Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

97. Bạng y thiên lý hành tương khứ
Trường An in "Minh nguyệt 3" October 3rd, 2019
  1. Bạng y thiên lý hành tương khứ, đô tự nhân tâm tố xuất lai[1]
    (Đạo dựa theo lẽ trời mà ra, đều từ lòng người mà thành)

 

Mùa hạ năm ấy, sau khi quan quân hoàn thành đường hầm ngoằn ngoèo ngoài thành Gia Định, Thái Công Triều được nhà vua gọi về Kinh. Khi Thái Công Triều đang được các quan Hình bộ tiếp đãi hỏi chuyện, bỗng có mật báo từ Gia Định đưa tới: con nuôi của Lê Văn Khôi là Bùi Văn Cúc ra thú, nói rằng Thái Công Triều chính là chủ mưu của biến loạn Phiên An.

Theo Bùi Văn Cúc, hắn từng nghe Dương Văn Nhã bàn bạc với Lê Văn Khôi về lời của Thái Công Triều, rằng đang trong lúc vũ khí, thuyền bè các tỉnh tập trung ở Phiên An để kiểm kê chia đặt lại, nổi loạn vào thời điểm này là tốt nhất. Khi Lê Văn Khôi bệnh nặng hấp hối chỉ nghiến răng căm giận việc Thái Công Triều quay về với triều đình.

Mấy lời nói này vốn cũng chẳng thể lấy làm căn cứ kết tội Thái Công Triều, nhưng cả Hình bộ lẫn Đô sát viện đều hặc tâu anh ta. Hình bộ cho rằng Thái Công Triều loanh quanh dối trá, Đô sát viện không tha thứ tội anh ta đồng mưu khơi loạn. Họ nêu xin xử tử Thái Công Triều. Sau cùng, nhà vua ra quyết định cho anh ta ân huệ cuối: Thái Công Triều bị trảm quyết, nhưng thân thuộc lẫn tài sản được miễn tra xét bắt bớ.

Những việc đó cũng là sau này cô mới được cho biết. Ngày hôm ấy, cô đứng sau cửa nhìn ra bóng Thái Công Triều, nghe giọng anh ta vẫn nhẹ nhàng thản nhiên, dường ẩn giấu thấp thoáng nụ cười trong những lời lẽ lạnh buốt.

“Năm xưa Thế Tổ đưa ngài ra trận, cho ngài tham gia triều chính, giữ ngài ở bên cạnh để chỉ bảo, thậm chí bắt ngài phải nạp thiếp sinh con, nào có bắt ngài chìm đắm trong đống chữ nghĩa, cũng chẳng phải chỉ để ngài hiểu thế sự nhân tình. Ngài hiểu thế nào được thế sự nhân tình khi không hiểu nổi dục vọng của nhân gian? Ngài sinh ra trong nhung lụa, có tất cả mọi thứ, lại tự cho mình thanh cao không chịu đựng nổi đến một lời dối trá của người, tự nghĩ mình thông minh có thể kiểm soát được hết thảy. Và rồi ngài tạo lập ra một hệ thống kiểm soát tưởng con ruồi cũng không qua lọt, trên thì dùng Đô sát viện, dưới thì lấy Thị vệ, Cẩm y vệ theo dõi tố cáo tất cả mọi thứ. Nhưng bây giờ thì ngài thấy rồi đấy, ngài chẳng kiểm soát được cái gì cả. Người ta chỉ tố cáo nhau khi đụng chạm đến lợi ích, khi không đòi được hối lộ. Thậm chí kẻ vốn tưởng là thanh liêm chính trực cũng có thể ngã lòng vì mấy lời năn nỉ, vì mối lợi tự dưng ào đến trước mắt. Ngay cả nếu không tham lam, người ta còn có bao nhiêu là ràng buộc, nhân nhượng, điểm yếu. Ngay cả khi mang trong lòng chính nghĩa ngời ngời, người ta có chọn tố cáo vài tên thợ thuyền, nông dân chỉ vì ăn cắp mấy miếng sắt, cân lúa? Không chỉ lòng tham xấu xa mới gây tội, những thứ tưởng là tốt đẹp cũng có thể sai lầm vô cùng mặc nhiên. Rốt cuộc đến giờ này, đã thứ gì ngài chạm vào mà không có tội? Con người, rốt cuộc thì ngài hiểu được gì về con người?” Thái Công Triều gục gặc đầu, nói giữa những tiếng cười. “Nhưng ngài cứ nhất quyết không chịu hiểu, cứ nhất quyết muốn tìm những kẻ sống trên đời mà ‘thấy lợi không động lòng, không muốn có của vì may, không muốn lấy lợi hú họa’[2], cứ muốn thấy những tiết phụ nghĩa phu sống chết chỉ vì một người duy nhất trên đời. Ngài cho rằng đó mới là những thứ mà thế gian này cần, muốn cả thế gian phải theo ý của ngài. Hay là ngài cứ muốn tìm những thứ mà chính ngài cũng không có, không làm được?

“Thế gian này cần cái gì ngài biết không? Là ăn miếng thịt to, uống chén rượu lớn, vui vẻ với đàn bà, vầy vò trong ngọc lụa, được ăn trên ngồi trốc, xưng tụng tôn thờ, thỏa thuê chém giết, thỏa mãn mọi dục vọng, mọi hư tâm hoang đường. Chính là cuộc sống của ngài. Địa vị của ngài chính là thứ kết quả ngàn đời tạo thành, từ vạn vạn cuộc tranh đoạt máu chảy thành sông thành biển, là tụ hội của triệu triệu dục vọng ngàn xưa đến mai sau. Những bầy người tụ họp, tự tạo ra danh nghĩa cùng đạo lý để tranh giành chiếm đoạt lấy quyền lợi cho mình. Cái gọi là trung thành, là gắn bó, rốt lại bản chất cũng chỉ như thế. Còn tình yêu, ha ha tình yêu, ngài ở đây đã nhìn thấy được bao nhiêu tình yêu nhân danh nghĩa vụ, gia đình, dòng tộc, thể diện, danh vọng của bao nhiêu kẻ đau lòng thương tâm khốn khổ cứ như thật ấy? Con người cũng rất giỏi tự lừa gạt, tự dát vàng lên mặt mình bằng những thứ như thế. Còn ngài, ngài chìm giữa cái vũng lầy thối hoăng này, chính là kẻ ban phát những giấc mơ dối trá trong khi sống như một con thú nguyên thủy nhất. Chỉ có thế ngài mới điều khiển được bầy người của mình, biết cho chúng những thứ chúng cần, biết lừa mị và dẫn dắt tất cả đi đến mục đích. Ai mà cần cái tấm biển trung trinh nghĩa liệt của ngài?” Thái Công Triều nheo mắt nhìn người trước mặt, lại cười. “À, nhưng ‘nguyên thủy’ của ngài hẳn là thế giới của các thần tiên, khi đất trời chưa phân tách, vàng ngọc chỉ là thứ đá cuội xinh đẹp gắn lên tường, chỉ cần ăn một trái cây, nhấm một ngọn cỏ đủ vui đến trăm năm. Một giấc mơ mà đến chính ngài cũng không dám thừa nhận. Đức vua của tôi, bao nhiêu năm nay ngài sống như thế nào vậy?

“Mấy năm nay, ngài đã nghe được con thú gầm lên trong mình khi gào thét chém giết, trả thù, nhìn những kẻ bị lăng trì, xử tử? Ngài đã biết nỗi sợ đến mất trí, đến mức có thể làm tất cả, đánh đổi tất cả? Ngài đã biết cơn điên cuồng đòi máu, đòi bạo lực, đòi sắc dục thỏa mãn tâm thân?” Thái Công Triều nghiêng người về trước, đôi mắt ánh lên tia sắc lạnh hoang dại tựa dã thú thôi miên con mồi. “Những thứ trước đây cha ngài dạy mà ngài không hiểu. Những thứ mà ngài luôn căm ghét, coi rẻ, trốn tránh. Ngài trốn tránh dục vọng cũng y như trốn những giấc mơ ngốc nghếch.”

“À…” Khi tiếng nói lẫn với âm thanh cười khàn của Thái Công Triều đã im lặng một lúc, nhà vua mới chậm rãi lên tiếng. “Ta đã hiểu tại sao Lê Văn Duyệt tin dùng ngươi, mà Lê Văn Khôi cũng bị ngươi xúi giục, kể cả đám quan tướng cùng quân lính, hương dõng đều yêu thích ngươi. Ngươi quả là kẻ thông thạo thao túng lòng người, trong khi hẳn ngươi ghét con người đến không thể chịu nổi.

“Ngươi nhìn thế gian theo đúng cách ngươi muốn thấy, nhưng cũng đồng thời không dám thừa nhận mình.” Ngài ta đứng dậy, chầm chậm đi vòng quanh điện, quay lưng về phía Thái Công Triều mà nhẹ nhàng nói. “Khi xúi giục được bọn Lê Văn Khôi, khi làm Trung quân của chúng chiếm lấy năm tỉnh Nam Kỳ, ngươi đã nghĩ gì? Nếu bọn chúng chẳng phải đám tù tội, du đãng ô hợp nên gây họa khắp nơi, gây tội khắp chốn, đến mức mà ngươi biết mười mươi rằng chẳng ai có thể theo chúng, không kẻ bình thường nào chịu nổi chúng, thì liệu ngươi có quay đầu lại? Nếu chúng là một đoàn quân vương giả vừa kỷ luật vừa khôn ngoan, thì với dân Nam Kỳ tan tác ấy, có thể chúng đã làm nên chuyện. Nhưng khi đi với bọn Hồi lương, Bắc thuận ấy thì ngươi biết ngay là hỏng rồi. Dù sao ngươi cũng xuất thân từ Thần sách quân, là kẻ thông thạo chữ nghĩa sách vở chứ nào phải đám du đãng, thổ hào như Lê Văn Khôi, Dương Văn Nhã. Vậy là tiên hạ thủ vi cường, ngươi sắp xếp hết tất cả cuộc lật đổ ở phía Nam, trong khi quay trở lên Định Tường giết chết Dương Văn Nhã. À phải, Dương Văn Nhã là kẻ đã đem lời ngươi bàn với Lê Văn Khôi, hay nói cách khác, hắn mới là đồng bọn thực sự của ngươi. Tại sao hắn lại ở Định Tường đúng lúc ngươi đến, hẳn chẳng phải ngẫu nhiên. Từ đầu đến cuối, đây là một trò chơi của ngươi.

“Ngươi vốn thích thú lắm phải không, khi xé toang mọi thứ, đùa giỡn với sự tham lam điên cuồng của bọn Lê Văn Khôi lẫn cả sự ngây thơ của dân chúng, hương dõng đi theo ngươi? Ngươi hẳn rất vui vẻ khi làm một đại tướng đi trước trận tiền, ngàn hô vạn ủng. Rồi ngươi lại bảo, mình không thể lường được. Phải, ngươi làm sao mà lường được. Ngươi cũng giống hệt như bọn phản loạn khác, vừa điên cuồng vừa ngu ngốc, nghĩ rằng chỉ cần đánh nhau là xong.” Nhà vua quay vào trong, hơi cúi người xuống Thái Công Triều. Cô không nhìn ra được ánh mắt ngài ta khi giọng nói vẫn không đổi. “Còn ta, ngươi biết hoàng khảo dẫn ta ra trận để thấy cái gì không? Ta đi qua Quảng Bình, Quảng Trị đầy vết đạn pháo, lũy Trường Dục còn in dấu máu từ trận chiến vài tháng trước, những dòng sông còn dập dềnh xác chết của quân trốn chạy. Ta tới Nghệ An đã bị đốt phá sạch trơn, đi qua Thanh Hoa mà năm nào chết đói không còn một làng xã. Ta thấy những làng mạc đi săn đuổi, giết chóc Tây Sơn, giết chóc săn lùng nhau. Ta thấy những tên cướp khua chiêng gióng trống chạy theo quân lính. Vua quan nhà Tây Sơn vốn bị những thổ mục theo Lê, theo Trịnh truy tầm, bị bọn du đãng, trộm cướp dâng nộp đầu lấy thưởng. Ta thấy những viên quan mang roi gai ra hàng. Ta thấy cái thành Thăng Long nham nhở, điện Kính Thiên gần sụp đổ. Ta thấy những thứ mà ngươi lẫn bọn phản loạn ảo tưởng hoang đường kia chưa từng thấy. Những thứ thực sự xảy ra trong chiến tranh chứ không phải đôi ba lý luận trò hề sách vở, vài ba thứ chiến thắng vẻ vang oanh liệt tự hào mà bọn anh hùng rơm vẽ vời ra. Những thứ khiến ngươi phải sợ hãi chùn tay, quay lưng ấy.

“Ngươi nói về chiến tranh, giết chóc, dã tính, mà ngươi hiểu cái gì về nó? Để ta nói cho ngươi hay, nếu ngươi làm giỏi như ngươi nói thì ngươi đã có thể nắm lấy cả Nam Kỳ, bất chấp mọi tội ác mà bọn ngươi gây ra. Ngươi hẳn không ngờ thành Gia Định lại vững vàng đến thế? Và một khi ngươi giữ được các thủ sở đầu dòng sông, ta còn phải rất khó khăn để đánh vào. Các tướng của ta đều sợ hãi rụt rè đâu phải không có lý do. Và mọi tội ác đều chẳng là gì khi bọn ngươi chiến thắng. Khi ngươi có thể tung bọn thương buôn, du đãng, bang trưởng người Thanh kia kiểm soát mọi nơi bằng hứa hẹn và bạo lực. Khi ngươi đã có thể đốt trụi mọi làng mạc chống đối và xua bọn thanh niên ra trận làm bia thịt người. Chỉ cần thành Gia Định giữ được, bọn ngươi có thể từ khắp bốn phía Nam Kỳ phục kích, tấn công, bao vây tiêu diệt các toán quân xâm nhập. Ngươi cũng có thể kêu gọi bọn quan tướng bất mãn ở Chân Lạp, liên kết với người Xiêm, gọi lên Nam Chưởng, thậm chí bắt tay với Tây dương. Giết sạch, đốt sạch, trong khi dùng những lời đường mật kêu gọi người, kể tội ta bằng muôn vàn lời bài bác dối trá. À mà cũng chẳng cần dối trá, tự bản thân ta đã có muôn vàn thứ để ngươi lấy làm trò cười. Chiến tranh, đó mới là chiến tranh.” Cười khe khẽ, nhà vua thẳng người lên, ngồi xuống ghế kê giữa phòng. “Mỗi ngày ta đọc những tấu sớ thế nào ngươi có biết không? Những đội quân được tung ra đốt sạch các làng mạc, chém sạch những kẻ chống đối, đem những tên tướng lĩnh ra lăng trì. Những cái tên chết chém được ghi lại làm bằng, vài cái đầu được đưa về Kinh. Thậm chí đám đàn bà con gái, trẻ con cũng không thể tha. Con gái Lê Văn Khôi là Lê Thị Ích vốn chỉ là đứa vô tội ngốc nghếch, đang bị giam ở Cao Bằng mà vì Nông Văn Vân đánh đến nên thoát ra, ngơ ngác chạy trốn, lang thang đến biên giới Bác Nậm mà chẳng thể nhờ cậy một ai, chẳng thể làm gì. Nhưng vì nó là con gái Lê Văn Khôi, quan tướng của ta lập tức đem chém, chỉ biên vài dòng báo lại cho ta. Ta cũng chỉ có thể bảo, chém là đúng. Bao nhiêu người đã chết, chỉ vì tên phiến loạn ngớ ngẩn ở Phiên An. Người chết nhiều đến mức ta chẳng thể nhớ họ là ai nữa.

“Vừa rồi ta lại phải ra lệnh đem chém hai mươi ba thân nhân của nghịch phạm Phiên An. Án này Hình bộ đã dâng năm trước, nhưng ta cứ hoãn lại, cho đến khi không thể hoãn được nữa[3]. Trong đó có cả con trai của Nguyễn Văn Thành, anh em Nguyễn Hàm bây giờ đã là Hữu quân của tên Chắm kia.” Gõ ngón tay xuống bàn, nhà vua ngẩng đầu nhìn ra sân đá, chợt hạ giọng. “Năm ngoái ba đứa con trai của Lê Văn Đức đều qua đời, giờ anh ta về Kinh thì ta lại có án chém cả nhà Nguyễn Văn Thành chờ sẵn. Một kẻ khôn ngoan như Lê Văn Đức mà mùa thu trước làm việc đều chuệch choạc ngơ ngẩn cả, ta còn phải mắng mỏ vài lần, rồi Hình bộ xử đến tội trảm quyết. Bây giờ ta biết phải nói gì với anh ta đây? Rằng ta đã chờ mãi nhưng bọn ấy nhất quyết phản nghịch đến cùng, hay là ta cũng không thể làm gì được nữa?

“Tên Nguyễn Hàm kia thù ta đến như vậy, trong khi mặt mũi nó thế nào thì ta cũng quên rồi. Đáng lẽ nó có thể cứ làm một tên nhãi nhép oán thù ta, đến khi ngươi cho nó cơ hội đứng ở Phiên An. Những cái tên nằm trong danh sách chết chém kia đáng lẽ cũng không phải chết, nếu loạn lạc này không xảy ra, bọn ngu ngốc ấy không chạy theo nhau gây tội. Ngươi nói về lòng người, tự cho mình hiểu người, nhưng thực chất ngươi lại chẳng hiểu rằng con người vốn chỉ là thế thôi, những vật thể vô tri cuốn theo bát phong. Ngươi cho chúng cơ hội, chúng sẽ là những kẻ tồi tệ nhất, khơi lên những thứ xấu xa độc ác nhất. Ngươi nhìn thấy sự xấu xa của lòng người thì đã tưởng là mình khôn ngoan, trong khi ngươi cũng vốn chỉ nhìn thấy chính ngươi. Ngươi tưởng nói ra vài lời độc địa, nghĩ ra những điều chua chát thì đã là sâu cay, nhưng ngươi làm sao độc ác bằng ta.” Nhà vua nhìn xuống ngón tay mình, chiếc nhẫn kim cương vẫn lấp lánh ánh sáng lành lạnh theo cử động của ngài ta. “Ngươi không dám làm, dù có căm ghét thế gian hỗn loạn điên rồ này đến mấy.”

“Ngài lại định nói rằng mình thật từ ái bao dung nên không tạo cơ hội cho bọn người đấy phạm tội à?” Thái Công Triều nhướn mày. Nhà vua mỉm cười.

“Không.” Ngài ta chỉ đáp như thế, rồi rơi vào im lặng, như thể mọi lời nói đã đột nhiên biến mất.

Có Thị vệ đến báo một viên quan khác đang chờ, ngài ta liền cho đưa Thái Công Triều về lại nhà giam Hình bộ. Cô rời khỏi điện, đi theo sau đám người áp giải Thái Công Triều đến cửa Nguyệt Hoa. Anh ta không phát hiện ra có người theo sau, chẳng quay đầu nhìn quanh, chỉ cúi mặt như đếm bước chân mình. Đám người đã khuất bóng sau cửa, cô trở vào, chẳng định ghé lại điện Võ Hiển. Nhà vua lại có khách, và hẳn mục đích ngài ta gọi cô tới cũng đã xong.

Lúc ấy cô vẫn chưa biết hình phạt dành cho Thái Công Triều lẫn những gì anh ta đã làm tại Phiên An, ý nghĩa trong câu chuyện mập mờ giữa hai người họ. Cô chỉ ngơ ngẩn vì gặp người đã lâu không thấy, thắc mắc anh ta đã gây nên lỗi lầm gì. Vừa đi vừa nghĩ, cô quay về cung Từ Thọ, đúng lúc cung nữ đang lấy nong tằm đang kéo kén ra phơi. Mấy hôm nay trời mưa dầm kéo dài, may mắn mới có ngày nắng đẹp để phơi tơ. Cô liền đứng coi chừng bọn họ, lúc sau lại thấy mấy cung nhân khác đến.

“Đức hoàng có đang nghỉ trong điện không?” Nguyễn Thị Bảo đi cùng Trần Thị Huân hỏi khẽ. “Bà già coi việc trong viện chúng tôi gặp chút rắc rối khi đi lãnh lương tháng.”

“Người vẫn đang nói chuyện với cung nhân, em hỏi việc chắc được đấy.” Cô trả lời, Nguyễn Thị Bảo gật đầu, cầm giấy tờ đi vào trong. Trần Thị Huân đứng ngoài sân, thấy cô ta đang mang thai nặng nề, cô liền gọi người đem ghế tới.

“Thỉnh thoảng mới gặp bà.” Cô cung nữ ôm nong tằm ra thấy Trần Thị Huân liền cười chào. “Bà thường đến đây chơi đi, nuôi tằm cũng vui lắm.”

“Ta không thích tằm.” Trần Thị Huân chỉ trả lời nhẹ như gió. Nguyễn Thị Bảo đi ra đưa giấy tờ lại, cô ta liền cầm về.

“Không thích tằm nghĩa là sao?” Bóng người đi xa, cung nữ kia mới thẽ thọt hỏi. Nguyễn Thị Bảo ở lại sân quan sát tằm được đem ra phơi, nghe thế liền cười.

“Tằm được các chị đem vào trong nong nuôi cho đến lớn rồi trụng nước sôi kéo tơ, bằng không thì để phá kén thành con bướm tằm không bay được, chỉ có phối giống, đẻ trứng rồi chết. Làm một con tằm chỉ để đẻ trứng như thế, thích sao?” Thiếu phụ ngồi xuống vốc nắm kén đùa trong tay. Cung nữ kia đưa mắt nhìn cô, rồi im lặng rút lui. Cô đi xem xét kén tằm trong các nong, lại nghe Nguyễn Thị Bảo nói khẽ. “Chị Kiều vẫn chưa coi việc lại à?”

“Con bé mới đưa đi chôn cất, còn đang làm lễ.” Cô đáp. Cuối tháng trước, hoàng nữ Thục Thụy con Hiền tần qua đời, vị phi tần này đã tạm nghỉ trông nom cung nội, mọi việc gần như đều dồn cho cung Từ Thọ.

“Thái hậu đang bàn chuẩn bị cùng hoàng thượng tuần du Thuận An, chị ấy chắc cũng gần trở về rồi.” Nguyễn Thị Bảo vẫn dùng giọng không biết thái độ nào mà thì thầm rồi cười nhạt. “Lúc con bé đổ bệnh thì bọn họ rủ nhau đi Quảng Trị. Khi con bé hấp hối sắp chết thì ngài ngự làm lễ Vạn thọ tưng bừng, thắp đủ ngàn cái đèn. Đang lễ tang con bé thì ngài bỏ ra Thuận An tuần du mấy ngày không về. Giờ lại kéo cả Thái hậu, thân công, hoàng tử đi chơi. Rốt cuộc trẻ con trong hoàng cung này còn không bằng cả cái trứng tằm, đệ nhất giai phi chỉ hơn người ở mấy đồng lương.

“Mà chị nghĩ ngài ấy có còn nhớ mặt chúng ta không?” Khi cô vẫn nhất quyết im lặng, Nguyễn Thị Bảo lại nói, nghiêng đầu lại phía cô, ra dấu về cổng cung. “Mấy năm nay chiến tranh, ngài ấy chỉ gọi người sau mấy buổi tiệc mừng công thắng trận, lại thêm vài người mới đấy. Rốt cuộc thì ngài ấy có biết mặt ai với ai không, hay chỉ cần là đàn bà? Rốt cuộc thì chúng ta cũng chỉ giống miếng thịt, chén rượu trong tiệc, hay thậm chí là cái ống nhổ?”

“Em để tâm nhiều đến thế để làm gì?” Cô buộc phải thở ra, ngắt lời. Cô gái này gặp việc lại nghĩ ngợi, mà phần nhiều đều là tiêu cực. Nhà vua bỏ đi chơi ngay trong lễ tang đứa con gái sáu tuổi của Hiền tần, vốn đã khiến người nói ra vào, nhưng với thái độ của ngài ta trước đây khi nghe chúc mừng số con cháu thì cô chẳng lấy làm lạ. Ngay cả lúc bình thường thì ngài ta cũng chỉ đều đặn gọi cung tần được vài tháng, rồi quên bẵng đi nửa năm. Đến lúc này mà Nguyễn Thị Bảo vẫn còn buồn giận thì mới là lạ.

“Miên Thẩm vừa mới xuất các lập phủ, lấy phủ thiếp. Rồi em chợt nhớ lại một chuyện. Lúc ngài ngự cho gọi em lần đầu tiên.” Nguyễn Thị Bảo buông nắm kén tằm xuống nong, không hiểu sao lại chợt cười. “Năm ấy, Thế Tổ bắt đầu làm sổ con em người có công Vọng Các để xét tập ấm đấy.

“Sau khi thành Thái tử, ngài ấy gọi mấy cung nhân xuất thân thấp kém, rồi bỏ đi gần cả năm sau. Cho đến khi Thế Tổ bảo xét con cháu người có công Vọng Các[4], ngài ấy lập tức ngoan ngoãn quay về ngay, lần lữa mãi gọi đến em. Chị xem, chúng em còn không bằng cái ống nhổ.” Thiếu phụ ngẩng đầu đăm chiêu nhìn bóng cây rập rờn nắng, cau mày. “Hồi ấy ông Hồ Văn Bôi không được xếp vào danh sách công thần nào, nên Thế Tổ mới lấy cớ chỉ cần ‘có công Vọng Các’ là được tập ấm, khiến ngài ngự vâng lời. Lúc mới nghĩ ra thì em giận lắm. Nhưng sau lại nghĩ, nhất là lúc Thụy Thục chết, rốt lại thì thế gian này với ngài ấy là gì vậy?”

Cô vẫn im lặng bốc mấy kén tằm mềm có vẻ đã hỏng bỏ vào rổ. Tâm trí cô vẫn nghĩ tới cuộc trò chuyện trong điện Võ Hiển, lại nửa như ngạc nhiên vì lời của cô gái bên cạnh.

 

“Chuyện lâu quá rồi, nghĩ làm gì.” Cuối cùng cô nói khẽ, như chỉ tự nhủ với mình. “Ngài cũng đâu còn như lúc đó.”

Bây giờ ngài ta có thể gọi bất cứ ai trong cung thành này, có người chỉ được gọi tới một lần duy nhất, và hầu như tất cả cung nhân trên ba lăm tuổi bị vứt bỏ. Và đúng vậy, ngài ta coi họ cũng chỉ như chén rượu mừng công, sau những tờ tâu báo tin đẫm máu. Ăn miếng thịt to, uống chén rượu lớn, vui vẻ với đàn bà, say sưa trong mùi máu tanh và những trận chiến nồng mùi khói, chìm đắm trong những khoái cảm dã man. Và sự lạnh lùng cực độ khi tỉnh thức mà ngài ta cũng chẳng buồn che giấu. Không, ngài ta nói, rồi im lặng. Đó không phải là từ ái, chỉ là những thứ ngài ta cho rằng mình nên làm. Và những điều ngốc nghếch ngài ta làm như cái thang bay chỉ là sự níu kéo tuyệt vọng với ký ức dần sụp đổ. Thế gian của ngài ta, đã dần dần sụp đổ, ngay từ ngày ấy.

Cô đem rổ kén vào trong nhà tằm, đổ xuống cái nong dành cho tằm giống. Những con ngài tằm được nuôi trong tay người hàng ngàn năm đã tiêu biến đôi cánh cùng khả năng bay lượn. Những con ngài không thể bay, yếu ớt và mù lòa, chỉ tìm đến nhau để đẻ trứng rồi chết ngay lập tức. Những cái trứng lại nở ra sâu con, cuống cuồng tìm cái ăn, lột xác để lớn dần trong phòng kín, chết đi trong nồi nước nóng với một thân xác rỗng không.

Những sợi tơ óng dưới nắng trời, những xác chết rỗng tuếch tan lả tả trong bóng tối.

Vẻ đẹp đẽ sang quý muôn màu của gấm lụa, những vòng quay lặp đi lặp lại, ngày ngày tháng tháng, như thể một lời nguyền của muôn kiếp mù lòa. Của những con ngài không thể bay.

 

Chú thích:

[1] Vịnh Phật của Nguyễn Công Trứ

[2] Chỉ dụ tìm “người nghĩa thì thấy lợi không động lòng, như bắt được vàng mà trả lại chủ, của không muốn có vì may, lợi không muốn được hú hoạ, từ hay nhận, lấy hay cho, đều là hợp nghĩa, già trẻ đều tin là liêm” của Minh Mạng năm 1822.

[3] Thực lục, tháng 3 năm 1835: Bộ Hình đem bản án nghị xử những thân thuộc của các nghịch phạm ở thành Phiên An cũ dâng lên. Vua dụ Nội các rằng: “Án này, năm trước bộ đã tâu lên. Ta nghĩ mạng người là trọng, chưa nỡ vội làm tội ngay, có ý muốn cho bọn phản nghịch sớm quay đầu lại, thì những người bị tội lây ấy may được khoan giảm. Nhưng lũ giặc kia mất hết lương tâm, cố chết giữ cô thành, kéo dài đến hàng năm, hàng tháng… Nhưng trong bọn giặc ấy có kẻ là đầu mục cừ khôi, có kẻ là đầu mục nhỏ nhặt, chuẩn cho trích ra 23 người thân cận với những kẻ ngụy xưng từ thái khanh, thiếu khanh, phó tướng, đô quản lĩnh, phó đô quản lĩnh, tham tán, chánh vệ trở lên, đều chém ngay trước.”

[4] Thực lục, năm 1917: Vậy hạ lệnh cho quân dinh trong ngoài và các thành dinh trấn, phàm ai có công Vọng Các thì khai rõ lý lịch người ấy và con cháu trưởng, làm thành danh sách tâu lên, trẫm thân quyết định, lượng xét cho tập ấm để rõ ân điển.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.