Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

PTTH
Tuesday, April 24, 2018 Author: Trường An

Nhân kể chuyện xưa năm đó... Hồi trước mình bảo vua Khang Hy ưu ái giáo sĩ phương Tây lắm, mà các triều đình châu Á thời kỳ đầu cũng ưu ái người phương Tây lắm, vậy thì nguyên do gì quan hệ đổ vỡ? Ờ thì ta hãy quay về năm 1705.

Thật ra từ khi Marco Polo đến triều đình nhà Nguyên, quan hệ giữa Tây dương và các nước châu Á vẫn tiến triển theo chiều hướng khá là phức tạp, ví dụ như triều Minh quan hệ với Bồ Đào Nha, nhượng Ma Cao để đánh dẹp Từ Hải. =)) Nhưng chỉ từ khi Anh chiếm Ấn Độ, Tây chiếm được vài hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, mối quan hệ với châu Á mới được đặt vào tầm quan trọng - thông qua các phái đoàn giáo sĩ. Chính quyền Mạc Phủ từng nhờ Tây dương mua vũ khí mà thống nhất đất nước, Miến Điện liên kết với Bồ Đào Nha, Chân Lạp cũng từng quan hệ với Bồ Đào Nha nhằm đánh Xiêm, Xiêm thì quan hệ với Pháp, cử luôn phái đoàn đầu tiên của châu Á đến triều đình Pháp. Ở Việt Nam thì chúa Trịnh liên kết với Hà Lan đánh Nguyễn...

Nhưng các quan hệ này dần dần đổ vỡ, trước tiên là ở các nước nhỏ. Pháp quay đuôi ra đánh chiếm Xiêm, bị Xiêm đập cho 1 trận đuổi đi 2 thế kỷ sau mới được quay lại. Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đánh chiếm các đảo quốc, nhăm nhe đánh Nguyễn - khiến sử Nguyễn trở thành danh sách "1 mình chống mafia" đánh từ Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha sang đến Nhật, Xiêm. Nói chung, trong thời kỳ đầu, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật chưa tới, chỉ mạnh về thuyền để lòng vòng ngoài biển, nhăm nhe thấy ở đâu sơ hở thì nhảy vào, Tây dương cũng đủ gây thù chuốc oán khắp nơi vì sunsee. =))

Nhưng Trung Quốc với vị thế to bự của mình thì chả thằng nào dám động vào, vậy là "quyền lực mềm" được triển khai. Nghe đồn 1 trong những lý do Mãn Thanh chiến thắng là nhờ súng đạn do Tây dương cung cấp (hãy nhìn đến hoàn cảnh tộc du mục này không sản xuất sáng chế được gì ráo, cho nên việc này không có nghĩa "súng nó ưu việt lắm" đâu). Khi Khang Hy lên ngôi, quan hệ này càng trở nên khăng khít khi vua liên kết với Tây dương thu tóm Đài Loan trong tay họ Trịnh, đánh Nga La Tư, chinh phục các tiểu quốc, tỉnh thành phía Bắc, vươn sang phía Tây... Nói chung, vị thế các giáo sĩ trong triều Khang Hy vô cùng lớn, đến mức vào năm 1692, Khang Hy đã ban chỉ cho phép Thiên Chúa giáo, đặt tôn giáo này ngang hàng với Khổng giáo.

Trong chiếu chỉ "Chính giáo phụng truyền" năm 1692, Khang Hy viết: "Người Tây dương rất yên tĩnh, họ không kích động rối loạn ở các tỉnh thành, không gây hại cho bất cứ ai, không phạm tội, giáo lý của họ không có gì chung với các giáo phái giả dối trong nước... Do đó, ta quyết định rằng tất cả các nhà thờ dành cho Đức Chúa trời ở bất cứ nơi nào cũng nên được bảo toàn, cho phép những người thờ phụng Đức Chúa này được vào nhà thờ tôn vinh ngài ta, thực hiện các nghi lễ cổ truyền của Kitô giáo. Vì thế, không ai được phép ngăn cản họ."

Lại nói, vào thời kỳ đầu, những giáo sĩ đến châu Á tìm cách hòa nhập với các tập tục châu Á, mặc áo giống như nhà sư và cho phép tín đồ thờ cúng, tín ngưỡng. Vào năm 1656-1659, Giáo hoàng Alexander VII cũng đã ban luật "ưu ái phong tục Trung Hoa", cho phép các giáo sĩ đến hoạt động ở châu Á hòa nhập và chấp nhận phong tục bản xứ, sử dụng các loại ngôn ngữ riêng của xứ này. Hướng dẫn năm 1659 ghi:

"Đừng hành động nóng nảy, đừng tranh cãi với bất cứ ai nhằm thay đổi nghi lễ, phong tục tập quán của họ trừ phi nó trái với tôn giáo và đạo đức. Đừng mang quốc gia của chúng ta đến với họ mà thay vào đó là mang Niềm tin, một Niềm tin không làm tổn hại phong tục, nghi lễ của bất cứ ai, do đó không gây ghét bỏ mà còn bảo vệ, giữ gìn bọn họ."

Nhưng ai rồi cũng khác. :)) Khi đã có vị trí quan trọng trong triều đình Khang Hy, tham gia vào cả quá trình đàm phán trong chiến tranh với Nga La Tư, nhận được sự ưu ái của vua cho phép tôn giáo được truyền khắp nơi, từ đó tôn giáo này không còn giới hạn trong giới cùng khổ mà chạm đến tầng lớp cao hơn, rồi va chạm với các phong tục trộn lẫn lâu đời của Trung Quốc. Các giáo sĩ ở Roma liền đề ra luật giới hạn "nghi thức Trung Hoa" bao gồm:

- Định nghĩa lại từ Thiên Chúa, không cho tiếp tục dùng chữ Thượng Đế, Trời.

- Cấm người theo đạo tham gia vào các nghi thức của Khổng giáo.

- Cấm người theo đạo sử dụng bàn thờ "dành cho các linh hồn", bao gồm cả nghi thức cúng bái tổ tiên.

Giáo hoàng Clement XI thông qua luật này vào năm 1704, và cử phái đoàn sang thông báo cho vua Khang Hy. Từ năm 1704-1715, Giáo hoàng liên tục thắt chặt, bổ sung thêm lệnh cấm này, trong đó đặc biệt cấm giáo đồ tham gia cả vào các nghi thức tế lễ xuân, thu, cúng tổ tiên - ngay cả việc xuất hiện tham gia vào lễ tế của người bên ngoài cũng không được; không được đi vào đền chùa cúng ngày mùng 1, 15 hàng tháng; không được cúng tổ tiên ngay trong nhà mình; không được tổ chức cúng lễ đám tang, đám giỗ - ngay cả tham dự lễ tang, lễ giỗ của người khác cũng không.

Vào năm 1742, Giáo hoàng Benedict XIV tung ra quả chốt là cấm bất cứ giáo sĩ nào bàn luận về lệnh cấm này.

Năm 1721, sau nhiều lần tranh cãi với việc Vatican khăng khăng bắt các giáo đồ ở TQ phải tuân thủ lệnh cấm này, thậm chí muốn vua ban lệnh cho giáo đồ phải tuân thủ, Khang Hy chịu đựng hết nổi, ban lệnh cấm truyền bá tôn giáo này trên toàn đất nước.

"Với thông cáo này, ta thấy hẳn nhiên người Tây dương là đồ nhỏ nhen. Thật sự không thể nói lý với chúng được vì chúng không thể hiểu các vấn đề lớn mà chúng ta hiểu ở TQ. Đánh giá từ tuyên bố này, ta thấy tôn giáo của chúng chẳng khác vài giáo phái nhỏ nhảm nhí của Phật giáo hay Đạo giáo. Ta chưa từng thấy một cái văn bản nào thậm vô lý đến như thế. Để tránh rắc rối hơn, từ nay trở đi, Tây dương không được phép truyền đạo ở TQ."

Năm 1724, Ung Chính lên ngôi, ban lệnh cấm hoàn toàn Thiên Chúa giáo.

Vừng, và kết quả là tôn giáo này bị cấm trên hầu như toàn lãnh thổ châu Á. Theo như các quan chức VN mô tả thì tôn giáo này "dạy con người từ bỏ cha mẹ, tổ tiên, quê hương", gây tụ tập mất trật tự an ninh xã hội. Hay như trong đầu đời Gia Long, lá bài "nghi lễ Trung Hoa" được đưa ra như phương thức đấu đá chính trị.

(*nói nhảm* Nói chung là cũng chả ông vua nào chịu nổi khi quần thần biến mất sạch trong lễ tế xuân thu, lễ nghi triều đình, thậm chí tang lễ nhà mình nó cũng không ló đầu tới, mình kể về tổ tiên anh linh thì nó quặc cho câu "ma quỷ ó". =)) )

Đến tận năm 1939, Giáo hoàng Pius XII mới nới lỏng lệnh cấm này, coi "nghi lễ Trung Hoa" là nghi thức xã hội chứ không phải tôn giáo, và người theo đạo được phép tham dự, thực hiện các "nghi lễ dân sự" này. Sau đó đến năm 1943, chính quyền Trung Quốc đương thời mới thiết lập quan hệ với Vatican.

---

Nói thêm, thật ra cùng thời kỳ với Kitô giáo còn có các giáo phái khác từ phương Tây tới, và những giáo phái này hoàn toàn không bao giờ chịu chấp nhận "nghi thức Trung Hoa" hay phong tục bản địa.

Mà nói cho cùng thì, số tôn giáo cấm thờ ngẫu tượng trên thế giới vốn cũng hơi bị nhiều.




KQ
Tuesday, January 23, 2018 Author: Trường An

Chả quan tâm gì đến cái chiện-đang-tranh-cãi, dưng mờ vì người khác quan tâm còn mềnh chỉ góp mồm tám nhảm, thuật chiện 1 lúc tự nhin ánh sáng chói qua tim, (tự cho) là hiểu được nguyên do ngọn ngành của cái chiện khiến VN-TQ tranh cãi tưng bừng nài. Tất cả là tại... 2 thằng đều mưu mô lươn lẹo như nhao ó.

Tám nhảm nhắc đến chiện Triều Tiên làm chư hầu hông được xưng đế, phải cho thái tử sang làm con tin, vua thì vài năm phải sang chầu. Rồi tám tiếp qua các phái đoàn mà Tây Sơn gửi => Tự dưng về gác tay lên trán liên hệ 2 chiện này với nhao, và rồi iem đã hiểu.

Phái đoàn ban đầu có con trai cả của Nguyễn Huệ là Quang Thùy với con trai cả của Nguyễn Nhạc là Quang Hiển đi. Nhưng nửa đường Quang Thùy giả bệnh chuồn về nước, sử ghi chung chung là "sợ bị bắt làm con tin" => Thực ra đây chính là 1 phần chính sách chư hầu của nhà Thanh, chư hầu phải đưa thái tử sang TQ làm tin.

Việc nhận thái tử thất bại, vậy là lần 2 gọi đích danh Nguyễn Quang Bình sang chầu. Vậy là từ đây bắt đầu câu chiện mập mờ của cả 2 bên. Nhưng nhìn tổng thể, có thể nhận ra toàn bộ sự việc như sau:

Quân Thanh bị đánh dạt khỏi Thăng Long, nhưng Phúc Khang An "phù phép" làm sao đó mà báo về triều đình nhà Thanh rằng đã "thắng" (Câu chiện này còn được ông sứ Anh nghe chiện xài xể nhà Thanh là đồ quan liêu mất não). Nhưng theo lý mà nói, giấy không gói được lửa, Tôn Sĩ Nghị chết không thể giấu, vả lại ý định ban đầu của Càn Long là "nếu thấy thuận lợi thì chiếm luôn", có khác thì cũng là đưa vua Lê về chứ không phải để người khác lên làm vua chiếm luôn nước. Bất cứ mục tiêu nào cũng không đạt được, vậy mà Càn Long vẫn coi đây là 1 chiến công, nhà Thanh vẫn chấp nhận là 1 chiến thắng. Vậy thì cái "chiến thắng" mà Phúc Khang An báo lên trong trường hợp này chính là: Triều đình Tây Sơn chịu quy phục, chấp nhận làm chư hầu (kiểu Triều Tiên).

Điều này là giả thuyết hợp lý nhất, vì các đội quân thua trận chiến nhưng ép được nước khác quy phục vẫn là chuyện thường thấy, và vẫn được coi là 1 chiến công. Và điều này mới dẫn tới toàn bộ những việc lằng nhằng xảy ra đằng sau như "thái tử An Nam" nửa đường trốn mất, "vua An Nam" thì đứa nào cũng chối bảo không phải tao - trong khi triều Thanh cho rằng nghi thức nhận chư hầu đã được xác lập.

Nghĩa là, Phúc Khang An đã điều đình bằng cách thuyết phục Tây Sơn nhận chư hầu (kiểu Triều Tiên, Tây Tạng) với triều đình Thanh, và Tây Sơn đã đồng ý - ở đây chuyện diễn kịch này không biết có sự góp phần "giúp đỡ" của Phúc Khang An hay không. Triều đình Thanh theo quy tắc, trước gọi thái tử chư hầu sang, sau gọi vua sang chầu. Bên VN vừa muốn khỏi chiến, vừa không muốn làm chư hầu, nên đã lập lờ đánh lận mấy lần với các nghi thức này, ra điều "Tao chả thực hiện nghi thức nào cả, chả xác lập quan hệ nào đâu nhóe". Ngay cả sử Nguyễn dù chả ưa gì Tây Sơn nhưng vẫn ghi kỹ là vua giả đấy nhóe, nhà tao chưa từng sang làm chư hầu nhà mày. Còn bên Thanh (Càn Long) thì chắc mẩm nó đã sang đây lạy mừng ta, vậy thì ta đã thu phục được nó, cần ghi "An Nam chiến sử" này vào danh sách chiến công của ta, há há há. Điều này cũng giải thích được tại sao "giả vương" qua mặt được Phúc Khang An cùng 1 đống người khác, đơn giản vì... 2 bên thông đồng với nhao, Phúc Khang An chỉ cần không muối mặt với Càn Long là được, có chiến công báo về là được, còn hậu quả thì... Càn Long sắp chết ồi, khỏi lo.

Điều này cũng giải thích cho việc tại sao Càn Long hết lần này đến lần khác... dùng lễ đãi chư hầu "ưu ái" Nguyễn Huệ, hết tặng áo đến tặng thơ. Còn Nguyễn Huệ sau mấy năm thì khó ở đến mức bảo Võ Văn Dũng sang xin đất, xin công chúa nhà Thanh để làm cớ "không cho thì gây chiến". (Thiệt ra thì chiện xin người cũng hông mấy lạ, vì nhà Nguyên vẫn gả công chúa cho Triều Tiên, có gì thì chỉ ở chuyện xin đất thôi, cho nên nó là 1 chiêu vừa đấm vừa xoa kiểu "tau có thành ý rồi đó nha, mài có muốn kết thân (hơn) với tau hông"). Thật ra đây cũng là 1 chiêu trò thường thấy của chư hầu khi muốn tách khỏi "mẫu quốc": tau xin mà mài hông cho thì hông đủ thành ý, tau đi đây, bái baiiii. Lỗi tại mày hông phải tại tau, vậy nha.

Càn Long hông biết có nhận ra màn kịch này không hay là vẫn diễn kịch theo, vì TQ tự xưng là "quốc gia theo lễ", nên lễ xong rồi thì coi như xong, còn đứa nào làm lễ kệ nó, chỉ cần danh nghĩa đó là được. Còn anh VN "khôn lỏi" xưa giờ kiểu "chân tau gãy hông quỳ được nha", mày tự sướng kiểu mày, tau tự sướng kiểu tau. Kết quả là... 1 đống bùi nhùi cho con cháu cãi nhao mà thực ra... chả đứa nào hiểu đứa kia làm gì. =))




1814
Saturday, January 13, 2018 Author: Trường An

Năm 1814 là 1 năm kha khá quan trọng trong triều Nguyễn thời Gia Long. Bề ngoài thì ta thấy đó là chuyện xử nhau của 2 phe nhóm Nguyễn Văn Thành - Lê Văn Duyệt, cộng thêm các sự kiện "râu ria" khác như họ Lê làm phản, lập thái tử, chính sách đối ngoại (cắm cờ ở Trường Sa cũng trong năm này luôn)... Nhưng khi nhìn toàn cảnh, có thể nhận thấy 1 việc sâu hơn thế.

Thời kỳ đầu, Gia Long đã lấy toàn bộ các quan Đàng Ngoài đã đi theo mình + các quan Lê Trịnh Tây Sơn (thậm chí từng có ý định dùng Ngô Thì Nhậm luôn mà Đặng Trần Thường "nhanh nhảu" đánh chết). Toàn bộ bọn họ nằm dưới quyền của 1 nho tướng kha khá có uy tín, tri thức, quan hệ tốt là Nguyễn Văn Thành. Đáng chú ý là trong khi cơ cấu quan lại ở Đàng Ngoài khá bình ổn, không có nhiều biến động trong nhiều năm, thì ở Đàng Trong, Gia Long thực hiện chế độ chỉ cho quan làm việc 3-4 năm ở 1 chỗ, thay đổi liên tục.

Điều này cho thấy rõ ưu tiên của nhà Nguyễn lúc này trong ổn định Đàng Ngoài là ổn định quyền lực địa phương, trong khi điều tiết quyền lực quan lại ở Đàng Trong để hạn chế thấp nhất bất ổn như đã nói trước. Ở đây lại cần chú ý đến 1 nhân vật đáng kể: Lê Văn Duyệt.

Thực chất trong thời Gia Long, Lê Văn Duyệt có tiếng là địa vị cao nhưng về quyền lực hay vị trí thì lại rất... khó nói. Đơn giản là vì Lê Văn Duyệt "bị" Gia Long điều đi vòng vòng các nơi, hết chạy đông rồi chạy tây, hết đến Nghệ An rồi về Quảng Ngãi, lâu lâu cho về Gia Định "xả hơi". Điều này cho thấy Gia Long thực sự không bao giờ để quyền lực thực sự nào rơi vào tay Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, trong bước đường chạy ngược xuôi ấy, Lê Văn Duyệt lại thu thập được 1 lực lượng khá đáng sợ: người Thanh Nghệ.

Từ Lê Văn Khôi cho đến Nguyễn Hựu Nghi, cho đến đám tù phạm sau này nổi dậy ở thành Phiên An, tất cả bọn họ đều có chung 1 "nguồn gốc". Và thực sự, "vấn đề ta tưởng ở thành Nam nhưng thật ra nằm ở thành Bắc", xung đột kéo dài triền miên gần suốt triều Nguyễn thật ra là xung đột của Thanh Nghệ - Đông Kinh ẩn dưới lớp vỏ của 2 ông quan Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt (kể cả Lê Chất). Sau khi tố cáo Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hựu Nghi được cử đi trấn thủ Nghệ An - và lại tiếp tục đóng vai trò trong chuyện của 1 ông quan Đông Kinh được Minh Mạng cử đi làm Hiệp trấn Sơn Nam hạ: Lê Duy Thanh. Và điểm rõ nhất ta thấy là sau khi Lê Chất được cử ra Bắc, nhiều quan Đông Kinh bị triệt hạ bởi đủ loại tội lỗi khác nhau. Và thời điểm này, chính là lúc Gia Long lập thái tử.

Có thể nói, Lê Chất chính là 1 loại "tốt thí" hay con cờ mà Gia Long đưa ra Bắc Thành trong thời điểm ấy. Là người Quy Nhơn ở Đông Kinh, Lê Chất vốn không có khả năng tạo phản, và 1 khi đã gánh toàn bộ tội lỗi truy diệt giới trí sĩ Đông Kinh, Lê Chất càng chẳng hy vọng có được một vị thế vững vàng ở đó. Tất cả những gì Lê Chất có thể làm chỉ là phục vụ triều đình cho đến chết. Và nếu trong thời điểm chuyển giao quyền lực có điều gì bất thường xảy ra, những kẻ nằm trong phe Lê Chất - Lê Văn Duyệt sẽ đóng vai trò chính trong việc dùng "bàn tay sắt" để trừ diệt đối thủ. Ngược lại, nếu có tội lỗi gì, Lê Chất sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc ổn định Bắc Thành, trong thời điểm này, đã chuyển từ "lấy uy tín phục người" một cách hòa hoãn, sang khống-chế toàn diện, với sự giúp sức của nhóm-thân-LVD từ Thanh Nghệ, sau khi trừ diệt hầu hết tàn dư của "thế gia vọng tộc" Lê Trịnh vùng Đông Kinh (trong khi các thế gia vùng Thanh Nghệ vẫn khá ổn).

Trong khi đó, Lê Văn Duyệt bị gọi từ Gia Định về Huế, để Trịnh Hoài Đức làm Tổng trấn Gia Định. Nên lưu ý, Trịnh Hoài Đức chính là thầy dạy của Minh Mạng, là người mà hầu như nói gì Minh Mạng cũng nghe trong thời gian sau này, là cái gai trong mắt Lê Văn Duyệt. Vậy là, 1 cách hết sức êm đềm, Lê Văn Duyệt đã bị "cô lập" trong triều đình Huế, nơi chỉ gồm toàn những viên quan Thuận Quảng và Gia Định trung thành với triều đình, nắm trong tay một nhóm quân mà thực tế là thuộc quyền của vua. Và cũng như Lê Chất, Lê Văn Duyệt trở thành người chịu toàn bộ trách nhiệm cho cuộc đấu đá trong triều đình, những cái chết cùng các cuộc trừ diệt. Nói chung, tiền nhân hậu quả là toàn bộ những gì 2 người lãnh trong thời gian sau này.

Cái sai đầu tiên của Minh Mạng sau này là "thả hổ về rừng", cho Lê Văn Duyệt về "dính cứng" ở Gia Định suốt 10 năm, và rồi từ đó chịu sự khống chế của Lê Chất. Từ vai trò 1 kẻ vốn là con cờ tốt thí, Lê Chất nhờ con gái mà trở thành "quốc trượng", quyền lực ngày càng cao ở Bắc Thành. Tuy nhiên, Minh Mạng vẫn để yên vì vốn dĩ hiểu rõ "nó chả làm gì được". Cái mà Minh Mạng không lường được chính là lực lượng Thanh Nghệ nằm dưới trướng Lê Văn Duyệt.

Ghi chép trong Thực lục có 1 điểm đáng lưu ý: Em gái của Lê Văn Khôi là thiếp của em trai Minh Mạng, 1 vị hoàng thân rất có tiếng nói trong triều đình. Nông Văn Vân cũng là anh rể của Lê Văn Khôi. Thanh Nghệ là quê của Lê Văn Khôi. Theo ghi chép của nhà Nguyễn, khi đến chinh phạt Nghệ An, Lê Văn Duyệt đã thu phục được Lê Văn Khôi, rồi từ đó "quân giặc nghe tiếng LVD là chạy hết". Điều này cho thấy thế lực của Lê Văn Khôi thực sự không hề nhỏ - thậm chí còn từng được triều đình ban quốc tính là Nguyễn Hữu Khôi. Thông qua các mối quan hệ hôn nhân, dòng tộc, có thể nói Lê Văn Khôi đã kết nối với mọi phần quyền lực trong đất nước. Nhóm tù binh Thanh Nghệ ở Gia Định chính là mảnh ghép cuối cùng cho quyền lực này.

Và 1 khi Lê Văn Duyệt đã đóng vai trò "đồ tể", đứng mũi chịu sào cho toàn bộ xung đột trong triều Nguyễn, thì thật ra, kết cuộc của nhóm người này cũng có thể thấy rõ.

Nhìn toàn cảnh, ta có thể thấy "ván cờ lớn" mà Gia Long đã sử dụng, đặc biệt là với 2 viên quan võ biền họ Lê và lực lượng Thanh Nghệ "bên dưới" 2 người này. Không phải là những thế gia vọng tộc Lê Trịnh ở Thanh Nghệ mà là kẻ xuất thân tầng lớp dưới hay thủ lĩnh thổ mục, nhóm "người mới" này làm nhiệm vụ "máy chém" nhóm Đông Kinh, khống chế Thanh Nghệ, kiểm soát vùng yết hầu trọng yếu. Minh Mạng sau này sử dụng lại "kẻ thù cũ" của họ để trừ diệt lại thế lực này, và trong khi cả 2 đã "lưỡng bại câu thương", 1 cơ cấu quyền lực mới được thành lập.

K.W. Taylor đã nhận xét, Gia Long là người có tính chất "theo gió" cực kỳ tốt, và cuộc chiến quyền lực trong triều Nguyễn thực sự không rõ ai mới là người "tạo gió". Dù ban đầu không có ý định bức tử Nguyễn Văn Thành, nhưng Gia Long rõ ràng có ý tước đi quyền lực của vị Tổng trấn Bắc Thành này. Đến khi đưa Lê Chất ra thay ở Bắc Thành, đưa Nguyễn Hựu Nghi ra Nghệ An, rồi ban chết cho Đặng Trần Thường, để yên cho Lê Chất lôi tất cả tội của quan lại Bắc Thành ra xử - thì lúc này, cuộc đấu đá của các quan đã trở thành "con cờ" trong tay Gia Long. Từ mâu thuẫn Thanh Nghệ - Đông Kinh ở Đàng Ngoài cho đến thù oán của phe phái Lê Văn Duyệt - Trịnh Hoài Đức ở Đàng Trong, kể cả mâu thuẫn của các thế gia với lực lượng "bình dân" mới tham gia vào chính quyền, của văn và võ, các cuộc sát phạt nhau trở thành công cụ khống chế quyền lực cho triều đình. Lê Văn Duyệt trở thành 1 "hình nhân" hứng gió, trong 1 vị trí có tiếng không có miếng vào thời điểm mà Gia Long mất.

Năm 1814 chính là năm Gia Long chính thức đưa Minh Mạng lên làm thái tử, và hầu như chỉ ngay sau đó, người nhà Lê trốn vào núi làm phản. Ngay trước đó thì là việc của Nguyễn Văn Thành - 1 vụ án dằng dai cãi qua cãi lại mà chả có phe nào chứng minh được mình đúng - cho đến khi người nhà Lê làm phản khai con của Nguyễn Văn Thành ra. Thực lục ghi chép cuộc cãi vã này, nhưng lại thấy vai trò của Gia Long rất ít, và ta có thể "nhầm" rằng Gia Long đã hồ đồ lẫn lộn không biết nghe ai. Nhưng đây là điểm vô cùng bất thường nếu nhớ cách hành động bình thường của ông vua này - 2 phe cãi nhau thì cứ... phạt hết cả 2 cho "chúng nó" im mồm. Những hành động phía sau gạt phắt nghi án về Lê Văn Duyệt đi, cho quan chức những kẻ tố cáo, càng cho thấy rõ ý định của Gia Long đang hướng về đâu. Và với toàn bộ "ván cờ" như trên, thực chất ý muốn của Gia Long rất rõ ràng: Khống chế toàn bộ cục diện, trong thời điểm chuyển giao ngai vàng bất ổn nhất.

Và thực tế cho thấy thì sau khi Gia Long mất, hầu như chẳng có chuyện gì xảy ra (chuyện xảy ra lại ở Gia Định cơ, người Cao Miên nổi loạn rồi bệnh dịch chết cả chục ngàn người) - Rối loạn chỉ thực sự bùng nổ sau khi... Lê Chất mất. Lúc này thì Minh Mạng đã ngồi yên chỗ.

Ngay cả việc đi "cắm cờ" cũng là lường trước hậu hoạn, ra tay xác định chủ quyền cho khỏi đứa nào kiếm chuyện.

Nhìn thì tưởng hồ đồ, nhưng nhìn rõ lại cách xếp đặt Lê Văn Duyệt thì mới thấy sự đáng sợ: Bè phái Lê Chất - Nguyễn Hựu Nghi nằm trong "đất địch", còn trung thành thì còn có chút uy thế, chứ không là triều đình ho 1 tiếng cả đống người đến đập chết. Ở phía Nam thì "kẻ thù" Trịnh Hoài Đức "trấn giữ". Bản thân thì nằm trong vòng kềm tỏa ở Huế, có quân cũng như không, bao nhiêu thuộc hạ thu thập được cũng chỉ làm công cụ cho người trên. Chả cần biết Lê Văn Duyệt có thích Minh Mạng hay không, Gia Long cứ tống chiếu truyền ngôi cho Duyệt giữ, và Duyệt lại trở thành "hình nhân" tập thứ n: Bị đẩy ra trước bảo vệ Minh Mạng nếu có chuyện, còn nếu bản thân muốn phản thì chả có cái danh nghĩa nào mà phản.

Với cả, có 2 người nhận chiếu, thảo chiếu, người còn lại là... Trịnh Hoài Đức đang nắm quyền Gia Định. Lê Chất thì đừng mơ dùng được "nguồn lực" nào phía Bắc. Chả rõ trong lúc đưa tay nhận chiếu, Lê văn Duyệt cảm thấy thế nào. =))

Nhưng thiệt ra thì chả ai chịu ngồi yên chờ chết, và có những chuyện "như trời bảo" xảy ra ở Gia Định khiến Lê Văn Duyệt giết Huỳnh Công Lý, đẩy Trịnh Hoài Đức về Huế, chiếm quyền ở Gia Định suốt 10 năm. Cái đám người "không gốc rễ" đi theo Duyệt nắm được nguồn lực lớn mạnh ở Gia Định, cuối cùng ép ngược lại Minh Mạng.

Hay cũng có thể... đầu óc ông bố "siêu phàm" quá nên ông con thiệt ra vẫn chưa hiểu ông bố muốn làm gì. Cái đoạn lon ton chạy đến bảo Nguyễn Du đang im thin thít "triều ta không kỳ thị Bắc Nam" cho thấy... 1 tâm hồn còn vô cùng ngây thơ. :meo10:

Chẳng qua là đang nghĩ chuyện "ân oán trong triều đình này xoay quanh mỗi cái gốc kia", thì phải chăng tất cả đều là tiền nhân hậu quả được trồng xuống chờ ngày hái trái? Cái trái đắng mà Lê Văn Duyệt phải nhận sau khi bức tử Nguyễn Văn Thành, thật ra đã âm ỉ lớn trong suốt ngày tháng ấy. Có sai số, nhưng chẳng qua càng tham sân si thì càng ngã đau.

Ngay từ lúc đẩy Lê Chất ra Bắc, xếp đặt lại quan tước, dường như đã có 1 tờ chiếu lơ lửng trên không: Tất cả các ngươi phải chết. Nghĩ ra thì thiệt là... creepy. =))

Ờ, nhưng mà đây là chúng ta đang nói đến 1 kỹ sư đóng tàu, người đã xếp đặt toàn bộ cuộc chiến của mình bằng "theo gió", là người hoạch định ra những thứ chả ai nhận biết được cho đến kết quả cuối cùng. Cho nên, Bạch Xuân Nguyên chẳng qua xuất hiện ở đó, cũng như Nguyễn Văn Hiệu xuất hiện ở đó, còn cái nhân quả âm thầm kỳ bí nọ có khi đã hình thành từ năm 1814 kia.




Xung đột vùng miền (4)
Saturday, December 23, 2017 Author: Trường An

Chế độ quân chủ Nguyễn ở Huế trong thế kỷ 19 là một sự thử nghiệm chưa từng có trong nỗ lực cai trị toàn bộ các khu vực mà chúng tôi đã thảo luận. Khiếm khuyết của thử nghiệm này là trừ phi nhà lãnh đạo đủ sức kiểm soát ít nhất một trong hai khu vực mạnh về kinh tế và đông dân nhất, là Đông Kinh hoặc Nam Bộ, còn bằng không ông sẽ không đủ sức cai trị các vùng còn lại. Khi cố gắng cai trị từ Thuận Quảng, các vua nhà Nguyễn đã không thể kiểm soát hoặc Đông Kinh hoặc Nam Bộ. Đến lúc Pháp chuẩn bị chiếm Huế trong thập niên 1880, triều đình nhà Nguyễn đã không có sự kiểm soát thật sự đối với Nam Bộ và Đông Kinh. Nam Bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp và Đông Kinh trở thành nơi vô chính phủ với những quân lính không chính quy từ Trung Quốc, tay súng địa phương và những kẻ phiêu lưu từ châu Âu. Vào lúc này xảy ra ví dụ cuối cùng mà tôi muốn thảo luận về xung đột giữa các vùng, một xung đột giữa Thuận Quảng và Thanh Nghệ, ẩn khuất trong lớp vỏ ngoài của cuộc chinh phục của Pháp và sự kháng chiến.

Nhóm tinh hoa hoàng cung Huế không bao giờ kết nạp người từ Nam Bộ hay Đông Kinh với một mức độ đáng kể nào. Đến giữa thế kỷ 19, nhóm này chủ yếu bao gồm toàn người từ Thuận Quảng và Thanh Nghệ. Người từ hai vùng này sau đó có những thái độ khác nhau đối với hoàng gia và với câu hỏi làm sao phản ứng trước Pháp. Khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ ủng hộ kháng chiến. Cuộc xung đột phe nhóm tại hoàng cung sau cái chết của vua Tự Đức năm 1883 có thể được diễn giải như cuộc đấu tranh giữa các lãnh đạo Thuận Quảng ủng hộ hợp tác và các lãnh đạo Thanh Nghệ chống hợp tác. Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi “cần vương” năm 1885. Sự đáp ứng lời kêu gọi này đã diễn ra rộng lớn và kéo dài tại Thanh Nghệ, tiếp tục cho đến khi Phan Đình Phùng qua đời gần 10 năm sau, trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ.

Diễn giải cuộc chinh phục An Nam của người Pháp và phong trào Cần vương cuối thập niên 1880 và đầu 1890 ở một mức độ nào đó như một cuộc xung đột giữa các vùng ở Việt Nam sẽ vi phạm các quy chuẩn của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng nếu phủ nhận khả năng phân tích này, chúng ta sẽ che khuất những điểm đặc trưng trong tình hình Việt Nam cận đại, đặc biệt khi ta xem xét vai trò của Thanh Nghệ (tức Nghệ Tĩnh trong thế kỷ 20) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thập niên 1930 và số lượng các lãnh tụ dân tộc thời hiện đại, bao hàm Hồ Chí Minh, người xuất thân từ vùng này. Người dân Thanh Nghệ Tĩnh có tiếng là “người theo chủ nghĩa dân tộc” và “yêu nước”; liệu có thể nào những từ này là lối uyển ngữ thay cho khát vọng của vùng muốn vươn lên hay không.

Tôi sẽ kết thúc bằng việc xem xét một vài câu hỏi thường xuất hiện trong các thảo luận về các vấn đề được bàn đến trong tiểu luận này. Đến mức nào có thể nói rằng “các yếu tố lịch sử năng động” (dynamic historical factors) giúp giải thích chuỗi các sự kiện tôi đã đề cập trong bài viết này? Ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi phải được định vị trong các hoàn cảnh khu vực và thời gian, bởi vì mỗi khu vực với địa hình cụ thể, với các khả năng liên lạc và trao đổi với những khu vực khác, và cảm thức tự hào và gắn bó địa phương là những đơn vị phân tích phù hợp. Điều này ngụ ý rằng những ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi bao trùm trên toàn Việt Nam phải được quan sát với sự hồ nghi. Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên.

Bằng cách chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành từng khu vực, chúng ta có thể xây dựng những cái nhìn về các quá khứ tiêu biểu về các dân tộc Việt Nam hơn là những gì được mô tả bởi cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng điều này sẽ không đủ nếu khi đó mỗi khu vực lại được xem như một thực thể có sự phát triển liên tục riêng của nó. Các khía cạnh của các quan điểm vùng có thể vẫn dai dẳng khi được củng cố bằng địa hình địa vực, nhưng tôi quan tâm đến khả năng là hành vi con người, dù mang tính chất khu vực hay “quốc gia”, thì cuối cùng vẫn mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục, và rằng lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn giống như mọi nguyên lý căn bản lớn hơn tầm vùng miền. Đông Kinh đã là nhà của các vị vua và là một khu vực năng động, cố kết từ thế kỷ 11 đến 14; sau giai đoạn đó, vùng này liên tục chịu sức ép từ sự trỗi dậy của các khu vực phía Nam. Những tham vọng của Thanh Nghệ, đầu tiên hướng ra Bắc sau đó hướng về Nam, đã có sự vượt trội tinh thần trong các diễn ngôn bao quát toàn Việt Nam trong nhiều thế kỷ mặc dù nội dung của những tuyên bố tinh thần của vùng này thay đổi qua từng thời đại. Trong thế kỷ 15, những người ủng hộ nhà Lê tự nhận có một lẽ phải dựa trên các mô hình đạo đức có trong các sách cổ. Trong thế kỷ 16 và sau đó, mục tiêu khôi phục nhà Lê và những hăng hái sau đó của vùng Thanh Nghệ được loan đi với lời kêu gọi nhắc đến lòng trung thành và uy tín tổ tiên, chính nghĩa của một chế độ quân chủ đã quá vãng chỉ còn tính biểu tượng. Thuận Quảng cai trị vùng biên giới phía Nam trong hai thế kỷ; thành công tương đối của nó với tư cách một trung tâm vùng đã không thể biến thành ưu thế trên toàn Việt Nam bởi những hạn chế về địa hình và sự chú tâm hạn hẹp đến Huế. Khoảnh khắc chiến thắng của Bình Định, từng đoạn từng hồi, liên quan đến vị trí của nó trong một hoàn cảnh lớn hơn của các mối quan hệ khu vực. Nam Bộ, một trung tâm buôn bán quốc tế, cung cấp sức mạnh cho Nguyễn Ánh nhờ sự giàu có và tính đa dạng, nhưng cuối cùng bị xem là không quan trọng và bị từ bỏ bởi các lãnh đạo mắc kẹt trong hệ thống các ưu tiên của các vùng khác; kết quả sau đó là Nam Bộ tự tìm hướng đi giữa các cường quốc thế giới và học cách chịu hậu quả của điều đó. Không có khu vực nào đã hoặc sẽ duy trì một sự gắn bó tuyệt đối, tất cả đều ở trong tình trạng phát triển và thay đổi; chúng sẽ tiếp tục đấu tranh với nhau và đồng thời liên tục tái định nghĩa mình trong tương lai. Yếu tố lịch sử với xung lực lớn nhất là khao khát phát triển và thay đổi của con người – nó tạo ra những đà tiến cấp vùng và những sự định hình từng giai đoạn của các đà tiến đó. Không có một hình thái làng, hệ thống gia đình, hay một mô hình hoạt động tín ngưỡng trên toàn cõi Việt Nam, nhưng từ vùng này sang vùng khác, ta có thể tìm thấy nhiều trạng thái của tất cả những điều trên; chúng liên tục trải qua thay đổi, không phải theo một logic vĩnh cửu mà theo những thay đổi của trải nghiệm con người mang tính chất có vẻ ngẫu nhiên và theo từng giai đoạn.

Một câu hỏi khác: liệu “hòa bình” mang ý nghĩa gì trong các xã hội Việt Nam đã trải qua “xung đột” trong nhiều thế kỷ? Bên dưới bề mặt của chiến tranh là một sêri những biến chuyển xã hội liên quan nông nghiệp và thương mại mà về căn bản không liên quan đến những nghị trình trong cuộc xung đột. Trong khi một vài lãnh tụ và tùy tùng của họ ganh đua chuyện thống trị, những người dân nói tiếng Việt đi lại, lao động, tìm kiếm những nơi “yên bình” riêng của họ ngay cả khi xã hội nói chung có vẻ đang được tổ chức cho chiến tranh. Đồng thời, bên dưới lớp vỏ thống nhất triều đại là những nền văn hóa truyền miệng địa phương hóa, đè lên nhau và một sự đa dạng các khác biệt vùng xung quanh chủ đề là người Việt Nam.

Trong những năm mà tôi đã đề cập, không có giai đoạn nào mà những người nói tiếng Việt không đánh lẫn nhau hoặc giao chiến với các láng giềng. Đây là một tình trạng bình thường tại Đông Nam Á thời tiền hiện đại. Trong tiểu luận này, tôi đã không đặt nhiều chú ý về quan hệ xung đột của Việt Nam với người Trung Quốc, người Chàm, Khmer, Lào hay Xiêm. Mỗi một quan hệ này đều riêng biệt và đặc thù với những thay đổi về đe dọa, cơ hội và lãnh thổ; ngoài ra, chúng thay đổi với thời gian. Không có một sơ đồ khái niệm đơn nhất có thể giải thích toàn bộ các xung đột này hay thậm chí giải thích một xung đột trong toàn bộ thời gian. Có nhiều khả năng để phân tích các hoàn cảnh mà có thể đặt sự kết nối giữa những xung độtcủa người Việt và xung đột giữa người nói tiếng Việt và người ngoài và những khả năng này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng; không có những tính cách “dân tộc” được đơn giản hóa nào có thể giải thích những câu hỏi xuất hiện từ một nghiên cứu như vậy.

Tôi ngờ rằng, trong các thế kỷ được đề cập ở tiểu luận này, ý niệm hòa bình có nghĩa là tồn tại bên trong quỹ đạo của một lãnh tụ có khả năng thực thi sự độc quyền vũ lực. Sống trong hòa bình có nghĩa là sống dưới sự bảo vệ của một người có quyền uy. Những cố gắng mở rộng quỹ đạo hòa bình ấy để bao gộp toàn bộ các dân tộc nói tiếng Việt tất yếu dẫn đến chiến tranh khi những quỹ đạo này chen lấn nhau. Vì thế trong khi chiến tranh xảy ra ở vùng biên, hòa bình lại được củng cố ở trung tâm. Khái niệm đương đại của chúng ta về “hòa bình” liên quan đến những ý niệm về nhà nước hiện đại và tính chất bắt buộc tuân theo hành vi thống nhất mà nhà nước đòi hỏi. Nhưng trong thời gian trước khi có các nhà nước hiện đại, khi sự lãnh đạo chính trị được thực hiện bởi các lãnh tụ và các nhóm đối với các vùng lân cận tùy thuộc sự thay đổi của tính cách và quan hệ con người, thì “hòa bình” không phải là thành tựu của sự thống nhất pháp luật mà là tập hợp các tình huống gần như luôn luôn bao hàm cả chiến tranh.

Một câu hỏi khác: liệu “xung đột” có thể được tách thành một phạm trù riêng biệt thuộc về trải nghiệm con người và được đối xử như một đối tượng tri thức có những hình thức lịch sử riêng của nó? Với tôi, có vẻ như mọi sự tìm kiếm một hình thức kết cấu của xung đột đều không thể tách khỏi mọi khía cạnh khác của hành vi con người và vì thế phải thừa nhận những yếu tố hỗn độn và không theo quy luật về “nguyên nhân, hình thức và sự phát triển”. Tôi không tin rằng các cuộc xung đột mà tôi đã trình bày trong tiểu luận này là tất yếu, không thể tránh được. Tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về sự cần thiết kinh tế, hằn thù sắc tộc, hay thậm chí logic địa lý khiến mọi cuộc chiến tranh này là không tránh được. Có vẻ trong nhân loại có điều gì đó có thiên hướng dẫn đến xung đột. Tôi đã cố gắng hình dung làm thế nào cách nghĩ dựa trên địa hình giúp soi sáng kiểu xung đột theo vùng, nhưng mục đích của tôi không phải nhằm nói rằng hành vi con người bị quy định bởi địa lý và con người nhất định phải giao tranh vì những cấu trúc địa hình, địa vật nhất định. Tôi đã khảo sát những thiên hướng, chứ không phải những sự bắt buộc. Cùng lắm, tôi đi tìm trong địa hình, địa vật để có các câu trả lời về việc các xung đột diễn ra như thế nào, chứ không để giải thích nguồn gốc của chúng. Nguồn gốc của xung đột nằm trong những con người cụ thể. Không có nhóm người nào về bẩm sinh lại “hiếu chiến” hơn nhóm khác; thói quen gây chiến được thu nhận và từ bỏ trong những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn nhất định.

Các chương chiến tranh chúng tôi đã xem xét trong tiểu luận này có thể được xem như là đã xảy ra do nỗ lực của những người nói tiếng Việt muốn vượt qua các hạn chế của địa hình và tư tưởng vùng và muốn hướng đến một nền hòa bình của toàn bộ người Việt. Không có nỗ lực nào thành công. Và điều này đưa chúng ta đến câu hỏi về một “lịch sử chung” và sự ức đoán về việc các khu vực Việt Nam “thuộc về” đâu, trong sự sắp xếp kiến thức hệ thống: ở Đông Á hay Đông Nam Á. Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì chomột “lịch sử chung” của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật?

Ý tưởng về một “lịch sử chung” là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là một vấn đề truyền thụ. Một “lịch sử chung của người Việt” là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật. Ví dụ, sự khẳng định nhà Mạc là “quân nổi loạn” là quan điểm của vùng Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Huệ Quang Trung đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Bình Định và Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Ánh Gia Long đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Nam Bộ và Thuận Quảng. Sự níu kéo của Đông Kinh đối với nhà Lê trong thế kỷ 18 và 19 là cách duy nhất để giành một tiếng nói trong nhiều âm thanh chính trị; cả khu vực Đông Kinh và triều Lê khi đó đều đã không còn quyền lực. Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại.

Điều tối đa có thể nói là các dân tộc Việt mà chúng tôi đã thảo luận đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu, nhưng thậm chí ngay cả ở đây chúng ta vẫn phải chú ý rằng cái “ngôn ngữ chung” đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt, mà ẩn bên dưới đó lànhững lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng. Chữ Nôm, hệ thống chữ viết được dùng trong mấy thế kỷ mà chúng tôi đã thảo luận, có tiếng là không có hệ thống và đầy rẫy những thay đổi và sự khó hiểu. Một chữ có thể chỉ nhiều từ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và nơi chữ đó được viết; và một từ có thể được viết theo nhiều chữ, cũng lại tùy thuộc vào thời điểm và nơi mà nó được viết. Đây là một hệ thống chữ viết có sự nhạy cảm cao đối với các cách phát âm vùng và đối với sự thay đổi ngữ âm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ Nôm là một tư liệu quý về những khác biệt trong ngôn ngữ vùng và về cách ngôn ngữ thay đổi theo thời gian. Tôi càng làm việc với chữ Nôm lâu, tôi lại càng hồ nghi những lý thuyết về ý nghĩa của một “ngôn ngữ chung”, một “lịch sử chung”, một “văn hóa chung”. Chữ Nôm là một phản đề mạnh mẽ chống lại việc thả vào quá khứ những viễn cảnh viết sử mang tính dân tộc chủ nghĩa vốn có nguồn gốc từ thời hiện đại. Và chắc chắn đó là một lý do vì sao chữ Nôm lại bị từ bỏ.

Liên quan vấn đề định nghĩa một “lịch sử chung” của các dân tộc Việt là sự khó khăn của việc đạt sự đồng thuận về một vấn đề thường khô khan, tức là quy cho họ một vị trí trong tương quan với Trung Quốc và các dân tộc khác. Nếu quả thật có một ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á, thì chắc chắn nó rơi vào giữa người Việt, và sự nhấn mạnh về tính chất vùng của Việt Nam mà tôi đã nhắc có lẽ có thể được nhận diện bởi chủ đề lớn hơn là tính chất vùng tại châu Á. Thiển ý riêng của tôi là nếu phải phân tích trong khuôn khổ Đông Á và Đông Nam Á,thì có lẽ tốt hơn là đặt người Việt vào khu vực Đông Á; nhưng tôi sẽ muốn tách người Việt ra khỏi Đông Á hoặc Đông Nam Á và xem họ như những nhóm người chia sẻ một vùng âm thanh và đứng giữa một ranh giới văn hóa lớn.

Nếu bị buộc phải phân một lằn ranh giữa Đông Á và Đông Nam Á, tôi sẽ vẽ đường ranh tại đèo Hải Vân, giữa Huế và Đà Nẵng, chính ở giữa vùng mà chúng tôi đã gọi là Thuận Quảng. Từ nơi này nhìn về Nam, người ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt nhất về khí hậu, tiếng nói và lối sống so với bất kì đâu trên bờ biển Việt Nam. Cũng có thể bảo rằng một đường ranh như vậy được đặt tại đèo Ngang hoặc sông Gianh hoặc tại Đồng Hới. Vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân thực tế chính là vùng Nhật Nam, khu vực xa nhất mà nhà Hán hay bất kì triều đại Trung Hoa nào từng giành được về phía Nam. Việc đặt ở nơi này một đường ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á không phải dựa trên yếu tố chinh phục của người Hán; mà đúng hơn, tôi tin rằng khả năng chinh phục của người Hán về phía Nam là yếu tố phụ thuộc khí hậu, địa hình và những tiên liệu về khả năng tổ chức xã hội.

Có vẻ lạ lùng là khi tôi thảo luận những khu vực Việt Nam, tôi nói về Thuận Quảng như một đơn vị đơn nhất nhưng khi tôi thảo luận về những khu vực châu Á rộng hơn, tôi lại vạch lằn ranh ở giữa Thuận Quảng. Tôi tin rằng sự bất thường này là thể hiện rằng sự phân tích của chúng ta càng dựa nhiều vào những mảnh vỡ của trải nghiệm con người, thì nó càng ít đáp ứng các phạm trù rộng lớn về lịch sử và văn hóa được hình dung ở mức toàn cầu hoặc mức toàn quốc. Sự chú ý đến chi tiết có lẽ là một hoạt động có tính lật đổ, phá vỡ.

Tác giả: Keith W. Taylor
là Giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á,
Đại học Cornell




Xung đột vùng miền (3)
Friday, December 22, 2017 Author: Trường An

Bây giờ tôi chuyển sang tỉnh Bình Định và sự trỗi dậy của một trung tâm khu vực mới tại đó trong thế kỷ 18. Bình Định, cụ thể là khu vực gần kề thành phố Qui Nhơn thời hiện đại, từ lâu đã là một địa điểm quan trọng cho các vua Chămpa. Nơi này bị các đội quân Việt cướp bóc trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục lâu dài cho đến cuối thế kỷ 15. Đó là tiền đồn cực Nam của biên giới của người Việt từ đó cho đến 1611, khi Nguyễn Hoàng chinh phục khu vực này về phía Nam, bao gồm cả đèo Cả, mà sau đó được biết đến với tên tỉnh Phú Yên. Đến cuối thế kỷ 17, Bình Định trở thành khu vực hoạt động cho các binh đoàn tiến về Nam và đi sâu vào đồng bằng Mêkông. Đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mêkông. Nó cũng trở thành trung tâm tuyển mộ binh lính và lao động để duy trì hoạt động quân sự ở sâu trong phía Nam.

Một tính chất quan trọng khác của Bình Định là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mêkông, băng qua An Khê, Plây Ku,và đến sông Mêkông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/ Bangkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhaya/ Bangkok và Qui Nhơn cung cấp vốn và những mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía Nam đến đồng bằng sông Mêkông.

Trong thế kỷ 18, những nhà cai trị ở Thuận Quảng ngày càng quan tâm đến Bình Định, xem nó như một điểm nối uy quyền của họ với vùng biên giới phía xa. Một nghiên cứu gần đây đã phân tích buổi khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn (Tây Sơn nằm ở lưu vực sông giữa Qui Nhơn và An Khê) những năm 1770, xem đó là một sự phản ứng vùng trước những yêu sách của các nhà cai trị Thuận Quảng áp đặt lên vùng này. Ngoài ra, địa điểm Qui Nhơn đem lại những khả năng rõ rệt như một trung tâm quyền lực. Nguyễn Nhạc, người anh cả dẫn đầu cuộc nổi dậy, đã theo đuổi việc trở thành “hoàng đế” tại Qui Nhơn. Trong thập niên 1780, tranh chấp giữa Nhạc và em trai Huệ đã dẫn tới đụng độ để giành quyền kiểm soát Qui Nhơn. Và vào cuối thế kỷ ấy, sự kiểm soát Qui Nhơn trở thành ám ảnh tranh giành của quân Tây Sơn và đối phương của họ, liên tục thay chủ, vây hãm, bao vây lần nữa trong nhiều năm; cả cho đến khi tương quan cuộc chiến đã khiến nơi này không còn quan trọng về quân sự, thì Qui Nhơn vẫn là đối tượng tranh giành, có lẽ ở một mức độ nào đấy, được thèm muốn như một trung tâm thương mại có cảng và kết nối đường bộ với Bangkok.

Đến ngày nay, Bình Định vẫn duy trì tiếng tăm là tỉnh thiện chiến nhất, sản sinh những chiến binh võ nghệ cao cường. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, người từ Bình Định nắm lấy sân khấu trung tâm trong chính trường và chiến trường của người Việt. Phong trào Tây Sơn, bắt đầu là một hỗn hợp người dân tộc vùng cao, nông dân đồng bằng và lái buôn Trung Hoa, đã bùng nổ tại Bình Định, đưa quân chinh Nam phạt Bắc và thúc đẩy 30 năm chiến tranh giữa các khu vực có người nói tiếng Việt sinh sống. Mặc dù Bình Định không có tài nguyên để trở thành một trung tâm đủ sức khống chế các vùng khác trong bất kì thời gian dài nào, nhưng nó cũng bộc lộ một cái nhìn khu vực về vấn đề làm người Việt. Nó sản sinh là một nhân vật, Nguyễn Huệ, người dẫn quân từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác và đã cố tìm cách thống nhất mọi khu vực của người Việt dưới uy quyền của ông. Việc ông thất bại thường được quy cho là vì cái chết bất ngờ của ông. Nhưng có lẽ người ta đã không dành đủ sự chú ý cho câu hỏi làm thế nào viễn kiến khu vực của Bình Định đã có thể định hình tham vọng của cả ông và những người kế vị yếu kém, và khiến họ dễ bị đe dọa bởi một đối thủ có một viễn kiến khu vực khác. Chừng nào một sức mạnh quân sự tự nguyện và chuỗi dài thắng trận còn là bí quyết giúp có quyền lực chính trị, người của Bình Định có thể chiếm ưu thế. Nhưng khi đối diện với một đối thủ đã thua trận liên tục nhưng luôn đứng dậy, một đối thủ có tầm nhìn chiến dịch lâu dài chứ không chỉ một trận đánh, một đối thủ xem thành công không phải nhờ giao tranh mà là kết quả của tổ chức, rèn luyện, huy động tài nguyên, chuẩn bị, hoạch định và chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi, thiên tài Tây Sơn, đứng trước một đối thủ như thế, bỗng chỉ trở thành một sự gan dạ cấp tỉnh. Và đối thủ này xuất hiện từ đâu? Từ Nam Bộ.

Nam Bộ là vùng đồng bằng sông Mêkông, vùng biên cuối cùng của người Việt. Một dân số Khmer lâu đời đã kết giao vào cuối thế kỷ 17 với hàng ngàn người Minh hương đến bằng đường biển; đến cuối thế kỷ đã có một dòng đều đặn những người Việt đến từ miền Bắc. Giữa Nam Bộ và đèo Cả ở đường biên phía Nam Phú Yên, vùng đất ven biển trồng lúa ở ngay phía Nam Bình Định, là 350 cây số lãnh thổ bán khô cằn, thậm chí bỏ hoang (các tỉnh mà nay gọi là Khánh Hòa, Ninh Thuận, và Bình Thuận, hay các thành phố Nha Trang, Phan Rang và Phan Thiết). Ở đây phạm vi dành cho nông nghiệp tương đối nhỏ; số ít những người đến đây sống đã chuyển qua đánh cá. Đây là nơi tập trung những cư dân người Chàm còn sót lại. Trong biểu đồ di dân của người Việt, nơi đây đơn thuần là một con đường lớn giữa Bình Định và Nam Bộ. Đồng bằng màu mỡ phù sa của Nam Bộ là nơi vẫy gọi.

Đến giữa thế kỷ 18, một trăm năm sau khi những đội quân người Việt đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng sông Mêkông, sáu tỉnh Nam Bộ được thành lập từ các vùng đất Khmer với sự tham gia nhiệt tình của các nhóm di dân người Hoa rất có tổ chức. Khi Bình Định nổ ra chiến tranh những năm 1770, Nam Bộ trở thành nơi trú ẩn của phe họ Nguyễn từng trị vì Đàng Trong trong hai thế kỷ trước đó. Thành viên của tông tộc này, người sống sót để trở thành lãnh đạo của phe nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh, cuối cùng đã xây dựng nền tảng quyền lực tại Sài Gòn ở Nam Bộ và từ đấy đã đi chinh phục toàn bộ các vùng ở miền Bắc nơi người Việt sinh sống, lập nên một vương quốc vào đầu thế kỷ 19 mà trước đó chưa bao giờ tồn tại. Nhìn hời hợt, đây có vẻ là trường hợp vùng biên chống lại trung tâm. Nhưng một quan niệm như thế đặt giả thiết là có tồn tại một “vùng trung tâm” (heartland). Dù đã từng có hay không một “trung tâm” Việt Nam trong thế kỷ 18, thì chắc chắn lúc này nó không tồn tại. Thay vì xem Nam Bộ thế kỷ 18 là một vùng biên mà đã khiến xô đẩy trung tâm, tôi lại muốn xem Nam Bộ chỉ là một khu vực nữa trong quá trình định nghĩa một phiên bản làm người Việt, khu vực này bắt đầu cạnh tranh ưu thế với toàn bộ những phiên bản khu vực khác của việc làm người Việt.

Tôi sẽ thảo luận phiên bản làm người Việt của Nam Bộ bằng cách nhắc tới ba nhận xét sau: địa hình, sự đa dạng về người, và kinh nghiệm con người. Đầu tiên, Nam Bộ, khác với tất cả các khu vực khác, không có một biên giới địa lý rõ ràng; nó không được định nghĩa bằng địa hình. Biên giới phía tây của Nam Bộ chạy qua đồng bằng sông Mêkông từ cao nguyên trung phần ở đông bắc ra biển ở tây bắc. Đó là kết quả của chiến tranh và thương lượng chứ không phải của bất kì yếu tố địa hình địa vật nào. Nơi duy nhất mà đường biên giới thời cận đại tuân thủ mốc cắm trên đất là tại kênh Vĩnh Tế, xây hồi đầu thế kỷ 19, giữa sông Mêkông và biển, nhưng đây là một trường hợp của công trình con người áp dụng vào địa hình để tạo nên một biên giới. Điều mà tôi muốn nhận xét là khía cạnh địa lý của Nam Bộ là tính rộng mở, dễ tổn thương, tính có thể. Tương đối có ít cảm thức về tính cố định, ràng buộc, định hướng. Điểm đặc trưng chính là dòng nước chảy liên tục qua khu vực này từ lưu vực Campuchia ra biển và sự gặp gỡ các dòng thủy triều. Những tính chất này, cùng với đất phì nhiêu và đầy ắp sản phẩm từ sông và biển, khuyến khích một sự mong chờ thay đổi, vận động và lựa chọn thay vì mọi cảm giác hạn chế và gắn bó vốn là tính chất điển hình hơn ở địa hình giới hạn của các khu vực khác tại Việt Nam.

Sự đa dạng trong định cư của con người tại Nam Bộ bổ sung thêm một khía cạnh nữa cho tính mở của địa hình. Người Khmer, Trung Hoa và Việt đều có mặt ở đó với đủ số lượng để đòi hỏi một sự thừa nhận lẫn nhau. Nam Bộ là một nơi gặp gỡ về văn hóa và ngôn ngữ. Những quan hệ chức năng, trung thành cá nhân, và hy vọng vào tương lai có ý nghĩa quan trọng hơn dòng họ hay những quyến rũ của quá khứ. So với bất kì khu vực nào khác, ở đây có nhiều hơn những kinh nghiệm, quen thuộc và tôn trọng sự giao tiếp với những dân tộc không phải người Việt và những nơi chốn. Nam Bộ kết nối với thế giới của người Việt bằng một con đường hẹp ven biển 350 cây số đi qua những vùng đất tương đối cằn cỗi, ít dân cư. Mặt khác, Nam Bộ tọa lạc ở một trung tâm tiềm năng về giao dịch quốc tế đang trỗi dậy. Nam Bộ là một khu vực của người Việt có nhiều triển vọng nhất cho việc sát nhập những cái nhìn mới vào một phiên bản làm người Việt.

Một điều rất quan trọng cho mục đích của tôi là người ta không nên xem quan điểm Nam Bộ này là một điều “ít chất Việt Nam hơn”, dù chất ấy có nghĩa là gì. Không có phiên bản vùng nào của việc làm người Việt mà tôi đang thảo luận lại có chất Việt Nam “chân thật” hơn cái khác. Ý niệm về tính trung tâm văn hóa là một sự xây dựng ý thức hệ cưỡng bức với một mục đích chính trị rõ rệt. Chỉ khi chúng ta có thể chấp nhận Nam Bộ là một địa điểm chính trị và văn hóa chân thật y như các địa điểm khác, thì chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy những gì đã xảy ra vào đầu thế kỷ 19 là một sự kiện lịch sử thật sự chứ không phải, như người ta thường khẳng định trong mấy thập niên gần đây, là một sự sửa đổi sai quấy của một tiến trình lịch sử được tưởng tượng.

Nguyễn Ánh là người đầu tiên tổ chức Nam Bộ thành một khu vực đủ sức tranh dự thành công trong chiến cuộc và chính trị giữa các vùng tại Việt Nam. Sự nghiệp của ông là câu chuyện về những thất bại và lưu vong triền miên, nhưng cũng là chuyện về sự kiên trì và học từ thất bại; nó bộc lộ một kinh nghiệm con người về tiềm năng thành một khu vực tại Việt Nam của Nam Bộ. Các phẩm chất lãnh đạo của Nguyễn Ánh bắt đầu tìm thấy chỗ phát triển trong thập niên 1780 vào lúc, sau khi phụng sự như một chư hầu của Vua Xiêm, ông củng cố mình ở Sài Gòn và lấy Nam Bộ làm một quyền lực quân sự mới. 20 năm sau, ông là chủ của tất cả các khu vực Việt Nam. Nguyễn Ánh thắng thế nhờ sự vượt trội thủy quân và khả năng vận chuyển toàn bộ quân đội bằng đường biển. Ông làm được điều này bằng cách tập hợp lực lượng quốc tế gồm những chiến binh và kỹ thuật viên giỏi. Tùy tùng của ông gồm người Chàm, Trung Hoa, Xiêm, Lào, Miến Điện, Mã Lai và Pháp. Bất kì ai có khả năng đóng tàu, lái thuyền, pháo binh, sản xuất và xây thành đều được hoan nghênh ở Sài Gòn.

Một khía cạnh khác trong chiến thắng của Nguyễn Ánh là sức sống và năng lực của mối liên hệ thương mại giữa cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn và Bangkok, một yếu tố mà Bình Định không thể tranh đua. Người sáng lập Bangkok, Rama I, đã chinh chiến ở Campuchia, và binh đoàn năm 1784 của ông đi xuống Mêkông đánh quân Bình Định ở Nam Bộ chắc chắn không chỉ là một cử chỉ thân thiện huynh đệ với Nguyễn Ánh, người ông có liên minh trong chiến dịch đó; các quyền lợi buôn bán cũng ngự trị. Một vài năm sau, khi Nguyễn Ánh chuyển khỏi Bangkok để thiết lập căn cứ ở Sài Gòn, thì những quyền lợi thương mại chắc chắn không tách rời. Nhân chứng người Bồ Đào Nha đã chứng thực sự có mặt của nhiều thương nhân người Hoa tại Sài Gòn trong những thập niên cuối của thế kỷ 18.

Ngoài việc đặt một chốt chặn của người Việt đối với mạng lưới thương mại Trung Quốc đặt trung tâm ở Bangkok, bước chuyển vào Sài Gòn của Nguyễn Ánh còn mang lại một kiểu chiến tranh mới giữa những người nói tiếng Việt, kiểu chiến tranh mà Nguyễn Ánh đã học khi chinh chiến cùng Rama I chống quân Miến Điện. Kiểu chiến tranh của người Việt đã thường có xu hướng nghĩ đến yếu tố lãnh thổ, dù là để đánh chiếm hay phòng thủ. Nó ngược với kiểu kiểm soát nhân lực, vốn thể hiện rõ rệt hơn trong người Xiêm. Thay vì chỉ chiếm lãnh thổ để phòng thủ, Nguyễn Ánh đã thu hút và lãnh đạo một đoàn tùy tùng gồm những cá nhân tham vọng, tranh đua, tất cả muốn thể hiện sự ưu tú để tiến thân; trong các “chiến dịch theo mùa” của ông hồi đầu thập niên 1790, ông đã tập hợp người có hiệu quả hơn là việc lấy đất, và người ta tự hỏi rằng liệu đó có phải là ưu tiên cấp thời của ông khi ấy hay không. Chuyện chinh phục quần thần vốn chẳng phải mới lạ gì với người Việt, nhưng khả năng của Nguyễn Ánh trong việc mở cửa cho những người không phải người Việt, và cho những người đang trở thành người Việt Nam Bộ, là một điều chưa từng có. Những dấu hiệu thể hiện điểm đặc biệt này đã được trình bày qua thơ như thế nào có thể tìm thấy trong những sáng tác được cho là của nhà thơ đầu tiên của Nam Bộ, Mạc Thiên Tích (1706-1780).

Mạc Thiên Tích là con trai của Mạc Cửu, một người Hoa vào cuối thế kỷ 17 thiết lập một trung tâm buôn bán và đặt ưu thế địa phương ở Hà Tiên; trong thế kỷ 18, Mạc Cửu bày tỏ sự trung thành với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và khi ông qua đời năm 1735, Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha. Trong thập niên 1770, Mạc Thiên Tích đến Bangkok trong đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh, nơi xảy ra các mưu toan dẫn đến cái chết của ông năm 1780.

Các bài thơ của Mạc Thiên Tích thể hiển cách thức một vị quý tộc Nam Bộ có học quan sát khu vực của ông vào lúc nó sắp trở thành tổng hành dinh của một cuộc chinh phục chưa từng có đối với toàn bộ các vùng của Việt Nam. Có một cảm thức trông chờ, thay đổi, đa dạng và khả biến, về tự do và không phân biệt. Trong một bài thơ có chủ đề sáo mòn về bình minh, nhà thơ bộc lộ một cảm giác sắc bén về đổi thay và vận động với một sự khẳng định mạnh mẽ về tính ưu việt của Phật giáo; cảnh đồng quê thức dậy trở thành ẩn dụ cho việc đạt đến một cảnh giới nhận thức:

TIÊU TỰ THẦN CHUNG

Tàn tinh liêu lạc hướng thiên phao
Mậu dạ kình âm viễn tự xao
Tịnh cảnh nhân duyên tình thế giới
Cô thinh thanh việt xuất giang giao
Hốt kinh hạc lệ nhiễu phong thụ
Hựu súc ô đề ỷ nguyệt sao
Đốn giác thiên gia y chẩm hậu
Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu.

Dịch nghĩa:

Bóng sao tàn thưa thớt lặn dần trên nền trời
Đêm đã đến canh năm, tiếng kình thỉnh từ chùa xa
Tiếng chuông trong hoàn cảnh yên tịnh, khiến cho người nhân đó mà tỉnh ngộ chuyện đời
Tiếng chuông cô đơn nổi lên đồng vọng khắp sông nước, khắp đồng nội
Tiếng chuông làm kinh động tiến chim hạc vương trên cành cây gió thoảng
Tiếng chuông lại chạm đến tiếng chim quạ cất trên ngọn cây trăng lồng
Nghĩ rằng mọi người đều thức giấc sau đêm nghiêng gối
Tiếng gà truyền tin sáng cũng đã văng vẳng đó đây.

Ở đây, dấu hiệu báo sáng sớm điển hình, tiếng gà, lại đến sau cùng, sau khi nhà thơ đã để ý một loạt các dấu hiệu tỉnh giấc bao gồm vòng xoay suốt ngày đêm của thế giới con người và tự nhiên; nhà thơ tọa vị phía trước dấu hiệu thông thường về sáng sớm, trước âm thanh của tiếng chim nuôi mà thông thường vẫn mở đầu cho hoạt động xã hội trong các công thức văn chương. Phần đầu của bài thơ là về cảnh và âm thanh, ngôi sao lặn và chuông chùa, báo hiệu cho người xem và người nghe về thay đổi sắp đến, sự chuyển tiếp từ đêm sang ngày, từ ngủ sang hành động; khoảnh khắc đi trước và tiến vào thời khắc đổi thay này là nơi nhà thơ đặt ao ước diễn cảm của ông, thay vì khi bình minh đã xong – giây phút bình minh đã xong được thêm vào như một ý nghĩ muộn vào cuối bài thơ với dấu hiệu ấn định của tiếng gà gáy. Có thể đọc trong bài thơ này hương vị của khoảnh khắc trước rạng đông của Nam Bộ, sự thức tỉnh của nó trước lúc nhận ra mình trở thành một nơi riêng biệt tại Việt Nam. Sự nhắc đến chữ “tin” trong bài thơ có thể đã có một âm vang xâm nhập và báo điềm ở một thời điểm và một nơi của những đoàn quân và lãnh chúa đang có tham vọng như Nam Bộ thế kỷ 18; những người tỏ ra tự tin và oai vệ mà sắp sửa xuất hiện.

Bài thơ thứ hai đề cập một cảnh văn chương sáo mòn khác, xem ánh trăng phản ánh trong nước, theo một cách có gì đó hơi lật đổ:

ĐÔNG HỒ ẤN NGUYỆT

Vân tể yên tiêu cộng diểu mang
Nhất loan phong cảnh tiếp hồng hoang
Tình không lãng tịnh truyền song ảnh
Bích hải quang hàn tiển vạn phương
Trạm khoát ứng hàm thiên đãng dạng
Lãm linh bất quí hải thương lương
Ngư long mộng giác xung nan phá
Y cựu băng tâm thượng hạ quang.

Dịch nghĩa

Mây tạnh, mây tan trong cõi mênh mông bát ngát
Một vùng phong cảnh tiếp liền với cõi rộng lớn
Phía trên, sáng sủa trong trẻo, phía dưới sóng nước yên tĩnh lặng lẽ, truyền nhau đôi bóng
Mặt biển biếc, ánh sáng lạnh, khắp bốn phương sạch sẽ
Sâu rộng ngâm chứa cả trời rộng lớn
Lạnh lẽo không thẹn với biển mênh mông
Con ngư con long tỉnh mộng, trở mình vùng vẫy cũng không làm phá vỡ được
Một tấm lòng băng vẫn rực rỡ chói chang y như cũ.

Những suy tưởng quy ước về việc trăng phản chiếu trên nước và quan tâm hình ảnh nào là thật, hình nào là ảo giác đều không có trong bài thơ này. Mọi cảm giác ưu việt hay thứ bậc tôn ti đều không có, khi “đôi bóng” treo lơ lửng trong sự bao la không phân biệt của trời và nước; trong câu thứ ba, sự hòa nhập của trời và nước trong một viễn cảnh về sự thống nhất của chúng bao hàm sự tự do vùng vẫy không cần nhìn lại. Con ngư con long, những ẩn dụ thay cho nhà cai trị và tùy tùng, tràn đầy giấc mơ và phối hợp, nhưng quá trình thức tỉnh và hành động thì không hoàn tất; những nỗ lực “phá vỡ” để tiến đến hiểu biết và hoàn thành của họ bị ngăn chặn. Bị ngăn chặn bởi cái gì? Cái ý tôi dịch sang tiếng Anh là “loyalty” (trung thành) thì nguyên gốc có nghĩa là “băng tâm”, một thành ngữ quy ước chỉ “sự trinh bạch” của phụ nữ và “tính cao thượng” của đàn ông; nó có nghĩa là tính chất đáng tin cậy, bền lòng, trung trinh, trung thực với mình. Phẩm chất này được xem là đã luôn “y như cũ”, không phải phụ thuộc vào những giấc mơ của “con ngư con long”, với những cuộc tranh đua của chúng vốn chỉ mang tính phù du. Hiệu ứng của bài thơ này là một nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ như một sự thống nhất vượt qua những tu từ phân biệt của nhà thơ hay mưu toan của nhà cai trị, đó cũng là một nhận thức về quy tắc hành xử con người không cần đến “văn chương” hay “chính quyền”. Hiệu ứng này còn rõ rệt hơn trong bốn dòng thơ cuối cùng của bài thứ ba nhan đề Thạch Động Thôn Vân, một bài suy tưởng về đỉnh đá núi:

Phong sương cửu lịch văn chương dị
Ô thố tàn di khí sắc đa
Tối thị tinh hoa cao tuyệt xứ
Tùy phong hô hấp tự ta nga

Dịch nghĩa

Trải qua nhiều phong sương, càng thêm nét sáng đẹp lạ lùng
Bóng ác bóng thỏ (mặt trời mặt trăng) thường di chuyển, khí sắc thêm nhiều
Chắc hẳn đây là nơi tinh hoa cao tuyệt rồi
Tự do theo gió, thở hút ở trên chót vót thượng từng.

Không giống như thiên nhiên mang tính chất như vườn, chịu ở dưới nỗ lực của con người như trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều nhà thơ xứ Bắc, không giống sự ca tụng niềm vui con người giữa thiên nhiên hoang sơ trong thơ Đào Duy Từ ở Đàng Trong, Mạc Thiên Tích xem thiên nhiên như một tác nhân động vừa khơi hứng vừa hạn chế nỗ lực con người. Dòng thứ nhất ở trên cho thấy các thói quen văn chương chắc chắn thay đổi khi chuyển vào Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho tính không chính thống. Dòng thứ hai ngụ ý những kế hoạch thống nhất của người có tham vọng làm vua thường xuyên bị ngăn trở và buộc phải thay đổi ở Nam Bộ; không cần phải xin lỗi cho sự đa dạng. Trong hai dòng cuối, có thể đọc như một ẩn dụ cho Nam Bộ, một nơi có những khí sắc riêng, một nơi mà những lựa chọn chỉ dành cho những ai “tự do theo gió”, dấu hiệu của việc đi theo khát vọng cá nhân, và xem những khả năng “trên chót vót thượng từng”. Tôi đã dừng lại ở thơ của Mạc Thiên Tích bởi vì Nguyễn Ánh có thể đã là người Việt Nam đầu tiên “theo gió” ở Nam Bộ và nhìn về phía Bắc từ “chót vót” của Nam Bộ.

Cú đánh kết liễu của Nguyễn Ánh năm 1801 là thông qua việc chuyển toàn bộ quân bằng đường biển, bỏ qua Bình Định (nơi quân của ông bị Tây Sơn vây hãm), và chiếm Thuận Quảng; nhờ thế, trong một nước cờ khéo léo, ông đã làm vây hãm quân Tây Sơn ở Bình Định và mở rộng đường ra Bắc. Trong chiến dịch ra Bắc, ông lại được hỗ trợ nhờ sự có mặt của quân đồng minh Lào qua đường núi từ phía tây đi vào Thanh Nghệ và nhờ việc là Đông Kinh đã không đứng lên chống lại ông. Nhưng người ta phải nhớ rằng những sự kiện này xảy ra sau nhiều năm chuẩn bị, thất vọng, hoạch định kỹ lưỡng, chờ đợi kiên nhẫn, và một viễn kiến về sức mạnh đường biển và hoạt động điều phối rộng khắp mà không đối thủ nào sánh bằng. Viễn cảnh chiến thắng của Nguyễn Ánh được tạo dựng ở Nam Bộ. Khi ông quyết định cai trị từ Huế, gần mộ tổ tiên ở Thuận Quảng, ông đã khiến những người kế vị mất đi tầm nhìn mà đã từng giúp ông chiến thắng và khiến cho Nam Bộ dễ bị các sức mạnh khác tấn công. Chỉ 40 năm sau khi ông qua đời năm 1820, Nam Bộ đã trở thành tổng hành dinh của người Pháp ở châu Á.




Xung đột vùng miền (2)
Thursday, December 21, 2017 Author: Trường An

Sự hỗn loạn trong đầu thế kỷ 16 thể hiện qua những cuộc nổi dậy của nông dân ở Đông Kinh, mà lớn nhất là của Trần Cao. Đó là một nhà sư tự nhận mình là Đế Thích giáng sinh và hậu duệ nhà Trần. Những sự hỗn loạn này có thể dễ dàng được hiểu là phản ứng mang tính Phật giáo của Đông Kinh trước thay đổi được gán cho triều Lê của Thanh Nghệ và yếu tố Nho giáo của nó. Nhân vật tái lập trật tự ở Đông Kinh, Mạc Đăng Dung, là thành viên trong cùng gia đình họ Mạc mà từng ủng hộ nhà Minh một thế kỷ trước. Ông tập hợp nhóm cận thần mở rộng cửa cho các gia đình Đông Kinh và thành công trong việc huy động sự ủng hộ địa phương. Một chi tiết quan trọng nhưng ít được nhắc tới là Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này.

Trịnh Tùng, người dẫn đầu cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh trong thập niên 1590, đã tổ chức sự chiếm đóng quân sự tại Đông Kinh mà vẫn còn thể hiện rõ khi Alexander de Rhodes sống ở đó trong thập niên 1620 và 1630. Alexander de Rhodes tường thuật, có vẻ với sự phóng đại, rằng 50.000 lính từ Thanh Nghệ đóng thường trực tại “hoàng thành” ở Đông Kinh để bảo vệ những người trị vì và đàn áp các cuộc nổi dậy ở các tỉnh xung quanh Hà Nội. Bên cạnh đó còn là các đoàn thủy quân lớn tuần tra trên sông “để bảo vệ ông hoàng trước mọi phe phản loạn”. Cho đến tận năm 1630, các cuộc càn quét của họ Mạc từ thung lũng Cao Bằng phía Bắc, nơi nhà Mạc tiếp tục trị vì cho đến thập niên 1670, thể hiện dư âm cuộc nổi dậy chống lại nhà Trịnh của những cư dân vùng phía đông Đông Kinh. Cho mãi đến thập niên 1650, dưới sức ép của thất bại quân sự ở miền Nam, nhà Trịnh mới bắt đầu thu phục nhiều người Đông Kinh dưới trướng của họ. Kết quả của việc này là cuộc xung đột phe nhóm kéo dài dựa trên các cạnh tranh quyền lợi địa phương. Các căng thẳng tương tự cũng thể hiện trong các cuộc nổi loạn lan rộng hầu khắp Đông Kinh trong thập niên 1740, 1750 và 1760 khi các đoàn quân nông dân địa phương bị lính từ Thanh Nghệ đàn áp sau nhiều năm đánh nhau.

Qua những gì trình bày, điều mà tôi hi vọng thể hiện là cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Đông Kinh là đồng bằng trồng lúa rộng lớn với dân số tương đối đông dọc các dòng sông và biển; người dân ở đây xem vùng rừng núi chủ yếu là điều gì đó xa lạ. Thanh Nghệ chạy dài vào miền Nam với đồng lúa thưa thớt giữa các đồi và núi; đồi núi ở nhiều nơi kéo dài ra vùng duyên hải; những người trồng lúa sống như các láng giềng gần của các nhóm miền cao có cách sống ít mang tính nông nghiệp hơn. Trong nhiều thế kỷ, Đông Kinh dày đặc các chùa chiền và lâu đài; các quan lại người Trung Hoa và vua nước Việt đã cai trị ở Đông Kinh nhiều thế kỷ. Trong nhiều thế kỷ, Thanh Nghệ là vùng biên giới tương đối hoang vu giữa Đông Kinh và khu vực người Chàm ở phía Nam. Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh; đó là nơi tuyển quân cho triều đình và là quê hương của những người nghĩ rằng họ phải lao động kham khổ giữa sự nhũng lạm miền Bắc của Đông Kinh. Đông Kinh, mặc dù có liên hệ chặt chẽ hơn với văn hóa Trung Hoa, không thể cạnh tranh về mặt quân sự với Thanh Nghệ, bởi vì đằng sau Thanh Nghệ là một vùng rộng lớn của những người nói tiếng Việt, một kho tiềm tàng nguồn nhân lực bổ sung lính nhập ngũ, những người không quen với và không chịu ràng buộc bởi những lề thói của người nông dân trồng lúa. Đổi lại, Thanh Nghệ không thể thống trị khu vực nếu nó mở rộng ra ngoài tầm với của Thanh Nghệ; trong thế kỷ 17, nỗ lực trong suốt nhiều năm của Thanh Nghệ muốn kiểm soát các lãnh địa nằm sâu về hướng nam đã kết thúc trong thất bại. Vậy loại khu vực nào xuất hiện sau Thanh Nghệ?

Đèo Ngang và dải Hoành Sơn, ở biên giới phía Nam của Thanh Nghệ, đã là mũi phía Nam của vương quốc người Việt trong nhiều thế kỷ. Đằng sau nó là một đồng bằng hẹp dọc biển, rộng khoảng 30 cây số giữa núi và biển, kéo dài khoảng 250 cây số đến đèo Hải Vân. Khu vực này, thời hiện đại gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, được các nhà cai trị người Việt trong thế kỷ 15 và 16 gọi là Thuận Hóa; nó bao gồm các lãnh thổ thay phiên bị chiếm, bị chinh phục bởi những nhà cai trị Trung Hoa và Việt Nam suốt nhiều thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ 15, nó vẫn là vùng biên giới tranh chấp bởi các vua Chàm. Trong thập niên 1470, vua Lê Thánh Tông đưa quân vượt qua Thuận Hóa, chinh phục và đóng quân trên ba trăm cây số lãnh thổ dọc biển nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, mà khi đó gọi là Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diễn biến này mở cửa biên giới phía Nam cho sự bành trướng chưa từng có của người Việt.

Danh từ “Nam tiến” đã trở thành một phạm trù quan trọng trong cách viết sử của Việt Nam. Dù được nhìn tiêu cực như sự xâm chiếm hay tích cực như một sức mạnh, thì danh từ này thường được phân loại như một điều có sẵn trong cái gọi là tính cách Việt Nam, một tiến trình đã diễn ra trong suốt lịch sử Việt Nam, và theo mô hình này, nó được xác định là bắt đầu từ thế kỷ 10 khi người Việt được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát của sự cai trị Trung Hoa. Tôi thì muốn chia phạm trù này thành những chương cụ thể và xem những sự hình thành khác nhau của các sự kiện tại các thời điểm và nơi chốn khác nhau. Lãng mạn hóa hay chê trách việc mở rộng về phía Nam của người Việt trong tiến trình nhiều thế kỷ cũng đều khiến chúng ta không thấy được những gì đã xảy ra ở một thời điểm hay nơi chốn nhất định. Tôi sẽ không nói về Nam tiến. Thay vào đó, tôi sẽ nói về sự hình thành các phiên bản mới của việc làm người Việt Nam ở ba khu vực vừa mới có người Việt sinh sống ở bên ngoài đèo Ngang: Thuận Quảng, Bình Định và Nam Bộ.

Nơi đầu tiên của các vùng này tôi sẽ gọi là Thuận Quảng, một cách nói tắt từ hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của thế kỷ 15 và 16, nhưng đã được định nghĩa lại cho mục đích của tôi để loại trừ khu vực sâu trong phía Nam, Bình Định, một nơi có sức mạnh khu vực riêng của nó trong thế kỷ 18. Như thế Thuận Quảng ở đây là tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa đã bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tùy tùng vào khu vực này năm 1558. Nguyễn Hoàng xuất thân từ Thanh Nghệ và liên minh với các phe khác của Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc ở Đông Kinh. Trong thập niên 1590, Nguyễn Hoàng đưa quân từ Thuận Quảng tham gia vào các chiến dịch chặng cuối đuổi quân Mạc ra khỏi Đông Kinh. Tuy vậy, các nỗ lực của Trịnh Tùng muốn đặt Nguyễn Hoàng ở dưới uy quyền của ông ta thất bại, và vào năm 1600, Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng và củng cố sức mạnh của gia đình tại đó.

Trong những năm 1620, căng thẳng giữa những người con của Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng bùng nổ thành cuộc chiến, và giao tranh kéo dài hơn 50 năm. Các từ áp dụng cho hai bên thể hiện một cảm thức mạnh mẽ của sự phân biệt không gian. Vương quốc phía Bắc, do họ Trịnh cai trị, được gọi là Đàng Ngoài, và vương quốc phía Nam của họ Nguyễn được gọi là Đàng Trong. Các từ “ngoài” và “trong” có thể hiểu đơn giản như ngôn từ phân cách tính chất trung ương và bên lề, hoặc chúng có thể được soi sáng bằng một cặp diễn đạt khác đươc sử dụng trong thế kỷ 15 để diễn tả việc đi lại dọc trục Bắc – Nam: vào Nam, và ra Bắc. Ý niệm về việc đi “vào” phía Nam và “ra” Bắc, miền Nam “ở trong” và miền Bắc “ở ngoài” đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích dựa trên kinh nghiệm đi lại giữa vùng đồng bằng mở của sông Hồng với Hà Nội là trung tâm và các lãnh thổ hẹp phía nam bị hạn chế giữa núi và biển. Giải thích này là khả tín khi dựa trên trải nghiệm địa hình của con người.

Làm thế nào những người sống “ở trong” không gian miền Nam hẹp có thể chống đỡ các đợt tấn công liên tiếp của người sống “ở ngoài” trên đồng bằng rộng lớn? Những người “bên trong” đã không chỉ vượt qua sáu chiến dịch lớn của người “bên ngoài” mà họ cũng phản kích và chiếm cứ nhiều nơi của Thanh Nghệ trong nhiều năm của thập niên 1650 trong lúc đồng thời đưa đội quân đầu tiên của người Việt vào đồng bằng sông Mêkông. Liệu việc “ở trong” có đem lại lợi thế nào không? Dường như là có, bởi vì những người miền Nam tận dụng “sự ở trong” của họ bằng cách đắp lũy giữa biển và núi ở cửa bể Nhật Lệ tại Đồng Hới, cách không xa nơi được thừa nhận là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại sông Gianh. Đằng sau các lũy, những nông dân – quân đội sống chen chúc trong các làng – chốt gác tự túc. Trong toàn bộ các trận chiến của thế kỷ 17, người Bắc chưa bao giờ vượt qua nơi này. Họ chưa bao giờ “vào được trong”? Tại sao?

Một cách giải thích là người miền Nam bảo vệ lãnh thổ của họ trong khi người miền Bắc cách xa nhà ở một nơi không quen thuộc. Ngoài ra, mỗi năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn thuận lợi cho giao chiến vì sự hạn chế của mùa khô khi quân đội có thể di chuyển, hạn chế gió để giúp hoạt động thủy quân, và thiếu tiếp viện từ miền Bắc; nếu người miền Nam đơn giản chỉ kháng cự đủ lâu, người miền Bắc sẽ phải lui quân trước khi đường tiếp tế của họ cạn kiệt hoặc trước khi có thay đổi về gió và có mưa. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những cân nhắc chiến lược này gắn với một tình thế cụ thể, một địa hình cụ thể, và rằng chúng không được trải qua như những quan niệm trừu tượng mà như những khả năng thật sự.

Một sự xem xét kỹ địa hình ở Đồng Hới và những nỗ lực củng cố nơi này bằng lũy của con người cho ta thấy một không gian tương đối nhỏ giữa núi và biển mà để qua nơi này chỉ có hai tuyến đường khả dĩ: một “đường núi” ở phía tây băng qua những đồi thấp dưới chân núi và một “đường biển” ở phía đông băng qua rìa cồn cát ở bờ biển. Ở giữa hai tuyến đường này là một dải rộng của sông và đầm lầy. Rõ ràng người miền Bắc không có khả năng vượt qua nơi này chỉ bằng thủy quân; nếu không có bộ binh, lực lượng thủy quân của họ không phải là đe dọa thật sự cho phía Nam Đồng Hới. Một phần là vì ưu thế vượt trội của thủy quân miền Nam, những người đã học từ người Bồ Đào Nha cách trang bị và sử dụng súng đại bác trên thuyền, nhưng ngay cả nếu không có điều này, thì khả năng bảo vệ bờ biển của phía Nam có vẻ vẫn vượt trội hơn quân miền Bắc nếu không có hỗ trợ của bộ binh. Sự nghiên cứu này cho thấy địa hình tại Đồng Hới trở thành tâm điểm của giao tranh, nó nằm ngay trong biên giới và ở một nơi mà chọn lựa di chuyển bằng đường bộ bị hạn chế ở hai tuyến đi lại hạn hẹp. Việc áp dụng trí tuệ con người tại địa hình này đã tạo nên một hệ thống tường trải dài từ các ngọn núi ở hai nơi khác nhau và bao gồm các thành lũy dọc bờ biển ở trên các đụn cát.

Tôi đã dừng lại ở Đồng Hới bởi vì chính tại đây ba thế hệ các lãnh tụ vùng đã liên tục đụng trận, nơi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã thử thách và định lượng sự phân cách của họ. Tại sao những bản sắc và tham vọng vùng này lại thể hiện bằng đại bác, gươm và voi trận thay vì bằng những phương thức giao tiếp ôn hòa hơn như thương thuyết và nhượng bộ? Một giải thích thu hút và thường được trích dẫn là việc chỉ ra rằng, trong những năm này, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn dài thay đổi triều đại và, khi không có sự đe dọa can thiệp của Trung Quốc, người Việt không cưỡng được nội chiến. Nhưng có ít nhất ba luận cứ chống lại quan niệm này. Đầu tiên, biện luận ở trên sẽ không giải thích được cuộc chiến Đông Kinh với Thanh Nghệ kéo dài hầu hết thế kỷ 16, trừ phi người ta muốn nói rằng vào thời đó, sự suy thoái của triều Minh đã loại bỏ mối đe dọa can thiệp của Trung Quốc, nhưng như thế điều này trở thành một kiểu giải thích rất không chính xác, thậm chí tùy tiện. Thứ hai, việc Trung Quốc tiếp tục là một yếu tố trong chính trị Việt Nam trong suốt thời chiến tranh thế kỷ 16 và 17, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, bị bỏ qua quá dễ dàng. Trong thế kỷ 16, các lãnh đạo Thanh Nghệ gắng sức nhờ đến hành động của nhà Minh để chống lại Đông Kinh. Một đội quân Minh đã đến trong những năm 1540, nhưng xung đột đã tránh được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhà Mạc. Sau khi họ chinh phục được Đông Kinh, những cố gắng của họ Trịnh nhằm tiêu diệt hẳn đối thủ đã bị cản trở suốt gần tám thập niên bởi sự bảo vệ của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh, dành cho họ Mạc ở tỉnh Cao Bằng nơi biên giới với Trung Quốc.

Thứ ba, chắc chắn là sai lầm khi giải thích xung đột vùng ở Việt Nam là vì thiếu đe dọa từ ngoài, cứ như thể một trong số ít những điều, nếu không phải là điều duy nhất, khiến người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt là nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài. Điều này đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”. Việc đi tìm ở Trung Quốc hay nơi khác những giải thích cho chuyện xảy ra ở Việt Nam không còn là một chiến lược phân tích làm thỏa mãn, đặc biệt khi một cách nhìn sự việc đáng tin hơn rõ ràng ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta có thể bỏ ra khỏi đầu óc mình quan niệm về “chất Việt Nam” như một đối tượng tri thức và thay vào đó, xem xét cẩn thận điều mà những người chúng ta gọi là người Việt đã làm ở những thời điểm và nơi chốn cụ thể, thì khi đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kì cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó.

Liệu có còn quá ngạc nhiên là Đàng Trong đã chống lại uy quyền của Đàng Ngoài tại Đồng Hới trong nhiều thế hệ và nhiều trận đánh khi chúng ta nhớ lại rằng những dân tộc mà ta gọi là Chàm trước đó đã từng kháng cự uy quyền miền Bắc cũng tại chính nơi này trong hàng trăm năm? Liệu có khó hiểu được là dân tộc chúng ta gọi là người Việt, những người mới đến sống ở đây, lại có một thái độ trước quyền lực miền Bắc theo nhiều cách cũng tương tự các cư dân trước đây? Thay vì dõi mắt về Trung Quốc phía Bắc để phân tích, có thể đã đủ khi quan sát kỹ hơn Thuận Quảng và xem xét làm thế nào sự định vị chiến lược và văn hóa của những người nói tiếng Việt tại một nơi mà trong nhiều thế hệ là của người Chàm lại có thể giúp soi sáng và giải quyết nỗ lực tìm hiểu của chúng ta. Những cư dân mới đến đã thờ phụng các vị thần của các cư dân cũ. Chuyện họ cũng thừa hưởng những kẻ thù của cư dân cũ gây ngạc nhiên chỉ bởi vì mức độ tuyên truyền ý thức dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người của thế kỷ 20. Có thể hữu ích hơn nếu ta không nói về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt, mà thay vào đó, nói về sự hình thành những phiên bản mới của việc làm người Việt ở lãnh thổ trước đây của người Chàm và các dân tộc khác.

Một sự biểu lộ về khác biệt giữa “những phiên bản” làm người Việt có thể nằm trong địa hạt của sự nhạy cảm về tôn giáo, văn học và thơ ca. Chính trị Việt Nam ngày càng trở nên địa phương hóa và phi tập trung hóa đến mức không nhân nhượng trong tiến trình của thế kỷ 16, nhưng sau đó, những ký ức “Việt” về thời kỳ ấy lại trở thành trung tâm luân lý trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm (sinh năm 1491). Vai trò quân sư và thầy giáo của ông được kích hoạt bởi việc “thoái ẩn” về quê cũ, phía đông Hà Nội, năm 1542. Giọng nói của ông được xem như một nguồn quyền uy mà không còn tìm thấy trong địa hạt chính trị, và mọi lãnh tụ tham vọng trong thời ông đều được mô tả là đã đi tìm và nhận sự ban phúc của ông dành cho tham vọng cá nhân và vùng miền của họ. Tuy nhiên, sau cái chết của ông năm 1585, ngay cả một trung tâm văn hóa hoặc luân lý Việt đã không còn tồn tại.

Thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm và của học trò giỏi nhất của ông, Phùng Khắc Khoan(1528-1613), người chọn phụng sự chúa Trịnh ở Hà Nội, mô tả thế giới như một nơi nguy hiểm, đầy lòng tham, bạo lực, hỗn độn, tranh quyền đoạt lợi. Ở một mức độ triết lý, tôn giáo hay thi ca, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa quan niệm về nhân sinh này thành những tuyên ngôn về tính tuần hoàn và sự tu thân. Trong một bài thơ của ông, ngôn ngữ Phật giáo xác nhận một chu kỳ tuần hoàn trong biến thiên của con người; thời gian liên tục đi theo những vòng hưng thịnh và suy tàn. Phản ứng đúng đắn của con người là sự tu thân. Tôi muốn đối lập điều này bằng một sự nhạy cảm thơ ca mà sau đó xuất hiện ở phía miền Nam.

Đào Duy Từ (1572-1634) có thể được xem là nhà thơ Đàng Trong đầu tiên. Ông bị loại khỏi cuộc đua quyền chức ở miền Bắc vì chúa Trịnh khinh ông là con nhà xướng ca, nên ông vào Nam và phụng sự chúa Nguyễn, rồi thành người xướng xuất việc đắp lũy ở Đồng Hới. Những bài thơ được cho là của ông sử dụng một ngôn ngữ Phật giáo rất khác thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian không phải tuần hoàn mà là trống rỗng; sự thông thái không phải là thành quả của sự tu dưỡng mà là xảy đến không cần nỗ lực. Ẩn dụ về tính cách con người không phải là mẩu vườn được chăm bón mà là thiên nhiên không có bàn tay con người. So sánh với tư tưởng tuần hoàn nhưng có tính cạnh tranh tìm thấy trong thơ miền Bắc, những bài thơ của Đào Duy Từ thể hiện một cảm giác tự do và tự tin không quan tâm đến quy tắc, lịch sử, hay tổ tiên. Nhìn bề ngoài, nó cũng có vẻ cho thấy một sự chuyển từ tư tưởng Tịnh độ (Pure Land) sang Thiền.





Copyright © Trường An. All rights reserved.