- Tuyết áp mai hồn hương cộng lãnh, giang lưu nguyệt sắc ảnh đồng cô[1]
(Tuyết áp hồn mai hương cùng lạnh, sông trôi màu nguyệt bóng lẻ loi)
Từ ngày ấy, có lẽ căn bệnh của Nguyễn Phúc Kiểu đã bắt đầu khởi phát.
Ngày tết đầu năm, kinh kỳ mưa đá. Hôm sau, nhà vua bất chấp mọi lời can ngăn, kéo một đoàn người sang bờ Đông kinh thành du xuân.
Ít ra thì lần này ngài ta sẽ không lấy cớ ‘tiết trời hòa ấm’ nữa, cô thầm nghĩ khi nghe Thái hậu than thở. Mùa xuân năm ấy, chỉ trong vài ngày, mưa đá đã lan ra tới tận Quảng Nam theo đợt gió lạnh đến rút từng mạch máu. Cũng chẳng biết có chúng dân nào ra ‘chung vui’ với nhà vua trên nền đất lầy lội cỏ gẫy lá rơi, khí trời buốt xương thịt. Nhưng hẳn bây giờ ngài ta chẳng cần lý do nào - được một tấc rồi âm thầm lấn một thước chính là cách hành động của ngài ta, sau này cô lại càng rõ hơn.
Tuy nhiên người trong cung, ngay cả Thái hậu, cũng có chuyện cần lo nghĩ từ ngày đầu năm. Nhà vua sau mười tháng biến mất đã quay trở nhìn lại lục viện và hẳn nhận ra ‘khí âm uất tắc’, thế là ngài ta mượn cớ trời bị hạn hán liền mấy năm để thả một trăm cung nữ ra khỏi thành. Các cung, viện, sở gọi hỏi ai muốn về nhà, không đủ số thì chọn lựa bắt buộc. Trừ cung Từ Thọ khá an ổn, các viện khác đều xáo động.
Thật là một công đôi việc, cô thầm nghĩ khi nhìn các cung nhân báo cáo với Thái hậu về người trong viện. Vừa ra cách như vua Đường thả cung nữ, vừa bớt phiền toái trong cung điện lẫn lộn người cũ kẻ mới, lại cũng vừa ngăn chặn rắc rối cho mình. Bớt người hầu kẻ hạ, cuộc sống của các cung tần lục viện chỉ còn xoay quanh việc chăm sóc bọn trẻ con. Một đứa trẻ sinh ra với bao nhiêu phiền phức cùng tâm lực, các bà được sủng ái bị đám trẻ cả ngày gào khóc quấn chân, những cung nhân nhỏ phải làm việc hầu hạ. Thế là chẳng còn thời gian để ‘khí âm uất tắc’. Trong khi nhà vua lại tiếp tục hoạch định những chuyến đi của mình.
Năm Ất Dậu ấy bỗng lại là một năm yên bình kỳ lạ sau một thời gian dài xáo động. Ngoại trừ tin báo mất mùa một phần ở Gia Định đầu năm, giá gạo ở Nghệ An bất chợt hạ xuống, tin được mùa khắp nơi chuyển về. Nhưng ở Phú Xuân, mọi người vẫn bận rộn chạy theo nhà vua ngay từ khi ấn còn chưa kịp mở. Từ bờ Đông kinh thành lạnh thấu xương trở về, ngài ta bắt đầu cải tạo lại Nội vụ phủ và Vũ khố sau kết quả đợt thanh tra năm trước, chuyển đổi một loạt quan lại trông coi hai cơ quan này.
Ngay sau ngày tế xuân hưởng, cả kinh thành bỗng dưng thấy mình lọt vào giữa cơn thịnh nộ của nhà vua. Tham tri Hộ bộ bị mắng vì tờ tư chuyển cho Quảng Nam ghi mấy chữ ‘Nội giám phụng truyền’. Tham tri Binh bộ Nguyễn Khoa Minh bị bắt trói ở Tả vệ vì bộ chưa trình phương lược an định Bình Hòa. Kinh doãn Bùi Tăng Huy bị chung tội chậm trễ vào chầu. Trước ngày làm lễ xuất quân, Thống chế Thị trung lẫn tướng coi quân người bị đánh kẻ bị phạt vì ngoài cửa Tả túc, Hữu túc không có một lính nào tới trực. Triều đình đang nghỉ ngơi biếng nhác trong tháng giêng là tháng ăn chơi bỗng nhiên nhận hàng loạt sắc chỉ chuyển đổi, bổ dụng quan lại. Ngay cả sinh viên trong Quốc tử giám cũng nhận được bộ luật giám sát việc thi cử học hành sau khi các quan trông coi trường học này bị cách chức, hơn năm mươi sinh viên bị đuổi về. Người Man ở trấn Bình Hòa nổi loạn, toàn bộ quan lại nơi ấy bị sung quân, Lê Văn Đức nhậm chức Ký lục, đem quân Cẩm Y vệ đến điều tra đánh dẹp.
Cuối năm trước, vị tướng Nguyễn Đức Xuyên qua đời, tới tháng hai năm nay, Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cũng mất sau thời gian dài đổ bệnh. Nhưng cái chết của các vị lão thần thân cận dường như chỉ khiến nhà vua càng nóng nảy. Bộ Hộ bắt đầu bị thanh tra. Các xưởng súng được dựng dọc theo chân thành. Hình bộ bị bắt tư giục các địa phương tra án. Các đội quân thủy, tượng, súng lần lượt diễn tập. Những án thờ, đàn tế của quân tướng, công thần trong trận chiến trước được dựng lên. Vậy là, ba tháng đầu năm, cả trong lẫn ngoài cung thành đều chộn rộn xao xác. Mọi người chỉ có thể âm thầm lén thở một hơi dài khi nhà vua ra cửa biển Thuận An xem Trấn Hải đài, tuần hành ven biển, lên núi Mỹ Am chơi rồi đổi tên nó thành Thúy Hoa, cùng một loạt công trình đào cảng đắp đài khác.
“Ngài ấy chuẩn bị đi tuần du Quảng Nam đấy.” Ngọc Anh nói khi đến thăm cô, mang tặng vài thứ bánh Nam Định mà Trương Phúc Đặng đưa về. Vị Hữu Thống chế này sau một thời gian quản binh ở Nam Định lại được gọi về Kinh. Sau vài năm, Ngọc Anh có vẻ đã quen với sự vắng mặt thường trực của người Phò mã được trọng dụng. Hẳn vì Trương Phúc Đặng làm việc ở Bắc Thành, cô công chúa lại càng tỏ ra nhiệt tình với cô hơn.
Nghe câu nói, cô chỉ gật đầu, lắc cái lục lạc dỗ Miên Liêu. Họ đang ngồi trong nhà tạ, màn trúc bốn phía buông xuống ngăn ánh nắng chiếu vào. Cuối xuân, trời đang ấm dần lên, tơ liễu non xanh mướt sau những đợt mưa giải hạn. Đưa bớt một trăm người ra khỏi, cung thành quả đã vắng vẻ hơn hẳn, ít đi những nhóm người tụm năm ba trò chuyện. Cô hóa ra lại trở thành người rảnh rỗi nhất nơi này khi chẳng ai dám sai bảo công việc, cũng không có nghĩa vụ gì để làm ngoài thỉnh thoảng đôi ngày ôm con đến chầu Thái hậu.
“Em có thấy hoàng thượng biểu hiện gì lạ không?” Thế nhưng Ngọc Anh bỗng nhiên hỏi. Cô khẽ cau mày lắc đầu.
“Không.” Tại sao mọi người cho rằng cô có thể biết được gì về ngài ta? Quan hệ của nhà vua với lục viện của ngài ta đã bình thường trở lại, theo cái cách mà cung thành này gọi là bình thường. Trong khi cô và ngài ta đều hiểu rõ mình chẳng ưa mắt nhau, cả hai chỉ muốn càng ít thấy người kia càng tốt. Nếu muốn hỏi, họ có thể nắm lấy bất cứ ai trong lục viện còn hiểu về nhà vua hơn cô.
“Anh Đặng bảo, hoàng thượng chuẩn bị cho xây cung Khánh Ninh bên sông Ngự Hà.” Ngọc Anh thoáng vẻ lo lắng, hạ giọng nói. Cô chỉ nhướn mắt nhìn lên, cô ấy ngập ngừng rồi mới tiếp. “Hỏi thì hoàng thượng bảo, cung ấy giống như điện Hoàng Nhân của Thế Tổ.[2]”
“Hả?” Bây giờ thì cô thực sự ngạc nhiên. Điện Hoàng Nhân được Thế Tổ xây dựng ngay sau khi Hoàng hậu qua đời, trở thành nơi thờ Hoàng hậu, rồi sau này là điện quàn cho Thế Tổ. Hiện thời điện này là nơi thờ cúng đế hậu mà phụ nữ trong cung có thể vào làm lễ.
Nguyễn Phúc Kiểu cho xây điện thờ khi mới chỉ ngoài ba mươi? Khi ngài ta còn đang chạy khắp đông tây nam bắc làm mọi người hoảng hốt như thế này?
“Đang chuẩn bị, cuối tháng năm sẽ dựng.” Ngọc Anh thì thầm khẽ. Cô hiểu những gì cô ấy không nói ra.
Bọn họ đều có chung một ký ức, điều đã gần như bị cấm thốt ra trong khu thành này. Điện thờ Khánh Ninh sẽ được dựng vào cuối tháng năm, ngày cô ấy mất.
Thế Tổ cho xây điện Hoàng Nhân sau khi Hoàng hậu qua đời để chuẩn bị cho ngày đưa tiễn cả mình về đất. Nguyễn Phúc Kiểu, trong khi say mê những giấc mộng vĩnh viễn và miên trường, trong khi bận rộn xây đắp nên đế chế của mình, lại chuẩn bị cho cái chết? Một điện thờ người sống hoàn toàn trống vắng chờ sẵn bên bờ sông của kinh thành?
Có phải ngài ta bị những cái chết liên tục làm cho hoảng sợ? Trò chuyện một lúc với Ngọc Anh chẳng thêm manh mối gì, cô ôm Miên Liêu về khi chiều đã buông. Nhưng các lão tướng qua đời chỉ là chuyện thời gian, Nguyễn Phúc Chẩn chết trẻ nhưng là chuyện vẫn thường xảy ra trong các năm dịch bệnh chẳng tha một ai. Về cô ấy? Chẳng những cô không tin được mà ngay cả Thế Tổ cũng xây điện Hoàng Nhân ở tuổi ngoài năm mươi, dành cho một người vợ đã ở bên mình cả cuộc đời, một Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ, cho một tang lễ mà năm đó trọng thần cả nước bị gọi về Kinh. Còn bây giờ, một ngày mùa hạ, điện thờ nọ thình lình xuất hiện phía sau hoàng thành, đúng theo cách hành xử bất thường của Nguyễn Phúc Kiểu.
Vẫn còn nghĩ ngợi vẩn vơ, tối hôm đó cô bỗng dưng lại được nội giám cho gọi. Thở dài, cô trao Miên Liêu cho cung nữ, đi sang khu điện phía Đông cung thành.
“Xin phép bệ hạ cho thần từ chối ân sủng.” Khi nội giám đã khép cửa, cô nói. Nhà vua ngẩng đầu khỏi tờ biểu đang đọc, ánh thích thú thoáng qua đôi mắt.
“Tại sao?” Ngài ta hỏi, cô còn nghe như có tiếng cười.
“Thần không muốn.” Cô đạm nhạt trả lời. “Ngài cũng chẳng muốn đâu, nhưng sợ thần mách lại. Thần sẽ không tự tìm phiền phức như thế.”
Ngọc Cửu vừa báo rằng Lê Hậu được lệnh về Bình Định xây mộ cho ông nội và sinh phần cho bà nội cô, theo thư cha cô gửi nhà vua. Sau khi Lê Chất cha cô trở thành trọng thần lừng lẫy, nhà nội cô đã tới nhận con, nhưng đến lúc này cha cô mới nghĩ đến chuyện xây mộ cho ông nội, Lê Hậu về xem như nhận họ hàng. Có lẽ cha cô đã nghĩ thông, buông xuống mối oán hận bấy lâu nay. Nhưng cũng có thể, ông cần có một dòng họ xuất thân để ghi vào lý lịch của mình, chuẩn bị cho những bước đi kế tiếp. Vị hoàng tử muốn được thiên hạ ủng hộ, có cả hai họ nội ngoại đầy đủ đề huề vẫn hơn.
Hẳn lá thư ấy cũng đẩy cô tới Dưỡng Tâm điện lúc này. Nhà vua vẫn chẳng có ý định cho cô làm chính cung, vượt qua Ngô Thị Chính. Vị Hiền tần này có cha là công thần Bình Định, Trấn thủ Thanh Hoa ngoại, xem như danh phận chỉ thấp hơn cha cô đôi chút nhưng được thời gian ở tiềm để cân bằng, lại đã có hai người con trai. Ắt cha cô nghĩ, chỉ cần cô cố gắng có thêm vài người con thì chẳng lý do gì mà nhà vua bác bỏ lập cô được.
Thêm Nguyễn Hựu Nghi vừa từ Gia Định về Phú Xuân vào tết Nguyên Đán, để Hình tào Gia Định lại cho viên quan khác. Vẫn như trước, khi Tả quân không thể ở cạnh nhà vua, ông ấy sẽ phái Nguyễn Hựu Nghi đến. Và Nguyễn Hựu Nghi sẽ bù khuyết cho việc Tả quân năm trước bị cô lập ở Kinh vì không có đồng minh nào ngoài Lê Chất. Kêu gọi lập Hoàng hậu, dựng Thái tử chính là một trong những phương cách họ tạo nên bè phái vào đời vua trước. Lê Chất cha cô đủ khôn ngoan để không tự mình đứng đầu việc này, nhưng sẽ có hàng trăm cái miệng nói thay cho ông.
“Thôi, bình thân.” Nhà vua cười nói. Cô đứng lên, đến bậc thấp bên kia phòng ngồi xuống chờ hết thời gian một nén nhang. Chẳng có chuyện gì để nói, nhà vua lại cắm cúi vào những tấu chương, cô ngồi nhìn vơ vẩn xung quanh, phát hiện một bức vẽ công trình đang mở ở bàn bên cạnh. Góc tờ giấy ghi mấy chữ ‘Khánh Ninh cung’.
“Ngài cho xây cung điện này làm gì thế?” Cô cầm tờ giấy lên, ra vẻ tình cờ mà hỏi. Nhà vua hơi ngẩng đầu, tay vẫn không ngừng viết.
“Ta muốn xây từ lâu rồi.” Ngài ta vẫn chẳng trả lời câu hỏi của cô.
Cô chỉ hiểu ý câu nói này mấy tháng sau. Trở về từ chuyến tuần du Quảng Nam, nhà vua cho khởi công dựng cung Khánh Ninh vào ngày cuối tháng năm.
Và chỉ vài ngày sau, Nguyễn Phúc Kiểu sụp đổ.
Như có một lệnh truyền kỳ lạ nào đó từ bầu trời, khi những viên đá đầu tiên dựng móng nền cho cung Khánh Ninh được đắp, sức khỏe của nhà vua dần suy kiệt. Ngài ngự mệt nhiều ngày rồi, nội giám vừa khóc vừa nói với Thái hậu. Bà chỉ biết tin chạy tới điện Dưỡng Tâm khi nhà vua đã không còn có thể gượng dậy ra chầu. Lần đầu tiên từ khi nhà vua lên ngôi, những viên quan phải đợi ngài ta ở điện chầu, rồi được báo ra về.
Trong một buổi sáng, cả nội cung nhao nhác. Nhà vua có bệnh vặt, nhưng sức khỏe ngài ta mấy năm nay vẫn tốt. Giữa mùa hạ, ngài ta bỗng nhiên lăn ra sốt, nằm li bì trong giường. Thái hậu mặt tái nhợt, tay run rẩy đi ra điện ngoài, nắm lấy viên nội giám thân tín của nhà vua tên Chu Phúc Năng mà sẵng giọng.
“Các ngươi hầu hạ ngài ngự thế nào vậy? Ngài đi đâu, làm gì mà nên bệnh thế này?” Thường ngày vốn ôn hòa, nhưng Thái hậu vừa giận dữ vừa sợ hãi quát hỏi với vẻ đáng sợ đủ khiến viên nội giám vội run rẩy quỳ xuống.
“Bẩm, ngài từ Quảng Nam về vẫn khỏe mạnh. Hôm ấy nghe tin Đức hoàng se mình, ngài còn giục đi gấp về cung.” Chuyến đi ấy đã hơn nửa tháng trước, nhưng Chu Phúc Năng vẫn rối rít nói như thanh minh. “Sau đó ngài làm việc ở các điện, gặp các quan, bàn chuyện đào sông, đúc tiền, dựng lầu Tàng thư, kho Kinh, cung Khánh Ninh. Ngài chỉ đi ra Kinh thành xem dựng các cung, lầu thôi. Hẳn ở bờ sông vắng vẻ bị tà khí xâm nhập. Mấy hôm trước ngài ho, gọi Thái y tới sắc thuốc, nhưng bảo là bệnh nhẹ đừng làm phiền Đức hoàng.”
“Khánh Ninh…” Thái hậu chợt thất sắc. Bà buông tay khỏi viên nội giám, ngồi lặng trên sập, bỗng chảy nước mắt. “Tà khí, quả nhiên là tà khí.”
“Ngài ngự làm việc nhiều, lại vừa đi tuần du về, mệt mỏi tích tụ thành bệnh thôi, Đức bà đừng quá lo.” Ngô Thị Chính vội tới bên nhỏ giọng an ủi Thái hậu. Những cô gái khác đi theo Thái hậu cuống quýt bảo nhau nấu nước, chuẩn bị thuốc, lá xông. Thái y đến xem bệnh, cô cùng cung nhân lui ra điện sau.
Thái hậu vừa mất đứa con út, tinh thần chẳng còn giữ được bình tĩnh dù Thái y cam đoan nhà vua chỉ bị cảm phong hàn. Sau nửa ngày nằm trong giường, tỉnh táo được đôi chút, ngài ta quay đầu nhìn người đứng ngồi đông chật phòng trong phòng ngoài. Người đầu tiên ngài ta gọi đến lại là Chu Phúc Năng.
“Buổi chầu sáng thế nào?” Ngài ta hỏi, Chu Phúc Năng len lén nhìn Thái hậu rồi mới nhỏ giọng đáp.
“Bẩm, các quan nghe truyền đã lui về rồi ạ.”
“Không kẻ nào hỏi gì à?” Nhà vua cau mày. Chu Phúc Năng mím môi đứng yên. Thái hậu vội sai anh ta đi lấy cháo và thuốc vào, tự tay đưa cho người con.
“Con phải ăn đi.” Bà vừa nói vừa rơi nước mắt. Nhà vua nhìn mẹ, cầm bát cháo ăn được một nửa rồi bỏ xuống, lấy bát thuốc uống cạn.
“Con cảm xoàng thôi, mẹ đừng lo.” Nhà vua cười nói, trong khi cô nhìn ngài ta giữa bóng tối lù mù của căn phòng như có thể ngất bất cứ lúc nào.
Vậy mà sáng hôm sau, ngài ta cho triệu quan tam phẩm trở lên vào điện Quang Minh chỉ để mắng tại sao không ai dâng tờ hỏi lý do miễn chầu. Chu Phúc Năng vừa đỡ nhà vua ngã vật xuống giường vừa ngập ngừng báo lại cho Thái hậu.
Môi Thái hậu run run, rồi bà bỗng bật lên nức nở.
“Mẹ xin con, xem như mẹ xin con.” Sụp xuống chân giường, người phụ nữ gần lục tuần òa lên khóc. Nhà vua mở mắt, ôm lấy vai mẹ vỗ khe khẽ.
“Con không sao, chỉ mệt thôi, nghỉ vài ngày là khỏi.” Nụ cười như dính cứng trên môi ngài ta. Ngài ta chợt hạ giọng. “Mẹ đừng làm ầm lên thế.”
Câu sau hẳn là ngài ta nói với tất cả mọi người. Sau khi nhà vua báo bệnh ở điện Quang Minh, những hoàng tử đã xuất các lẫn thân công lũ lượt kéo đến ngoài cổng cấm thành thăm hỏi. Tất cả được trả lời rằng nhà vua đã khỏe, ngày mai lại có thể ra chầu.
Tuy nhiên, ‘ngày mai’ đó là bốn hôm sau. Nguyễn Phúc Kiểu liệt giường gần cả ngày sau đó, nhưng rồi cũng dần hồi phục.
Một buổi chiều, ngài ta mở mắt dậy thấy cô ngồi bên bàn, thậm chí còn cười.
“Sao khanh lại ở đây?” Có vẻ đến tận lúc ấy nhà vua mới nhận ra cô. Trong phòng chỉ còn cô, nội giám và cung nữ đã đi chuẩn bị bữa tối cùng thuốc thang, Thái hậu được các phi tần đỡ về cung Từ Thọ nghỉ ngơi sau khi thấy bệnh nhà vua thuyên giảm. Các hoàng tử và hoàng nữ vẫn phải học trong các viện, bị ngăn đến quấy rầy vua cha.
“Thái hậu sai thần đến chăm sóc ngài.” Cô miễn cưỡng nói. Cả hoàng cung này cô vốn là người rảnh rỗi nhất, mấy hôm chỉ đến Dưỡng Tâm điện một chốc buổi sáng để nhìn ngó cho có lệ. Chiều nay cô đang ôm Miên Liêu đùa cá ở hồ thì bị Thái hậu bắt gặp, bảo đến đây canh chừng cho nhà vua. Có vẻ bà cũng thực sự bực mình với cô.
“Ngươi hẳn vô cùng ghét ta.” Nhà vua chợt nói. Cô không trả lời, chỉ đưa mắt nhìn nắng hoàng hôn hắt qua mành trúc vào phòng. Mấy ngày không có người hút thuốc, căn phòng thanh sạch hơn hẳn. Đôi mắt nhà vua như vẫn đang chăm chú nhìn cô, khi ngài ta đổi giọng. “Hoàng khảo ta có thỏi vàng. Năm ấy khi người phải sang Xiêm, hoàng tỷ không theo được mà ở lại Phú Quốc, người chia đôi đưa cho hoàng tỷ một nửa. Khi thiên hạ đã định, hoàng tỷ đem dâng lại thỏi vàng. Hoàng khảo nói: Vàng giữ làm tin, không quên nhau lúc gian nan, nên để lại cho con cháu biết.
“Và rồi, hoàng tỷ đưa nó cho ta.[3]” Khi cô quay đầu nhìn lại, không thể hiểu nhà vua muốn nói chuyện gì, ngài ta liền mỉm cười. “Đến khi hoàng khảo hoăng thệ, ta mới đưa thỏi vàng ấy ra, thờ ở điện Hoàng Nhân. Ngươi nghĩ thế nghĩa là sao?”
“Hoàng hậu… hẳn muốn ném nó đi rồi. Nhưng không bỏ được, nên đưa cho ngài.” Im lặng một lúc, cô trả lời. Lúc ấy Nguyễn Phúc Kiểu chỉ là một hoàng tử nhàn tản, Thế Tổ vẫn chưa có động thái lập Thái tử. Hoàng hậu đưa thỏi vàng làm tin cho đứa con nuôi thay vì cháu ruột, không hề nói đến nó kể cả khi sắp qua đời, chẳng nhìn đến nó cả phần đời còn lại. Thậm chí cô còn nghi ngờ rằng Hoàng hậu đã thực sự ném thỏi vàng đi, Nguyễn Phúc Kiểu nhặt lại nó.
“Khi hoàng tỷ mất, hoàng khảo rất đau lòng, thật đấy.” Nhà vua vẫn cười. Nắng hoàng hôn chập chờn trên nụ cười của ngài ta, lại tựa như làn lụa mỏng che đi sắc thái trên gương mặt xanh nhợt.
“Tại sao ngài không đưa thỏi vàng lại cho cha ngài?” Cô bỗng hỏi.
“Nhìn thấy nó sẽ vui sao?” Nhà vua đưa mắt nhìn nắng. Có tiếng người ở điện ngoài. Ngô Thị Chính đã quay trở lại, đưa theo nhóm cung tần. Cô liền cáo về chăm sóc Miên Liêu, rời khỏi điện.
Ngài ta quả thật bệnh đến choáng váng đầu óc nên nói với cô những chuyện vớ vẩn. Cô nhìn bóng nắng đổ xiên qua trường lang và lầu gác, nghĩ thầm. Nằm không sẽ khiến người nghĩ chuyện vơ vẩn, cả những điều không nên nghĩ. Nguyễn Phúc Kiểu có thể phát bệnh chỉ vì ý nghĩ, ngày xưa cô ấy đã từng nói.
Vui sao? Cô nhớ đến câu hỏi của ngài ta mà mình vẫn chưa kịp nghĩ để trả lời. Không quên nhau khi hoạn nạn, nhưng rồi cách xa cả cuộc đời. Nhưng rồi trong khu thành hoa lệ, người đã có niềm say mê mới. Nhưng rồi trong những lựa chọn vì xã tắc và thiên hạ, bà đã luôn luôn bị xếp sau. Ngay cả khi bà đã mất đi, ngay cả trong nỗi đau, người vẫn không chọn bà. Cả cuộc đời, bà làm một người vợ đứng cạnh bên nhìn chồng mình với bao phụ nữ khác. Hy sinh cả cuộc đời, đổi lại chỉ là một chức danh trống rỗng.
Năm xưa, Hậu đánh trống, ta đánh trận. Vì có Hậu, ta mới có thể tiến lên. Năm xưa, vì có Hậu chờ đợi, ta vượt qua vòng vây sống chết để trở về. Năm xưa, bà ở thành Gia Định đợi chờ trong tang tóc khổ đau liên tiếp. Những năm tháng sau đó, bà mỉm cười làm một Hoàng hậu muôn người ngưỡng vọng. Nhưng thỏi vàng năm ấy, bà không giữ nữa.
Những năm tháng sau này, Nguyễn Phúc Kiểu giữ thỏi vàng trong tay, nhìn người cha im lặng. Hoàng hậu không tin người, Nguyễn Phúc Kiểu cũng không tin người. Hoặc như ngài ta nói, vui sao? Nhìn lại một lời thề không thành sự thật, một cuộc đời không thể có được nữa bao giờ, vui sao?
Lời hẹn thề ngày ấy, hóa ra chỉ có thể thành trong cái chết. Chứng tích của mối tình ấy trở thành thứ để phụng thờ ca tụng, khi tất cả đã chết đi. Tất cả có khi chỉ là do một kẻ sống trong mộng như Nguyễn Phúc Kiểu tạo thành.
Khánh Ninh, sự yên nghỉ hạnh phúc. Cái chết, với Nguyễn Phúc Kiểu, hẳn rất hạnh phúc.
Nguyễn Phúc Kiểu mơ về vĩnh hằng, nhưng lại đón chờ cái chết. Vật lộn cả cuộc đời vì những giấc mơ, trong khi bản thân dần hủy hoại. Năm ấy, ngài ta trở về từ gió rét cắt xương, xốc cả kinh thành vào một cuộc chiến, và chuẩn bị cho cái chết. Và bóng của cái chết, đã nằm mãi sau kinh thành phù hoa vạn trượng.
Chú thích:
[1] Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây, hoạ Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận kỳ 7 của Ngô Nhân Tĩnh
[2] Thực lục: Vua đến cung Khánh Ninh bảo với Phan Huy Thực rằng: “Ngươi biết ý trẫm làm cung này không?” Thực không biết tâu thế nào. Vua nói rằng: “Trước hoàng khảo ta làm điện Hoàng Nhân là vì con cháu mà tính kỹ lo xa. Trẫm làm cung này cũng là ý ấy”.
Sau khi Minh Mạng qua đời, Thiệu Trị đưa quàn ở cung Khánh Ninh, đổi tên làm điện Hiếu Tư, nói rằng “hoàng khảo khi xây cung này đã có ý muốn ở đấy”.
[3] Theo Thực lục ghi lại, thỏi vàng thật ra do Minh Mạng giữ, sau khi Gia Long mất mới đưa ra bảo với quần thần đây là vật do Thừa Thiên Hoàng hậu đưa cho, khắc chữ để thờ tại điện Hoàng Nhân (sau là điện Phụng Tiên).