- Vũ trụ thử thời phân hiển hối, Càn Khôn chung cổ hữu suy thiên[1]
(Vũ trụ lúc này phân sáng tối, càn khôn xưa nay luôn có sự đổi thay)
Tháng hai, người Chiêm Thành ở Bình Thuận nổi loạn, tràn xuống các tỉnh thành đốt phá khu vực của dân Kinh.
Cùng lúc đó, tin vua Chân Lạp qua đời râm ran truyền đi, thám tử từ phía Tây báo về có đến gần vạn quân Xiêm Lào đang tập trung ngoài biên giới. Em trai vua Nặc Chăn là Nặc Giun cũng từ Xiêm quay về Bắc Tầm Bôn. Tháng ba, khi vua Chân Lạp chính thức phát tang, các toán quân cả ngàn người bắt đầu tấn công vào các phủ Trấn Ninh, Trấn Tĩnh. Đại tướng Xiêm cũng đem hàng ngàn quân tới chờ chực ở Hải Tây. Triều đình liền lập con gái vua Nặc Chăn là Ngọc Vân làm quận chúa cai quản đất Chân Lạp, đưa quân tới Nghệ An đánh chặn các đợt tấn công của kẻ địch.
Trong khi đó, sự biến ở Bình Thuận vẫn rắc rối khó lường, dần lan sang các tỉnh thành bên cạnh. Dân Man trên núi kết hợp cùng người Thổ Chiêm Thành đóng giữ các khu vực hiểm yếu trong rừng, tổ chức đột kích tấn công các làng mạc người Kinh, khi quan quân đến thì nhanh chóng rút lui mất bóng. Theo tin báo từ quan tướng, những kẻ cầm đầu khởi loạn là thuộc hạ của người thuộc dòng tộc vua Chiêm cũ là Nguyễn Văn Thừa và Nguyễn Văn Nguyên. Lê Văn Khôi khi khởi loạn đã cho thương nhân tên Đỗ Văn Hoan gửi thư đến cho Nguyễn Văn Thừa dụ chiêu tập người cùng họp. Lê Văn Khôi chỉ sau hai tháng đã bị đánh lui về thành Gia Định, Nguyễn Văn Thừa cũng thôi việc kết liên, nhưng Đỗ Văn Hoan bị tố giác việc đưa thư ngầm mưu nghịch. Nguyễn Văn Thừa cùng người cháu họ Nguyễn Văn Nguyên bị bắt từ đầu năm trước, thuộc hạ của bọn họ là Nguyễn Văn Giảng, Mai Văn Văn liền liên kết với những cai, phó tổng tại Bình Thuận mưu phản. Một thân thuộc khác của Nguyễn Văn Nguyên tự xưng La Bôn vương hợp cùng pháp sư tên Điên Sư đồng nổi dậy. Thuộc Man nguồn Nha Trang cũng xôn xao cắm chông giữ đất chống quan quân. Chỉ trong vòng hai tháng, loạn lạc ở Bình Thuận đã giết chết hơn tám trăm người[2], biến cả vùng đất thành hoang địa.
Những sự kiện dồn dập khiến tin báo chém được đầu Nông Văn Vân, bắt được Nguyễn Hựu Huyền, Nguyễn Quảng Khải ở phương Bắc cũng không khiến sự căng thẳng mất đi trong hoàng cung. Tháng ba, quan quân Gia Định thông báo đã đào đường tới chân thành, sẵn sàng cho cuộc công thành, nhưng nhà vua cho hoãn lại. Biên giới chưa yên, các quan tướng bị bệnh đến quá nửa, đảng giặc còn đông tới hơn ngàn người, đánh gấp chỉ khiến chúng liều chết chống trả, cứ cắm cờ chiêu an, đắp núi đất bắn phá vào thành, ‘việc đánh thành nhất định nên hoãn’, ngài ta khăng khăng nói, cho Thị lang Nội các Nguyễn Tri Phương đích thân đem tờ dụ tới Gia Định truyền đạt. Qua một mùa đông, hơn hai ngàn quân ở Gia Định mắc bệnh, phần được đưa về quê quán, phần lui ra các dãy nhà ngoài chữa trị, ngôi thành đã bị vây kín chỉ còn các toán dân binh tới chôn bộc phá, thuốc nổ vào các đoạn đầu đường hầm, tiếp tục đào sâu xuống vòng quanh chân thành. Cuộc phá thành đào thoát cuối cùng của Nguyễn Văn Chắm đã thất bại, lại càng khiến kẻ phản tướng này điên cuồng hơn, cho tịch thu tất cả dây nhợ lẫn khăn dài trong thành ngăn quân bỏ trốn.
Nhưng từ cuối mùa xuân năm ấy, nhà vua đã có vẻ bất bình thường. Đầu tháng tư, ngài ta đưa Thái hậu cùng vài hoàng tử đi tuần du Quảng Trị. Trời mưa giá rét dầm dề khiến chuyến đi này bị rút ngắn giữa chừng, đoàn người phải trở về sớm. Tuy nhiên những ngày sau đó, nhà vua liên tục đi tuần sông Lợi Nông, cửa Thuận An, vòng quanh các địa điểm mà ngài ta cho chuẩn bị đào sông, khai cảng. Ngài ta chỉ chịu ở trong cung những ngày mưa dầm, lại vùi mình vào các bản vẽ, đưa một thiết kế thang bay cho bộ Binh đóng để đưa tới Gia Định.
Vì cái thang này, nội giám thân tín nhất của ngài ta là Chu Phúc Năng bỗng nhiên gánh phải cơn giận điên cuồng khiến cả cung thành thất sắc. Một ngày nọ, cô bỗng nghe thấy tiếng ồn ào từ phía Dưỡng Tâm điện, mấy bóng Thị vệ lôi Chu Phúc Năng ra ngoài, lấy xích trói ở cửa hoàng thành.
“Ông ấy đến chỗ làm thang bay để truyền lệnh ngài ngự, rồi về nói: ‘Đảng giặc Phiên An cũng sắp chết rồi, thang bay này chỉ nên để lưu lại làm phép cho muôn đời thôi’. Ngài ngự vừa nghe xong thì tóc tai dựng ngược, quát Thị vệ trói ông ấy lôi ra ngoài.” Cung nữ ở trong Dưỡng Tâm điện ra nhỏ giọng thì thào khi người từ Hình bộ đến đưa Chu Phúc Năng đi. “Nội giám đi cùng Chu Phúc Năng cũng bảo, ngài ngự cho làm bảy cái thang lớn, bốn mươi cái thang nhỏ để làm gì? Trong khi chân thành Gia Định đã gần long hết cả rồi, một mồi bộc phá nữa là xong. Hôm trước ngài bàn chuyện với Thượng thư Trương Đăng Quế còn nói đảng giặc ấy rải chông cắm rào khắp tường thành không có chỗ đặt chân, thế mà bây giờ còn làm thang.”
“Chu Phúc Năng ở cạnh ngài lâu như vậy mà không biết có chuyện đừng nên nói sao?” Trần Thị Tuyến ở cạnh đó lắc đầu. “Ngài thích làm gì thì cứ kệ ngài.”
“Mấy cái thang này ngài giao cho Binh bộ, đích thân Thượng thư Trương Đăng Quế làm, không chỉ tốn sức người mà chính ngài cũng lao tâm lao lực bắt Chu Phúc Năng chạy đi chạy về giám sát, chỉnh sửa. Ông ấy thấy không nỡ nên mới nói thôi.” Nội giám hầu Thái hậu đi xem tình hình về thẽ thọt. “Mấy năm nay tính tình ngài ngự tốt lên nhiều, Chu Phúc Năng lại hầu ngài lâu rồi, được yêu thích nên mới dám nói, cũng là thật lòng quan tâm cả. Ai mà ngờ ngài nghe một câu không hợp ý thì bắt trói sang Hình bộ, lại mắng khắp cả hoàng cung ‘hoạn quan lộng quyền gây vạ cho nước, tội ác dần lớn, thế lực càng mạnh, không thể chế ngự được nữa’.”
“Các ngươi từ nay liệu mà cúi đầu im miệng lại.” Trần Thị Tuyến bỗng bật cười. “Ngài chỉ chực dựng biển ‘Nói càn bậy thì chém’ trong cung, đến hắt hơi cũng không ai dám nhận[3], có việc cũng không đến đám nội giám các ngươi nói.”
“Không biết thứ gì nên đụng tới, đúng là ngu ngốc. Không biết thứ gì nên làm, cũng ngu ngốc.” Vẫn im lặng, Nguyễn Thị Bảo chợt nhếch môi, tựa cười mà không phải cười. Nhưng người trong phòng đều làm như không nghe thấy lời cô ta. Thái hậu gọi viên nội giám kia, họ đều vào điện trong, cô một mình ở lại gian ngoài. Một lúc, bỗng có nội giám gọi cô tới điện Võ Hiển. Nghĩ nhà vua muốn hỏi về lúa vụ hè, cô liền thu xếp đi sang. Chuyện của Chu Phúc Năng vốn xảy ra vài hôm trước, có lẽ ngài ta đã bớt nóng giận.
Vừa tới cửa sau của điện, cô nghe tiếng trò chuyện vọng ra. Căn điện này nằm ở cánh Tây, xa cách với khu vực đặt Nội các, Cơ mật viện cũng như những cơ quan khác trong hoàng thành, vốn được nhà vua dùng trong nhiều việc riêng tư. Nhưng nếu đang có khách, tại sao ngài ta gọi cô tới?
“Rốt cuộc thì ngươi nghĩ cái gì?” Nhà vua đang hỏi khi cô bước vào điện sau. Tiếng nói trả lời mới khiến cô giật mình.
“À… khi đi đến Kinh, thần có ghé qua Bình Thuận.” Giọng Thái Công Triều nghe như lại đang cười khẽ. Cô ghé mắt nhìn thấy bóng người khoanh chân ngồi dưới sàn, dường như tay còn đeo xích. Nhưng rõ ràng Thái Công Triều đang cười. “Nghe nói quân của ngài nhặt được rất nhiều thư tín của Thổ dân để lại, mách tội bọn lưu quan. Sau khi lấy trấn Thuận Thành lập thành phủ huyện, chia đặt tổng lý, lưu quan, đám nha lại đi khắp nơi trong vùng dọa nạt dân Thổ đòi ngà voi, sừng tê, dầu, mây, gỗ mà không trả tiền. Đám khác thì thu lạm đòi tiền, hoành hành áp bức. Thậm chí cái việc chia đất lập làng, đổi lưu quan, thay phong tục cũng là do quan lại ép buộc chứ họ có muốn đâu. Cho nên chỉ mới hơn một năm mà cả vùng đi làm phản cả.
“Ngài xem, trước ngài đòi trị tội Nguyễn Văn Thoại, Lê Văn Khôi, thậm chí cả Trần Nhật Vĩnh, quy trách nhiệm cho Lê Văn Duyệt, nhưng rốt cuộc thì ngài làm được gì tốt hơn bọn họ? Không chỉ một Bình Thuận đâu, mà e rằng ngài phải đi xem lại toàn bộ các vùng đã cải thổ quy lưu, cái gì mà ‘dân muốn quy thuận nộp thuế, thay đổi áo quần, tuân theo giáo hóa’ có khi đều là lời vẽ vời của đám quan lại cả. Mà tại sao chúng làm thế? Trước thì là để ghi công với ngài, sau thì để o ép chấm mút trong lúc chia làng đặt quan, rồi dọa nạt bắt hiếp người, cướp đoạt ngang nhiên. Thổ dân vốn là những kẻ ngốc nghếch không biết kêu vào đâu được, lại nhỏ bé hèn kém. Đến lúc chúng không chịu nổi mà làm loạn thì một mồi lửa đốt sạch là xong, lại có công!” Thái Công Triều khe khẽ cười. “Nhưng ngài ở đây thì có biết những chuyện như thế không? Nếu không có Lê Văn Khôi, ngài có biết những gì xảy ra trên đất nước của ngài không, hay vẫn mơ về công bằng trung chính, vẫn tự cho mình liêm khiết thanh cao? Hay ngài vẫn chẳng nhận ra mình làm sai cái gì?
“Thần lại nghe nói năm trước ngài cho thanh tra toàn bộ công sở ở Kinh, kết quả cũng không được tốt lắm. Ngài nói mỗi một việc làm nhà nước đặt ra lại tạo thành một mối tệ, nguyên nhân bởi vì đâu? Ngài cần một cái bầu thuốc súng, đám người ở dưới làm liền ngàn cái, từ thợ thuyền, đốc công cho đến nha lại, quan chức, mạnh kẻ nào kẻ ấy xẻo một miếng. Ngài thì tự cho rằng mình cần kiệm, tính đi tính lại vẫn chẳng thấy khoản chi ấy đáng giá bao nhiêu, nào biết khoản thực chi lẫn những thứ bị trộm cướp phải lớn hơn hàng trăm hàng ngàn lần số ấy. Cho nên thánh nhân bảo, muốn thiên hạ yên thì vua chúa cứ ngồi yên đi. Quanh ngài là một đám kền kền, chó sói, ruồi muỗi giòi bọ theo đóm ăn tàn, theo bóng của ngài mà tỏa ra bốn phương, nhờ tựa ngài mà hoành hành khắp chốn. Thậm chí đám hoàng thân anh em của ngài, kẻ nào cũng có thuyền đi buôn lậu, lấy ấn thân công làm đủ trò trốn thuế, vơ vét. Công bằng? Liêm chính? Ngài không nhận ra mình đang làm trò cười cho cả đất nước? Rằng cái đám dân Thổ nổi dậy ấy đang nhìn ngài như thể thằng hề trên sân khấu tuồng chèo, nói tuyền những thứ giả dối nực cười?” Thái Công Triều đưa mắt nhìn người trên sập cao phía trước, phẩy tay vẫn đeo xích sắt. “Đằng nào thần cũng bị tội chết rồi, nói thêm vài câu đại nghịch bất đạo nữa thì đã sao?”
“Ngươi đang nói rằng từ đầu ngươi đã chỉ muốn phá?” Giọng của nhà vua lại bình tĩnh là lạ, khi ngài ta bất động. “Phá hết tất cả mọi thứ?”
“Không, ban đầu thần không nghĩ việc lại lớn đến mức ấy.” Thái Công Triều nhún vai. “Tuy rằng khi nghĩ kỹ thì tất nhiên sẽ là như thế. Thần chỉ là càng nghĩ càng thấy nực cười. Ngài cho rằng mình có thể bắt Lê Văn Khôi lại, hay bắt giam toàn bộ nhóm thuộc hạ của Tả quân, kết tội chúng, kết tội Tả quân, rồi thế là xong? Thế là ngài có thể êm đềm đặt quan chia tỉnh ở khắp nơi, dùng thứ luật pháp mình đặt ra để cai trị - với bọn quan tướng tham công dối trá, bọn nha lại tham lam tàn ngược, kể cả đám tù binh nhan nhản làm bậy, đám thương buôn lũng đoạn, đám thổ mục cường hào áp bức, đám dân chúng suy đồi? Ngài chẳng thay đổi được cái gì cả! Ngài chỉ đổi phe nhóm này thành bè phái khác, lấy kẻ khốn kiếp này thay thế tên khốn kiếp nọ, kẻ sau ngày càng gian dối trơ trẽn, đạo đức giả, giảo hoạt ranh ma hơn kẻ trước. Thậm chí, quyền lực tập trung vào ngài càng nhiều, bọn kền kền, ruồi nhặng quanh ngài càng tìm ra được nhiều cách vỗ béo thân chúng, dựa vào quyền lực ngài cho chúng, kết liên từ trên xuống dưới lại càng chặt chẽ hơn. Khi đất nước này vẫn đang vỡ nát, trong dối trá.”
“Dối trá? Kẻ nào có thể dối trá hơn ngươi?” Nhà vua bỗng cười. “Ngươi nhìn thấy một cơ hội tiến thân hiếm có nên chộp lấy, bất chấp hậu quả, không màng đến ai. Rồi ngươi ở đây cao đàm khoát luận về luật pháp cùng đất nước, đúng y những kẻ tội phạm táng tận lương tâm thường làm. Chúng đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, nhưng tuyệt nhiên không làm được gì. Ngươi bảo rằng nhìn thấy mối tệ ở Bình Thuận từ lâu, nói rằng biết cả việc Lê Nguyên Trung bắt ép Nguyễn Văn Thừa phải quy thuận, nhưng cũng như những kẻ khác – đều im miệng! Rồi bây giờ toàn bộ trách nhiệm là của ta, vì đã lỡ xem trọng các ngươi, đã tin lời các ngươi?”
“Nói riêng về việc Bình Thuận, lúc ấy đổi bổ lưu quan lại chẳng phải ý muốn của ngài, của cả triều đình này? Ngài đổ tội cho riêng một mình Lê Nguyên Trung à, trong khi ngài phái ông ta đi hỏi Nguyễn Văn Thừa vốn là có ý đấy? Lê Nguyên Trung cũng là chiều theo ý ngài mà dùng vài thủ đoạn. Thậm chí, ngài tin Nguyễn Văn Thừa lẫn đám dân Thổ đang bị bức bách vào đường cùng đấy sao? Đến lúc cuối cùng, kẻ nào cũng rất giỏi đổ tội cho nhau. Và ‘sự thực’ mà chúng bày ra trước ngài là một mớ hỗn loạn be bét không biết đâu thật giả.” Thái Công Triều cười khùng khục trong cổ. “Thậm chí đến chính bọn chúng cũng không biết đâu mới là thật giả. Như tên Mai Văn Văn ấy xách động dân Thổ nổi loạn, trong khi chính hắn bị tố cáo dở ngón gian ngoan, phù thu lạm bổ trong lúc đặt tổng lý. Nghĩ ra ở Bình Thuận ấy, chẳng phải xã tổng người Kinh thì đặt cai người Kinh, người Thổ đặt quan Thổ, lý đâu lại phạm đến nhau? Vậy thì tên Phân tri người Thổ Mai Văn Văn nọ, nấp sau bóng Nguyễn Văn Thừa mà thao túng vơ vét sách thôn Thổ dân, khi bị phát giác thì đổ tội Nguyễn Văn Thừa cho triều đình, rồi đổ tội triều đình cho dân Thổ, một tay phù phép trước sau phải trái. Ngài bảo thần là kẻ dối trá nhất trên đời, há đâu lại bằng những kẻ ấy. Những kẻ như thế lại nhan nhản khắp nơi, nơi nơi. Trần Nhật Vĩnh, Lê Văn Khôi, Mai Văn Văn, cho đến cả tên lại dịch tép riu ở đâu đó, kẻ nào lại chẳng biết dối trên gạt dưới, giỏi thở than lời nhân nghĩa oán trời trách người, khôn ngoan tạo ra đủ thứ danh nghĩa cùng đạo lý, thạo trốn tránh đổ thừa, vơ vét tư lợi? Cho nên hoàng thượng của thần, ngài cứ ngồi đó mà nhìn cho kỹ đủ loại tấn trò dưới cái tên mình.”
Trong sự im lặng bỗng dưng rơi xuống căn điện rộng, cô mới phát hiện ra tay mình đã bấu lấy song cửa đến phát đau. Bao nhiêu năm cô mới có thể nhìn kỹ, Thái Công Triều đã không còn là người thanh niên trong ký ức của cô. Nụ cười phảng phất vẻ cợt nhạo vẫn còn đó, nhưng trong mắt anh ta đã thêm nét khắc bạc sắc lạnh. Tất cả tạo nên một thần thái kỳ quái khó mà miêu tả. Nét kỳ dị này càng rõ hơn khi anh ta nghiêng người tới, bật cười trước câu hỏi của nhà vua.
“Rốt cuộc thì ngươi muốn gì?” Ngài ta lặp lại câu hỏi, lần này gần như là mệt mỏi.
“Ngài có nhớ rất nhiều năm trước tôi từng hỏi, ngài muốn gì?” Thái Công Triều chợt đổi giọng, đưa mắt nhìn lên xà điện cao. “Lúc ấy, ngài phái tôi đến Nghệ An trông coi việc kinh lý, mộ lính của Hậu quân Lê Chất. Đội quân An thuận mà ngài lấy hai đội nhất, nhị về Kinh rồi phái đi thú, cuối cùng trốn cả, bị ngài bảo bắt được giết ngay đấy. Đợt ấy, Hậu quân mộ binh đến hai vạn mà chẳng làm được việc gì đấy. Tôi hỏi, ngài muốn gì? Ngài trông mong gì ở một địa phương mà cứ vài năm lại có trộm cướp nổi lên, ở những vị tướng giỏi nhất là bè phái và hứa hẹn, ở những đội quân mà mười mươi là chỉ tụ họp để lấy lương nhà nước, chẳng có tích sự gì? Ngài nói gì đó mà tôi quên rồi, về đất nước, luật pháp, đạo lý, con người. À, con người, nghe đến đấy thì tôi lại hỏi, ngài biết mình đang sống ở đâu?
“Như Xiêm La bây giờ, khi không đủ mạnh để chống Tây dương thì khuất phục, phải đưa quân đưa người, cấp lương tiền cho Hồng Mao đánh Miến Điện, phải mở cảng mở đường cho Tây dương thao túng. Và để giải quyết mâu thuẫn trong nước, sự bất mãn bùng nổ vì việc đó, thì chúng đánh sang Việt Nam – Thật sự, ngài chẳng làm gì được với chuyện đó đâu. Chúng cần một kẻ thù truyền kiếp để kêu gọi lòng căm thù, một mục tiêu, con mồi để hướng sự ái quốc của chúng dân tới, để tiếp tục tụ họp và tung hô cho cái triều đình ở Vọng Các. Chúng cần chiến trường Vạn Tượng, Chân Lạp để thỏa sức giết chóc, cướp phá, phô trương sức mạnh. Chúng cần chứng minh việc quỳ gối với Tây dương là đúng, cần một cuộc chiến để thu hút vũ khí Tây dương, tập hợp sức mạnh cho mình, một chính nghĩa anh hùng quỷ quái gì đó. Đó là trò chơi của cả một triều đình, một đất nước, một đàn thú. Giết chóc, cắn xé, căm thù, cướp đoạt, dã tính điên khùng đó là sức mạnh của đàn người, xưa nay luôn là thế. Khi đã được thỏa mãn no nê, thì tất cả đều là đúng, thì lúc ấy ai còn quan tâm đến thánh thần hay quỷ dữ.” Thái Công Triều cúi đầu chỉnh lại sợi xích trên tay, thở ra. “Ngay cả bọn cường hào, thương lái, tham quan của đất nước này cũng vậy thôi. Chẳng lẽ đến tận bây giờ mới có bọn chúng à? Nhưng ai cần biết chúng làm gì, một khi chúng tập hợp với nhau, thỏa mãn no nê hoặc buộc phải khuất phục. Một khi chúng có một chiến trường để thỏa sức tranh giành giết chóc, vui vẻ căm thù. Ngài từng kể về bọn Tây dương và các đất nước xâu xé phân tán đánh lẫn nhau của chúng, thứ tạo ra sức mạnh của chúng. Chúng cho bọn cường hào thương lái thỏa sức bóc lột chèn ép, cướp đoạt để thu thuế, kiếm lợi. Chúng xua những đàn thú đi cướp bóc khắp nơi, chẳng qua cũng chỉ là cách làm của chúng xưa nay. Cách con người sống xưa nay. Ngài chẳng làm gì được đâu, đức vua của tôi. Ngài chỉ có thể hóa thành kẻ thù của tất cả bọn chúng, mục tiêu cho cả chiến trường mới của bọn chúng. Hoặc trở thành con thú đầu đàn của chúng.
“Hãy để niềm tin về nhân nghĩa cho bọn dân đen ngu ngốc, bọn mơ về các vị thánh trong khi những kẻ ngoi lên trên quyền lực đều bẩn tưởi. Cứ để chúng xâu xé nhau, suy tôn những ông thần hoang đường theo đúng ý chúng. Chỉ cần ta tự biến mình thành thánh nhân, những kẻ bị ta giẫm đạp, bị coi là hạ đẳng đáng khinh ấy cũng sẽ cung cúc suy tôn, lạy lục cầu xin ân huệ. Khi ấy, ta đều đúng.” Thái Công Triều cười khẽ trong cổ. “Sau bao nhiêu năm, ngài hẳn chẳng còn mơ về địa vị hoàng đế này nữa. Ngài đã giết bao nhiêu người đáng chết hay không đáng chết, đã lừa lọc dối trá hàng ngày hàng giờ thế nào? Đã nhìn bao nhiêu vị đức cao vọng trọng phạm tội lỗi sai lầm ti tiện xấu xa? Đã thấy bao nhiêu kẻ cúi đầu lạy lục, đã có bao nhiêu người đàn bà muốn leo lên long sàng kiếm danh lợi? Vậy mà ngài cứ nghiến răng căm giận mấy súc gỗ, vài cân đậu khấu cướp của Chân Lạp để làm gì? Người nhìn vào chỉ thấy ngài hẹp hòi nhỏ nhen vì thù oán riêng tư mà gây biến, thật chẳng ra sao.”
“Kẻ gây biến chính là ngươi.” Giọng nhà vua cũng chẳng cất cao hơn. “Ngươi vốn là muốn chứng minh ta sai, ngươi đúng…”
“Không.” Chẳng đợi nhà vua nói hết, Thái Công Triều đã lắc đầu. “Tôi cũng chỉ muốn xem tôi có đúng hay không. Kết quả, tất cả hóa ra tan tành.”
Thái Công Triều cất tiếng cười dài. Tiếng cười khàn đục vang quẩn quanh căn điện vàng son, quanh quẩn bóng hình bất động của nhà vua. Dứt tràng cười, Thái Công Triều nheo mắt nhìn nhà vua, bỗng nhiên vẻ cợt nhạo tan biến hết.
“Tôi không muốn ra thế đâu, thật đấy.” Anh ta bất chợt hạ giọng, đôi mắt hoang hoải gần như buồn thương. “Mọi sự trở thành như thế này, tôi cũng không thể lường được.”
“Cho nên ngươi về đây?” Nhà vua gần như không phải là hỏi.
Đáp lại, Thái Công Triều đã không trả lời.
Anh ta chầm chậm hướng mắt về nắng chiếu qua những tấm kính trên khung cửa. Nụ cười thường trực bên khóe môi biến mất, tháng năm dường biến mất. Nắng soi trong mắt anh ta, tựa như bóng trên dòng nước trôi qua vào tháng năm nào.
Chú thích:
[1] Sưu không của Đoàn Huyên
[2] Thực lục, tháng 4 năm 1835, báo cáo của Tuần phủ Dương Văn Phong: “Lại nữa trước đây, giặc Man lấn cướp tỉnh hạt, giết hại hơn 830 mạng dân, đốt nhà của hơn 1500 hộ. Luôn dịp đem tình trạng đau khổ tâu lên”. Chỉ dụ: Số bị thiệt hại nặng là 21 xã thôn, thì tô, thuế, binh, dao năm nay đều cho hoãn lại, số bị hại nhẹ là 48 xã thôn, thì hoãn binh, dao.
[3] Thực lục: “Ta từ nhỏ rất ghét người nói dối. Biết được ai nói dối, thì không hề tha thứ bao giờ. Hôm vừa rồi, xem thấy sử chép vua Thái Tổ nhà Minh có cho dựng một tấm bia ở trong cung, khắc mấy chữ “Nói càn bậy thì chém”. Lúc mới ta cũng cho là phải, nay nhân nghĩ: Phàm người nói dối, xét về tình và lý, cũng có nặng nhẹ khác nhau, há nên nhất thiết trị tội cả? Ta ở trong cung, nghe ở bên cạnh có tiếng ho, hỏi, họ chối là không. Như vậy là họ sợ ta mà phải nói dối, thì có tội gì.”