Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

N
Sunday, May 4, 2014 Author: Trường An

Hum trước nói hổng biết Thần Nông có gì đặc biệt hông, giờ mới đọc thấy người sinh tháng 4, tháng 10 âm lịch đều có mệnh thân Không Kiếp. =-= (Các bạn Song Tử và Nhân Mã sinh khoảng đầu chắc cũng dính chấu.)

Vầng, đừng hỏi tại xao.

Nếu rảnh chắc mềnh đi học cách an sao, chắc từ đó moi ra được kha khá liên hệ của tử vi phương Tây với phương Đông. (*nhấn mạnh* nếu rảnh)

---

Đọc ông Crawfurd có ý nghĩ rất to béo là... quả nhiên người Mỹ là hậu duệ của người Anh. =)) Cái kiểu chọn mục tiêu tấn công "ba con cùng béo vặt lông con nào" mà còn khệnh khạng, nói như chuyện đại nghĩa to nhớn nhắm, người ta toàn là "độc tài" mí lị "cai trị kém", chỉ có người Anh là siêu nhưn. Trong khi nhìn các vị cai trị Ấn Độ với Miến Điện, Nam Phi thiệt... hết ham. Miến Điện từ một nước mạnh gần nhất khối Đông Nam Á bị bần cùng hóa kiệt quệ vì bị vơ vét sạch tài nguyên xuất khẩu về Anh, chia rẽ phân hóa đến thành ra hậu quả như bây giờ. Ấn trở thành chỗ cung cấp bia thịt người lẫn tiền bạc cho Anh đi đánh các nước xung quanh, chết đói mỗi năm cả mấy triệu người. =__= Chỉ có mấy thuộc địa có người TQ sống mới khá lên được, đơn giản chỉ vì dân TQ giỏi thương nghiệp, giỏi biến báo, kiểu gì cũng thích ứng được tuốt. Vầng, nền cai trị siêu nhưn của người Anh thiệt là máy hút máu người chứ chả đùa.

Có 1 điểm mà Crawfurd nhắc đi nhắc lại là dân VN với sự phân công lao động của nhà nước trở nên... quá rảnh, nên chả có giỏi giang về cái gì. Ngay đọc trong sử cũng thấy, có việc là vua bảo quan bắt lính làm, không được đụng đến dân - Dân VN mà làm "khổ sai" kiểu mấy nước khác thì có mà đòi đốt nhà quan chứ đùa. Ngay cả đi đào kênh Vĩnh Tế cũng là bắt dân Chân Lạp đi đấy, theo Crawfurd thì có đến 10.000 người chết vì cái kênh này.

Quan điểm này là nói trên cái nhìn của thực dân, như đã thấy khi Pháp vào là lôi hết dân đi làm cho biết "khổ sai" là thế nào. Nhưng nhìn từ điểm khác thì ngay cả ở châu Âu cũng thế, nếu nhớ đến sự chuyên môn hóa cao độ, các công trường, nông trường thời kỳ đó vắt kiệt sức người như thế nào - Nên mới nảy sinh ra các phong trào bình dân đánh giết nhau như thế. - Vậy thì, Crawfurd cũng đã nói lên một phần sự thật: Sự "phát triển" của tư bản châu Âu phải là bóc lột sức người. - Trong khi đó, quan điểm cai trị của châu Á (đặc biệt là Nho học) là phải hoãn sức dân, là phải coi trọng con người bất kể tầng lớp.

Cho nên cũng không lạ khi NB (hay cả TQ sau này) bắt nhịp được rất mau vào guồng quay này, vì dân chúng... khổ quen rồi, phục tùng lãnh đạo và "hy sinh vì quốc gia" quen rồi. Người NB làm việc điên cuồng từ xưa tới giờ.

Cho nên mới có câu nhận xét "nếu không có đất đai màu mỡ và phụ nữ không làm việc thì đất này nó mới giàu", nghe kiểu ngược đời nhưng nghĩ ra thì hiểu là "phải quất roi vào mông cho chúng nó làm việc hết công suất" kiểu tư bản, một người làm việc bằng hai, gạo bán té le, đứa nào không làm ra tiền thì đói chết ráng chịu, thế mới mong nước giàu dân mạnh.

Xứ người ta đàn ông phải lo tề gia trị quốc, phụ nữ châu Âu thời kỳ này còn lo ăn chơi nhảy múa, có làm việc thì cũng chỉ đi vắt sữa với xén lông cừu, đơm nút cài khuy trong mấy nhà máy, việc nặng việc xa việc lớn đàn ông làm hết. Nên theo quy luật cạnh tranh để tồn tại thì có áp lực mới có phát triển. (Ngay cả ở NB, HQ, TQ bây giờ, áp lực làm việc cũng chỉ đặt lên nam giới, phụ nữ lấy chồng phần lớn bỏ việc ở nhà.)

Các bợn châu Âu đầu óc lạnh lùng là 1, còn đầy dã tính cạnh tranh là 2, nên nó như rứa.

(Mà vầng, đồng chí này là thầy thuốc được cử đi làm lãnh sự, chắc chửa biết nước nông nghiệp là thế nào. Một số nhận xét của Crawfurd là rút tỉa trong vài ghi chép khác trong thời điểm khác nên khá tréo cẳng ngỗng.)

---

Dạo này thích ngồi xem lại mấy phim cũ của ATV. So với phim TVB thường đậm tính giải trí thì phim ATV, đặc biệt là những bộ được đầu tư lớn, có tầm rộng hơn. Nên ngày xưa đài truyền hình thành phố chỉ mua và phát phim ATV. Điện ảnh truyền hình HK ra như bây giờ cũng vì trò mèo của TVB. Trước là mời vài diễn viên tầm trung của ATV về lăng xê thật mạnh, trả lương thật cao để thu hút hết diễn viên bên ATV về bên mình, rồi cho cả loạt diễn viên đó ngồi chơi xơi nước hay dìm hàng bằng mấy vai diễn trời ơi - Thế là 1 đích trúng 2 con chim, vừa lăng xê được diễn viên của mình, vừa hủy hoại được các diễn viên kia, có trở về ATV cũng chẳng còn danh tiếng như xưa. Thế là ATV xong đời.

Mà trên thị trường có cạnh tranh mới có phát triển, TVB một mình một chợ làm ăn như của nợ. =-=

Nói chuyện hông liên quan là dạo này nhìn mấy em diễn viên TQ với kiểu lông mày chữ bát rất là ngứa mắt. =-= Bộ chỉ biết thể hiện tâm trạng bằng cái vẻ mặt đó thôi hử?




NN
Thursday, April 24, 2014 Author: Trường An

Đang quởn nên... nhân ngày quốc tế lao động, hỏi mình cái gì đó đi: ask.fm/meotreocau

Hãy hỏi trước khi mềnh hết hứng xóa đi '_'

---

Đang tự hỏi mình mèo mù vớ cá rán hay khả năng "tiên tri" đã lên cao, hay mình bị theo dõi? =-= Tại xao chỉ vừa nghĩ đến là có người đưa đến nhét vào tay bảo làm?

---

Xiêm ghét VN vì Lào, mà VN bị nghi ngờ trong vụ của Lào là tại... Miến Điện, nói chung thì trách nhiệm là của... LVD. =-=

Gia Long trước khi mất bảo đừng gây chiến ngoài biên ải, xem ra LVD chả coi lời ấy vào đâu. Mà gây chiến được thì có thể không nói, nhưng xui 1 cái là sứ Miến Điện chưa kịp về, Anh đã đánh đến. Xiêm ôm một bung căm hờn lại còn bị Lào quậy thêm. Minh Mạng chắc căm LVD khủng khiếp vì chuyện này. Mà LVD đã cho là Anh đang chuẩn bị đánh Xiêm mà còn định bắt tay với Miến đánh Xiêm "hớt tay trên" Anh thì nguy cơ đánh nhau với Anh cực to.

Ông sứ MĐ bảo MM chủ quan chứ người chủ quan thực sự là LVD. Gì thì gì, tầm nhìn của GL vẫn xa tít mù tắp, dư biết là động quân ngoài ải lúc ấy nó phiền đến mức độ nào, mỗi hành động đều tác động ngược đến nội tình đất nước. Đọc LVD tính toán 1 hồi thì thấy rõ là tầm nhìn của LVD không hề cao.

(Theo những gì ông sứ MĐ ghi thì người viết Đại Nam thực lục thực sự về phe LVD, che giấu cho LVD cực kỳ nhiều thứ.)




N
Friday, April 18, 2014 Author: Trường An

Giới thiệu về "Journal of an embassy from the governor-general of India to the ...,"

John Crawfurd (1783-1868) là người Scotland, làm việc cho công ty Đông Ấn Anh quốc. Ông vốn học nghề y, rồi trở thành nhà quản lý và ngoại giao tại các thuộc địa. Từ năm 1808, Crawfurd được gửi tới châu Á, đầu tiên là Mã Lai, tham chiến chống Hà Lan ở Indonesia và hoạt động tại Java từ 1811 đến 1816. Sau khi Hà Lan lấy lại Java, Crawfurd trở về hoạt động cho Anh, đi lại ở vùng châu Á.

Năm 1821, Crawfurd đến Xiêm La và sau đó là Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa nhà ngoại giao Anh và Xiêm La được coi là cuộc gặp quan trọng đầu tiên của Xiêm La với những nước đế quốc mạnh nhất thế giới - sau biến cố vào năm 1687. Cuộc gặp này đã đặt mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Xiêm La, dẫn đến việc Xiêm La trở thành đồng minh của Anh khi Anh đánh chiếm Miến Điện vào 1624. Và Hiệp định thương mại - quân sự giữa Anh và Xiêm La cũng được ký kết vào thời gian sau đó (1826).

Cuốn Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, exhibiting a view of the actual State of these Kingdoms được Crawfurd xuất bản vào 1830, về những hiểu biết của ông với Xiêm La và Việt Nam trong những năm 1821-1822.

(Ở đây chỉ chuyển dịch phần nói về Việt Nam.)

---

Nói thêm về tình hình Xiêm La, Lào, Anh trong những năm này.

Hiệp định thương mại - quân sự mà Anh ký với Xiêm là hiệp định bất bình đẳng. 5 năm trước đó (1821), khi Anh quốc lần đầu gặp gỡ vua Nangklao, sự phản đối đã nổ ra khắp nơi. Và trong cuộc đụng độ đầu tiên giữa Xiêm La và thủy quân Anh, Xiêm La đã thua trận. Do đó, Xiêm bắt buộc phải trở thành đồng minh hỗ trợ cho Anh đánh chiếm Miến Điện. Xiêm phải đưa quân đội tham chiến ở Miến Điện, nhưng tướng Xiêm phá hỏng một trận đánh, khiến Anh buộc phải yêu cầu họ trở về để đỡ gây rắc rối thêm. Thấy không nắm được Xiêm, Anh bắt họ phải ký hiệp ước. Sau khi Anh đánh thắng Miến Điện vào năm 1826, Xiêm buộc phải ký thêm hiệp ước mở cửa tất cả cảng và để cho người Anh tự do ra vào. Hiệp ước này bắt đầu cho các nước khác nhảy vào, cùng bắt Xiêm ký thêm hiệp ước bất bình đẳng khác. Năm 1833, người Mỹ đến buộc Xiêm ký hiệp ước mở cửa.

Năm 1805, vua Anouvong được Xiêm thả về Lào (phần Vạn Tượng), do quá trình bị Xiêm bắt giữ làm con tin, Anouvong đã có ý định nghiêng về với VN. Năm 1824, nhân lúc Xiêm bị cuốn vào chiến tranh Miến Điện, Anouvong giữ Viêng Chăn, đánh vào Khorat ở Xiêm, tiến gần tới Bangkok. Xiêm đánh trả, Anouvong bị thua, chạy sang Việt Nam cầu cứu. Quân đội Xiêm đánh chiếm Viêng Chăn và san bằng thành thị này. Sau khi Xiêm rút đi, Anouvong trở lại Lào và bị bắt giữ, tra tấn tới chết.

Ở Chân Lạp, năm 1810, những anh em của nhà vua Chân Lạp xung đột, dẫn đến kết quả là 2 người anh em của vua Nặc Chăn chạy sang Xiêm La - trong đó có 1 người là Ang Duong (sử Việt gọi là Nặc Gion), sẽ trở thành vua Chân Lạp sau này. Nhờ có 2 hoàng thân này, Xiêm La nhiều lần tranh chấp với VN quanh ngai vàng Chân Lạp (như đã nói ở dưới). Năm 1847, Ang Duong trở thành vua Chân Lạp. Nhà vua này, trong dự tính thoát khỏi sự khống chế của Xiêm và Việt Nam, đã bí mật trở thành đồng minh với Pháp (Để rồi sau đó, khi Ang Duong qua đời, Cambodia lọt vào tay Pháp.)


Nên ở đây, ta thấy được nguyên do gần nhất cho xung đột Xiêm - Việt tại Chân Lạp là... ở Lào. Vua Lào đánh vào Xiêm, rồi lại được Việt Nam che chở. Tuy thái độ của VN trong chiến cuộc tại Lào cũng khá ngần ngừ, nhưng vì xung đột Xiêm-Lào này, khi Xiêm chiếm Viêng Chăn, vài đầu mục của Lào đã chạy về với VN, VN nhận phần đất họ dâng lập thành những tỉnh huyện Trấn Ninh, Trấn Tĩnh... Lúc này "biên giới" Xiêm và VN đã được đẩy đến sát cạnh nhau. Và xung đột lớn nhỏ đủ kiểu bắt đầu.

Có nhiều nghi ngờ rằng vua Vạn Tượng đánh Xiêm do bên VN xúi giục (dù ta bảo rằng không phải nhưng tất nhiên là người ta nghĩ thế dù phải hay không). Trong mối quan hệ chằng chịt này, nhiều lần các thủ lĩnh tại Lào, Chân Lạp dâng đất cho VN, tuy dưới danh nghĩa "trả ơn, cống nạp", "dâng tặng", thật ra là "nhờ" VN canh giữ phần đất ấy để giúp họ đánh lại Xiêm.

Nên cũng rất nhiều lần, bên VN... không "dám" nhận (Như Gia Long từng nói "Tham một miếng đất để họa ngàn đời"). Nhưng cũng phải nói, là các tướng của VN rất "gấu", hễ thấy là xúi vua nhận (ngay cả Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành vẫn xúi Gia Long nhận đất đánh Xiêm như thường). Xiêm càng ép thì VN càng gấu. Ngay trong năm 1821-1823, khi Lào và Chân Lạp muốn dâng đất, các quan đã đứng ngồi không yên bảo phải lấy đi, làm vùng đệm chống Xiêm, chứ chả lẽ để Xiêm tiến tới cửa nhà.

(Nhưng đã xui thì kiểu gì nó cũng xui. Ta không gây chiến thì cũng mang họa như không.)

---

Xem xét trên "kinh nghiệm" của Thái Lan, thì hành động "chống Pháp" là sai lầm đầu tiên của VN. '__' Thái Lan (cũng như Nhật Bản - hay ngay cả TQ) giữ được nền tự chủ tương đối của mình vì đã thể hiện sự hợp tác tối đa với người Tây. Vua Thái Lan thậm chí còn đặt ra cuộc thay đổi phong tục, xã hội nhưng hầu hết thất bại vì sự chống đối của quan dân, tuy vậy, vẫn chậm chạp đẩy Thái Lan về hướng Tây. Hơn hết, khi "bày tỏ" sự hợp tác, Thái Lan cũng tranh thủ được sự giúp đỡ của người Tây (Như trong cuộc chiến với VN, người Xiêm dùng súng của Anh, và MM phải cho người thám thính xem Anh có tham chiến hay không). Và Thái "sử dụng" người Tây để giành quyền chủ động ở Đông Nam Á, rồi khi những quốc gia châu Á khác lọt vào tay Tây, bị xà xẻo kiểu gì thì Thái vẫn còn... rất to (cái phần bị Pháp và Anh lấy dù chiếm đến 1 nửa nước Thái cổ thì vẫn là thuộc địa =.=).

Như vua Rama III nói trong di chiếu năm 1851: "Chiến tranh của ta với Miến Điện và Việt Nam đã kết thúc, chỉ còn mối đe dọa Tây phương còn lại. Chúng ta phải học sự đổi mới của họ vì lợi ích của chính chúng ta, nhưng không đến mức độ ám ảnh hay tôn thờ." - Và vua Rama IV là 1 người thân Tây nổi tiếng.

Cho nên phái "Chủ hòa" của VN chính là phái sáng suốt hơn hẳn "Chủ chiến". Kết quả của phái "chủ chiến" đại diện bởi Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi chính là VN rơi hẳn vào tay Pháp, mất nốt quyền tự chủ cuối cùng ở triều đình Huế. Càng (chủ động) đánh thì Pháp càng siết chặt, đập lại cho khỏi ngẩng đầu lên. Nhìn lại thì chính thành phần nhóm chủ hòa mới là những người chủ trương cải cách VN.

Vì kinh nghiệm của Thái, Nhật, TQ - và với sự "bạo động" của dân chúng dẫn đến kết quả chả ai nghe ai, trong nhà đánh nhau te tua trước khi đánh địch - mới dẫn đến kết quả thua thảm thiết.

(Ghi chú: Các tướng là thành phần rất nguy hiểm, lúc nào cũng thấy xúi đi đánh nhau. Cái tư tưởng "thà chết không hàng" này đem áp dụng rộng rãi lại cực kỳ có vấn đề. Mấy ổng chết thì chết, tự coi như "đền nợ nước", còn nước bỏ cho ai? Thêm ông vua nóng máu nữa là coi như... xong.)

Cứ chửi là "hông học hỏi nước ngoài" chứ cái kinh-nghiệm "chủ hòa", lót tay mời Tây vào rành rành đó. =))

---

Người làm chính trị, do đó, phải cực kỳ biến báo, ở cái mức độ sẵn sàng đạp đổ - tôn thờ bất cứ thứ gì, miễn là có lợi.

Từ kinh nghiệm của NB, Thái, cũng thấy bước đầu tiên để cải cách phải là sự chuyên chế càng cao càng tốt - hay ít nhất là phải có quyền khống chế, đạp bất cứ đứa nào cãi mình xuống. Có như vậy thì mới mong đi bày trò thay đổi, sửa đổi, xâm phạm tất tật thói quen, phong tục, thứ người ta tôn thờ mà không bị đạp xuống.

Thái thì dùng bạo lực chế người xưa nay, NB thì đi diệt hết phái đối lập rồi muốn làm gì thì làm. Chứ cái trò trống đánh xuôi, kèn thổi ngược chả làm được gì nên hồn hết.

(Ngay cả sự chuyên chế độc đảng cũng đã đào tạo ra tầng lớp ngoan như cún. TQ dùng "vũ khí" này để cải cách đã thành công.)




An account of Cochinchina
Thursday, April 17, 2014 Author: Trường An

(Ở đây chỉ dịch rải rác bổ sung vài điểm khác biệt mà sách dịch lược mất hay dịch khác.)

Người Đàng Trong lịch sự và niềm nở nhất so với các quốc gia phương Đông, và một mặt thì họ đặt giá trị bản thân ở lòng dũng cảm, mặt khác họ lại nhìn nó như thể nỗi xấu hổ vì đã để mình bị cảm xúc cuốn đi. Và trong khi tất cả các quốc gia phương Đông khác nhìn người châu Âu như những kẻ ngoại đạo, ghét bỏ một cách tự nhiên nên lánh xa chúng ta mỗi khi chúng ta lại gần, ở Đàng Trong đơn giản là ngược lại. Chính họ là người tới gần chúng ta, hỏi han cả ngàn thứ, mời chúng ta ăn cùng với họ, tóm lại là dùng tất cả những kiểu cách lịch sự và rất thân thiện, tôn trọng.

Trong mỗi nhà, nếu không quá nghèo, bao giờ cũng có 3 chỗ ngồi: Cách thứ nhất và thấp nhất, là trải chiếu lên sàn nhà trống, những người cùng cấp ngồi trên đó như thể cùng một gia đình. Thứ hai, là một cái ghế đẩu thấp, phủ chiếu thật tốt, dành cho người có danh phận cao hơn. Thứ ba là một cái sập cao gần 70cm, chỉ dành cho các quan và chức sắc bản địa hay người phục vụ thần thánh.

Tính cách tốt và sự lịch sự của người Đàng Trong khiến họ rất hòa nhã với người ngoại quốc, họ được cho phép sống theo luật của mình, mặc theo ý mình muốn, và họ cũng tán thưởng phong tục, hâm mộ học thuyết, thẳng thắn ưa thích người trước mình, hoàn toàn trái ngược với người Trung Hoa ghét bỏ tất cả mọi thứ ngoài phong tục và học thuyết của mình.

Với trang phục phụ nữ, tôi cho rằng họ nghiêm trang nhất ở Nam Á, vì ngay cả trong tiết trời nóng nhất, họ cũng không chịu để lộ một phần nào trên thân thể. Họ mặc 5 hay 6 cái váy, cái nọ chồng lên cái kia, mấy màu khác nhau, cái đầu tiên dài chạm đất mà họ kéo quét trên mặt đất rất nghiêm trang trịnh trọng khiến đầu ngón chân của họ không để lộ. Cái thứ hai ngắn bằng một nửa cái đầu, cái thứ ngắn hơn nữa và cứ thế tiếp tục để tất cả các màu cùng phô ra. Và đây là thói quen ăn mặc của phụ nữ từ phần hông trở xuống. Ở phần trên, họ mặc áo giao lĩnh mấy màu. Trên hết họ có một chiếc khăn nhưng rất mỏng, nên dù có che phủ họ, nó cũng xuyên thấu, phô bày vẻ xán lạn của họ bằng nét e lệ dịu dàng, tạo nên vẻ ngoài đẹp đẽ đường hoàng.

Tóc họ để xõa, phủ qua vai, rất dài đến chấm đất, được xem là càng dài càng đẹp. Trên đầu họ đội cái nón rất rộng che hầu hết mặt họ, khiến họ không nhìn được quá 4 hay 5 bước chân phía trước. Và những cái nón này được dệt lẫn với lụa và vàng, tùy theo gia thế mỗi người. Khi gặp gỡ, người phụ nữ không bắt buộc phải đáp lại bằng phép lịch sự nào ngoài nâng vành nón đủ để trông thấy mặt.

Đàn ông, thay vì khóa kín giáp trụ, quấn mình trong cả dải vải, mặc lên trên 5 hay 6 cái trường sam dài và rộng đều bằng lụa tốt, mấy màu khác nhau, có tay áo rộng như các linh mục Biển Đức. Và những trường sam này từ phía hông trở xuống tất cả đều thấp thoáng đầy tò mò để mỗi khi người đàn ông di chuyển, những lớp màu khác nhau đều cùng phô ra, và nếu có một cơn gió hất chúng lên, họ giống như con công với bộ lông xòe rộng.

...

Đàn ông và phụ nữ đều cầm quạt trong tay, để phục sức hơn là để dùng, không khác phụ nữ châu Âu... Họ không để lộ đầu mình khi chào hỏi, cho đó hành động bất lịch sự.

... Ngắn gọn thì người Đàng Trong không đi giày hay vớ, họ chỉ bảo bọc bàn chân mình với một loại đế giày bằng da với dải buộc qua ngón chân bằng lụa, giống sandan.

Người Đàng Trong không yêu thích lắm phong tục của mình, cũng như không ghét bỏ phong tục ngoại quốc giống người Trung Hoa.




N
Monday, April 14, 2014 Author: Trường An

Ghi chú của thừa sai hội thánh Paris vào tháng 10/1852:

"Năm 1833, Minh Mạng đưa ra sắc chỉ bách hại đạo lần đầu."

Vầng, vậy là chính người Công giáo thừa nhận, những hành động của MM "đàn áp" TC giáo chỉ chính thức xảy ra sau khi người TC giáo nổi loạn. Trước đó, đặc biệt khoảng từ 1826-1830, những hành động mà bọn họ cho là "bắt chẹt" như đưa giáo sĩ về kinh hay khiển trách vì tàu "lỡ" để sót mấy ông giáo sĩ lại VN đều mang tính "la làng" quá độ. (Nhập cảnh bất hợp pháp mà không bị gô cổ giao trả lại bản quốc mới lạ. =_= Còn việc đón giáo sĩ về dịch sách với dạy ngôn ngữ thì MM làm thật chứ chả đùa. =_=)

Theo ghi chép của giáo hội VN, lại thấy mâu thuẫn của LVD và MM ở đây. Người thừa sai tên Phú Hoài Nhân (quá lười để đi tra lại tên tiếng Tây của ông này) mà MM đón về Huế để dịch sách - theo ghi chép này - đã "cầu cứu" LVD và đến năm 1829 thì LVD đến Huế đưa ông ta về. "Tình cờ" sao, theo ghi chép của Đại Nam thực lục, thái độ của MM với LVD từ đó cũng thay đổi 180 độ, dù trong cuộc gặp đó, MM vẫn còn khen "LVD ngày trước ngang bướng, đến khi già lại thuần hậu".

(Có lẽ tác nhân chính vẫn là Trần Nhật Vĩnh - Nên nhớ, Trần Nhật Vĩnh ở Gia Định, trong địa bàn của LVD, trừ khi LVD tự đưa nộp TNV chứ MM cũng chả có cách nào bắt. Vậy thì án của TNV gần như là sự thật.)

Trở lại việc của người TC giáo, thật ra từ đời Gia Long đã có lệnh cấm xây thêm nhà thờ - Và hành động của MM vào khoảng 30-33 cũng chỉ nhắm vào những nhà thờ, hội đoàn lén lút thêm ra, nghĩa là vẫn còn đang thực hiện đúng pháp luật. => Cái sắc chỉ "bách hại" đầu tiên chỉ đến vào 1833, vì lý do mà ai cũng biết, và "tình cờ" sao, từ đúng kẻ mà LVD đem từ Huế về.

Nhân tiện, chả biết Hoàng Công Lý trở thành "cha vợ MM" từ hồi nào. Dòm hết danh sách vợ MM không có lấy 1 nửa cái họ Hoàng, mà dù không có ghi, không có con đi chăng nữa thì với mấy chục bà, vua cũng chả rảnh. MM mắng Hoàng Công Lý xa xả thì mắt ngơ không thèm dòm, "sáng tác" ra thêm được chức cha vợ.

Nhân nói chuyện Chân Lạp "làm phản", nguồn cơn nó cũng sâu xa lắm cơ. Sau khi vụ của Trần Nhật Vĩnh bị khui ra, không biết do đấu đá hay thừa nước đục thả câu, Nguyễn Văn Thoại tức Thoại Ngọc Hầu cũng bị tố tham nhũng cùng (Mà sau này người tố là Võ Du bị xử tội nói láo). Nhưng ở đây cũng phải nói - là quan hệ của Thoại Ngọc Hầu với nhà vua Chân Lạp (hay nói đúng hơn là cả triều đình CL) rất không tốt. Trước đó, TNH chỉ được làm bảo hộ CL 3 năm thời Gia Long rồi theo luật "hồi tị" (quan chỉ nhậm chức 3 năm và không nhậm chức ở quê) phải chuyển đi. Đến thời MM, hầu như toàn bộ cái luật "hồi tị" này không có hiệu lực ở Gia Định. Khi sư Kế làm phản ở CL đầu thời MM, MM phải cho LVD cùng các quan phía Nam về đánh dẹp. Khi đưa TNH làm chức bảo hộ, nhà vua CL phản đối, phải thuyết phục mới nghe (mà ai cũng biết là phần "phục" nhiều hơn phần "thuyết").

Khi TNH vừa chết, quan CL là con cháu Chiêu Chùy Biện (nếu nhớ Gia Long làm sao mà thu được CL thì sẽ nhớ người này :P ) chạy ra chiếm giữ Bắc Tầm Bôn, liên hệ với Xiêm và thông đồng với Nam Chưởng ở phía Bắc lúc này cũng đang ngả về với Xiêm. Năm 1830, LVD báo cáo về động tĩnh ở CL rằng chỉ có mỗi 1 ông quan bên đó là biết "đề phòng Xiêm", còn lại nếu không trông ngóng Xiêm thì cũng khoanh tay ngồi yên. Xiêm sau khi rảnh tay Miến Điện (đã bị Anh chiếm) thì đánh sang phía Đông, hết gây rối ở Lào rồi chuẩn bị đưa hoàng thân Chân Lạp về lật đổ vua (nhìn lại lý do tại sao GL thu được CL).

Sau khi TNH chết, chức bảo hộ CL thay đổi liền xoành xoạch. Ở đây lại thấy một người là Tham tri Binh bộ Bùi Đức Minh được MM cử làm bảo hộ, bác đi tiến cử của LVD - rồi sau đó chỉ mấy tháng, Bùi Đức Minh bị các quan ở CL tố làm việc nhũng nhiễu. Sau đó, quan của MM là Võ Du lại đi tố TNH tham nhũng (việc này chắc không phải MM chủ mưu, vì MM cho sứ báo với vua CL là trị tội kia rồi, bên kia mới bảo không phải, do tên Võ Du nói xạo => quay ra trị cả 2 =-=).

Lại nói, sau khi LVD chết, lại có quan ở Phủ Lật của CL trốn tiếp về Xiêm. Ta hãy nhớ, CL có kết cấu khá là giống VN thời cổ, nghĩa là các quan ở đây lĩnh phong ấp, làm chủ cả vùng. Quan trốn đi nghĩa là có nguy cơ 1 ngày nào đó cả cái vùng ấy sẽ trở cờ khi họ quay lại (Nên mới có cái nhận xét "Dân Man chỉ nghe theo lời người đầu mục"). Rồi ngay sau đó, quả nhiên người ở Bắc Tầm Bôn gọi Xiêm đến đánh Phủ Lật. Rồi ngay sau đó, thám báo được Phi Nhã Chất Tri đang gom quân chuẩn bị đánh Bắc Tầm Bôn. => Rồi đến sự kiện thành Phiên An.

Khi quân Xiêm đánh vào, có 1 điểm đặc biệt là trong nhóm quân này, ngoài người Xiêm và CL còn có người Thanh, Java và đặc biệt 1 nhóm người theo đạo do giáo sĩ ở nước Xiêm chiêu mộ.

Đến khi bình định được miền Nam, đưa vua CL trở về thì CL xảy ra nạn đói, rồi vua chết. Từ đây rắc rối còn to hơn khi vua này không có con trai, chỉ có con gái, trong khi Xiêm đang giữ mấy hoàng thân. Nhắm không giữ được, triều đình VN mới đưa các công chúa về, đặt thành Trấn Tây. Nhưng Xiêm cũng chẳng chậm, đưa ngay hoàng thân về biên giới. Rồi sự việc ở biên giới cứ thế dằng dai - Nhất là ở các địa điểm Bắc Tầm Bôn, Phủ Lật. Cho nên mới xảy ra chuyện các thủ lĩnh, quan lại, thổ mục CL "tạo phản" - bị bắt giết. Rồi tai bay vạ gió trúng công chúa CL => kích nổ cái ngòi quan trọng nhất.

Kể ra thì ngay lúc vua Nặc Chăn chết không để lại đứa con trai nào, VN đã gần như mất quyền với CL. Quan hệ với Xiêm thì đã đổ vỡ, không còn điều đình như thời Gia Long được (Nhưng kể ra thì nếu là GL chắc cũng vẫn điều đình được, vì GL toàn chơi chiêu lùi 1 bước tiến 3 bước - như lúc hất cẳng Chiêu Chủy Biện, MM không có cái sự mềm dẻo này). Khi giết Ngọc Biện, có lẽ bên VN nghĩ là vẫn còn 2 người em, nhưng quên mất là người CL đang rất chia rẽ phân tán, không hài lòng với vua, cũng lo ngại VN diệt vua của họ.

Nhưng chiến tranh chỉ là điều kiện thời gian. Nếu bảo nguyên do từ "vài ông quan lại nhũng nhiễu" thì xin lỗi, người VN chả tốt đẹp với người ngoại quốc bao giờ.

(Thứ sử được dùng để "truy tố", "đổ tội" thì chả thấy xa hơn ngọn tre được bao giờ. =____=)

---

Có ai thích đọc về trái cây thế kỷ 17 hông để mình dịch chương 3? =-=

---

Tới giờ mới xem Vương đích thịnh yến của Lục Xuyên, cảm thấy... ờ, ảnh hưởng của "lịch sử hiện đại" hơi nhiều (if you know what I mean). Xem xong đâm ra thích Hàn Tín. >_< Nhân vật rực rỡ sáng chói nhất trong thời đó phải là Hàn Tín, Hạng Vũ bại dưới tay Hàn Tín đấy chứ. Hàn Tín có lẽ đích thực là một người nội tâm đơn giản (nên mới trung thành với Lưu Bang như thế), mà con đường bỏ Sở theo Hán của Hàn cũng đơn giản vì "kẻ quý tộc chỉ thấy hào quang của riêng mình họ". Thật ra nhắm mắt cũng hiểu tại sao Lưu Bang quy tập được nhiều người như thế. Với 1 Hàn Tín từng không hề bận tâm đến giá trị bản thân, cũng không được ai nhìn thấy, thì ánh sáng kia thật quá tươi sáng. Ký ức cuối cùng của Hàn Tín (trong phim) trên đường đi tới cái chết, quá là... T__T Niềm tin đó, ánh sáng dẫn đường đó, tình cảm một thời, lý tưởng một thời, cả dục vọng của một thời, cuối cùng trở thành như thế. Hàn Tín quá mức "lý tưởng" nên mới phải bị hủy diệt. Đến bây giờ mới thấy 1 Lưu Bang được xây dựng gần gần với những gì đã nghĩ. Lưu manh nhưng không hèn kém, lỗ mãng thô hào nhưng không khờ khạo, mưu tính nhưng không hèn hạ kiểu "gian thần luồn cúi", trọng vợ chứ không sợ vợ (đã bẩu, Lã Hậu sau khi Lưu Bang chết mới dám lộng hành). (Nói chuyện ứ liên quan, lá số tương truyền của Lưu Bang là Tử Vi cư Ngọ, con người kiểu gì cũng là đế cư đế vị. Còn Hạng Vũ lại là Cơ Nguyệt Đồng Lương, con người kiểu gì cũng tiềm ẩn "cái nhân của đàn bà" - hổng biết có phải vì thế không mà anh diễn viên nào đóng vai này cũng có đôi ba phần rất là "Thái Âm".) Nói chung thì, Lục Xuyên đem phim này đi Tây chiếu, dù Tây chỉ biết lõm bõm sử thời Hán Sở thì chắc cũng hiểu đó - vì nó quá gần với sử TQ hiện-đại.

Nhưng mà điều này có điểm bất lợi là phim do đó không khai thác được điểm gì mới lạ. Nghĩ nó còn thiếu cái gì đó mà chưa biết là cái gì.

---

Theo ghi chép kia (ở dưới) thì vốn chẳng có cái định nghĩa "người Kẻ Chợ" hoặc "người Thăng Long" gì ráo - Vì người trong Kẻ Chợ vốn là người từ các làng vệ tinh xung quanh nó, đại diện cho làng đó để buôn bán trong đó. Nên trong Đại Nam thực lục có ghi một câu đại loại "Hà Nội toàn dân tứ chiếng", rồi lại có "dân cư không theo nghề nông nên tứ tán không lập sổ được". Cái bản chất của nó là "bốn phương tụ về", nó chỉ là "bản thu nhỏ" của nguyên một hệ thống làng mạc xung quanh, hầu như là cả xứ Bắc. Ngay cả tầng lớp vua quan thì cũng có phong ấp, phong điền, quê quán của mình.

Nên tính chất của nó vẫn là văn hóa làng xã (hễ nói đến cái gì là có ngay xuất xứ từ 1 làng nào đó). Kẻ Chợ nói đúng ra là... 1 cái chợ to, nơi người ta đem hàng ra bày bán.

Ờ, như vậy thì nó không giống kiểu thành thị tập trung các thương nhân mua hàng từ những nơi khác về bày bán - mà tính chất gần giống định nghĩa "nguồn" ở Nam Hà, nơi người trong các làng mạc đem hàng hóa tập trung về. Vì nhà Lê cấm người Hoa ở Thăng Long, nên không có tầng lớp thương nhân trung gian này. Những nhà buôn châu Âu cũng chỉ có thể sử dụng vợ bản địa để tìm mua vật phẩm, khi họ cũng không có quyền tìm kiếm vượt mức.




A description of the kingdom of Tonqueen
Monday, April 14, 2014 Author: Trường An

Bạn Trân vừa gửi cho mình 3 chương của sách này. Vì đây là một loại tài liệu quý giá mà không có bản dịch hoàn chỉnh nên mình tự đi dịch, trước là để cho mình xem.

*Gửi tấm lòng cám ơn sâu sắc đến bạn Trân vì những chữ quý hơn vàng :) *

---

Giới thiệu tác giả:

Samuel Baron là con lai của một thủy thủ người Hà Lan với một phụ nữ Bắc Hà, sinh vào khoảng giữa thế kỷ 17 ở Đông Kinh và đã sống cả quãng đời niên thiếu ở Đông Kinh - Bắc Hà (ở đây hãy gọi Thăng Long là Đông Kinh đúng như cách gọi bấy giờ). S.Baron trở về châu Âu vào 1659 và trở lại châu Á vào 1670s, đến Đông Kinh vào 1672 và làm việc cho công ty Đông Ấn Anh quốc tại đây đến 1674. S.Baron đi đi về về giữa Âu Á, đặc biệt là Bắc Hà khá nhiều trong những năm 1670s-1680s, và làm bạn với một nhà khoa học có niềm yêu thích đặc biệt với các nền văn hóa mới lạ là Robert Hooke ở London. Năm 1680, một giáo sĩ là Jean Baptiste Taverniere xuất bản một cuốn sách mô tả về Bắc Hà ở Paris, Hooke gửi cho Baron để hỏi ý kiến xem có chính xác không. Taverniere chưa bao giờ ở Bắc Hà, chỉ viết dựa vào những câu chuyện, đồn đoán và ghi chép của những tu sĩ trước đó, Baron viết chỉ ra những điểm sai của ông ta.

Cuốn sách này được S. Baron bắt đầu viết ở Việt Nam, được gửi tới nhà xuất bản ở London vào 1685. Được viết bởi một cái nhìn của người nội địa và nhiều kinh nghiệm, nhưng mục đích trước hết là để chỉ ra những lỗi sai của một cuốn sách khác, giọng điệu Baron không thiếu chỉ trích, với sự tự tin của một người hiểu biết thế nào là Bắc Hà thật sự.

Sau đó, không còn thông tin nào khác về S.Baron. Ông không nổi tiếng bằng người cha của mình, Hendrick Baron, nhân viên của công ty Đông Ấn Hà Lan, người đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Hà Lan và Bắc Hà trong những năm 1650s, được mô tả là "đã ở Đông Kinh lâu ngày và thông thạo ngôn ngữ". Trong xung đột của Bắc Hà và Nam Hà thời gian này, H.Baron đã từng có thời kỳ bị bắt giam ở Hội An. 1659, H.Baron trở lại Bắc Hà và làm việc ở đây, đi về giữa Batavia và Đông Kinh, và qua đời vào 1664.

Ghi chép của công ty Đông Ấn Hà Lan về S.Baron là "con lai Bắc Hà", S.Baron tự mô tả mình "đại loại là dân bản địa" trong ghi chép về Bắc Hà, và nói rằng mình sinh ra ở Bắc Hà. Vì thế, mẹ của S.Baron hoàn toàn có thể là người Việt.

William Dampier viết vào năm 1688 về tục phụ nữ Bắc Hà bán mình như một "người vợ tạm thời" cho các thủy thủ và thương nhân nước ngoài:

"Ngay cả khi ở với những Người lạ, họ rất trung thành, nhất là với những cuộc cư ngụ lâu và đi về thường xuyên, như người Hà Lan thường làm. Nhiều người trong bọn họ (Hà Lan), có được cơ ngơi tốt bởi những người vợ Bắc Hà của họ, do trước hết tin tưởng giao tiền và hàng cho họ. Vì trong đất nước nghèo khổ này, có lợi nhất là đi buôn, và những phụ nữ buôn bán này nếu có tiền thì sẽ tiến xa, có thể mua được lụa vào thời điểm chết trong năm."





Copyright © Trường An. All rights reserved.