Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

86. Hiển đáo mãn thời năng dụng hối
Trường An in "Minh nguyệt 3" August 22nd, 2019
  1. Hiển đáo mãn thời năng dụng hối, khuy tương yết xứ hựu hoàn doanh[1]
    (Ánh sáng tràn đầy thì bắt đầu tối, trăng kia vừa khuyết lại hóa tròn)

 

Ngày đầu năm ấy, tiếng sấm vang rền bầu trời phía Nam ngay trong ngày tế Xuân hưởng.

Khâm thiên giám trích sách bảo, tháng giêng có sấm thì dân đói và hạn hán. Nhà vua nói rằng khí hậu phương Nam khác hẳn phương Bắc, mùa đông còn có sấm huống gì mùa xuân, đông lạnh thì hè nóng là lẽ thường, chỉ đọc sách mà nói là không đúng. Tuy nhiên, cô thì nghĩ, ngài ta lại đang cố bác bỏ để an ủi cho cả mình lẫn người mà thôi.

Từ tháng chạp, giá gạo Bắc Kỳ đã cao vọt. Nhà vua bãi bỏ yến tiệc đầu năm của triều đình trong chính điện. Chỉ sau mấy ngày lễ tết, Hộ lý Tuần phủ Thanh Hoa Nguyễn Đăng Giai đã dâng sớ tâu nói dân đói Bắc Kỳ lang thang kiếm ăn khắp nơi, có kẻ chết ở dọc đường. Tới tháng hai, tình hình đã trở nên khẩn cấp khi Hải Dương, Ninh Bình báo tin dân đói đến kiếm ăn đến hàng ngàn. Những cơn bão mùa thu đã khiến Bắc Kỳ ngập lụt nặng, vụ hè thu mất trắng. Ngay trong mùa đông ấy, các quan cai quản Đê chính bị cách chức, và nha Đê chính này bị bãi bỏ chỉ vài tháng sau. Những tin báo tình hình đê điều vào mùa thu dường như đã làm nhà vua nổi giận. Các bờ đê vững chãi chẳng để làm gì trong khi nước lụt trắng ruộng đồng. Nha Đê chính chỉ trông nom việc đê điều, ngoài ra việc hạn hay lụt, tình hình nông tang chẳng để ý được tới, không bằng giao việc quản hạt cho tỉnh thành, người trong triều nói.

Và lời khẩn cầu bỏ một đoạn đê ở Duy Tiên, Hà Nội được nhắc lại: Đến kỳ mưa lụt, nước từ các sông Hát Môn tràn qua Phù Giang đổ xuống, sông Nhị Hà dâng lên, cuồn cuộn mênh mông. Địa thế vùng thấp trũng, dẫu đê không vỡ mà mùa thu mưa luôn thì ruộng đồng cũng ngập lụt. Con người sống giữa những luồng nước điên cuồng chống giữ bờ đất mỏng manh, cuối cùng mất trắng trong luồng nước xối xuống từ bầu trời.

Năm ấy có lẽ là đợt đói kém kinh khiếp nhất mà cô từng biết. Tin báo dồn dập từ Bắc Kỳ chuyển về, nói tới những đoàn người thất thểu đổ đi khắp các tỉnh thành, người chết ven đường, kẻ ngậm được miếng cơm phát chẩn đã chết đứng. Chỉ còn Thanh Hoa, Hải Dương vẫn sung túc, trở thành nơi tập trung dân đói dồn về. Đến tháng hai, Nguyễn Đăng Giai cho biết số dân xiêu dạt trong tỉnh có đến một vạn người, Vệ úy Tôn Thất Tường báo số gạo lẫn tiền của tỉnh đã gần cạn hết. Tháng ba, Nguyễn Công Trứ ở Hải Dương tâu nói dân tới kiếm ăn trong tỉnh đến hơn hai vạn, kho lúa trong tỉnh e không thể cầm cự được tới ngày lúa chín. Năm vạn phương gạo được lệnh phát ở Nam Định chẳng thể chống đỡ được nạn đói hoành hành.

Hàng vạn phương gạo, quan tiền lại được chuyển từ Kinh ra. Các công trình lớn nhỏ ở Bắc Kỳ được lệnh khởi động để thuê dân làm lấy tiền công. Trong khi đó, tháng ba, tin khẩn báo về từ Ninh Bình: Lê Duy Lương cùng thổ ty xã Sơn Âm là Quách Tất Công nhân danh nhà Lê nổi dậy, chiếm đồn Chi Nê, vây đánh phủ thành Thiên Quan. Ở Lạc Thổ, Lê Duy Nhiên liên kết cùng thổ ty nhà Đinh Thế Đội đánh châu Đà Bắc, Hưng Hóa phù trợ cho Lê Duy Lương. Ở Thanh Xuyên, Thổ tri huyện Đinh Công Tiến tập hợp hai ngàn người nổi lên.

Dân đói đi theo chúng đến hàng ngàn, người từ Bắc Kỳ về nói. Thổ binh ở Chi Nê nửa đường quay giáo giết quan quân, mở cổng đồn cho quân phiến loạn. Thổ binh đồn Quỳnh Lâm không đánh mà chạy. Đạo quân Lê Duy Lương chiếm đóng Chi Nê lập hơn chục đồn trong vùng đe dọa Thiên Quan. Cuối tháng ba, phiến quân Hưng Hóa đánh đến tận tỉnh thành, đốt nhà dân xung quanh mà bao vây thành, quan tỉnh đóng cổng thành cố thủ. Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên phái quân đi giải vây bị phục kích giữa đường, toàn quân tan vỡ. Các đạo quân đang đóng ở Trấn Ninh, Thanh Hoa cùng những đội tinh binh từ Kinh phái đi lập tức được điều tới Hưng Hóa.

Quân đội tại các tỉnh toàn Bắc Kỳ được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, Hà Nội tăng thêm binh đồn canh giữ. Mùa xuân năm ấy, kinh kỳ xôn xao những đoàn người. Quân đội, voi ngựa đi đến chiến trường, cả những đội loan giá tùy sai của nhà vua, quân binh đội Giáo dưỡng con em quan tướng cũng xung phong ra trận. Những chuyến tàu chở nặng lúa gạo, binh lương, hàng hóa nườm nượp trong bến. Các công trình xây dựng ngoài cửa Ngọ Môn đang được hoàn thành nốt các hạng mục cuối cùng trong vội vã. Tiếng ngựa ty Bưu truyền trở thành âm thanh được mong ngóng nhất của hoàng thành. Từ khi nghe tin thành Hưng Hóa bị bao vây, nhà vua đã liên tục lên đài nghe ngóng chờ đợi, bóng hoàng bào đi đi lại lại càng khiến người trong thành hồi hộp lo lắng hơn.

Chuyện gì đã xảy ra, có người thì thầm hỏi. Từ tháng tám, ngay sau lệnh xây dựng Ngọ Môn, bão lũ trút xuống nhấn chìm Bắc Kỳ trong biến loạn. Tháng tám, Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời, trong nhà ông ấy ở Kinh đào lên mạch giếng nước đỏ như máu. Bọn Quách Tất Công chẳng phải do Tả quân thu phục về ư, người tỉnh táo hơn nói. Đến bây giờ mới rõ, Lê Duy Lương do chính bọn ấy nuôi giấu trong nhà bao năm nay, Tả quân đã đem bọn ong này vào trong tay áo. Bao năm nay, bọn Quách Tất Công dựa hơi triều đình làm Thổ tri huyện, Phòng ngự sứ, lấy danh thế trùm cả một vùng để gây dựng lực lượng, kéo bè kéo cánh, chờ đến bây giờ nổi dậy. Với Lê Duy Lương trong nhà, chúng đã âm mưu từ lâu rồi, ngay từ khi bắt đầu. Vùng Sơn Âm đời đời phản nghịch, quan tướng đi đánh dẹp nói. Và kẻ tiếp tay cho chúng, chính là các đại quan trong triều đình.

Khi Hậu quân Lê Chất còn sống, các thổ ty thổ mục được ông ta che chở có quyền lực còn lớn hơn nhiều, như năm nào bọn thổ mục Lạng Sơn Nguyễn Đình Hoảng phải vào Bắc Thành kêu vì Hậu quân tước mất quyền của họ, giao châu mục cho thổ ty ông ta quen biết. Hậu quân qua đời sáu năm trước, bọn Lê Duy Lương cũng nhăm nhe nổi dậy theo đà của Phan Bá Vành, nhưng vì lực chưa đủ nên phải rút lui. Hiện nay nghe Nguyễn Đăng Giai thăm dò báo lại, bọn Lê Duy Lương này câu kết với dư đảng Vạn Tượng, Ai Lao. Năm trước chúng gửi thư cho lính ở Trấn Ninh nhằm mục đích mở đường xuống Nghệ An, xuyên thẳng qua Vạn Tượng.

Cùng lúc ấy, Chân Lạp báo tin Phi Nhã Chất Tri của Xiêm La đã đưa quân đến Bắc Tầm Bôn, mang danh hộ tống hai người em của vua Phiên về nước, đưa hịch hiệu triệu người trong vùng, đắp đồn lũy tại Gò Lò Vật.

Một cái bẫy lớn đã được giăng sẵn bấy nhiêu năm, ai đó run rẩy bảo. Sau khi xung đột nổ ra ở Vạn Tượng, bọn Quách Tất Công đã âm thầm câu kết với các man biên thùy, liên hệ với Xiêm La. Đầu năm nay, Tạ Quang Cự đã bắt được hai thổ ty ở Lạc Biên toan tính đầu Xiêm, hóa ra chúng chỉ là một phần của kế hoạch. Những tin báo kỳ lạ trước đây ở Chân Lạp hóa ra là người Xiêm đang thử động tĩnh vùng biên giới, xem chúng có thể xâm lấn đến đâu nếu rối loạn xảy ra.

Mục tiêu cần thiết nhất là khóa chặt Nghệ An, cắt đứt giao thông liên lạc giữa Trấn Ninh và Ai Lao, bao vây Sơn Âm, Nguyễn Đăng Giai nói. Phiến quân đang nổi ở ba vùng Chi Nê, Đà Bắc, Hưng Hóa, nhưng mục đích chính của chúng là họp cùng nhóm quân của Lê Duy Lương ở Sơn Âm. Ba huyện Lạc Thổ, Phụng Hóa, An Hóa đều hiểm trở xa xôi, tiến lên không có đường. Không muốn phải đốt bằng cả ba vùng này thì trước cắt gạo muối từ các cửa ải, bến đò xung quanh, sau ra dụ kêu gọi thổ ty, người trong vùng đi đánh dẹp. Quan quân chia đường hẹn ngày cùng tiến nhằm khống chế toàn bộ chiến trường, lùa phiến quân về Sơn Âm. Dùng người Man đánh người Man, sau cùng mới san phẳng Sơn Âm.

Chiến lược của viên quan văn Nguyễn Đăng Giai là cốt lõi của toàn bộ chiến trường, sau này người nói. Các đội quân được chia giữ các đạo kết hợp cùng thổ ty trong vùng, vừa đánh vừa chặn đường tiếp ứng, lấy đại bác và súng quá sơn chẹn những nơi xung yếu. Thủy lục quân chia đặt tiền, hậu, tả, hữu tấn công các đồn quân trên cạn lẫn truy bắt thuyền giặc, đồng loạt tiến lui. Tháng tư, đạo quân của Phạm Văn Điển tiến đánh lấy lại thành Hưng Hóa. Sau đó vài ngày, quân thủy lục của Tạ Quang Cự đánh thẳng từ An Hóa chiếm lại Chi Nê. Phiến quân tứ tán ra bốn phía, một phần chạy đến Sơn Tây, phần nổi ở Thanh Hoa. Trong lúc Phạm Văn Lý truy diệt quân nổi loạn ở Hưng Hóa, Tạ Quang Cự tiến quân lên càn quét Sơn Âm, Nguyễn Đăng Giai một mình dẫn quân về đánh dẹp Thanh Hoa. Thự Thượng thư Binh bộ Lê Văn Đức được cử làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, lãnh Tham tán đến dọn tàn quân ở Đà Bắc.

Tháng năm đến với tin báo tình hình Hưng Hóa, Ninh Bình đã tạm yên ổn. Các tỉnh Bắc Kỳ báo vụ xuân được mùa, giá gạo đã hạ. Ngày sinh nhật Miên Tông, nhà vua triệu các thân công, hoàng tử và đình thần tới gác Hải tĩnh niên phong ban cho đồ trà và chén đĩa làm quà. Ngài ta còn định đưa Thái hậu tới đài Trấn Hải dạo chơi một ngày thư thả. Hiền tần vừa sinh được nửa năm, lớn tuổi nên sức khỏe vẫn chưa hồi phục, cô cùng các cung tần khác phải phụ trách lo đồ dùng cho Thái hậu. Bà lớn lên trong chiến tranh, tính tình giản tiện, nhưng nhà vua thì nhất thiết không muốn sơ sót. Bàn qua tính lại, cuối cùng cô đem ý chỉ của Thái hậu cùng bản kê khai đồ dùng đến tiện điện. Nhà vua lại không có mặt, trong điện chỉ có vài quan tướng nhỏ ngồi quanh một ông lão rất quen mặt. Cô nhìn kỹ thì nhớ ra là Nguyễn Đăng Tuân, vị học sĩ từng là thầy dạy của nhà vua đã về hưu trí.

Cô vừa đến sau điện thì có một hai người cũng vào cửa trước. Ông Nguyễn Đăng Tuân ngẩng đầu lên, thấy họ bèn cười.

“Anh Tri Phương vừa về đấy à?” Ông vẫy người thanh niên vừa tới, anh ta cũng nghiêng người cung kính chào.

“Chúng tôi vừa tới Quảng Nam lo chuyện tàu quan nhà Thanh bị nạn về.” Ngồi xuống cạnh bàn, thanh niên tên Nguyễn Tri Phương nói. “Đến cửa Thuận An, tàu Uy Phượng sơ sót mắc cạn, tới nơi thì võ quan Lương Quốc Đống cũng chết rồi, chỉ chuẩn cấp tiền cho thuyền viên đưa về Trung Quốc. Về lại Kinh thì hay bọn giặc ở Hưng Hóa đã gần yên cả. Anh Đăng Giai lập công lớn, hẳn được hoàng thượng khen thưởng nhiều lắm?”

“Nào có chuyện ấy, hoàng thượng còn đang rất bực mình đấy.” Nguyễn Đăng Tuân lắc đầu, không hiểu sao lại cười. “Ngay từ lúc được lệnh đem quân từ Phố Cát đến Ninh Bình họp cùng Tạ Quang Cự, thằng Đăng Giai nhà ta đã phái vệ Hổ Oai trung vượt rừng tới Hưng Hóa định đánh tập hậu giải vây cho tỉnh thành. Hoàng thượng nghe tin mắng cho một trận, bảo nó không có kinh nghiệm chiến trường, binh pháp cũng chẳng biết, vậy mà tự tiện sai người đi. Đội quân ấy cuối cùng lạc trong rừng, đáng lẽ chỉ cần đi năm bảy ngày thì mất nửa tháng mới đến nơi.

“Tới khi đánh lên Chi Nê, một thổ ty trong quân Thanh Hoa là Nguyễn Đình Bang nửa đường trở giáo, Đăng Giai dâng sớ bảo nó nghi ngờ tên này lâu rồi vì nhà hắn là thông gia với bọn Quách Công Ôn, xin cấp báo cho quan tỉnh Thanh Hoa chặn đường phòng ngừa, bắt giữ vợ con họ hàng của thổ ty để quản thúc. Hoàng thượng lại mắng cho là làm quan tư mục mà không biết trông nom, gây chuyện khiến bọn thổ ty bất mãn bỏ trốn rồi kiếm cớ thanh minh, cách chức Đăng Giai ngay lập tức.” Nguyễn Đăng Tuân thở dài. “Tới khi Nguyễn Đình Bang họp quân làm loạn Thanh Hoa thì mới biết Đăng Giai nói thật. Nhưng vừa xong việc ở Chi Nê, Đăng Giai ném bỏ Sơn Âm lại cho bọn Tạ Quang Cự, một mình đem quân về Thanh Hoa đánh bọn Đình Bang. Nó làm việc tùy tiện không thèm để ý đến ai, tới Tổng đốc quân vụ, Tham tán cũng dâng sớ mách tội với vua. Thân là quan văn, đã biết đánh trận là gì đâu mà đem quân chạy loạn trong rừng, trên không thấy tướng chỉ huy, dưới không biết sợ quân địch mai phục. May mà thắng trận ở Thanh Hoa, chứ bằng không đã phải chém mấy cái đầu rồi. Hoàng thượng không trách tội là may, nào có thưởng gì!”

“Nghe nói Tuần phủ Thanh Hoa Nguyễn Khả Bằng đường đường là quan võ mà thấy thổ phỉ nổi dậy chùng chình mãi không tiến, Lãnh binh Phạm Đình Bảo cũng cầm quân cả tháng chẳng làm được gì, đợi đến khi anh Đăng Giai về đem quân phá thẳng trại địch thì cả đám người mới đi theo. Cả chiến trường Ninh Bình, Thanh Hoa dựa vào một ông quan văn xông đông bạt tây. Chẳng trách Nguyễn Công Trứ ở tận Hải Dương cũng ngồi yên không chịu nổi, dâng sớ xin đi đánh giặc, lại nói năng gì đó làm mất lòng cả đám võ quan.” Nguyễn Tri Phương cười ha hả, rồi lại trầm ngâm. “Cũng vì quan võ phần nhiều tâm tính đơn thuần, nghe đám Lê Duy Lương phô trương thanh thế thì đâm e ngại. Đến cả Phạm Văn Lý trước kia đánh Phan Bá Vành hăng hái là thế mà nay cũng chùng chình ở Hưng Hóa, để lại Đà Bắc làm nơi trú ẩn của thổ phỉ chạy từ Sơn Âm, Thanh Hoa về. Anh Đăng Giai bỏ chiến trường Sơn Âm hẳn vì đoán trước chúng đã chạy cả rồi, chẳng bằng lùa cả bọn vào Đà Bắc.”

“Chiến công thì phần lớn là quan võ hưởng, dù có ngồi trong màn trướng quyết ngàn dặm hay xông pha tên đạn vẽ đường vạch lối thì thanh danh quan văn cũng nào có bằng. Cho nên nghe đến khó khăn thì ông võ quan nào cũng sợ cho thể diện của mình trước hết, để một anh quan văn lo việc.” Một viên quan ngồi gần đó cười. “Nghe nói lúc anh Đăng Giai bỏ Sơn Âm về Thanh Hoa, đám quan tướng còn lại ngơ ngác, hoàng thượng mắng cả hai bên, bảo quân đông người đông đến thế mà còn phải trông đợi ở một thằng nhãi giỏi nói khoác không có thực dụng kia à.[2]

“Cũng vì ngày thường Đăng Giai nhà ta là đứa lười biếng mà chỉ thích nói những chuyện kỳ lạ, hoàng thượng biết rõ đó thôi.” Nguyễn Đăng Tuân nhẹ nhàng nói như hòa hoãn. “Nó nghĩ trăm phương ngàn kế đánh địch chẳng qua vì tìm cách nhẹ nhàng nhất cho mình, vẽ chuyện cho người khác làm đấy. Không phải Nguyễn Đình Bang nửa đường trở giáo gây chuyện khiến Đăng Giai vừa bị cách chức vừa mất mặt, thì nó cũng chẳng liều mạng ra sức đâu.”

“Cũng nhờ vậy mà khi xông vào mới biết, bọn phù Lê là một đám thùng rỗng kêu to.” Một viên tướng trẻ ngồi cùng bàn góp lời. “Các quản đồn phủ trước kia thua trận chỉ vì đám thổ binh làm phản, hoặc nghe tiếng gió mà bỏ chạy tất. Bọn thổ ty vớ được một anh họ Lê, vậy là đem dân trong thôn sách tập hợp cùng đám người đói ùa ra ngoài cướp giết, khua chiêng gióng trống như thể thần thánh nhà trời. Chúng dựa vào địa thế núi rừng mà lẩn lút phục kích, trốn chui trốn lủi, lại vin vào các mối quan hệ trong vùng mà phân tán quân đội, ra vẻ một hóa thành mười, ai không bình tĩnh là hoảng loạn sợ hãi ngay. Tới khi cắt vụn chúng ra, dồn chúng vào trong núi, thì chúng quay ra xử nhau hoặc chạy trốn, về đầu hết cả. Đánh vào là chúng lộ rõ một đám ô hợp chạy theo nhau ăn tàn. Một đám chuột bọ như thế mà cũng mộng ước thành vương thành tướng!”

“Đến thời thì không chỉ chuột bọ mà chỉ là mấy con sâu cũng ăn được cả cánh đồng.” Viên quan văn chợt cau mày nói. “Nguyễn Đăng Giai bảo bọn Lê Duy Lương đã liên hệ với người ở Vạn Tượng. Năm trước bọn lính Trấn Ninh làm phản chạy về Ninh Bình, năm nay lại có thổ ty ở Lạc Biên hết kẻ này đến kẻ khác chạy về với Xiêm. Ai cần biết chúng là kẻ thế nào, chỉ cần loạn lan ra càng to càng hay. Trước là gây thanh thế trong vùng, sau khơi loạn ở biên giới, rồi kêu gọi các bọn khác họp cùng. Nên chúng chỉ tụ họp trong các vùng rừng sâu núi cao, tránh đối đầu với đại quân, bị đánh vào hang ổ thì chạy trốn đi nơi khác nhằm kéo dài thời gian ra càng lâu càng tốt. Loạn tích góp lại từ mấy đốm lửa nhỏ dẫn đến cháy cả rừng.”

“Nên hoàng thượng nhất thiết phải tiêu diệt chúng ngay lập tức, không thể để chúng dằng dai trong núi. Mùa đông này mất mùa nhưng Bắc Thành hầu hết yên ổn cả, vì bọn cường hào gây chuyện trong các làng xã đã bị kiểm soát chặt, chỉ còn đám thổ mục trên núi. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ mãi về quân Xiêm ở Bắc Tầm Bôn. Sau chuyện ở Vạn Tượng, Xiêm cứ dằng dai không chịu lập quốc trưởng mới cho nước này, còn đánh tiếng đưa Nặc Giun về Chân Lạp. Hai con của A Nỗ đang ở nước ta, Nặc Chăn là vua Chân Lạp hiện tại, Xiêm nếu muốn tranh bằng chính danh thì không thể, nhưng cũng muốn giành các phiên quốc này. Chúng lảng vảng ở biên giới hẳn đang trông chờ động tĩnh trong nước ta. Thậm chí, có kẻ muốn vời chúng tới. Ngay cả ở Gia Định cũng không ổn đâu.” Nguyễn Tri Phương nói khẽ. “Năm rồi tôi đi Hạ Châu, ngoài các thuyền chở lúa gạo từ Gia Định đến chật cả cảng nơi ấy, tôi còn nghe phong thanh Xiêm đang chiêu dụ các quốc gia Tây dương cùng tới, biến Vọng Các thành nơi đậu thuyền cho Tây dương. Trước đây ta nghĩ Xiêm còn đang bị Anh Cát Lợi khống chế, mắc vào cuộc chiến ở Miến Điện thì không thể phân tâm gây sự với ta. Nhưng ngược lại, Xiêm tự về đầu Tây dương rồi, có thể đẩy chiến tranh sang nước ta để chúng không bị đe dọa nữa.”

“Xiêm là đất nước chuộng Phật, há lại muốn theo Tây dương?” Một người ngồi trong bàn hỏi, Nguyễn Tri Phương cười nhẹ.

“Anh Cát Lợi, Hoa Kỳ đều không theo đạo Thiên Chúa gốc. Vả lại hai nước này đều chỉ muốn trục lợi, không phải dùng đạo giáo dụ dỗ người. Hồi ở Tiểu Tây dương, tôi gặp dân nước mình là Du Gi đã ngụ năm mươi năm tại đó. Hắn kể về việc Anh Cát Lợi chiếm Ấn Độ cùng các lãnh thổ xung quanh, đều là dùng người trong nước đánh người trong nước, kích động mâu thuẫn giữa những nhóm người, đạo giáo. Đến khi đã lấy được lợi thế thì trước là o ép triều đình, sau là chiếm quyền kiểm soát cả đất nước, rồi lại tiếp tục nuôi dưỡng các mâu thuẫn để người trong nước tự đè bẹp lẫn nhau, quay cuồng mà phục vụ bọn chúng. Xiêm tự về đầu Anh Cát Lợi, vốn là do Miến Điện bên cạnh đã bị chiếm giữ rồi, Tây dương chỉ cần một nơi đậu tàu bè, trung chuyển hàng hóa, tiêu thụ thuốc phiện. Nước ấy lại chia thành nhiều vùng, có các tiểu quốc nhỏ, triều đình chỉ cần lo khống chế các vùng ấy, chẳng cần biết việc cai trị ra sao, dân tình sinh sống thế nào, cho nên chỉ cần nắm quân sự càng mạnh càng tốt, có xung đột ở đâu thì Tây dương hỗ trợ. Với bọn tướng lĩnh thì đem các phiên quốc ra làm cớ, biến Việt Nam thành kẻ thù truyền kiếp, để người người tập trung vào việc tranh đoạt biên giới. Ở trong tình trạng chiến tranh, ai mà không đứng cạnh triều đình?” Nguyễn Tri Phương nói cùng tiếng thở dài. “Hoàng thượng mỗi lần hỏi về chuyện chính trị của các quốc gia xung quanh, đều lấy làm lạ bảo quốc trưởng chỉ lo vơ vét thuế khóa, vua chúa chỉ quan tâm lợi ích của mình, thì đất nước ấy sống thế nào? Tôi thì cho rằng, họ chẳng nghĩ gì đâu. Với các ông vua được tôn xưng như thánh thần, với các giai tầng được phân chia, kể cả với các xung đột hàng ngàn năm, họ cứ sống, chết, đánh nhau như đương nhiên thế thôi. Chúng ta nhìn họ nghĩ rằng thế thì không được, nhưng họ vẫn cứ sống đấy thôi.”

“Giống như vừa lại có người ở Hà Nội xin chia đất cho thân công.” Viên quan kia lại nói với tiếng cười. “Như cường hào trong các làng, thổ ty thổ mục trên núi, người ta chẳng cung cúc suy tôn, hào hứng tuân lời, sống chết đi theo chúng đó à? Không có dòng tộc, làng xã thì sống không nổi. Chỉ cần có một vị thánh ở trên nói rằng đời là thế thì nỗi khổ nào mà chả chịu được, sự kỳ quái gì mà chả chấp nhận được. Tây dương chỉ cần đem một vị thánh ra đã đủ đánh lừa cả thế giới, đẩy người người giết nhau đến chết mà vẫn khiến họ cảm thấy mình vui vẻ vĩ đại. Hoàng thượng ở đây nghiến răng tức giận vì mấy kho bị trộm cắp, hai trăm người bị giam vì kho Kinh thương mất một vạn hộc thóc, lại chẳng bằng thả cho người người thỏa ý, mình được gọi là minh chủ anh hùng à?”

“Tôi cho rằng cả Gia Định cũng đang nghiến răng tức giận đấy.” Nguyễn Tri Phương bật cười. “Anh phải nhìn thấy loạt thuyền ở Hạ Châu mới hiểu lợi nhuận bọn thương buôn kiếm được. Phố thương ở Hà Nội năm trước bị tra xét thuyền buôn thuốc phiện, nhưng Gia Định mới là kho thuốc phiện hàng đầu. Bạch Xuân Nguyên phát hiện ra kho gỗ do tên thuộc hạ cũ của Tả quân là Nguyễn Trương Hiệu báo lại, nhưng hắn chỉ là một tên du đãng tép riu biết mỗi kho gỗ to ấy thôi. Bây giờ bắt bọn quản vệ, ép được tên nào khai ra thêm, lúc ấy e là việc không dừng lại được.”

“Nghe nói Bạch Xuân Nguyên đã đem tất cả số gỗ ấy về chất đầy cổng thành làm gương cho cả Gia Định, rêu rao tội lỗi của Tả quân, nhất định không để vụ việc này chìm xuống đâu.” Một viên tướng chợt nói khẽ. “Tháng ba vừa rồi, thành thần báo lên bắt được Phó Vệ úy Nguyễn Hựu Khôi can án. Hắn lại chẳng phải là người quen của Kiến An công lẫn bọn thổ ty ở Ninh Bình, Thanh Hoa đấy à?”

 

Chú thích:

[1] Vịnh nguyệt của Đoàn Huyên

[2] Thực lục: Nguyễn Đăng Giai, Tham tán đạo Ninh Bình, từ phủ Thiên Quan dẫn quân về Thanh Hoa bắt giặc, Tổng đốc quân vụ là Tạ Quang Cự, Tham tán là Hoàng Đăng Thận đem việc tâu lên. Vua phê bảo rằng: "Nguyễn Đăng Giai đã về rồi cũng được. Quan  quân 1 đạo của ngươi không phải không nhiều, cũng đủ làm được việc rồi, chứ còn đợi gì thằng nhãi hay nói khoác mà không có thực dụng kia?".




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.