- Hành tàng kinh tuế nguyệt, thiệp lịch chí quan hà[1]
(Hành hay tàng cũng kinh sợ năm tháng, lịch thiệp đã rõ khắp quan hà)
Đầu tháng sáu, các đạo quân đang tuần tiễu ở Bắc Kỳ nhận được lệnh khẩn rút lui về giữ tỉnh thành. Tuy nhiên Sơn Tây cũng đã kịp bắt được Phạm Doãn Dũng, Hà Nội bắt được Lê Văn Lận, Hưng Hóa bắt Hoàng Kim Thịnh, thổ ty ở Hưng Hóa giao nộp Lê Duy Lương và Lê Duy Nhiên. Các tỉnh thành Bắc Kỳ được lệnh mở yến tiệc đãi quân tướng đi trận trở về.
Trong khi đó, kinh kỳ năm ấy vẫn khô kiệt trong nắng cháy. Đàn cầu đảo lập ngay trước cửa Ngọ Môn được các hoàng tử và các quan thay phiên nhau làm lễ mà vẫn chẳng có tác dụng. Một ngày, cô bỗng nghe tiếng lao xao trong khu vườn Đông. Thị vệ và nội giám đến tháo gỡ phần lưới quây ở góc vườn, thả toàn bộ chim muông trong đó bay đi. Những con chim dường vẫn hoảng sợ ngơ ngác đập cánh tứ tán đậu lên những ngọn cây lẫn mái nhà, kêu ríu rít trước ánh mắt tiếc rẻ của bọn trẻ.
“Ngài ngự buồn bực lắm rồi đấy.” Nép sau hành lang nhìn ra, Trần Thị Tuyến thì thầm. “Đàn chim này do ngài ấy tìm bắt bao năm, cả từ các tỉnh thành khác dâng tiến đến.”
“Nghe nói phủ Thừa Thiên cũng đang thả tù phạm nhẹ rồi. Còn hoàng cung biết thả ai ra nữa bây giờ?” Cô nói, ánh mắt bỗng bắt gặp bóng hoàng bào đứng trước cửa vườn Thiệu Phương. Ngài ta cũng ra nhìn đàn chim quý của mình được thả đi xao xác. Chỉ còn đôi con công và chim trĩ trắng không bay được nép dưới hòn giả sơn. Nội giám đưa thêm vài ba người tới, tất cả bọn họ lại lui vào trong vườn Thiệu Phương, tiếp tục những cuộc bàn thảo kéo dài bất tận.
Ngày hôm ấy, tin báo về: Lê Phúc Bảo thua trận ở Tra Giang. Toàn bộ thuyền chiến và quân đội của bốn tỉnh Nam Kỳ tập trung tại Định Tường bị phá vỡ. Lê Đại Cương tâu nói vũ khí của Nam Kỳ tập trung ở Phiên An từ cuối năm trước để kiểm kê vẫn chưa được phân phát lại, cùng với hỏa khí mà Tả quân Lê Văn Duyệt cho chế tạo tại thành, đã quét sạch toán lính tại Tra Giang.
Những tin báo hỗn loạn khác không ngừng chuyển tới, dần cho biết những thám báo đầu tiên về tình hình thành Phiên An, quan quân đóng trong thành ngoài số chạy trốn gần như đã theo Nguyễn Hựu Khôi hết thảy. Cái tin Vũ Quýnh, Tôn Thất Gia chiếm lại được Biên Hòa ngay lập tức chìm lấp sau sự kiện Định Tường thất thủ. Quân Phiên An đuổi theo Lê Phúc Bảo đến Vũng Cù, Lê Đại Cương nghe tin chạy thẳng về An Giang, quan quân tan vỡ, để tỉnh thành trống khiến các quan trong tỉnh cũng trốn chạy. Vĩnh Long báo cáo số binh thuyền trong tỉnh đã tan tác.
Ngày cuối tháng sáu chìm trong yên ắng tột độ khi tin thám báo cho biết toàn bộ Nam Kỳ đã thất thủ.
Không còn một tấu sớ nào từ Định Tường, Vĩnh Long chuyển lại. Người ở Biên Hòa lần lượt thông báo nguyên nhân của sự biến Phiên An: Nguyễn Hựu Khôi đem các quan khoa đạo viết hịch truyền gọi người báo thù cho Lê Văn Duyệt. Bạch Xuân Nguyên làm việc hà khắc, chăm chăm đàn hặc tội người, nói rằng sẽ đào cả mả Lê Văn Duyệt. Nguyễn Văn Quế sơ sẩy không canh phòng, mọi việc đều phái cho Bạch Xuân Nguyên hết thảy. Tất cả đều bởi vì Bạch Xuân Nguyên.
Trong cơn mưa đổ xuống sau sáu tháng hạn hán, con chim nép dưới mái hiên kêu mấy tiếng não nùng. Hẳn nó bay từ vườn Đông tới, rồi không biết phải đi đâu. Nghe tiếng chim kêu, Hạ và Đông rắc ít thực phẩm xuống góc sân, nó liền ở trong hiên điện này mấy ngày liền không bay đi.
Cô bốc mấy con nhộng tằm trong bát để lên lan can dưới hiên, vừa quay đi đã thấy bóng xanh bay xuống. Con chim này được nuôi lâu trong vườn vốn đã quen người, có lẽ còn chẳng muốn bay đi.
Không gọi hai cô cung nữ, cô lặng lẽ mặc áo tơi, che ô đi về phía cung Từ Thọ. Từ dạo được lệnh chăm nom nhà tằm, cô có thể tự do ra vào cửa Tây An. Vụ tằm vừa thu xong, cô không vào cung Từ Thọ mà vòng ra khoảng đất bên cạnh. Dòng suối trong cung được dẫn ra phía này, tạo thành một cái ruộng nhỏ. Sau mấy tháng hạn hán, gần nửa số lúa trồng trong ruộng đã héo khô, dòng nước tưới cũng cạn kiệt. Nhưng đây là khu trồng lúa thử nghiệm, cô không tìm cách cứu sống cây lúa, chỉ ghi chép lại thời gian sinh trưởng, khô héo của chúng. Hiện tại, cô nhìn nước đang chảy trong lạch nước nhỏ dồn vào dưới chân lúa, tưới lên khoảng đất vẫn còn dấu vết nứt nẻ. Bờ bao quanh ruộng đã mủn bở ra đang trôi theo dòng nước. Đất lở đè lên một mảng lúa non đang xanh, cô liền cúi xuống gạt đất, đắp lại bờ bao.
Tiếng mưa ồn ào, khi ngẩng lên, cô mới thấy người đứng trước mặt. Toàn thân ướt đẫm, nhà vua đứng ở bên kia khoảng ruộng, Chu Phúc Năng bối rối cầm ô ở phía sau.
“Người coi việc đâu mà khanh ở đây?” Nhà vua hỏi. Cô đứng lên, nhún vai.
“Bình thường người trong cung đều có việc phải làm, chỉ phân công thời gian chia nhau ra xem, mưa xuống bất chợt nên không gọi được ai cả. Vả lại trời mưa là chuyện tốt, hẳn họ không nghĩ là phải đến đây xem.” Cô lại thoáng cười. “Người làm ruộng đều mừng có mưa, chỉ là chúng ta ở đây có một khoảng đất nhỏ với mấy cây lúa nên mới phải chăm từng cây một.”
Nhà vua im lặng đi men khoảng đất nhìn ngắm khoảnh lúa nửa khô nửa héo. Một lúc, ngài ta gật đầu.
“Về cung thôi.” Cô nghĩ ngài ta chỉ nói với Chu Phúc Năng. Nhưng đi được vài bước, nhà vua quay lại, nhướn mày. Cô liền nhặt cái ô lên, đi theo ngài ta về Dưỡng Tâm điện. Nhà vua vào trong hậu điện thay áo, mấy cung nữ dâng lên chậu nước cho cô rửa tay. Chu Phúc Năng đi ra, một lát sau lại quay vào.
“Bẩm ngài, Nội vụ phủ báo đã đem chén ngọc, tiền, vải tặng thưởng cho các hoàng tử và quan dự lễ cầu đảo, còn biền binh giữ đàn tràng thì đang làm danh sách chia thưởng.” Cô nghe viên nội giám báo khi nhà vua vén màn đi ra gian ngoài, vẫn cầm khăn lau tóc. Ném cái khăn vào tay Chu Phúc Năng, ngài ta lại bàn bên, lấy ra mấy cái hộp gỗ.
“Đây là trứng tằm ta cho mua từ Trung Quốc. Cách nuôi cũng giống như tằm thường nhưng cần khí hậu mát mẻ hơn, các khanh xem vào thu thì chuẩn bị nuôi. Nếu trời vẫn nóng thì cắt cử thêm người canh nhà tằm để mở cửa thoáng gió, rẩy nước quạt.” Nhà vua nói mà không quay đầu lại phía cô, lại mở ra một cái hộp khác chia nhiều ngăn. “Đây là những giống hồng mạch, kê, cao lương mới lấy về, gọi nội giám đào thêm một khoảng đất nữa bên cạnh để trồng.”
“Giống lúa bay Nam Kỳ không thể sống được ở đây, có lẽ về phía Bắc cũng thế.” Nhìn hộp hạt giống mới, cô bèn nói. “Khí hậu Nam Kỳ ôn hòa hơn, đất lẫn sông cũng màu mỡ, hạt giống lúa này chỉ cần bay theo gió cũng mọc được. Còn ở đây chỉ qua mấy ngày nắng chúng đã chết cả.”
“Trồng hồng mạch thay vào đi.” Nhà vua đóng hộp, đi về phía thư án vung vãi giấy tờ đang đọc dở, viết vẫn còn kê trên nghiên mực. Có lẽ ngài ta đang làm việc thì trời đổ mưa nên bỏ dở chạy ra đàn cầu đảo ngoài cổng Ngọ Môn.[2] Chu Phúc Năng biết ý, đến xếp mấy cái hộp vào khay, gọi cung nữ đưa tới điện của cô. Nhà vua rửa bút, nhưng vẫn ngồi đợi viên nội giám này quay lại mài mực. “Giống lúa này mọc trong vùng ngập sâu ở Nam Kỳ, ruộng cũng đào sâu, giữ nước cho tốt, không cần sợ mưa lụt. Nghe nói chỉ cần đôi ba tháng thì lúa đã chín, trồng vào tháng bảy có thể có gạo trước mùa đông.”
“Có phải chia ra trồng một nửa trước không ạ? Kẻo lượt đầu không lên, cũng không lấy giống được nữa?” Cô bận sắp xếp cái hộp, thuận miệng mà hỏi. Chu Phúc Năng khẽ giật tay áo cô. Khi ngẩng đầu, cô mới thấy khuôn mặt nhà vua lại đã sa sầm.
Hẳn hộp thóc giống này được chuyển tới ngay trước khi loạn ở Nam Kỳ bùng nổ. Tin tức từ Nam Kỳ đã mất ngay sau khi Lê Phúc Bảo thua trận Tra Giang dù nhà vua đã lệnh truyền tin mỗi ngày một lần bằng cách tối khẩn. Trần Văn Năng, Tống Phúc Lương được lệnh đưa quân thuyền tới hỗ trợ Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng nhưng đang mùa gió ngược. Tình hình này, các tỉnh Nam Kỳ nhiều nguy cơ không thể đương đầu nổi với toán quân ở Phiên An.
Dù các quan ở Định Tường, Vĩnh Long vẫn báo quân dân ‘hăng hái chống giặc’, nhưng hẳn họ vốn hiểu rõ những gì mà nhà vua muốn nghe. Tin từ Biên Hòa đệ trình càng làm tâm trạng nhà vua xấu đi: Nhóm phản quân cốt lõi chỉ có vài trăm người cùng hơn hai mươi chiếc thuyền. Doãn Uẩn ở Vĩnh Long báo Lê Phúc Bảo đưa cả ngàn quân đến Tra Giang nhưng thất bại, để các tỉnh phía dưới mất gần hết quân lực phòng thủ. Trừng trị tên biền binh nào chạy trước, nhà vua đã gần như quát lên. Rồi sau đó, ngài ta tước bỏ họ của Nguyễn Hựu Khôi, đổi thành Lê Văn Khôi – kẻ do Lê Văn Duyệt nuôi nấng, cất nhắc để chống lại ngài ta. Tất cả bọn chúng đều do Lê Văn Duyệt đưa về. Cái tên này bắt đầu được ngài ta nhắc đi nhắc lại trong cơn cuồng nộ dưới bầu trời đổ lửa.
Lê Văn Duyệt, nguyên nhân của cơn biến loạn, hay sâu xa hơn, nguyên cớ của sự thất trận hiện tại ở Nam Kỳ. Hẳn nhiên, sau nhiều cuộc nổi loạn, ngài ta đã thấy cách phản ứng của binh lính trong quân đội địa phương – những kẻ hành động chỉ bằng cách nghe tiếng gió, bỏ chạy khi đối đầu với mấy tên thổ phỉ mang giáo mác và gậy gộc chỉ vì chút ít tiếng tăm của ‘họ Lê’ hay ‘ông Ba Vành’. Biền binh bỏ chạy và Lê Văn Duyệt, thật sự là có liên quan đến nhau – bất chấp bao lời chống chế trong tấu sớ của các quan.
“Đi lấy một lạng kỳ nam ra đây!” Nhà vua nói với Chu Phúc Năng, ném nghiên mực ra trước. “Lại đây mài mực cho ta!”
Cung nữ đã ôm hộp thóc đi, căn điện chỉ còn lại mình cô, hẳn là ngài ta sai cô làm. Cô đành im lặng đi tới mài mực, tiện tay xếp lại tờ tâu ném cạnh đó, nhìn thoáng qua thấy mấy chữ ‘Lê Duy Lương’. Cô bỗng nhiên ngẩn ra.
“Ngươi lại làm gì đấy?” Nhà vua cau mày quát khẽ. Cô vội đặt nghiên mực xuống thư án, lui về sau.
“Thần bỗng nhớ tới nhiều năm trước… lần đó hình như thần đã gặp Lê Duy Lương.” Cô cúi đầu nói. “Trước đây họ vẫn thường tới thành dự lễ.”
Lê Duy Lương không lớn hơn cậu Lê Duy Minh vừa bị xử tử ở Hà Nội là bao. Một cậu bé được người hầu là Lê Duy Nhiên cõng chạy vào rừng, và trở lại kinh thành này mười sáu năm sau trong xe tù. Năm ấy, cũng mùa hạ, xác Nguyễn Văn Thành được chuyển khỏi nhà ngục Thị trung, bắt đầu cho cuộc tàn sát sau đó – kéo hàng chục năm dài.
“Một thằng nhãi ngu ngốc!” Nhà vua bắt đầu viết sắc chỉ, cơn giận vẫn còn trong giọng nói. Cô mỉm cười trong tiếng thở dài.
“Chẳng phải vua chúa đều là như vậy sao?” Lê Duy Lương bị dân thổ Thạch Bi bắt nộp cho Tạ Quang Cự sau khi vùng này bị bao vây càn quét. Bọn Lê Văn Lận, Phạm Doãn Dũng bị bắt khi đang lẩn trốn. Ngoại trừ Hoàng Kim Thịnh tự ra hàng, những kẻ bị đưa về thành lúc này đều là người Kinh. Lê Duy Lương đã bị chính những kẻ đã nuôi giấu cậu ta bao nhiêu năm, những người tưởng chừng là ân nhân, đồng bạn thân thiết nhất bán đứng, ném bỏ. Toàn bộ cuộc ‘khởi nghĩa phù Lê’ của bọn họ hóa ra là một trò kịch vừa nực cười vừa chua xót. Họ Lê, bao nhiêu năm ở Đông Kinh hay Bắc Thành, cũng đều là con cờ trong tay kẻ khác. Hàng trăm năm, chưa bao giờ học được bài học nào.
Đầu bút trong tay nhà vua bất chợt ngừng. Vẻ tăm tối trong mắt ngài ta càng đặc hơn.
“Năm xưa Gia Định có thế không?” Im lặng hồi lâu, nhà vua trầm giọng nói. “Ngày đó trong thành chỉ có phụ nữ trẻ con, ngoài trận tin thất lợi liên tục báo về, trong vùng thì nội gián gây loạn lạc. Vậy mà có ai nản lòng không?[3]”
Có thì ngài cũng chẳng biết, cô định nói nhưng rồi im lặng. Thật ra, đến cô cũng không biết. Và hẳn nhiên, cô ngày ấy chẳng thể rõ ràng bằng cậu hoàng Tư đã buộc phải thay mặt coi quân trong khu thành tang tóc nọ. Chẳng có ai cả, ngài ta nói. Suốt một năm dài sau cái chết của Đông cung, sau trận chiến ở Thị Nại, toàn bộ binh lực Tây Sơn dồn vào Quy Nhơn tử chiến, những lệnh thu lương thực, binh lính liên tục chuyển về Gia Định. Thuế thu trước hai, ba năm, lính vét đến cả học trò. Những chiếc thuyền chở về tin tức chiến trận với con số thương vong ngày càng cao, quân Nguyễn không thể đột phá vào Quy Nhơn, ngược lại bị tập kích liên tục xuống tận Diên Khánh. Ngay cả sau khi đã lấy được Phú Xuân, tình hình Gia Định càng căng thẳng hơn dưới cái tin đồn Tây Sơn muốn đánh xuống phía Nam. Gia Định đã bị vét sạch trơn cả tài vật lẫn con người, đói kém bắt đầu khởi phát. Gia Định nằm trong loạn lạc đến mức điện đài trong thành cũng bị nội gián đốt cháy. Gia Định chẳng còn ai, ngoại trừ cậu ta.
Một ngày, cô thấy cậu ta chạy đến trốn trong cơn run rẩy, sau nhiều ngày tuần tiễu hải đạo trên thuyền, nhiều đêm coi kiểm đến từng cánh cổng. Cũng như sau này ngài ta run rẩy nằm trong cung điện, dưới thứ áp lực cùng nỗi tức giận dồn nén nặng ngàn cân.
“Lúc ấy ngài sợ lắm à?” Thay vì thế, cô bất chợt hỏi. Thật hay không thật, phải hay không phải, đó là điều cậu ta tin. Như vòng tay và nụ cười ấm áp nọ trở thành ký ức suốt một đời.
Nhà vua hơi ngẩng đầu, đúng lúc Chu Phúc Năng đem hộp kỳ nam lên điện. Nhà vua phân phái anh ta chia kỳ nam đi đốt hương, cô bèn lui ra. Mưa đã ngớt, cô quay lại khoảng ruộng nhỏ xem xét, thấy đất đã hơi mềm, nhưng vẫn chưa được thấm nhuận. Cần thêm vài cơn mưa nữa mới thuận lợi cho cô trồng vụ mới. Nhà vua hẳn chưa thể ngừng cầu đảo, khi các tỉnh xung quanh cũng đang báo tin nắng hạn, mất mùa.
Thật ra, là cậu ta – ngài ta, bao giờ cũng sợ. Sợ nắng hạn, sợ mưa dầm, sợ con người, sợ cả tháng năm. Cô nhìn khoảnh lúa khô mà thầm nghĩ. Ngài ta chẳng tin thần linh nhưng lại là người cúng tế chăm chỉ nhất, ngài ta chẳng tin con người nhưng rất giỏi bày tỏ tình thương vô hạn. Đến lượt ngài ta tạo ra những thánh thần để con người tin tưởng và trông chờ. Trong mưa dầm, trong nắng hạn, trong những cơn gió bão hoang đường đến cực cùng. Trong thế gian dần dần vụn vỡ của bản thân.
Tháng bảy, khi những tù phạm giải từ Bắc Kỳ về bị xử lăng trì ở chợ Đông, đầu Lê Duy Lương bị đem đến Nam Kỳ, tin báo tới: Biên Hòa lại thất thủ, Tôn Thất Gia bị bắt. Khi quân của Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng còn cầm cự ở ranh giới Bình Thuận, tại Bắc Kỳ, đê vỡ.
Đầu mùa lũ, nước ở các cửa dâng cao hơn một trượng so với năm trước. Nước sông lên cao gấp hai lần bình thường. Chỉ trong vài ngày, Bắc Ninh, Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên đồng loạt báo tin đê vỡ. Thanh Hoa có hoàng trùng. Toàn bộ người ở Bắc Kỳ lại dồn sức chống chọi với những bờ đê trong luồng nước lũ cuồn cuộn ngày càng khủng khiếp.
Gần như cùng lúc, quan tỉnh Tuyên Quang cấp báo: Thổ tri châu Bảo Lạc là Nông Văn Vân nổi loạn, thích chữ vào mặt quan sai rồi bỏ vào rừng.
Hắn là anh vợ của Lê Văn Khôi, tiếng nói râm ran trong hoàng cung, theo bước chân của Kiến An công và người phụ nữ cúi đầu theo sau anh ta. Phủ thiếp của Kiến An công là cháu gái Lê Văn Khôi, cũng đồng thời là thân thuộc của Nông Văn Vân cùng cả bọn người đang làm loạn khắp Nam Bắc. Vị thân công này truất cô ta xuống làm tì nữ, dắt vào cung báo cáo. Thái hậu không thể tự quyết, liền gọi tới nhà vua.
“Cô ta là vợ ngươi đã hơn mười năm, liên quan gì tới họ ngoại?” Ngài ta chỉ tới nhìn thoáng qua người thiếu phụ, không kiên nhẫn mà nói, rồi quay sang Kiến An công. “Việc ấy với ngươi cũng không can hệ gì, không nên quá sợ hãi mà cứ vào chầu hầu theo lệ thường. Từ nay cẩn thận với giao thiệp bên ngoài thì khỏi lụy, cẩn thận lời nói việc làm thì ít lỗi. Ta là chủ thiên hạ, không thể vì con em mà bỏ phép công.”
Kiến An công cúi đầu gật gù, đi cùng nhà vua về điện Võ Hiển. Người thiếp của anh ta vẫn quỳ trong cung Trường Ninh, ánh mắt trống rỗng cắm xuống đất. Cô bèn gọi người đỡ cô ta đứng lên, đưa vào trong đình ngồi nghỉ.
“Đức hoàng ban cho bà ít nước mát.” Cung nữ trong cung Từ Thọ bưng khay nước đến nói khẽ. “Ngài ngự đã ban lệnh cho đoàn tụ, bà yên tâm về phủ Kiến An với con cái, không nên lo nghĩ nhiều.”
Cô cung nữ vẫn còn muốn nói thêm, nhưng cô đưa tay ra hiệu cho cô ta đặt khay nước xuống rồi lui. Dù sao, lời của Thái hậu là điều cuối cùng cô vợ lẽ Kiến An công muốn nghe lúc này. Cô ta vẫn đang run rẩy, cơ thể cứng ngắc, lạnh toát trong nỗi sợ hãi lẫn tuyệt vọng tột cùng.
Rốt cuộc, Thái hậu vẫn là mẹ đẻ của Kiến An công, bà đã không lên tiếng bảo vệ cô gái này. Sau khi thuộc hạ trong phủ Kiến An công vừa bị tố cáo mượn lệnh mua ngựa lên Cao Bằng quấy nhiễu dân chúng, lệnh xử của nhà vua chỉ đem lại những tiếng cười thầm lẩn quất. ‘Khinh suất ủy thác tiểu nhân’, há có tên thuộc hạ nào dám tự tiện làm như thế nếu chẳng tin rằng chúng có thể trót lọt phạm tội? Hắn chẳng qua không may mắn bị bắt giữ vào lúc này, quan tỉnh không dám bao che nên phải báo lên trên. Cao Bằng, quê hương của Lê Văn Khôi, nơi bọn thân thuộc của hắn vừa nổi loạn, há lại là ngẫu nhiên? Kiến An công phái người lên Cao Bằng đúng lúc có lệnh săn lùng thân thuộc Lê Văn Khôi, nhưng quan tỉnh mới chỉ bắt được một nửa trong số đó, liệu có phải do bàn tay vị thân công này nhúng vào? Nhà vua cho rằng đây là chuyện nhỏ, chẳng qua vì không muốn thêm việc – hoặc là, chưa đủ chứng cớ.
Như ngài ta phái các vệ đội cũ của Tả quân đến Nam Kỳ đánh bọn người ở Phiên An, vừa ngon ngọt bảo chúng cũng là nạn nhân bị bọn Khôi bóc lột, vừa ngấm ngầm sai quan tướng theo dõi sát sao. Ngài ta đẩy bọn người này ra chiến trường để chúng tự bộc lộ những nghi ngờ. Ngài ta không xử Kiến An công, để tiếng cười ngấm ngầm đuổi theo vị thân công này suốt những nẻo đường kinh thành. Và rồi Kiến An công đã đẩy người phụ nữ này ra làm con tốt thí. Để nhà vua, một lần nữa, cười ném nỗi sợ hãi về lại cho người em trai.
Ngươi đang sợ, ngài ta như thể đang thì thầm dưới nụ cười kia, vẻ thân thiết ấy. Ngươi đang sợ ta nhìn thấy rõ những gì ngươi nghĩ. Chỉ cần ta xử tội ngươi, đó sẽ là cái cớ cho ngươi làm tất cả, như tên Nông Văn Vân kia nổi loạn ở Tuyên Quang, như tên Lê Văn Khôi kia làm loạn ở Gia Định. Tên bạo chúa không nghĩ tình trung thần, không nể tình anh em, bức các ngươi cùng đường tạo phản, khiến các ngươi phải đem tất cả kẻ trung thành cùng bè phái chống lại ta. Tất cả chỉ cần có một lý do.
Ngài ta ép tất cả nổi điên, đến lượt Kiến An công cũng có thể đang thì thào trong lòng. Lê Văn Khôi bị tội, đến lượt Nông Văn Vân cũng bị quan Tuyên Quang xử, lẽ nào là trùng hợp? Ngay cả tên Lê Văn Quát mua ngựa ở Cao Bằng, tại sao hắn lại bị bắt ngay lúc này? Ngài ta muốn siết chết tất cả, trừ diệt tất cả. Kiến An công sẽ vào chầu mỗi ngày, trong những tin tức liên tiếp về Lê Văn Khôi, về những thuộc hạ ở Nam Kỳ theo mối liên hệ chặt chẽ bao năm nay, cùng với người thiếp trong phủ của mình, những đứa con mang dòng máu tội phạm. Kiến An công sẽ đứng đó, trong gió bão, trong nỗi sợ hãi cuồn cuộn không bao giờ ngơi nghỉ. Trong tiếng cười từ ấy sẽ không bao giờ ngừng đuổi theo cái bóng anh ta, vị hoàng thân từng có địa vị cao nhất kinh thành. Nhà vua sẽ nhìn ngắm anh ta, như đã nhìn ngắm mọi kẻ lọt vào tay ngài ta, như thể xem trò đấu hổ ở trường Hổ quyền. Những con hổ bị bẻ hết vuốt nanh, ném vào trước đàn voi hung hãn.
Thậm chí, cô nghĩ ngài ta đã quan sát Kiến An công từ lúc đồng tình ban sắc chỉ đưa người thiếp này vào phủ hoàng thân. So với một kẻ họ Lê họ Trịnh nào đó lẩn lút trong rừng, vị thân công ở giữa kinh thành này vẫn dễ dàng đối phó hơn.
Người phụ nữ vẫn đang đau đớn run rẩy, có lẽ Thái hậu cũng đang lo lắng căng thẳng, trong khi những kẻ nắm giữ hai đầu sợi dây vẫn chỉ dịu dàng mỉm cười.
Năm ấy, mùa thu, tháng bảy, dòng nước cuồng nộ nhấn chìm nửa Bắc Kỳ, sáu tỉnh Nam Kỳ thất thủ, những đội quân thổ mục tập trung ở biên giới phương Bắc. Nguyễn Phúc Kiểu đứng dưới cơn mưa đầu mùa, ngẩng đầu nhìn luồng chớp rạch ngang bầu trời trên cung điện. Chớp sáng phá nát bầu trời cùng nhân thế thành mưa trắng.
Chú thích:
[1] Thu vũ của Hà Tông Quyền
[2] Thực lục: Rồi mây dày đặc bốn bề tụ lại, mưa to. Vua vui mừng, liền đốt hương khấu đầu lạy ở sân điện Trung Hòa, mưa ướt áo ngự, hồi lâu mới vào.
[3] Thực lục: “Trước kia Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta đóng quân ở Bình Thuận cầm cự với Tây Sơn. Ở lại giữ thành Gia Định chỉ có Hiếu khang hoàng hậu, Cao hoàng hậu, Hoàng thái hậu và mấy anh em ta thôi. Ngày đó, đánh nhau thua luôn, mọi người đều ngay ngáy lo sợ. Hơn nữa hàng tướng Tây Sơn lưu lại ở đó khá nhiều. Trong lúc lòng người hoang mang như vậy, tưởng tất đến dao động, xiết đổ cả. Vậy mà binh lương có thiếu thốn vẫn nhất nhất lấy được ở dân, thậm chí có khi thu thuế, lấy tiền và gạo trước đến hai ba năm trở đi, và lấy lính, lấy đến cả hạng học trò. Tuy thuế má, binh, dịch nặng nề như vậy mà dân vẫn một lòng hướng về việc nghĩa, ai cũng không chút kêu ca. Lòng trung nghĩa sao mà đến thế.
… Không ngờ nơi dựng nghiệp vua nay cũng có cái thói kiêu ngạo ấy, thì so với Bắc Kỳ có hơn được một nấc không? Đêm khuya nghĩ đến việc này, ta bất giác bàng hoàng, ngủ không yên giấc”.