Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Tiền giấy
Trường An December 12th, 2013

Hôm nọ nhầm Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224 thành 1124, nhưng nhờ vậy mà tìm được 1 nhân vật rất đáng để ý: Tể tướng Sử Di Viễn.

Sử Di Viễn người Chiết Giang, thi đậu tiến sĩ thời Tống Ninh Tông. Năm 1207, tể tướng Hàn Thác Trụ đánh Kim thất bại, Sử Di Viễn lúc ấy là Lễ bộ thị lang liền mưu với Dương hoàng hậu giết Hàn Thác Trụ để dâng thủ cấp cho Kim thỉnh hòa. Sử Di Xa vì thế thăng lên Hữu thừa tướng.

Năm 1224, Tống Ninh Tông qua đời. Thái tử là Triệu Hồng có hiềm khích với Sử Di Viễn, Sử Di Viễn liền mưu cùng Dương hoàng hậu giết thái tử, lập một tông thất là Triệu Dữ Cử làm Tống Lý Tông. Tống Lý Tông chỉ là vua bù nhìn trong suốt 9 năm, đến 1233 mới lấy lại được quyền hành.

Trong thời gian làm quyền thần của mình, Sử Di Viễn được ghi nhớ bởi mấy hành động: Diệt kẻ đối lập, tham ô lũng đoạn, làm kinh tế nhà Tống suy bại. Trong đó, đáng chú ý nhất là thủ đoạn mà Sử dùng để thu tiền từ dân gian: Đổi tiền giấy.


"Sử Di Viễn chuyên quyền 26 năm, duy trì chế độ cầu hòa chính trị, với Kim quỵ lụy, với nhân dân thì điên cuồng cướp đoạt. Ông ta còn tạo ra tiền mới, không dùng đồng, bạc hay vàng làm nguyên liệu, mà dùng giấy đổi lấy tiền cũ, giá trị chỉ bằng phân nửa. Khiến cho tiền giấy mới đầy rẫy mà giá tiền giảm xuống, giá hàng hóa tăng cao, dân chúng lầm than. Triều đình dụng binh, tiền giấy phát hành ngàn vạn. Năm năm lưu hành, số tiền giấy là hàng trăm triệu, tình hình lạm phát đã đạt tới mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Lý Tông tuy lấy lại được quyền chấp chính, chính trị có ổn định hơn, nhưng Nam Tống đã ở trong thế bấp bênh, tài chính quốc gia ở biên giới phá sản, phải dựa vào lạm phát để thu tiền cứu cấp, như uống rượu độc giải khát, tiền giấy biến thành như rác không có giá trị."

----

Vầng, đây là hình ảnh của ai?

Việc ban hành tiền giấy của Hồ Quý Ly hoàn toàn là học của nhà Tống.

Mà việc này hậu quả kết quả nhãn tiền, ngoài mục đích vơ vét làm giàu cho quốc khố thì hại nhiều hơn lợi. Tiền giấy thời kỳ ấy dễ làm mà cũng dễ hỏng, nên trong 5 năm mà nhà Tống in đến hàng trăm triệu tờ tiền.

Về việc này, Nguyễn Trãi từng viết:


    "Ta xét ngay như họ Trần, cậy đã giàu mạnh, không thương dân khổ, chỉ đam mê về sở thích. Lấy tửu sắc làm vui, hàng ngày chỉ đam mê những việc vô ích: đánh cờ, đánh bạc, chọi gà, chọi chim, nuôi cá vàng, nuôi chim lạ, bày những trò lặt vặt, ganh nhau được thua. Việc nước to tát bao la không hề đoái hoài. Người oan uổng bị quận thú giam giữ vài ba năm, không hề hỏi tới. Các sớ tấu bị nội giám lưu lại vài ba tháng không thi hành. Tể tướng gây riêng bè phái. Triều đình thiếu hẳn Gián quan. Thần đến là con là cháu mà bị hại về mưu giảo quyệt gian thần. Quyền lớn chức cao mà rơi vào tay bọn tôi tớ nhân dân. Dân chê mà không biết, trời trách mà không lo. Chính giáo vì thế mất kỷ cương, vì thế sinh hỗn loạn. Tuy vì Hồ thị bất trung, nhưng cũng vì trời ghét thiếu đức mà trao cho người khác. Họ Hồ đã lấy trí gian cướp nước, rồi lại lấy trí gian uy hiếp dân tình. Lịnh bảo sao (chế tiền bạc giấy) ban ra mà người người đều oán về khó mưu sinh. Phép di dân thi hành mà người người đều oán vì mất cơ sở. Lại thêm thuế má nhiều, phu dịch nặng, phép nghiệt, hình nghiêm. Chỉ chăm lợi cho thân mình, giàu cho nhà mình, bất chấp hại dân, mất nước. Trong thân tộc, cư xử thiên vị. Hạng hèn kém thì coi tôn quý, hạng xiểm nịnh thì được tin dùng. Khi vui thì thưởng, khi giận thì phạt. Người trung trực khóa miệng, người lương thiện ngậm oan. Thế mà còn kiêu ngạo tự tôn, không sợ mệnh trời, cứ làm việc ác."

Hầu như tất cả người viết sử xưa đều nói việc ban hành tiền giấy là một trong những nguyên nhân bại vong chính của nhà Hồ. Có thể người Việt xưa thời đó không giỏi về kinh tế nên không nhận ra sự lạm phát, chỉ biết là tiền giấy "khó mưu sinh"? (Việc này cũng có thể, khi họ Hồ cho thi thêm cả toán cùng với viết chữ - Mà thời Nguyễn gọi là thi Hoa Văn, trong khi toán số là một trong Lục nghệ mà học trò TQ phải học từ thời cổ đại.)

Việc cố sức thu gom vơ vét nhân vật lực của thời Hồ cũng rõ luôn, khi Hồ Quý Ly hỏi các quan "Làm sao để có 100 vạn quân?", cuối cùng làm sổ ghi hộ tịch từ đứa bé 2 tuổi trở lên, cấm dân lưu vong, dân ở xứ khác bị đuổi về quê quán. Rồi Hồ Hán Thương cũng định xây kho, dùng tiền giấy thu gom lúa gạo...

Có thể là cuối đời Trần, chịu mấy lần Chiêm Thành đánh thì đã hết tiền, mới phải dùng phương cách này. Nhưng cái trò tiền giấy này chẳng phải phát minh mới lạ, cũng chẳng phải "thành tựu kinh tế" gì hết.

Vầng, Trung Quốc là nơi phát minh ra tiền giấy với ý nghĩa đích thực của nó chứ không phải "ngân phiếu", làm tiền đề cho thất bại trước quân Mông Cổ. Hậu quả to béo này bay sang VN, đúng như Nguyễn Trãi nói là chỉ thấy cái lợi cho mình, bất chấp gốc rễ.



---

Nói thêm, tiền giấy TQ ra đời từ thời Đường, khởi sinh từ những bản hợp đồng cam kết giữ tiền của các thương nhân. Do đi lại nhiều, không tiện mang theo tiền đồng, thương nhân gửi tiền cho một số người giữ, rồi làm bản cam kết tượng trưng cho số tiền. Dần dà, một hệ thống ngân hàng được thành lập, tạo ra hệ thống ngân phiếu.

Đến thời Tống, triều đình mới can thiệp vào hệ thống tiền giấy này, lập các xưởng in tiền. Đến thời Nam Tống, tiền giấy có số ghi giá trị, "số serial" kiểm soát đã hình thành. Những triều đại tiếp theo như Nguyên, Minh, Thanh cũng có tiền giấy riêng của mình, sử dụng song song với tiền đồng. Thế kỷ 13, Marco Polo đến triều đình nhà Nguyên, thấy tiền giấy liền ghi lại. Người châu Âu thấy thế bắt chước theo, bắt đầu sử dụng giấy làm ngân phiếu, đến 1661 thì ngân hàng Thụy Điển cho in tờ tiền đầu tiên.

Với lịch sử lâu đời của tiền giấy như vậy, phản ứng của người VN quả là hơi "lạ". Dù rằng tiền giấy không thể thay thế tiền đồng và sử dụng tràn lan thì dễ gây mất kiểm soát, nhưng "bài trừ tiền giấy" với lý do "giấy không có giá trị" và dùng hình thức trao đổi hàng thay thế thì bộc lộ ra rằng nền kinh tế này mang tính chất tự cấp tự túc hơi cao.

Thời Tống, ngoại thương TQ cũng rất phát triển. Ghi nhận được chừng 50 nước có quan hệ buôn bán với Tống như "Ceylon, Langkasuka, Mait, Samboja, Borneo, Kelantan, Champa, Chenla, Bengtrao, Java, India, Calicut, Lambri, Bengal, Kurum, Gujara, Mecca, Egypt, Baghdad, Iraq, Aman, the Almoravid dynasty, Sicily, Morocco, Tanzania, Somalia, Ryukyu, Korea, and Japan". Ghi nhận có Chân Lạp, Champa nhưng không có VN.

Chiều dài của thời Tống trải hết thời Lý cho đến đầu thời Trần, và phản ứng của dân chúng thời Hồ cho thấy người VN vẫn còn xa lạ với thứ gọi là "thương nghiệp". Tuy nhà Hồ có đánh thuế thuyền buôn, nhưng thuyền thượng đẳng cũng chỉ có 5,10 quan thì so với tiền thuế thuyền buôn thời chúa Nguyễn chỉ là... buôn vặt.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.