Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

95. Vật thái mạc cùng vân biến ảo
Trường An in "Minh nguyệt 3" September 26th, 2019
  1. Vật thái mạc cùng vân biến huyễn, thế đồ vô lự thuỷ danh hư[1]
    (Trò đời biến đổi như mây tan hợp, cuộc đời lên xuống tựa nước đầy vơi)

 

Mùa đông ấy, sức khỏe nhà vua đi xuống đã không thể giấu được người trong hoàng thành. Ngài ta phải nhờ người đỡ về cung sau lễ hợp hưởng, và quan trong Nội các là Hà Tông Quyền gần như luôn phải chầu chực ở điện Quang Minh để ghi chép ý chỉ thay cho nhà vua khi bàn tay ngài ta co cứng đau đớn. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau đó, tin từ Gia Định báo về có lẽ đã giúp tinh thần ngài ta phấn chấn lên: Vũ Vĩnh Lộc chỉ huy đàn em ra tấn công quân đào hầm ngoài thành đã bị phục kích bắn chết.

Chúng không thể ngồi yên chờ chết, tất phải thò đầu ra, các đường hầm này có thể trở thành thứ để dụ địch, cần cắt cử quân tinh nhuệ mai phục. Quân phụ trách bắn súng cũng có thể nhìn xem chúng thường xuyên sử dụng con đường nào để chờ sẵn. Như vậy việc đánh thành có thể sớm xong. Lấp các đường hào cũng có thể thành bậc để kê thang lên. Nhà vua ngay lập tức đề ra đủ phương sách tận dụng các đường hầm còn dở dang nọ. Ngài ta cũng quay lại với các đề xuất cải cách, chấn chỉnh khắp nơi của quan tướng đưa về trong tờ thỉnh an cuối năm. Sau cuộc thanh tra mùa hè, tất cả vật liệu, phân công trong các công sở ở Kinh được chia loại lại. Mười huấn điều về phong hóa được ban ra vào tháng sáu đã được khắc in xong, chia đưa đến các tỉnh huyện xã thôn tuyên đọc, lấy làm lệ giảng cho dân hàng năm.

Công việc trong các bộ sở vẫn bận rộn, cô cũng chẳng còn gặp nhà vua khi ngài ta lại bị bao vây bởi đám người trong ngoài Dưỡng Tâm điện. Nghe tin nhà vua se mình, gần nửa hoàng thành này chạy tới bày tỏ sự quan tâm yêu mến. Các hoàng tử chầu chực ở Duyệt Thị đường, những hoàng nữ đã lớn thay phiên nhau tới chăm sóc cha. Ngay cả những đứa cháu nhỏ cũng xếp hàng vào cung ngày ngày. Khi hành lang ngoài các điện được lắp đặt rèm trúc che gió rét theo lệnh của nhà vua, cô thậm chí còn chẳng biết ai đã tới. Ngày cuối năm ấy vẫn giữ lệnh gần như không phong ấn, các khu điện đài thuộc cung Càn Thành vẫn rộn rịp người lại qua, lúc này thậm chí còn mang vẻ khẩn trương là lạ. Mãi về sau cô mới biết nhà vua Chân Lạp Nặc Chăn đã qua đời ngay trong khoảng thời gian ấy, nhưng triều đình giữ bí mật không phát tang. Việc ở Chân Lạp vốn đã phức tạp lại càng rơi vào tình thế khó khăn hơn khi vua Nặc Chăn không có con trai. Linh cữu ông ta được quàn giữ kín ở trong điện, Trương Minh Giảng cùng quan tướng cả vùng An Giang, Hà Tiên lại được đặt vào tình trạng cảnh giác cao độ. Cùng lúc, quan quân ở Tuyên Quang cũng đã nắm được tung tích Nông Văn Vân trốn bên kia biên giới. Thư tín báo việc liên tục được đưa tới Nội các và Cơ mật viện, trong gió mưa mù mịt bao phủ các gian điện, trường lang kín bưng.

Nhưng ở bên ngoài, chẳng ai hay biết điều gì đang xảy ra, nội cung vẫn tất bật chuẩn bị cho ngày lễ đầu năm mới. Dù nghi lễ đã được giản lược, yến tiệc trong cả chính điện lẫn nội điện đều ít người, mọi việc sau một năm ngưng trệ vẫn phải sắp xếp lại từ đầu. Cùng với các nữ quan, cô phải túc trực luôn bên Thái hậu để ghi chép công việc, ý chỉ khi nhà vua gần như ở hẳn các gian tiện điện, phó thác mọi công việc nội đình cho mẹ.

Một ngày nọ khi trời tối muộn, các mệnh phụ, nữ quan, người trong cung đã lui về hết, cô vẫn ngồi ở bàn bên soạn các bản kinh Phật để phân phó cho người chép cầu phúc, Thái hậu bỗng gọi cô đến gần. Nghĩ bà muốn lấy bản kinh đã dặn trước, cô liền mang tập sách tới dâng lên. Thái hậu cầm mấy cuốn sách, lật qua xem xét.

“Con biết Lương Vũ đế không?” Vẫn cúi đầu đọc trang kinh, Thái hậu chợt nói. “Ông ta đã cho người soạn ra một bộ kinh gọi là ‘Lương hoàng bảo sám’.”

“Vâng, nếu Đức hoàng muốn tìm thì mai thần sẽ bảo các sư cô.” Cô thận trọng đáp. Nhưng có vẻ đây không phải là điều Thái hậu muốn nghe.

“Lương hoàng bảo sám tương truyền được Lương Vũ đế soạn ra để siêu độ người vợ đã mất, vị Hoàng hậu duy nhất của ông ta. Người ta hay nói rằng Lương Vũ đế là một kẻ điên rồ, cuồng dại, ngu ngốc. Đây là một trong những việc rồ dại nhất ông ta làm.” Thái hậu khép cuốn sách tuy vẫn không ngẩng đầu lên, chậm rãi nói. “Vị hoàng hậu ấy tên là Si Huy, đã chết trước khi Lương Vũ đế lên ngôi, rồi được phong là Đức Hoàng hậu. Điều buồn cười chính là, bà ấy nổi danh một người đàn bà ác độc, đố kị, ghen tuông không ai chịu nổi. Si Huy lấy Tiêu Diễn lúc ấy là một viên quan nhỏ, nhưng mười tám năm trời chỉ sinh được ba cô con gái. Đến khi Tiêu Diễn trở thành Thứ sử Ung Châu, lấy thêm một người thiếp khác là Đinh Lệnh Quang, Si Huy ghen tức bắt Đinh Lệnh Quang mỗi ngày giã năm thùng thóc, không cho chồng gần gũi với thiếp. May mắn, chỉ một năm sau đó, Si Huy cũng mắc bệnh mà qua đời. Ba năm sau, Tiêu Diễn giết vua Nam Tề lập triều Lương, lên ngôi hoàng đế. Ông ta phong Si Huy làm Đức Hoàng hậu, rồi cho người soạn Lương hoàng bảo sám siêu độ bà ta.

“Kinh sách nói rằng, Si Huy khi còn sống tính tình đố kị ghen tuông, khinh trời ghét Phật, nên khi chết đi hóa thành con mãng xà, sống trong bùn lầy ô uế, bị sâu bọ đục khoét toàn thân, chết không được sống không xong. Si Huy về báo mộng cho Lương Vũ đế nên có đàn cầu và bộ kinh nọ để sám hối cho bà ta. Sau khi đàn cầu hoàn thành, Si Huy mới được giải thoát, hóa thành thiên nữ bay về trời.” Thái hậu đặt mấy cuốn kinh sang bên, dựa vào chiếc gối gấm mà đưa mắt nhìn bóng mưa lao xao ngoài cửa. “Còn Lương Vũ đế, ông ta làm vua bốn mươi năm sau đó, lập phi sinh con, thậm chí cướp cả vợ của vua Nam Tề đã chết. Nhưng hai mươi năm cuối đời, bỗng dưng ông ta đuổi tất cả phi tần thê thiếp của mình ra ngoài, thực hiện việc xá thân cho nhà chùa đến bốn lần, ở lại trong chùa khiến quần thần phải đem bốn trăm vạn quan tiền đến chuộc hoàng đế về. Những việc như thế cùng với chính sự bê trễ đã khiến chỉ một tên tướng biên thùy nổi loạn cũng chiếm được Kiến Khang, giam Vũ đế, hại ông ta chết đói trong cung. Rồi con cháu ông ta bị thao túng hãm hại hàng loạt, nhà Lương diệt vong.

“Tiêu Diễn từ thời tuổi trẻ đã nổi danh tài tuấn, thông minh tuyệt đỉnh, văn thao võ lược, cầm kỳ thi họa sánh ngang danh gia kim cổ. Đến khi làm vua cũng cần kiệm chăm chỉ, định lễ nhạc, trọng thi thư, ổn định quốc gia. Nhưng càng ngày lại càng rồ dại điên cuồng, làm nhiều việc không biết đúng sai phải trái, để cười cho thiên hạ. Cướp vợ người để đứa con sinh ra còn chẳng biết là con ai, rồi lại bỗng dưng vứt bỏ cả gia đình, đất nước, mong làm ‘Bồ Tát hoàng đế’. Phong một người đàn bà không con, không đức hạnh làm hoàng hậu, để các con tranh giành không ai chịu nhường ai. Lại nghe nói Vũ đế mơ thấy Si Huy hóa làm con rồng sống ẩn trong giếng hoàng cung, mỗi khi ông ta sắp sửa mắc bệnh lại làm sóng nước nổi lên báo trước, nên Vũ đế xây một cung điện nhỏ ở miệng giếng ấy tưởng niệm bà ta. Đinh Lệnh Quang hiền thục đức độ nổi danh thiên hạ, sinh con trai nối dõi, trưởng tử còn là Thái tử, nhưng Vũ đế chỉ cho hưởng nghi lễ của Thái tử, phong làm Quý tần, thật cũng chẳng ra sao.” Thái hậu chợt đưa mắt nhìn cô, nhẹ cười. “Một bộ kinh sám hối do kẻ như thế chủ biên, siêu độ được cho ai?”

“Bộ kinh ấy… vốn sám hối cho chính Tiêu Diễn.” Im lặng một lúc, cô nói. “Ông ấy vốn thấy Si Huy hóa rồng, cả đời ở bên bảo vệ che chở ông ấy, chỉ có người nói rằng bà ấy là độc phụ mãng xà. Ông ấy hối hận do Si Huy vì mình mà chết trong đau khổ, chỉ có người nói rằng bà ấy đố kị hẹp hòi đến mức chết không thể siêu sinh.”

“Như vậy là thế gian lẫn đạo giáo độc ác nhẫn tâm, chứ không phải Vũ đế điên rồ, Si Huy cuồng dại?” Thái hậu vẫn cười. “Là cả nhân gian có tội chứ không phải Si Huy kia vốn đã chẳng tròn chức trách lại không nghĩ đến chồng con gia tộc, chẳng có lòng nhân với kẻ dưới, không độ lượng cũng chẳng hiền lương, càng đừng nói đến chút ý thức cơ bản nhất của đàn bà? Không phải Vũ đế kia trước sau bất nhất, chỉ nghĩ đến mình, cũng là một loại tùy ý vô trách nhiệm? Cho nên tốt lắm, kết quả không chỉ nước diệt thân vong, mà đến tình yêu ông ta phong thánh cũng hóa thành thứ dơ bẩn đáng khinh trong mắt người đời, Si Huy của ông ta đời đời hóa kiếp mãng xà cho người phỉ nhổ khinh miệt, danh xưng Đức Hoàng hậu trở thành một trò cười, là trò cười cho muôn thuở.”

“Hẳn là từ lúc xá thân, ông ấy đã chẳng bận tâm đến chuyện đó nữa rồi. ” Cô vẫn trầm mặc đáp khi Thái hậu im lặng nhìn cô. Trong sự yên ắng nặng nề trôi, cô bỗng nghe mình nói khẽ. “Cái thứ đạo lý nào nỡ nói một người vợ vì yêu chồng mà đời đời bị sâu bọ đục thân, sống không bằng chết? Vì cái gọi là thế gian, ông ấy đánh mất Si Huy rồi, thì dù thế gian có phong thánh hay phỉ nhổ cũng còn quan trọng sao? Si Huy đánh mất Tiêu Diễn rồi, thì cả thế gian còn quan trọng nữa sao?”

“Điên rồ!” Thái hậu quát khẽ, đập tay xuống sập. Cô hạ mắt nhìn xuống sàn trong khi bà đứng dậy đi vòng quanh phòng. Bóng lửa chập chờn trong gió lạnh lẽo thổi vào. Hồi lâu, nghe Thái hậu đứng yên cạnh cửa, cô nhấc lồng ấp trên sập, lót mảnh lụa dâng đến cho bà.

“Người cẩn thận kẻo bị lạnh.” Cô cúi đầu nói. Thái hậu thở dài, ôm lồng ấp đứng bên cửa.

“Ta rất khỏe mạnh, sức khỏe của ta rất tốt. Ngày ta còn bé, triều Duệ Tông bị diệt, nạn đói xảy ra khắp nơi, cha và chú ta kẹt lại Quảng Nam, ta ở cùng người nhà Thế Tổ ăn đói mặc rét. Rồi ta vào Gia Định, mấy lần chạy ra Phú Quốc, theo thuyền Thế Tổ trôi dạt khắp chốn. Những ngày chẳng có gì ăn, những lúc lạc trên biển một giọt nước không có mà uống, những trận chiến đạn bay ngay sát trên đầu. Thiên hạ? Các con bây giờ nói chuyện thiên hạ nhẹ bẫng như không. Các con đã từng thấy thịt người xẻ bán ngoài chợ, từng thấy cảnh mẹ ăn thịt con, xác đứa trẻ bị xé nát ném ngoài đồng? Gia tộc? Các con bây giờ cũng chỉ thấy ganh ghét kèn cựa nhau, oán trách tranh giành. Các con có tưởng tượng ra cảnh giặc cướp tràn đến, đàn ông bị chém đầu moi gan, đàn bà bị lăng nhục, trẻ con bị xiên lên giáo phơi thây, không ai thoát khỏi? Cuộc đời, ái tình? Các con có nghĩ đến những kẻ thân yêu của mình đều chết hết mà chẳng làm sao được, cuộc đời của mình chẳng hơn con sâu cái kiến, không thể ngẩng đầu mà làm người? Quốc gia? Con có nhớ Thế Tổ lớn lên trong cảnh thế nào?” Bà nhìn làn khói mỏng bốc qua những lỗ đục trên nắp lồng ấp, tiếng nói lẫn trong thanh âm của mưa rơi. “Ta vẫn thường nhắc nhở hoàng đế, kẻ có thiên hạ phải biết lo cho thiên hạ. Từng hạt cơm chúng ta ăn, vàng ngọc mà chúng ta hưởng đều là máu mỡ của dân chúng. Ngay cả nếu không nghĩ đến điều đó, cũng phải biết sợ. Không sợ cho mình thì cũng phải nhớ tới người thân. Đừng nhắc Tiêu Diễn, Lý Long Cơ, Vạn Lịch nữa, đến nghĩ cũng đừng nghĩ nữa. Những kẻ ấy, nói cho cùng, đều đã chết rồi.”

Quỳ trên sàn, cô nghe những lời nói thì thầm trôi vào đêm và dòng nước róc rách bao quanh cung Từ Thọ. Bỗng nhiên cô có cảm giác như vừa hiểu vừa không hiểu lời bà nói.

“Đức hoàng, người đã từng yêu thương ai bao giờ chưa?” Cô bỗng nhiên hỏi. “Thậm chí, người có yêu thương hoàng thượng không?”

Cô nghĩ Thái hậu sẽ nổi giận, nhưng bà lại ngẩn người. Nhưng bà im lặng. Bà quay vào trong, ngồi xuống sập, bỗng chốc như đã mất hết sức lực lẫn vẻ cứng rắn vẫn thường thấy.

“Khi ba tuổi, con ta đã bị đưa đi. Mười tuổi, nó ra chiến trường. Mười hai tuổi, nó đi ra trận. Mười lăm tuổi, nó bị đánh rồi giam giữ. Mười sáu tuổi, nó bỏ đi.” Bà thì thầm, thật nhẹ. “Ta không biết, vẫn luôn không biết, phải bảo vệ nó như thế nào. Ta chỉ biết, dù thế nào cũng phải sống thôi. Bằng cách nào thì cũng phải sống thôi.”

Chúng là bọn trẻ con, còn bao nhiêu là thời gian, cô chợt nhớ tới câu chuyện ngày xưa ấy. Loại bỏ nhà họ Hồ, rồi lại lấy tên Đông Hoa đặt cho cây cầu cùng dòng sông kỷ niệm, hết lần này đến lần khác đặt ra quy định ban ân điển cho con cháu công thần nhưng không bao giờ thực hiện cho họ, đưa Dung vào cung nuôi nấng rồi gần như tách hẳn con trai khỏi người cha. Những thủ đoạn, dối trá và toan tính tuần tự diễn tiến nhằm để bóp chết trái tim con người. Bao giờ cũng mềm mại dịu dàng, bao giờ cũng cảm thương bao dung, bao giờ cũng dối trá lừa lọc. Sau này cô hiểu cả sự oán hận ngấm ngầm của Ngô Thị Chính, người con gái trưởng trong gia đình xa cha từ nhỏ, có hai cậu em trai, vất vả lớn lên trong chiến tranh – họ đã chọn cô ấy chính vì thế. Không chỉ tình yêu, giấc mơ ở Gia Định thành ấy cũng do chính họ gieo vào cho ngài ta, đẩy ngài ta tiến tới. Cuộc đời Nguyễn Phúc Kiểu là một màn sương mờ mịt cùng những ảo ảnh lần lượt vỡ tan, và họ gọi đó là sự khôn ngoan cùng sức mạnh. Dùng muôn vàn đạo lý cùng thứ gọi là tình nghĩa và yêu thương để sử dụng ngài ta che chắn cho chính mình. Để sống, trong một thế gian như thế. Để sống, cả cái thế gian như thế.

Cho nên cô dửng dưng với nước mắt và cả buồn đau. Cô ngồi quỳ trên sàn, tay xếp lên gối, nhìn Thái hậu chậm nước mắt rồi buông người ngả trên sập.

“Ngài ngự nhắc tới Tiêu Diễn sao, Đức hoàng?” Lúc sau, cô hỏi. Không tự dưng mà Thái hậu gọi cô tới để nói chuyện này, dù cô không biết mục đích bà là gì.

“Ngài nhắc cũng phải vài lần rồi. Hà Tông Quyền ở Nội các nói khéo với ta.” Thái hậu cũng đổi giọng trả lời. “Dù sao vài lần trước cũng chỉ là chuyện sử sách, ngài ngự còn chê trách Lương Vũ đế rồ dại[2]. Nhưng vừa rồi gọi bộ Công vào dựng rèm che trường lang, nói chuyện trời giá rét, ngài lại trích chữ kể văn ông ta. Ai lại đi đọc sách của kẻ rồ dại ấy, ghi nhớ trong lòng mà thuận miệng kể ra? Dù mấy lần chỉ là trong Nội các, với bọn Trương Đăng Quế, Hà Tông Quyền thì chẳng mấy e ngại, nhưng lọt vào tai đám quan Ngự sử thì có khi to chuyện.”

“Với đám vịt miệng rộng ấy có lẽ đáng lo thật.” Cô nhếch mép cười khẽ. Nhà vua cho lập viện Đô sát, trao quyền tham hặc cho các quan Ngự sử để bọn họ giám sát khắp nơi, hặc tâu ngay từ vua, quan đại thần cho tới đủ mọi loại chuyện trên đất nước. Ngự sử giám sát cả những buổi lễ tế, được cho vào trong các buổi họp ở tiện điện, ban đầu tỏ ra là một công cụ chỉnh đốn đắc lực. Nhưng rồi trong hàng loạt sự kiện xảy ra, đội ngũ Ngự sử này lại khiến nhà vua bực tức vì ‘trách người thì sáng, xét mình thì quáng’, hay tệ hơn, cái gọi là chính trực liêm chính cũng chỉ là trò mua danh chuộc tiếng. Chẳng một Ngự sử nào lên tiếng nhắc nhở nhà vua khi ngài ta khinh suất với Nông Văn Vân, không ai phát hiện hàng loạt sai trái ngang nhiên diễn ra ở các công xưởng, kho chứa ngay dưới chân triều đình, lại thêm ngay chính các Ngự sử cũng phạm lỗi to nhỏ khắp nơi. Chúng bới việc moi lỗi để ghi công, lại can gián để cầu ơn chuốc huệ, ngấm ngầm lấy lòng người, lấy cái sai của người để chuộc tiếng mua danh nhưng lại nhút nhát tư lợi nào kém ai. Cơn giận ngấm ngầm của nhà vua với các Ngự sử vừa bùng nổ khi ngài ta cho Hình bộ và ty Tam pháp xử Thân Văn Quyền đến tội trảm giam hậu vì lên tiếng xin tội hộ một ‘tiến sĩ xuất thân’ dung túng thuộc hạ tham nhũng.

Nhưng Đô sát viện có quyền giám sát quá rộng, Nội các lại bao quát nhiều việc, một câu lỡ miệng của nhà vua cũng có thể dẫn đến bản tâu xin ‘chấn chỉnh phong hóa’ hay điều ong tiếng ve ngày càng xa. Ngài ta đã tạo ra một hệ thống tai mắt kềm chế tất cả mọi người, trói buộc cả chính mình. Mà có lẽ chưa nhận ra rằng ngài ta chính là mục tiêu dễ dàng nhất cho ngàn vạn mũi tên hướng tới. Hoặc có lẽ ngài ta quá tự cao tự đại đến mức không lường tới được.

“Việc ấy đáng cười sao?” Thái hậu cau mày. Cô nhìn bà, bất chợt nghĩ ra tại sao bà gọi cô tới.

Từ khi cô vào cung, Thái hậu luôn giữ thái độ lịch sự xa cách, chẳng bao giờ thân mật như với một vài người khác. Bà chẳng có gì cần tâm sự với cô, chỉ đang thăm dò cô. Như những người khác thắc mắc tại sao em cô được đưa lên phương Bắc, bà cũng vừa tự tìm câu trả lời của mình, vừa ước lượng và xét đoán. Như năm xưa bà vốn biết rất rõ Hồ Thị Hoa là một mối rắc rối lớn đến bậc nào, ngay từ lúc ban đầu. Cô vốn luôn tự coi mình là kẻ bên ngoài mọi việc của bọn họ, không hiểu rằng mình sắp bị đẩy ra sân khấu. Cuộc chiến ở phương Bắc đang dần kết, thành Gia Định đang dần sụp đổ, rồi cái ngày ấy sẽ phải tới, dù kết quả có ra sao.

“Bẩm, việc ấy lại không đáng cười sao?” Cô mỉm cười. “Một lý do vặt vãnh như thế, hay người ta đang sợ thật? Nếu đã sợ thì tại sao còn làm? Mà nếu có làm, ít ra thì nên chân thật tự hỏi mình tại sao, không để người ngoài nhìn vào lại cười cho việc chẳng đáng.”

Thái hậu nhìn cô, mắt sâu hun hút trong bóng tối. Cô bình thản nhìn lại bà. Lý do, hẳn nhiên một phụ nữ nơi thâm cung hun hút này như cô chẳng đáng là gì. Nhưng những mắc míu cùng tàn dư mà hai vị quyền thần để lại cần phải xóa sạch, cô chính là một trong số đó. Ở nơi này, cô đã quen nhìn thấy người ta dùng đủ mọi lý do vớ vẩn để triệt hạ nhau. Có nhiều khi, công lý cũng chỉ là công cụ và thẳng thắn cương trực cũng chỉ là sự lừa mị mua danh đẹp đẽ. Nói cho cùng, thứ họ cần khi thuận theo nhà vua hay tấn công ngài ta cũng chỉ vì chính họ trước nhất. Cũng như Thái hậu đang tìm cách thăm dò cô vì lý do ở ngoài cô, thậm chí chẳng phải vì hoàng đế con trai bà.

Đội trưởng Hoàng Văn Thông thuộc phủ Kiến An công đi theo Lê Văn Khôi làm phản, bị bắt ở Nam Kỳ. Quân trong thành Gia Định giương cờ ủng hộ Kiến An công. Phủ thiếp của Kiến An công là cháu Lê Văn Khôi. Mối quan hệ của Kiến An công với Lê Văn Khôi, nhóm quân trong thành Gia Định, hay thậm chí – Tả quân Lê Văn Duyệt, là một mối chỉ rắc rối khó lường sau bao nhiêu năm. Lúc này, chẳng phải cách tốt nhất là đẩy mọi mối quan tâm sang cho cô? Chỉ đáng tiếc, cô chưa bao giờ tin vào tình cảm trong hoàng cung này, cũng chẳng bao giờ muốn tham gia trò diễn trên sân khấu của bọn họ.

“Trong những đứa trẻ, con lại giống cha con nhất.” Hồi lâu, Thái hậu chợt nói, ra vẻ không thấy cái nhíu mày của cô. “Ngông cuồng bất tuân, tự cho mình thông minh, nhưng cũng đồng thời dại dột nhất.”

“Mẹ thần hay bảo, thần là đứa trẻ vô tình vô nghĩa, chẳng cần biết đến ai.” Cô lại cười. “Nhưng sau thần nghĩ, phụ nữ thực sự có một lối rất độc ác, đó là nắm được nơi mềm yếu nhất của lòng người, và đâm dao vào đó. Từ từ, từng chút một, giết chết nó. Với những tình thương như thế, thần quả thật không cần.

“Tiêu Diễn không cần Đinh Lệnh Quang thuận hòa thục đức, nhân hậu khoan thứ, cần kiệm khôn khéo, nhất thế hiền phi. Khi mỗi lần tay ông ta đau đến nứt ra, hẳn ông ta nhớ đến con rồng trong giếng, người hận ông ta tới chết. Còn đau, nghĩa là còn sống.” Nghe tiếng chân bên ngoài, cô hạ giọng thật khẽ. “Đức hoàng, chẳng lẽ người vẫn không thể bảo vệ con mình sao?”

Nhóm cung tần đem bữa tối vào điện, cô quay về bàn cất bút mực và các bản kinh đang xếp dở. Thái hậu trò chuyện cùng bọn họ, cô nghe tiếng cười nói vọng tới, nghĩ thầm, bà quả thật rất giống con trai. Người ở nơi này mang muôn vàn bộ mặt chẳng biết đâu là thật giả.

Mùa thu vừa rồi, Miên An được phái đi đưa lễ sinh nhật bốn mươi tuổi cho Kiến An công. Trong vài năm gần đây, Miên Hoành được trọng dụng sai phái tiến hành nhiều buổi tế lễ. Những việc này đều cần thông qua bộ Lễ, Tôn nhân phủ, thậm chí, Thái hậu. Một người như Kiến An công quả nhiên chọn anh em con trai vị Hiền tần để kết thân, thay vì những cậu lớn kia. Hoàng nữ của Hiền tần vừa hạ giá cho nhà Lương Văn hầu, Hoài quốc công, dù nhà có suy thì danh tiếng vẫn tốt, kéo dài ảnh hưởng của nhóm công thần Bình Định. Trong tình thế hiện tại, Kiến An công khôn ngoan tìm được ngay nhóm bè phái mới cho mình mà vẫn chẳng phạm luật triều đình. Và rồi chẳng biết anh ta sẽ còn làm được những gì. Thái hậu lo lắng Kiến An công liên lụy vào nhóm người Lê Văn Khôi, trong khi cô thấy anh ta đã nhanh chóng bày nên cả thế trận mới, lợi dụng ngay cả cơn bão này.

Nhà vua đã cho lục dụng nhà họ Hồ, xây dựng đền thờ cho Hồ Thị Hoa sau khi cha cô qua đời, khi ngài ta tưởng mình đã nắm được quyền lực của đất nước, đã tự do. Nhưng để che giấu điều đó, ngài ta đưa con gái quan chức vào triều, làm hòa với Hiền tần. Và vị thân hoàng đệ kia đã tinh mắt nhìn thấy ngay vũ khí để tấn công nhà vua. Ngài ta cứ việc tẩy xóa giấy tờ cho một người vợ chưa từng được chính thức cưới xin, một gia đình bị Thế Tổ bỏ mặc như cách trừng trị tàn nhẫn nhất. Và Kiến An công nắm lấy những người con của vị chính cung bao năm hầu hạ Thái hậu, người được trong ngoài mặc nhiên công nhận mới chính là sủng phi cao nhất của nội cung. Gây dựng quan hệ, tiếng tăm cho bọn họ, rồi đưa nhà vua lọt vào cái bẫy của chính mình.

Những tình thế được thiết lập trong thời gian hai vị quyền thần kia tại nhiệm đã sắp đổ vỡ hoàn toàn. Trong đó, cô là mấu chốt quan trọng nhất tại cung nội này. Bàn cờ quyền lực phải xếp lại. Khi tiếng súng ngoài biên đã hạ, giáo gươm trùng điệp trong hoàng thành sẽ giương lên.

Nơi này, vốn là một chiến trường không bao giờ kết thúc.

 

Chú thích:

[1] Vịnh nhân sinh của Nguyễn Công Trứ

[2] Thực lục, năm 1830: “Lương Vũ đế làm việc nhiều điều rồ dại, xét việc làm trẫm thường khinh bỉ, có đức chính gì mà được như thế.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.