Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

90. Thế nhân giai tuý nhi giai trọc
Trường An in "Minh nguyệt 3" September 6th, 2019
  1. Thế nhân giai tuý nhi giai trọc, duy ngã độc tỉnh nhi độc thanh[1]
    (Người đời đều say sưa nhơ đục, chỉ ta một mình tỉnh, một mình trong)

 

Năm ấy, những sự kiện nối tiếp nhau xảy ra trong một vòng xoáy quay cuồng mà có lẽ nhiều năm sau nhớ lại cũng ít người hiểu được căn nguyên của mọi sự.

Như là, đến tận khi Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ chiếm được Vân Trung, Tạ Quang Cự lấy lại thành Cao Bằng, sự biến ở biên giới phương Bắc mới lần lượt tỏ rõ: Bố chính Tuyên Quang Phạm Phổ cách chức Nông Văn Vân để xét xử một vụ án mạng, cho thổ ty khác là Nguyễn Quảng Khải thay quyền. Nguyễn Quảng Khải này lại thân với Nông Văn Vân, và cùng một viên thư lại ở Hình phòng tỉnh tên Trần Quyền mưu bắt quan quân trước khi cùng nhau bỏ trốn tới châu Bảo Lạc. Phạm Phổ được lệnh truy nã toán người này, đem quân đến Bảo Lạc nhưng bị đẩy lui về đồn Ninh Biên, chỉ còn bốn trăm người. Nông Văn Vân đem các Thổ tri châu Vị Xuyên, Lục Yên cùng cựu Tuyên úy sứ Tuyên Quang là Nguyễn Thế Nga cùng hơn vạn quân bao vây, Phạm Phổ phải tự sát trong đồn lũy, chỉ còn Thành thủ úy Trương Phúc Nguyên trốn về.

Toán quân của Nông Văn Vân liền đến bao vây thành Thái Nguyên, trong khi các nhóm quân khác đồng loạt tới tấn công Cao Bằng, Lạng Sơn, lan sang tới Hưng Hóa, Bắc Ninh, Sơn Tây. Mãi về sau, họ mới biết danh tính của những kẻ cầm đầu đội quân ấy – và sai lầm lớn nhất của nhà vua: Thổ ty Nguyễn Hựu Cận, Nguyễn Hựu Huyền cùng cựu Tuyên úy Nguyễn Khắc Trương, Thổ tri châu, Thổ lại mục dưới quyền đem theo quân Tàu Ô ở Quảng Yên là Dương Ba An, Hoàng Ất An đến hơn vạn người đánh phá đồn lũy, bao vây thành Cao Bằng. Nghe tin Lạng Sơn cáo cấp, Tuần phủ Lạng Bình Hoàng Văn Quyền đem quân cứu viện, bị anh em Thổ tri châu Nguyễn Khắc Hòa bao vây đánh úp bắt sống. Phiến quân đốt phá toàn bộ nhà cửa quân dân ngoài thành, Bố chính Bùi Tăng Huy phải bỏ thành đến đóng ở kho đồn gần chân núi. Em họ Nông Văn Vân là Nông Văn Sĩ dẫn nhóm người Thanh là Tống Nam Thông, Lý Quang Châu, Lý Tư Nhạc, Trương Phượng Cao đến vây thành Thái Nguyên. Em trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Khoa chiêu tập ba ngàn phu mỏ người Thanh và thổ ty chặn đường rừng Lạng Sơn, người châu An Bác nhà Thanh tên Thế Đường cũng đem sáu trăm quân đến biên giới Quảng Yên quấy phá.

Trong lúc ấy, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Lê Văn Đức đem quân đến giải vây cho thành Tuyên Quang, đánh tan quân của Nông Văn Vân, Nguyễn Quảng Khải. Tuy nhiên, Nông Văn Vân phái tàn quân chạy về Cao Bằng, hợp lực đánh thành. Hoàng Văn Quyền bị cột trước đầu voi dụ hàng, sau một tháng, lương hết, quân sĩ đổ bệnh, Bố chính Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lưu tự sát trong đồn. Hoàng Văn Quyền cũng bị giết vài ngày sau đó.

Nhà vua đã không hề lường được lượng quân địch hung hãn ở biên giới, cho tới khi đội quân này kiểm soát hoàn toàn Lạng Sơn, tràn sang Bắc Ninh. Ngài ta cũng đã không tin báo cáo về những đội quân phỉ đông đến hàng ngàn vạn người trong tấu sớ của các quan. Giữa tháng chín, khi thành Tuyên Quang bị bao vây, thành Cao Bằng mất tin tức, Phó Lãnh binh Hà Nội Hồ Văn Vân bị một ngàn thổ phỉ phục kích bắn chết trên đường lên Lạng Sơn, ngài ta mới bắt đầu cảm thấy sự đe dọa, giục các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Dương đưa quân tới phòng thủ Bắc Ninh, Tạ Quang Cự, Phạm Văn Điểm đem đại binh đến giải vây.

Họ đánh nhau trong bóng tối, sau này Lê Văn Đức, Hồ Văn Lưu trở về nói. Những đồn trại rải rác trong rừng mà nghe thấy đại quân kéo đến thì trốn chạy hoặc ẩn nấp vào đá núi để chống trả. Quân triều mở những cuộc tập kích vào lúc nửa đêm về sáng, hoặc lấy súng quá sơn, súng thần công nã thẳng vào rừng núi, những đội quân men theo đá leo lên tranh chiếm các đỉnh cao để kiểm soát thế trận, những cuộc chiến chỉ thấy kẻ địch như cái bóng lẩn quất trong rừng. Những thổ ty, thổ mục nhanh chân trốn không còn dấu vết, chỉ bắt được những tên đầu sỏ người Thanh không quen thủy thổ bị dân Thổ đem giải nộp. Những vùng đất mà dân Thổ đến tám, chín phần đi theo giặc, các làng mạc trống trơn khi quân kéo đến, không còn có thể mua thóc gạo trên đường, thậm chí bị phục kích vào đoàn quân lương sau lưng. Trận chiến cùng kẻ thù vượt qua cả vùng biên giới, với sự bàng quan bỏ mặc của quan tướng nhà Thanh. Sai lầm lớn nhất của nhà vua là không thể ngờ Nông Văn Vân nói riêng, nhóm người của Tả quân nói chung, lại có thể lan rộng, mạnh mẽ tới như thế.

Bằng các mối quan hệ hôn nhân, thông qua trung gian Lê Văn Khôi, hai nhóm người ở Cao Bằng – Tuyên Quang, Thanh Hoa – Ninh Bình đã gắn chặt với nhau, và lan xuống Gia Định. Quân đội triều đình đã có thể nhanh chóng dập tắt biến loạn ở Ninh Bình nhỏ bé chật hẹp bị cô lập đường liên lạc sang các vùng khác, Lê Văn Khôi đã bị dân chúng Nam Kỳ cùng kẻ tưởng chừng là đồng minh Thái Công Triều lật đổ, Nông Văn Vân lại trở thành cái gai khuấy động loạn lạc không bao giờ tắt. Chúng ta không bắt được một tên thổ mục nào, ngay sau khi các đoàn quân rút khỏi Ninh Bình, một viên quan đã dâng sớ cảnh báo nhà vua. Và một khi vùng này có động, các nơi khác sẽ lại liên tiếp nổi lên, lại tiếp tục có một kẻ mang họ Lê họ Trịnh nào đó được dương danh, hoặc thậm chí là Tả quân, Kiến An công được gọi tên ở Nam Kỳ. Lực lượng trong nước không đủ, đến lượt những đội quân họ ngoại ở Thanh và quân Gia-tô, Xiêm La, Vạn Tượng, Chiêm Thành được kéo vào.

Chỉ trong vòng đôi ba năm, họ dường như đã nhìn thấy lịch sử ngàn năm trên đất nước này khai diễn qua trước mắt. Lịch sử trụi trần không còn lớp vỏ trung quân ái quốc, không còn cả anh hùng lẫn tội đồ, chỉ liên tiếp phô bày những tham vọng, dục vọng cuồng si, những thù ghét oán hận kết tụ vĩnh viễn không nguội tắt, những cốt lõi trụ cột của quyền lực ngàn đời, mâu thuẫn ngàn đời, sụp đổ ngàn đời. Màn diễn không có anh hùng ca, chỉ có tột cùng tàn nhẫn, giả trá, bạc ác, ngu dại trên sân khấu nhuộm đầy máu đỏ. Những diễn viên vẫn hát bài ca của mình, trong lớp áo xống tuồng chèo và dưới lớp mặt nạ trát dày màu đen đỏ trắng.

Ngay trong những ngày đầu khi biến loạn Phiên An xảy ra, nhà vua đã bảo quan ngự sử ghi lại tất cả hành động của ngài ta trong thời gian ấy, sau này ngài ta còn cho tập hợp giấy tờ trong mấy năm này biên thành sách. ‘Để nêu rõ lỗi ta, cho sau này lấy làm gương mãi mãi’[2], ngài ta nói, còn cô thì nghĩ hẳn là ngài ta cũng đã cảm thấy được nó – trường khai diễn của lịch sử đáng để ‘làm gương mãi mãi’. Từ những ngày đầu tiên lên ngôi trong dịch bệnh khủng khiếp chưa từng thấy, thậm chí ngay từ ngày đối mặt với những cái chết không thể hiểu nổi của anh em buộc ngài ta phải đứng ra gánh vác, nhà vua luôn đã ở trong tâm thế đối mặt với Trời. Trong nỗi sợ hãi mà nhất cử nhất động đều phải hỏi Lễ quan có nên làm, có trở thành trò cười của muôn thuở, cuối cùng, ngài ta đã ném mình ra trong cơn ba đào, bất chấp đương đầu với thứ lịch sử phi luân dại cuồng, với con người mù lòa mê huyễn. Nguyễn Phúc Kiểu không bao giờ xin lỗi, trong những thủ đoạn cùng mưu đồ, ngài ta lại luôn cho rằng mình vô cùng chân thật – Sự chân thật soi tỏ cả nhân gian, từ những kẻ xung quanh ngài ta cho đến những sự đen tối không ai dám nhìn tới. Kiểu khiết như sương tuyết, thu nạp và phản chiếu toàn bộ thế gian quanh mình trong thứ ánh sáng lạnh lùng tàn nhẫn không khoan nhượng. ‘Lỗi tại ta’[3], ngài ta nói trong những thiên tai nhân họa liên tục trút xuống, rồi toan tính chống lại cả trời.

Trời cao chưa bao giờ khoan nhượng với Nguyễn Phúc Kiểu. Hoặc là, cả trời, đất lẫn con người. Trong cái thế gian đang dần dần tan vỡ, lật ngược của ngài ta.

Cô đã thấy hình ảnh mơ hồ ấy vào ngày đông nọ, khi trở về từ đồng dâu, bỗng được nội giám gọi đến cung Tĩnh Tâm. Hồ Kim Thủy nội mù trong sương giăng, chỉ nhìn thấy thấp thoáng những mái lợp lưu ly lẫn trong cây mùa đông. Nhà vua vẫn chưa tới, cô ngồi trong gác Hải tĩnh niên phong chờ đợi, chợt nghe tiếng trò chuyện gần như ngay bên cạnh. Vén màn nhìn về phía xưởng thuyền Thanh Tước, cô thấy thấp thoáng hai bóng người, bên cạnh Trương Đăng Quế chính là Hoàng Quýnh. Nghe nói sau khi bị kết án giảo giam hậu năm trước, nhóm anh ta được cho về nhà mấy hôm tết, rồi tự nguyện trở lại nhà ngục đúng ngày hẹn, nhà vua liền tha bổng cho đi hiệu lực ở các quốc gia ngoài biển Đông, hẳn mới trở về.

“Tôi hiện không có chức tước gì nên không được vào điện chầu, cả ngày chỉ biết loanh quanh ở đây, càng nghe việc càng nóng ruột mà không biết làm gì bây giờ.” Hoàng Quýnh cùng Trương Đăng Quế đang lấy một chiếc thuyền trong xưởng đẩy xuống hồ, nói như than thở. Trương Đăng Quế bật cười.

“Anh đang ở trong Nội các thì tự gây chuyện đẩy mình ra đây đấy chứ.” Viên quan vừa nhậm chức Thượng thư Binh bộ này cười, rồi nhanh chóng khỏa lấp. “Ngài định cho anh làm chức cửu phẩm bộ Lại, cũng chỉ lo chuyện giấy tờ thôi. Nhưng hôm nay ngài gọi anh vào hẳn muốn hỏi chuyện công việc đê điều ở Bắc Kỳ mà anh làm mấy năm trước.”

“Hồi ấy anh đề xướng bỏ đê chẳng ai nghe cả, bây giờ có mấy người nhắc lại. Mùa thu vừa rồi đê Bắc Kỳ vỡ hết, đi khám thì do các cửa sông bị đất bồi lên cao, lũ lại to bất thường mà không thoát đi nổi, chèn ép vỡ đê hàng loạt. Sức nước mạnh đến nỗi phá đê chảy tràn sang cả những tỉnh không có đê như Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Có những nơi bị nước cuốn sạch trơn không còn gì.[4]” Hạ thuyền xuống hồ, hai người kia chầm chậm chèo qua gác Hải tĩnh, Trương Đăng Quế nói. “Ngay trong lúc ấy quan quân đã phải xuống các xã hạ lưu phá bớt đê, đào nới sông ngòi để thông nước. Nhưng Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ cùng nhiều người khác ngay lập tức phải đi Tuyên Quang, Cao Bằng rồi, chỉ còn Đặng Văn Thiêm ở Nam Định, Đoàn Văn Trường ở Hà Nội xem xét lại việc đê chính. Đặng Văn Thiêm cũng đi khám xét, trình bày vài phương cách trị hà như đào thẳng các đoạn sông ngoắt ngoéo lại, nhưng đoạn sông phải khơi sâu dài đến năm ngàn trượng, dự tính phải ba năm mới làm xong. Hoàng thượng thì bảo sao không khai rộng cửa biển ra một đoạn, nhưng Đặng Văn Thiêm đi thực địa về tâu cửa sông đều là bùn cát rộng mênh mông, không một đoạn nào có thể khai đào được, đào rồi lại lấp như cũ. Thế là vẫn chưa biết phải làm gì.

“Ngay lúc đó thì Đoàn Văn Trường tâu nói hai huyện Duy Tiên, Kim Bảng ở hạt ấy năm trước bỏ đê, năm nay nước lũ lên đem phù sa bồi đắp, ai cũng vui mừng bảo có lợi. Khám xét lại thì bỏ đê ở các nơi ấy chẳng hề ảnh hưởng đến thượng du, mà năm huyện Chương Đức, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Sơn Minh, Hoài An  ở Hà Nội cũng đều xin bỏ đê đi cả để tiện làm ruộng. Ngài đồng ý để xem kết quả như thế nào.” Trương Đăng Quế nói như thể bản tâu kia ở ngay trước mắt anh ta, gật đầu với Hoàng Quýnh. “Nam Định bây giờ đang đào một con sông mới để chia sức nước, nhưng chưa có kết quả mà còn phải tính lại khai sâu thêm, mở rộng ra nữa. Đặng Văn Thiêm mùa đông này đi khám xét Hưng Yên thì đê ở Đông An vỡ đến mười sáu đoạn, huyện Phù Dung vỡ hai đoạn, nhiều chỗ sụt lở không còn đê nữa. Hỏi các kỳ lão, tổng lý sở tại thì họ nói rằng đắp lại đê vừa cực nhọc vừa tổn phí mà chẳng biết có công dụng chống nước không, chẳng bằng nhân đợt lũ vừa rồi tạo thành mấy lạch nước nhỏ chảy ra biển mà khai rộng chúng ra, có thể đỡ được sức nước dồn ép xuống.”

“Đê ở Đông An bị nước sông Cái xói vào, dù có đắp đê quai vạc hay nữ tường thì chưa hoàn thổ đã đến mùa lũ mới, nguy cơ cũng lại sập đổ thôi.” Nghe thế, Hoàng Quýnh nói ngay. “Toàn hạt Bắc Kỳ có dải Nhị Hà, sông Thao, sông Đà, sông Lô, sông Đáy ở thượng du đều đổ tất cả vào các cửa biển Nam Định, đoạn đi qua Hưng Yên đến hơn hai vạn trượng. Tôi không thấy nước sông năm nay lên cao thế nào, cũng chưa biết dòng nước chuyển biến ra sao nên không dám nói quàng. Nhưng dân họ đã xin không đắp đê nữa thì cứ để thử qua một mùa xem, dù sao cũng chỉ là nước lên lũ lớn, có đê hay không cũng thế mà thôi, dân chúng được chuẩn bị trước có khi thiệt hại lại ít hơn năm nay.”

“Nào có đơn giản thế.” Trương Đăng Quế lại cười khe khẽ. “Dù đê chẳng có tác dụng thực tế gì thì cũng có thể yên ủi lòng dân, tỏ ra ta đây đã hết lòng hết sức, tất cả là do trời thôi nhé. Nước lên to bất thường thì ai cũng thấy, nhưng cả mấy trăm năm nay có ai hỏi đến nguyên do, chỉ biết cắm đầu đắp hết núi đất này đến bờ đất nọ? Năm nào anh đi khám xét đê chính, hỏi chuyện các kỳ lão lại chẳng nghe chuyện lũ lụt thảm khốc khởi đầu từ khi có đê đấy à? Nhưng thiên tai là bởi vì vua, mất mùa đói ăn là bởi quan không phát chẩn, đê vỡ là bởi người không quan tâm. Bây giờ bỏ đê đi không đắp nữa, trong khi công trình khai sông còn chưa biết kết quả ra sao, càng chẳng biết nước năm sau có lên cao gấp ba gấp bốn hay không, thậm chí chẳng biết các hạt thượng du chịu ảnh hưởng thế nào, những kẻ thối mồm trong thiên hạ lại chẳng bảo ta vứt bỏ dân chúng lẫn chuyện nông tang đấy?”

“Thì cứ mặc kệ chúng, bọn ấy có nói được lời hay bao giờ. Đằng nào nếu nước lên cũng chết cả thôi, nước bình thì thấy ngay ích lợi trước mắt, bọn phản nghịch thì cứ phản nghịch, đem quân đến chém hết chúng đi là xong. Liều một phen thử đi còn hơn suốt năm loanh quanh tranh cãi trong đình viện.” Hoàng Quýnh nóng nảy nói. “Mấy năm trước tôi đi vẽ bản đồ xin đào sông, có ba đoạn mà mỗi đoạn cần phải đào gần hai ngàn trượng, cũng đã thấy đòi hỏi sức người sức của quá mức. Nên chỉ đành xin đào thử mấy dòng khơi thông ở Nam Định, Hải Dương để tiêu hút nước trong hạt Bắc Thành, rồi đến sông Nguyệt Đức, Hát Môn. Thế mà đình thần loanh quanh bàn thế nào bảo vẫn chưa thể làm được, bỏ đê thì càng đừng có nghĩ tới. Rồi chi hàng chục vạn mỗi năm mà đắp đê, giữ đê. Thế là hay rồi, lũ lụt lần sau cao hơn lần trước! Nghĩ đắp đê cao lên là đủ, nhưng phàm cây càng cao càng dễ đổ, tường càng cao càng dễ sụt, đê càng cao thì chống chịu sức nước càng kém. Đến mức dân đào ao thả cá mà đê cũng sụt vỡ thật ra đâu phải tại đê, cũng chẳng phải tại kẻ xúi quẩy ngu ngốc ấy. Dân Bắc Kỳ trong một năm phải lo việc đắp đê đến nửa năm[5], biến thành Dã Tràng hết cả! Đàng nào làm được hay không làm được thì cũng cho thấy trước mắt, chỗ nào giữ chỗ nào bỏ, giải thoát được cho ai thì hay kẻ ấy. Cái thói lần lữa được đến đâu hay đến đấy, chỉ thấy thứ trước mắt, lo toàn chuyện vặt vãnh mới thành kết quả như bây giờ đấy!”

“Anh quả nhiên là…” Trương Đăng Quế nhẹ thở ra, rồi đổi giọng. “Đình thần vẫn còn đang bàn luận, anh về đây rồi thì cho chúng tôi xin kết quả thị sát, bản đồ cùng tập ghi mấy năm trước, rảnh rỗi thì xem dòng nước đã biến đổi ra sao. Hỏi lại Nguyễn Đăng Giai một thể.”

“Tên lười biếng ấy thấy việc không có kết quả thì chẳng ngó đến đâu. Hắn lại viện cớ bận trông ngó ngoài biên lẫn trong hạt mà thật ra chẳng làm việc gì. Nghe nói hoàng thượng lại phải bắt đầu trách mắng hắn ngồi như ông phỗng rồi.” Hoàng Quýnh lắc đầu, rồi gật đầu. “Để tôi về nhà xem lại. Hẳn lúc này cũng không cần gấp lắm?”

“Chuyện ngoài biên thì vẫn phải đánh, nhưng việc ăn ở thì vẫn phải lo chứ có ai nhịn đói được.” Trương Đăng Quế ngẩng nhìn trời qua lớp mù bồng bềnh trên hồ. “Trong lúc này thì mấy thứ ấy có khi lại giúp ngài thư giãn hơn, không phải đi qua đi lại chờ tin báo. Trong một ngày mà ngựa trạm chạy mấy lần chuyển sắc chỉ xuống Nam Kỳ rồi.”

“Đám quan tướng ở Gia Định…” Hoàng Quýnh nói, nhưng chiếc thuyền của họ đã trôi xa, cô không còn nghe rõ tiếng trò chuyện. Có vẻ họ cũng đến chờ đợi nhà vua như cô, nhưng một lúc lâu sau, Chu Phúc Năng đến bên hồ, vẫy tay gọi hai người cập bến. Nghe viên nội giám nói gì đó, hai viên quan vội vã chạy về hướng Nội các.

“Ngài ngự có việc đột xuất, đức bà xin về cung đợi chỉ.” Chu Phúc Năng vào gác Hải tĩnh nói với cô. Cô nhìn vầng trán viên nội giám lấm tấm mồ hôi dù đang giữa mùa đông, hẳn chẳng phải chỉ vì chạy đến đây báo tin.

“Có việc gì thế?” Cô hỏi. Chu Phúc Năng nhẹ mím môi, rồi nhún vai thở ra.

“Bẩm, Xiêm đột nhiên đánh vào, Hà Tiên vừa báo tin thất thủ.” Anh ta như thể cho rằng rồi ai cũng sẽ biết cái tin này, nhưng nghĩ một thoáng lại nói khẽ. “Xin bà đừng loan báo cho nội cung vội.”

Nếu có ai báo tin, hẳn người đó không nên là cô. Em trai của Ngô Thị Chính, cha của Trần Thị Huân, chú Trần Thị Tuyến cùng thân nhân của rất nhiều người trong nội cung này vừa được phái đến Nam Kỳ. Ban đầu hẳn họ nghĩ quân Xiêm cũng chỉ đe dọa lấn vào đất Chân Lạp như trước nay, ngay cả khi vua Nặc Chăn đã chạy trốn về Vĩnh Long. Nhưng bỗng nhiên, cùng những rối loạn đang xảy ra ở Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, quân Xiêm đánh vào Nam Kỳ, khởi đầu cho một cuộc chiến tranh thực sự trên khắp vùng biên giới.

Lúc ấy, vẫn chưa có tin báo rằng chính Lê Văn Khôi đã gửi thư cầu viện người Xiêm. Trương Minh Giảng chưa bắt được giáo đồ Gia tô từ Xiêm vào Gia Định, tấu sớ trước đó nói rằng quân trong thành Phiên An vốn đã đoán trước Xiêm đang đến cũng chỉ nằm trong điện Quang Minh riêng nhà vua rõ. Nhưng cô đã hiểu, gần như ngay lập tức, trong thái độ viên nội giám thân cận nhất của ngài ta. Tội lỗi không thể tha thứ của toán phiến quân Phiên An, thuộc hạ Lê Văn Duyệt.

Đoàn thuyền chở thân nhân của người trong nội cung, những tinh binh kinh kỳ, con cháu của những công thần trọng tướng trong đội Giáo dưỡng, Hoa danh, vừa rời khỏi đài Trấn Hải, đưa họ vào một cuộc chiến. Thành Phiên An trở thành vực sâu không đáy cuốn xoáy cơn lốc biến loạn của toàn đất nước ngày càng mở rộng cả không gian lẫn thời gian. Trầm tích lưu cữu của cả ngàn năm như đang bị đào trốc lên tận gốc, ném vào vòng xoáy. Không một ai thoát khỏi nó, trên đất nước này.

Chu Phúc Năng vội vã về phục mệnh, cô rời khỏi gác Hải tĩnh, thơ thẩn đi bên hồ. Mùa đông, chỉ còn mấy cây tường vi, mân côi Tây dương nở hoa. Chiếc thuyền hai viên quan kia bỏ lại vẫn nằm bên dòng nước, một nội giám nhỏ đến kéo nó lên, đưa về xưởng Thanh Tước. Thanh Tước[6], cô bỗng nghĩ, cũng là tên một cây cầu ở bờ Đông kinh thành. Ba chiếc cầu Thanh Tước, Đông Hoa, An Hội cùng bắc sang bờ Đông.

Mấy ngày trước, cô nghe nhà vua ra lệnh đóng binh phòng giữ cầu Tây Hoa. Trong trường hợp nguy cấp, hãy đốt cây cầu này, ngài ta nói. Tây Hoa, cái tên mà ngài ta vừa đổi cho cầu Tham Lương tại Gia Định, hẳn đang bốc cháy.

Nhà vua vốn không lường được, ngay cả Tả quân cũng không lường được, thứ sức mạnh mà những kẻ kia nắm giữ. Rốt cuộc, là dòng nước hay trầm tích dưới lòng sông mới cuốn tất cả vào hủy hoại?

 

Chú thích:

[1] Vịnh Khuất Nguyên của Nguyễn Công Trứ

[2] Thực lục, tháng 8/1833: “Phàm những việc như khi gặp tai vạ, ta xét mình, kính trời, chăm lo việc dân ra sao và tất cả công việc điều quân, sai tướng thế nào cùng là sau khi yên việc, xử trí thế nào, nhất nhất chép ra, họp lại thành quyển để xem. Đấy không phải là ta muốn khoe khoang, mà chính là để nêu rõ lỗi ta, cho sau này lấy đó làm gương mãi mãi”.

[3] Thực lục: Vua bảo thị thần là Nguyễn Khoa Minh rằng: "Gần đây, tai biến thường xảy ra, ta ngày đêm nóng ruột, nhọc lòng rất lo đến sinh linh. Bình tâm mà nghĩ, cái cớ sở dĩ đến thế, thực lỗi tại ta".

[4] Thực lục: Thự Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ tâu nói: “Các hạt trong tỉnh bị thủy tai, dân tuy đã được chẩn cấp, nhưng thế nước lên to gấp hai, nhà cửa không còn một tí gì cả.”

[5] Nguyễn Công Trứ: “Dân Bắc Kỳ trong một năm, phải dùng sức lực vào việc đắp đê đến quá nửa năm, may mà giữ vững thì tốn kém cũng nhiều. Lỡ bị đê vỡ, nước ngập thì hại càng dữ.”

[6] Thanh tước nghĩa là chim sẻ xanh, được coi là vật báo tin của tiên giới.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.