- Hồi thủ Nam châu kết trần vân, Vị Ương tiền điện vũ thư văn[1]
(Quay nhìn Nam châu đầy mây bụi, trước điện Vị Ương thư văn bay)
Năm ấy, đầu mùa xuân, nạn đói xảy ra trên khắp Bắc Kỳ sau trận lụt hủy hoại vụ chiêm.
Cuối mùa xuân, thổ ty Ninh Bình dựa trên danh nghĩa Lê Duy Lương nổi dậy đánh vào thành Hưng Hóa, lan sang Thanh Hoa.
Giữa mùa hạ, Lê Văn Khôi cùng các thuộc hạ của Tả quân giết Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên chiếm thành Gia Định, họp quân Hồi lương, Bắc thuận cùng người Thanh, Gia tô trong hạt đánh lấy sáu tỉnh Nam Kỳ.
Đầu mùa thu, đê Bắc Kỳ vỡ hàng loạt trong trận lũ lớn. Nước phá qua đê, chảy lan khắp các tỉnh thành, đổ ra tới biển. Vùng quanh Trực Kỳ hạn hán rồi lụt lội, giá gạo khắp nơi tăng vọt.
Giữa mùa thu, anh vợ Lê Văn Khôi là Nông Văn Vân tập hợp thổ ty Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng ở Bảo Lạc, đánh chiếm vùng biên giới, lan đến Bắc Ninh.
Mùa đông, Xiêm đưa quân đến quấy rối Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Cam Lộ, Chân Lạp, rồi chia năm đường tấn công vào An Giang, Quảng Trị, Nghệ An.
Ngày đầu năm mới, đèn đuốc tắt im trên hoàng thành. Nhà vua cắt giảm gần hết các lễ tiết đầu năm, ấn tín cũng chỉ được phong lấy lệ trong một buổi tối. Ngày cuối năm đến với tin chiến trận khẩn cấp vẫn chuyển đệ từ Nam Kỳ, Trấn Ninh, Cam Lộ. Vào ngày lễ hợp hưởng, Trương Minh Giảng báo tin thắng trận Thuận Cảng, nhưng quân Xiêm vẫn đóng tại ngoài ranh giới Định Tường, đại binh từ triều đình chỉ vừa tới Gia Định. Quân từ thành Gia Định do Tống Phúc Lương chỉ huy lại thua trận, phải khẩn cấp gọi thêm quân, đặc phái Thái Công Triều đưa hương dõng tới hội tiễu.
Tướng Xiêm cùng em trai cố quốc vương Vạn Tượng đưa hàng ngàn quân tới Cam Lộ, Quảng Trị rồi Trấn Ninh, Trấn Tĩnh thuộc Nghệ An, do cha con thổ ty Chuyên Cương dẫn đường. Vệ úy Nguyễn Đức Long đóng đồn Định Biên phải lui quân. Tại các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định, Hà Tĩnh, các toán trộm cướp cùng phiến quân lẻ tẻ lại nổi lên.
Trong nội cung, tin buồn cuối cùng của năm lại đến: Phò mã Nguyễn Văn Ngoạn qua đời. Nhà vua sau buổi yến đãi các quan đã biến mất vào Đông Các cùng những tấm bản đồ và kế hoạch chiến trận. Mấy công chúa vào lạy mừng Thái hậu câm lặng đưa mắt nhìn nhau, trong sự lặng phắc của nội cung. Đêm đầu năm, gió mưa vần vũ trên hoàng cung vắng lặng, không còn cả tiếng bắn ống lệnh xuyên đêm. Mấy ngày sau, sấm sét vang rền bầu trời. Năm mới đến cùng những tin báo chết chóc từ khắp nơi vẫn chuyển về. Người trong thành phập phồng nghe tiếng chuông báo tin chuyển đệ trên đài.
Những ngày tháng ấy, họ dường sống trong một thế gian bồng bềnh trôi nổi, trong những cơn sóng dữ dội đè lấp lên nhau đến mức không thể phân biệt được vui buồn, không thể nhớ rõ hàng bao nhiêu sự kiện. Rồi đến ngay cả những cái chết cũng trở nên bình lặng dù có nghe tàn khốc dữ dội đến mức nào: Mùa thu, khi đồn Bắc Cạn thất thủ, Quản cơ Đinh Quang Toản cùng cả gia đình vợ con, hơn hai trăm biền binh bị giết chết ngay lập tức, quan quân đến chỉ còn thấy thây phơi ngoài bãi, chìm xuống hồ sâu bên cạnh. Trong ba đợt tiến quân, mỗi lần bệnh binh đến hơn ngàn người trở về nằm lăn lóc rên xiết ở Sơn Tây, Bắc Ninh, chết dần mòn đến hàng trăm. Người chết trong các cuộc tấn công, hành quân, thất thủ trở thành cái tên báo trong tấu sớ cùng chỉ truy phong. Lại thêm hàng ngàn người thương vong trong ba đợt đánh thành Gia Định. Những xóm làng bốc cháy trong các đợt tranh chiếm cướp phá. Ngay đến các thổ ty đi theo triều đình cũng bị kẻ thù truy lùng giết chóc cả nhà. Hàng trăm dân thường bệnh chết trên đường chuyển binh lương. Quan quân được lệnh chém ngay kẻ nào kháng cự trong trận tiền. Chỉ các chủ tướng giặc mới bị đóng cũi sắt chuyển về Kinh, những kẻ cai quản khác phải lăng trì ngay tại nơi bị bắt. Đường tiến lên Bảo Lạc năm đó cắm đầy những cọc gỗ bêu đầu người. Những cuộc truy lùng tàn sát đến tận gốc rễ. Và rồi ngay cả ngàn kẻ bị ném vào mả biền tru ở Gia Định cũng chỉ là tin tức và con số chẳng đánh động được ai trong cơn say máu. Khi những tù nhân từ Gia Định bị lăng trì trước cổng thành, dân chúng đến xin thịt về cắn nuốt trong sự ồn ào cũng y hệt như lúc họ thấy cờ hồng báo tin thu phục Phiên An.
Những cái tên kéo dài trên tờ sớ trong hai buổi lễ cầu siêu liên tiếp tại chùa Thiên Mụ. Bao nhiêu kẻ không tên khác chết đi hàng ngày hàng giờ trong những cuộc chiến. Tất cả con người chìm vào cơn say máu và nỗi bi thương, căm hận, giận dữ, si cuồng đến dường tê dại.
Khi nhà vua rơi nước mắt, cô thấy như thể ngài ta mới sực tỉnh khỏi một trạng thái nào đó. Cầm tờ tâu trong tay, nhà vua đột nhiên rơi nước mắt[2]. Cũng chẳng có ý tránh né che giấu, ngài ta cứ ngồi im, dường như là ngơ ngẩn. Hồi lâu, ngài ta mới nói khẽ với những người xung quanh.
“Trần Văn Năng chết rồi. Bệnh nặng qua đời, ở Thuận Cảng.” Ngài ta nói trong những tiếng thở khẽ, âm thanh ồn ào dậy lên. Ngài ta ngồi yên trong những tiếng ồn, lệ vẫn còn trong mắt, bóng hoàng bào chìm trong bóng tranh tối tranh sáng của cung điện.
Ngày ấy, sau một mùa đông buồn thảm, tin thắng trận từ biên giới liên tục báo về. Quân Xiêm đã chạy khỏi An Giang, Hà Tiên, bị đánh lui ở Cam Lộ, Trấn Ninh sau những thất bại liên tiếp. Lê Văn Khôi đã chết trong thành Phiên An vào tháng mười một. Nắng bắt đầu lên, nhà vua làm bài thơ ‘Xuân sắc mãn hoàng đô’ đầy hào hứng cho quần thần hòa tụng trong buổi đại triều tại điện Cần Chính. Dù có tin Nông Văn Vân lại xuất hiện ở Cao Bằng, ngài ta đã thoát khỏi tâm trạng ủ rũ để lập tức đề xuất những biện pháp thiện hậu sau chiến trận. Ngay lúc ấy, tin cái chết của Trần Văn Năng về tới. Vị lão tướng này phải ôm bệnh ra trận sau thất bại của Tống Phúc Lương, chỉ trụ được đến khi tới Nam Vang.
Nhà vua cho nghỉ triều ba ngày. Dù tin báo chiến thắng từ biên giới vẫn chuyển về, ngài ta bỗng rơi vào yên lặng. Một ngày, cô lại được gọi tới gác Hải tĩnh. Chiều đã muộn, hoa bắt đầu nở rộ trong màu lá non như gấm dệt quanh hồ. Mùi thuốc lá ngòn ngọt quen thuộc phả ra ngay khi cô bước qua cầu. Nhà vua ngồi dựa vào gối tựa bằng gấm, cầm trong tay một bản vẽ thứ gì đó giống cái hộp có bốn bánh và dây quấn xung quanh. Thấy cô vào lạy chào, ngài ta chìa bản vẽ về phía cô.
“Ta thấy trong cung phải đi gánh nước rất vất vả, nên chế xe nước để đưa nước vào.” Khi cô cầm bản vẽ mở ra xem xét, nhà vua nói. “Chỉ cần một cái xe như thế này đi suốt qua các điện, đục lỗ trong tường đặt ống vào, đầu ống trong cung thì đặt chậu hứng nước. Người ngoài rót nước qua ống, người trong cứ đến lấy nước là được.”
“Chỉ e thời gian qua lâu, ống đóng rêu cặn thì nước cũng chẳng còn sạch.” Cô kềm lại câu hỏi trong lòng, nhũn nhặn nói, khóe mắt đã kịp nhìn thấy những bản vẽ khác vứt lung tung khắp gác. Hóa ra đây là thú thư giãn của ngài ta vào thời gian này, chẳng trách Trương Đăng Quế bảo cứ đem địa đồ đê điều đến cho ngài ta xem. “Đục lỗ ở tường khó tránh cho người ngoài nhìn ngó vào trong, mà làm ống gấp khúc thì khó cho việc lau rửa.”
“Thế thì làm các phần ống ghép lại, không đúc liền, khi cần có thể tháo ra.” Nhà vua nhíu mày rồi nói. Ngài ta nhấc cuốn sách Tây dương bìa da dày cạnh đó, mở chỉ cho cô một bản vẽ cái xe dạng hộp tương tự. “Đây là xe cứu hỏa của Tây dương, bên trong có máy đẩy nước, ngoài có ống dài. Khi cần dùng thì mấy người điều khiển máy đẩy nước ra. Có thể dùng sào kéo ống lên, hoặc sử dụng xe thang cũng tiện. Ở Tây dương có vật liệu chống thấm nước làm ống, ta không có thì dùng da cũng tạm.”
“Ta không mua được vật liệu đó ạ?” Cô bèn hỏi. Những chuyến tàu khởi hành quanh năm của triều đình đến các cảng biển do Tây dương cai trị trong vùng, mua bất cứ vật dụng nào có thể khiến nhà vua hứng thú. Chuyến đi của Hoàng Quýnh có vẻ đã đem cuốn sách này về Kinh, và cô lại phát hiện một tính cách khác của nhà vua: dường như trong những lúc căng thẳng, ngài ta lại chế ra một thứ gì đó mới lạ. Từ chiếc xe kính kiểu triều đình Tây dương đã trở nên phổ biến trong các hoàng thân công chúa, chiếc thủy sương xa vừa nhả khói vừa kêu ầm ĩ trong vườn Đông, cây cầu có trục quay ngoài thành, và hiện tại là cái xe cứu hỏa lẫn chuyển nước.
“Không, nó được sản xuất từ một loài cây trồng trong đất thuộc Bút Tu Kê, không hề truyền ra ngoài, Hồng Mao cũng phải đi mua lại, giá rất đắt.[3] Nghe nói mỗi cây chỉ sản được ít nhựa, phải trồng hàng đồn điền.” Thái độ của nhà vua bất chợt trở nên cau có khi ngài ta nói câu sau đó. Cô liền cúi đầu nhìn xuống bản vẽ.
Kế hoạch mở đất trồng đay của nhà vua đã buộc phải bãi bỏ trên toàn đất nước sau những lời ca thán. Ngay cả những nhà tằm và ruộng tịch điền mở ở địa phương cũng phải bỏ số lượng nộp cho người tùy ý làm. Có vẻ các quan lẫn dân địa phương chẳng hề tích cực trong các kế hoạch này, hoặc chỉ muốn lấy số lượng để được khen thưởng. Quan vừa bắt ép dân đi làm vừa bòn rút tiền công phát xuống, dân quấy quá cho qua chẳng trồng được bao nhiêu, cũng chẳng khuyến khích được người mở đất thêm, cuối cùng đất trồng thành đất hoang, tiền phát xuống không thu lại được gì. Một loài cây cần để làm bao nhiêu vật dụng hàng ngày đã thế, nghe đến hàng đồn điền sản xuất một thứ vật liệu chưa ai từng biết đã thấy hoàn toàn vô vọng.
‘Hán Văn đế không thay đổi gì mà nước trù phú, Đường Văn hoàng bớt sưu nhẹ thuế nên thiên hạ thái bình. Con đường thịnh trị chỉ là không bày thêm nhiễu việc’, nghe đâu khi nhà vua than thở về việc trồng đay, một viên Ngự sử đã nói. Nhà vua lúc ấy đã im lặng, nhưng lúc này ngài ta lại chìm đắm trong các bản vẽ kỳ quặc của mình, và có thể, lại một ý tưởng bất thường nảy nở.
Tây dương buộc dân sở tại nuôi trồng hàng đồn điền sản xuất những vật phẩm chúng muốn, tập trung thành các chuyến tàu hàng chở đi phân phối khắp thế giới, các viên quan đi hiệu lực về kể với nhau. Dân chúng bị tập trung vào các xưởng làm việc bất kể ngày đêm để chế hàng hóa với tiền công rẻ mạt. Nhờ vậy, chúng có mọi thứ. Một số viên quan cũng giống như nhà vua, chẳng thể hiểu nổi những gì đang diễn ra trong các đất nước ấy. Vua chúa chỉ cần ngồi yên thu thuế, để từ những con buôn Tây dương đến các lãnh chúa, địa chủ mặc sức sử dụng, vắt kiệt dân chúng thành tiền bạc và lợi ích. Tiền làm việc công mà Anh Cát Lợi trả ở Ấn Độ chỉ bằng một nửa Phú Xuân[4], nhưng dân chúng ở đây đều than khổ, có việc gì vua cũng phải gọi lính chứ chẳng dám dùng tới dân. Chỉ khi đói kém, mất mùa thì dân mới được thuê làm để trả công. Không xây dựng, bớt công dịch – đó là lời khuyên cho các minh quân ngàn đời, và sự thật hoàn toàn lật ngược ở một thế giới khác, nơi những kẻ sử dụng súng ống, thuyền chiến mới là kẻ mạnh. Nơi những nạn đói kinh hoàng hàng triệu triệu người chết dưới gốc hoa thuốc phiện đến và đi như triều hạ triều dâng. Nơi những luân lý Khổng Mạnh mà người tin tưởng trở thành thứ nực cười. Nơi sử dụng những cách thức để cai trị và trở nên trù phú xa lạ với nơi này, và những kế hoạch mà nhà vua mon men thử nghiệm ngay lập tức chứng tỏ sự thất bại – trong ánh mắt ngấm ngầm chê trách phán xét của mọi kẻ xung quanh.
Và ngài ta chỉ đành tìm vui trong những thứ máy móc nhỏ bé, tạo nên các món đồ hẳn chỉ mình ngài ta thích thú. Trong khi cả đất nước đang chìm đắm vào cuộc sát phạt ngàn đời. Lúc này thì hẳn ngài ta không còn thấy ngỡ ngàng – cũng chỉ giống ngày Lê Chất, Lê Văn Duyệt tới kinh lý các vùng, cũng chỉ giống những ngày các đội quân dưới lá cờ vinh danh vị vua chúa nào đó lao vào nhau. Ngài ta luôn muốn thay đổi, ngài ta không chịu đựng được sự xấu xa, gian dối, dựa thế cậy quyền, ngài ta căm ghét những bè phái cùng thiên lệch. Ngài ta muốn tạo thành một đất nước mới vận hành bằng luật pháp và đạo đức. Để rồi chìm xuống trong những cơn sóng tranh chiếm của các thế lực ngàn đời. Như những viên quan của ngài ta tiếp tục loay hoay trên những bờ đê, cánh đồng và dòng nước, trong một thứ kết quả hủy hoại đã thành hình.
Gia Định bấy lâu phong tục kiêu bạc xa xỉ, bị tạo vật ghét lâu rồi, nhờ loạn lạc mà thay cũ đổi mới. Trần Văn Năng công liệt rỡ ràng, dưới suối vàng cũng không còn hối hận. Ngài ta vẫn nói, trên tro tàn, giữa tang thương. Trong nước mắt.
“Trong cung dùng nhiều nước, xe phải rất lớn.” Cô bỗng nói. “Xe vừa lớn vừa nặng, vật liệu cùng cách thức đóng phải xem xét kỹ mới giữ được lâu.”
“Ta sẽ tính.” Nhà vua lấy lại bản vẽ từ tay cô. Cô cau mày nhìn ngài ta.
“Ngài rảnh rỗi thì ngồi tính toán thế không đau đầu sao?”
“Đỡ đau đầu hơn nói chuyện với người.” Nhà vua dường lơ đãng mà trả lời cô, nhưng có vẻ lập tức nhận ra ý trong câu nói của mình, liền mỉm cười. “Có vô số dạng người, vô số hoàn cảnh, ta còn đang nghĩ không biết phải xem thế nào đây. Dùng cách nào mà xét cũng dường không đúng cả.”
“Không đúng mới là bình thường.” Cô nói, thấy nhà vua lại cười, ngài ta không nói thêm.
Khi ngài ta tin tưởng, thì hết Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Quế, Phạm Phổ, Hoàng Văn Quyền làm ngài ta thất vọng. Khi ngài ta nghi ngờ, thì đã đẩy Bùi Tăng Huy, Phạm Đình Trạc cho đến cả Trần Văn Năng vào chỗ chết. Những gì từng là giấc mộng đẹp đẽ lại liên tục phơi bày mặt xấu xa, trong khi những gì không mong chờ hy vọng lại có điểm sáng ngời. Chẳng một điều gì có thể dùng làm thước đo cho lòng người, Nguyễn Chương Đạt bỏ thành chạy trốn – Nguyễn Công Trứ xả thân trong núi rừng hoang, Phạm Phổ tự sát ở Thái Nguyên – Phạm Xuân Bích bị giết tại Hà Tiên, ngay cả trong đội Hồi lương cũng có những phạm nhân nhất quyết đi theo triều đình chống trả phiến quân Phiên An. Ngay cả những kẻ sai lầm kia cũng chẳng phải là người xấu, thậm chí, có thể chính họ còn không biết rõ mình. Hoàng Văn Quyền khi dâng sớ bày kế đánh thành Phiên An hẳn vẫn nghĩ mình là kẻ tài năng giỏi giắn. Bạch Xuân Nguyên năm ấy mang niềm tin sắt đá vào bản thân không nghĩ rồi mình sẽ chết đi trong ô nhục. Thái Công Triều trong tuổi thanh niên ngạo nghễ mà buồn bã hẳn cũng chẳng lường tới mình là kẻ đứng vào tâm bão lật ngược cả thế gian.
Trong lúc này cô còn thoáng nghĩ nhà vua đang ngấm ngầm đồng cảm với Tả quân, thậm chí ngay cả Lê Văn Khôi. Lê Văn Khôi đã chết trong nỗi phẫn uất đau đớn cùng cực, Lê Văn Duyệt bị lợi dụng chà đạp ngay khi đã về nơi chín suối. Những gì mà họ tin tưởng, những con người tưởng chừng sắt son gắn bó, thế gian mà mình tưởng đã thấu rõ thông suốt tường tận, hóa ra đều chỉ là dối trá lọc lừa, đều hư vô mờ mịt. Càng thông minh tài tình, càng rối rắm bất phân. Đẹp đẽ và xấu xa, đáng thương và đáng hận, tất cả đan xen vào nhau, khiến họ vừa căm ghét lại vừa xót xa, vừa níu kéo họ lại trên bờ vực vừa đẩy họ vào nỗi buồn thăm thẳm.
Chúng là một bọn khốn, cha cô từng cười nói ngày xa xưa nọ. Ông mới là kẻ khôn ngoan nhất mực, nhưng cuối cùng vẫn không thể điều khiển được cơn bão tố của những gì đang trên đà sụp đổ. Cuối cùng, ông vẫn không thể tránh được cái kết cuộc thảm khốc đang rơi xuống.
“Ta gọi khanh tới để hỏi, khanh có bao nhiêu anh em trai?” Nhà vua đặt bản vẽ sang bên, quay người hẳn về phía cô, trong lúc cô như giật mình lạnh toát cả người.
“Bẩm, bảy người.” Cô bỗng nhiên kính cẩn đáp, thấy nhà vua gật đầu.
“Hẳn tất cả đều được học văn võ rồi.” Dường nhận ra sự sợ hãi của cô, ngài ta liền nói nhanh. “Ta định phái tất cả theo các viên tử trong sách Hoa danh đến Bắc Kỳ, vào quân Lê Văn Đức và Tạ Quang Cự đánh trận.”
Cô nghe có ý hỏi trong giọng ngài ta, nhưng cắn môi im lặng. Đầu mùa xuân, gió vẫn còn lạnh thổi vào gác giữa hồ.
Dù có học hành văn võ giỏi giang hay không, tất cả em trai cô cũng sẽ đều phải ra trận. Phải đích thân giành lấy sự sống về cho bản thân. Trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ một công lao khả dĩ mới có thể đổi lấy sự sống – thậm chí chỉ là một cái chết êm ái hơn, cho người nhà cô.
Tả quân Lê Văn Duyệt đang bị nghị tội trong đình viện. Tội lỗi của nhóm Lê Văn Khôi, Nông Văn Vân, Quách Tất Công chất dày thêm qua ngày tháng, trong những biến loạn liên tiếp chưa từng ngơi nghỉ. Rồi sẽ đến Lê Chất cha cô, cùng những cái án và sự bất mãn bị bỏ dở ngày ấy ở Bắc Thành. Rồi sẽ đến toàn bộ những người từng ở dưới trướng Tả quân. Con cái cả trai lẫn gái của Lê Văn Khôi, gia đình của các tướng giặc đã bị bắt giết không tha một ai, bị hành hình ngay khi lọt vào tay quan quân mà chẳng cần đợi lệnh vua. Ngay cả người con đậu tiến sĩ của Đinh Phiên, người cha dòng họ tông thất của Nguyễn Hựu Dự đều không tránh khỏi cái chết. Họ sẽ không tha một ai, không một ai.
Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng cheo leo hiểm trở, sơn lam chướng khí ngập tràn, những đội quân hung hiểm ẩn nấp khắp nơi, nhưng cũng đồng thời, là nơi có khả năng lập công hơn hết. Quân Xiêm đã bị đánh lui về biên giới Chân Lạp, nhóm Lê Văn Khôi chỉ đóng cửa thành Phiên An tử thủ, những đội quân đóng trong các đồn trại canh phòng chỉ có thể chết vì bệnh tật hay phục kích. Năm rồi chỉ vài thứ yếu phạm bị bắt ở Bắc Kỳ, những đội quân hàng ngàn người hung hãn xông tới lại đem tới cơ hội thăng tiến cho những kẻ đủ liều lĩnh, gan dạ, bất chấp.
Dù cô biết, chẳng một đứa em nào giống như cha cô. Tất cả đều lớn lên trong nhung lụa, quen thói phong lưu hơn là nghiêm khắc, chưa từng nếm trải gian khổ, thậm chí chẳng biết tới phật lòng. Ngay cả Lê Hậu dù quyết tâm đến thế mà cũng chỉ là một cậu công tử yếu đuối không chịu nổi vài tháng gió mưa.
Nhưng cuối cùng, cô cúi người dập đầu.
“Tạ ơn hoàng thượng.” Cô nói khi run rẩy trong cơn gió lạnh. Lò than trong gác hợp cùng gió ngoài hiên khiến cô run lên.
Cô không hỏi tại sao ngài ta lại quyết định cho người nhà cô một cơ hội. Có thể ngài ta muốn đẩy tất cả chết trong rừng, cũng có thể ngài ta đang tỏ ra mình rộng rãi bao dung, nhưng nghĩ lại, nhà vua đều không cần phải làm như thế. Ta không phải người rộng rãi bao dung, chưa bao giờ, ngài ta sẽ nói ngay lập tức. Các sắc lệnh, thơ từ của ngài ta vẫn tràn đầy sát khí, thúc giục cho giết chóc và trừng phạt. Mọi con người vẫn đang lao lên trong cơn say máu và hận thù, lấy mạng sống cùng xương máu tìm kiếm địa vị lẫn cầu sinh.
Cầu sinh là thứ duy nhất mà các em cô có thể hy vọng, dù ở kinh thành này hay nơi chiến địa, trong cái bẫy lớn đang sập xuống từ bầu trời.[5]
Chú thích:
[1] Thu vọng của Tuy Lý vương
[2] Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ: “Ta được tờ tâu, tự nhiên rơi nước mắt”.
[3] Cao su vốn là ngành sản xuất độc quyền của Nam Mỹ, cấm ngặt chuyện nhân giống ra ngoài. Năm 1876, Henry Wichkam mới mang lậu được hạt giống cao su về Anh, bắt đầu nhân giống rồi đem trồng ở các thuộc địa vùng cận nhiệt đới.
[4] Trích Journal from India to Cochinchina của John Crawful: “Số gạo trả lương cho 1 ngày công ích ở thành Calcutta (thù đô Tây Bengal, Ấn Độ) mua được không quá một nửa số này (giá trị tiền lương công dịch ở Huế năm 1830)”, tác giả cho rằng tiền lương quá cao này có được là do sử dụng sức lính thay cho dân.
[5] Thực lục, tháng 2 năm 1834: Sai các viên tử là bọn Lê Trương, Lê Thướng (con Chưởng Hậu quân Lê Chất) 7 người, theo đi quân thứ Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức để sai phái. Nếu xét ra thực có tài lược, võ nghệ, thì chuẩn cho cứ thực tâu lên để liệu bổ dùng.