Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

89. Tửu tỉnh tương ức xứ
Trường An in "Minh nguyệt 3" September 2nd, 2019
  1. Tửu tỉnh tương ức xứ, chung lậu cách nghiêm thành[1]
    (Rượu tỉnh rồi lại nhớ, chuông vang cách thành yên)

 

Năm ấy, ngay trong cơn bão tố, cuộc sát phạt đã lập tức bắt đầu.

Ngay trong tháng bảy, vào lúc đê điều ở Bắc Kỳ đồng loạt vỡ, Hộ lý Tuần phủ Hưng Yên Vũ Tuấn đã dâng sớ đàn hặc Nguyễn Đức Nhuận tiêu lạm mười hai vạn quan trong lúc xây thành, mua vật hạng không đúng cách thức. Hình bộ tiếp tục nhận được đơn tố cáo Nguyễn Đức Nhuận dung túng người nhà bắt ép cướp của dân. Viên quan vừa có chút công lao trong cuộc bắt giặc ở Ninh Bình nên được khôi phục làm Viên ngoại lang, gọi vào Kinh để bổ dùng, lập tức bị giữ lại Hưng Yên. Án chưa thành, Nguyễn Đức Nhuận đã qua đời. Liêu thuộc của ông ta cũng không tránh được án trảm giam hậu.

Nguyễn Đức Nhuận, cái tên được Nguyễn Trương Hiệu dùng để dụ dỗ Nguyễn Thuyên, khởi đầu của vụ án Nguyễn Văn Thành. Cái tên này cùng cái chết của ông ta cũng là khởi đầu cho cuộc sát phạt sau đó. Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Văn Khuê được Tả quân tiến cử vì lập công trong cuộc kinh lược Thanh Nghệ năm đó, thu phục bọn Quách Tất Công. Nhưng vừa rồi Nguyễn Đăng Giai đi đánh Sơn Âm đã đem theo Nguyễn Văn Khuê vì cho rằng ông ta vốn quen thuộc với nhóm người kia, vùng đất ấy – vậy mà Nguyễn Văn Khuê chẳng làm được việc gì. Thế thì năm xưa công lao của nhóm người ấy từ đâu ra?

Cuộc kinh lược Thanh Nghệ năm ấy của Tả quân là một trò đùa. Tập hợp trộm cướp dưới tay bọn hào mục để đưa về Gia Định, gây dựng thế lực cho một đám thuộc hạ gian ngoan hung hãn từ trước. Chúng tụ họp dưới cái danh Tả quân để kêu gọi nhau hàng phục nhằm kéo bè kéo cánh xâm nhập vào môi trường quyền lực cao nhất đất nước. Chúng lây lan ra như bệnh dịch, khắp nơi, nơi nơi. Từ bọn Nguyễn Hựu Khôi, Trần Nhật Vĩnh ở Gia Định đến Quách Tất Công, Lê Duy Lương tại Ninh Bình, và rồi, Nông Văn Vân tại Tuyên Quang – tất cả bọn chúng đều có cùng một nguồn gốc: ảnh hưởng quá cao mà Tả quân cùng bè phái của ông ta đã trao cho chúng. Bọn chúng trên núi thì làm thổ mục thổ ty liên kết với nhau chiếm giữ, dưới đồng bằng thì dựa thế lực các quan câu kết với bọn cường hào, gian thương lũng đoạn cả đất nước. Tưởng chừng chỉ là mấy tên du đãng, mấy làng xã người Man, thậm chí chỉ là mấy viên quan địa phương nhỏ bé, nhưng một khi chúng phơi bày khuôn mặt thật, lại đáng sợ không thể tưởng.

Bọn người của Tả quân lây lan như bệnh dịch. Tiếng nói ấy vang lên ngày càng cấp thiết hơn vào tháng tám, khi Nông Văn Vân đem nhóm người Thổ cùng dân Thanh ở biên giới liên kết cùng các thổ ty thông gia, thân thuộc của Lê Văn Khôi đánh vào tỉnh thành Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngoài người trong khu vực quản hạt của các thổ ty, chúng lôi kéo cả phu mỏ người Thanh, dân Thanh phiêu dạt, người Thổ, người Man ở phía Tây, cho đến dân Kinh tứ xứ. Mỗi đội quân của chúng đông đến hàng ngàn người, tấu sớ của các quan biên giới cấp về thông báo. Cả vạn quân bao vây tỉnh thành, dồn Bố chính Phạm Phổ phải tự thắt cổ chết, kẻ trốn về nói. Nghe biên giới phía Bắc có động, các toán cướp ở Bắc Ninh, Thanh Hoa, Sơn Tây cũng lén lút đánh trộm vào các làng xã, phong thanh do chính nhóm Quách Tất Tại, Nguyễn Đình Bang đứng sau.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên, Phạm Phổ bị truy tội cách chức trong sự tức giận ngấm ngầm của cả triều đình. Vị lão tướng Nguyễn Văn Quế đã đi theo Thế Tổ từ ngày khốn khó, lập bao nhiêu công trạng, được cả hoàng thượng bây giờ trọng vọng phong làm An Lương bá, chưa kịp nhận tước phong đã bị giết. Tuần phủ Hoàng Văn Quyền bị Nông Văn Vân giết hại chính là Thị giảng của nhà vua và các thân công ngày trước. Thậm chí cả Bạch Xuân Nguyên, người lại thì thầm, Trương Văn Phượng cũng vừa trúng đạn chết ở Phiên An, theo sau Nguyễn Hữu Thức qua đời vì bệnh đầu năm. Những anh hùng ngày ấy đi sứ sang Xiêm đều đã chết, hai người bị bọn Lê Văn Khôi giết ở Gia Định. Anh hùng và tội đồ, rốt cuộc cũng chỉ là tiếng nói trong miệng người đời – toàn bộ đều do những kẻ đã chạy trốn khỏi Phiên An kể lại, nhằm trút hết tội cho người đã chết. Ngay cả những chiếu chỉ truy tội của nhà vua cũng nhằm để đổ tất cả trách nhiệm gây loạn lạc cho bọn họ, trong thời điểm này. Ra vẻ tất cả chỉ là những lý do nhỏ bé cỏn con của xung đột cá nhân, chẳng hề liên quan đến bất cứ ai bên ngoài.

Ngài ta có thể lừa gạt kẻ bên ngoài, chứ không thể với bất cứ ai trong triều đình này. Tên thuộc hạ Lê Văn Quát của Kiến An công bị bắt giữ ngay lập tức ở Lạng Sơn, tỉnh thành phán tội chết, rồi đến lượt Nguyễn Đức Nhuận, sau đó là Lê Văn Duyệt – cùng gần như toàn bộ quan chức từng ở Gia Định. Ngay sau khi bao vây Phiên An, tội án của Lê Văn Duyệt được chuyển giao cho Hình bộ. Dù không còn chứng cứ về án lấy gỗ, họ vẫn bắt được kẻ đã đốt toàn bộ toàn bộ mật chiếu, mật dụ, chỉ truyền, giáo từ là Điển thủ Thư ký Phan Bá Nhã. Phò mã Lê Văn Yên lập tức bị thu văn bằng tập ấm. Dựa trên số thuyền bắt được tại Phiên An, họ đã biết Lê Văn Duyệt đóng thuyền bè riêng, và bộ Binh cùng bộ Lại điều tra tất cả quan chức từng làm trong các tào ở Gia Định, dâng sớ nghị tội xin giáng phạt. Không chỉ cháu của Lê Văn Duyệt bị giam giữ tại nhà riêng, Bố chính Bình Định Nguyễn Tử Cư lấy cháu gái Tả quân cũng bị gọi về Kinh đợi chỉ.

Cùng với dòng nước lũ cuồn cuộn mùa thu, ngay trong ngày tháng ấy, oán thù ngấm ngầm bao nhiêu năm tháng đã bùng phát khó lòng kiềm chế trong cả triều đình lẫn đất nước này.

Ngay cả cái tin lấy lại năm tỉnh Nam Kỳ cũng chỉ đem tới nỗi vui mừng ngắn ngủi. Khi đại quân còn đang tập hợp nghe ngóng ở Biên Long, có kẻ tên Hoàng Văn Quang mang thư của Thái Công Triều tìm tới, xin thư chấp nhận quy thuận của triều đình. Tháng tám, giữa những bộn bề, bỗng nhiên tin cấp báo chuyển về từ Biên Hòa nói đã lấy lại được Định Tường. Chỉ vài ngày sau, lần lượt tới Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên báo tin thắng trận. Quan tướng còn chưa kịp tiến quân đến Biên Hòa, viên tử Nguyễn Hoàng Nhiên vượt đường rừng thông báo Thái Công Triều đã giết Dương Văn Nhã ở Rạch Chanh, tiến thẳng tới Phiên An. Đại quân của triều đình chỉ còn việc xông qua thành Biên Hòa đã tan tác kẻ ôm đầu chạy trốn, hợp cùng Thái Công Triều phá vỡ vòng vây phòng thủ Phiên An.

Nghĩa dân Gia Định đã hành động, lấy lại được Định Tường trước cả khi Thái Công Triều tới. Cô nghe tiếng reo mừng từ phía vườn Đông vang dội, trước khi viên nội giám chạy qua cổng đến Nội các tìm người viết chỉ thưởng ngay cho nhóm nghĩa dân của Lý trưởng Ngô Văn Hiền một ngàn quan tiền. Những cái tin sau đó đến từ Vĩnh Long, An Giang hẳn càng làm nhà vua vui lòng đẹp dạ: Án sát Doãn Uẩn tập hợp tổng lý và quân dân lấy lại Vĩnh Long, Án sát Bùi Văn Lý chiêu tập hơn một ngàn quân nghĩa dõng lấy lại An Giang. Nhà họ Mạc ở Hà Tiên cũng trở giáo tiêu diệt quân Hồi lương, bắt lấy thuyền đi sứ sang Xiêm của Lê Văn Khôi. Chỉ sau hơn một tháng bị phiến quân Phiên An chiếm giữ, dân chúng Nam Kỳ đã tự đứng lên chiếm lại thành trì. Hàng ngàn hàng vạn hương dõng tập hợp dưới trướng Thái Công Triều, Lê Đại Cương cùng các hào mục nhỏ tiến về Phiên An. Chiến cuộc căng thẳng ở Gia Định bỗng dưng biến mất. Dù đã bỏ ca nhạc, cắt giảm thượng thiện, cho các đội Thanh Bình ra về, nhà vua vẫn mở một buổi yến nhỏ trong nội đình, cho cả Thái hậu đưa các cung phi cùng tới dự. Cô nghĩ, ngài ta còn vui vẻ trong cả tháng sau đó, bất chấp tin chiến cuộc bùng nổ ở phương Bắc.

Thậm chí, có lẽ sự vui mừng này đã ảnh hưởng tới những quyết sách quan trọng của ngài ta vào thời gian ấy. Nhà vua đâm ra khinh suất, hoặc là, không đủ quan tâm đến những kẻ mà ngài ta gọi là ‘bọn tiểu yêu tanh hôi’ ở biên giới phương Bắc kia. Đồng bằng Bắc Kỳ vẫn đang phải xử lý hậu quả của đợt vỡ đê tháng bảy, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Lê Văn Đức cùng Tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Trứ vẫn còn đang quay cuồng đào lạch phá đê tiêu ứ, chẩn cấp cho nạn dân, các đội quân Kinh binh giữa tháng tám mới tiến ra Bắc. Vậy là, các đồn, lũy, thành tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang lần lượt tan vỡ trong sự hoang mang bàng hoàng của ngay chính quan tướng địa phương.

Chuyện gì đã xảy ra, cô nghe tiếng hỏi thì thầm trong cung điện, trong ngay cả các quan. Bọn Phạm Phổ, Hoàng Văn Quyền, Bùi Tăng Huy đều bất tài yếu nhược, nhà vua giận dữ nói. Lê Văn Đức chỉ cần một trận đã đuổi Nông Văn Vân chạy thẳng về Vân Trung, ép hắn phải cạo đầu mang gia quyến sang Thanh lẩn trốn. Nhưng đó là khi phiến quân đã bị chia nhỏ bởi Tạ Quang Cự, Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Đình Phổ. Và rồi, ngay sau khi Lê Văn Đức lui quân, nhóm phiến quân lại chiếm đồn Ninh Biên. Dù bắt được một số chỉ huy của chúng, lại có kẻ khác thay thế. Cũng như những tù binh bị bắt giữ ở Ninh Bình, Thanh Hoa khai nhận chỉ biết có một kẻ nào đó đem sắc đóng dấu ‘Lê Đại hoàng tôn’ đến chiêu mộ bọn họ, phong cho chức tước để đem nhau đi đánh quan quân mà chưa từng nhìn thấy vị ‘hoàng tôn’ kia – những tên chỉ huy người Thanh đi từ Quảng Tây, Quảng Đông sang thậm chí còn không rõ có chuyện gì xảy ra trên vùng đất này. Trên vùng biên giới giữa hai đất nước, những kẻ không danh tính lẩn lút phân tán rồi tụ họp như mây.[2] Phạm Phổ, Hoàng Văn Quyền, Bùi Tăng Huy, Hồ Văn Vân lần lượt bị bao vây, kẻ đang trên đường đi, người bị dồn vào đồn lũy. Người thắt cổ, tự chôn, kẻ bị giày xéo nát tan giữa núi rừng.

Cái chết, trong những năm tháng ấy, đè nặng lên cung điện mùi tử khí quẩn quanh. Tin báo tử vong trên chiến trường, những cuộc xử tử ở chợ Đông. Tù binh từ Gia Định, Bắc Kỳ chuyển về, những viên quan bị trừng trị bởi đủ mọi tội lỗi, thân nhân của các chính yếu phạm trong thành Gia Định. Đầu cầu An Hội luôn có mấy thủ cấp cắm trên cọc bêu bên bờ sông. Máu dường chưa kịp chuyển màu trên pháp trường. Tiếng gào thét của kẻ bị lăng trì như theo gió vẳng khắp đồng hoang. Tiếng khóc của thân nhân quan quân đến cảng nhận xác trôi cùng dòng nước vọng quanh thành. Tiếng nói thì thào kể những câu chuyện đáng sợ khắp đất nước: Tôn Thất Gia bị bắt vào thành Phiên An cho voi giày, bọn người Thanh cướp bóc, đốt phá, cưỡng hiếp khắp Nam Kỳ, bọn Nông Văn Vân bắt đàn bà trẻ con người Kinh trong vùng về Vân Trung, nghe quan quân đến thì chém đầu tất thảy. Lưỡi đao khua lên khắp mọi nơi trên đất nước, những kẻ đi theo Lê Văn Khôi bị lăng trì ngay tại tỉnh thành, những tù binh bị bắt ở Cao Bằng, Lạng Sơn lập tức bị lôi ra xử tử. Hoàng Văn Quyền bị cột vào đầu voi dụ hàng. Nguyễn Công Trứ đánh lên Ngọc Mạo, ném năm tên tù binh vừa lấy khẩu cung cho voi giày, đem đầu bêu trước làng. Cuộc sát phạt trong oán hận dường đã bùng phát ngay thời gian ấy, ngày càng không thể đong đếm đo lường.

Ngay cả Gia Định sau những tin báo hoan hỉ ban đầu cũng đã đưa nộp lên những bản cung khai cùng điều tra mới, những sự phản phúc cùng bội nghịch không chỉ nằm trong nhóm người Thanh, Gia tô hay Hồi lương, Bắc thuận. Những nhóm thanh niên nghe tin loạn lạc lập tức biến thành trộm cướp quấy rối trong vùng, chạy theo phiến quân đốt phá, bắt hiếp người, những kẻ được gọi là nhân sĩ, sĩ dân cong lưng cúi đầu trước nhóm tù binh chiếm huyện lị, những bạc ác tàn nhẫn không thể tưởng tượng nổi trong loạn lạc biến Nam Kỳ thành vùng đất đầy tro than chết chóc chỉ trong vòng một tháng. Ngay cả sau khi triều đình đã lấy lại tỉnh thành, những cuộc xử trị nhau vẫn tiếp tục, lần này là đe dọa, bắt bớ, tố cáo, trả thù. Cả Nam Kỳ đang phát điên, viên Thị vệ đi kinh lý về nói khẽ với Chu Phúc Năng. Một cuộc loạn lạc đã đào lên toàn bộ cơ cấu của vùng đất này, từ giới thương buôn người Thanh nắm kinh tế toàn vùng cho tới bọn thanh niên lêu lổng chìm đắm trong khói thuốc phiện, các cường hào lý trưởng, đến tận những thế tộc quan lại. Sự rúng động tan vỡ hình thành nên lập tức những toán cướp người Thanh ở vùng biển An Giang, Hà Tiên. Sự nghi ngờ đẩy nhà họ Mạc về nhà giam Binh bộ. Lại thêm hàng loạt thân nhân của các chỉ huy phiến quân trong Phiên An bị bắt giữ, từ con cháu của Nguyễn Văn Thành cho tới người thuộc hàng tông thất như cha Nguyễn Hựu Dự, vợ Vũ Vĩnh Lộc...

Nước lũ ở Bắc Kỳ vừa rút, để lại một vùng đất nát tan, cơn lũ mùa thu ở kinh kỳ lại dâng, mưa vần vũ trắng xóa đất trời. Người vẫn nườm nượp qua lại các cổng hoàng thành, tụ tập trong các điện đài, giải vũ. Tiếng ngựa trạm vẫn hối hả ngoài viện Thượng tứ, đưa đến những tin tức hỗn loạn, chuyển đệ các sắc chỉ tới khắp mọi nơi. Nhưng ngay cả các quan tướng cấp cao cũng chẳng mấy ai còn có mặt ở Kinh, họ đã được phái đi khắp Nam Bắc. Tháng mười, đến Hồ Văn Lưu cũng nhận được lệnh đưa quân ra Bắc, tới Lạng Sơn đánh giải vây cho thành Cao Bằng.

Cô nghĩ đây là một quyết định chẳng mấy dễ chịu với nhà vua. Như lúc này Hồ Văn Thập đang khe khẽ trò chuyện với Trương Đăng Quế trong Di Nhiên đường. Anh ta bảo, Hồ Văn Lưu đã tới Bắc Ninh, nhà vua ra lệnh ở lại chờ đợi quân của Tạ Quang Cự.

“Nhưng tỉnh thần Bắc Ninh lại lầm lẫn không rõ mà cho anh tôi theo Phó Lãnh binh Hải Dương lên Lạng Sơn rồi. Hoàng thượng năm ngày sau không nhận bản tâu phải đi hỏi lại, nhưng trả lời qua lại phải mất hơn mười ngày, hẳn chẳng ngăn được nữa đâu.” Hồ Văn Thập khẽ thở ra. “Phó Lãnh binh Hà Nội Hồ Văn Vân vừa bị phục kích giết chết ở Lạng Sơn, giặc tràn ra đến biên giới Bắc Ninh, Lạng Sơn chưa rõ là như thế nào. Thành Cao Bằng bị vây nguy cấp lắm rồi, Tuần phủ Hoàng Văn Quyền, Lãnh binh Hồ Văn Vân đều mất tích trên đường tới cứu viện. Bọn thổ mục Nguyễn Khắc Hòa, Nguyễn Hựu Huyền đem đến cả vạn quân bao vây Lạng Sơn.”

“Bọn thổ phỉ chỉ giỏi lẩn lút trong rừng, đừng khinh suất vội tiến, cẩn thận bảo toàn quân cho tốt thì không sao đâu. Với chúng thì chỉ cần một trận đánh thắng là đã đủ để toàn quân tan rã. Lê Văn Đức đưa quân đến giải cứu thành Thái Nguyên, chỉ cần phá đồn ở núi Kiệt Thạch, đốt một đám lửa lớn thì bọn vây thành chạy cả, người trong thành đổ ra đánh một trận là được. Ngày trước giải vây thành Hưng Hóa cũng thế, bọn phỉ ô hợp chỉ giỏi phô trương thanh thế, nghe bóng gió là đứa nào lo phận nấy, ôm đầu chạy trước.” Trương Đăng Quế nhẹ nhàng nói. Hồ Văn Thập bỗng cười khẽ.

“Vì Lê Văn Đức thắng trận quá dễ dàng nên mới dẫn đến tình trạng bây giờ. Nghe tin thắng trận thành Thái Nguyên, hoàng thượng mắng ngay cả nhóm Nguyễn Đình Phổ, Hoàng Văn Quyền, Bùi Tăng Huy rằng bọn giặc chỉ là lũ tiểu yêu không ra gì, không được tâu báo bừa bãi, sợ hão huyền nữa.” Giọng Hồ Văn Thập chợt trầm xuống. “Ai biết chúng giống như hạt cỏ, một đám lại một đám, không rõ là bao nhiêu. Có lẽ đến chính Nông Văn Vân cũng chẳng rõ lực lượng ấy là thế nào. Cả đám người Thanh từ châu Bác Nậm, Thái Bình kéo sang, nghe động là chạy tót qua biên giới, đám thổ mục trong núi thì trung phản mập mờ. Chúng chia nhóm đánh chỗ này, chiếm chỗ kia, để yên thì không được mà phái quân đến thì chúng chặn đường, họp nhau lại mà bao vây, cứ thế rút hết binh lực khỏi tỉnh thành. Quanh thành Cao Bằng là lớp lớp phục binh che chở cho nhau, Hồ Văn Vân vì thế mà thất trận.”

“Dù sao đường đánh lên thượng đạo của Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ mới gian nan hiểm yếu, lối Lạng Sơn khá bằng phẳng, chỉ cần không khinh suất thì sẽ ổn. Còn hoàng thượng…” Trương Đăng Quế chợt ngừng lời, rồi hạ giọng. “Hôm ấy hình như hoàng thượng nhận được tấu sớ từ Nam Kỳ báo chuyện trong thành Phiên An, nói Lê Phúc Bảo bị giặc bắt, nhận chức ngụy Đô quản lãnh. Khi hỏi ra thì Lê Phúc Bảo thua trận chạy đến thủ Yên Thái, bị thủ ngự ở đó cùng tên dân trong hạt bắt giao cho bọn Khôi. Ngài đọc xong giận lắm. Tờ sớ ấy quan tướng tâu nói đánh thành gấp quá thì ngoài bọn nghịch tặc, dân chúng bị bắt giữ trong thành sẽ bị vạ lây, xin hoãn tìm cách. Ngài nói, kẻ nào ra hàng thì đã ra, còn bọn vợ con giặc đáng thương nỗi gì, vừa giục đánh thành vừa phái quân đem chấn địa lôi đến ném thẳng vào thành. Lần ấy lệnh chở tới liền bảy trăm quả chấn địa lôi, ba vạn cân thuốc súng đấy. Khi hết giận ngài lại bảo, ngoại trừ lũ Hồi lương, Bắc thuận thì đến đám người Gia tô cũng là dân ta, có ai muốn chết theo thành, cứ vây cho chúng tự xin ra.”

“Như ngài nói thế thôi, chứ thật ra đau lòng vì Hoàng Văn Quyền lắm. Bằng không đã chẳng treo thưởng tên Nguyễn Khắc Hòa đến trăm lạng bạc.” Hồ Văn Thập lại thở dài. “Ông ấy làm Thị giảng ở tiềm để bao nhiêu năm, thực ra cũng chỉ là một văn nhân chưa từng trải việc quân, nghe động thì mặc áo chiến mà đi ra trận, không ngờ lại bị bọn Thổ tri châu đánh úp.”

“Hoàng Văn Quyền… chẳng phải vừa trước đó bắt tên thuộc hạ của Kiến An công sao?” Một người ngồi sau bọn họ chợt lên tiếng rất khẽ. “Còn bọn Nguyễn Hựu Cận, Nguyễn Hựu Huyền ấy là thân nhân của cả Nông Văn Vân lẫn Lê Văn Khôi, đang cùng tên Lê Văn Khoa quấy rối khắp Lạng Sơn…”

“Những phỏng đoán hoang đường như thế không nên bàn.” Trương Đăng Quế trầm giọng nói với người có lẽ là thủ hạ của anh ta. Người ấy bèn im lặng, xung quanh cũng lắng đi, nghe tiếng mưa gió ầm ào trút xuống trong vườn.

Hồi lâu sau, nhà vua từ hướng Dưỡng Tâm điện vào vườn, mọi người di chuyển sang điện Hoàng Phúc. Mưa càng to, cửa điện đóng lại, cô không còn nghe được lời họ nói. Đến khi người ngoài ra về hết, nội giám mới đến Vĩnh Phương hiên gọi cô. Cô mang khay đựng mấy cây lúa sang điện Hoàng Phúc, dâng lên cho nhà vua.

“Hồng mạch trồng từ tháng bảy nay đã thu hoạch được, đợt trồng tháng tám vẫn lên xanh tốt, có thể chín trước khi trời lạnh nhất.” Cô nói, lấy thêm mấy tờ giấy đặt bên cạnh khay lúa. “Thần đã ghi lại thời tiết chuyển biến, mực nước trong ruộng, giai đoạn lúa sinh trưởng. Tháng tám kinh kỳ bắt đầu ngập lụt, mưa dầm dề, hồng mạch vẫn sống được. Nghĩ Bắc Kỳ có nạn lụt mùa thu, dù mùa màng mất hết thì chịu khó gieo hồng mạch ngay khi nước rút, cũng có thể chống chịu vào mùa giáp hạt.”

“Để ta cho kinh sư trồng rộng rãi trước, làm gương các nơi.” Nhà vua nhặt cây lúa trong khay nhìn ngắm, ngắt vài hạt thóc vò giữa mấy ngón tay. Ngài ta lại nhìn thoáng qua cô, như có vẻ ngẫm nghĩ. “Khanh muốn được ban thưởng gì không?”

“Cho thần vài vò rượu ngon ạ.” Cô cũng không khách khí nói. Nhà vua nhướn mày.

“Dạo này ngươi uống rượu à?” Ngài ta hỏi. Cô đưa mắt nhìn ra mưa ầm ào ngoài cửa.

“Mùa đông này có vẻ lạnh hơn năm trước. Càng ngày càng lạnh.” Cô nhìn theo bóng lá vàng trôi rơi dưới mưa, bỗng cười. “Nhưng mấy năm nay ngài không bệnh nữa rồi.”

Nhà vua toan nói, nhưng chỉ đặt cây lúa lại vào khay, lật giở đọc ghi chép của cô. Ngài ta ra vẻ mình không biết ý trong lời cô, hoặc cũng chẳng để ý đến.

Lần cuối ngài ta đổ bệnh đến hàng tháng trời đã năm năm trước, sau khi thành công lùa Trần Nhật Vĩnh vào bẫy, tống vào nhà lao Hình bộ. Sau khi cây mẫu đơn kia nở, Nguyễn Phúc Kiểu đã như trở thành một người khác. Như thể cái phần vẫn vùng vẫy đau đớn kia đã chết đi, đã bị chôn vùi, lập án thờ trong ngôi đền bên bờ sông Đông nọ. Rồi sau đó, ngài ta đã sống thật giản đơn, bằng những vui giận thăng trầm, bằng con người xương thịt cùng dục vọng, bằng những mưu đồ cùng suy tính trùng trùng lớp lớp không biết đâu thật giả, trong thế gian mà sinh mạng lẫn sự đau thương chỉ như tuồng diễn trên sân khấu. Hóa ra, vẫn chỉ là cô luôn luôn nghĩ quá nhiều.

Hóa ra, vẫn là thế gian luôn chẳng cần biết thật giả đúng sai. Anh hùng cùng tội đồ, nghĩa tình cùng bạc ác, cũng chỉ là thứ định danh để lợi dụng và biến đổi theo ý người muốn. Những cơn sóng sát phạt tàn nhẫn vô lương vốn có thể chỉ đổi từ chiều này sang hướng khác. Ngài ta đã chẳng còn bận tâm đến nữa, thậm chí còn thao túng nó. Thế gian này là một cánh rừng hoang, Thái Công Triều từng nói, hoàng cung này sống bằng thứ dục vọng tột cùng trần trụi nhất. Tột cùng phù hoa, tột cùng danh vọng, tột cùng khoái nhạc, tột cùng tranh đoạt, chính là tột cùng của sự dã man.

“Ta sẽ cho người đem đến điện khanh mấy vò rượu.” Đọc xong, nhà vua gật đầu nói. Ngài ta mỉm cười. “Quả thật, mùa đông ngày càng lạnh.”

Cô không nhận ra được thái độ nào trong giọng ngài ta, nên cô cúi đầu lạy chào rời khỏi điện. Đến trước cửa điện, cô ngẩng đầu nhìn cây thị bên cạnh đã vào cuối mùa quả. Mấy trái thị rụng nằm lăn lóc trên cỏ, lẫn vào hoa lá xung quanh.

Sắp đến mùa đông. Cô nghĩ khi bỗng dưng rơi nước mắt. Mùa đông, ngày càng lạnh.

 

Chú thích:

[1] Lữ dạ đắc cố nhân thư của Tuy Lý vương

[2] Theo Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ, tấu sớ của các quan tướng bình định ghi lại cung khai của các tù binh bắt được thì trong quân Nông Văn Vân có rất nhiều người Thanh đi từ Quảng Đông, Quảng Tây sang, cùng với những phu mỏ người Thanh trong các mỏ vùng biên giới.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.