- Sơ bạc yên tà kháo liễu ty, lộ hoa như lệ trích hoa chi[1]
(Ngoài kia rèm mỏng khói nghiêng chiều, sương hoa như lệ ứa cành thơm)
Sau mấy ngày suy nghĩ, cô xin Kiến An công cho cô đến gặp Vũ thị, viện cớ muốn hỏi chuyện về cậu Khôi. Vì hiện tại cô vẫn mang phận nô tì, ông cho cô lẫn vào với người phục dịch trong nhà lao Hình bộ, đến nơi ba người vợ của Lê Văn Duyệt đang bị giam giữ. Vì thân phận có phần cao hơn người khác mà họ được ở trong gian nhà bên chái khu tù giam của nữ. Gian nhà nhỏ chỉ vừa đủ kê hai cái giường cùng một cái bàn, thoang thoảng mùi gỗ mục, bao giờ cũng đóng kín cửa. Chọn lúc vắng người giữa trưa, cô đi qua sân, men theo hành lang tới gian nhà ấy. Nhưng hiện tại lại có hai ba người đứng trước cửa gian nhà, trong đó có một người mà cô hoàn toàn không ngờ tới: Lê Văn Đức.
Hai quản ngục gọi cửa, Lê Văn Đức đưa mắt nhìn quanh, thấy cô thì chợt nhíu mày. Cô chưa kịp lui, anh ta đã vẫy tay gọi. Không biết làm cách nào, cô đành đi tới.
Mở cửa là một cô gái trẻ mà cô không biết, có lẽ là người vợ ba của Lê Văn Duyệt. Một trong hai quản tù chỉ Lê Văn Đức, bảo:
“Ngài Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Ân Quang tử có chuyện muốn hỏi bà Đỗ Thị Phẫn, mời bà ra cho gặp.”
Nghe đến chức vụ người vừa tới, cô gái trẻ có vẻ hoảng hốt, lập cập lui về phía sau nhường chỗ cho ba người vào phòng, cô cũng đi theo. Phòng ngoài ngăn với gian trong chỉ bằng bức bình phong giấy. Đang ngồi trên giường, hai người trong phòng vội đi ra. Đỗ Thị Phẫn là một phụ nữ già độ trên sáu mươi tuổi, đi đứng phải nhờ Vũ thị nâng đỡ. Thấy Lê Văn Đức, Vũ thị ngẩn người, rồi vội cúi đầu, cau mày.
“Cậu Lê Văn Đức đấy à? Nghe Ân Quang tử tôi lại chẳng biết là ai.” Bà Đỗ Thị Phẫn qua thoáng kinh ngạc thì gượng cười nói. Lê Văn Đức gật đầu.
“Tước này hoàng thượng vừa phong cho ta. Ta vừa về đây, nghe nói bà cũng ở Kinh thì muốn đến hỏi thăm vài việc.” Lê Văn Đức vừa nói vừa ngồi xuống bên bàn, ra hiệu cho Đỗ Thị Phẫn ngồi phía bên kia. Vũ thị đỡ bà ngồi xuống, im lặng đi rót nước vào mấy cái chén sứ sứt mẻ đặt lên bàn, rồi ra ngồi sau lưng bà. Hai viên quản ngục đứng hai bên cửa, cô và cô vợ ba Tả quân chắp tay đứng cạnh cửa sổ.
Qua khoảnh khắc bối rối ban đầu, gương mặt Vũ thị sắt lại, lạnh lùng như đeo một cái mặt nạ bằng đá. Cô âm thầm quan sát cô ta, thoáng ngạc nhiên. Dù ở trong nhà ngục, Vũ thị vẫn ăn mặc chỉnh chu hơn hẳn hai người còn lại, áo lụa nam màu mỡ gà, hoa tai bạc, trâm sơn mài, vòng tay mã não, thậm chí có thể cô ta còn trang điểm nhẹ. So với cô gái trẻ trong trí nhớ của cô, Vũ thị hiện tại trông còn xinh đẹp hơn trong vẻ u uất lạnh nhạt mài khắc lên từng đường nét.
Nhưng Lê Văn Đức không nhìn đến Vũ thị, toàn bộ sự chú ý của anh ta chỉ đặt vào Đỗ Thị Phẫn. Cũng không định vòng vo, qua mấy câu thăm hỏi, Lê Văn Đức đã thở dài.
“Lần này ta tới đây là muốn hỏi tình hình ở Phiên An. Con thứ cha nuôi ta là Nguyễn Hàm theo giặc, gây họa cho cả nhà. Ta muốn biết liệu có ẩn tình gì trong đó, liệu có thể giúp cho gia đình cha nuôi ta.”
“Tôi chẳng biết thằng bé Nguyễn Hàm nghĩ gì.” Nghe nói, Đỗ Thị Phẫn lắc đầu thở ra. “Hồi ở Gia Định, chỉ có cậu Đức với Nguyễn Thuyên đã lớn, thỉnh thoảng được đưa vào cung chơi, Nguyễn Hàm lúc ấy còn chưa sinh. Sau đến Phú Xuân thì tôi chẳng còn gặp các cậu nữa, từ lúc tôi được đưa tới dinh Tả quân càng chẳng thấy các cậu bao giờ. Sau ông Trung quân cùng con cả bị tội, tôi nghe nói gia đình ông ấy chuyển về lại Gia Định. Trung quân vốn là cũng coi như người Gia Định, người vùng ấy rất tôn trọng họ, quân đội Gia Định đi lại giúp đỡ họ. Nguyễn Hàm chẳng có chức vụ gì, nhưng thi thoảng tôi vẫn thấy nó đi lại với bọn lính tráng. Nghĩ tình quen biết xưa với nhà cậu, tôi có gọi nó hỏi chuyện. Nó bảo, thích làm lính làm tướng lắm nhưng nhà mang án phạt, chẳng có cơ hội nào để mở mặt với đời.
“Năm xưa Tả quân mâu thuẫn với Trung quân, nhưng Trung quân chết thì ông ấy cũng cảm thấy hối hận một phần, thật ra là không ngờ Trung quân lại quyết tuyệt đến thế mà tự sát. Bây giờ thấy Nguyễn Hàm đi lại trong quân, ông ấy cũng nhắm mắt cho qua. Còn Nguyễn Hàm thì tôi chẳng biết nó nghĩ gì.” Đỗ Thị Phẫn chợt nghẹn giọng. “Sau khi Tả quân qua đời, yên ổn cả năm trời thì tự dưng một đêm nọ bọn chúng kéo tới phủ của tôi, bảo phải giết Bạch Xuân Nguyên, báo thù cho Tả quân. Mà làm vậy thì thế nào cũng phải tội to, chúng cần chiếm thành Phiên An, lấy danh nghĩa Tả quân mà chống lại triều đình. Tôi là vợ Tả quân, cần phải nói giúp chúng là chúng vì Tả quân mà báo thù đấy.
“Lúc ấy tôi sợ quá, chỉ biết khóc nói Tả quân có thù gì đâu mà báo. Chúng mày làm thế chỉ khiến mồ ma Tả quân bị quật lên thôi, giúp gì cho ông ấy đâu. Chúng muốn điệu tôi đi làm thanh thế để đánh phủ quan Tổng đốc chiếm thành, tôi mới gọi lính trong phủ đánh đuổi chúng nó ra. Không bắt được tôi, chúng liền sang khu tù giam thả phạm nhân, rồi kéo qua phủ quan Tổng đốc giết người, kêu gọi bọn lính đóng hết các cửa thành nhốt mọi người ở trong để tàn sát. Chúng tôi may không sống trong thành, nhân lúc hỗn loạn trốn được vào nhà dân. Nghe nói chúng đã bắt được Bạch Xuân Nguyên, đưa đến đền thờ Tả quân đốt chết, rồi cứ thế phao tin nói rằng vì Tả quân nên chúng mới làm chuyện phản nghịch đấy. Thằng Hán cháu Tả quân cũng ở trong đoàn người ấy, chẳng biết là nó tự theo hay bị bọn chúng bắt đi làm thanh thế thay tôi.” Nhắc lại chuyện cũ, Đỗ Thị Phẫn vẫn run rẩy, bàn tay già nua co giật trên bàn. “Lúc ấy nhiều người bị kẹt lại trong thành, quan quân phần bị giết phần bỏ chạy, không biết cách nào khác đành phải hàng bọn Khôi. Nguyễn Hàm có thể chẳng may nằm trong số ấy.”
“Ba năm bao vây, ngay cả đàn bà trẻ nít còn có thể dòng dây trốn thoát, bao nhiêu kẻ đã trốn rồi, đến giờ còn ở trong thành mà bảo là không muốn thuận theo sao?” Ở phía sau, Vũ thị đột nhiên lên tiếng. Cô ta liếc mắt ra cửa, cười nhạt. “Có những kẻ tâm cao chí lớn mà tài hèn sức mọn, chẳng làm được gì đành đổ lỗi cho đời, cuối cùng chọn những cách hèn mọn lươn lẹo để đi lên. Năm xưa ông Trung quân đi theo Thế Tổ lập đại nghiệp, con trai ông ta có thể cũng mơ phù tá quân phản nghịch mà lật đổ triều đình hay chiếm riêng một cõi, thế sự không loạn thì lấy đâu ra bọn tướng lập công? Nhưng chẳng qua một bọn ếch tưởng mình là trâu, ngồi trong cái thành ấy rồi tưởng mình là đại tướng. Xưa Trung quân thua liền ba lượt, lang bạt khắp nơi mới thành công, nay bọn muốn đóng vai anh hùng cũng muốn thử vận với trời.”
“Chị Hai…” Cô gái trẻ nhất hoảng sợ kêu khẽ. Vũ thị đưa mắt nhìn thẳng Lê Văn Đức, cái cười khinh khỉnh vẫn ở trên môi.
“Quan Tổng đốc sao không bảo thẳng là muốn gỡ tội cho nhà Trung quân nên nhờ chúng tôi nói giúp một lời. Nhưng nhân chứng ở Phiên An đông đến hàng ngàn hàng vạn, sự tình đã kéo đến ba năm, chỉ kẻ ngu ngốc mới tin bọn trong thành Phiên An là bị ép buộc.” Tiếng cười khẽ thoát ra từ môi Vũ thị. “Theo tin cuối cùng tôi được biết, thì Nguyễn Hàm đã từ Tòng súy phủ đến Phó tướng rồi lãnh Hữu quân sau khi Vũ Vĩnh Tiền bị giết, có chết cả nhà cũng không thoát được tội đâu.”
“Vũ Vĩnh Tiền là anh cả của tôi đấy.” Trước ánh mắt Lê Văn Đức, Vũ thị gật đầu, thách thức trong mắt càng sáng lên. “Vũ Vĩnh Lộc mà cả triều đình nghiến răng căm giận, kẻ đầu sỏ nắm trong tay hơn một nửa phản quân trong thành Phiên An, người giết được thưởng trăm lạng bạc, là anh thứ hai của tôi. Kẻ hầu trong thành trốn ra, hẳn nhiên là tìm tôi trước hết. Họ Vũ của tôi, anh cả lãnh Hữu quân, anh hai lãnh Hậu quân, quả nhiên là hơn nửa số quân của Phiên An. Nguyễn Hàm giờ nhận được chức vụ ấy, hẳn vẫn còn hy vọng mình lật ngược tình thế trở thành đệ nhất công thần như cha ông.”
“Nói như vậy thì Nguyễn Hàm hẳn có quan hệ thân thiết với anh em cô.” Ra vẻ không nhận thấy ẩn ý cợt nhạo của Vũ thị, Lê Văn Đức mặt không đổi sắc, ngẫm nghĩ nói. “Anh em cô có từng nói gì về hắn không?”
“Họ chẳng có chuyện gì để nói với tôi.” Vũ thị bật cười khẽ. “Ngay cả Tả quân, quan Tổng đốc nghĩ ông ấy có gì để nói với tôi? Ngay cả sau khi tìm bà Đỗ đây không được, họ cũng chẳng cần đến tôi. Hết ‘báo thù cho Tả quân’ đến ‘tôn Lê’ rồi ‘theo Kiến An công’, chúng tôi đã hết ích lợi rồi. Còn tôi thì sau khi bước vào cửa Tả quân, cũng là hết ích lợi rồi.”
“À, nói thế thì quan Tổng đốc hẳn không tin. Thật ra tôi cũng giúp được vài việc cho anh em tôi đấy, như khi họ muốn phô trương thanh thế ở đâu thì gọi tôi đến, ra vẻ là người nhà của Tả quân. Nhưng những việc như thế thì chẳng liên quan gì đến một kẻ như Nguyễn Hàm.” Vũ thị đưa mắt nhìn xuống bàn tay, khẩy nhẹ mấy chiếc móng cong dài, cười nói. “Những kẻ hèn mọn làm thằng mõ chạy vào ăn tiệc, giương vây phất cánh, chực chờ gặm được cái xương như thế, tất nhiên mới có thể ôm hy vọng hão thủ chết ở Phiên An.”
“Thậm chí hắn còn chẳng đủ khôn ngoan gian giảo như bọn Thái Công Triều. À, ngài Vệ úy Tả bảo nhị Thái Công Triều, nghe nói trước đã từng làm việc với quan Tổng đốc đây ở Thanh Hoa, dưới quyền Hậu quân Lê Chất.” Vũ thị liếc mắt qua Lê Văn Đức, cười nhạt. “Khi Bạch Xuân Nguyên đến Gia Định soi mói việc của bọn người dưới Tả quân, Thái Công Triều cũng không thoát tội. Cho nên việc trong đêm ấy thì hắn không thiếu phần. Bạch Xuân Nguyên chạy thoát, trong lúc đám Lê Văn Khôi không biết phải làm sao, Thái Công Triều bảo: Tất cả quân khí của Gia Định đều đang được tập trung ở thành Phiên An để đợi phân phát đi mọi nơi, đây là lúc khởi loạn tốt nhất, chậm trễ sẽ không còn kịp.
“Cho nên cái đám người ô hợp nọ mới nhất trí chiếm thành khởi loạn, đánh ra khắp Gia Định, mà Thái Công Triều chính là kẻ hăng hái dẫn đầu. Ban đầu thì đúng như hắn nói, toàn bộ quân khí của Gia Định đều để ở Phiên An, quan quân trở tay không kịp mà mất thành, thêm bọn côn đồ khắp nơi gia nhập làm loạn. Nhưng khi đại quân xuống, quân ô hợp ấy làm sao chống nổi, chỉ còn hai ngàn kẻ tụ rút vào thành Phiên An trong ngoài đều không có lối thoát. Vậy là Thái Công Triều chạy ngay sang phía triều đình, ra vẻ ta bị bắt ép, lại tiếp tục đi đầu ‘giết giặc lập công’, đánh giết những kẻ hôm qua còn là anh em mình. Trong tình thế bối rối hoảng hốt, tự mình gây chuyện xúi bẩy những kẻ ngu ngốc, rồi cũng tự mình xoay ra đóng vai anh hùng, dùng bàn tay bọn Lê Văn Khôi giết Bạch Xuân Nguyên bịt miệng, xóa trắng án tích rồi dựa vào loạn thế lập công, thật là một kẻ khôn ngoan xưa nay hiếm có! Khi Lê Văn Khôi uất ức mà bệnh chết trong thành, nghe đâu lời cuối cùng là nguyền rủa Thái Công Triều.
“Loạn ở Gia Định, hết Tả quân rồi đến Lê Văn Khôi, cho chí quân Xiêm La đến tận bọn Nguyễn Hàm, thật ra chỉ là một màn kịch độc diễn của Thái Công Triều. Đáng lẽ hắn cũng có thể một bước lên mây, trở thành Tướng quân, Tổng đốc được như ai, chỉ không may là hắn gặp phải một ông vua đa nghi như quỷ sứ.” Vũ thị ra vẻ không nhận thấy thái độ của người trong phòng, thản nhiên cười nói. “Gọi Thái Công Triều về Kinh để ban thưởng mà nghe hắn nói chuyện loanh quanh, hoàng thượng ném hắn sang bộ Hình truy xét, xử chết hắn rồi. Vậy là hoàng thượng quá thông minh hay cả ngàn cả vạn vạn người quá ngu ngốc để bị Thái Công Triều lừa? Hay thật ra vốn chẳng ai bị lừa cả, họ chỉ dùng Thái Công Triều để tự lừa chính mình đó thôi. Việc mình làm thì đã làm rồi, không đủ khôn ngoan để đóng vai kẻ bị hại hay anh hùng cứu thế, cũng chẳng đủ liều lĩnh để tự bứt ra ngoài tìm cách trốn đi, không biết cách xoay xở để làm nội ứng hai mang tìm đường có lợi, đâm đầu bám lấy một đám vô lại chìm nổi chung với nhau, giờ cũng chẳng còn đường mà quay lui. Thật ra mọi kẻ chết đều có nguyên do, thứ mà người ta gọi là trung thành hay oan ức, nói cho cùng đều là si ngốc quá đó thôi, chuyện này quan Tổng đốc hẳn hiểu mà.”
“Em Hai, nấu nước pha trà đi. Ai lại để quan Tổng đốc uống thứ nước này.” Đỗ Thị Phẫn cau mày, cao giọng ngắt lời Vũ thị. Cô ta nhếch môi, đứng dậy quay người ra sau nhà. Bếp than nhỏ được để ở cạnh giường. Cô ta loay hoay một lúc, căn phòng vốn đã chật ngay lập tức mù khói. Cô vợ ba vội vã chạy mở tất cả cửa trong ngoài.
“Quan Tổng đốc đừng trách tội, bọn chị em nó ở đây đều buồn bực cả.” Đỗ Thị Phẫn cười gượng trong tiếng ồn vang khắp phòng. “Hai đứa trẻ đáng thương, bị tôi liên lụy.”
“Vâng, ta hiểu rồi.” Lê Văn Đức gật đầu, dường vẫn còn bận nghĩ đến chuyện khác. “Cám ơn các bà đã cho ta biết tình hình Phiên An như thế.”
Nói rồi anh ta đứng dậy, chào bà Đỗ Thị Phẫn, quay người đi khỏi căn phòng khói bụi mù mịt. Tâm trí vẫn ở đâu đâu, Lê Văn Đức như quên cả cô vẫn đứng trong phòng. Thấy anh ta và hai người quản ngục đã đi, cô lần chần đứng lại ở bậc cửa, không biết nên đi hay ở.
Tiếng chân ba người kia vừa xa, Vũ thị chợt vứt quạt than, gục đầu trên gối khóc nức nở. Đứng ở cửa, cô thấy Lê Văn Đức ở đầu hành lang ngoảnh lại khi nghe tiếng khóc, nhưng chân anh ta vẫn bước.
Nghĩ rằng Lê Văn Đức đã thấy mình, cô đành rời khỏi phòng, đi theo anh ta. Từ giã hai người quản ngục, Lê Văn Đức dừng chân dưới cây đa trước cổng. Hôm nay anh ta đi ngựa tới một mình, mặc thường phục. Cô đứng lại cách anh ta chừng năm bước chân, không biết nên nói gì.
“Cô là người nhà Kiến An công? Ta đã từng nhìn thấy cô vài lần, hôm trước cũng thấy.” Hơi nghiêng đầu lại, Lê Văn Đức cười nói. “Bộ dạng cô hôm trước làm ta nghĩ đến chuyện từng nghe nói: trong phủ của Kiến An công có một người là cháu Lê Văn Khôi.”
“Vâng, là tôi ạ.” Cô cúi đầu nói khẽ. Là vị Tổng đốc này trí nhớ tốt hay tầm mắt quá sắc bén, có thể nhìn thấy cả người giống cái bóng như cô?
Lê Văn Đức gật gật đầu, lại không nói thêm mà nhìn ra ngoài. Nhà tù này nằm trong thành, đường ngang lối rẽ đan xen, mái nhà trập trùng lẫn trong bóng cây xanh, tiếng người lao xao trong ngựa xe nườm nượp. Khu tù giam quay lưng ra cái hồ vắng vẻ, bờ tường cao vút. Nắng tràn ngập trên mặt hồ, tràn ngập không gian đến nhức mắt, tưởng như tất cả nắng hạ đều thu vào khoảng không này.
“Cha nuôi ta mất cũng vào mùa hạ thế này, sau tết Đoan dương. Ở nơi đây.” Hồi lâu, Lê Văn Đức chợt lên tiếng, ánh mắt vẫn hút vào khoảng không. “Lúc ấy ta cảm thấy thế gian này chẳng còn ai. Đến sau này, khi ta đã có thể bảo vệ cả thiên hạ, vẫn chẳng thể cứu được họ.”
“Ta thấy Kiến An công thật tốt với cô.” Môi mỉm thành cái cười rất nhẹ, Lê Văn Đức vẫn như chỉ nói với chính mình. “Ta vốn nghĩ chỉ khi bảo vệ được bản thân mới có thể bảo vệ được người khác. Nhưng thế gian này, vốn chẳng có ai bảo vệ được ai, không làm hại nhau đã là may mắn lắm rồi.”
“Chuyện của Lê Văn Khôi, ta nghĩ cô không cần phải nghe đâu.” Lê Văn Đức nói, vẫy tay gọi những người lính ở gần đó, lệnh họ đưa cô về.
Khi cô về đến phủ, nghe chuyện, Kiến An công chỉ im lặng. Từ đó ông không cho phép cô đến tìm vợ của Lê Văn Duyệt lẫn những người quen cũ. Ngay cả khi dì cô được đưa đi, cô cũng không biết dì đã đến nơi nào. Những đứa con của cô đã được chuyển cho bà cả nuôi nấng, cô trở lại đời sống im lìm trong góc phủ Kiến An, lặng lẽ chờ đợi.
Cuối cùng, mùa đông năm ấy, điều cô chờ đợi đã tới.
Tháng bảy, mùa thu, thư báo cờ đỏ ‘Thu phục Phiên An thành’ về đến kinh. Quân lính chạy khắp các con đường loan báo, tiếng reo hò như chợ vỡ. Cô được biết, trong trận cuối cùng, quan quân đã giết chết Nguyễn Hàm cùng ba người con của Lê Văn Khôi. Chỉ người con trai út Lê Văn Viên được giải về kinh thành, còn năm người vợ và bốn cô con gái của cậu cô bị giam lại chờ thi pháp cùng những đầu mục ở Gia Định.
Tin báo tới, trong thành còn 1832 người, chết trong trận cuối gần sáu trăm. Trừ sáu người bị giải về kinh, toàn bộ bị đem xử tử.
Tin lại chuyển về, trong ba năm có hơn 2400 binh lính chết trận, hơn 1000 người thương bệnh ở Phiên An.
Người ở Phiên An thu nhặt hài cốt, lấp đi các hào rãnh, san phẳng các lũy đất quanh thành. Những chuyến thuyền lặng lẽ mải miết chở thương bệnh binh cùng quan tài về quê quán. Trên chùa Thiên Mụ, khói hương tế lễ binh lính chết trận Bắc Kỳ vừa dứt, đàn tế quân binh Nam Kỳ lại được lập lên. Tiếng kinh cầu lan xa, vọng mãi trong thanh âm mưa đầu thu rỉ rả.
Mùa đông, tháng mười, các tướng ở Nam Kỳ khải hoàn về kinh. Ngày Bính Dần, lễ hiến phù được tổ chức trước cửa Ngọ Môn. Điện Thái Hòa, cầu Kim Thủy nghi vệ giăng giăng, trăm quan chia ban thứ chầu dưới Ngọ Môn, vua ở trên đón đợi tướng từ Nam Kỳ trở lại nộp thao, ấn, dâng tù binh và thủ cấp quân giặc. Sau lễ, các tù binh này bị đưa tới pháp trường ở đồng phía Nam xử lăng trì. Đầu ba kẻ chủ chốt là Lê Văn Khôi, Nguyễn Văn Chắm, Phú Hoài Nhân bị đưa đi bêu ở chợ khắp các vùng.
Tháng mười một, Tả quân Lê Văn Duyệt và Hậu quân Lê Chất bị triều đình nghị tội. Lê Văn Hán bị xử trảm, sáu anh em khác bị trảm giam hậu. Vợ cả và bốn con trai của Lê Chất đều lãnh án trảm giam hậu. Những người vợ của Lê Văn Duyệt trước bị tội phanh thây, nay được thả không xét xử.
Ngày bà Đỗ Thị Phẫn rời khỏi Phú Xuân về Gia Định, chỉ có cô đưa tiễn. Không nhận ra cô, nghe cô nói đến tìm Vũ thị, bà Đỗ Thị Phẫn lắc đầu.
“Con bé bỏ đi rồi, ngay sau khi được thả.” Thấy vẻ kinh ngạc của cô, bà thở dài, nắm tay cô như thể an ủi. “Anh em nhà con bé ấy đều là kẻ kiệt hiệt, không cần phải lo cho nó. Trước nhà nó khó khăn, anh nó họp nhau làm loạn rồi được Tả quân thu phục, nó tin lời thằng anh cả rằng vào nhà Tả quân sẽ giúp được gia đình họ hàng. Nhưng anh em nó ở ngoài dựa vào thanh thế họ ngoại Tả quân làm đủ chuyện, đến khi làm loạn thì ném bỏ nó. Bây giờ cả nhà nó chết hết, nó lại coi như được tự do rồi.”
“Còn con bé này về Gia Định rồi cũng tìm nhà nào tốt để nương nhờ. Thay tên đổi họ, đi xa là được.” Đỗ Thị Phẫn nhìn cô vợ ba trẻ tuổi, cười trong ngấn nước mắt. “Canh giữ mộ Tả quân, chỉ cần ta làm là đủ.”
“Cô Vũ có nói gì trước khi đi không ạ?” Cô bần thần hỏi. Bà Đỗ Thị Phẫn nhìn ra dòng sông mờ ảo bóng thuyền trong sương mù mùa đông, chợt cười.
“Nó bảo, đi tìm giấc mơ.” Nụ cười của bà mong manh như lệ. “Giấc mơ ấy xa lắm, nhưng dù chết giữa đường thì nó cũng sẽ đi. Anh em nhà nó đều là bọn liều lĩnh như thế cả.”
Dòng sông cuộn sương giăng. Bỗng dưng, cô nghĩ đến tin tức vừa nghe hôm trước. Con người trông như gốc thông ấy có lẽ vẫn đang ruổi ngựa tiễu phỉ trên vùng biên giới phương Bắc, lấy thân đọ giá rét, lấy bước chân đo đạc giang sơn.
Chú thích:
[1] Mỵ Châu từ của Tùng Thiện vương