Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

1814
Trường An January 13th, 2018

Năm 1814 là 1 năm kha khá quan trọng trong triều Nguyễn thời Gia Long. Bề ngoài thì ta thấy đó là chuyện xử nhau của 2 phe nhóm Nguyễn Văn Thành - Lê Văn Duyệt, cộng thêm các sự kiện "râu ria" khác như họ Lê làm phản, lập thái tử, chính sách đối ngoại (cắm cờ ở Trường Sa cũng trong năm này luôn)... Nhưng khi nhìn toàn cảnh, có thể nhận thấy 1 việc sâu hơn thế.

Thời kỳ đầu, Gia Long đã lấy toàn bộ các quan Đàng Ngoài đã đi theo mình + các quan Lê Trịnh Tây Sơn (thậm chí từng có ý định dùng Ngô Thì Nhậm luôn mà Đặng Trần Thường "nhanh nhảu" đánh chết). Toàn bộ bọn họ nằm dưới quyền của 1 nho tướng kha khá có uy tín, tri thức, quan hệ tốt là Nguyễn Văn Thành. Đáng chú ý là trong khi cơ cấu quan lại ở Đàng Ngoài khá bình ổn, không có nhiều biến động trong nhiều năm, thì ở Đàng Trong, Gia Long thực hiện chế độ chỉ cho quan làm việc 3-4 năm ở 1 chỗ, thay đổi liên tục.

Điều này cho thấy rõ ưu tiên của nhà Nguyễn lúc này trong ổn định Đàng Ngoài là ổn định quyền lực địa phương, trong khi điều tiết quyền lực quan lại ở Đàng Trong để hạn chế thấp nhất bất ổn như đã nói trước. Ở đây lại cần chú ý đến 1 nhân vật đáng kể: Lê Văn Duyệt.

Thực chất trong thời Gia Long, Lê Văn Duyệt có tiếng là địa vị cao nhưng về quyền lực hay vị trí thì lại rất... khó nói. Đơn giản là vì Lê Văn Duyệt "bị" Gia Long điều đi vòng vòng các nơi, hết chạy đông rồi chạy tây, hết đến Nghệ An rồi về Quảng Ngãi, lâu lâu cho về Gia Định "xả hơi". Điều này cho thấy Gia Long thực sự không bao giờ để quyền lực thực sự nào rơi vào tay Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, trong bước đường chạy ngược xuôi ấy, Lê Văn Duyệt lại thu thập được 1 lực lượng khá đáng sợ: người Thanh Nghệ.

Từ Lê Văn Khôi cho đến Nguyễn Hựu Nghi, cho đến đám tù phạm sau này nổi dậy ở thành Phiên An, tất cả bọn họ đều có chung 1 "nguồn gốc". Và thực sự, "vấn đề ta tưởng ở thành Nam nhưng thật ra nằm ở thành Bắc", xung đột kéo dài triền miên gần suốt triều Nguyễn thật ra là xung đột của Thanh Nghệ - Đông Kinh ẩn dưới lớp vỏ của 2 ông quan Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt (kể cả Lê Chất). Sau khi tố cáo Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hựu Nghi được cử đi trấn thủ Nghệ An - và lại tiếp tục đóng vai trò trong chuyện của 1 ông quan Đông Kinh được Minh Mạng cử đi làm Hiệp trấn Sơn Nam hạ: Lê Duy Thanh. Và điểm rõ nhất ta thấy là sau khi Lê Chất được cử ra Bắc, nhiều quan Đông Kinh bị triệt hạ bởi đủ loại tội lỗi khác nhau. Và thời điểm này, chính là lúc Gia Long lập thái tử.

Có thể nói, Lê Chất chính là 1 loại "tốt thí" hay con cờ mà Gia Long đưa ra Bắc Thành trong thời điểm ấy. Là người Quy Nhơn ở Đông Kinh, Lê Chất vốn không có khả năng tạo phản, và 1 khi đã gánh toàn bộ tội lỗi truy diệt giới trí sĩ Đông Kinh, Lê Chất càng chẳng hy vọng có được một vị thế vững vàng ở đó. Tất cả những gì Lê Chất có thể làm chỉ là phục vụ triều đình cho đến chết. Và nếu trong thời điểm chuyển giao quyền lực có điều gì bất thường xảy ra, những kẻ nằm trong phe Lê Chất - Lê Văn Duyệt sẽ đóng vai trò chính trong việc dùng "bàn tay sắt" để trừ diệt đối thủ. Ngược lại, nếu có tội lỗi gì, Lê Chất sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc ổn định Bắc Thành, trong thời điểm này, đã chuyển từ "lấy uy tín phục người" một cách hòa hoãn, sang khống-chế toàn diện, với sự giúp sức của nhóm-thân-LVD từ Thanh Nghệ, sau khi trừ diệt hầu hết tàn dư của "thế gia vọng tộc" Lê Trịnh vùng Đông Kinh (trong khi các thế gia vùng Thanh Nghệ vẫn khá ổn).

Trong khi đó, Lê Văn Duyệt bị gọi từ Gia Định về Huế, để Trịnh Hoài Đức làm Tổng trấn Gia Định. Nên lưu ý, Trịnh Hoài Đức chính là thầy dạy của Minh Mạng, là người mà hầu như nói gì Minh Mạng cũng nghe trong thời gian sau này, là cái gai trong mắt Lê Văn Duyệt. Vậy là, 1 cách hết sức êm đềm, Lê Văn Duyệt đã bị "cô lập" trong triều đình Huế, nơi chỉ gồm toàn những viên quan Thuận Quảng và Gia Định trung thành với triều đình, nắm trong tay một nhóm quân mà thực tế là thuộc quyền của vua. Và cũng như Lê Chất, Lê Văn Duyệt trở thành người chịu toàn bộ trách nhiệm cho cuộc đấu đá trong triều đình, những cái chết cùng các cuộc trừ diệt. Nói chung, tiền nhân hậu quả là toàn bộ những gì 2 người lãnh trong thời gian sau này.

Cái sai đầu tiên của Minh Mạng sau này là "thả hổ về rừng", cho Lê Văn Duyệt về "dính cứng" ở Gia Định suốt 10 năm, và rồi từ đó chịu sự khống chế của Lê Chất. Từ vai trò 1 kẻ vốn là con cờ tốt thí, Lê Chất nhờ con gái mà trở thành "quốc trượng", quyền lực ngày càng cao ở Bắc Thành. Tuy nhiên, Minh Mạng vẫn để yên vì vốn dĩ hiểu rõ "nó chả làm gì được". Cái mà Minh Mạng không lường được chính là lực lượng Thanh Nghệ nằm dưới trướng Lê Văn Duyệt.

Ghi chép trong Thực lục có 1 điểm đáng lưu ý: Em gái của Lê Văn Khôi là thiếp của em trai Minh Mạng, 1 vị hoàng thân rất có tiếng nói trong triều đình. Nông Văn Vân cũng là anh rể của Lê Văn Khôi. Thanh Nghệ là quê của Lê Văn Khôi. Theo ghi chép của nhà Nguyễn, khi đến chinh phạt Nghệ An, Lê Văn Duyệt đã thu phục được Lê Văn Khôi, rồi từ đó "quân giặc nghe tiếng LVD là chạy hết". Điều này cho thấy thế lực của Lê Văn Khôi thực sự không hề nhỏ - thậm chí còn từng được triều đình ban quốc tính là Nguyễn Hữu Khôi. Thông qua các mối quan hệ hôn nhân, dòng tộc, có thể nói Lê Văn Khôi đã kết nối với mọi phần quyền lực trong đất nước. Nhóm tù binh Thanh Nghệ ở Gia Định chính là mảnh ghép cuối cùng cho quyền lực này.

Và 1 khi Lê Văn Duyệt đã đóng vai trò "đồ tể", đứng mũi chịu sào cho toàn bộ xung đột trong triều Nguyễn, thì thật ra, kết cuộc của nhóm người này cũng có thể thấy rõ.

Nhìn toàn cảnh, ta có thể thấy "ván cờ lớn" mà Gia Long đã sử dụng, đặc biệt là với 2 viên quan võ biền họ Lê và lực lượng Thanh Nghệ "bên dưới" 2 người này. Không phải là những thế gia vọng tộc Lê Trịnh ở Thanh Nghệ mà là kẻ xuất thân tầng lớp dưới hay thủ lĩnh thổ mục, nhóm "người mới" này làm nhiệm vụ "máy chém" nhóm Đông Kinh, khống chế Thanh Nghệ, kiểm soát vùng yết hầu trọng yếu. Minh Mạng sau này sử dụng lại "kẻ thù cũ" của họ để trừ diệt lại thế lực này, và trong khi cả 2 đã "lưỡng bại câu thương", 1 cơ cấu quyền lực mới được thành lập.

K.W. Taylor đã nhận xét, Gia Long là người có tính chất "theo gió" cực kỳ tốt, và cuộc chiến quyền lực trong triều Nguyễn thực sự không rõ ai mới là người "tạo gió". Dù ban đầu không có ý định bức tử Nguyễn Văn Thành, nhưng Gia Long rõ ràng có ý tước đi quyền lực của vị Tổng trấn Bắc Thành này. Đến khi đưa Lê Chất ra thay ở Bắc Thành, đưa Nguyễn Hựu Nghi ra Nghệ An, rồi ban chết cho Đặng Trần Thường, để yên cho Lê Chất lôi tất cả tội của quan lại Bắc Thành ra xử - thì lúc này, cuộc đấu đá của các quan đã trở thành "con cờ" trong tay Gia Long. Từ mâu thuẫn Thanh Nghệ - Đông Kinh ở Đàng Ngoài cho đến thù oán của phe phái Lê Văn Duyệt - Trịnh Hoài Đức ở Đàng Trong, kể cả mâu thuẫn của các thế gia với lực lượng "bình dân" mới tham gia vào chính quyền, của văn và võ, các cuộc sát phạt nhau trở thành công cụ khống chế quyền lực cho triều đình. Lê Văn Duyệt trở thành 1 "hình nhân" hứng gió, trong 1 vị trí có tiếng không có miếng vào thời điểm mà Gia Long mất.

Năm 1814 chính là năm Gia Long chính thức đưa Minh Mạng lên làm thái tử, và hầu như chỉ ngay sau đó, người nhà Lê trốn vào núi làm phản. Ngay trước đó thì là việc của Nguyễn Văn Thành - 1 vụ án dằng dai cãi qua cãi lại mà chả có phe nào chứng minh được mình đúng - cho đến khi người nhà Lê làm phản khai con của Nguyễn Văn Thành ra. Thực lục ghi chép cuộc cãi vã này, nhưng lại thấy vai trò của Gia Long rất ít, và ta có thể "nhầm" rằng Gia Long đã hồ đồ lẫn lộn không biết nghe ai. Nhưng đây là điểm vô cùng bất thường nếu nhớ cách hành động bình thường của ông vua này - 2 phe cãi nhau thì cứ... phạt hết cả 2 cho "chúng nó" im mồm. Những hành động phía sau gạt phắt nghi án về Lê Văn Duyệt đi, cho quan chức những kẻ tố cáo, càng cho thấy rõ ý định của Gia Long đang hướng về đâu. Và với toàn bộ "ván cờ" như trên, thực chất ý muốn của Gia Long rất rõ ràng: Khống chế toàn bộ cục diện, trong thời điểm chuyển giao ngai vàng bất ổn nhất.

Và thực tế cho thấy thì sau khi Gia Long mất, hầu như chẳng có chuyện gì xảy ra (chuyện xảy ra lại ở Gia Định cơ, người Cao Miên nổi loạn rồi bệnh dịch chết cả chục ngàn người) - Rối loạn chỉ thực sự bùng nổ sau khi... Lê Chất mất. Lúc này thì Minh Mạng đã ngồi yên chỗ.

Ngay cả việc đi "cắm cờ" cũng là lường trước hậu hoạn, ra tay xác định chủ quyền cho khỏi đứa nào kiếm chuyện.

Nhìn thì tưởng hồ đồ, nhưng nhìn rõ lại cách xếp đặt Lê Văn Duyệt thì mới thấy sự đáng sợ: Bè phái Lê Chất - Nguyễn Hựu Nghi nằm trong "đất địch", còn trung thành thì còn có chút uy thế, chứ không là triều đình ho 1 tiếng cả đống người đến đập chết. Ở phía Nam thì "kẻ thù" Trịnh Hoài Đức "trấn giữ". Bản thân thì nằm trong vòng kềm tỏa ở Huế, có quân cũng như không, bao nhiêu thuộc hạ thu thập được cũng chỉ làm công cụ cho người trên. Chả cần biết Lê Văn Duyệt có thích Minh Mạng hay không, Gia Long cứ tống chiếu truyền ngôi cho Duyệt giữ, và Duyệt lại trở thành "hình nhân" tập thứ n: Bị đẩy ra trước bảo vệ Minh Mạng nếu có chuyện, còn nếu bản thân muốn phản thì chả có cái danh nghĩa nào mà phản.

Với cả, có 2 người nhận chiếu, thảo chiếu, người còn lại là... Trịnh Hoài Đức đang nắm quyền Gia Định. Lê Chất thì đừng mơ dùng được "nguồn lực" nào phía Bắc. Chả rõ trong lúc đưa tay nhận chiếu, Lê văn Duyệt cảm thấy thế nào. =))

Nhưng thiệt ra thì chả ai chịu ngồi yên chờ chết, và có những chuyện "như trời bảo" xảy ra ở Gia Định khiến Lê Văn Duyệt giết Huỳnh Công Lý, đẩy Trịnh Hoài Đức về Huế, chiếm quyền ở Gia Định suốt 10 năm. Cái đám người "không gốc rễ" đi theo Duyệt nắm được nguồn lực lớn mạnh ở Gia Định, cuối cùng ép ngược lại Minh Mạng.

Hay cũng có thể... đầu óc ông bố "siêu phàm" quá nên ông con thiệt ra vẫn chưa hiểu ông bố muốn làm gì. Cái đoạn lon ton chạy đến bảo Nguyễn Du đang im thin thít "triều ta không kỳ thị Bắc Nam" cho thấy... 1 tâm hồn còn vô cùng ngây thơ. :meo10:

Chẳng qua là đang nghĩ chuyện "ân oán trong triều đình này xoay quanh mỗi cái gốc kia", thì phải chăng tất cả đều là tiền nhân hậu quả được trồng xuống chờ ngày hái trái? Cái trái đắng mà Lê Văn Duyệt phải nhận sau khi bức tử Nguyễn Văn Thành, thật ra đã âm ỉ lớn trong suốt ngày tháng ấy. Có sai số, nhưng chẳng qua càng tham sân si thì càng ngã đau.

Ngay từ lúc đẩy Lê Chất ra Bắc, xếp đặt lại quan tước, dường như đã có 1 tờ chiếu lơ lửng trên không: Tất cả các ngươi phải chết. Nghĩ ra thì thiệt là... creepy. =))

Ờ, nhưng mà đây là chúng ta đang nói đến 1 kỹ sư đóng tàu, người đã xếp đặt toàn bộ cuộc chiến của mình bằng "theo gió", là người hoạch định ra những thứ chả ai nhận biết được cho đến kết quả cuối cùng. Cho nên, Bạch Xuân Nguyên chẳng qua xuất hiện ở đó, cũng như Nguyễn Văn Hiệu xuất hiện ở đó, còn cái nhân quả âm thầm kỳ bí nọ có khi đã hình thành từ năm 1814 kia.



One Response

Bạn là tín ngưỡng của tôi

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.