thậm chí món hàng của cuộc đời. Hoàng khảo thật sự vô cùng thương yêu các con, đã chẳng để bọn chị phát hiện ra điều này sớm hơn. Chị quả nhiên là người may mắn nhất trong tất cả, hơn nửa cuộc đời sống trong mơ mơ hồ hồ.”

Thứ người chỉ biết khóc, cô bỗng nhớ lại câu chuyện ở căn nhà sau ngục Thị trung ấy, thời điểm mà ngài ta hẳn đã buông tay sau gần nửa cuộc đời trong mơ hồ. Ngài ta chấp nhận quay về để lấy lại tất cả cho cô ấy, nhưng đã thực sự buông tay khỏi cuộc vật lộn đơn độc tuyệt vọng từ ngày đối diện với lời nguyền nọ. Lời nguyền cho tất cả người đã từng ở thành Gia Định. Thành Gia Định. Những giấc mơ vỡ nát như tường thành sụp đổ không phương cứu vãn. Ngài ta bao giờ cũng cố chống chọi, chống chọi đến sức lực cuối cùng, và trừng trừng mắt nhìn tất cả tan vỡ.

“Nhưng chẳng phải chúng ta vẫn ở đây sao?” Cô lại nhìn về phía con chim cò rò đứng trên mặt nước. Bóng chim bay qua bầu trời Gia Định mênh mông xanh ngát ấu thơ, như một giấc mộng lặp đi lặp lại đến cuối bể chân trời. Dù cả thế gian này có vỡ nát, dù con người đã rữa tàn, bất chấp hạnh phúc lẫn khổ đau, giấc mộng vẫn còn lại trong năm tháng ấy.

Mùa hạ năm ấy, cô có những giấc mơ. Tán thị xanh rì, tiếng trẻ con réo rắt trên vòng quay chữ Vạn. Vòng quay xoay mãi, xoay mãi giữa bốn phương tường thành sụp đổ.

 

Chú thích:

[1] Truy khốc thập huynh Thương Sơn tiên sinh của Tùng Thiện vương

[2] Thực lục, tháng 2 năm 1835: Lại dụ cho Cơ mật viện Nguyễn Kim Bảng và Trương Đăng Quế rằng: “Từ nay, bản tâu về đơn thuốc do viện Thái y dâng, các ngươi nên xét kỹ xem bài thuốc có hợp không. Phàm tôi con đối với vua cha khi có bệnh, không thể không biết đến bài thuốc, huống các ngươi đều là đại thần?”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.