Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

87. Dị khủng phong vũ tán
Trường An in "Minh nguyệt 3" August 26th, 2019
  1. Dị khủng phong vũ tán, tỷ ngã niệm tì ly[1]
    (Sợ ngày mưa gió tan rồi, ly biệt lại nhớ thương)

 

“Nào phải chỉ là ‘người quen’.” Một người lửng lơ đáp, rồi lại như muốn nói sang chuyện khác. “Bạch Xuân Nguyên làm thế nào mà lôi được Nguyễn Hựu Khôi ra sau nửa năm thế?”

“Tôi đã kể anh ta có một thuộc hạ mới thu nhận tên Nguyễn Trương Hiệu đấy mà. Anh không nhớ cái tên này à, hắn chính là người tố cáo cha con Trung quân Nguyễn Văn Thành khi xưa đấy. Nguyễn Trương Hiệu người Thanh Hoa, khi Tả quân đem đám thuộc hạ vừa thu phục ở Thanh Nghệ vào Gia Định, hắn cũng đi theo.” Viên quan kia lại nói. “Có người bảo rằng chính Nguyễn Trương Hiệu mới là kẻ giật dây đằng sau vụ việc của Nguyễn Văn Thành. Hắn dụ dỗ Nguyễn Văn Thuyên gửi thư mời bọn Nguyễn Đức Nhuận, rồi lại đem lá thư ấy đi tố cáo với Tả quân. Thế Tổ bỏ không xét thì hắn đem thư đi tống tiền, bức Nguyễn Văn Thành đem con đến phủ Thừa Thiên tra hỏi. Từ ấy việc ngày càng dằng dai phức tạp, biết Nguyễn Văn Thành vừa sĩ diện vừa nóng nảy, Nguyễn Trương Hiệu cứ thế buộc riết tội cho cha con họ, chọc ông ta tức điên lên mà làm chuyện khiến Thế Tổ bực mình, quan triều gai mắt. Những kẻ cơ hội xung quanh chỉ việc đẩy thêm mấy ngón tay vào vụ của Lê Duy Hoán nữa là xong.”

“Những kẻ cơ hội xung quanh? Anh lại quên chính Tả quân là người tra án Văn Thuyên đó à? Sau đó có kẻ đến trộm ấn trong phủ Tả quân, rồi hắn khai Nguyễn Văn Thành sai hắn làm, tôi nghĩ chẳng lẽ một viên tướng trải trăm trận lại làm cái chuyện ngốc nghếch sơ sẩy như thế. Đến khi ông ấy tự sát thì tôi lại nghĩ, chẳng biết ông ấy đã bị chọc tức tới đâu rồi. Ai bảo tên Nguyễn Trương Hiệu này là một tên du đãng tép riu chứ tôi nghĩ hắn thâm hiểm lắm, hoặc kẻ sau lưng hắn.” Người ngồi trong bàn nói. “Người ta đồn rằng Nguyễn Trương Hiệu rất được lòng Tả quân, ông ta coi hắn như con nuôi[2], cũng một giuộc với Trần Nhật Vĩnh.”

“Nhưng hắn vẫn là một tên du đãng tép riu chẳng biết gì. Nửa năm mà Bạch Xuân Nguyên vẫn chỉ bắt được kho gỗ, một con voi, tra hỏi hết thảy mới tóm được Nguyễn Hựu Khôi với cái án đưa lính đốn gỗ lậu. Cả ngàn tấm gỗ chất kín thành Phiên An thế mà chỉ là do vài đội lính đi lấy về à?” Người kia bèn đáp. “Bạch Xuân Nguyên chất gỗ đầy Phiên An chính là vừa để thị uy với người, vừa trưng bằng chứng của cái án này ra cho toàn dân xung quanh thấy. Năm xưa án Lê Duy Hoán bị gán cho cha con Trung quân, nay Lê Duy Lương hay bọn Quách Tất Công mà bị bắt thì Tả quân khó chối được tội. Chỉ cần một cái miệng của Nguyễn Trương Hiệu khích vào, lại thêm bọn quản vệ ấy đều là người Thanh Nghệ cả, ít nhiều có quen biết với nhau. Bạch Xuân Nguyên lần này nắm đằng chuôi rồi. Còn một tên rác rưởi như Nguyễn Trương Hiệu lại sắp được tặng thưởng đấy, các anh xem là hắn thông minh thâm hiểm hay là khốn kiếp bất lương đến tận cùng mà ra thế?”

“Bạch Xuân Nguyên sử dụng một kẻ như Nguyễn Trương Hiệu, chẳng phải cũng không hay ho gì sao?” Nguyễn Tri Phương bỗng nói khẽ. Người quanh bàn im lặng trong một khoảng ngắn.

“Tên Hiệu ấy vốn là kẻ gây chuyện, dùng hắn đánh vào tâm lý bọn phạm nhân cũng tốt.” Hồi sau, một viên tướng đáp. “Chỉ có điều cái ngòi nổ này quá nhiều nguy cơ, Bạch Xuân Nguyên sử dụng không tốt thì mang họa vào thân, chưa bắt được người mà tiếng xấu đầy mình. Bọn quản vệ của Tả quân cũng xuất thân du đãng, chó cùng rứt giậu, đám thương buôn người Thanh ở Gia Định càng gớm ghê không từ thủ đoạn nào, hàng loạt quan lại chết bất thường rồi đấy.”

“Bây giờ toàn thành đều trong tầm kiểm soát của triều đình cả, chúng có thể làm gì? Bạch Xuân Nguyên đến triều đình Xiêm La còn dám xông vào, bây giờ hẳn chỉ tiếc không đem mình nhử bọn tội phạm tự thò đầu ra gây chuyện.” Người khác không biết là cười hay thở dài. “Dù sao anh ta cũng xuất thân từ dưới trướng Tả quân ra, có thể học được vì mục đích mà bất chấp.”

Đám người yên ắng cho tới khi được gọi sang điện khác. Sau khi xong công chuyện, cô lặng lẽ ra về. Nhìn quanh phòng đã hết mực viết, cô sang nơi ở của Nguyễn Thị Bảo định xin một thỏi. Vừa đặt chân đến cổng viện, cô đã thấy Ngô Thị Chính đi từ trong ra. Mím môi, gò má hơi đỏ lên, Hiền tần đi qua cô mà ra vẻ không thấy cô định chào. Lấy làm lạ, cô vào điện thì thấy Nguyễn Thị Bảo vẫn đang ngồi bên bàn nước, mấy tách trà còn chưa dọn đi.

“Chị xem trên bàn có mấy thỏi, thích thỏi nào thì lấy.” Nghe cô nói lý do đến, Nguyễn Thị Bảo chỉ tay về chiếc bàn để đầy giấy bút gian bên. Gương mặt cô ấy chẳng lộ ra một thái độ nào, do đó cô im lặng đến chọn thỏi mực. Khi nhấc một thỏi sát ngoài bàn lên, cô lại chợt thấy mấy dòng thơ trên tờ giấy phía dưới.

Sổ điểm hàn hoa vĩnh hạng xuân,

Xa thanh hà xứ nhạ hương trần.

Hồng nhan mạc hận thừa ân vãn,

Kim ốc Trường Môn thị nhất nhân.[3]

Nét chữ này rắn rỏi không phải của mấy cô công chúa nhỏ, hẳn là cậu con lớn Miên Thẩm viết. Cô lấy viên ngọc chặn giấy đặt lên thay cho thỏi mực, quay ra nhìn Nguyễn Thị Bảo gần như gục đầu trên bàn, mấy sợi tóc lơ thơ xõa xuống mắt.

“Em có muốn theo hầu Đức hoàng ra Thuận An chơi một buổi không?” Thấy dáng vẻ này, cô hỏi khẽ. Nguyễn Thị Bảo ngẩng đầu nhìn cô, khóe môi chợt cong cong.

“Chị hỏi giống hệt chị Kiều khi nãy. Em vừa hỏi chị ấy, việc chuẩn bị hôn lễ cho các con gái chị ấy sao rồi?” Nguyễn Thị Bảo nghiêng đầu, nụ cười kỳ lạ vẫn ở trên môi. “Vừa định hôn cho hai đứa con gái lớn xong, ngài ngự ngay lập tức hủy bỏ lễ cáo ở Thái miếu của các công chúa, bảo miếu đường tôn nghiêm không nên làm rộn bởi mấy chuyện lặt vặt như công chúa lấy chồng. Thế sao đến tận bây giờ ngài ấy mới bỏ lễ? Là vì các trưởng công chúa đã gả hết, còn cả đám con gái này không đáng được báo hôn sự ở Thái miếu, phải không?

“Năm trước cũng thế, nhằm gần lúc chị Kiều sắp sinh, ngài ấy hủy lễ bão tiến. Là ngài ngự nhắm vào chị ấy hay là không để ý? Em nghĩ một lúc thì hẳn là ngài ấy hoàn toàn chẳng để ý đến đấy thôi. Giống như ngài ấy vẫn yêu thích hai cô con gái, nhưng cho rằng chúng không có tư cách đến cáo Thái miếu. Chẳng phải ngài ấy nhắm vào chị Kiều đâu, mà là tất cả chúng ta.” Ngón tay cô gái nhịp trên mặt bàn cạnh tách trà uống dở khi cô cười khẽ. “Ở đây không ai có tư cách cả.”

“Sao tự dưng em gây sự với chị ấy làm gì?” Cô ngạc nhiên hỏi. Hiền tần hỏi thăm hẳn là có mục đích tốt, Nguyễn Thị Bảo tính tình lạnh nhạt bỗng dưng lại đi móc mỉa người trên.

“Em nói, em chán ghét nhìn thấy chị ta như thế này.” Nguyễn Thị Bảo hướng ánh mắt lạnh lùng ra nắng chiếu qua mành trúc. “Dù chị ta có tỏ ra hiền lương bao nhiêu, tốt đẹp thế nào, thậm chí con trai có được lập làm Thái tử, thành vua chúa, thì cũng vẫn là không có tư cách. Dù chị ta có là hoàng hậu, thái hậu, thì cũng không bao giờ là quẻ Khôn đặt bên quẻ Càn. Trường Khánh, tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, Đông Bắc táng bằng, nãi chung hữu khánh[4], đều là Thuận Đức. Khánh là từ Khôn mà thành. Cung thành này chia Càn Thành, Khôn Thái, nhưng Thái vốn là đủ cả Càn Khôn rồi[5], đâu phải chỗ cho kẻ khác chen vào. Không phải chỉ mấy đứa con của chị ta, mà tất cả chúng ta, đều là không có tư cách.”

“Sao em vẫn cứ như thế?” Cô thở dài, ngồi xuống bên kia bàn. Ánh mắt cô gái bên kia vẫn dường như bất động.

“Em chán ghét nơi này. Đến bây giờ thì em nhận ra, em chán ghét nơi này.” Ôm gối co sát người, Nguyễn Thị Bảo thì thầm. “Đợi cho đến khi ngài ấy nhìn đến, rồi sinh con cho ngài ấy, nuôi nấng chúng, chờ đợi ngài ấy. Cứ mỗi năm một đứa, chẳng hề biết còn thứ gì trên đời nữa, cũng chẳng còn là con người nữa, cả đời như thế sao? Chúng ta rốt cuộc là thứ gì vậy? Tử cấm thành này là cái thứ gì vậy?

“Thậm chí chẳng có ai nghe em nói. Họ bảo, còn bao nhiêu là việc, kìa là bọn trẻ ốm, kìa là Đức hoàng bận, cả nhà tằm, ruộng dâu, khoảnh lúa, lễ lạc, nghi tiết, thậm chí, loạn lạc đói kém ở Bắc Kỳ, chiến tranh ngoài biên ải. Buồn bã tức giận của em chỉ là chuyện dở hơi cỏn con, vớ vẩn không đáng để ý đến. Trước kia lúc se mình, ngài ngự bảo quần thần rằng, nằm trong nội cung không biết nói gì với ai, chỉ tổ bực mình thêm.” Lại một tiếng cười khàn. “Có đến lúc cuối cùng thì ngài ấy cũng chẳng muốn ở trong đây, phải nhìn thấy chúng ta đâu.”

Cô yên lặng, hồi lâu sau mới hỏi khẽ.

“Thế em mong đợi cái gì ở nơi này?” Cô hỏi, nhìn đôi mắt người bên kia chan đầy ánh nắng tối tăm. Cô gái không còn khóc, cũng chẳng buồn, chỉ bất động.

“Em cũng tự hỏi mình như thế. Có người chỉ cần được sung sướng nhàn hạ, lụa là châu ngọc là đã đủ. Có người được nuôi dạy rằng chỉ cần làm một kẻ hầu hạ tốt người trên, sống cuộc đời ngoan ngoãn mực thước là đã đủ. Có người như chị Kiều, chờ đợi trở thành kẻ ở trên cao, mẫu nghi thiên hạ, vinh quang danh giá. Còn em, có lẽ như chị bảo, chẳng qua đọc sách vớ vẩn quá nhiều. Thứ tình yêu mà sách vẽ ra đều là giả dối cả, chỉ toàn những kẻ tự lừa mình cho qua ngày đoạn tháng, cho hết một đời. Những người yêu thật thì đã chết cả rồi. Trong lúc Đổng Ngạc, Hải Lan Châu mất con đổ bệnh, hoàng đế vẫn có con với những phụ nữ khác, họ không chết vì mất con, họ chết vì thứ tình yêu họ tưởng là mình có. Đến lượt các ông vua lại chết vì nhận ra thứ cả đời này mình không thể có.” Tiếng thở mênh mông rơi vào khoảng không nặng trĩu. “Những thứ như thế, em không cần nữa.”

Ba năm rồi, cô nghĩ khi nhìn bóng dáng người thiếu phụ bất động trong căn phòng nhập nhoạng. Ba năm từ khi nhà vua phong chức tước cho anh em họ Hồ, cho xây dựng Nhị tần từ to lớn bên bờ sông, ngôi đền sáng rực mỗi khi đêm xuống, ánh sáng có thể nhìn thấy được từ Minh Viễn lâu. Ba năm từ khi nhà vua không còn gọi cô ấy, hoặc cô ấy đã từ chối đến – và rơi thẳng vào sự lãng quên trong cung thành này. Nhà vua vẫn gọi các cung nhân lớn tuổi như một thói quen, và quên lãng bất cứ ai không tới hay làm ngài ta phật lòng. Thậm chí ngài ta còn chẳng buồn tức giận, chỉ nhìn họ trong những buổi họp mặt hoàng cung y như hòn đá vẫn ở bên cửa, và sự hiện diện của họ sẽ biến mất ngay khi ánh mắt ngài ta rời khỏi. Tưởng chừng bao nhiêu điều trước đây giữa bọn họ tan biến ngay lúc ấy, không còn ở trong tâm trí ngài ta một mảy may. Ngài ta vẫn ôn tồn mực thước, thậm chí là dịu dàng, trong khi sẵn sàng quên lãng bất cứ ai trong số họ.

“Hiền tần có nói gì không?” Cô bỗng nhiên hỏi. Nguyễn Thị Bảo lại mỉm cười.

“Chị ấy nói, em có biết khi vừa lên ngôi ngài ngự cấp cho cả nhà họ Hồ mỗi năm gần một trăm năm mươi quan tiền, một trăm năm mươi phương gạo không? Rồi chị ấy hỏi, em có biết lương hoàng tử bây giờ mỗi năm chỉ là ba trăm quan tiền, ba trăm phương gạo, thêm một ít từ tiền cai tàu thì cũng làm bao nhiêu cái lễ dâng tiến? Bao nhiêu năm cả phủ đệ hoàng Tư chia đôi tiền lương mà sống, em thì biết cái gì?” Giọng cô gái chợt trầm xuống. “Cô ta đã làm được cái gì? Sinh con ra còn chẳng nuôi lấy một ngày. Cả đời này chỉ có chị ấy ở bên cạnh ngài, chỉ có duy nhất chị ấy.”

Những lời sau đó không giống như Ngô Thị Chính có thể nói ra, nên cô lại im lặng. Nguyễn Thị Bảo bỏ vào trong nhà nằm nghỉ, cô cầm thỏi mực về viện.

Tháng năm, khí trời nồng nực oi ả như từng hơi thở cũng khó khăn. Căn phòng kéo kín mành trúc che nắng càng ngột ngạt. Tiếng ve rền rĩ trên các ngọn cây như vang thẳng vào trong óc, âm âm quanh tai. Cô lật vài cuốn tự điển tìm chữ viết thiếp chúc mừng và chỉ dụ ban thưởng của Thái hậu cho những đứa con mới sinh của Miên Tông. Sau khi được phong Trường Khánh công ba năm trước, phủ đệ hoàng Cả được đưa vào thêm nhiều người mới, trong năm nay dự tính có ba, bốn đứa trẻ sẽ được sinh. Miên Tông sống theo cách của một ông hoàng bình thường xứ sở này, nói cho cùng, cậu ta cũng do Thái hậu nuôi dạy lớn lên trong cung thành.

Những hoàng tử đã trưởng thành, và chuyện lập trữ đã bắt đầu manh nha, bàng bạc trong các bức tường hoàng thành. Ngoài Miên Tông, nhà vua cũng yêu thích những đứa trẻ khác. Miên Bảo, Miên Thẩm, Miên Trinh tài trí, Miên Định giỏi giang lễ độ, Miên Nghi dù tính tình phóng túng nhưng thông minh hào hoa, con trai của Hiền tần dù không nổi bật về học vấn nhưng tính tình đều khiêm cung thuần hậu. Ngay cả đứa trẻ mới ba tuổi của Nguyễn Thị Viên được đặt tên Miên Sủng kia cũng có thể là đối thủ trong mắt nhiều người. Tất nhiên, là cả Miên Liêu của cô, đứa trẻ bắt đầu được các Thị học, thầy dạy ngợi khen về sự thông minh ham học. Với sự xuất hiện của Nguyễn Thị Viên, con cô đã không còn sự hậu thuẫn độc nhất của cái gọi là ‘thế lực’ cùng ‘danh vị’. Thế là, tất cả đều có cơ hội ngang nhau, và sự châm chọc của Nguyễn Thị Bảo dành cho Ngô Thị Chính vốn bắt nguồn sâu xa hơn là bất mãn thông thường.

Trong hoàng thành này, làn sóng ngầm vẫn luôn chuyển động cùng với cơn bão tố xung quanh nó. Với xung động trải khắp Bắc Nam, nhiều người đang im lặng nghe ngóng, chẳng phải do lo lắng cho đất nước.

Nghe tiếng chân bên ngoài, Miên Liêu đẩy cửa đi vào. Cô gọi cậu bé đến gần, đưa cho con cái hộp gói kín trong mấy lần khăn lụa.

“Con đem cái này đến đệ trạch công chúa Ngọc Cửu, xin vào gặp bà chúa để đưa tận tay nhé.” Cô dặn dò. Miên Liêu đã đến tuổi ra Quảng Phúc đường ở ngoài kinh thành, tự đi lại trong các phủ đệ hoàng thân. Sau khi Lê Hậu mất, Ngọc Cửu đã không còn muốn gặp cô, cô chỉ có thể nhờ con tới tìm. “Con nói với công chúa, nhờ bà chúa giữ hộ hộp này. Đây là trang sức từ thời con gái của ta, cũng có chút ít giá trị. Bà ngoại con không biết lo việc, các cậu con cũng chẳng nghĩ xa xôi, miệng ăn núi lở, lỡ có chuyện gì xảy ra thì không biết phải làm sao. Nhờ công chúa nghĩ tình Phò mã trước kia giữ hộ ta chiếc hộp này, đừng đưa cho bà ngoại con vội.”

“Sao mẹ không giữ nó ạ?” Nghe cô nói, Miên Liêu cau mày. Nó quả nhiên là đứa trẻ thông minh, đã sớm đoán ra điều bất thường trong giọng cô.

“Nơi đây người đông của lắm, hoàng thượng lại hay cho kiểm kê đồ dùng, nhỡ có gì lẫn lộn thì phiền, ta ngày thường cũng chẳng dùng tới những đồ này. Con còn nhỏ, giữ thứ này ở bên người không tiện, chẳng bằng giao cho công chúa.” Ánh mắt Miên Liêu vẫn lo lắng, cô bèn cười. “Con ở học đường thế nào? Có ai bắt nạt con không?”

“Chẳng có ai.” Miên Liêu đáp khẽ, ánh mắt chợt chuyển qua mành trúc rung bên cửa. Con cô là đứa trẻ sớm hiểu chuyện, càng thông minh, càng lạnh nhạt.

Một đứa trẻ tài năng, mọi người nói, nhưng chẳng ai nói rằng nhà vua yêu quý nó, cũng chẳng thấy các hoàng tử kia gọi nó tụ họp vui chuyện thơ văn như các anh em cùng tuổi. Từ khi ra Dưỡng Chính đường, nó đã chẳng còn là đứa trẻ ôm quả đào hát ca xưa kia. Bây giờ cô thấy trong mắt đứa trẻ như có một bức tường, cử chỉ nó thận trọng như lúc nào cũng bước trên băng mỏng. Có lẽ, lúc này Miên Liêu đã biết chuyện đang xảy ra trong đất nước, cái tên của ông ngoại nó lại được xướng lên. Dù không thể biết được toàn bộ câu chuyện năm xưa, hẳn con cô cũng bắt đầu nhận ra sự thù địch bên ngoài. Vì không hiểu, nên chỉ càng có thể lặng câm cảnh giác.

Chẳng có ai, không có người ghét, cũng chẳng có ai thương, không thể để cho bất cứ ai lại gần.

“Thì cứ kệ họ.” Cô bỗng cười. “Không cần phải để ý đến những cái danh xưng vớ vẩn, những chuyện bung xung làm gì, người ở đây chỉ thích vẽ chữ tự chơi với nhau, cho nhau toàn những món đồ chơi vô dụng không dùng làm gì, cũng không bán đi được đấy thôi. Cũng không cần xúm xít xin ân huệ của ai, thích ai thì tới chơi với họ. Con cả đời cơm áo chẳng phải lo, thì tìm những người tốt, làm những việc mình vui vẻ, không gây chuyện là được, chẳng việc gì phải để tâm đến những thứ không đâu.”

“Vâng ạ.” Miên Liêu vẫn chỉ mỉm cười. Cậu bé cúi đầu nhìn chiếc hộp trong tay, một lúc sau nói khẽ. “Trời nóng quá, con cũng muốn đưa mẹ đi chơi như thế.”

Cô nghe tiếng ve inh ỏi khắp cung điện ngàn ngạt hơi nóng. Mùa hạ năm ấy, trời hạn hán. Bức tường vàng bao quanh Tử cấm thành nhức nhối màu nắng. Bầu trời trên cao xanh đến vô tận. Đứa trẻ bé nhỏ nói, muốn đưa cô đi.

Cô vốn nghĩ rằng người nhà cô chẳng phải kẻ cần dựa vào người khác, hoàn toàn có thể thản nhiên một mình mà sống. Những con người tạo thành từ nỗi cô độc trong máu thịt, luôn sống chẳng hề liên hệ đến nhau. Nhưng rồi cũng như ngày nọ Lê Hậu nói muốn bảo vệ cô, đứa trẻ này thì thầm một ước mơ. Chẳng cần xe thuyền lỗ bộ, chẳng cần tiền hô hậu ủng. Ở nơi này, cô là giấc mơ duy nhất của nó, đứa trẻ cô độc từ trong máu thịt.

Và cô lại lặng im, mãi lặng im. Ngày tháng năm ấy, những tiếng rì rầm vẫn đang lan ra mãi dưới mái ngói lưu ly, tiếng súng vẫn nổ, những đoàn quân vẫn di chuyển quần thảo khắp nơi, những âm mưu cùng suy tính vẫn đang nảy nở, kết chồi. Đám thổ mục do Tả quân đưa về làm phản, bàn tay sắt của Bạch Xuân Nguyên đang siết lại nhóm người ở Gia Định, không để cho kẻ nào trốn thoát. Bánh xe định mệnh đang lăn về mốc cuối.

Trong nắng hạn bỏng cháy, những ngày yên bình cuối cùng tan biến như bọt nước.

Ngày mười tám tháng năm, Nguyễn Hựu Khôi họp nhóm quản vệ của Tả quân, chiếm thành Phiên An.

Khi những nhóm phiến quân ở Bắc Kỳ đang bị bắt dần, tin dữ đột nhiên báo đến từ phương Nam. Thành Phiên An bị chiếm giữ, các quan tướng chạy đến Biên Hòa báo khẩn về triều. Những cái tin tiếp theo sau đó chỉ càng trở nên xấu đi: Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên đã bị giết chết. Nhóm Nguyễn Hựu Khôi họp cùng các đội quân tù từ phương Bắc giữ thành Phiên An, kẻ đi theo có đến hàng ngàn. Chỉ sau vài tin báo, đến lượt Biên Hòa thất thủ. Trong khi đó, các tỉnh Nam Kỳ vẫn im lìm.

Toàn bộ kế hoạch liên quan đến Nam Kỳ bất chợt phải ngừng lại. Những lệnh điều động quân đội được phát đi khắp nơi. Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận điều ngay binh lương, thuyền chiến đến Nam Kỳ. Những chiếc thuyền chiến, tải vận lại nườm nượp qua bến, trong sự kinh ngạc vẫn chưa nguôi của toàn bộ con người. Chuyện gì đã xảy ra để cả thành lọt vào tay một đám tù nhân? Anh trai Án sát Phiên An Nguyễn Chương Đạt bị bãi chức trong Binh bộ. Toàn bộ tù nhân ở Bắc Kỳ chuẩn bị đưa đi đày phải giữ lại quản thúc. Những tin đồn đáng sợ nổ ra ngay lập tức, nói về bọn Khôi kia họp cùng nhóm người Lê Duy Lương nổi dậy ở cả hai đầu Nam Bắc, một âm mưu to lớn khủng khiếp đã thành hình.

Nhà vua ra lệnh bắt giữ toàn bộ thân nhân của Nguyễn Hựu Khôi cùng những kẻ bị báo tên trong thành Phiên An. Những đội quân trước thuộc Tả quân ở Gia Định được lệnh về Kinh. Phó Vệ úy Lê Văn Tề ở Nghệ An cũng bị gọi về. Hoàng thượng mật dụ các quan Nam Kỳ tra xét đám tù binh Hồi lương, An thuận trong vùng, giết ngay không tha kẻ nào đáng ngờ. Dù vẫn nói cứng, nhưng ngài ấy đã nghe tin đồn, nghe chuyện bọn Khôi xưng phù Lê, và rồi cũng hoảng hốt giữa cơn bão không biết đúng sai thật giả.

Quân chưa tới, ngài ấy liên tục sức tỉnh thành Nam Kỳ kêu gọi hương dõng, xã dân. Lệnh đầu tiên ban xuống là ai chém đầu bọn Khôi được thưởng một ngàn lạng bạc. Ngài ấy bảo Vũ Quýnh ở Biên Hòa tập hợp ngay một ngàn hương dõng, Lê Phúc Bảo lấy năm trăm hương dõng tòng chinh ở Phiên An, các tỉnh lấy xã dân phòng thủ chặt từng con đường.[6] Ai đó bỗng nhiên thì thầm trong điện Quang Minh. Ngài ấy tin dân Nam Kỳ đến thế à?

Câu hỏi ấy, không ai hồi đáp.

Trong nỗi sợ hãi nghi ngờ tràn ngập, nhà vua gọi ngay đến dân chúng Gia Định, như thể người có ngay ở đấy hàng vạn hàng ngàn. Trong nỗi sợ hãi nghi ngờ tràn ngập, câu hỏi rơi vào giữa căn điện rộng, chìm trong khí hạ ngàn ngạt nặng trĩu.

 

Chú thích:

[1] Đông dạ tạp thi của Tuy Lý vương

[2] Quốc sử di biên viết Lê Văn Duyệt coi Nguyễn Trương Hiệu như con nuôi. Có lần Nguyễn Trương Hiệu còn bảo Lê Văn Duyệt “Ngài có chuyện không bằng tôi. Tôi dám tố cáo cha con Nguyễn Văn Thành, ngài thì không.”

[3] Hán cung từ của Tùng Thiện vương. Dịch nghĩa: Mấy đóa hoa lạnh trong ngõ xuân dài, tiếng xe vua nơi nào phả bụi thơm tới. Hồng nhan đừng hận hưởng ơn vua trễ, ở nhà vàng và cung Trường Môn cũng chỉ một người.

[4] Văn ngôn của quẻ Khôn: Nhà tích thiện thì sẽ có phúc khánh. Đi về phía Đông Bắc thì mất bạn, nhưng cuối cùng lại được phúc khánh.

[5] Năm 1833, sau khi xây dựng Ngọ Môn, Minh Mạng chia Tử cấm thành làm hai khu vực, phía trước điện Cần Chính gọi là Càn Thành, phía sau là Khôn Thái. Quẻ Thái trong Kinh Dịch gồm hai quẻ Càn và Khôn hợp thành.

[6] Ngay sau khi nhận được tin từ Phiên An, ngoài lệnh sai Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận đưa biền binh tới, Minh Mạng ra lệnh "Họp hương dõng sở tại, đón chặn bốn mặt đường thủy, đường bộ, đừng để một tên giặc nào chạy thoát. Ai bắt hoặc chém được tên nghịch Khôi sẽ thưởng cho 1.000 lạng bạc; bắt được bè đảng giặc, cũng được trọng thưởng. Lại truyền dụ cho Lê Phúc Bảo chọn lấy 500 dân đinh cường tráng ngoại châu thành Phiên An, gọi là đoàn dõng, đều miễn thuế thân, tạp dịch, cấp cho khí giới, để lệ thuộc quan quân canh giữ tỉnh thành".

Sau đó tiếp tục gọi “Vũ Quýnh, Lê Văn Lễ ở Biên Hòa gọi lấy 1.000 hoặc 5, 6 trăm hương dõng, đều phải tự túc lấy khí giới, đến tập hợp ở quân thứ Thuận - Biên, theo lệnh quan quân đi đánh giặc”. Quan các tỉnh cũng được lệnh tập hợp quân và dân giữ chặt các nơi.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.