- Bi hoan ly hợp hướng thuỳ trần, lạc lạc phong trần vạn lý thân[1]
(Vui buồn ly hợp cùng ai bày tỏ, gió bụi vùi thân giữa dặm xa)
Bốn tháng sau, nhà vua tiếp tục đổ bệnh.
Lần này ngài ta bệnh hơn mười ngày liền, không những các buổi chầu bị bãi bỏ mà hoàng Cả còn phải đi tế Thế miếu thay cha.
Ngay cả thang thuốc hiệu quả lần trước của ngự y Nguyễn Tăng Long cũng không còn mấy tác dụng. Căn bệnh của nhà vua kéo dài tới gần nửa tháng mới chậm chạp lui dần trong sự bất lực của các y sinh. Cảm phong hàn, họ nói, cùng một triệu chứng mùa hè cũng như mùa đông, nhưng ngày càng khó chữa.
Còn Chu Phúc Năng mặt tái như chàm, quỳ sụp trên sàn kể với Thái hậu về những đêm nhà vua ngắm sao trên sân điện. Ngôi sao chổi đã mọc từ tháng tám vẫn cứ lòe lòe sáng trên bầu trời, trông như một cái gáo có ba đuôi. Đêm đêm nhà vua ngắm sao đến nửa canh một, mây che không thấy nữa thì mới vào cung, có nhiều đêm nhà vua ở lại hẳn chính điện để tiện nhìn trời.
“Các người hầu hạ ngài ngự như thế nào?” Lần này Thái hậu quay nhìn các cung tần, giận dữ hỏi. “Chẳng phải lần trước ta đã nói các ngươi cắt cử nhau mà dâng món ăn, coi sóc đồ dùng, nâng giấc khuyên giải ngài mỗi ngày à?”
Nhóm người im lặng. Chỉ có Trần Thị Tuyến khẽ khàng lên tiếng.
“Bẩm, nhưng Chu Phúc Năng cũng vừa nói ngài ngự có nhiều đêm ở hẳn chính điện, chúng con không theo được.” Cô ta chưa nói hết, Ngô Thị Chính đã vội ngắt lời.
“Có lẽ do bọn con ngu ngốc vụng về khiến ngài ngự khó chịu, ngài thấy ngôi sao càng thêm bực bội hơn. Đến các nhạc sinh tấu hầu giúp vui ở điện cũng bị ngài đuổi sang Thanh Phong đường rồi ạ.” Ngô Thị Chính nhũn nhặn nói trước vẻ mặt Thái hậu. “Sao chổi mọc vài tháng chưa tan là điềm rủi của cả thiên hạ, ngài ngự sao có thể tránh khỏi buồn bực ạ? Có ở chính điện hay trong cung thì ngài cũng khó ngủ, tâm tình không tốt, ăn uống cũng kém. Chúng con thường hay bảo nhau mình là phận gái không giúp được gì, chỉ cố gắng nhẹ nhàng vui vẻ chăm lo bữa ăn giấc ngủ của ngài, đừng làm ngài tức giận hơn. Đến cả các hoàng tử ở Dưỡng Chính đường cũng được dặn không quấy nhiễu ngài, có bài văn thơ nào hay thì đem cho ngài xem hầu khuây khỏa.”
“Ngày nay bốn phương yên ổn, lại chỉ vì một ngôi sao mà phát bệnh đến thế?” Thái hậu than thở, bỗng hạ giọng. “Từ tháng tám à?”
“Có lẽ do Diên Khánh công vì bọn con hát mà gây hết chuyện này đến chuyện khác, ngài ngự giận mãi không thôi ạ.” Ngô Thị Chính vẫn dùng giọng chẳng rõ thái độ mà đáp. Thái hậu thẫn thờ một lúc, rồi vẫy tay gọi mấy cô gái xinh đẹp nhất đến gần.
“Các người dâng thuốc hầu cơm cho tốt, lựa lời mà nói cho đẹp lòng.” Bà thở dài bảo. “Hiếm khi hoàng thượng ở yên một chỗ cho chị em các người hầu hạ, ai giúp ngài khỏe lại thì ân sủng không biết bao mà kể.”
Ở phía sau phòng, cô nhìn Ngô Thị Chính vẫn chắp tay cúi đầu đứng yên như tượng. Khi Thái hậu cho mọi người lui, cô còn thấy cô ấy khẽ thở ra, khuôn mặt chẳng rõ vui hay buồn.
Sau lần bệnh tháng sáu, thái độ của nhà vua vẫn bình thường, nhưng ai hiểu nổi ngài ta nghĩ gì? Khi ngẩng đầu nhìn ngôi sao suốt đêm dài, ai biết được ngài ta nghĩ gì? Có lẽ chỉ là nửa đêm lang thang trên sân đá giao mùa thu đông sương giá thất thường nên ngài ta bị cảm lạnh. Nhưng cái người mới đầu năm đi tuần hành trong mưa dông ấy hiện thời đã run rẩy chỉ vì mấy cơn gió đầu mùa – chẳng lẽ cơ thể ngài ta đã suy sụp đến thế sau cơn bệnh mùa hạ?
Thái hậu chẳng gọi đến cô, nhưng vì bệnh của nhà vua kéo dài, cung tần không bận rộn con mọn việc công thì lại ít, cô vẫn phải đến chăm sóc cho ngài ta. Nhà vua lúc này đã đủ khỏe để đi ra điện Quang Minh bàn chuyện, nhưng vẫn phải uống thuốc đều đặn. Mới đầu mùa đông mà phòng ngài ta đã đốt lò sưởi lớn, ấm sực mùi thuốc. Ngài ta không ra chầu, ngược lại tờ tâu việc của các bộ đưa vào càng nhiều hơn. Nửa nằm nửa ngồi trên giường, không chải đầu, lưng tựa vào cái gối bọc gấm, giấy tờ vung vãi cả quanh chăn, nhà vua ném hết tờ này đến tờ nọ xuống bên.
“Ngài nghỉ tay uống thuốc đã.” Cho cung nữ đặt thuốc lên cái án nhỏ cạnh giường, cô nói. Nghe giọng cô, nhà vua hơi ngoảnh đầu nhìn qua nhưng vẫn chẳng tỏ thái độ gì. Đã được nghe về tính khí ngài ta, cô liền tiếp. “Những hoàng tử đã xuất các ở ngoài không yên tâm, hôm nay xin với cung Từ Thọ cho họ vào Thanh Phong đường theo dõi bệnh tình của ngài. Mùa đông rồi, nơi ấy chỉ là chỗ xem hát, ngài chưa khỏi bệnh thì cả đám người bệnh theo đấy.”
Bàn tay nhà vua hơi ngừng lại, rồi ngài ta miễn cưỡng đặt tập giấy xuống. Cô sai cung nữ quỳ hầu dâng thuốc cho ngài ta, ra ngồi ở bàn ngoài. Nhà vua vốn chỉ ngoan ngoãn ăn uống trước mặt Thái hậu, may ra nhắc đến các hoàng tử ngài ta yêu quý thì có tác dụng.
“Bảo chúng không phải vào. Hai ba hôm nữa ta ra chầu được.” Nhà vua uống xong thuốc thì nói. Cung nữ mang mâm thuốc đi, cô đưa mắt nhìn theo cô ta, bỗng cảm thấy vừa phiền toái vừa bực bội.
“Không chỉ bọn họ mà người trong cung này cũng chẳng yên.” Cô vu vơ nói. Nhà vua im lặng cầm tập tâu lên đọc tiếp, chẳng tỏ ý gì. Cô liền chuyển giọng. “Cả đám phi tần hôm trước còn đốt nhang cầu khẩn, khóc lóc thảm thương, ngài xem bọn họ yêu quý ngài đến mức nào?”
Cô vẫn nghe lửa lách tách trong cái lò sắt. Nhà vua lật giở một tờ tâu, đọc xong rồi cười.
“Nguyễn thị, con gái của Nguyễn Đức Xuyên.” Ngài ta nói như thể đọc tờ tâu cho cô nghe. “Trong các cung nhân không con của Thế Tổ được ta cho về, bây giờ chỉ còn bà ấy giữ tiết. Mới năm năm thôi, mà chỉ còn mỗi bà ấy. Nguyễn thị này vào hầu hoàng khảo đầu niên hiệu Gia Long, bây giờ cũng gần bốn mươi rồi[2]. Ta phải thưởng cho bà ấy bao nhiêu đây?”
“Hoàng khảo ta ngày ấy kiệt quệ cả về tâm lẫn lực, vậy mà lúc nào cũng có một đám người vây quanh, nói câu ân ái, cầu lòng thương xót, như thể thiếu ngài thì sống không được. Ngươi nghĩ, họ muốn cái gì vậy?” Dường đã mệt, nhà vua vứt tập tâu xuống giường, dựa lưng ra sau mà nhắm mắt. “Kẻ nào không có được thứ mình muốn cũng thấy mình đáng thương, mình tội nghiệp, bâu lấy kẻ có thể cho mà xâu xé. Có được người đứng đầu thiên hạ, vượt qua đám đàn bà khác, vinh hoa phú quý thỏa mãn hư vọng, nên đem tình này nghĩa nọ ra đầu lưỡi chót môi, tranh nhau nhao nhác, rốt cuộc bây giờ không còn một người nào. Cũng là một đám danh gia vọng tộc, con cháu công hầu, thủ tiết được năm năm đã đáng khen tặng rồi đấy.”
Đến lượt cô im lặng. Có vẻ nhiều ngày bệnh tật, phải ở trong cung với toàn phụ nữ và nội giám càng khiến nhà vua bực bội hơn. Chỉ một câu nói của cô mà nếu ngài ta đủ khỏe thì sẽ phải mắng cả một thôi dài. Không muốn chọc giận ngài ta thêm, cô cúi người thu mấy tờ giấy bị gió thổi vương vãi trên đất dưới bàn. Không phải tờ tư của các bộ, chỉ là các mẩu ghi chép vụn vặt hẳn từ Văn thư phòng chuyển tới. Cô nhặt lên một danh sách được viết tháu ghi mấy cái tên: Thượng thư Lễ bộ Đặng Đức Siêu làm Hiệp biện Đại học sĩ, Lưu thủ Phiên Trấn Nguyễn Đức Thịnh làm Thiếu bảo Đô Thống chế, Đô Thống chế Hoàng Viết Toản làm Chưởng dinh. Ở dưới còn mấy tên khác để trống chưa ghi phần truy tặng: Cai cơ Vọng Các Phạm Văn Vân, Vệ úy Tôn Thất Hoảng, Cai cơ Vũ Văn Diệu, Nguyễn Văn Trúc.
Đầu năm nay, nhà vua mở đàn tế chiến sĩ trận vong, đích thân đến xem. Cô nhớ lại lời kể tưởng chừng vu vơ trước, đưa mắt nhìn người quấn chăn nằm trên giường. Ngoài ra nhà vua còn cho hỏi sự tích trung hưng từ năm Canh Tý, phong tặng cha mẹ quan Vọng Các hưu trí, tìm hỏi công thần từ tận đầu thời chúa Nguyễn. Nhưng ngoại trừ con cháu Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Kính, chẳng còn mấy ai để truy phong. Chẳng lẽ vì chờ cả nửa năm trời không tìm được thêm một cái tên nào, vậy là nhà vua phong tặng đến cả những người từng có chút công lao ở tiềm để của ngài ta?
Chẳng lẽ thất bại trong việc chọn công thần từ trên xuống, ngài ta đang lựa cách lấy từ dưới lên?
Cô xếp giấy tờ lại ngay ngắn trên bàn, lấy viên đá thanh hoa chặn lên. Dựa lưng vào tường, cô ngoảnh nhìn mưa rơi ngoài song cửa trong bóng chiều buông. Các cung nữ và nội giám vẫn qua lại, thấy nhà vua nằm ngủ thì yên lặng lui đi. Chỉ có tiếng chim hót líu lo từ góc vườn vọng đến.
Năm nay là một năm tương đối yên tĩnh hiếm có, chỉ vùng Trực Kỳ bị mất mùa nhẹ và bốn sách man nhỏ ở Bình Hòa nổi loạn đang cho kêu gọi đầu hàng. Ngay cả quan hệ của nhà vua với Tả quân cũng tốt lên do Anh Cát Lợi tấn công Miến Điện, tranh cãi trước đó của triều đình trở nên không cần thiết. Và nhà vua chưa bao giờ thực sự tỏ ra kình chống với cha cô, Bắc Thành dưới sự cai trị của ông vẫn ổn định. Thậm chí Nguyễn Hựu Nghi cũng đã bị điều đi coi thi ở Thanh Nghệ. Vậy mà tình hình sức khỏe lẫn tinh thần của nhà vua càng bất ổn. Ngài ta có thể đứng vững trong mọi sóng gió, nhưng lại bất chợt ngã xuống trong bình yên. Vì lý do gì thì có khi chính ngài ta cũng không hiểu rõ. Tương tự như sự bối rối của các ngự y điều trị cho ngài ta.
Mưa ngừng khi nắng hoàng hôn dát đỏ mảng hành lang ngoài điện. Cô nghe tiếng động trên giường, thấy nhà vua đã nhỏm dậy, liền gọi người đưa nước vào cho ngài ta.
“Miên Liêu thế nào rồi?” Thấy cô ngồi yên bên cửa, ngài ta dường thoáng ngập ngừng rồi hỏi.
“Thằng bé đang ở chỗ Thái hậu với Miên Phong, Vĩnh Trinh, công nữ Tĩnh Hảo, chơi vui lắm.” Cô cười đáp. Hoàng cung có một bọn trẻ cùng tuổi nên chẳng lúc nào sợ buồn. Hôm nay vợ chồng Miên Tông đều vào cung hỏi thăm nhà vua, hầu chuyện Thái hậu. “Ngài có muốn gặp công nữ không, thần nhắn lại?”
“Được.” Nhà vua gật đầu. Thấy người đến thay, cô bèn đứng dậy rời đi. Đến cửa phòng, cô cúi đầu nghĩ một lát, rồi thở ra.
“Ngài nghĩ nhiều quá, rảnh rỗi thì chơi với bọn trẻ mới tốt.” Cô nói mà không quay lại, nhìn về phía Dưỡng Chính đường vừa được xây gần điện của nhà vua, dành cho các hoàng tử từ năm tuổi trở lên đến sống và học hành. Dù bề ngoài lạnh lùng, ngài ta vẫn gần gũi với bọn trẻ con, thương chúng nó thực sự. Cả cung thành này, nói cho cùng, quan trọng nhất là bọn chúng.
Bọn họ chẳng còn trẻ nữa để đuổi theo những giấc mơ. Tình yêu và tự do ở trong khu thành này đều là thứ chẳng bao giờ có, chẳng thể nào tồn tại được. Những hình bóng trong quá khứ của họ, rốt cuộc cũng là người đã chết hằng bao nhiêu năm trước. Còn bọn họ vẫn cứ ở đây, giữa lớp lớp tường thành, trùng điệp con người, trùng điệp núi sông, đón chờ những cơn bão tới. Dù tâm can tan nát, dù bản thân đã vụn vỡ, dù có xót xa ngàn vạn lần, cũng chẳng thể làm thế nào được.
Nhà vua chỉ trong vòng vài tháng đã hai lần đổ bệnh nặng, còn nguy hiểm hơn ngôi sao đang quét qua bầu trời kia. Đặc biệt nếu cả hai sự việc xảy ra cùng lúc.
Những ngày này, cô đã bắt đầu dần nghĩ nhiều hơn về hành động của mình, thay vì cảm giác ấm ức tức giận thường trực. Bà cô bệnh nặng, cha cô cũng không khỏe, Ngọc Cửu vào cung báo lại với rất nhiều âu lo. Lần này bệnh tình của bà cô là thật, cha cô đã nhiều lần xin về Bình Định nhưng chưa được cho phép. Cha cô cho xây mộ của ông nội cũng là tấm tình thực sự với bà, trong khi bản thân đang bị hành hạ trong căn bệnh cũ từ những ngày lăn lộn sương gió. Mới qua tuổi năm mươi, nhưng sức khỏe của cha cô đã nhanh chóng xuống dốc.
Cái giá mà cha cô phải trả cho địa vị hiện giờ vốn chẳng thể nào hình dung được. Những hận thù, đau đớn, kể cả tình cảm của ông suốt cuộc đời lăn lộn trong mưu toan và chiến trận, cô lại chưa bao giờ thực sự nghĩ tới. Người đời có ba thứ không dám giận là trời, vua, cha mẹ, ta lại dám giận tất – người ta thì thầm với nhau câu nói của cha cô, kẻ được coi là một tên hàng tướng phản phúc hàng đầu. Nhưng sẽ chẳng ai hiểu những buổi chiều cô lẻ mà bóng lưng bà nội cô cong cong dưới nắng nhạt mờ, sẽ chẳng ai hiểu những cơn đau đớn hành hạ từng khớp xương thớ thịt từ ngày mà cha cô chạy vào núi ẩn nấp trong cuộc truy lùng đẫm máu. Ông đã lớn lên như dã thú, sinh tồn như dã thú, trưởng thành trong cuộc chiến quay cuồng thịt nát đầu rơi, trong những cuộc sát phạt gớm ghê tàn khốc nhất mà con người có thể nghĩ ra để trừng trị nhau. Thế gian của ông không có bạc vàng gấm vóc, càng chẳng có tiên cảnh mộng mơ, lý lẽ đúng sai, đạo đức sách vở, vẻ đẹp cùng nỗi đau lộng lẫy của Nguyễn Phúc Kiểu. Sự căm ghét và khinh rẻ hai người ấy dành cho nhau, trở nên đương nhiên như lẽ trời.
Cuối năm ngoái, cậu Lê Văn Từ của cô đã qua đời tại Biên Hòa trong cơn bệnh dịch quét qua vùng đất ấy. Và khi ngôi sao kia xuất hiện trên bầu trời, cô cũng đâm hoảng sợ trước những cái tin đến từ người trong nhà. Những gì cô có vốn không phải là đương nhiên, và khi nhìn Miên Liêu đang bập bẹ tập nói, cô bắt đầu thấy nỗi bất an dậy lên cùng đau xót.
Cô bắt đầu nhớ tới bà nội lầm lũi trong nắng mưa đổ trời Gia Định, những ngày gian khổ nhất của cuộc chiến. Cô nhớ tới cả những lời mắng mỏ cay độc, nước mắt mặn đắng như mồ hôi rơi xuống trên môi. Cô nghĩ đến ngày bà dắt mẹ con cô rời khỏi dinh phủ Quy Nhơn về quê nhà đầy muỗi mòng ve vắt. Cô nghĩ đến cả cuộc đời người lầm lũi trong bóng đổ núi xanh, nhận ra mình đã vô tâm với bà đến bậc nào. Cô vốn là đứa trẻ quá thiếu cảm thông cùng tình thương, quá dễ căm ghét và giận dữ, để rồi đến bây giờ lại thấy hối hận – khi hiểu rõ rằng mình không còn có thể gặp bà được nữa bao giờ.
Sự sống trên thế gian này vẫn đang trôi, con người vẫn đang sinh ra và chết đi, khổ đau cũng chẳng thể làm gì.
Mùa đông năm ấy, khi ngôi sao chổi trên bầu trời đã mờ đi, bà nội cô qua đời. Chính Thái hậu gọi cô đến cung Từ Thọ báo tin, trao cho Ngọc Cửu ba cây gấm Tống và năm mươi lạng bạc để đưa về Bình Định làm lễ. Cô được đặc cách ra đình ngoài thành lập đàn bái vọng.
Lê Chất cha cô đã xin về quê, nhưng nhà vua bảo phải đợi người thay thế, Ngọc Cửu nói. Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Hữu Thận vừa được bổ làm Hiệp Tổng trấn Bắc Thành, trước đó thì Thống chế Trương Phúc Đặng được cử đến quản lý biền binh Bắc Thành khi cha cô báo bệnh. Tình hình này có thể ông ấy thực sự bệnh nặng, không phải lấy cớ để về Kinh.
Vậy là cha cô không thể gặp bà lần cuối vì thế, cô thừ người nghĩ khi nhìn dòng sông chảy trước đình, trong mùi hương khói trộn cùng giấy cháy. Cho đến lúc này, cũng chỉ có Lê Hậu ở Bình Định, cha cô xin mãi vẫn chưa về được. Trong cả cuộc đời biến động của cha cô, có lẽ bây giờ là lúc ông đau khổ nhất.
Dù năm nay được mùa, vùng Thanh Nghệ vẫn chẳng yên, Thái hậu nói nửa như muốn giải thích, nửa như yên ủi cô. Trong khi đó, các cơ Bắc thuận, Hiệu trung đông đến hai vạn người mà cha cô mộ thì đang tan rã, trốn lánh không thể kiểm kê được, Ngọc Anh, Ngọc Cửu thì thầm bảo. Trước đây cha cô và nhà vua bàn việc, nói rằng dùng quân Thanh Nghệ đánh dẹp trộm cướp trong vùng không có tác dụng vì là người cùng quê, nên cha cô mới mộ cơ Tĩnh Bắc. Nhưng quân mộ thì đông, thực chất chẳng có bao nhiêu người, một số là kẻ trộm cướp lẫn vào để trốn truy bắt, một số là do tổng lý khai gian để lấy tiền lương, người đứng mộ lấy cho đủ số, số khác thì kê tên trốn đinh, trốn thuế rồi tản đi mất. Trước nhà vua đã cho tra xét lại cơ An thuận nhất mà cha cô lập khi đi kinh lược Thanh Nghệ, loại bỏ những tù phạm nặng, phát đi thú ở Gia Định, kẻ nào trốn giữa đường thì cho chém trước tâu sau. Cha cô mộ quân xong rồi mới báo, thái độ ngài ta vốn đã không bằng lòng, tự đi xét lại một nhóm làm gương, nay thấy kết quả của đội quân ấy hẳn càng bực bội.
Năm ngoái Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Soạn đã nói rằng nhân dân bắt nộp trộm cướp phí tổn rất nhiều, xin cho bắt được kẻ cướp nào chém ngay kẻ ấy. Hoàng thượng mắng thế thì giết người khác gì chém cỏ, dân cùng khổ mới ra trộm cướp vì quan không biết cách cai trị, sao lại nỡ nhắm mắt giết bừa. Năm nay Trấn thủ mới là Trương Văn Minh và Tham hiệp Nguyễn Đức Nhuận lại bảo, tệ giặc cướp lâu đời ở vùng này là do dân tục dữ tợn, thế núi rộng tụ họp dễ, điển lệ khoan hồng của triều đình quá rộng, thổ phỉ càng ra oai để ngăn người cáo giác, lính thú mới mộ đã trốn. Được mùa nhưng cuối năm trộm cướp càng dữ dội hơn năm mất mùa. Nói như thế, kết quả này chẳng phải vì những quyết sách trước của chính nhà vua mà ra sao?
Từ kinh lược, khoan hồng, mộ lính, tha giảm, phát chẩn, thay đổi quan viên, tất cả mọi cách đều đã dường như vô dụng.[3] Giống như phương thuốc trị bệnh cho nhà vua, mọi phương cách đã dần dần mất hiệu quả, ngay cả lý do cũng trở nên vô nghĩa. Lý do, có khi cũng chỉ là ngôi sao chổi chói sáng một góc trời vài tháng không tan.
Không như bản tính ngang ngược của mình, cha cô chấp nhận ở lại Bắc Thành, chờ đợi người tới thay thế, chờ đợi cả những biến động đang xảy ra. Năm ngoái, ông đem hơn hai vạn người về Thăng Long, duyệt binh trước lầu Ngũ Môn với thanh thế chẳng khác gì vua chúa, gây nên bao lời đàm tiếu khắp trong ngoài. Để rồi hiện thời ông cũng đang thấy tất cả rã ra trước mắt như tổ kiến bục trong nước lũ. Để rồi, hiện thời hẳn ông cũng cảm thấy hoang mang trước những gì ông cho là đúng, cách thức mà ông đã thực hiện suốt cả cuộc đời.
Sau một thời gian vui mừng vì ngôi sao đã tắt, nhà vua lại đang yên lặng kỳ lạ. Lang trung Binh tào Gia Định chỉ vì đóng dấu triện ngược trên sổ binh mà ngài ta cho đình thần nghị xử, Tổng trấn Lê Văn Duyệt phải dâng biểu tự hặc. Nhà vua bảo không phải muốn lấy chuyện nhỏ mà răn người, nhưng rõ ràng là đang cảnh cáo nhóm người Gia Định lẫn chính Tả quân. Ở Bắc Thành, vị Tham hiệp Thanh Hoa vừa bổ dụng là Nguyễn Công Trứ tra xét quan văn võ Ninh Bình trộm tiền thóc đắp thành, khiến quan viên nơi này phải giải chức. Các chiến tích đánh dẹp giặc cướp ở Bắc Thành vẫn được báo về, nhưng cô hiểu rõ điều gì ẩn sau các báo cáo ấy. Không chỉ cô, cả các công chúa, Thái hậu cũng đang phập phồng quan sát, lo sợ từng động thái nơi phương Bắc, trong triều đình. Đặc ân của Thái hậu với bà cô thật ra là vì cả những con cháu của mình nơi vùng đất ấy.
Tiếng voi gầm, quân hét vọng đến từ Phu Văn lâu trong buổi duyệt tượng quân. Cô nhìn thấy bóng lọng vàng của nhà vua đích thân đến xem diễn trận trên đài cao.
Ngài ta đã nghĩ gì trong những đêm nhìn sao trên sân điện đá lạnh? Trong sự yên tĩnh mang đầy uẩn ức của thế giới xung quanh? Trong nhận biết về những chuyện đã qua, những gì đang xảy đến? Thậm chí như Thái hậu lo sợ, trong ký ức xa xưa về những hạnh phúc không còn nữa bao giờ? Tháng tám, gió đẩy lá vàng trôi vào thu rụng, tiếng sênh ca không còn nữa ở Thanh Phong đường, để lại khoảng trời lặng im. Vốn quanh nhà vua chẳng mấy khi yên ắng, nếu không có người để nói chuyện, ngài ta cũng sẽ gọi nhạc sinh cung đình tới tấu vài khúc ngoài sân điện. Thấy ngôi sao mọc, ngài ta mới bỏ bớt những thứ xa xỉ xung quanh trong khi từ chối ra chiếu cầu hiền nhận lỗi vì thiên tai dịch họa, những thứ chiếu biểu vô ích chẳng để làm gì. Để tỏ vẻ thành tâm, nhà vua chuyển ra ở chính điện vài đêm, và có thể, chỉ trong vài đêm ấy, ngài ta phát bệnh.
Trong im lặng, trái tim sẽ trôi xuống vực sâu không đáy.
Ngôi sao đến, mang theo tai họa, mang theo thứ ánh sáng lạnh lẽo tai ương lại chiếu rọi cả một góc trời.
Chú thích:
[1] Tiên thành lữ khứ kỳ 2 của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Thực lục, năm 1825: Cho người cung nhân triều trước là Nguyễn thị 500 quan tiền, 500 phương gạo. Người ấy là con gái Chưởng tượng quân Nguyễn Đức Xuyên, đầu đời Gia Long vào cung hầu hạ, đến khi đức Thế tổ Cao hoàng đế ta sắp mất, thả về nhà cho theo ý muốn. Đến nay người ấy còn giữ tiết. Vua khen, đặc cách ban cho hậu.
[3] Thực lục, tháng 12 năm 1825: “Vả hai địa phương ấy mấy năm trước thường gặp đói kém, trẫm hết sức cứu chữa, hết lòng lo nghĩ, nào phát chẩn, nào bán thóc, lấy công thay chẩn, không tiếc mấy chục vạn tiền lương chỉ mong dân yên ổn. Mùa thu năm ngoái tới nay, nhờ trời mưa nắng thuận hòa, hằng tháng giá gạo tâu lên, các địa phương không đâu rẻ bằng hai xứ ấy, thế mà giặc cướp không hết.”