Đọc sơ qua quá trình hình thành của phát xít Nhật, có mấy điều khá là hứng thú.
Tại sao lại gọi là phát xít, theo nghĩa gốc của từ này là "bó" hoặc "nhóm", với các đặc trưng là nhà nước chuyên chế độc tài, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chiêu bài hướng tới tầng lớp thấp, chủ trương chống lại tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến "dân tộc"... Như mục tiêu chính của phát xít Nhật là Trung Quốc, giống Đức với Do Thái. Nhưng tại sao lại là TQ?
Điều này cần nhìn ngược lại về những năm tháng đầu của Minh Trị Duy Tân, hay thậm chí là xa hơn nữa. Đầu những năm Minh Trị, NB bị châu Âu tấn công, buộc phải mở các cảng, để người Tây vào hoạt động, và từ đó dẫn đến cải tổ chính phủ. Thật ra, điều mà NB làm là điều mà hầu hết các nước châu Á cũng làm. Ngay từ năm 1862, TQ đã cử hơn 100 học sinh ra nước ngoài học, tập trung phát triển quân đội. Nhưng "lợi thế" của NB trước hết phải nói, chính là điều mà NB hay than nghèo kể khổ: Đất đai chả có gì để mà cướp. Ngoại trừ nguyên nhân chủ quan do mâu thuẫn trong nước, TQ phải chịu sự khống chế của hơn 5 nước Tây phương, mà kẻ nào cũng lăm le lấy hơn phần được chia - Ví dụ như Pháp chọn cách đánh VN để chọc vào mạn Vân Nam. NB, một khi đã chịu "đầu hàng", lợi dụng được chính những nước Tây phương chiếm đóng chia sẻ công nghệ, phát triển cầu đường, buôn bán... Mà quan trọng nhất, Tây phương lấy NB làm căn cứ đóng quân để tấn công các nước châu Á khác. Đất NB không có tài nguyên, chỉ có vị trí chiến lược là quan trọng.
Bước ngoặt lớn của NB chính là cuộc chiến Pháp Trung - khởi nguồn từ cuộc xâm lược VN của Pháp. Pháp và TQ đánh nhau ở Vân Nam, NB đột nhiên tấn công vào Triều Tiên, buộc TQ phải rút lui, nhường VN cho người Pháp. Ngay trong năm sau, NB cùng Pháp ký kết hiệp ước liên minh, Pháp cung cấp thuyền chiến, khí tài cho NB, đổi lại là NB khống chế biển Đông của TQ. Nhận thấy "mối lợi" to lớn này từ NB, đồng thời e sợ Pháp "1 mình ăn cả" giống Hà Lan từng làm với Ma Cao, các nước Tây phương cũng đồng loạt cởi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng để lấy lòng NB. Sự "hợp tác cùng phát triển" của NB với Tây phương lên một tầm cao mới, để NB trở thành quốc gia phát triển nhất châu Á bấy giờ.
Vị thế mà NB có được chính là nhờ "chống-Trung-Quốc", từ vị trí chiến lược bị động, NB đã tham gia vào công cuộc tiến chiếm châu Á của các nước Tây phương.
Ngày nay, có người đã đặt lại vấn đề về hành động của triều Thanh dưới trướng Từ Hy thái hậu. Việc ra sức kiểm soát, khống chế đến mức cực đoan các yêu cầu "cải cách" ảnh hưởng đến quyền lực triều đình liệu có phải chỉ là "thủ cựu"? Khi ngay cả cuộc vận động của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cũng do NB hậu thuẫn? Với sự xâm lấn của các nước phương Tây vào miền Nam TQ, sự phân quyền của triều đình có thể dẫn đến tình trạng cực kỳ bất lợi, như đã thấy sau cuộc Cách mạng Tân Hợi. Các thủ lĩnh địa phương, dòng tộc có thể cát cứ, phân nhỏ quốc gia, và TQ sẽ trở thành mồi ngon cho Tây phương nhấm nháp từng miếng.
(- Thực ra, tình trạng "chia để trị" này cũng đã thấy ở VN. Một khi mất đi sự kiểm soát, khống chế từ trung ương, các vùng lãnh thổ bị Pháp phân nhỏ dễ dàng, nuốt chửng từng miếng.)
Ngay cả Khang Hữu Vi, vào thời gian sau đó, cũng đã nhận ra thế bất lợi, không còn yêu cầu TQ "canh tân" triệt để, mà đặt ra đường lối quân chủ lập hiến cho TQ.
Quay lại NB và TQ, hai nước này đã có lịch sử lục đục lâu đời quanh vấn đề Triều Tiên. Nhiều lần đánh Triều Tiên bị TQ chặn đường, trong tiềm thức NB, TQ chính là cản trở lớn nhất cho công cuộc bành trướng vào đất liền. Hay nói cách khác, NB cổ đại vừa sùng Hoa vừa bài Hoa. Từ những ngày người NB sang triều Đường học hỏi tất cả phong tục, quy chế cho đến chí cách ăn mặc ở của nhà Đường, NB đã tiếp thu hầu hết các tư tưởng của TQ, trong suốt các tiến trình lịch sử. Ngay cả trong thiên "Thoát Á luận", Fukuzawa Yukichi kêu gọi cải cách, bài Hoa bằng một câu sặc mùi Mạnh Tử "Xã tắc thứ chi, quân vi khinh" - nước nhà là trọng, chính phủ là phụ. Ngay cả những "tư tưởng tân dân" của Nho học NB cũng khởi nguồn từ những chí sĩ nhà Minh đem sang.
Nhưng đồng thời, vì vậy, trước sự thay đổi của thời thế, tư tưởng này trở thành trở ngại lớn nhất của NB - không chỉ trong lĩnh vực tinh thần. Trong tiềm thức, NB xác định sự lớn mạnh của mình là "vượt qua TQ". Và ngay khi vừa đủ sức, NB thực hiện ngay "khao khát" hàng ngàn năm của mình: Đánh Triều Tiên vào 1894.
Điều này có thể thấy trong thiên "Thoát Á luận". Trong đó, coi "TQ và Triều Tiên chẳng hề giống NB", "chúng ta vượt hơn hẳn họ", vưn vưn và vưn vưn. Nói chung là mùi tự sướng bay cao ngút trời. Và để xác định vị thế thượng tôn, cần tấn công Triều Tiên và TQ. Tư tưởng TQ đã lỗi thời, cần tiêu diệt TQ để "cải cách" châu Á được rộng khắp.
Nhưng dù Fukuzawa Yukichi hiện tại có nổi tiếng đến mức nào, "Thoát Á luận" khi được phát hành không có ai nhìn tới. Chỉ vào 48 năm sau, cùng với lúc quân đội chiếm chính phủ, thành lập chính quyền quân sự phát xít, bài viết này mới được lôi ra, trở thành tư tưởng chính yếu, kim chỉ nam của NB. Cũng chính là tư tưởng mà NB loan truyền toàn thế giới, tới những nước xung quanh, những người tìm tới NB để tìm phương cách duy tân.
Và hiện tại, Fukuzawa Yukichi cùng "Thoát Á luận" được coi là phương tiện chính của chủ nghĩa phát xít Nhật.
Sự bài xích điên cuồng của phát xít Nhật với người TQ không chỉ nằm ở phương diện tinh thần như Đức với Do Thái - Dù cũng đặt trên một vị thế "thượng tôn", "ưu việt" tương tự - mà còn trên vấn đề kinh tế, chính trị. Đến khi lớn mạnh, NB bắt đầu tìm cách bành trướng theo đúng lối của các nước Tây phương. Nhưng ngoại trừ Triều Tiên, tất cả các vùng đất khác đã "có chủ". Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I, NB đụng độ với Nga nhưng không giành được lợi thế trên các hòn đảo phía Bắc. Thế lực phương Tây quá mạnh, NB không thể một mình chống thực dân - Thế là, một lý thuyết nhân sinh mới ra đời, đặt NB thành một vị cứu tinh của châu Á, kêu gọi dân chúng các nước châu Á ủng hộ đế quốc Nhật để đối kháng với phương Tây.
Nhưng ở khu vực Đông Nam Á này, ở đâu lại chẳng có người TQ? Người TQ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội ĐNÁ, thậm chí là thành phần quan trọng nhất. Phát xít Đức giết người Do Thái để chiếm tài sản, phát xít Nhật cần tiêu diệt TQ để đạt tới những thứ to lớn hơn.
Tất cả những điều đó được ngụy trang bằng tư tưởng "Thoát Á luận", bằng bài trừ Hán học, vứt bỏ Nho học "cũ kỹ lạc hậu" và vân vân những thứ tương tự.
Và NB, "khởi nghiệp" bằng cách bán đứng các quốc gia châu Á, lại tự cho mình thành cứu tinh của châu Á.
---
Câu nhận xét về đường lối của Phan Bội Châu "tiễn sói cửa trước, rước cọp cửa sau" không phải là không có lý. Sống trong thời đại ấy, với những biến động, xung đột của 2 quốc gia TQ-NB, người đương thời chắc chắn nhận biết được sâu sắc hơn những gì người ngoài nhìn vào. Dù trong thời kỳ hoạt động của PBC, NB chưa trở thành phát xít, nhưng con đường này chỉ là sớm muộn.
Ngay cả Lương Khải Siêu cũng khuyên PBC không nên cầu ngoại viện. Và NB cũng đã "bán đứng" VN lần thứ 2 vào năm 1908, ký kết hiệp ước cùng Pháp đuổi tất cả du học sinh về nước, đổi lại là NB được sang Đông Dương buôn bán, làm tan rã hoàn toàn phong trào Đông Du.
Ai tin được khẩu hiệu "châu Á cùng tiến" của NB thời gian này đúng là ngây thơ số một.
---
Thật ra mọi loại sách đều cần xem xét giá trị thực tiễn của nó chứ không phải "giá trị truyền miệng", bơm vá. Cũng như cái nhà cần xem có bền đủ để ở được không chứ không phải do ai xây.
Vẹt nhà thư sinh thì nói chữ, vẹt ngoài chợ thì chửi thề. Nhưng chung quy vẫn chỉ là con vẹt.
---
Nhiều khi cảm thấy người VN rất "ngây thơ", rất "dễ bị tổn thương". TQ bán đứng mình cũng kêu, mà cả Cambodia quay lưng cũng hậm hực. Xin lỗi, tình thế ra như bây giờ cũng bởi "không-giỏi-kinh-doanh", bị đá như quả bóng ở giữa. Nào "anh cả", "anh hai" rồi anh em, hàng xóm, đến lúc không như ý thì lại gào.
Thật ra NB, hay ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc... cũng là ví dụ cho câu "khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống". Thôi hậm hực kể tội thằng này thằng kia bán mình đê, đứa nào bán được có giá thì đứa ấy giỏi.