Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Nữ sĩ
Wednesday, February 19, 2014 Author: Trường An

Nữ sĩ thời Nguyễn ở miền trong nổi tiếng nhất là Tam Khanh công chúa. Đây là 3 nàng công chúa được đặt biệt hiệu Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh. Ba người đều là em gái cùng mẹ với Tùng Thiện vương, cũng là một danh sĩ nổi tiếng (Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường).


Quy Đức công chúa Vĩnh Trinh

Biệt hiệu là Nguyệt Đình, em gái của Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Tuổi còn bé mà thông minh, tính hiếu đễ thuần nhất. Lúc đầu theo học nữ sử ở trong cung, lớn lên thích ngâm vịnh. Chúa thác sinh ở nhà vua, lấy chồng người phú quý mà khiêm tốn giữ gìn, không ưa xa xỉ, duy chỉ thích sách vở mà thôi. Sau khi kết hôn, cùng Thuật (chồng) chia đôn để hỏi chữ, cùng nhau xướng họa, thường có nhiều bài hay, được các vương khen ngợi. Năm thứ 14, Thuật chết ở Gia Định. Chúa xin tự làm sinh phần cùng nơi với mộ của Thuật. Từ đấy thề giữ mộ tiết than khóc, phòng riêng một mình không ra khỏi ngõ. Nhiều người khen là khổ tiết.

Trước tác của chúa có tập Nguyệt Đình Thi Thảo. Tuy Lý vương đề bàn tập thơ, ghi: Phát ra bởi tình, mà đúng lễ nghĩa như các thơ Hà Quảng, Tài Trí ở thiên Vệ phong (Kinh Thi).


Thuận Lễ công chúa Tĩnh Hòa

Tự là Quý Khanh, một tên hiệu nữa là Dưỡng Chi, biệt hiệu Thường Sơn, em gái Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Lúc bé thông minh dịu dàng, có đức tốt, thích sách vở, được vua rất yêu. Lúc bé học ở trong cung, thuộc nữ tắc, càng thông kinh sử, đến cả cung từ, học được bài gì ở Nhạc Phủ đều đem dạy người, trong cung gọi là thầy học gái. Khi lớn lên, cùng anh là Miên Thẩm thờ mẹ đẻ ở nhà tư. Nhân học được thơ Đường luật, liền làm được thơ. Chúa ưa thích âm luật, khéo đặt khúc hát, có đặt ra bộ nữ nhạc, đàn sáo đầy nhà, các anh trai em gái thường lại hội yến, lấy đàn hát làm vui. Thương Sơn vương trước đề tập thơ có nói rằng "Tăng Thành trăng tĩnh, đêm nghe tiếng đọc sách dịu dàng. Động Đình gió cao, mùa thu khúc tơ vàng dìu dặt" là chỉ vào việc ấy.

Năm Tự Đức thứ tư, gả cho Đô úy Văn Cát. Sau khi vu quy, chúa cùng Cát vợ chồng hòa hợp, cùng nhau ngâm vịnh gọi là thi xã. Trước tác có tập "Huệ Phố thi".


Lại Đức công chúa Trinh Thận

Hiệu Mai Am, còn có hiệu Thúc Khanh, Nữ Chi, biệt hiệu Diệu Liên, em gái Tùng Thiện vương. Lúc nhỏ bà sống với mẹ và ba chị em gái ở viện Đoan Chính trong Tử Cấm Thành sau dời về Sở Tiêu Viên (vườn mía) thuộc khu dinh thự của Tùng Thiện Vương. Vì đây là khu vực thơ văn của Tùng Thiện Vương và cũng là nơi Tùng Thiện thi xã thường xuyên họp bạn thơ văn nên Mai Am đã được tiếp xúc thi thơ từ rất sớm. Tới tuổi đi học, với thân phận là con cháu hoàng tộc nên bà và chị em không được học ở trường ngoài mà được cho học trong Tôn học đường do anh ruột Tùng Thiện Vương phụ trách. Ba công chúa được sự dạy dỗ của anh nên sớm bộc lộ tài năng về thơ phú. Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố được gọi là Tam Khanh (theo ba tên hiệu của ba người lần lượt Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh) trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành. Trong ba người, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất. Bà đã sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ.

Trước tác có Diệu Liên thi tập.

Thơ Mai Am - Ức mai:

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lí quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương cấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.


Bên cạnh đó còn có vài người nổi bật khác:


Nguyễn Nhược Thị Bích hay còn gọi là Nguyễn Nhược Thị, tự Lang Hoàn.

Sinh tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Bà là con gái thứ 4 của Nguyễn Nhược Sơn (hay Nguyễn Nhược San, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa). Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên bà sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc, lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (Tự Đức nguyên niên, 1848), Nguyễn Nhược Thị Bích được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, Vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở) và bài họa của bà được nhà vua khen tặng 20 nén bạc, đồng thời cho sung chức Thượng Nghi Viên Sư, để dạy học trong nội cung. Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Theo sử nhà Nguyễn, thì trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy “kinh điển và dạy tập nội đình” cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi. Vì thế, trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử.

Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí Thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng thái hậu Từ Dụ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Tác phẩm nổi tiếng là Hạnh thục ca.


Phạm Lam Anh

Con gái của Hộ bộ Phạm Hữu Kính thời Võ vương. Tiểu tự là Khuê, tự hiệu Ngâm Xi. Từ nhỏ đã nhanh nhẹn, thông minh, biết làm thơ. Kính rất yêu chiều, đón Nguyễn Dũng Hiệu đến dạy học ở nhà. Hiệu là người huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, vốn nổi tiếng là người hay thơ, hiệu là Phúc Am. Kính đi làm quan, lưu Hiệu ở nhà dạy các con. Hiệu và Lam Anh lấy thư từ tặng đáp nhau, rồi tư thông với nhau. Kính về, giận lắm, muốn trầm hà Lam Anh, có người bạn khuyên giải mới thôi. Cuối cùng gả Lam Anh cho Hiệu. Lam Anh đã về với Hiệu, cùng nhau xướng họa, có tập "Chiến cổ Đường thi" lưu hành ở đời.

Thơ Lam Anh - Vịnh Khuất Nguyên:

Trí nan tất toại thiên thu sự,
Ba bất toàn trầm nhất phiến trung.
Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
Độc nhân tinh khứ quốc cơ không.


Hòa Mỹ công chúa Trang Tĩnh

Em cùng mẹ với Tuy Lý vương Miên Trinh. Từ bé đã đoan trang dịu dàng, lập chí không cẩu thả. Nữ sử Đinh Phượng dạy học trong cung cấm, bảo với người rằng: Hoàng nữ Trang Tĩnh không chỉ thông minh tuyệt vời mà thôi, mà là người đoan trang trầm tĩnh, như tên đã ban cho. Năm Thiệu Trị thứ 7 thì chết, lúc 23 tuổi.


Cao Ngọc Anh

Quê ở làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Con của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục, làm Thượng thư Bộ học dưới triều Tự Đức. Giáo sư Cao Xuân Huy gọi bà bằng cô. Thuở nhỏ, bà được cha kèm cặp bút nghiên, tư chất thông minh và hay chữ. Bà thường gặp gỡ xướng họa với các bà phi, bà chúa và các tiểu thư ở đế đô. Thỉnh thoảng các bậc đại nho đến nhà chơi, trò chuyện với cha, bà cũng được phép tham dự và xướng họa. Hồi đó, bà lừng danh là một tiểu thư giỏi Hán Nôm của đất kinh kỳ.

Khi đời đã hoàng hôn, con cháu mới sưu tầm thơ của bà từ trong những trang ít ỏi đã được in, chủ yếu là từ những bản chép tay và từ trí nhớ của các học giả, các nhà nho sống đồng thời với bà. Năm 1964, tập "Khuê sầu thi thảo" được xuất bản ở Sài Gòn, gồm 51 bài thơ chữ Hán, 68 bài thơ chữ Nôm, tổng cộng 119 bài. Ngoài ra, còn một số bài văn tế, ca trù, câu đối.


Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Khuê

Sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại... Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi, thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “sương”, thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới".


Trần Ngọc Lầu

Trần Ngọc Lầu, người ở tỉnh Vĩnh Long, là con của Thủ Khoa Trần Xuân Sanh. Khoảng năm 1867, cảnh sống túng quẫn, nên cha con bà phải rời quê để đến Mỹ Tho tìm sinh kế. Ở nơi mới, ông Sanh làm nghề dạy học và hốt thuốc.

Là con nhà có học, xinh đẹp, biết làm thơ nên bà thường bị người khác phái trêu ghẹo. Trong Vĩnh Long xưa, tác giả Huỳnh Minh cho biết: Từ thửa trẻ, bà đã cùng một bạn trai tên Nguyễn Hữu Đức (bút danh Phụng Lãm) yêu nhau. Ông này cũng là một khách tài hoa, văn chương lỗi lạc. Nhưng về sau, ông Đức đã phụ bà để cưới vợ giàu, khiến bà phải cười đau khóc hận.

Trần Ngọc Lầu có để lại tập thơ "Ngọc Lầu thi tập".

Thơ Trần Ngọc Lầu - Tự than thân

Nằm đêm nghĩ lại luống than thầm,
Tài bộ như vầy đáng mấy trăm.
Khôn khéo dễ thua người vịnh tuyết,
Thông minh nào kém bạn thân cầm.
Văn chương Tống Tín coi nhiều bợm,
Từ điệu Như Hoành ngó vắng tăm.
Chí dốc noi theo gương họ Mạnh,
Kén lừa cho gặp khách tri âm.


Đạm Phương Nữ Sử

Tên thật là Công Tôn nữ Đồng Canh, tự Quý Lương. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hoá Quận Vương.

Thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống nghiêm túc của hoàng tộc, nhờ vậy bà giỏi cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ và giỏi nữ công gia chánh. Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản dân chủ Pháp, Trung Quốc như J.J.Rutxô, X.Xi mông, Lương Khai Siêu, Tôn Dật Tiên… Bà còn được tiếp xúc với các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… Tri thức và những mối quan hệ đó đã thúc đẩy Đạm Phương Nữ Sử chuyển hoá nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại.

Năm 1926, Đạm Phương Nữ Sử sáng lập Nữ công học hội Huế, trực tiếp làm đội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận.

(Ngoại trừ Mai Am không được ghi chép, tất cả tư liệu về công chúa trên đây được lấy từ Đại Nam liệt truyện.)




Phát xít Nhật
Friday, December 27, 2013 Author: Trường An

Đọc sơ qua quá trình hình thành của phát xít Nhật, có mấy điều khá là hứng thú.

Tại sao lại gọi là phát xít, theo nghĩa gốc của từ này là "bó" hoặc "nhóm", với các đặc trưng là nhà nước chuyên chế độc tài, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chiêu bài hướng tới tầng lớp thấp, chủ trương chống lại tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến "dân tộc"... Như mục tiêu chính của phát xít Nhật là Trung Quốc, giống Đức với Do Thái. Nhưng tại sao lại là TQ?

Điều này cần nhìn ngược lại về những năm tháng đầu của Minh Trị Duy Tân, hay thậm chí là xa hơn nữa. Đầu những năm Minh Trị, NB bị châu Âu tấn công, buộc phải mở các cảng, để người Tây vào hoạt động, và từ đó dẫn đến cải tổ chính phủ. Thật ra, điều mà NB làm là điều mà hầu hết các nước châu Á cũng làm. Ngay từ năm 1862, TQ đã cử hơn 100 học sinh ra nước ngoài học, tập trung phát triển quân đội. Nhưng "lợi thế" của NB trước hết phải nói, chính là điều mà NB hay than nghèo kể khổ: Đất đai chả có gì để mà cướp. Ngoại trừ nguyên nhân chủ quan do mâu thuẫn trong nước, TQ phải chịu sự khống chế của hơn 5 nước Tây phương, mà kẻ nào cũng lăm le lấy hơn phần được chia - Ví dụ như Pháp chọn cách đánh VN để chọc vào mạn Vân Nam. NB, một khi đã chịu "đầu hàng", lợi dụng được chính những nước Tây phương chiếm đóng chia sẻ công nghệ, phát triển cầu đường, buôn bán... Mà quan trọng nhất, Tây phương lấy NB làm căn cứ đóng quân để tấn công các nước châu Á khác. Đất NB không có tài nguyên, chỉ có vị trí chiến lược là quan trọng.

Bước ngoặt lớn của NB chính là cuộc chiến Pháp Trung - khởi nguồn từ cuộc xâm lược VN của Pháp. Pháp và TQ đánh nhau ở Vân Nam, NB đột nhiên tấn công vào Triều Tiên, buộc TQ phải rút lui, nhường VN cho người Pháp. Ngay trong năm sau, NB cùng Pháp ký kết hiệp ước liên minh, Pháp cung cấp thuyền chiến, khí tài cho NB, đổi lại là NB khống chế biển Đông của TQ. Nhận thấy "mối lợi" to lớn này từ NB, đồng thời e sợ Pháp "1 mình ăn cả" giống Hà Lan từng làm với Ma Cao, các nước Tây phương cũng đồng loạt cởi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng để lấy lòng NB. Sự "hợp tác cùng phát triển" của NB với Tây phương lên một tầm cao mới, để NB trở thành quốc gia phát triển nhất châu Á bấy giờ.

Vị thế mà NB có được chính là nhờ "chống-Trung-Quốc", từ vị trí chiến lược bị động, NB đã tham gia vào công cuộc tiến chiếm châu Á của các nước Tây phương.

Ngày nay, có người đã đặt lại vấn đề về hành động của triều Thanh dưới trướng Từ Hy thái hậu. Việc ra sức kiểm soát, khống chế đến mức cực đoan các yêu cầu "cải cách" ảnh hưởng đến quyền lực triều đình liệu có phải chỉ là "thủ cựu"? Khi ngay cả cuộc vận động của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cũng do NB hậu thuẫn? Với sự xâm lấn của các nước phương Tây vào miền Nam TQ, sự phân quyền của triều đình có thể dẫn đến tình trạng cực kỳ bất lợi, như đã thấy sau cuộc Cách mạng Tân Hợi. Các thủ lĩnh địa phương, dòng tộc có thể cát cứ, phân nhỏ quốc gia, và TQ sẽ trở thành mồi ngon cho Tây phương nhấm nháp từng miếng.

(- Thực ra, tình trạng "chia để trị" này cũng đã thấy ở VN. Một khi mất đi sự kiểm soát, khống chế từ trung ương, các vùng lãnh thổ bị Pháp phân nhỏ dễ dàng, nuốt chửng từng miếng.)

Ngay cả Khang Hữu Vi, vào thời gian sau đó, cũng đã nhận ra thế bất lợi, không còn yêu cầu TQ "canh tân" triệt để, mà đặt ra đường lối quân chủ lập hiến cho TQ.

Quay lại NB và TQ, hai nước này đã có lịch sử lục đục lâu đời quanh vấn đề Triều Tiên. Nhiều lần đánh Triều Tiên bị TQ chặn đường, trong tiềm thức NB, TQ chính là cản trở lớn nhất cho công cuộc bành trướng vào đất liền. Hay nói cách khác, NB cổ đại vừa sùng Hoa vừa bài Hoa. Từ những ngày người NB sang triều Đường học hỏi tất cả phong tục, quy chế cho đến chí cách ăn mặc ở của nhà Đường, NB đã tiếp thu hầu hết các tư tưởng của TQ, trong suốt các tiến trình lịch sử. Ngay cả trong thiên "Thoát Á luận", Fukuzawa Yukichi kêu gọi cải cách, bài Hoa bằng một câu sặc mùi Mạnh Tử "Xã tắc thứ chi, quân vi khinh" - nước nhà là trọng, chính phủ là phụ. Ngay cả những "tư tưởng tân dân" của Nho học NB cũng khởi nguồn từ những chí sĩ nhà Minh đem sang.

Nhưng đồng thời, vì vậy, trước sự thay đổi của thời thế, tư tưởng này trở thành trở ngại lớn nhất của NB - không chỉ trong lĩnh vực tinh thần. Trong tiềm thức, NB xác định sự lớn mạnh của mình là "vượt qua TQ". Và ngay khi vừa đủ sức, NB thực hiện ngay "khao khát" hàng ngàn năm của mình: Đánh Triều Tiên vào 1894.

Điều này có thể thấy trong thiên "Thoát Á luận". Trong đó, coi "TQ và Triều Tiên chẳng hề giống NB", "chúng ta vượt hơn hẳn họ", vưn vưn và vưn vưn. Nói chung là mùi tự sướng bay cao ngút trời. Và để xác định vị thế thượng tôn, cần tấn công Triều Tiên và TQ. Tư tưởng TQ đã lỗi thời, cần tiêu diệt TQ để "cải cách" châu Á được rộng khắp.

Nhưng dù Fukuzawa Yukichi hiện tại có nổi tiếng đến mức nào, "Thoát Á luận" khi được phát hành không có ai nhìn tới. Chỉ vào 48 năm sau, cùng với lúc quân đội chiếm chính phủ, thành lập chính quyền quân sự phát xít, bài viết này mới được lôi ra, trở thành tư tưởng chính yếu, kim chỉ nam của NB. Cũng chính là tư tưởng mà NB loan truyền toàn thế giới, tới những nước xung quanh, những người tìm tới NB để tìm phương cách duy tân.

Và hiện tại, Fukuzawa Yukichi cùng "Thoát Á luận" được coi là phương tiện chính của chủ nghĩa phát xít Nhật.

Sự bài xích điên cuồng của phát xít Nhật với người TQ không chỉ nằm ở phương diện tinh thần như Đức với Do Thái - Dù cũng đặt trên một vị thế "thượng tôn", "ưu việt" tương tự - mà còn trên vấn đề kinh tế, chính trị. Đến khi lớn mạnh, NB bắt đầu tìm cách bành trướng theo đúng lối của các nước Tây phương. Nhưng ngoại trừ Triều Tiên, tất cả các vùng đất khác đã "có chủ". Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I, NB đụng độ với Nga nhưng không giành được lợi thế trên các hòn đảo phía Bắc. Thế lực phương Tây quá mạnh, NB không thể một mình chống thực dân - Thế là, một lý thuyết nhân sinh mới ra đời, đặt NB thành một vị cứu tinh của châu Á, kêu gọi dân chúng các nước châu Á ủng hộ đế quốc Nhật để đối kháng với phương Tây.

Nhưng ở khu vực Đông Nam Á này, ở đâu lại chẳng có người TQ? Người TQ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội ĐNÁ, thậm chí là thành phần quan trọng nhất. Phát xít Đức giết người Do Thái để chiếm tài sản, phát xít Nhật cần tiêu diệt TQ để đạt tới những thứ to lớn hơn.

Tất cả những điều đó được ngụy trang bằng tư tưởng "Thoát Á luận", bằng bài trừ Hán học, vứt bỏ Nho học "cũ kỹ lạc hậu" và vân vân những thứ tương tự.

Và NB, "khởi nghiệp" bằng cách bán đứng các quốc gia châu Á, lại tự cho mình thành cứu tinh của châu Á.

---

Câu nhận xét về đường lối của Phan Bội Châu "tiễn sói cửa trước, rước cọp cửa sau" không phải là không có lý. Sống trong thời đại ấy, với những biến động, xung đột của 2 quốc gia TQ-NB, người đương thời chắc chắn nhận biết được sâu sắc hơn những gì người ngoài nhìn vào. Dù trong thời kỳ hoạt động của PBC, NB chưa trở thành phát xít, nhưng con đường này chỉ là sớm muộn.

Ngay cả Lương Khải Siêu cũng khuyên PBC không nên cầu ngoại viện. Và NB cũng đã "bán đứng" VN lần thứ 2 vào năm 1908, ký kết hiệp ước cùng Pháp đuổi tất cả du học sinh về nước, đổi lại là NB được sang Đông Dương buôn bán, làm tan rã hoàn toàn phong trào Đông Du.

Ai tin được khẩu hiệu "châu Á cùng tiến" của NB thời gian này đúng là ngây thơ số một.

---

Thật ra mọi loại sách đều cần xem xét giá trị thực tiễn của nó chứ không phải "giá trị truyền miệng", bơm vá. Cũng như cái nhà cần xem có bền đủ để ở được không chứ không phải do ai xây.

Vẹt nhà thư sinh thì nói chữ, vẹt ngoài chợ thì chửi thề. Nhưng chung quy vẫn chỉ là con vẹt.

---

Nhiều khi cảm thấy người VN rất "ngây thơ", rất "dễ bị tổn thương". TQ bán đứng mình cũng kêu, mà cả Cambodia quay lưng cũng hậm hực. Xin lỗi, tình thế ra như bây giờ cũng bởi "không-giỏi-kinh-doanh", bị đá như quả bóng ở giữa. Nào "anh cả", "anh hai" rồi anh em, hàng xóm, đến lúc không như ý thì lại gào.

Thật ra NB, hay ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc... cũng là ví dụ cho câu "khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống". Thôi hậm hực kể tội thằng này thằng kia bán mình đê, đứa nào bán được có giá thì đứa ấy giỏi. =))




Tiền giấy
Thursday, December 12, 2013 Author: Trường An

Hôm nọ nhầm Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224 thành 1124, nhưng nhờ vậy mà tìm được 1 nhân vật rất đáng để ý: Tể tướng Sử Di Viễn.

Sử Di Viễn người Chiết Giang, thi đậu tiến sĩ thời Tống Ninh Tông. Năm 1207, tể tướng Hàn Thác Trụ đánh Kim thất bại, Sử Di Viễn lúc ấy là Lễ bộ thị lang liền mưu với Dương hoàng hậu giết Hàn Thác Trụ để dâng thủ cấp cho Kim thỉnh hòa. Sử Di Xa vì thế thăng lên Hữu thừa tướng.

Năm 1224, Tống Ninh Tông qua đời. Thái tử là Triệu Hồng có hiềm khích với Sử Di Viễn, Sử Di Viễn liền mưu cùng Dương hoàng hậu giết thái tử, lập một tông thất là Triệu Dữ Cử làm Tống Lý Tông. Tống Lý Tông chỉ là vua bù nhìn trong suốt 9 năm, đến 1233 mới lấy lại được quyền hành.

Trong thời gian làm quyền thần của mình, Sử Di Viễn được ghi nhớ bởi mấy hành động: Diệt kẻ đối lập, tham ô lũng đoạn, làm kinh tế nhà Tống suy bại. Trong đó, đáng chú ý nhất là thủ đoạn mà Sử dùng để thu tiền từ dân gian: Đổi tiền giấy.


"Sử Di Viễn chuyên quyền 26 năm, duy trì chế độ cầu hòa chính trị, với Kim quỵ lụy, với nhân dân thì điên cuồng cướp đoạt. Ông ta còn tạo ra tiền mới, không dùng đồng, bạc hay vàng làm nguyên liệu, mà dùng giấy đổi lấy tiền cũ, giá trị chỉ bằng phân nửa. Khiến cho tiền giấy mới đầy rẫy mà giá tiền giảm xuống, giá hàng hóa tăng cao, dân chúng lầm than. Triều đình dụng binh, tiền giấy phát hành ngàn vạn. Năm năm lưu hành, số tiền giấy là hàng trăm triệu, tình hình lạm phát đã đạt tới mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Lý Tông tuy lấy lại được quyền chấp chính, chính trị có ổn định hơn, nhưng Nam Tống đã ở trong thế bấp bênh, tài chính quốc gia ở biên giới phá sản, phải dựa vào lạm phát để thu tiền cứu cấp, như uống rượu độc giải khát, tiền giấy biến thành như rác không có giá trị."

----

Vầng, đây là hình ảnh của ai?

Việc ban hành tiền giấy của Hồ Quý Ly hoàn toàn là học của nhà Tống.

Mà việc này hậu quả kết quả nhãn tiền, ngoài mục đích vơ vét làm giàu cho quốc khố thì hại nhiều hơn lợi. Tiền giấy thời kỳ ấy dễ làm mà cũng dễ hỏng, nên trong 5 năm mà nhà Tống in đến hàng trăm triệu tờ tiền.

Về việc này, Nguyễn Trãi từng viết:


    "Ta xét ngay như họ Trần, cậy đã giàu mạnh, không thương dân khổ, chỉ đam mê về sở thích. Lấy tửu sắc làm vui, hàng ngày chỉ đam mê những việc vô ích: đánh cờ, đánh bạc, chọi gà, chọi chim, nuôi cá vàng, nuôi chim lạ, bày những trò lặt vặt, ganh nhau được thua. Việc nước to tát bao la không hề đoái hoài. Người oan uổng bị quận thú giam giữ vài ba năm, không hề hỏi tới. Các sớ tấu bị nội giám lưu lại vài ba tháng không thi hành. Tể tướng gây riêng bè phái. Triều đình thiếu hẳn Gián quan. Thần đến là con là cháu mà bị hại về mưu giảo quyệt gian thần. Quyền lớn chức cao mà rơi vào tay bọn tôi tớ nhân dân. Dân chê mà không biết, trời trách mà không lo. Chính giáo vì thế mất kỷ cương, vì thế sinh hỗn loạn. Tuy vì Hồ thị bất trung, nhưng cũng vì trời ghét thiếu đức mà trao cho người khác. Họ Hồ đã lấy trí gian cướp nước, rồi lại lấy trí gian uy hiếp dân tình. Lịnh bảo sao (chế tiền bạc giấy) ban ra mà người người đều oán về khó mưu sinh. Phép di dân thi hành mà người người đều oán vì mất cơ sở. Lại thêm thuế má nhiều, phu dịch nặng, phép nghiệt, hình nghiêm. Chỉ chăm lợi cho thân mình, giàu cho nhà mình, bất chấp hại dân, mất nước. Trong thân tộc, cư xử thiên vị. Hạng hèn kém thì coi tôn quý, hạng xiểm nịnh thì được tin dùng. Khi vui thì thưởng, khi giận thì phạt. Người trung trực khóa miệng, người lương thiện ngậm oan. Thế mà còn kiêu ngạo tự tôn, không sợ mệnh trời, cứ làm việc ác."

Hầu như tất cả người viết sử xưa đều nói việc ban hành tiền giấy là một trong những nguyên nhân bại vong chính của nhà Hồ. Có thể người Việt xưa thời đó không giỏi về kinh tế nên không nhận ra sự lạm phát, chỉ biết là tiền giấy "khó mưu sinh"? (Việc này cũng có thể, khi họ Hồ cho thi thêm cả toán cùng với viết chữ - Mà thời Nguyễn gọi là thi Hoa Văn, trong khi toán số là một trong Lục nghệ mà học trò TQ phải học từ thời cổ đại.)

Việc cố sức thu gom vơ vét nhân vật lực của thời Hồ cũng rõ luôn, khi Hồ Quý Ly hỏi các quan "Làm sao để có 100 vạn quân?", cuối cùng làm sổ ghi hộ tịch từ đứa bé 2 tuổi trở lên, cấm dân lưu vong, dân ở xứ khác bị đuổi về quê quán. Rồi Hồ Hán Thương cũng định xây kho, dùng tiền giấy thu gom lúa gạo...

Có thể là cuối đời Trần, chịu mấy lần Chiêm Thành đánh thì đã hết tiền, mới phải dùng phương cách này. Nhưng cái trò tiền giấy này chẳng phải phát minh mới lạ, cũng chẳng phải "thành tựu kinh tế" gì hết.

Vầng, Trung Quốc là nơi phát minh ra tiền giấy với ý nghĩa đích thực của nó chứ không phải "ngân phiếu", làm tiền đề cho thất bại trước quân Mông Cổ. Hậu quả to béo này bay sang VN, đúng như Nguyễn Trãi nói là chỉ thấy cái lợi cho mình, bất chấp gốc rễ.



---

Nói thêm, tiền giấy TQ ra đời từ thời Đường, khởi sinh từ những bản hợp đồng cam kết giữ tiền của các thương nhân. Do đi lại nhiều, không tiện mang theo tiền đồng, thương nhân gửi tiền cho một số người giữ, rồi làm bản cam kết tượng trưng cho số tiền. Dần dà, một hệ thống ngân hàng được thành lập, tạo ra hệ thống ngân phiếu.

Đến thời Tống, triều đình mới can thiệp vào hệ thống tiền giấy này, lập các xưởng in tiền. Đến thời Nam Tống, tiền giấy có số ghi giá trị, "số serial" kiểm soát đã hình thành. Những triều đại tiếp theo như Nguyên, Minh, Thanh cũng có tiền giấy riêng của mình, sử dụng song song với tiền đồng. Thế kỷ 13, Marco Polo đến triều đình nhà Nguyên, thấy tiền giấy liền ghi lại. Người châu Âu thấy thế bắt chước theo, bắt đầu sử dụng giấy làm ngân phiếu, đến 1661 thì ngân hàng Thụy Điển cho in tờ tiền đầu tiên.

Với lịch sử lâu đời của tiền giấy như vậy, phản ứng của người VN quả là hơi "lạ". Dù rằng tiền giấy không thể thay thế tiền đồng và sử dụng tràn lan thì dễ gây mất kiểm soát, nhưng "bài trừ tiền giấy" với lý do "giấy không có giá trị" và dùng hình thức trao đổi hàng thay thế thì bộc lộ ra rằng nền kinh tế này mang tính chất tự cấp tự túc hơi cao.

Thời Tống, ngoại thương TQ cũng rất phát triển. Ghi nhận được chừng 50 nước có quan hệ buôn bán với Tống như "Ceylon, Langkasuka, Mait, Samboja, Borneo, Kelantan, Champa, Chenla, Bengtrao, Java, India, Calicut, Lambri, Bengal, Kurum, Gujara, Mecca, Egypt, Baghdad, Iraq, Aman, the Almoravid dynasty, Sicily, Morocco, Tanzania, Somalia, Ryukyu, Korea, and Japan". Ghi nhận có Chân Lạp, Champa nhưng không có VN.

Chiều dài của thời Tống trải hết thời Lý cho đến đầu thời Trần, và phản ứng của dân chúng thời Hồ cho thấy người VN vẫn còn xa lạ với thứ gọi là "thương nghiệp". Tuy nhà Hồ có đánh thuế thuyền buôn, nhưng thuyền thượng đẳng cũng chỉ có 5,10 quan thì so với tiền thuế thuyền buôn thời chúa Nguyễn chỉ là... buôn vặt.




NN
Tuesday, December 10, 2013 Author: Trường An

Dòm ngó mấy tác-phẩm lịch sử gần đây, tự dưng ngộ ra cảm giác "người thua thì mất tất". Không những mất tất trong kiếp ấy mà còn bị lôi ra làm đủ thứ trò đời sau, trong khi bản thân họ chả biết là có tội gì, chỉ tại vì... bị giết.

Thượng Dương hoàng hậu tội gì hông biết, chỉ cái tội rõ nhất là không có con nên phải lấy con của Ỷ Lan làm vua, rồi vì "lỡ" làm hoàng hậu rồi thì làm luôn thái hậu, kết cuộc bị đối thủ ngứa mắt phăng teo. Đời sau, hậu nhân rất có duyên, áp luôn cho bà cái tội "thông địch bán nước", làm lý do cho bà Ỷ Lan "hiền đức tài giỏi" giết người.

Đàm thái hậu cũng chả biết là có cái tội gì, ngoại trừ cái tội to nhất là một hai đòi đuổi đòi giết Trần Thị Dung - người sau này vừa giết con bà vừa làm sụp đổ cả vương triều, chưa kể hại luôn con cháu bà. Và hậu nhân cũng rất biết điều gán cho bà cái tội lũng đoạn triều cương, thông địch bán nước, làm cớ cho cặp mèo mả gà đồng kia.

Vầng, và cái tội to nhất của cả hai là làm nạn nhân lót đường cho "vĩ nhân", đối thủ không đem họ ra bêu rếu thì thôi, loại hậu nhân vô lương tâm mặt trơ trán bóng nào tự tiện gắp lửa bỏ tay người, đem đủ thứ tội to nhớn nhất áp được thì áp cho người ta?

Vầng, người thua mất tất, mất luôn quyền được coi là người.





Copyright © Trường An. All rights reserved.